Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2013
nhớ nơi kỳ ngộ / lãng nhân - 3
nhớ nơi kỳ ngộ : nguyễn văn vĩnh
bài viết : lãng nhân
Tuy hàng ngày đến nhà in Trung Bắc, mà tôi ít khi gặp chính chủ nhân là ông Nguyễn văn Vĩnh , vì văn phòng ông không ở địa chỉ nhà in, mà đặt riêng ở trên hiệu sách đầu phố hàng Gai, quay mặt ra bờ Hồ.
Đến 1931, báo Annam Nouveau ra đời, trụ sở ở đó, thỉnh thoảng có đưa bài đăng, tôi lại thăm thư ký tòa soạn ( bạn Phạm nguyễn Cảnh, bút hiệu Hi Tống ) đ6i khi giáp mặt ông Vĩnh mà tôi từng phục tài hơn 10 năm qua, qua những công trình dịch thuật và bình luận dưới tên Tân Nam Tử, trên Đông dương tạp chí.
Bấy giờ, ông Vĩnh xấp xỉ 50, vóc người vạm vỡ, thường nói tiếng Pháp, giọng điệu chẳng khác người tây cống.
Về tài dịch tiếng Pháp của ông, bạn Dương phượng Dực hết lời khâm phục. Dương quân vốn là nhà biên tập kỳ cựu của Đông Dương tạp chí ( đợt khởi thủy), nhân 1 buổi mạn đàm trên gác báo Đông Tây, đã kể lại :
Khoảng 1912- 13, hai pho truyện tây được hâm mộ, Ba người ngự lâm quân và
Mai nương Lệ cốt cần được đăng tiếp đều đều cho độc giả được thỏa mãn. Gặp lúc cấp tốc phải có bài ngay, thì buổi trưa, cơm xong, ông Vĩnh ngả lưng trên ghế dài, trước mặt đặt cái giá sách kê trên thanh gỗ, gác vào 2 tay ghế, trên giá mở sẵn 2 cuốn truyện vào đúng những trang cần, thế rồi 2 tay ký giả ngồi ghế đẩu thấp 2 bên, tấm bìa cứng lót tay đặt trên đầu gối, lăm lăm ngọn bút ... Ông Vĩnh dịch 1 câu cho bên phải chép, luôn 1 câu cho bên trái, 2 bên chép lia lịa, thế chứng 1 tiếng đồng hồ là đủ bài cho kỳ báo.
Khi dịch Mai nương Lê cốt, đoạn vừa chép xong là đưa xếp chữ, rồi vỗ luôn 1 bản morasse cho tùy phái cấp tốc đạp xe đến giao tận tay cho bà Suzanne, vợ không hôn thú của ông. như có ý nhắn nhủ : tình trong cảnh ấy, cảnh bên tình này ...
Dương quân còn nói :
" Tài mẫn tiệp đã khác thường, ông Vĩnh còn có đức tính đáng yêu là thành thật. Ông say mê về khái niệm lý trí của phái Bách khoa thế kỷ XVIII và những phát minh tiện lợi về khoa học. Trong nếp sống hàng ngày, ông suy nghĩ và hành động như tây : đi, đứng, ăn , nói, lái xe hơi, xe bình bịch, lấy thêm vợ đầm, gai du rộng rãi với các giới Pháp, và chủ trương rằng phải loại bỏ những thói tục trần hủ của mình để hào mình vào âu hóa mới bắt kịp đà tiến bộ của cái thế giới gọi là văn minh."
Nhớ lại lời Dương quân, tôi mới hiểu chuyện này, ông Vĩnh ra báo viết bằng tiếng Pháp: ông muốn nói thẳng với người Tây .
Nguyên là , khi đặt chân lên đất Việtnam, trên sự dàn xếp quốc tế, Pháp chỉ đóng vai bảo hộ Trung và Bắc thôi, chứ không lấy hẳn làm thuộc địa như miền Nam ( kỳ) . Nên họ giữ có mặt ngoại giao, còn nội trị vẫn để nguyên thể chế quân chủ. Nhưng trên thực tế, quyền quyết định mọi việc, từ nhỏ đến lớn đều nằm trong tay họ: vua không nghe thì đày đi xứ mọi, quan không vâng thì cách chức, hội kín mà hở thì máy chém phập liền ... Cho nên vua phải thõng tay mới còn ngai vàng mà ngự, quan lương không đủ tiêu, phải ăn hối lộ, biết là phạm tội, biết cả rằng người Pháp cũng không lạ gì; nhưng họ lại dùng tội ấy như lưỡi gươm kề sẵn, sẽ chém xuống ngay, nếu quan không ríu ríu vâng lời. Cho nên, ông [ Vĩnh ] chủ trương để hẳn cho Pháp cai trị trực tiếp, ít ra cũng đỡ cho dân cái nạn một cổ 2 tròng, chả hơn ư ? Có người nói : làm như thế, sợ mình mang tiếng bán nước thì sao ? ông Vĩnh nhún vai, chua chát : " Nước đã mất tiêu ngay lúc tôi ra đời, còn đâu đến bây giờ mà đem bán ?".
Mà đúng thế, ông Vĩnh sinh năm Nhâm ngọ , 1882, giữa năm Henri Rivìere hạ thanh
Hànội, tổng đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết.
Bây giờ, ông ra báo Annam Nouveau để nói thẳng cho Pháp biết ý mình, và công kích việc lập hiến giữ lại các triều đình lỗi thời.
---
* [...] chữ của BT.
HOÀNG TÍCH CHU
Sinh 1898 , quán làng Phù Lưu, phủ Từ sơn, tỉnh Bắc Ninh. Khoảng 1919 tham gia bộ biên tập báo chí Nam Phong với mấy bạn cùng lứa tuổi , như Nguyễn mạnh Bổng,
Hoàng ngọc Phách... sau, ra đứng chủ biên nhật báo Khai hóa của nhà doanh nghiệp
Bạch thái Bưởi.
Sớm nổi tiếng hào hoa, đã ở trong 1 địa vị vững vàng, nhưng vẫn có óc cầu tiến, nên dù không đủ phương tiện tài chính để xuất dương, cũng mạo hiểm tìm đường sang Pháp học cho lành nghề báo chí.
Cuối 1927 về nước, Hoàng tích Chu đã thành thạo các bí quyết đệ tứ quyền trong nhiệm vụ hướng dẫn dư luận.
Hồi ấy, trong các báo hiện hữu , có tờ Hà thành ngọ báo của Bùi xuân Học. Họ Bùi là 1 thanh niên hăng hái , đang nóng lòng muốn có tờ báo có sắc thái mới mẻ, nên, sẵn sàng đón Hoàng tích Chu để lo việc cải tổ.
Bắt tay vào việc, Hoàng tích Chu được ban biên tập trợ lực, gồm Vũ đình Chí, Dương mậu Ngọc, Tạ đình Bính, Phùng bảo Thạch.
Vũ đình Chí * đặc tài về châm biếm và viết phóng sự . Tin tức trong nước do
Dương mậu Ngọc phụ trách, Tạ đình Bính và Phùng ngọc Thạch chuyên về thời sự quốc tế, dịch theo điện tín hãng thông tấn Pháp...
-----
* tên thật nhà văn Tam Lang ( BT).
Ngọ Báo được hoan nghênh nhiệt liệt do hình thức mới mẻ 1 phần, phần lớn còn do lối hành văn cách mạng của [ Hoàng tích ] Chu. Chu phỏng theo lối viết của Pierre Bertrand trong báo Le Quotidien, mục xã thuyết chỉ đóng chung trong nửa cột trang 1, gồm những câu ngắn, rành mạch, sáng sủa, ngược lại hẳn với lối văn tứ thời dài lê thê đang thịnh hành. Thí dụ, ông Phạm Quỳnh tán dương Kiều :
" Canh khuya thân gái dặm trường là cực tả nỗi đoạn trường của 1 cô thiếu nữ chiếc thân liễu yếu lần bước trên con đường vô tận, trong lúc canh bạc dã hồ tàn, vầng đông chưa ló dạng, ôi thật là buồn biết bao ! "
thì [ Hoàng tích ] Chu viết :
" Canh khuya: Buồn . Thân gái : Cực, Dặm trường : Sợ " - đại khái cứ cộc lốc như thế !
Thanh niên thì ưa thích nét gọn gàng, người lớn tuổi lại ghét cay đắng. Ông Phạm Quỳnh diễu là : " văn không xương sống" ( prose invertébrée).
Báo đang ngon trớn, tiếng tăm [ Hoàng tích ] Chu đang nổi như cồn, thì 1 sự lủng củng nội bộ với Bùi xuân Học, khiến tập đoàn [ Hoàng tích ] Chu phải rời Ngọ báo. [ Hoàng
tích ] Chu đứng tên xin phép ra tờ Đông Tây. Giấy phép bấy giờ dễ được cấp, vì có sở Kiểm duyệt đứng làm cảnh sát sẵn rồi !.
báo ' đông tây '
đông tây lúc đầu là tuần báo, đóng từng tập khổ 21x 28 được dăm số thì đổi ra tờ lớn như báo hàng ngày. Đặc biệt là báo dùng chữ con ( không viết chữ hoa - BT ) đông tây in mực đỏ , có vẻ bình dân, thiên tả- hồi bấy giờ đã là 1 thái độ khác thường rồi. Bộ biên tập, đến giai đoạn này, đã tuần tự bỏ đi vì tài chính thiếu hụt, một mình [ Hoàng tích ] Chu phải viết đầy các cột, trong đó mục phiếm luận vẫn cộc lốc theo lối mà Chu lấy làm đắc ý, nên lý là Văn Tôi. Mục này thỉnh thoảng, tôi ( Lãng Nhân - BT) có đóng góp vài bài.
Một hôm, nhân được thư của Chu hẹn xuống Nam Định thăm, tôi thấy cao hứng văn chương, và nghĩ mình bó tròn vào đời sống tiểu lại, quanh quẩn trong khuôn khổ oi bức nơi tỉnh nhỏ, cũng chẳng thú gì, bèn bỏ ngay ghế thày phán để ti toe dấn thân !
Thành thực mà nói , hồi đó thanh niên ra làm báo, phần đông cũng như tôi, vì học hành lỡ dở; nhưng lại muốn nói lên nỗi bất bình của mình về hoàn cảnh xã hội, chứ không phải vì yêu nghề như bây giờ : làm báo bấy giờ đâu đã là một nghề ?
Khi tôi đổ bộ lên [ báo] đông tây, [ tòa soạn đặt ] ở số 35 phố Bờ Hồ, trông ra đền bà Kiệu, tất cả nhân viên chỉ có 2 anh em, chia nhau vừa quản trị, vừa biên tập, vừa trông nom ấn loát, vừa lấy quảng cáo lại vừa đứng phát hành . Về phát hành, thu vào đồng trinh, đồng xu, đồng hào; ít khi có được tờ giấy 5 đồng. Quảng cáo chỉ có vài nhà buôn lớn chịu đựng; phần đông chưa ý thức công dụng của môn này. Vì thế, nên mới bận tâm nhất là có đủ tiền trả nhà in. Khi nào cụ Luận, quản lý nhà in Trung Bắc hối thúc quá, thì
[ Hoàng tích] Chu đành liều công mất 1 buổi quì với 1 trong vài người trong làng phấn son đã xế chiều ...
Tuy sống trong cảnh nghèo, nhung may có 1 tiểu đồng 15, 16 tuổi, biết thổi cơm và làm 1 vài món canh dưa đậu rán cũng tạm đỡ. Một hôm trời oi bức, thấy cu cậu áo gi-lê cài đủ các khuy, tôi tưởng se mình, hỏi ra mới biết: hôm nào có mấy bạn làm báo đến chơi ,ải vui ngồi lại dùng bữa, tiểu đồng gài chặt áo cho thót bụng, ăn ít cũng thấy như no ! Bữa nào vắng vẻ, thả bụng, đánh một hơi, 7, 8 chén. Khốn nỗi cứ vào khoảng giữa trưa, ít khi không có 1 vài bạn ghé qua dùng tam vài lưng thanh đạm, khiến nhà bếp chán mặc gi-lê, giã từ soong, chảo...
Sống trong cảnh thanh bần, nhưng mỗi chiều thứ sau, báo phát cho bán lẻ xong, Chu và tôi lững thững xuống tràng tiền xem xi-nê, thì ở mấy dãy ghế thấy nhan nhản 2 chữ đông tây đõ tươi trên tờ báo được khán giả trải ra xem, trong lúc phim tạm đình. Ấy là điều an ủi lớn cho chúng tôi.
Mặc dầu tài chính eo hẹp, không phải vì thế mà không có phương tiện tiêu khiển. Xóm Khâm Thiên chẳng mấy đêm vắng bóng chúng tôi, vì Chu sẵn ở đó 1 địa điểm huy hoàng mà vô thường ( chữ này theo ngữ vựng pháp đình, có nghĩa là không phải bồi thường) . Còn những buổi có hoạnh tài , chúng tôi kéo nhau đi nơi khác , hữu thường dể thay đổi không khí.
Về phần biên tập, Chu thường giữ mục xã thuyết, thỉnh thoảng phiếm luận dưới bút hiệu Văn Tôi. Mỗi khi thiếu đề tài, anh quen như lối Thánh Thán khi xưa, cầm vài tờ báo ngoại quốc lui vào trong kín. Chừng mười lăm phút trở ra , nồi viết phăng phăng trong nụ cười thoải mái. Phần tôi, viết các mục linh tinh. Có khi cao hứng, luận vài trang có vẻ triết lý bí hiểm. Chu sợ độc giả không thưởng thức, đổi tên ký của tôi ra Một nhà giáo trên rừng !.
Phần bận bịu nhất cho tôi là đến nhà in phụ lực trong việc xếp bài lên khuôn ; bài nào dài quá hay ngắn quá, phải cắt bớt hay thêm vào cho vừa cột hay vừa trang báo. Những cột có thừa chỗ trống, thêm mãi mấy dòng quảng cáo : đọc và cổ động đông tây thấy cũng nhàm ! Chu cho thợ sắp chữ mấy câu thơ để điền vào, như lối anh từng áp dụng nơi báo Khai hóa của ông Bạch thái Bưởi khi trước. Tôi chọn mấy câu trữ tình của
Trần tuấn Khải, thấy nhiều độc giả ưa ngâm :
Biết có chia phôi đừng gặp gỡ
Nếm nhiều ngon ngọt thấy cay chua
Chuyện không hợp ý cười thêm ngượng
Đời vắng tri âm cũng sống thừa !
sau đó tình cờ đọc cuốn La flu^te de jade, lấy tên bài đầu của tuyển tập thơ chữ Hán dịch qua tiếng Pháp, không nhớ dịch giả là Soutíe de Morant hay Victor Segalen. Tôi không luận ra phần chữ Hán là bài nào, nên dịch lên xem có ai nhận ra không :
Khúc tiêu sầu
Khi gần suối, chiếc sáo ngọc đánh rơi từ tháng hạ, cỏ xanh che lấp khôn kiếm được ra, nay rầu rầu cỏ úa, chợt thấy xuất hiện trong buổi chiều thu ... Ôi, khối tình bấy lâu nay vùi rấm, chỉ trong trường e lệ của đôi ta ...
đã dịch là Khúc tiêu sầu ắt phải ký Chàng Tiêu cho hợp với câu Kiều :
Khách qua đường đễ hững hờ ...
rồi tôi dịch mấy bài nữa :
Cầm áo gối thêu hoa, chinh phụ ngồi bên cửa sổ, can trường như rộn mối sầu bi. Kim lỡ châm tay, máu ri rỉ chảy , thôi rồi : đóa hoa trước trắng nay nhuộm mầu hồng. Nghĩ đến người yêu giờ này xông pha tên đạn, giọt máu hồng có lẽ đã hòa cùng tuyết trắng trên chốn sa trường ...Tiếng chân ngựa chạy, chàng về đó chăng ? Không, đây chỉ là tiếng đập của trái tim : Áo gối rơi ngay mặt đất. Nhặt lên, bụi đã trắng hoa rồi : ôi chỉ trong khoảnh khắc, tình đôi ta đã phủ một lần tuyết lạnh...
***
Tôi hái đóa hoa đào, tặng ai miệng cười chúm chím như hoa kia hé nở. Tôi bắt con chim nhạn , tặng ai đôi mày liễu lóng lánh như cánh nhạn đang bay . Một ngày qua, than ôi, hoa đào nhường đã héo, chim nhạn bay qua cửa sổ, giờ đây vỗ cánh, tếch vời dặng núi xa xa. Chỉ có môi ai thường vẫn thắm mà đôi mày liễu sao chẳng như chim bay, khuất nẻo cho rồi !
lạ một điều là những bài trên khi công bố ra không ai cho là dịch ở văn Hán ! Có lẽ chăng vì bản chữ Pháp dịch trước đây đã sai rồi, lại chuyển thêm một lần nữa ra tiếng việt, thành ra lạc lõng, đền nỗi không còn nhận diện được nguyên văn !
Sau đó , các bạn bốn phương hưởng ứng, gửi về rất nhiều bài ngăn ngắn đọc thật bay bướm.
Nhất là cô Việt An viết ra những câu tâm sự đầy âm hưởng êm dịu, ký tên Nàng Tô.
Rồi đến TCHYA nhại lối văn này, đùa trong 1 mục mà anh gọi là Khúc tiêu cơm và ký tên Cậu Sở.
Cuộc đùa nghịch trở nên chớt nhả, thì chúng tôi nhận được thư một độc giả, gửi từ Côn Lôn tới, mắng là đạo văn ở cuốn Flu^te de jade. Thì ra, có 1 ông này biết xuất xứ của mấy bài dịch trên kia, có lẽ vì năm [ ở ] nơi xa xôi hoang vắng, ông ta rảnh rỗi mà truy ra.
Tuy chỉ có 3 bài nêu trên là văn dịch, còn thì đều là sáng tác của bạn đọc thân mến; nhưng chúng tôi cũng thấy rằng - lối văn này có du dương đấy - mà không khỏi đôi phần ủy mị - chẳng nên cho tràn lan quá rộng, nhất là bấy giờ vừa qua vụ Yên Bái, bởi vậy
chiếc sáo ngọc lại bỏ cho cỏ xanh che lấp , và Chàng Tiêu trở lại vị trí cố hữu là khách qua đường.
Bộ biên tập cũng dần dần thêm vây cánh. Chúng tôi đón nhận bài của các bạn
Song An -Hoàng ngọc Phách , bác sĩ Vũ đình Tường *.
------
* anh ruột nhà văn Tam Lang - Vũ đình Chí, viết kịch dùng bút danh Tương Huyền. (BT)
Song An nhu mì , ít nói, viết bất chấp văn phạm ( bây giờ : ngữ pháp ) mà văn hấp dẫn, [ còn ] bác sĩ [ Vũ đình ] Tường, một nhà tây y chứng minh rằng khoa giải phẫu phương tây là do Hoa Đà đời Tam quốc là thuỷ tổ *
------
* bác sĩ Vũ đình Tường mất sớm ở ngoài bắc. Ông là tác giả nhiều vở kịch , trong đó có vở 'Nặng nghĩa tớ thầy ' nổi tiếng. ( Chú thích: Lãng Nhân ).
Thường xuyên có mặt tại văn phòng là ký giả Hoàng văn Tiếp, bút hiệu Tế Xuyên , một người từng [ bị ] vào tù vì quốc sự dưới bí danh Léon Sanh, mà cho đến bây giờ cũng không ai rõ ông đã làm gì nên tội và vì sao được tha ? *
------
* Hoàng văn Tiếp sau vào Nam, tiếp tục nghề báo, ông tạ thế ở Saigon vào 1978 .
( Chú thích: Lãng Nhân ).
Ngoài Tế Xuyên làm thư ký tòa soạn, thu thập, sắp xếp bài vở; chúng tôi còn được sự giúp đỡ tận tình và miễn phí của mấy bạn trợ bút thường xuyên:
- ông cử Ngẫu Trì,[ nhà văn ] Vũ Bằng, Nguyễn Tuân, Nguyễn văn Luận, Dương mậu Ngọc, [ Á Nam] Trần tuấn Khải và cô Việt An.
( kỳ sau : Việt An Thôn Nữ, Ngẫu Trì, Vũ Bằng,Nguyễn Tuân , Dương mậu Ngọc, Nguyễn văn Luận )
lãng nhân
( Nhớ nơi kỳ ngộ / Lãng Nhân - Nxb Ziên Hồng / Zieleks/ USA 1997 - tr. 28 - 35 )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét