Ninh Chữ
( 1938-198?)
bài của CAO THẾ DUNG.
Tên thực: Tạ văn Ân, sinh tại 1938 tại Hà Nội . Qua đời năm 198?
tại tp. HCM. * -( * BT)
Đã có thơ đăng báo trên : " Mai, Văn Học, Thời Nay, Hiện Đại, Hoa Nắng ( Paris), Sống ( giai phẩm )...
Đã xuất bản:
"Tuổi đời " thơ, Saigon 1962- " Miền lưu đầy" ,thơ, Đại Nam văn hiến Saigon, 1963)-
" Tầm Gửi ", thơ, Saigon 1964)- "Ngôn ngữ ", thơ, Saigon 1968)...
Ngộ nhận và thành kiến vốn là bản chất nhân loại. Cả hai đều đáng ghét, nhưng không thể làm cho nó tiêu tan, ma chiết. Chỉ một việc đọc thơ không thôi, người ta cũng dễ dàng ngộ nhận và thành kiến , từ chỗ đứng của người làm thơ. Đọc thơ Ninh Chữ, chúng tôi cũng bị ảnh hưởng lây, bởi ngộ nhận và thành kiến từ một số thân hữu. Nhưng rồi một buổi, đọc lại thơ ông - tại một miền xa xôi heo hút- bên hồ Lạc Thiện ( Darlac) - bỗng dưng, tiếng thơ Ninh Chữ thật bén nhạy, bắt vào cảm quan người đọc từ lúc bấy giờ:
Dạng chiều ủ nét đơn sơ
Với tay năm ngón dây tơ trên đàn
Trầm cung chìm nhạc lối mòn
Vi vu quán gió bên cồn cát xa
Mây từ quan ải băng qua
Tiếng cười Do Thái thiết tha tìm về
Quê hương khuất nẻo trời mê
Chắt chiu nối tiếc câu thề mà đau
Xót xa đường lạnh đêm cầu
Cô đơn trải bước chiều sâu đo buồn .
( Buồn Do Thái -" Tưổi đời" ).
Qua bài Buồn Do Thái, ta thấy thơ Ninh Chữ không thiếu một khả năng truyền đạt của hồn thơ trong hơi thơ của một người lấy thơ tiêu dao cho qua nỗi buồn của ngày tháng. Thơ ông nhiều bài" rất được' , vì nắm được yếu tố truyền cảm của ngôn ngữ thơ, và đặt nó theo một phong thái mới của thời đại mới.
Qua một số bài lục bát, cách cấu tạo thơ có vẻ chịu ảnh hưởng sâu nặng từ lục bát Cung Trầm Tưởng- nhưng ông vẫn biết tạo cho lục bát của ông những đường nét riêng- tuy không độc đáo, không hoa gấm; nhưng vẫn bàng bạc một không khí của thơ có hồn thơ. Bài Thời ái ân, qua thể 7 chữ- tôi cho là bài
thơ hay nhất của Ninh Chữ. Nói là hay nhất, vì nó đã phát hiện được đủ thể chất trung thực của hồn thơ ông bằng một nồng độ nhiệt tình yêu dấu:
Một chút hương lòng em trao anh
Khóe mắt ngày xưa ôi ngại ngần
Trong mơ nghe gió hồn lên mạnh
Và tiếng buồn rơi trong mênh mông
Con chim thời nhỏ bay ngang rồi
Mùa đông trời thêm rét thương ôi
Bao nhiêu hờn tủi bao nhiêu lệ
Đêm trắng khuya già qua đơn côi
Chỉ một lần em gọi tên anh
Một lần môi say rượu đêm rằm
Anh nằm trong khối sầu trưởng nhớ
Phố cũ hè xưa đâu dấu chân
Đèn một đêm nào soi chung bóng
Cho anh nhìn kỹ mắt em sâu
Cho anh hôn nhẹ trên môi ấy
Đời hết yêu rồi thôi thương đau
Còn một đêm em thở hơi anh
Ngày mai xa cách buồn riêng mình
Anh về xin đốt bao hoài niệm
Thời đó quên rồi thời ái ân.
( Thời ái ân).
Đây là tiếng nói của thơ phát hiện từ chân dung của một khách thơ bất an trong cơn tỉnh mộng. Tuy vậy, Ninh Chữ là một nhà thơ chư có may mắn nổi bật một cách dễ dàng như nhiều thi nhân đồng một tuổi thi ca với ông- gai đoạn 1962- thi phẩm thứ nhất của Ninh Chữ ra đời- song đã chìm vào quên lãng, khong ai nhắc nhở, và như cố tình coi Ninh Chữ không phải một thi nhân đúng nghĩa. Sự thực thì Ninh Chữ là một nhà thơ, có đầy đủ tâm hồn, có rung động phóng túng. Thơ ông không có kỹ thuật cao, và một chiều sâu, khởi từ ý thức của thơ. Nhưng đọc hết Tuổi đời, thì những bài thơ mới nhất - thì ai cũng phải nhận ra rằng: thơ Ninh Chữ chất chứa một sinh lực trong từng cơn yêu dấu qua thơ- và một khao khát luôn luôn thăng tiến. Thơ ông không phải là những bản tình ca muôn điệu, cũng không là những day dứt trong thao thức khôn cùng. Thơ ông giản dị như một lời nói thực, một mơ ước đơn sơ mà vẫn chất chứa khát vọng thực của một con người lúc nào cũng với tầm tay lên cao tìm lấy hiện thân mình:
Khi những con đường trở thành hoang vắng
và mùa đông rũ buồn với ngàn lá dsa62u rơi
khi anh cô đơn và tâm hồn đau khổ
và mùa thu mưa rơi mưa rơi những hạt lệ dài
Khi bóng anh chon von trên triền vực thẳm
và em ngồi đây kiên khổ từng giờ hẹn hò
khi bệnh tật giam anh trong bốn bức tường
và em buồn tiếc nhớ thời tuổi dại nguyên sơ
Khi anh lưu đày miền đất hứa thương đau
và em trơ trọi với vòng tay chờ đợi tương lai
ôi khúc sầu ca ngàn đời còn vang vọng
ôi khúc tình ca ngàn đời còn trong anh .
( Ôi khúc ca ngàn đời còn vang vọng ).
Có một điều không ai phủ nhận được - sự thành thực trong ý thức Ninh Chữ - một ý thức về bản thân - về nông nỗi thân phận mình. Ta hãy lắng nghe Ninh Chữ đối thoại với Em, hay nói một cách khác, độc thoại với chính ông, qua một trung gian bóng mờ về Em, trên thân thế xa lạ từ chính mình xa lạ với mình:
Giọng hát ngày xưa tan biến
một đời em thua thiệt
từng âm thanh trôi dần trôi dần
vào vô tận.
Mùa đông từ đàn chim đi trở về
Nghe xuyến xao trong lòng
Có bao giờ em nghe tiếng anh
ngọt ngào vuốt ve dĩ vãng
những chiếc lá buông theo chân em
một chiều tím trên ngọn đồi già...
.....................................
Bao nhiêu gió góp thành bão
bao nhiêu bão thành giông tố
bao nhiêu sầu làm hoen má
bao nhiêu nước mắt cho đầy song cô đơn
bao nhiêu tháng năm cho tràn đau khổ
Và bao nhiêu bao nhiêu...
( Quá khứ ).
Thơ Ninh Chữ xuất hiện trong sự im vắng cho nên người ta dễ ngộ nhận: ông làm thơ như đi lãng du, tìm đến thơ như thú tiêu khiển trong hời hợt, thóang chốc. Quả thực, thì sự làm thơ của Ninh Chữ, ta chỉ thấy ông chỉ muốn làm sống động phần sống thực của mình, muôn níu kéo lấy nhân thân giữa những ồn ào, chèo kéo đời thực tại. Thơ ông, tuy vẫn có cái giọng đều đều; nhưng không bao giờ rời rạc - Ninh Chữ làm thơ một cách tài tử - Nhưng chính nhờ điêu đó, thơ ông phát hiện cách tự nhiên, và ít nhất nó đã mang đủ bản chất một người khaio khát trong cơn u uẩn. Nếu nhạc là tâm thanh, thì thơ là tâm chất một con người. Con người ây, qua thơ Ninh Chữ, không phải là người " đa cùng tài tử tinh hoa phát tiết" - song vẫn là một người bất an thường xuyên trong khung ước lệ sự sống riêng ông.
Có người chê thơ Ninh Chữ thiếu chiếu sâu, kỹ thuật non yếu. Nhưng cái thiếu kia và non ấy như thế nào thì chưa thấy ai nói ra . Sự thực, thơ Ninh Chữ không thiếu chiều sâu và kỹ thuật không non yếu- để thơ không thể là thơ. Trái lại, mỗi ngày thơ Ninh Chữ càng vững vàng, qua thể cách cấu tạo, chất liệu ẩn chứa trong thơ giầu có. Nhưng thơ Ninh Chữ không đều tay. Ở thi tập Tuổi đời có bài " rất được", có bài " dở ' thật sự ! Trong một bài thơ có câu thơ điêu luyện, hàm dưỡng; lại sắp xếp cạnh câu thơ loãng, nhạt. Có lẽ, ông là người làm thơ tài tử- nên nguồn thơ ẩn hiện cái bất thường bồng bênh của người tài tử.
Nha thơ nào mà chẳng là khách tài tử ? Nhưng, chữ tài ở đây chỉ để nói đến tính cách bất thường, và thiếu sót một nồng độ xúc cảm liên tục cho thơ - tong một bài và trong toàn tập. Chính vì vậy, mà thơ Ninh Chữ luôn luôn bị ngắt quãng do nồng độ cảm xúc bất thường.
Thơ thiếu vắng năng động liên tục để đạt đến cái đẹp tòan diện cho thơ trong tương quan phối hợp giữa nguồn thi hứng, và hình tượng thơ. Bài ' Lộc Mùa Xuân' là một dẫn chứng - tuy đây là một trong số bài thơ hay của Ninh Chữ:
Và bây giờ anh có em con chim nhỏ trên cành ca hót
Tâm hồn những phiến mây trắng
Cây lá xanh tưoi, dòng tóc buông xòa
Tất cả những diễm ảo vây phủ anh
Dĩ vãng không còn gì, màu xanh dịu hiền
hiện tại đua anh vào thế giới hoang đường
những ngón tay lau non như dón mời anh
một lần tay nắm để anh được nhìn sâu mắt em
nền xanh bể cả, để anh nhìn vầng trán em bao la
Và bây giờ anh yêu em, ngọn lửa tình ái ngùi cháy
Anh chồi từ đau khổ và đem chôn chiếc quan tài kỷ niệm
trong nấm mồ quá khứ
Quên đi những tháng ngày bơ vơ
quên đi những tháng ngày tủi cực
quên đi những tháng ngày lưu đày trong sầu muộn
Và bây giờ những lần hò hẹn đem vợi cho anh
bao nhiêu đau thương
Sự hồi sinh đưa anh vào cuồng lưu đời
Thêm một lần anh được nhắc nhở tên em trong thinh lặng
Âm thanh tên em được vang dội vô hồi trong anh
Chuỗi dài ngày tháng không là gông tù giam hãm đời anh
Và bây giờ anh có em hiện hữu không thành phi lý
Nhưng lời nói không là thừa
Những bài thơ không giả dối, những tiếng ca không là sầu khổ...
...................................................................
Và bây giờ là mùa thu nhưng lòng anh không giá lạnh cô đơn
Mùa xuân nở trong anh như loài dị thảo
Tiếng nói được nhắc đi nhắc lại nghìn lần tra hỏi
Tên em được vang dội vô hồi trong anh
Bàn tay không hư vô khi tìm đến tay em
Và môi anh không hờ hững như ngày xưa mỗi lần
gắn bó trao hôn.
Ninh Chữ thường sở đắc về những bài thơ ngắn, từ 6 đến 10 câu- vì nó hợp với nồng độ cảm xúc của ông, chợt hiện một cách bất thường, tan mau tình cờ - như trời đang nắng gặp trận mưa to. Chẳng hạn:
Anh đốt tàn đêm nay nhữngđiếu thuốc đen dài
Châm đỏ lụn dần anh về nằm nghe ho7it hở
Dĩa nhạc quay tròn và tiếng hát rất cao
Anh giữ mình nỗi buồn sầu đó
Anh giữ mình anh rất nhiều đau khổ
Bước chân lặng lẽ với hàng cây đứng im
Ánh đen vàng nức nở đường khuya gió lạnh
Đôi mắt nào dõi theo những lời mời gọi
Bàn tay nào ngắn ngủi tiễn đưa đêm nay
Ngày mai trải con đường vô tận
Anh đi một mình không bóng chung đôi
( Cát & Bể cả )..
Nồng độ xúc cảm thơ ông qua" Cát & Bể cả" liên tục, không ngắt quãng -một cung bậc của nốt nhạc trầm,âm thanh cuộn lại, đi vào suốt tâm thể, rồi bốc tỏa thành chất thơ của một lần hứng khởi cao độ.[] CTD.
( trích" Văn học hiện đại / Thi ca & Thi nhân / Cao Thế Dung- tr. 285- 291 )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét