V Ư Ơ N G Đ Ứ C L Ệ
bài CAO THẾ DUNG.
- Tên thực: Lê đức Vượng, sinh 1937 tại Hà Đông. Cựu sinh viên Đại học Luật & Văn khoa saigon. Nguyên giáo sư trung học.
- Hiện là công chức, từng là trưởng Đài Phát thanh Long An.
Giải thưởng Văn chương Toàn quốc năm 1961. Đã có thơ đăng trên các tạp chí" Bách Khoa, Bông Lúa, Thời Nay, Chỉ Đạo, Văn Hữu, Tầm Nguyên ..
- Cộng tác với các báo Tân Dân, Dân Chủ, Tự Do...
Đã xuất bản:
-" Hoa Mười Phương ( tuyển tập thơ cùng 10 tác giả- Saigon 1959 .
-" 40 bài thơ" (in chung với Mai Trung Tĩnh.
-" Đường Lên Thiên Thai" ( 1962).
-" Tình thơ Vương Đức Lệ" ( 1969) v.v...
- định cư tại Huê Kỳ năm 2000 và qua đời 2008* ( * BT)
Vương Đức Lệ bước vào nghiệp thơ cùng với Mai Trung Tĩnh trong một thi tập in chung " 40 bài thơ" . Cũng ở thi tập này, 2 nhà thơ được giải thưởng văn chương toàn quốc ( 1961). Thơ của ông được nhiều thanh niên nam nữ mến mộ, nhất là giới học sinh- vì một lẽ dễ hiểu, thơ Vương Đức Lệ là thơ tình đơn sơ và nhật cảm một cách nồng nàn. Giọng thơ của ông như tiếng thì thầm của đôi lứa trong thiên cung mơ ước:
Sao em không về ?
Hay đường xa trắc trở
Cho đêm dài hoang, đèn đỏ, đèn xanh
Sao em bỏ đi ?
Sao em không về thành phố ?
Sương lam nhòa cửa sổ mịt mù sao
Anh bỏ nhà đi ngồi lì trong quán nhỏ
Nghe tim mình sầu, mình sầu bơ vơ
Mộng ước ngày mai trở thành xưa cũ
Người em áo xanh, không trở lại bao giờ ?
..........................................
Sao em bỏ đi ?
Sao em không về ?
Để mình anh gục mặt
Buốt dại hoang hôn tẻ ngắt
Hoài công anh tìm trong đáy cốc mê si
Lời nói vu vơ cử chỉ vụng về
Dang dở mầu chiều vương theo khói thuốc
Hơi thở em len trong gió loạn buồn tê
Cho linh hồn sầu đường xưa huyền hoặc
Thánh thánh linh thiêng ôm trĩu nặng vai gầy
Kiếp sống hải hồ mộng vỡ theo vần tay...
( Sao em không về ?)
Với từ điệu diễm tình và một ý thơ phong hoa, Vương Đức Lệ đã tạo cho riêng ông một bản sắc thơ trong một khả quan của nghệ thuật thơ. Tôi nói khả quan vì thơ Vương Đức Lệ phổ biến thì phổ biến thật, song vẫn thiếu chiều sâu- vì sáng tác chưa thật đều tay. Nhưng thơ Vương Đức Lệ đặc biệt là truyền cảm và hơi thơ đi vào tâm hồn nhẹ như tơ trời trong một sớm mai mùa hạ. Đọc thơ ông, ta sẽ dễ dàng mê say vỉ bị quyến rũ một cách bất ngờ. Từ " 40 bài thơ" đến" Đường Lên Thiên Thai" - Vương Đức Lệ trở thành một khuôn dáng thơ mang theo mộng ước của tuổi trẻ trong những cảm xúc bồng bềnh, trôi nổi. Đã có rất nhiều người từng chép tay thơ Vương Đức Lệ trên vở học trò, từng ghi đậm thơ ông trên những lá thơ tình mầu xanh. Chẳng hạn :
Hãy ngả đầu em lên vai anh
Nghe nhạc thần tiên suối chảy
Hãy đặt tay em vào tay anh
Buổi mai chờ nắng dậy
Đừng khiến mắt sao buồn
Pha lê vỡ long lanh
Em hãy ngoan trong vòng tay anh
Truyền cho nhau hơi thở
...............................
Hãy ngả đầu em lên vai anh
Cuộc sống hôm nay vừa dậy thì
Hãy đặt môi em lên môi anh
Mùa xuân vừa sống lại
Ngoài vườn hoa cỏ xanh
Thành phố chờ khai hội
Bầy trẻ thơ mong tiền mừng tuổi
Tương lai trong vòng tay
Trái ngon vừa tầm tuổi
Thôi tóc tang hờn tủi
Môi cười thêm ngất ngây...
( Mầu xanh )
Lời đẹp, ý thanh và hình ảnh chọn lựa vốn là đặc tính thơ Vương Đức Lệ. Thơ ông không có gì tân kỳ, tức là thiếu cái mới cho ngôn ngữ trong cách cấu tạo thơ. Ý thơ cũng không đem lại một nét lạ nào, song vẫn tươi mát và như tiếng nói tâm tình bộc lộ một cách hồn nhiên:
Mưa đã vào Thu, tháng 7 mưa, mưa buồn chi em ?
Khung vai nghiêng bóng tối trời ưu phiền
Một khoảng mây cao sương mù thấp xuống
Vùng cây xưa cúi đầu - Tôi buồn lỡ quên
Thành phố đăm chiêu ủ dột những hàng đèn
Vỉa hè vắng tanh, hành lang này mệt lả
Ôi mộng điêu tàn, hồn ru triền miên
Mưa đã vào Thu, Saigon buồn, em buồn không em ?
Loài cây sao đêm đổ là bước anh tìm
Anh về ĐAKAO lối mòn bóng tối
Từng con đường, tưng con đường, trời mù sao đêm .
( Tiếng thu - trong ' Đường Lên Thiên Thai')
Làm thơ đối với Vương Đức Lệ xem như một chuyện dễ dàng, nên thơ ông tuy cầu kỳ trong cách sử dụng ngôn ngữ và diệu vợi trong âm thanh ; nhưng vẫn tự nhiên, thành thực. Tôi nghĩ rằng dù ở khuynh hướng nào, dù kích thước ra sao, điêu quan hệ cho thi nhân là phải biết diễn đạt một cách thành thực. Có như thế, thơ mới đạt được phần tinh khiết cho thơ. Nếu thiếu tự nhiên và thành thực - thì thơ sẽ không còn là thơ. Phần ý tưởng trong thơ, tuy cân thiết, nhưng chỉ là phụ thuộc. Yếu tính của thơ - trước sau vẫn là hồn thơ và thể chất thơ trước đã.
Hồn thơ- mới là động cơ chính yếu để chuyên chở và làm tỏa rộng chất thơ qua ngôn ngữ và hình ảnh. Từ hình ảnh và ngôn ngữ , ta mới tìm được phần ý tưởng, vốn từ bao giờ cũng ẩn giấu trong ngôn từ và hình ảnh của thơ. Ý tưởng bao giờ cũng là phần CHÌM trong chất thể sáng tạo của Thi ca. Khi đọc thơ Vương Đức Lệ là tìm vào thế giới phiêu diêu của hồn thơ và thể chất tươi mát của hình ảnh ngôn ngữ thơ. Ngôn ngữ trong thơ ông chỉ là tiếng nói thông thường mang tâm sự của người say sưa theo đuổi tính ái. Cho nên, hình ảnh thơ Vương Đức Lệ cũng chỉ là hình ảnh thông thường trong đời sống của khách phong lưu. Nếu tìm trong thơ Vương Đức Lệ cái phần tư tưởng trong lẽ nhân sinh, vũ trụ , thân phận con người - ta sẽ thất vọng, vì ông là một nhà thơ ngại ngùng suy tưởng. Với ông, cuộc sống trở nên giản dị, theo con mắt nhìn lạc quan. Ông không bao giờ muốn để tâm phiền lụy đến bất cứ một chuyện gì - ngoài tình yêu. Và chỉ có tinh yêu mới là điều quan trọng - mà tình yêu đối với ông- tuy tha thiết, nồng nàn tựa hồ như lẽ sống của ông- nhưng nó cũng dê tan biến. Khi tình yêu đến, khi tình yêu đi... lúc nào thơ Vương Đức Lệ cũng vẫn tươi tắn. vẫn bay bổng mang theo chân dung cánh bướm của khu vườn đầy hoa . Vì thế mà thơ ông không khắc khoải, dày vò, không ủ ê - dù tình ái có nửa chừng lỡ dở :
Buổi sáng trời trong anh đưa em đi học
Chim chóc trên cây chúc lời ca lành
Năm ngón tay đan năm ngón tay mời anh mông ngọc
Nhạc vàng vừa lên cung xanh
Ban mai nắng lên những con đường thành phố
Từng ô cửa mở
Buồng phổi anh thơm ngâ ngất khi trời hồng...
Anh hát tiếng chim non, em ca lời thảo dã
Hạnh phúc tròn tay anh
Vườn Thượng đế nhiều hoa thơm trái quả
Vị ngọt bằng môi em
Và lành hơi em thở
Bừng nét nhạc xanh xanh
Tiếng hoan ca của những người tha hương trở về từ miền đất cũ
Hành lý tròn vai trên đường về thênh thênh .
( 17 - ' Đừong Lên Thiên Thai' )
Một bài thơ mang theo ánh sáng của thanh xuân và như lời tình tự của chim khuyên - quyến rũ ta như người khát nước nhìn trái cam tươi. Thơ Vương Đức Lệ thật tươi trẻ ! Tuy nhớ thương và cũng từng đau khổ, nhưng khó tìm cho ra trong thơ ông cái nét âm u của chán chường, tuyệt vọng. Nhà thơ không quá lạc quan yêu đời , nhưng cũng không bi quan vàng võ- và như thản nhiên chấp nhận bản chất của cuộc đời - vốn vui ít, buồn nhiều. Từ đó, ông vẫn thảnh thơi theo gót lãng du , tản bộ trên đường trần gian- và thơ ông trở thành tiếng ca của người khách lãng du kia, tìm tình yêu như đi tìm trăng thu - đi vào đời như dạo chơi trong công viên, thỉnh thoảng dừng chân lại, khi chợt thấy cô đơn, ngơ ngác trong cô đơn - rồi từ đó chìm sâu vào cơn mộng:
Đỉnh buồn lên ngọn cây cao
Bướm tiên lạc lối bay vào phố xưa
Hồn hoang cung mộng dâng hờ
Mây xa chiều xế rêu mờ dấu chân
Nghe cô đơn vọng tiếng thầm
Niềm đau từ độ thanh xuân trở buồn
Hoang vu ai chết vào hồn
Vóc gầy mai một bước dần tịch liêu
Vàng bay xao xác đường chiều
Giã từ tuổi mộng trời theo dáng sầu
Ngõ về tức tưởi niềm đau
Buồn so vai nhỏ đưa vào điệu thu
Phương xa ảo giác khơi mù
Hồn xuân gót lả đôi bờ lạnh tanh...
( Hiện xưa - ' Đường Lên Thiên Thai')
Tình ý và điệu thơ trong thơ Vương Đức Lệ đẹp một cách bén nhậy, dễ dàng thâm nhập vào cảm quan khách yêu thơ trong những phút thanh thản, tiêu sầu. Tình tự trong thơ ông là tình tự của một tâm hồn nghệ sĩ, tạm đành thoát ly những ràng buộc của sự sống, không ưu tư cuộc đời., không phiền lụy vì như không liên quan- và ông sống với đời như đi trên mây, để đuổi theo một ái tình nào trong mộng. Lối sử dụng ngôn từ một cách cầu kỳ của Vương Đức Lệ làm người ta liên tưởng đến Đinh Hùng và Vũ Hoàng Chương. ta cùng thưởng thức :
Em buồn trên gối thêu
Lệ nhỏ hoen khung chiều
Thềm hoang nhiều lá đổ
Trắng trời thu cô liêu
Trái sầu thêm chín đỏ
Ủ dột miền đài trang
Rét mướt hồn cây cỏ
Mưa nhỏ giăng từng hàng...
( Mây vàng - ' Đường Lên Thiên Thai').
Ngôn từ như thế vừa diệu vợi, vừa có vẻ làm duyên văn tự - và nó đã làm cho thơ Vương Đức Lệ mất đi một phần bản chất đơn sơ - và tự nhiên vốn là bản chất chung thơ Vương Đức Lệ. Nếu đi tìm một nhà thơ của tình thơ và tươi mát trong nét hào hoa của tuổi trẻ-thì không còn ai hơn Vương Đức Lệ, vì thơ ông đã rất trẻ từ ngôn từ và chan chứa dư âm của cung bậc trong một tâm hồn trẻ trung.
Tôi nói là thơ Vương Đức Lệ là thơ tình của tuổi trẻ- vì thơ ông vốn sẵn bản chất tươi vui, trong nhẹ. Toàn bộ thơ ông không có nét thảm sầu nào, không có giọng ai oán nào... Và thảy đều chỉ thoảng theo cơn mộng của tình. Bài" Thuở tôi buồn" là một dẫn chúng tiêu biểu cho không khí tươi trẻ trong thơ Vương Đức Lệ- đó là cơn tình buồn :
Hạnh phúc tôi, Em đành tâm đốt cháy
Điếu thuốc vơi dần tuổi trẻ đa mang
Khói thuốc tan đi, mấy trắng lên ngàn
Tôi vẫn là tôi chưa tròn tuổi mộng.
Tôi muốn hủy thiêu niềm sầu cuộc sống
Cát bụi này xin trở lại hư vô
Giấc ngủ chiều tim tôi vừa kinh động
Thân thể gầy rữa mục bãi hoang sơ
Tôi còn tôi, muốn nghe mình độc thoại
Vì sao kia vừa rớt cuối phương trời
Em xa rồi tôi nghe sầu khắc khoải
Tiếng tơ lòng âm điệu mỏi buông lơi
Nghe đau thương thuở luân hồi tiếng nấc
Lời xênh ca loài đá sỏi vô sinh
Bỗng thân tan miền khô cằn mộng ước
Nghe mình cười réo gọi mãi thần linh !
Hạnh phúc tôi, Em đành tâm hủy hoại
Thuở tôi buồn tình aí mới lên ngôi
Điếu thuốc tàn dần tôi xin tiếp nối
Lời ca sầu vị đắng mới dâng môi !
( Thuở Tôi buồn - trong' Tình thơ V.Đ L.')
Thi tập ' Tình thơ Vương Đức Lệ' dày 208 trang, khổ lớn - là thi tập thứ 4 của Vương Đức Lệ- bao gồm những bài thơ sáng tác trong khỏang 5 năm. Thi tập này không có gì mới lạ , và đổi khác, so những thi tập trước. Vẫn một giọng tình thơ trong, mát dịu, như bài " Thuở tôi buồn" chẳng hạn.
Trước sau- thơ ông đều giữ được nhạc tính - một thứ nhạc êm và nhẹ như lời ru thoảng - âm thanh không sắc, nhưng trầm, tiết điệu lên cao, xuống thấp theo cung bậc trong rung cảm của một tâm hồn bình thản không có sự náo động hoặc đam mê tột độ, bất thường !. Bài" Vũng tối" dưới đây, có thể nói là một thể cách đổi mới trong tiếng nói thơ của Vương Đức Lệ. Tuy ray rứt, tuy tâm thể bất an, tuy một lòng tin cho một niềm tin nào đang rạn vỡ...- song, ý thơ vẫn nhẹ bồng, nhịp điệu thơ vẫn thoảng tiếng ca bi hoài của cơn tình mộng trên thảm xanh của thiên đường tuổi thơ vừa mất - nhưng còn dư vang theo viễn ảnh:
Từ ở đó đất trời không mùa xuân
Niềm tin ta tù tội !
Thượng Đế mất hay còn?
Từ đó ta biết chẳng chết vì cơ hàn
Mà chết vì đau tủi
Người bảo mùa Xuân ta hát, ta ca
Không ! Lời ta rên siết đó
Vũng tối chập chùng hồn ta ngủ trọ
Bạn hữu ngoài kia thương ta oán than
Bỗng nghe tiếng cười trên môi người ghê tởm
Ta kinh hoàng
Ta muốn vùng bay
Tê đôi cánh mỏi
Những trấn song và những trấn song!
Bạn hữu ta kìa mới tung bay cao
Các ngươi trông theo, trông theo thèm khát
Những muốn vùng trốn thoát
Ta ngó trời, bốn phía lặng thinh
Từ ở đó, ta không đói hạt kê vàng
Chẳng khát thèm bình nước trong
Ta đớn đau vì xúc phạm
Ta điên cuồng ta mất mùa Xuân
Ta mất tự do - ta mất cuộc đời
Khoảng trong xanh ta bay thôi không mong gì giang cánh
Khu vườn cây hoa trái từng mùa.
Ta mong gì thấy nữa !
Từ ở đó ta không bao giờ làm tổ
Ô ! chỗ cọng rác thô sơ
Quanh cửa tổ đâu cành xum xuê lá ?
Đâu gió hiền ban mai ?
Đâu mùa xuân nắng ấm ?
Ta thức giấc nghe tiếng các người cười nói gớm ghê
Lòng ta sầu, lời ta không muốn ngỏ
Những con mắt tò mò nhìn lông cánh ta trầm trồ
Ta muốn truyền bay khung trời chưa sáng rõ
Ta cuồng điên bốn bức tường ngăn
Ta đã chết từ khi ta ở đó !
( Vũng tối- trong' Tình thơ VĐL'
Nếu Thơ là phản ảnh trung thực cho tâm hồn và đời sống của thi nhân- thì thơ Vương Đức Lệ là tâm hồn và đời sống của ông - môt con người, như lúc nào cũng vô tư, vô lự, và xem đời như một cuộc vui! Nhà thơ đứng trong đó thưởng ngoạn và đuổi theo từng con mắt trong xanh của một giai nhân nào đó trong từng cơn tình mộng.
Thơ Vương Đức Lệ là cơn mộng vậy. Cơn mộng của khách tình si bâng khuâng giữa cánh đồng bao la của tình ái, đầy những lời chào đón nồng nàn. [] CTD.
( trích- Văn học hiện đại / Thi ca & Thi nhân / Cao Thế Dung- tr.229 - 238).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét