Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013
năm chương tự ngôn - triều đẩu - kỳ 5
năm chương tự ngôn 5
triều đẩu
Trong giới văn học Pháp , vào 1961, đã xảy ra một vụ án văn nghệ, trong đó nhà văn De Montherlant, tác giả nhiều truyện đã xuất bản và được vào Hàn lâm Viện Pháp, đã bị công khai mổ xẻ. Sau khi kịch Le Cardinal d' Espagne của ông đang trình diễn - bị một số thanh niên la ó và vứt chất bẩn, phải bỏ dở, gián đoạn. Một số văn gia và phê bình gia có uy tín đã phê bình ông gắt gao. Họ đã hạ những câu sau đây:
- Có thủ đoạn lừa bịp mỗi ngày mỗi tăng.
- Đó chỉ là một tứ văn si tỉnh lẻ.
- Những tác phẩm được dưng một cách rất giả tạo.
De Montherlant từ trên 10 năm nay đã đều đặn cho xuất bản một số lớn tác phẩm từng đương thời được báo chí nhắc nhở. Hơn nữa, được bầu vào Hàn lâm Viện Pháp, ông đã trở nên một trong số 40 vị bất tử hiện nay của nền văn học Pháp. Để rồi bất ngờ, ông đã chịu búa rìu của một thực thể vô tư và sáng suốt, không lầm bao giờ - vì đã được đãi lọc qua thời gian kinh nghiệm và không hề có ác ý, bởi vì là tiếng nói của thiên lương, ấy là công luận.
De Montherlant đã không chân thành với mình với người chăng, khi cầm bút ? Đọc những lời phê bình ông, chúng ta thấy có đoạn tố cáo ông đã viết chỉ vì háo danh.
Dầu sao công luận đã lên tiếng ngay trong lúc sinh thời của tác giả mà chẳng phải chờ sau khi ông đã chết và nắp quan tài đã đậy như thường tình.
Đã từ lậu, riêng tôi, mỗi khi cầm bút, ghi một dòng chữ trên trang giấy, tôi đã bất giác phải coi chừng một người nào đó. Người này có thể tôi đã quen, chưa quen, hoặc không bao giờ quen. Song tôi biết rằng người đó sáng suốt, hiểu rộng, vô tư, có thể có độ lượng mà không mềm yếu. Đó là người thức giả.
Sự coi chừng người thức giả đó, bất cứ giờ phút nào đã khiên cho tôi cố gắng, thận
trọng mỗi khi sáng tác. Người thức giả có lẽ cũng là một hình thức sống kết tinh của công luận,. Rồi thì trên một tầng nữa còn những hồn thiêng liêng, những anh linh anh hùng liệt sĩ đã từng hy sinh cho đất nước. Tất cả đều chứng giám những cố gắng, những sự gom góp của những kẻ đến sau trong công cuộc chung xây dựng và duy trì nước Việtnam.
Người xưa đốt trầm thắp hương mỗi khi đọc sách viết văn, tưởng đã muốn hòa mình vào cái đại khối tinh thần liên tục và thiêng liệng đó. Để rồi nhận chân sứ mệnh cao cả cùng trách nhiệm ghê gớm của việc làm văn nghệ.
Cho nên trước sau, yếu tố căn bản ở đây vẫn là chân thành. Văn nghiệp của De Montherlnat tưởng vĩnh cửu đã bị định lại giá trị, có lẽ vì thiếu yếu tố chân thành chăng ?
Văn nghệ đã bị lợi dụng làm phương tiện mưu danh lợi như ở một thế nhân. Những hồn thiêng đâu có chứng giám. Khi những cái gì thiêng liêng, đã bị lợi dụng, căn nhà tránh sao khỏi lửa cháy. Và những mặt chuột sẽ lộ ra ...
***
Trên đây, tôi đã chỉ nhắc lại một sự kiện văn học đăng trên tờ Arts số 815, từ 29-3 đến 1-1-1961. Bởi vì nhận định một người Tây phương, dầu thuộc giới chính trị và quân sự như Nã- Phá- Luân ( Napoléon) hoặc văn nghệ như De Montherlant , theo bình diện của người Đông phương chúng ta, thì như tôi đã có dịp nói -- sẽ khó mà hoàn toàn xác đáng được. Hoàn cảnh, tập quán những điều kiện lịch sử và tôn giáo đã ảnh hưởng nhiều trong sự nhận định. Cho nên, tôi đã chỉ rút ra một bài học, một kinh nghiệm. Như tôi đã có dịp trình bày ở những đoạn trên, ở văn nghệ, yếu tố căn bản là lòng chân thành. Thành giả vật chi chung thủy, câu này trong sách trung dung có nghĩa là Thành là cái gốc của muôn vật.
Nói riêng trong lãnh vực văn nghệ, chân thành là tinh thần, bài văn chỉ là hình thức. Thiếu chân thành, bài văn chỉ là một thứ bã giả, một thứ văn chết mà thôi.
Tôi trở lại giai đoạn 1952 ở Hànội, khi tôi bắt đầu cho xuất bản cuốn Trên vỉa hè Hànội.
Vốn là người thường thường đã để nhiều thì giờ vào việc dạo phố phường và đặt trọng lượng vào cuộc sống bên ngoài, tôi đã xây dựng truyện Trên vỉa hè Hànội trong hoàn cảnh loạn ly và giao động của người và vật.
Định mệnh đã ít nhiều dúng tay vào những sáng tác ban đầu này chăng ?
Về sáng tác, tôi vẫn chủ trương rằng điều kiện vượt thời gian lẫn không gian, tuy rằng vu khoát, song trước sau cũng chỉ là một vấn đề hành văn. Và lời văn, lối viết, mới là yếu tố quyết định sự thành công của một sáng tác văn nghệ.
Đọc những dòng sau đây ở tạp chí văn học Pháp Les nouvelles littéraires, tôi thấy hợp với quan niệm của tôi về cái gì gọi là hình thức và nội dung :
"... Những nhà văn không có bút pháp sớm bị bỏ quên, dầu rằng ở họ những tư tưởng có cao quý hoặc đặc biệt đến mấy. Một ý niệm diễn đạt dở là một ý niệm sai lạc. Nói như vây, là độc ác lắm, nhưng sự thật là thế.
" Chúng ta phải yêu chuộng sự thật. Những suy tưởng cảm nghỉ của một thời đại sau đây sẽ chỉ tồn tại như những đồ cổ vô giá trị đội chút về phương diện lịch sử mà thôi. Một cây bút tầm thường đã chỉ nhìn thấy về một phía, cho nên đã chẳng nhìn thấy gì, bởi ví phía ấy chẳng có gì đáng chú ý . Trái lại, những đại bút vẫn phóng tầm con mắt xa hơn tới cái nơi đang diễn vĩnh cửu đều đều mà luôn đổi màu sắc cái quang cảnh linh động đầy vẻ kỳ thú của những ý niệm đại cương ... "
Lẽ dĩ nhiên, nêu cao ở đây, tầm quan trọng của hình thức, của bút pháp; tôi đã chỉ đứng trong phạm vi thu hẹp sự so sánh với nội dung, với những tư tưởng chứa đựng và bất luận tỷ lệ ở tinh thế của nền văn nghệ nước nhà. Có những cốt truyện ly kỳ, có những tư tưởng siêu đẳng hằng chi phối những nhân vật tiểu thuyết, song song với những phát lộ vê tình cảm quá cỡ, tất cả những cái đẹp, lạ ấy đã đến trước mắt tôi, thườngt hường qua bản dịch những sáng tác quốc tế má hương thơm phảng phất như gần như xa. Hoặc cũng được thấy trong những sáng tác việt ngữ, như một vinh dự của xứ sở. Vậy thì, phủ nhận sao được phần giá trị và quan trọng quyết định của nội dung, của tư tưởng ? Song chính cái điểm hi hữu, riêng đối những sáng tác việt ngữ đã cho phép chúng ta giữ nguyên lập trường đề cao bút pháp. Và bút pháp cùng lối hành văn phải là những yếu tố xác định giá trị một nhà văn.
***
Khi viết những truyện ngắn kia, tôi đã chỉ làm nhiệm vụ một người trong nhóm mà chưa hề có ý nghĩ, sau này xuất bản thành sách. Lúc ấy, đến với tôi có sách in, là điều vượt quá sức ước mong của tôi. Va một Lê Văn Trương , một Nhất Linh , một Khái Hưng hay gần tôi hơn, một Ngọc Giao, trước con mắt ngây thơ của một kẻ mới vào nghề như tôi, là những nhân vật xuất chúng được Thượng đế đặc biệt ưu đãi.
Còn tôi, từ bậc thang đầu bỡ ngỡ và vụng về, mặc dầu đầy hăm hở, hy vọng và tin tưởng -- tôi ngước mắt lên chiêm ngưỡng các bậc đàn anh ở vút tận trên cao để mà vừa thán phục vừa thèm thuồng. Làm thế nào để có canh chắp bay lên cùng, bởi vì ở đây, chỉ là những bậc thang đều và chắc phải lần lần và kiên nhẫn leo lên, nếu không muốn bị loại lưng chừng. Cái thang văn nghệ này đối với một kẻ mới vào nghiệp đầy ảo ảnh sẽ biến thành cái cầu vồng 7 sắc như có dịp tôi đã nói. Và như vậy, những bước leo trèo lên, lại càng rộn ràng khó khăn. Ngã rớt có thể là những cái trớ trêu của định mệnh.
Tuy chưa có y định sẽ cho in thành sách, tôi cũng nghĩ, nên dựng những truyện ngắn kia, dưới cùng một nhan đề Trên vỉa hè Hànội. Vỉa hè Hànội sẽ là nơi dàn cảnh cho những tác động phưc tạp của những nhân vật cũng phức tạp giữa thời kỳ ly loạn lịch sử. Tản cư, hồi cư hay ở lại Hànội, đều là những hình thức giao động mãnh liệt để ảnh hưởng rất sâu xa tới tính tình, tư tưởng, nếp sống của những người dân, những nạn nhân của thời cuộc. Các truyện ngắn của tôi bắt nguồn ở người và việc thuở ấy.
Tiếp theo, tôi có viết một truyện dài, nhan đề Tranh tối tranh sáng, cũng đã đăng trên tờ Thế kỷ và đồng thời đăng rải rác một số tạp văn phê bình, hồi ký, v. v. .. Do hoàn cảnh thuận tiện cùng ít nhiều điều kiện may mắn, tôi đã cho xuất bản truyện dài Tranh tối tranh sáng và một tạp văn tạp bút dưới nhan đề Lá thư Hànội. Lời hành văn trào lộng châm biếm cùng những tư tưởng mới và cách dùng chữ táo bạo của tôi đã hấp dẫn một số trí thức và anh em quân nhân ham học hỏi cùng những học sinh lớp trên.
Trên vỉa hè Hànội in ở Hànội đầu năm 1952, tính đến nay đã được 10 năm.
Khoảng thời gian này có thể coi là tạm đủ chịu thử thách, để đánh giá trị tinh thần của nó. Sách in ra từ lâu, nhưng tôi vẫn không nghĩ tới việc tái bản. Đối với tôi, thai nghén và sinh đẻ trong tình trạng con so, nó đã theo thứ tự là đứa con trưởng với tất cả những tính cách riêng biệt, những đặc điểm tự nhiên của một trưởng nam trong một gia đình lương thiện. Đứng đắn đến mức khắc khổ, đôn hậu có thể ra ngờ nghệch và ít nhiều tài hoa do nếp nhà, đứa con trưởng ấy đã giữ vững được thanh thế và danh dự cho đấng sinh thành. Và từ đấy, mỗi khi nói đến tôi, người ta đã chỉ nhắc có Trên vỉa hè Hànội. Hoặc trái lại, khi nào nói truyện Trên vỉa hè Hànội, hay chỉ vỉa hè điên hình thôi, người ta liền nhắc ngay tới Triều Đẩu.
Tranh tối tranh sáng, truyện dài ra đời năm sau , 1953. Đúng như nhan đề, không gian nửa tối nửa sáng và 1 thời gian chừng đã xế chiều. Đó là 1 mới những chuyện trái nghịch xấu xa độc ác đã xảy ra trong thời loạn ly. Hai người lấy nhau theo giao kèo hoặc điều kiện. Chủ nhà chửi và đuổi người thuê. Sách in xong, tôi đã quảng cáo trên tờ
Tia sáng hồi ấy có nhiều độc giả hơn cả mấy dòng khác thường:
" Loạn thế độc thư . Bạn hãy đọc Tranh tối tranh sáng , truyện dài của Triều Đẩu - Lê Quang Vinh tổng phát hành -- Bìa do Bùi Xuân Phái, họa sĩ trình bày ,với hòa có nghệ thuật nét chữ và mầu sắc, không cần hình vẽ sặc sỡ loe loạt như thường tình. "
Quảng cáo rồi, sách có lẽ đã được hoan nghênh.
Theo một người bạn kể lại, có một độc giả vô danh cất công từ Sơn Tây đi xe hàng về Hànội, với mục đích duy nhất là mua 1 cuốn Tranh tối tranh sáng .
Tôi đem bầy mấy chục cuốn tại tiệm sách lớn Mélanges phố Tràng Tiền chuyên môn bán sách, báo ngoại quốc mà đều có người mua hết cả. Nhà thơ Ph. L.T. ( Phan Lạc Tuyên ) hồi ấy là trung úy Lục quân đồn trú trongt ình trạng cô lập ở Lai Châu, đã nhờ 1 bạn ở Hànội mua giùm 1 cuốn và sách đã được gửi tới anh, do máy bay thả dù. Mãi về sau di cư vào Saigon, trong buổi tối tới thăm tôi tại xóm Ọẹc, anh mới cho biết câu chuyện gửi sách hi hữu và kỳ thú như vậy. Ph. L. T. vốn thích lối viết của tôi.
Cuốn Tranh tối tranh sáng mà được anh sốt sắng mua, biết đâu không phải do ảnh
hưởng của Trên vỉa hè Hànội . Người con trưởng vẫn là cột trụ tinh thần của cả gia đình và có thể trong nhiều trường hợp, lảm đẹp mặt các em.
Song vốn là những bài báo đăng kỳ, dưới hình thức truyện dài trên tờ Thế kỷ và viết theo nhu cầu cấp bách, tùy theo cảm hứng, giai đoạn. Tranh tối tranh sáng chỉ là nhan đề đặt ra , khi tập tạp văn được in thành sách cho một mớ sự kiện và tình tiết lộn xộn xếp đặt gượng gạo không duy nhất[ đồng nhất * ] . Tác động không sôi nổi lắm và bố cục lỏng lẻo không hợp với nguyên tắc thông thường dựng một truyện dài.
"... Có những trang lời văn rất đẹp, giọng văn trầm trầm như tiếng đàn, bên cạnh cả một đoạn dài rất tầm thường lại đầy rẫy những lỗi chánh tả..." -- lời phê bỉnh của Song Nhất Nữ - Tranh tối tranh sáng đã chì là một công trình ngông và phiêu lưu. .."
Về kỹ thuật dựng nhân vật tiểu thuyết, tôi nhớ, có đọc bài định nghĩa của Georges Simenon :
" Một nhân vật tiểu thuyết ? Trong cuộc đời, đó là một người như bất cứ ai, nhưng đã bị đẩy vào một thế cùng cực của trạng thái tâm thần ".
" Ở mỗi chúng ta vẫn có lòng ham muốn thường tình, nhưng bản năng và những khả năng hiện hữu. Do những nguyên nhân phức tạp về giáo dục tính tình nhu nhược, sợ sệt pháp luật v. v. ... chúng ta không dám để thả lỏng những ham muốn và những bản năng kia . Song đùng một cái, một sự kiện xảy ra đưa chúng ta vào một tình thế cùng độ và chúng ta sẽ trở nên những vị anh hùng, hoặc chỉ là đồ chó chết . Như vậy, chỉ cần dựng nhân vật mà ta biết rõ , sống hẳn với chung ta và tung chúng ta vào những trạng huống nào đó, như táng tóc, chia gia tài, tai nạn; bất cứ một việc nào xảy ra để bất thình lình làm xáo trộn cuộc sống của chúng..."
( trích trong Pédigré / Georges Simenon )
Sinh mỗi năm 1 con, người đời gọi là sinh năm một. Đó là trường hợp Lá thư Hànội xuất bản ngay năm sau, 1954 -- cái năm lịch sử khốc liệt, bởi vì có hiệp định Genève chia đôi đất nước, với cuộc di cư đại quy mô, khiến cho bao nhiêu gia sản bị tiêu tan và một cuộc sống đấy bất trắc.
Sinh chẳng gặp thời, Là thư Hànội đã chẳng kịp phát hành để đến tay bạn đọc. Xếp cả vào rương để gửi vào Nam cùng với những hành lý đồ đạc di cư khác. Riêng cái rương đựng Lá thư Hànội đã bị mất mà không một ai trách nhiệm để định sự bồi thường. Thôi đành gửi ở đây mấy kỷ niệm vui để tưởng nhớ Lá thư Hànội. Sách tuy ra đới 1954, nhưng gồm những bài viết từ năm 1950. Có những bài về văn nghệ có tính cách hoàn toàn thời sự. Thí dụ bài phê bình sách Đồi thông hai mộ. Cuốn sách bằng văn vần này rất tầm thường mà được Việtnam Văn hóa Hiệp hội ngợi khen và tặng gỉai nhất trong cuộc thi văn chương. Hội văn hóa này do cụ Bảng Mộng làm hội trưởng và có một tờ nguyệt san ra trước tờ Thế kỷ. Nhận thấy việc cho giải nhất, như vậy thậm vô lý và nhất là cụ Bảng Mộng đã từng dạy Annamite tôi ngày học ở Trường Bưởi ngày nào, tôi liền viết bài phê bình sách và mở đầu bằng một đoạn văn sau đây :
"... Thế ra nước Việtnam vẫn có một Hiệp hội Văn hóa ? Anh và tôi, chúng ta cứ băn khoăn tiếc hận, tuởng rằng nước mình còn thiếu một cơ quan văn háo để liên lạc nâng đỡ các văn nghệ sĩ và định giá công trình của họ. Trong khi ấy, 'Việtnam Văn hóa Hiệp hội " vẫn lặng lẽ làm việc trong trụ sở đền Ngọc Sơn, trên làn nước xanh xanh, xứ sở của những con rùa cổ kính. Để rồi bất thình lình một ngày cuối năm ngoái đã cho ra một tin rộn lên, như tiếng nổ của chiếc mìn bút chì : " Phần thưởng văn học 1950 đã trao cho ông X... "
Có người cho biết, cụ Bảng đã rất khó chịu về bài phê bình này. Và hình như cụ có hỏi :
" Triều Đẩu là tay nào mà ... mà có giọng sược như thế ?"
Trong Lá thư Hànội 1, có một đoạn tả cô gái bán thuốc lá ơ Hànội đã nhịn ăn để
mặc :
" .. Cô thu hình ngồi sau quầy ban thuốc lá. Gió bấc thổi từng hồi vào gáy, vào mái tóc vào tận trong tai. Mặt cô xám lại. Lòng cô lạnh, nhưng cô vẫn ngồi bán hàng. Bao thuốc lá, gói kẹo, bao diêm, mỗi thứ lãi một chút cóp nhặt . Đôi má phính kia chắc chắn đã chỉ được bồi đắp bằng màu nhựa trích ở không khí, ở thiên nhiên, ở tuổi xuân, ở rau đậu. Vì tiền lãi chẳng phải để sắm đồ ăn ngon và bổ. Nó đã biến thành xe đạp, ' \ "vét" , áo mầu , tóc uốn và một ngày đẹp nào , một tấm vé coi tuồng Phạm Công hoặc Ali BaBa .."
Những bài văn có giọng trào lộng này đã được nhà văn kỳ cựu Lê Văn Trương đặc biệt chú ý. Tôi rất kính trọng anh, cũng như đối với các nhà văn lớp trước tôi. Sau khi đọc mấy cuốn sáh của tôi, anh đã viết bài giới thiệu trên tờ Tia sáng là tờ báo được nhiều độc giả nhất tại Hànội thời ấy. Chúng tôi đã trở nên đôi bạn thân và lúc ấy anh mới cho biết văn của tôi nhiều chỗ ác quá.
Thí dụ: đoạn văn tả cô bán thuốc lá vừa rồi. Anh sợ cho tôi sự quả báo của Trời. Và anh nhắc lại ;
"... Ác quá ! Làm thế nào bớt đi ...".
Tôi chỉ cười , bất giác nhớ tới câu trong Truyện Kiều :
" Thôi cũng tính trời bết sao ?"
Trong bài " Một quan niệm về giai nhân " --( trong Lá thư Hànội), tôi cho rằng đời không thể có giai nhân bằng da thịt. Bởi vì giai nhân loại này biết ăn thịt cá, có bộ máy tiêu hóa thịt cá, tất nhiên phải có như thường tình những tật xấu, chỉ làm cho mình khổ sở và thất vọng mà thôi. Và giai nhân qua hình ảnh và âm thanh mới là giai nhân lý tưởng. Anh bạn tôi, một thi sĩ tài hoa đã khổ sở và tuyệt vọng trong việc tìm kiếm giai nhân thịt cá. Không biết có phải phần nào bởi anh đã có vợ con như cái ba lô định mệnh vĩnh viễn đeo trên vai không ? Song, anh đã chết dạo ấy, trong môt cuộc tảo thanh của Quân đội Pháp. Trong suốt những buổi thi sĩ đến nhà người đẹp để đọc thơ và tặng sách và thao thao ca ngợi tình yêu, người đẹp vẫn ngồi yên không nói vá không bao giờ nói gì cả.
Cho đến khi nhận được tin thi sĩ bị bắt như cóc mới mở miệng. Nàng mới nói và nói độc một câu :
"... Rồi đây tha hồ ông ấy đọc thơ cho Tây nó nghe ..."
Ngày còn ở Hànội, tôi đã tiếp được lá thư bình luận của tôi về quan niệm giai nhân. Thư của một nữ giáo viên có chồng làm giáo sư. Bà giáo có một thời tươi đẹp và tân tiến lắm. Thư rằng :
"... Năm 1934- 35, ông Nguyễn Ngọc Kha có diễn thuyết ở Nam Định về " giai nhân và thi sĩ " . Tôi nhớ đã đọc ở đâu:
Văn sinh tình cảm, cảm sinh văn
Một sợi tơ lòng nặng mấy cân
Hờ hững không đau mà buộc chặt
Phải là thi sĩ với giai nhân ..."
Giai nhân đây quả là giai nhân biết ăn thịt cá hẳn hoi. Đâu phải là giai nhân âm thanh giai nhân hình ảnh .
Chao ôi ! Thi sĩ không may mà chết đâu phải giai nhân đã giết thi sĩ mà thi sĩ sống cũng không may chẳng toại nguyện, chỉ vì thi sĩ có ba lô. Giai nhân chưa hẳn đã vô tình cùng thi sĩ. Câu nói ra lạnh lùng độc ác kia chưa chắc có thực tình đâu ? Có khi chỉ vì một người con gái giầu lòng tự ái chẳng muốn cho ai ngờ vực mảy may là mình đã cảm mà xót thương thi sĩ, một thi sĩ đã có ba lô.
Đây là tôi xin có lời bào chữa hộ giai nhân thịt cá, còn quan niệm giai nhân qua âm thanh và hình ảnh thì tôi vẫn xin nhận là kỳ diệu. Giai nhân âm thanh và sẽ thay giai nhân hình ảnh và nói :
"... Em đến thăm anh chiều hôm ấy "
Và giai nhân hình ảnh sẽ thay giai nhân âm thanh mà nhìn bằng đôi mắt huyền mơ hoặc đôi mắt xanh mầu lơ. Thật là thanh cao tuyệt diệu .
Nếu ai cũng có được quan niệm ấy thì dù chẳng làm chủ được giai nhân biết ăn , ít ra cũng vẫn làm chủ được mình mà làm chu được mình là một trong cái việc khó khăn nhất "
Ngươi đàn bà vừa trao cho tôi những dòng văn trên như tôi đã nói, là một giáo viên từng dạy học ở Nam Định và, một thời xuân sắc, cô đã khiến cho tôi phải ngậm ngùi tiếc hận bâng khuâng. Chỉ vì thuở ấy mới ở nhà trường ra, cô giáo đã như đóa hoa hải đường mơn mởn giữa mùa xuân mà tôi thì sự nghiệp chưa thành, lại kè kè bên vai cái ba lô quá sớm của định mệnh.
Thế rồi, do cái duyên văn tự không ngờ nhớ người xưa, đã tình cờ cầm bút phê phán tơ vương, giờ đây trên tác phẩm của tôi. Người có biết đâu trước sau cũng vẫn là cái gã hằng ấp ủ một môi tình câm nín. Cho nên hôm nay được người lời lời châu ngọc, gã đã thầm cảm ơn Thượng đế khéo thu xếp cuộc gặp gỡ trên văn tự gấm hoa này. Nếu tình cờ những dòng này được đặt dưới mắt người, chắc chắn người sẽ sửng sốt hay sững sờ, như người đàn bà trong thơ của Arvers mà lòng sẽ nhủ lòng :
" Tội nghiệp cho hắn quá ! ".
Có điều là, thời cuộc với năm tháng đã làm tan những ảo ảnh. Giờ đây, cô gái tươi đẹp ngày nao không còn nữa. Trước mắt tôi, chỉ còn một bà giáo cũ kỹ với hai hàm răng những toan sớm về hưu. Biết làm sao được ?! Thời loạn ly đã riêng tai hại cho những đóa hoa hải đường ngày xuân đương độ thuở nào. Và tôi thấy cần phải ghi chép ở đây nguyên văn những lời phê bình và thảo luận mà có thể tôi đã học thuộc lòng như một trò ngoan ngoãn.
Rồi bất giác tôi liên tưởng đến những tâm hồn rào rạt tình thương và hận tiếc , vì bị xe duyên cùng một trái tim úa rỉ và ngẩn ngơ bơ thờ trước những sắc hoa ti gôn hoặc giao động khắc khoải vì một quan niệm về giai nhân thịt cá.
A ha ! Tơ vương cương đã ánh màu vàng và tươi sắc óng. Chỉ vì ngoài trời xuân vừa qua hạ đã tới để chờ thu hiu hắt và đông ấp ủ cho đủ 4 mùa văn nghệ giữa kinh đô Hànội. Thời tiết ở đây ảnh hưởng như xa như gần tới văn nghệ mà văn nghệ chính cũng là thời tiết vậy.
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Ngọn gió thu phong rụng lá vàng
Ai xui con cuốc gọi vào hè
Xuân đang đùa rỡn với gió đông
Ngoài đường mưa phùn lất phất bay, khách làng thơ, lòng ấp ủ trong len dạ, đang thủng thẳng dạo bước trên vỉa hè Hànội. Nhà thơ đi tìm vần thơ giữa hoa đào hay sen mới tỏa hương. Tức thì văn thơ đến vừa tươi đẹp. Đây là hồ Gươm lịch sử và kia hồ Tây cũng lịch sử.
Thơ văn giữa kinh kỳ đã bắt nguồn từ quá khứ lịch sử dựng trên hiện tại của xứ sớ và hướng về tương lai của cả dân tộc. Người văn nghệ đã mang mang cảm khái và tin tưởng mênh mông. Song đây là một thời đại loạn.
Xa xa, tiếng súng từng vọng về. Chết chóc và nát tan. Tin quân Pháp bỏ đồng bằng Bắc Việt và tiếp theo liền là tin thất trận Điện Biên Phủ. Ai vơ vét đầy túi tham và ai lợi dụng buổi chọ chiều ? Quân hồi vô lệnh, đó lá tình trạng nháo nhác và kinh hãi sau Genève. Một lần nữa, người văn nghệ cảm thấy con người lệ thuộc hoàn cảnh. Và chỉ còn việc thu xếp vô Nam ...
Tương lai 4 năm rưỡi trôi qua từ đầu năm 1950 hồi cư đến tháng 8 năm 1954 di cư, như đã đầy đủ một giai đoạn xây dựng. Người xây cất nhà cửa, cơ nghiệp. Kẻ viết báo làm sách. Ai nấy đã yên chi theo đuổi và thành công việc của mình. Cái yên chí đó đã thách thức thời gian và khắc phục hoàn cảnh
.
Cho nên bốn năm rưỡi, tương đối đã trôi lâu lắm, tưởng như đã nhân với một hệ số khả quan. cái tin Genève đã chỉ như mộ trò phản bội bất ngờ của định mệnh, bởi vì cái thực thể của những công cuộc riêng tây đã được hoàn tất rồi.
Ở chúng tôi, tờ Thế kỷ đã nói được cái gì đáng nói và một số tác phẩm đã được xuất bản với những điều kiện vật chất đắc ý. Còn gì nữa ? Thôi rồi, ngày mai chúng tôi sẽ lên đường làm một cuộc phiêu lưu nữa.
Đêm nay còn ở Hànội, đất Đế đô đã từng có tên Đại La và Thăng Long , tôi ngước mắt trông sao. Bấu trời cao rộng thăm thẳm. Giải Ngân hà đã sáng ngời như một dòng sông bạc vắt đỉnh đầu .
***
Di cư vào Nam cũng như ngày nào hồi cư về Hànội, tôi đã xây dựng công trình văn nghệ nhỏ nhoi của tôi trên những vỉa hè. Đầu năm 1955, tôi viết một số truyện ngắn đăng trên tờ Văn nghệ Tự do, dưới chung một nhan đề Trên vỉa hè Saigon. Sau đấy, Những thiên đường lỡ là một thiên phóng sự về tứ đổ tường. Những truyện ngắn trên vỉa hè trước sau cũng vẫn lấy cốt ơ người và việc đương thời và thể văn vẫn là trào lộng, châm biếm. Có điều là người và việc ở đây, ở cái nơi, mà chắc tôi còn bỡ ngỡ, xa lạ ; tôi đã chỉ nhận định được theo bình diện của một người di cư. Nghĩa là bề mặt có thể thừa mà bề sâu nhất định còn thiếu. Song nhằm buổi ban đầu của phong trào văn nghệ di cư đang sôi nổi, những truyện Trên vỉa hè Saigon đã mang đây đó tính chất tranh đấu; phần văn hoá phong phú đã phải nhường cho Trên vỉa hè Hànội.
Tôi vẫn quan niệm về đời sống văn nghệ kiểu André Gide.
Người viết văn phải được thoải mái về tinh thần và đầy đủ về vật chất. André Gide vừa viết văn vừa hút thuốc Camel. Đã nhiều lần tôi cũng sài thuốc lá hiệu con Lạc Đà để cảm thông cùng André Gide, buổi sinh thời ông [ thường hút * ]. Song ở André Gide, Lạc Đà là thường xuyên mà ở tôi thì thỉnh thoảng.
Ngoài ra, tưởng cũng cần phải có những yếu tố thuận chiều về hoàn cảnh và thời tiết. cái nơi nắng mưa bất thường và oi bức thường xuyên này, xét ra không thích hợp với sự sáng tác lý tưởng.
Và cuộc mưu sinh xung quanh đầy vật lộn và tranh chấp cùng với cuộc sống vật chất ồn ào va máy móc đã đè nặng áp lực trên những cây viết mới vô. Rồi thì thơ ơ và ghẻ lạnh giữa thời cuộc, quá đã bất lợi cho những bông hoa văn nghệ buổi sóm mai.
Là một công chức có làm thêm văn nghệ, tôi đã may mắn tránh được những thiếu thôn cơ cực hàng ngày. Tuy rằng chỉ số lương bổng thường thường không được điều hòa theo nhịp đắt đỏ của cuộc sống thực tế, tôi cũng vẫn an phận tôi, và chưa biết cảnh túng quẫn của người anh em làm văn nghệ không biết có ngày mai. Hoặc của anh bạn văn sĩ nọ nghèo túng đến độ cùng cực đã đặt cả hy vọng và tin tưởng vào câu trong kinh Dịch :
" Cùng tắc biên, biến tắc thông ".
Vì ít chữ nho hay vì mặc cảm, anh đã đọc trạnh ra : " Dịch cùng giả tắc biến". Thế thôi ,. vì không thấy anh nói đến thông !
Hiện giờ, tôi thấy anh viết thường xuyên cho một tờ nhật báo có nhiều độc giả và giữ nhiều mục -- nhất định phải thông, chứ không chỉ có biến nữa . Thấy anh bạn và gia đình anh sống được từ dạo ấy, thất nghiệp và nghèo đói cho đến nay có việc làm và dư dật, tôi đã thầm nghĩ rằng nhất định phải do phép mầu nhiệm, phép lạ thần thánh. Và anh bạn đã giải thích :
" Có ai chết bao giờ, anh ơi ! "
" Chỉ có khổ cực thôi !"
Vậy thì phải làm thế nào để tránh cho anh em văn nghệ cái khổ cực ấy ...
Giữa năm 1957, một cơ sở văn hoá ngoại quốc đã giúp tôi xuất bản cuốn
Trên vỉa hè Saigon. Đồng thời với phương tiện riêng, tôi cho in tập phóng dự
Những thiên đường lỡ. ra đời cùng một lúc, đó là hai đứa con sinh đôi, nhằm năm tuổi của tôi : 49.
Sau một thời gian ngắn ngủi sống lề lối trong gia đình ấm cúng, chúng đã chịu kiếp phong sương . Rơi vào cái kho sách khổng lồ của một người Tàu Chợ Lớn, chúng đã được phân phối phiêu lưu trên các vỉa hè. Có lần dạo thăm các hàng sách vỉa hè, tôi đã không có cảm nghĩ đẹp hay xấu, khi bắt gặp 2 đứa con đang nằm dài ở đây ... []
(còn một kỳ nữa )
-------
* [.....] chữ của biên tập
triều đẩu
( Nxb Đại Nam văn hiến, Saigon, 1968 - tr. 87 - 107)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét