Thứ Năm, 20 tháng 2, 2014

những bài tranh luận về ttkh- nàng là ai? ,.. nhiều thư, bài viết nêu ý kiến về cuốn sách này...

 thư, bài viết về ttkh-nàng là ai?
báo thanh niên,  văn nghệ tp hcm,
 ngày nay ( houston)...


                  nhiều thư, bài viết, nêu ý kiến về :
              t.t.kh.- nàng là ai? - 
                       thế nhật [thế phong]



                    1. báo thanh niên phát hành tại tp. hcm


    LTS.   Báo Thanh niên số 110 ra ngày 11/10/94 đã có bài của PV   SAIGON-NAY  viết về cuốn TTKH-NÀNG LÀ AI? / Thế Nhật [Thế Phong & Trần nhật Thu - nxb VHTT 9/94] .  Theo Thế Nhật, thì TTKH tân thật là Trần thị Vân Chung và người yêu TTKH là nhà văn Thanh Châu ( hiện ở Hànội).  Sau khi báo đến tay bạn đọc, Thanh niên nhận được nhiều thư, bài viết của bạn đọc khắp nơi tiếp tục nêu ý kiến về cuốn sách này.  Dưới đây, xin trích lược nội dung 2 bài viết của 2 tác giả , một ở Phan thiết, và, một ở Hà nội.
   BÁO THANH NIÊN .


                      CHUNG QUANH TTKH- NÀNG LÀ AI?: VẪN CÒN LÀ NGHI ÁN
                                      thư của độc giả Vũ đình Tiến  [Phan thiết]


     Trong TTKH - Nàng là ai ?, tác giả Thế Nhật , ngoài những dẫn cứ, thông tin của vấn đề sưu tập từ các bài viết đã in trên cách sách, báo ( má ai cũng có thể sưu tầm được, nếu quan tâm ) ; còn lại, tư liệu mới quá ít, có thể là tư liệu giả, mà nếu là thật, cũng chưa  đủ sức thuyết phục để chứng minh TTKH chính là bà Vân Chung và người yêu của TTKH là nhà văn Thanh Châu. Các dẫn liệu do tác giả Thế Nhật đưa ra lại thiếu cụ thể, có tính lấp lửng.  Tên chứng nhân lại viết tắt, địa chỉ mơ hồ.  Thí dụ, ông biết sự thật về TTKH qua  một bức thư của bà bạn  vong niên Đ.T.L..., sinh năm 1924 ở Bắc Ninh, đang ở tp. HCM. Còn TTKH thì ở vùng Dordogne, miền đông nước Pháp...
     Tác giả Thế Nhật cho rằng nhà văn Thanh Châu phê bình, nhận định về thơ TTKH sắc sảo, từ đó đã vội vàng kết luận : ' Ông Thanh Châu nói đến hồn thơ ruột thịt của một người, một thời hết lòng yêu  dấu mới viết được vậy ..' (tr. 15)
    Trong sách ông Thế Nhật có trích thơ của bà Vân Chung.  Xét văn, phong tính cách, tâm lý, tình cảm của những bài thơ này , không thấy chút gì của TTKH qua ' Hai sắc hoa ti-gôn' .  Kính mong nhà văn Thanh Châu và bà Trần thị Vân Chung hãy len tiếng, nếu, tác giả Thế Nhật viết đúng, xin cung cấp thêm những bằng chứng xác thực .  Mong các nhà nghiên cứu văn học có nhận định về cuốn này, hầu, giúp bạn đọc khỏi hiểu nhầm những người có liên quan trong sách là ' giâu máu ăn phần' ( chư dùng của ông Thanh Châu, dẫn theo Thế Nhật ) với nghi án văn học TTKH.

                                                                                          VŨ ĐÌNH TIẾN 
                                                                                                                   ( Phan thiết )


                                   NHÀ VĂN THANH CHÂU ĐÃ NÓI GÌ?
                                         thư của Nguyễn song Quỳnh [Hànội]

     Tôi đã tìm đến số 63 Trần quốc Toản, Hà nội , để được gặp nhà văn Thanh Châu.  Nhà văn Thanh Châu có ý kiến về cuốn 'TTKH- Nàng là ai?', như sau : '... Bà Trần thị Vân Chung không phải là con một ông quan có tiếng, như cuốn ' TTKH- Nàng la ai ?' đã nói, mà, là con một ông đại lky1 rượu 'Phông -ten'  ở Thanh hóa.  ông không hề biết mặt bà Trần thị Anh Minh ( em bà Chung, vợ ông Hà thượng Nhân) và chuyện  ông gặp bà Vân Chung là do ông Thế Nhật tưởng tượng.  Sách in hình[ảnh] * ba Vân Chung, kể lại chuyện tình của ông và bà Vân Chung là không nên, nhất là, khi cả 2 đã và đang có gia đình.
    Ông Thanh Châu tên thật là Ngô Hoan. Sách nêu :' TTKH là ghép lại của 3 từ : T= Trần, T= Thanh, KH= Khóc . Ông Thanh Châu cho rằng, không ai ghép họ người này với  chữ đầu tên kép biệt hiệu người khác.  Còn KHkhóc, thì, khi mới đọc, ông đã phá lên cười.
     Về truyện ' Hoa ti-gôn' , ông đã viết, dựa trên câu chuyện có thật của anh rể, một họa sĩ, chứ không phải của chính ông, mà, ông né tránh, như
sách đã nói.  
    Cuối cùng, ông Thanh Châu cho biết :' tác giả 'TTKH- nàng là ai ?' không hề xin phép ông khi viết, và, ông không tin TTKH là Trần thị Vân Chung .
---
[...] chữ của BT. 
                                                                          NGUYỄN SONG QUỲNH
                                                                                    (Hà nội)


                                   Ý KIẾN BẠN ĐỌC VỀ CUỐN SÁCH ' TTKH - NÀNG là AI?':
          ' CUỐN SÁCH VIẾT RA TỪ MỘT NGỘ NHẬN '
                                                                 bài viết : phan đức


LTS - Sau khi TN số 125 đăng thư góp ý của bạn đọc về cuốn' TTKH- nàng  la ai ?' - TN tiếp tục nhận được thêm nhiều ý kiến đóng góp.  Vừa qua, chúng tôi đăng thư trả lời của tác giả Thế Nhật về những thắc mắc ấy.  TN cho đăng tiếp 2 trong số những thư góp ý của bạn đọc, sau đó, chúng tôi sẽ có bài tổng kết những vấn đề của cuốn sách này.
     BÁO THANH NIÊN 


   Cảm tưởng đầu tiên của tôi khi đọc cuốn TTKH- nàng là ai ?  của Thế Nhật do nxb VHTT ấn hành là' cuốn sách chưa kết thúc được một nghi án văn học tồn tại hơn nửa thế kỷ, thì, lại tạo ra một nghi án mới :

    ' tác giả ' Hoa ti-gôn' có phải là người tình của TTKH ? Và nữ sĩ  Vân Nương có phải là  TTKH  hay không ?'.

    Trước khi cuốn sách của Thế Nhật được xuất bản, tôi, được đọc một bài, cũng của chính tác giả Thế Nhật , in trong tập Nghệ thuật thứ bảy ( tháng 9.94 - nxb Văn nghệ tp. HCM  ), nhan đề :' Chưa ai biết:  'Nữ sĩ TTKH thực sự là
 ai ?' 
  
    Ở đây, tôi không đề cập nội dung bài báo trên của Thế Nhật.  Chỉ nói một điều :' Người viết quá ẩu.' Trong bài viết, tác giả đã cho công bố một bức ảnh  (tr.4) và chú thích ' Bà TTKH và người bạn chụp trong vườn cam tại Mỹ tho, năm 1984. Bà TTKH cầm trái cam '.

   Sự thật, người cầm trái cam là nhà thơ Tôn nữ Hỷ Khương.  Nhưng có lẽ, Thế Nhật cố tình chú thích sai đi, để,  có thể viết câu sau đây  ' Bà TTKH tay cầm trái cấm của EVA đã đưa cho chàng ADAM'. (tr.9)

   Chi tiết trên , dù nằm ngoài sách' TTKH - nàng là ai ?' , nhưng, người ta vẫn thấy sửng sốt, nghi ngờ sự trung thực và thận trọng của tác giảThế Nhật, trong lúc lấy tài liệu.

   Mới đây, tôi có dịp gặp chị Phạm Minh Chi, sinh 1954, là con gái thứ 3 của ông bà Hà thượng Nhân ( Phạm xuân Ninh) và Trần thị Anh Minh, (em gái bà Vân Chung) .  Chị Phạm Minh Chi hiện ở 333/14 B Lê văn Sỹ, quận  Tân bình, tp.HCM, gọi bà Vân Nương bằng bác.  Chị Chi, trước là giáo viên dạy Pháp văn, nay đã nghỉ .  

    Chị cho biết ' Sau khi đọc cuốn ' TTKH- nàng là ai?', tôi thấy sách viết thiếu đứng đắn và sai quá nhiều.  Ví dụ, gia đình bác Vân Nương có 8 người : bác cả, rồi đến một bác gái, bác Vân Nương là thứ 3.. Vậy mà, sách nói sai là nhà chỉ có 5 người, bác Vân Nương là trưởng nữ.  Hay như, đoạn sách nói , sau giải phóng, bác Vân Chung ' ở Sài Gòn buôn bán nhỏ, chạy vạy, tảo tần nuôi con '.  Kỳ thực lúc đó,các anh chị của tôi đã thành gia thất cả rồi, và ,  có người còn sống ở nước ngoài.  Đoạn nói về ' phu quân (tức bác trai) mê một cô thư ký ở văn phòng luật sư, nơi ông làm việc ' là hoàn toàn bịa đặt, bôi nhọ cả người đã chết .[luật sư Lê ngọc Chấn, phu quân của Trần thị Vân Chung] Tới đoạn, tả ông Thanh Châu vào tìm, xin gặp bác Vân Chung, sách lại bảo ở nhà tôi.  Người cô họ tôi dẫn ông Thanh Châu đi gặp bác Vân Chung, sách lại nói, mẹ tôi dẫn bác đi gặp ông Thanh Châu.  Những chi tiết, sự việc đơn giản ấy, về gia đình bác tôi, rất dễ kiểm chứng, mà, người viết còn viết ai sự thật, huống hồ, tin làm sao được chuyện tá giả Thế Nhật bảo bác Vân Chung là TTKH ?

   Vậy, Thế Nhật căn cứ vào đâu, để đưa ra những thông tin ấy.  Theo lời Thế Nhật, ' nghi án TTKH đã khác đi ' - khi  tác giả - ' nhận được bức thư tay của bạn 'Thơ Vong  Niên', bà Thư Linh..' . (tr.42)
  
     Tác giả Thế Nhật cho biết, ' bà Đ.T.L. với TTKH là chỗ quen biết lâu đời ' (tr.45)- thật ra - mối quan hệ giữa bà Vân Nương (mà tác giả khẳng định là TTKH) với bà Đ.T.L. không lâu đời, sâu sắc bằng với các bà nhà thơ trong hội thơ Quỳnh Dao, như Mộng Tuyết, Tôn nữ Hỷ Khương, [Đinh thị] Việt Nữ, Như Hiên... Riêng  bà Đ.T.L. chỉ quen biết nữ sĩ Vân Nương từ năm 1978.

     Điều lạ là, ở đây bà ĐT.L. muốn ' giữ lời hứa với chị [Vân Nương]'- mà lại viết cho ông Th..., theo kiểu ' lạy ông , tôi ở bụi này '. 

     Tác giả Thế Nhật khẳng định, ' Chúng tôi phải cảm ơn bà Đ.T.L. nhiều, bời vì, không có bà, thì, sẽ không có cuốn sách này '. (tr. 4). Vậy  nguồn thông tin gốc, là, từ bà Đ.T.L.  Theo bài trả lời của bà Nghiêm Phái-Thư Linh  (tức Đ.T.L.) đăng trên trang 24, 25,  báo 'Nguyệt san Văn Hóa'  ( số 9/94), thì, từ năm 1939  (tức là lúc 15 tuổi), bà biết được một  lượng thông tin ban đầu, qua một người cô, có tên là Hoa , rằng 'nghe đồn' TTKH, tên gọi là Chung, lấy một ông tri huyện , đậu cử nhân.

    Thế rồi, băng đi khoảng  40 năm sau,  câu chuyện TTKH lại tái hồi.  Bà Thư Linh kể, '...một hôm chị (tức bà Vân Nương) tới nhà thăm tôi.  Trong không khí thân mật, ấm cúng, tôi hỏi :

   ' Vân Nương là bút hiệu háy tên thật của chị?' Chị cười, tên mình là Chung cớ !.
    'Trời ơi, thế chị là TTKH à ?' 
    ' Sao [Thư] Linh biết ?'

    Tôi kể chuyện xưa ở Hà nội cho chị nghe. Chị Vân Nương không nhận mình là TTKH mà 'cũng không phủ nhận '.  ( tôi gạch dưới / Phan Đức)

      Ngày nay, ai cũng biết qua tác giả ' Hoa ti-gôn' với bà Vân Chung, từng có một mối tình cao thượng và trong sáng- như ông Thanh Châu xác
 nhận ,'  Đó là chuyện một thời với bạn bè cùng sinh trưởng ở thi xã , quê cũ Thanh hóa'.  Nhưng chuyện đó không có nghĩa TTKH nhất thiết phải là Vân Chung.

     Tôi cho rằng, ngay từ đầu, bà Thư Linh đã ngộ nhận, từ sự ' không phủ định'  của bà Vân Nương, để rồi, cứ trượt dài trên con đường ngộ nhận. Và, tác giả Thế Nhật đã căn cứ vào một tài liệu giả tường, để viết nên cuốn sách.

    Cần phải nói rõ thêm rằng, cũng trên tờ 'Nguyệt san Văn Hóa'(số 9/94), lời Tòa soạn cho biết, từ bên Pháp :

  ' bà Vân Nương đang phản ứng gay gắt về những điều đã biết, qua tập sách kia.' 
    ( tức phản ứng bài viết của Thế Nhật tóm tắt nội dung cuốn sách 'TTKH- nàng là ai?' in trên' Nghệ thuật thứ bảy').

    Thế là ngày xưa, bà Vân Chung đã không nhận mình làTTKH, còn bây
 giờ , bà đang ' phản ứng gay gắt'

    Ta hãy chờ xem. Nếu bà Thư Linh kể đúng sự thật, và, Thế Nhật viết đúng sự thật -  hà cớ gì - bà Vân Chung ' lại phản ứng gay gắt', nhất là, đối với bà Thư Linh, một người ' quen biết lâu đời'. []

    phan đức 

 ----
< báo Thanh niên số 138, thứ 5 ngày 24-11-1994, phát hành tại tp. HCM>


                                  2.  báo văn nghê tp.hcm

                                            Thư câu lạc bộ  HOA SEN VŨNG TÀU 
                                        (cậy đăng) phát biểu về ' TTKH- NÀNG LÀ AI?'

                                  BUỒN THAY ' TTKH -TRẦN THANH 
                                KHÓC TRẦN THỊ VÂN CHUNG'


      Hơn nửa thế kỷ qua, chúng ta đã tốn khá nhiều công sức, giấy, bút, mực,cố tìm xem TTKH là ai ?- để trả lại giá trị đích thực của tác giả
 ' Hai sắc hoa ti-gôn'.

     Ngày 5-7-1993, câu lạc bộ thơ Hoa sen/ Vũng tàu tổ chức trao đổi về TTKH.   Chúng tôi đã mới được bác Châu Anh, hiện nay đang ở phường 11, quận 3, tp. HCM, là nhà văn cao tuổi - đã  giới thiệu 'Thâm Tâm& TTKH '- bài đăng trên tờ ' Việtnam chủ nhật'.( từ số 24- 31, tháng 11- tháng 1-1961).

   Chúng tôi cũng mời được chị Kim Chi, hiện ở quận Phú nhuận, tp HCM từng   làm việc với Thâm Tâm ở báo' Vệ quốc quân'.  

   Chúng tôi  còn tới gặp bà Nguyễn thị Xuân Trâm *, hiện ở cư xa Thanh đa, tác giả bài ' Huyền thọai xung quanh TTKH' ( báo Văn nghệ tp.HCM, xuân 1990).   Băng ghi âm  về tư liệu cuộc trao đổi với chúng tôi, hiện còn lưu giữ.
---
* sống như vợ chồng ,cùng tác giả Hồ tăng Ấn ( 1920- 2003). Bài  đăng báo do Hồ tăng Ấn  viết, rồi ký tên Nguyễn thị Xuân Trâm.  bà Trâm  là một giáo viên, đã qua đời trước thi sĩ  Hồ tăng Ấn. (BT) 

    Nhưng gần đây, chúng tôi rất buồn, vì, đọc một số bài [viết về TTKH- Nàng là ai?]*, ở báo 'Tuổi trẻ Cười ' , bài viết  Nguyễn song Quỳnh đăng trên báo ' Bà -Rịa- Vũng tàu'.  [Rồi,  đọc tiếp] bài của Quang Hiển [báo  Người tiêu dùng], bài Hữu Vi trên  Văn nghệ tp. HCM...v.v. ...
---
* chữ của BT .

    Về thông tin, tư liệu, xem ra cũng quá nhiều rồi, về quan điểm [cũng rất khác] với Thế Nhật .  Chúng tôi chỉ xin nhắc lại những điều sau :

    - bà Trần thị Vân Chung phản bác, không nhận mình là TTKH, thì sao ?
    - theo Nguyễn song Quỳnh, thì, nhà văn Thanh Châu cũng phủ nhận
      hoàn toàn, cho là[ khám phá ra] TTKH ' dởm'.
   -  tôi rất sợ Thế Nhật đã quá rỡn đùa với văn chương.
   -  chúng tôi muốn bác bỏ hoàn toàn : TTKH là Trần Thanh Khóc, Trần thị 
      Vân Chung,  để, khỏi nhầm lẫn, nhất là đối với các thế hệ sau.
    - xem lại việc cấp phép, cho phát hành TTKH - nàng là ai? / Thế Nhật :
      một vụ' xì-căng-đan' văn chương.

      Với lòng chân thành, mong ông Thế Nhật hiểu cho. []


       nguyễn đức kỳ
       ( CHỦ NHIỆM CÂU LẠC BỘ THƠ 
           HOA SEN/ VŨNG TÀU)




                                                3. báo ngày nay/ houston / usa 

                      sổ tay văn nghệ:
                      NÓI THÊM VỀ TTKH- NÀNG LÀ AI?
                                                  bài viết : Ký giả Lô- Răng
                                   ( ĐẶC BIỆT CỦA NGÀY NAY)


   Trong xã hội Việt nam chừng 50 năm trở lại đây, nếu làm một cái  'survey' xem nhà thơ nào có tác phẩm được truyền tụng nhiều nhất trong dân gian, nhà thơ ấy chắc là Nguyễn Binh.  Thơ ông đã gần trở thành ca dao, ở trên cửa miệng của mọi người, trong lời ru của mẹ ru con, hay, được ghi chép , nâng niu rong cuốn lưu bút đầu tay, của một cô, cậu học sinh nào mới lớn.  Những tuyển tập xuất bản liên tiếp trong thập niên qua, lúc nào cũng là 'best-seller'. Bây giờ, nếu tìm một nhà thơ khác , sau,  Nguyễn Bính được truyền tụng và được yêu mến rộng rãi trong nhân gian , người đó chắc là TTKH.  mối tình sấu rướm máu của nàng :' nếu biết rằng tôi đã có chồng / trời ơi người ấy có buồn không ?'  - từ trên 50 năm nay - vẫn là tâm sự của biết bao cuộc tình đầu lỡ dở. Chỉ 3 bài thơ TTKH đã đi vào văn học, phần nào giống như một bài 'Sonnet'  mà Arvers đã trở nên bất tử.  Người ta ngâm ngợi, ghi chép' Hai sắc hoa ti-gôn' , ' Bài thơ thứ nhất', 'Bài thơ đan áo' - nhưng- bao nhiêu năm trôi qua, TTKH là ai, vẫn là một dấu hỏi lớn, một nghi vấn văn học, chưa có lời giải đáp.  Thời gian  thường  làm lãng quên mọi sự, nhưng, kỳ lạ thay, anh xưng TTKH vẫn còn lấp lánh trong ký ức của thế hệ này tiếp theo thế hệ khác.


                                                      ***

     Do vậy, nên khi cuốn 'TTKH- Nàng là ai ? ' do nhà xuất bản Văn hóa- thông tin ( Việtnam) tung ra  mới đây, nó đã làm xôn xao dư luận.  Ở trong nước báo chí thông tin, từ nam chí bắc đều nói đến nó.  Ở hải ngoại, từ Mỹ đến Úc, Pháp... đâu đâu cũng tìm hiểu, thương xác vấn đề này.  

    Tòa soạn chúng tôi có cuốn ' TTKH- Nàng là ai?'  từ 2 tháng nay, anh em tòa soạn truyền tay nhau đọc. Tôi là 'anh già' trong tòa soạn, nên, khi xem xong, anh em đều hỏi :' Anh thấy thế nào ? tác giả Thế Nhật nói đúng hay sai ?' .

    Thật tình, dù không tin tưởng bao nhiêu vào những lời xác quyết vô bằng chứng (affirmation gratuite) của tác giả, tôi cũng không dám nói không. Những gì thuộc về thông tin văn học liên hệ đến sử liệu, toi nghĩ, là phải hết sức dè dặt, đắn đo, dù chỉ  trong câu chuyện 'bù khú'  giữa anh em tòa soạn.    Biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết '. 

    Trong sử học, có một chữ tôi nghĩ là rất đáng nên trân trọng, đo là chữ' tồn-nghi'. Chỗ nào mà nhà viết sử thấy chưa có đủ bằng  cớ xác đáng, chưa đủ độ tin cậy, thì, tác giả ghi 'tồn-nghi'- nghĩa là còn có chỗ nghi ngờ -  chưa dám quyết đoán.  Tồn- nghi để cho người khác, hoặc , cho thế hệ sau, có đủ điều kiện hơn soi sáng vấn đề.

    Vì bảo trọng sự 'tồn- nghi', nên, về phương diện báo chí, nó có một nhược điểm.  Trong khi thiên hạ đang xôn xao bàn tán về vấn đề này, mình không đáp ứng ngay được sự nôn nao chờ đón của độc giả, phải mất thời giờ đi so sánh, phối kiểm tin tức, trước khi loan tin trên mặt báo.  Dù không có tham vọng đóng góp vào sử liệu, nhưng, lương tâm chức nghiệp tối thiểu của người làm báo nó đòi hỏi như vậy, biết làm sao hơn !

     (...)*   Đó là nhà thơ Hà thượng Nhân, ông bạn gìa của chúng tôi không hiểu sao, lại dính ngang vào nghi vấn văn học này.  Tác  giả Thế Nhật trong' TTKH- Nàng là ai ?' nói rằng 'người ấy' là nhà văn Thanh Châu.  Sau mấy chục năm xa cách, năm 1976, có gặp lại cố nhân, bà 'Vân ChungTTKH' ở nhà ông bạn họ Hà của chúng tôi. 

     Bà Hà thượng Nhân, nhũ danh Trần thị Anh Minh, chính là em ruột của bà Trần thị Vân Chung.  Tác giả Thế Nhật đã kể lại rằng :

   '...  bà Hà đích thân đi mời 'bà Vân Chung TTKH'  đến nhà, để, ông Thanh Châu gặp mặt.  Như thế  này, hải hỏi ông Hà cho ra lẽ.  Chúng tôi gọi điện thoại viễn liên đến San Jose CA, nơi cư ngụ của ông Hà- nhưng- buồn thay, ông Hà lại có việc đi vắng nhà vài bữa.  Khi gác máy, tôi vừa thất vọng vừa buồn rầu.   Thất vọng là không làm sáng tỏ ngay được một vài nghi vấn văn chương, đang được mọi người chờ đón, buồn rầu là vì một vấn đề như vậy, mà, bạn tôi giấu kín suốt mấy chục năm nay, [sao?] .

     Nếu, chuyện này  xảy ra đúng như Thế Nhật kể lại trong 'TTKH- Nàng là ai ?' - tôi buồn,  (... )đồng sự với nhau như thế  là trên 20 năm, ngồi trong cùng một tòa soạn trên 10 năm **, cải tạo, rồi đi tù về, gần gũi nhau 4, 5 năm, tại căn nhà trong ngõ Lê văn Sỹ..., có chuyện gì giấu nhau đâu ? 

    Ông kể tôi nghe những chuyện ngày đầu kháng chiến, sinh hoạt tại khu 4 với tướng [tư lệnh] Nguyễn Sơn, những kỷ niệm với Đặng thái Mai *** , Nguyễn tiến Lãng, Trương Tửu, Nguyễn đức Quỳnh, [rồi] những hoạt động với nhiều người bạn Thanh hóa, quê nhà, như Hữu Loan, Phạm việt Tuyền, Trần kim Tuyến- ngay cả cuộc tình của một thuở nào xa lắm -  mối tình học trò của anh học trò Thanh hóa ngu ngơ chốn sông Hương, núi Ngự, bạn tôi  cũng không giấu tôi.   Bạn hữu gần nhau đến độ phơi gan, trải ruột, lẽ nào, bạn tôi [lại] giấu tôi trong vấn đề TTKH.  Bà Hà với bà Trần thị Vân Chung (tức bà Lê ngọc Chấn) là chị em ruột, ông Hà với ông Chấn (người chồng luống tuổi trong thơ TTKH) là anh em cột chèo. 
----
* (...)  mất đôi dòng, vỉ bàn 'photo' gửi về,  dòng chữ tuy  có đấy, nhưng, nét còn ,nét mất, không đọc được.   Có  lời cảm ơn ,đối với thi sĩ Mai Trung Tĩnh [1937- Virginia 2003]
 lúc chưa qua đời ,  anh thường cắt báo gửi cho tôi . (TP)

**  nhât báo Tiền tuyến ( quân lực VNCH), khi ấy, trung tá Phạm xuân Ninh là chủ nhiệm, Ký giả Lô-Rằng [ trung tá  Phan lạc Phúc] là chủ bút.   (BT)

[... ] chữ của người biên tập.  {BT]

    Là, anh em cột chèo gần gũi, vì, năm 1986, khi ông Lê ngọc Chấn ( cựu lãnh tụ VNQDĐ, cựu tổng trướng quốc phòng , cựu đại sứ VNCH tại Anh quốc) đi cải tạo về, rồi, lâm bệnh mất- linh cữu quàn tại nhà ông bà Hà thượng Nhân.  Tôi, từ Hóc Môn có lên kính viếng.  Sau đó, trong khi chờ đợi xuất cảnh đi Pháp, bà Chấn ở  nhà bà Hà - trong những buổi lên chơi , tôi thường gặp bà Chấn ở đó.

    Đối với chúng tôi, bà Chấn tuộc về bậc chị.  Dù, đang cơ hoạn nạn ' quốc phá gia vong' - chị Chấn lúc nào cũng có phong thái của một vị phu nhân  nghiêm cẩn và tự trọng.  

    Tôi, thỉnh thoảng cũng có được nghe một vài đoạn thơ của chị, trong nhóm Quỳnh Dao- nhưng thơ của chị không một chút nào hơi hướng TTKH.  Không lẽ, một con người như thế, lại có thể ôm lấy cố nhân Thanh Châu trước mặt mọi người, rồi, khóc than mùi mẫn.

    Một giai thoại văn chương trên 50 năm nay, không nên kết thúc rẻ tiền như vậy.  Mà cũng không nên xâm phạm đời tư của một người đàn bà khả kính một cách sàm sỡ và hồ đồ như vậy.

   Hơn 1 tuần sau, chúng tôi mới liên lạc đựợc với ông Hà thượng Nhân
- và - vội hỏi ngay vấn đề 'chị Vân Chung TTKH' và cuộc gặp gỡ [Thanh Châu] tại nhà ông bà Hà .  Ông bạn tôi trả lời :

  ' Đúng, có một chi tiết rất đúng.  Đó là cái nhà của tôi, Kỳ dư, mọi chuyện khác đều là giả tưởng, đều là nhảm nhí cả ...'

    Nghe xong câu trả lời, tôi thấy vui trong bụng.  Vì, một giai thoại văn chương cho đến nay, nó vẫn còn là giai thoại văn chương - vì - 'ông bạn tôi không có giấu tôi điều gì hết '. []

    ký giả lô-răng

     ---
     < báo Ngày Nay số 315 ngày 1-3- 1995 - chữ viết tay của MTTĩnh>






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét