Thứ Sáu, 19 tháng 9, 2014

sổ tay/ nguyễn xuân hoàng [1940- 2014 usa]: về ngọc thứ lang, dịch giả cuốn godfather/ mario puzo.

sổ tay nguyễn xuân hoàng
T.Van&Bạn hữu [USA] 

                          về ngọc thứ lang, dịch giả cuốn                             godfather/ mario puzo
                            bài viết: nguyễn xuân hoàng 

Một buổi sáng tháng chạp 1972, một người đàn ông gầy ốm, mặt nhỏ choắt, mặc chiếc áo sơ- mi màu cháo lòng, tay áo thả dài xuống, lấp cả 2 bàn tay- bước vào tòa soạn Văn ở đường Phạm ngũ Lão, Saigon.  Mai Thảo giới thiệu với tôi, tên anh là Tú, dịch giả cuốn Bố già/Mario Puzo.

" Mình đi uống cà- phê", Mai Thảo rủ cả 2 chúng tôi.  Quán cà-phê nằm bên hông tòa soạn của bà Tư - (tôi không nhớ tên bà có đúng là bàTư không, người [miền] Nam, rất dễ tính, xởi lởi. Bà vẫn thường cho tôi ghi sổ nợ, cuối tháng trả một lần cho tiện.) Thường ra, tôi vẫn ngồi cà phê ở quán Cái Chùa [La Pagode], với Huỳnh phan Anh, Nguyễn đình Toàn.  Chỉ hôm nào không ra quán Cái Chùa, thì mới ăn sáng ở quán bà Tư, ăn sáng ở đây, không có gì khác hơn: bánh mì và hột gà ốp-la hay ô-mơ-lét.   Quán bà Tư nằm bên hông nhà một con hẻm,hình hư sát bên tiệm ảnh bên tòa soạn báo Văn.  Con hẻm rất hẹp,  chỉ vửa cho một chiếc xe gắn máy ra,hoặc vào chỉ một chiều mà thôi.  Quán chỉ cò, 3 chiếc ghế lèo tèo, loại ghế đóng bằng gỗ tạp. 

[Và] Ngọc thứ Lang vẫn nói, [còn] Mai Thảo  thì lầm lì, không nói gi nhiều- chưa uống hết ly cà-phê, anh Ngọc thứ Lang là người đứng dậy trước , dợm bước đi, tôi thấy Mai Thảo đứng dậy theo, kín đáo giúi vào tay Ngọc thứ Lang mấy tờ giấy bạc. Đó là lần đầu tiên,  và lần duy nhất, tôi gặp dịch giả Bố già. Tôi không có cơ hội nào khác để gặp anh nữa. 

Tôi đọc cuốn Bố già, bản dịch Ngọc thứ Lang, cuốn sách đã lôi cuốn tôi mạnh mẽ.  [Cùng] thời gian đó, tôi đang thực hiện một lọat bài, dưới tên 'Nhà văn ở phút nói thật', phỏng vấn nhà văn Doãn quốc Sỹ, Võ Phiến, Mai Thảo, Bùi Giang, Viên Linh, Nguyễn mạnh Côn ...- bỗng nhiên tôi muốn phỏng vấn Ngọc thứ Lang, [nhưng, chủ nhiệm Nguyễn đỉnh Vượng gạt đi]. [Vả lại] thời gian đó, tôi có quá nhiều việc phải làm, tôi quên bẵng chuyện tìm anh [Ngọc thứ Lang] để hỏi , vì sao anh nắm bắt được cái ngôn ngữ kỳ lạ của thế giới mafia như thế.

Cuộc chiến Việt nam chấm dứt, mà, chúng tôi vẫn chưa được xem phim Bố già trên màn ảnh lớn..., [lại thêm  nhiều chuyện nhiễu nhương], tôi quên  mất Bố già/ Mario Puzo, cũng như anh Ngọc thứ Lang, dịch giả cuốn Bố già tuyệt hay !

Năm 1986, từ Bataan [Philippines] đến Mỹ, tình cờ tôi được xem cuốn 'video
Bố già- tôi có cảm giác giống hệt [nhà văn] Hoàng hải Thủy, cuốn phim không lôi cuốn như khi đọc sách.  Mặc dù, đó là một trong những tác phẩm lớn của điện ảnh Hoa Kỳ.  Sự chờ đợi quá lâu, đã làm tình cảm con người nguội lạnh chăng? Riêng tôi không tin như thế, vì có tác phẩm như cuốn Bác sĩ Jhivago, sau bao nhiêu năm, giờ đây xem lại, vẫn làm trái tim tôi rung động, như là mới ngày nào vừa mới gặp người đàn bà định mệnh Lara, từ trong cuốn truyện bước lên màn ảnh- mà khuôn mặt đam mê, quyến rũ ấy vẫn cứ theo đuổi tôi suốt những tháng năm trong đời mình 

(...)-tạm lược (BT) 

Và, cái bản tin tin tôi vừa đọc , ... 'tác giả The Godfather qua đời hôm 1-7-[1999] tại thành phố Bay Shore, New York, thọ 78 tuổi...'- đã làm tôi nhớ lại hình ảnh người đàn ông gầy gò, mặc chiếc áo sơ-mi cháo lòng, 2 tay áo dài thõng che lấp 2 bàn tay- [ấy là hình ảnh anh ta hiện ra vào] một buổi sáng, bước vào toà soạn tạp chí Văn, trên đường Phạm ngũ Lão.  Bây giờ anh [ta] đang ở đâu, người dịch giả tài năng ấy?

[Cứ như] nhà văn Hoàng hải Thủy nói, Ngọc thứ Lang mất cách đây hơn 20 năm rồi.  Sau 1975, 2 nhà xuất bản ở Việt nam giành nhau in lại bản dịch Bố già của Ngọc thứ Lang- giờ đây không phải trả bản quyền cho người dịch nữa.   Một nah2 xuất bản việt ở hải ngoại cũng  tái bản  Bố già,  cũng không trả bản quyền cho dịch giả Ngọc thứ Lang.

  (...)- tạm lược  (BT)

Theo trí nhớ Hoàng hải Thủy, thì, ông đã gặp Nguyễn ngọc Tú (tên thật dịch giả Ngọc thứ Lang) khoảng 1951 ở Saigon- khi ấy cả 2 ông đều ở tuổi 20. Thế nhưng ở tuổi đó, Nguyễn ngọc Tú đã là người chơi trội hơn Hoàng hải Thủy nhiều- [nào là] đánh roulette ở sòng bạc [Đại thế giới]và hút thuốc phiện.

Năm 1955, mới chừng 25 tuổi, Nguyễn ngọc Tú đã kiếm được nhiều tiền. Anh ta in và bán quyển Tại sao tôi di cư * cho bộ Thông tin của chính phủ Việt nam Cộng hòa, thời bộ trưởng Thông tin Phạm xuân Thái.  Năm đó, Nguyễn ngọc Tú có trong tay cả hàng trăm ngàn đồng, một số tiền rất lớn thời bấy giờ.  Ăn diện như một tay chơi thứ thiệt, áo sơ-mi hàng nhập từ Paris sang, chỉ có trong một cửa hiệu trên đường Catinat, đồng hồ vuông mặt đen mũ phớt Mossant, cặp da, máy chữ, hút thuốc lá Philip Morris vàng, bật lửa Dupont, cơm tây rượu chát, Vào gia đoạn đó, Tú gặp tình yêu, nhưng mối tình trắc trở- người yêu tự tử, cuộc đời Tú bắt đầu xuống dốc không phanh. Anh  tìm được một chỗ, ăn nằm hút sách ở hẻm Monceaux Tân định,  Để có tiền hút, Tú bán hết đồng hồ, máy chữ, cặp da... để cung cấp cho việc nghiện hút càng ngày càng nặng.  
---
* năm 1954, Nguyễn ngọc Tú là công cán ủy viên tổng trưởng Thông tin & tuyên truyền Phạm xuân Thái. (nội các thủ tướng Ngô đình Diệm.) Lợi dụng sự tin cậy tổng trường Thái,  Nguyễn ngọc Tú in cuốn 'Tại sao tôi di cư'  của tác giả Hùng Thanh [bút danh khác của Bàng bá Lân] in  số lượng lớn, kiếm rất bộn tiền . Lúc ấy, bộ Thông tin có một cố vấn Mỹ duy nhất,  công cán ủy viên Tú thường giao thiệp với tay cố vấn bằng bút đàm. Và, Nguyễn ngọc Tú mua được một căn nhà ở 26(?)  đường Huyền Quang, khu Tân định, một con đường ngắn nhất của Saigon-Chợ lớn - nhà chỉ có một mặt đường, mắt kia là  tường xây trường mẫu giáo và cái đình lớn.   Đâu đó vào tháng 6/ 1955, nội các Ngô đình Diệm cải tổ, tân tổng trưởng Trần chánh Thành nắm  bộ Thông tin , tất cả  bộ sậu , tùy tùng cựu tổng trưởng Phạm xuân Thái ra đi, trong đó có Nguyễn ngọc Tú
  (BT chú thích, 9/2014). 

Năm 1970, Nguyễn ngọc Tú viết cho Tuần san thứ Tư của Nguyễn đức Nhuận và nhiều báo khác, với bút danh Ngọc thứ Lang. Và, Tú được Nhuận trao cho bản anh ngữ The Godfather, anh ta chọn tựa Bố già cho bản dịch của mình.  Và, bản dịch này trở thành cuốn sách ăn khách hàng đầu của Saigon vào những năm 1974-1975.

Sau 30-4-1975, Ngọc thứ Lang bị bắt đi phục hồi nhân phẩm ở Trung tâm cai nghiện mai túy,  năm trong khuôn viện Fatima ở Bình triệu. Rồi một hôm, có một ký giả ngọai quốc đến thăm trung tâm Fatima, ngạc nhiên, khi biết Nguyễn Ngọc Tú thân tàn ma dại, đang đứng trước mặt nữ ký giả, lại là dịch giả cuốn Godfather / Mario Puzo.  Cô nhà báo không tin, nên xin phép trung tâm cho anh về Saigon , mang cuốn sách dịch lên Trung tâm cai nghiện, để cô ký giả kia tin là thật.

   (...)- tạm lược. (BT

 Người Saigon rất mê cuốn Bố già, và họ chờ đợi xem phim Bố già do Marlon Brando đóng vai Don Corleone-  mặc dù như lời nhà văn Hoàng hải Thủy kể lại, từ đầu 1975, người ta đã chờ nhập cảng cuốn phim này vào Việt nam, bởi cuốn phim này chưa được trình chiếu trước công chúng. "Tại sao, vẫn lời Hoàng hải Thủy, những người nhập phim chờ đợi ngày lành, tháng tốt, mới đem ra chiếu để hốt bạc. *

Sự chờ đợi của những con buôn ấy không bao giờ trở thành hiện thực[ vì biến cố 30-4-75] và phải hơn mấy chục năm sau, người Saigon mới được xem phim Bố già. []

  nguyễn xuân hoàng
      [1940- 2014 usa]

---
* đâu đó giữa tháng 4/1975, đại úy Nguyễn thiệu Hùng, trưởng ban biên tập đài Tiếng nói quân đội,  cầm 2 tấm vé mời,  rủ tôi tới rạp Rex,  nơi trình chiếu phim 'The Godfather',dành riêng báo chí,  điện ảnh, giới truyền thông.  Nguyễn thiệu Hùng (thi sĩ Mai trung Tinh) nói đùa," chúng mình đi đi , kẻo rồi sẽ không còn cơ hội nào, được xem phim The Godfather nữa đâu?". 
  (BT chú thích, 9-2014). 



   


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét