Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013
tháng hai buồn đọc lại lỗ tấn / hoàng vũ đông sơn 3
tháng hai buồn đọc lại lỗ tấn
hoàng vũ đông sơn
Một mầm văn nghệ non đến yết kiến một củ gừng già , nhờ dạy dỗ và đặt tên cho tác phẩm anh ta vừa mới viết xong, củ gừng già lật qua lật lại, bề dày của cuốn truyện, rồi quắc mắt nhìn mầm non, hỏi :
" Thế truyện của cậu có kèn không ?"
" Dạ không !"
" Có trống không ?"
" Bẩm cũng không !"
" Vậy thì đặt tên là ' Không kèn không trống ".
Đó là một chuyện cười trong làng báo chí văn nghệ tôi đã đọc từ lâu lắm rồi và còn nhớ mang mang như vậy.
Hình như tôi có chân phước., nện vẫn được các bậc đàn anh, đàn chị thương mến dãy bảo tận lực , khuyến khích tận tình mãi mà mãi vẫn chưa khá được. Đó là lỗi tại tôi không có văn tài, không khổ công trau chuốt. Thơ thì sắp chữ, văn thì gập ghềnh mấy lối uốn thang mây. Đôi khi , tôi băn khoăn tử hỏi mình có rơi vào trong mỗi chuyện vui văn nghệ mà có vị tiên sinh văn hóa nào đó đã nghĩ và viết ra ? Chuyện thế này :
Một người mù có tài ngửi văn. Một tay viết văn làm thơ vừa muốn thử tài, vừa muốn được đánh bóng, bèn đưa đến người mù một lô sách :
" Ông ngửi xem ! Đây là cuốn gì ?"
Người mù đáp:
" Tam quốc chí "
" Sao ông biết ?"
" Ngửi thấy mùi máu lửa"
Anh kia lại đưa ra cuốn nữa :
" Đây là cuốn gì ?"
" Tây sương ký '
" Sao ông biết ?"
" Ngửi thấy mùi phấn sáp ".
Thêm một cuốn nữa :
" Thế đây là cuốn gì ?"
Người mù gật gù:
" Văn của ông đây mà"
" Sao ông biết ?"
Người mù đáp tỉnh bơ :
" Ngửi thầy mùi thum thủm ".
Việc bỡn chữ nghĩa để thành danh ở chốn giang hồ văn chương thật khó và khó thật ! Khó nhiều triệu lần so với cái ông giáo chủ Đinh xuân Thu của phái Tinh tú trong truyện kiếm hiệp của ông Tàu Kim Dung đã được giáo chúng suy tôn là Tinh tú lão tiên ; mỗi khi diện kiến người, giáo chúng đều tung hô :
" Giáo chủ văn thành võ đức , thọ tỷ nam sơn, tràng trị vũ lâm, nhất thống giang hồ ".
Lối bưng bê-nâng-đội như thế là hết ý, là tuyệt vời trên cả tuyệt vời rồi !
Tháng hai buồn đọc lại Tuyển tập Lỗ Tấn ( bản dịch Giàn Chi, nhà xuất bản tổng hợp Hậu Giang ), Lỗ Tấn là sao bắc đẩu của nền văn học nghệ thuật Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa , ngay từ trước thời Vạn lý trường chinh. Thế giá của ông cũng ngang tầm với ông Maxim Gorki của nước Liên bang Xô Viết.
Đọc lại Lỗ Tấn khi buồn thật thấm thía cho thân phận người dân đen nước Tàu của ông vào cái thời kỳ phe nhóm cùng sự phế lập tong cung đình nhà Mãn Thanh gây ra loạn lạc. Rồi cách mạng Tân hợi, cuộc cách mạng nửa vời của ông đại tổng thống lơ mơ như ông Trời ở tít trên mây cùng các tiểu tổng thống từng địa phương lớn nhỏ đều có đặc quyền chặt cổ hay bỏ tù người dân mà chẳng cần chứng cứ rõ ràng. Thuần phong mỹ tục thì người cầm quyền không muốn xiển dương, vì sợ mất quyền lợi, sợ đụng chạm đến đồng liêu, đồng sự. Đồi phong bại tục cứ mặc sức tự do phát triển. Người dân đen ở các xóm vắng, thôn càng man rợ, chính quyền địa phương càng dã man thì càng dễ cai trị.
Tuyển tập Lỗ Tấn , Giàn Chi dịch có 9 truyện ngắn :
1) Nhật ký người điên .
2) Khổng Ất kỷ
3) Ánh Mai.
4) Anh em ruột thịt
5) Trên gác rượu
6 ) Quê nhà
7) Con người cô độc
8) Lễ chúc phúc
9) AQ chính truyện .
Tôi thích AQ chính truyện nhất, vì nó hao hao hao giống Chí Phèo của Nam Cao Việtnam. Nhân vật Chí Phèo là anh em song sinh với AQ ( đọc A-Cu) , hay AQ là cái bóng Chí Phèo. Tôi không dủ kiến văn cảm thụ văn hay mà phân biệt được giữa Tàu và Ta có sự giao thoa đến độ tuyệt vời nào hay không. Truyện AQ có AQ là dĩ nhiên rồi, có Ngô ( tiểu cô sương) có cụ Triệu ( quan Tú Triệu ) , có cụ Tiền, quan cử Tiền ( Tây giả cầy ) . Truyện Chí Phèo có Chí Phèo, có Thị Nở, có Bá Kiến, Lý Kiến ...
Đọc cả 2 truyện AQ và Chí Phèo, chả phải là tự ái dân tộc, nhưng tôi thấy truyện của ta nhân bản hơn chuyện tàu. Chứng cớ là Chí Phèo được làm đàn ông dù là trong cơn say. Thị Nở được trở thành đàn bà qua cái vụ đền ơn đáp nghĩa, bát chào hành giải cảm./ Chí Phèo trong cơn điên tiết đã đâm chết Bá Kiến, tức là sự nổi dậy do hờn căm chất chứa có quá trình, có bài bản, có nhân quả. Còn AQ đến lúc bị phập ở pháp trường , thì vẫn chỉ là lão ngoan đồng thứ thiệt. Vú Ngô chưa được nếm mùi đời vì thiếu tinh thần tương thân tương ái của Thị Nở. Mụ Ngô chê AQ, chê thật háy chê làm dáng ? Mụ cũng không bị anh Tây trắng,Tây đen, hay anh lính commando, partisan nào hãm hiếp như ở Việtnam một độ,
Tội nghiệp AQ, bi kịch yêu thương sao mà khủng khiếp quá. Bị đánh đập tàn nhẫn bằng cây gỗ đòn tre, bị sỉ nhục đủ thứ - AQ chịu được hết, quên tuốt hết, qua vài tớp rượu, rồi đi vào giấc ngủ an lành không mộng mị. Nhưng cái chất nhờn nhờn, sau khi éo vào ám tiểu ni cô cứ tồn đọng mãi trong đầu đã hành hạ AQ đến uống rượu mất ngon, ngủ không yên giấc, lại luôn luôn tưởng nhớ, luôn luôn mộng mị đến cái nhờn nhờn ở cái đầu vừa cạo, ở cái má tiểu ni cô : Hòa thượng đụng được, tớ đụng không được à ? ... Rồi lại mụ Ngô , tiểu cô nương cố tình ngả ngớn, lúc co chân, khi duỗi cẳng hớ hênh trên ghế dài buồng vắng nhà cụ Triệu. Mụ Ngô kể toàn những chuyện có liên quan mật thiết , liên hệ thiết thân đến vấn để bức xúc của AQ. Nào là : " Hai hôm nay, cụ bà không ăn cơm vì cụ ông muốn cưới bà bé". Nào là : " Mợ Hai nhà này ở cữ vào tháng 8 ." Lời nói và cử chỉ của Vú Ngôi như mời gọi, như khuyến khích AQ phải có một hành động của Xuân Tóc Đỏ với bà Phó Đoan vô vàn tích cực. Lại thêm tiểu ni cô bữa trước cũng chanh chua xỉ vả : " Cái thằng AQ chềt mất giống ấy ! " đã được quần chúng trong quan rượu biểu
dương :" Bất hiếu hữu tam vô hậu vi đại " nên AQ phải đáp trả đối phương. Đáp trả bằng hành động tự nguyện mà quỳ xuống,. thành khẩn quỳ sụp xuống, lết tới cái ghế dài có thân hình ngồn ngộn của một nữ nhân đang ngả ngớn, lúc co chân khi duỗi cẳng. AQ bị quấy rối tình dục ?
Nếu AQ là người Việtnam cái thời 1945- 1954 mà hung hăng đi lính Lê dương, commando, partisan thì hẳn rằng đã biết rằng : chớ kể già 7, 8 mươi , mà đến cả con nít, 9, 10 tuổi cũng bị hết anh Tây trắng, Tây đen , ngay cả lính Ta cũng hãm hiếp, trong các lần đi càn quét của họ. Huống gì Vú Ngô đang ở tuổi phây phây, AQ cũng không học được lối hành tàng khuất phục. Thị Nở của Chí Phèo cứ xông lên làm tới, không thèm lên tiếng van lơn : " Tôi ngủ với mình, tôi ngủ với mình " thì đâu đến nỗi phải là cái quân làm loạn, là đồ ma cà cúi !
***
Viết AQ chính truyện, ông Lỗ Tấn cứ băn khoăn không biết nên để danh xưng chính truyện hay
ngoại truyện ? Vì băn khoăn nên ông LỗTấn đã mang tất cả hành trạng của gia và đại gia, kể cả ông Khổng Khâu ra so sánh. Cuối cùng ông thấy AQ, nhân vật điển hình cho một thời đại thật xứng đáng phải có một chính truyện nên thành AQ chính truyện.
Tôi giống ông Lỗ Tấn ở băn khoản băn khoăn, khi muốn iết vài chuyện về Người về Ngợm có liên quan đến chữ nghĩa, đến văn học nghệ thuật. Băn khoăn vì không biết nên đặt tên chuyện mình kể, bài mình viết là nội hay ngoại văn học. Nội, ngoại đây là trong, ngoài. Nội, ngoại văn học chứ không phải
văn học nội hóa hay văn học ngoại hóa, như danh từ thời thượng gọi là Nhà xuất bản Ngoại văn,
Nhá sách ngoại văn ...
Mà so sánh thì luôn luôn khập khiễng. Tôi chẳng là cái thá gì mà dám cả gan so sánh một cách bắc bậc chèo kéo cao vời với ông Lỗ Tấn, thì hoặc là, Trời sắp sập, hoặc, cả nước sẽ vì tội mà mang tai chuốc họa; nhẹ hều cũng là bài học thứ hai. Ông Lỗ Tấn có vị thế là bắc đẩu kim tinh , là cù lao ỏ sông, ở biển, là núi lớn giữa đồng bằng bên Tàu. Còn tôi, tôi là thứ cóc cắn, là rơm là rác của tổ quốc tôi : dạo Vietnam hơn 5000 năm lịch sử, hơn 4000 năm văn hiến.
Cũng may ông Lỗ Tấn đã tịch từ khuya. Ông là người nước lớn, lại là đại văn hào, nếu còn tại thế, chắc cũng chẳng giận hờn gì cái ngữ tôi.
Ông Lỗ Tấn mất, nhưng lại còn mãi mãi. Tôi còn đây, nhưng cũng như mất. Chỉ được sống nhăn để sang Tháng Hai Canh thìn , với những băn khoăn không biết nên đặt tên vấn đề : Cái mình viết là nội văn học hay ngoại văn học ?
Suy đi, phải đặt tên bài viết Chuyện ẫm ương nội văn học là đúng nhất. Vì, nội dung là những chuyện liên quan mật thiết đến văn học và những người khai sinh ra nó, tức các tác giả. Nghĩ lại, thật không ổn. Vì, đã có Hồi ký ngoài văn chương của ộng Thế Phong rồi. Mà, tựa dề, chỉ khác nhau tí chút ở 2 chữ ngoài và chương với nội ( trong) và học; phải là thứ có trình độ, tầm cỡ mới phân định nổi . Thử tưởng tượng 2 cuốn sách ( cứ cho là có cuốn thứ 2 đi ) đặt song đôi ở đâu đó :
Hồi ký ngoài văn chương
Những chuyện ... nội văn học
Làm sao để che miệng thế gian ? Và, nếu thế, thì sẽ suốt đời mang tai tiếng là ăn theo, ăn bám - thậm chí là mạo hóa như hàng giả , hàng dởm hay hàng nhái chính hiệu con nai nằm của người ta . Xin thôi ! Sáng tác được tuồng tích, viết văn làm thơ được đã là khó ! Nhưng biết tự đặt tên cho sản phẩm ra lò sao cho ăn khách mới là tài giỏi. Nội dung đôi khi chỉ là phụ. Bao lò quảng cáo tiếp thị mới là chính. Ai
đi trước và có sáng kiến hợp thời tranh nhạc tuyển là có mâm cao cỗ đầy. Phương ngôn chả
bảo : trâu chậm uống nước đục đấy sao ?
Vả lại, kẻ ăn theo ăn bám hẳn nhiều không tin ở tài mình, hoặc giả, là loại có chân tài, rất tự tin, nên muốn vượt mặt tất cả đàn anh, tiền bới, cổ nhân. Thí dụ cụ thể, như Đoạn trường tân thanh / Nguyễn Du chẳng hạn , chưa đến tam bách niên hậu mà Đoạn trường vô thanh đã vượt độ dài mấy câu. Rồi sau 1975, lại có Đoạn trường nhất thanh; không biết Nhất thanh đã vượt Vô thanh mấy chục hay mấy trăm câu ? ( vì không có kiên nhẫn đến từng dòng ) .
Ai cũng bái phục sự dài hơi và nhất là sóng sau hơn sóng trước. Đúng là con hơn cha là nhà có phúc . Thử lần lượt xếp hàng ngang :
Đoạn trường tân thanh
Đoạn trường vô thanh
Đoạn trường nhất thanh
Con người ta có ai tự nhìn thấy gáy mình đâu ? Họa chăng, là nhìn thấy thức tế ảo qua gương phản chiếu, mỗi lần ngồi trên ghế hớt tóc, cạo râu; hoặc uốn tóc se lông mày, lông mặt . Riêng tôi, từ 5 năm nay, chỉ tự sờ gáy mình mà không được nhìn thấy qua 2 tấm gương đối xứng, vì sợ lây nhiễm Si- đa qua dao kéo và nhất là, đỡ tốn gần chục ngàn cho người ta sờ gáy. Mà 5000 đồng đã là 1 ký gạo ngon củ vợ tôi rồi.
Sự nhất cử lưỡng tiện của tôi về cái râu, cái tóc : là ù lì thiếu văn minh tiến bộ, al2 vô ơn đới với đức
Tây Hồ-Phan chu Trinh đã mất công xiển dương âu hóa từ hồi đầu thế kỷ XX, lại thêm nữa, có Tự lực văn đoàn hưởng ứng quảng bá bằng cả 10 điều tâm niệm : hoàn toàn theo mới / dứt khoát theo mới không chút do dự.
Tôi giữ thói nhà quê , theo đức Sào Nam- Phan bội Châu ở khoản búi tó. Vả lại, sau đức Phan Sào Nam còn có cả cụ Nguyễn văn Tố đấy. Chỉ có người kính phục, chả ai dám coi thường cụ, khi cụ chữa văn viết, sửa văn nói cho nhiều học giả, gíáo sư tây trắng ở trường Viễn đông Bác cổ Hànội.
Tôi không húi đầu, nhưng tự cạo râu và để ria, vì biết rằng mình chẳng có tội lỗi gì với trời đất. Chỉ không hớt tóc với 2 lý do trên. Miễn rằng vợ tôi đã không chê, mà thị cỏn gội đầu giùm, búi hộ tóc hàng ngày ; con tôi không mắc cỡ với bạn bè nó, khi tôi ra đường là yên chí lớn. Tôi có nhố nhăng, nhăng nhố không ? Chả biết! Vì tôi có tự nhìn thấy gáy mình đâu ? mà búi tóc lại có phần đầu gọi là gáy.
Tôi không có can đảm ngựa xương như AQ để chọc ghẹo Vương Xồm, để được gãi cho mềm xương, bởi tôi đã có lời cảnh báo của Thạch Ngữ * , bạn tôi , qua 1 bức thư. Ông bào: " Văn nghệ văn nghệ là nơi gió tanh mưa máu, chớ bon chen vào. Thị trường du hí ấy là nơi chốn của riêng một loại người có thế giá ". Tôi không mấy nhất trí với Thạch Ngữ, nhưng lại rất thấm câu nói của người Lý Đại Nguyên trong 1 bữa cơm tiện đũa tiện bát tại nhà ông :
" Hễ còn sống, còn phải ăn phải mặc..., còn bị ganh ghét, bị đánh đập, xỉ vả. Bao giờ hai 50, bè bạn sơ sơ, anh em qua quýt cũng sẽ nói lời thân thương tiếc nhớ, thậm chí khuếch đại cả những ' kỳ tích' vốn không có và cũng chẳng bao giờ có, để viết bài ' tưởng nhớ ' đưa đăng báo , ' bắt tí bạc lẻ xài chơi ' , vừa được tiếng vừa được miếng. Thật là lưỡng lợi ... ! "
------
* bút danh khác thi sĩ Thanh Chương ( BT)
***
Thế là hết Tháng Hai. Thế là chỉ còn 10 tháng phù du nữa lại sang năm Con Rắn. Rồng chỉ có và còn trong huyền thoại. Còn rắn là cụ thể , là hiện thực. Rắn có thứ kích độc, có thứ hiền lành. Nhưng cứ nói đến rắn thì ai cũng khiếp, trừ các thầy rắn, trừ lúc rắn đã được băm vằm ra chiên xào nấu nướng rồi. Tác giả Hương rừng Cà Mau là ông Sơn Nam có nói đền cây Huê xà trị rắn của các bậc sư tổ bồ đề ngành rắn xứ Nam kỳ lục tỉnh ở thời mới khai phá , dân từ xứ Quảng vào khai cơ kiến nghiệp. Những mong có cây Huê xà thật, chứ chẳng phải ông Sơn Nam hư cấu phịa ra chơi có chuyện để viết truyện.
Tháng Giêng là tháng ăn chơi. Tháng Hai ' cờ bịch ' vốn dĩ không nên, vì :
Khôn nghề cớ bạc là khôn dại
Dại chốn văn chương là dại khôn !
Tôi dại hay khôn ? Chắc là không khôn nổi. Cái ngữ tôi mà dám xếch mé hòi mòi đến văn chương thì còn ra cái thống chế gì ? Tuy có một chút tự hào là đồng bào, là cùng họ Hồng Bàng của Chí Phèo, nhưng tôi vẫn thấy quê quê làm sao ! Vì, Chí Phèo là người đức độ bầy hầy giống như ngài đạo chích, có can đảm chẳng thua gì các đại vương Lương sơn bạc. Khi thắng thế, Chí Phèo hùng hùng, hổ hổ, phá nhà cướp đất cho Trái chủ. Khổ chủ có kêu van, Chí Phèo cũng điếc đặc không nghe. Lúc thua cơ, Chí Phèo biết dùng mưu làm khổ nhục kế, như đập đầu vào đá, lấy mảnh sành sắc cạnh cào vào mặt cho máy chảy đỏ lòm để nằm vạ. Chí Phèo mà sanh ra đời gặp được giờ tốt cũng vương tướng như Tề vương Hàn Tín chứ chẳng chơi. Còn AQ , chỉ hăng tiết vịt một lúc, nóng máu gà một hơi rồi nguội, rồi xìu. Nhiều lần AQ van đối thủ, nhiều lần tự xỉ vả mình là giun dế để được tha mạng. Thậm chí, AQ viện cả Thánh, cả Hiền để ca cẩm cầm xin : " Quân tử động khẩu bất động thủ". Ông Lỗ Tấn bảo đó là dân tộc tính, là thắng lợi tinh thần của người Tàu. Ai không tin cứ đọc lại AQ chính truyện. Lại không tin vao sự so sánh Ta và Tàu của tôi, thì bỏ công bỏ sức đọc lại Chí Phèo, ông Nam Cao không có đặt để là Chính truyện ngoại truyện. ... thì rõ. Cái tuyệt vời của Chí Phèo là thích thì chơi xả láng, du u đầu sứt trán vẫn cứ chơi. Chí Phèo chẳng hề tham gia cách mạng để vào cả chùa mà cách, không hề đanh sư, đụng vãi, véo má tiểu ni cô. Thế mà Chí Phèo cũng bị các giáo sư, học giả phê là lưu manh hóa, khi các vị ấy soạn sách giáo khoa giảng dạy ở các bậc học.
Đức Liệp Hộ Hồng Sơn dạy chẳng sai :
Cho hay muôn sự tại Trời
Trời kia đã bắt làm người có nhân
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao
Truyện dù là các tiểu gia, trung gia hay đại gia văn sĩ viết cũng đều là phịa. Chữ nghĩa văn vẻ gọi là
hư cấu các tình tiết cho hợp cảnh hợp người. Ai cũng thấy có một tí mình ở trong truyện , nhưng lại chẳng phải ta. Ông Lỗ Tấn thánh thật !
Tháng Hai cứ tưởng buồn. Hóa ra đọc Lỗ Tấn thấy vui đáo để ! []
THÁNG HAI CANH THÌN
( còn tiếp )
hoàng vũ đông sơn
( trích THÁNG HAI BUỒN ĐỌC LẠI LỖ TẤN / HOÀNG VŨ ĐÔNG SƠN -
Văn Uyển xuất bản, San Jose / USA , 2002 - tr. 33 - 42 )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét