Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

nhớ nơi kỳ ngộ: đào duy anh + nguyễn hữu phiếm / bài viết : lãng nhân - 14

nhớ nơi kỳ ngộ - lãng nhân -
 ziên hồng / zieleks / usa , 1997

                                                     vệ thạch đào duy anh 

     Với tư cách  ký giả, tôi vô Huế năm 1931 để xem Hội chợ và nhân tiện phỏng vấn một vài nhân vật- thì may mắn- gặp ở hội trường bạn Vệ Thạch mà tôi nghe tiếng  từ lâu là người có cao vọng chống thực dân, nhưng ngoài mặt, chăm lo việc khảo cứu cổ học để tránh tai mắt.

    Bạn mời tôi về nhà nghỉ ngơi trong căn phòng chứa đầy thư tịch cả ngàn cuốn bộn bề, rồi đưa tôi đến thăm cụ Huỳnh thúc Kháng, nơi văn phòng báo Tiếng dân.
  Cụ Huỳnh người nhỏ nhắn, nói năng bặt thiệp; nhưng chỉ hời hợt xã giao, nên chúng tôi sớm cáo lui, sợ cụ bận về bài vở.

    Rồi bạn dẫn ra phía bến Ngự, đến nhà cụ Phan bội Châu.

    Qua một sân nhỏ, áp tường rào bên trái, có bia nữ đồng chí và bia nghĩa khuyển.

    Tới ngôi nhà tường gạch mái tranh, đã thấy cụ Phan đứng  trên thềm, người cao lớn, trán cao, râu rậm, áo dài, quần trắng; chào đón tươi cười.

    Chuyện vãn vài câu với Vệ Thạch, rồi cụ quay sang tôi :

    - Nghe nói báo Đông tây có mục văn  thi đăng nhiều bài hay, Châu đọc thử mấy vần ông nghe chơi :

                                          Vàng khè trắng toát khắc đôi bên
                                          Thôi mặc ai chê, mặc kẻ khen
                                          Sông núi lỡ làng màu lịch sử 
                                          Gió trăng chờn chợn mối lương duyên
                                          Khó long lay nổi lòng son cắt 
                                          Chẳng hổ ngươi vì  tiếng bạc đen 
                                          Ba chén xong rồi ai ấy bạn? 
                                          Một pho kinh Phật, một cây đèn ... 
                                                                               PHAN BỘI CHÂU

     -Tiên sinh coi có đặng chăng? Châu thì thú ở câu tam tứ : làng đối chợ, câu ngũ long đối hổ.

     Rồi nụ cười hà hà, có cái điếu tre , kéo một hơi ròn tanh tách.

     Lẽ tự nhiên, tôi ca tụng bài thơ thời thế: thật đã biểu lộ sự thấu triệt tình hình và quyết tâm giữ khí tiết - thật là thiên cổ văn chương, thiên cổ tâm sự, như cụ Mai đăng Đệ đã nói ...

     Cụ khoan  khoái dẫn chúng tôi vào coi nhà trong: nhà ở phòng ngoài và phòng trong vuông vắn, nối nhau, bằng hành lang phía phải ; cụ bào :

     - Trong này ngoài kia là Nam Bắc, lối hẹp thông nhau là Trung ba miền đất nước!

    Trời chiều lất phất mưa, chúng tôi tạ từ ra về, trong lòng ái ngại đời sống đơn sơ đạm bạc của bậc chí sĩ đầy công tranh đấu cho quê hương.   Riêng tôi, có cảm tưởng, lòng yêu nước thể hiện bằng tượng trưng hơi nhiều, còn về thơ thì làng với chợ là nhất rồi - nhưng chờn chợ , hình như không có trong tiếng Bắc, long lay với hổ ngươi - tuy hay- song, tôi quen nói lung lay thì lung không xuống được hổ, khó quá ! 

    Chỉ mừng rằng hôm đó bạn Vệ Thạch dành cho tôi rất nhiều tình, và sau đó, mấy lần ra Bắc, bạn đều có ghé thăm. 

    Rồi từ 1946, không được tin gì về bạn, vì đã cách trở đôi đường.

   Mãi đến năm 1979, bạn vào Sài- đô, đến thăm, mới cho hay là sau vụ trăm hoa đua nở - bạn bị thanh trừng triệt để, đến nỗi những công trình nghiên cứu đã xuất bản trong nước và tái bản ở Pháp - đều bị trưng thu -không được hưởng một xu tác quyền, hơn nữa , khi thấy cần tra cứu một vài tài liệu trong tác phẩm của mình ở thư viện, bạn [ cũng] không được phép.

    Cứ như thế, gần 20 năm, cho tới gần đây, quyền công dân mơi được phục hồi,  thì tuổi đã gần 80!
    Trong mấy tuần ở Sài gòn để trí vận, bạn thường đến gặp tôi.

    Ngày 16 tháng 2 năm 1979, bạn đến nói: [ tới ] hạn phải trở về, thì 3 hôm sau tôi được giấy xuất ngoại. 

    Trước khi lên đường, tôi gửi ra Bắc mấy câu lưu giản :

                                              Anh về, tôi cũng đi ngay
                                             Về, đi, phương Bắc phương Tây đôi đàng 
                                             Khác gì Tần với Tiêu Tương 
                                             Khác chăng, là đã cùng hàng cổ hi 
                                             Lại sai mất một chữ thì 
                                             Chỉ hòng lấp biển, bước đi lạc đường 
                                             Chạnh niềm nhớ cảnh gia hương 
                                             Dẫu lìa ngỏ ý còn vương tơ lòng ... 
                                                                                     LÃNG NHÂN

    Không biết anh có nhận được không?  Ở hải ngoại, tôi cũng có thiếp gửi về, mà chẳng thấy âm hao ..

    Mãi đến  năm 1998, bạn Phạm trọng Nhân sang được Pháp,  tôi mới hay tin Đào quân đã qui chân tại Hànội đầu tháng 4 [ 1998 ]- sau gần 1 năm liệt nửa người .

    Và Phạm quân lại viết một bản cặn kẽ về tiểu sử Đào tiên sinh.  Xin chép  sau đây cho rõ ngọn nguồn về 1 học giả mà tôi kính ngưỡng .

     Đào quân sinh năm Giáp thìn ( 1904) tại Thanh hóa là nơi gia đình cư ngụ.  Nhưng nguyên quán là làng Khúc thủy, xã Tả Thanh Oai, tỉnh Hà đông, Bắc việt.
    Bắt đầu học chữ Hán, năm 12 tuổi mới chuyển sang chữ Pháp.  Năm 19 [ tuổi]  tốt nghiệp
[ bằng ]Thành chung tại trường Quốc học Huế.  Đi dạy học tại  Đồng hới [ tỉnh Quảng bình ].
    Năm 1926, gặp Phan  bội ChâuHuỳnh thúc Kháng, làm chủ bút báo 'Tiếng dân '.  Tham gia phong trào Cách mạng Tân Việt, cùng với vợ, thường bị  ra tù, vào khám ( 1928- 1929).
    Sự nghiệp dịch thuật, nghiên cứu, sưu tầm và sáng tác phong phú, đa dạng.  Bộ Bách khoa từ điển Larousse [năm 1968] ca ngợi :
   ' Đào duy Anh  là một nhà văn Viêtnam hiện đại, tác giả nhiều cuốn tự điển, danht iếng nhất là cuốn Hán Việt từ điển .  Viết nhiều sách giá trị về Khổng học và lịch sử cùng văn hóa Vietnam '

    Tạ thế ngày 1 tháng 04 năm 1998 tại Hànội, thọ 84 tuổi  (năm Mậu thìn ) , an tang tại nghỉa trang Văn điển [ ngoại vi] Hànội.  
      PHẠM TRỌNG NHÂN viết 

    ( Sđd:   125 - 128 

                                               nguyễn hữu phiếm   

     Tôi gặp bác sĩ Phiếm  lần đầu tiên là ở Sài gòn, tại phòng mạch * , nhân một buổi sáng váng đầu- sau thân nhau -  do sự cảm thông trong tập Nội san [ của] cựu học sinh trường Bưởi.  Không mấy tuần, anh không lại thăm để vui buồn thế sự.

    Một hôm, anh đưa xem câu cách ngôn Ấn độ  [ từ ] thế kỷ thứ VIII, do báo Pháp đăng tải: 

                       Plus le singe monte haut  / Plus il montre son  derrière

     và nói :
    ...câu này thú vị đấy chứ ...!

    Tôi đáp:- vâng.  để tôi thứ dịch chơi : 

   Rõ khéo khỉ leo cao tưởng bở / Leo càng cao càng hở trôn ra'

    Anh mỉm cười:

    - Đúng thế.  Những kẻ nào hành vi hèn mạt  mà leo được lên dốc lợi danh có khác gì lũ bú dù phô cái trôn đỏ loét ...

    - Có người  lưu xú, nhưng cũng có kẻ lưu phương chứ ! Những  người đạt được danh vọng mà cuộc sống vẫn trong sạch đường hoàng, chẳng đáng phục lắm sao ?

    - Thì danh vọng ấy cũng mờ đi, nếu không biết xử sự khiêm tốn.  Khiêm tốn, như Shakespeare nói : 

     như một cái thang, khi trèo lên thi úp mặt vào, đến khi đạt được mục tiêu , thì quay lưng lại, đâu có thèm ngó đến những bậc vừa đỡ chân mình !

    - Chính thế.  Dù có công lớn với xã hội, với non sông, lúc nào cũng  nên nhũn nhặn.  Trông cái gương cụ [ Nguyễn công] Trứ : khi lam đại tướng, không lấy làm vinh, khi làm lính thú không cho là nhục, cứ xử theo địa vị mình . Còn ] làm lính mà không bận đồ lính, sao gọi là lính 

   - Mà đại tướng khi về hưu, áo bà ba quần lụa, không lẽ còn gắn sao ! Nhưng mà thôi, anh ơi, chúng mình nay đã quá nửa đời, ai cũng đã cố gắng trả nợ chút nào áo cơm, bây giờ không biết anh mỏi gối, chồn chân chưa - chứ tôi thì không còn chen vai thích cánh nữa-  nên, chỉ muốn anh cho một vài phương thức để chuẩn bị tuổi già ...

     - Cái đó có gì khó đâu! Tôi đã qui vào mấy định đề, xin kể anh nghe:

     1. Giao thiệp với đám trẻ, đứng so sánh với thời trước.  Trong gia đình, thay vì lấy quyền uy răn dạy , mình vui vẻ âu yếm, con cháu sẽ xán lại vồ vập.   Cáu kỉnh hay bắt bẻ họ sẽ lánh xa.

2.  Ăn ở sao cho thế hệ đừng coi mình đã già rồi !  Buồn làm chi, mỗi tuổi có cái đẹp, cái duyên của nó,   Mình nên hướng về tương lai, nhìn vào những gì tuổi già đem lại cho mình, hơn là tuổi già đã cuốn đi mất ...

   Chuyện vãn như thế, rồi ngày cuối tháng tư ... xảy đến, anh đi, tôi ở, đôi đường xa nhau .

   Đến khi tôi tới đất Pháp mới hay : 

   '  anh đã khử thế, vị bệnh và vì buồn.  Đứa con yêu quý anh lo cho ăn học thành tài ở Pháp, đã nghiêng theo cái lũ quỷ, mà bấy lâu nay anh ghê tởm lánh xa.'

     Nghe rõ sự tình, tôi bùi ngùi nhớ lại lời anh dặn:

   ... đừng nhìn những gì tuổi già cuốn đi mất, hãy nhìn những gì tuổi già đem lại cho mình...'

   Thì nay, tôi cũng ở trong tuổi già - không nhìn nữa làm chi [ về] những gì trôi mất dạng, và đang nhìn những gì sẽ đem lại cho mình đây ... []

       (Sđd - 109- 110 ).

      lãng nhân - phùng tất đắc

 ----
*  trên đường Trương minh Giảng cũ , ở phía Saigon đi lên,  phòng mạch bác sĩ Phiếm  nằm ở phí tay trái,  số nhà 5. .?   Ông viết nhiều bài báo nho nhỏ :  tư vấn sức khỏe đăng trên  báo Bách Khoa ,  Chinh luận.    Là bác sĩ riêng cho văn sĩ Nhất linh , chủ soái Tự lực văn đoàn (  cho tới ngày 7-7- 1963 ,  Nguyễn tường Tam tự tử phản đối chế độ độc tài Ngô đình Diệm)

        bác sĩ Phiếm  viết tựa  cuốn truyện thơ -phúng- thích  Hanoi 40 năm  trước /  Mai lâm-Nguyễn đắc Lộc  :  (di cảo đã  đăng gần trọn trên website Newvietart.com / France  )

    ... Có người hỏi tại sao cụ Nguyễn đắc Lộc biết quá nhiều như vậy. Riêng tôi, tôi không ngạc nhiên chút nào cả: cụ Nguyễn đắc Lộc không những là  1 ký giả kỳ cựu (  cả 3 phần: Trung, Nam Bắc ) đều biết tiếng.  Cụ đả từng viết báo và sáng lập ra 2 tờ tuần báo pháp : Effort & Union Indochinoise   với Vũ đình Dy.   Cụ cũng là hội viên Hợi đồng thành phồ Hànội [ thời chính phủ Quốc gia : 1950- 54) .  Ngoài ra, cụ còn có chân trong  đảng cách mạng Phục Việt, sau sát nhập với nhóm Việtnam Hồn  của Nguyễn thế Truyền  [ trở]  thành đảng Annan độc lập tại [ Paris lấy tên ] 
 Parti de l' Indépendance Annamite (à Paris ).
     (...)  Thiên trường ca hồi ký  Hanoi 100 năm trước /   Mai lâm-Nguyễn đắc Lộc ( 1897- Saigon 1975)  đáng được cho mọi giới hoan nghênh, vì đó là một tài liệu lịch sử rất quý giá.  Cụ Nguyễn đắc Lộc bảo tôi cụ đã hoàn thành tác phẩm đó sau 2 năm mồ hôi + nước mắt.  Tôi cho rằng cụ đã thành công rồi đấy.  Tôi thiết nghĩ, một đời người như Cụ, mà trong đủ mọi giới, trên khắp các lãnh vực , được ai nấy biết danh một chút, chỉ một chú thôi - cũng đủ cho ta ta vui khi tuổi già - nếu không muốn nói là mãn nguyện.  Cụ Nguyễn đắc Lộc quả xứng đáng là một cụ già gân , với tất cả nghĩa đẹp của câu đó.  []

               BÁC SĨ   NGUYỄN HỮU PHIẾM  /  XUÂN QUÝ SỬU- 1973. 
                ( BT chú thích )  



  



                                                    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét