Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2015

kẻ sĩ -- truyện ngắn hồ phong ( tập thơ truyện không quân thời chiến, saigon 1974)

tập thơ truyện kq thời chiến
nxb vàng son,  saigon, 1974


                                                            k  ẻ    s ĩ
                                                          truyện ngắn : hồ phong


                                                                                      hồ phong   [i.e. kiều văn bảng 1936-     ]
                                                                                          (ảnh: Tập thơ truyện kq thời chiến)

Nước Đại hoa nổi tiếng nhiều khách phong lưu tài tử.  Chính vương Đại hoa nguyên là một nghệ sĩ, nên chốn cửu trùng vào ra, không thiếu những hào kiệt, tao nhân tuấn tú một thời.

Một đêm trăng tròn vạnh góc trời, chánh vương ngựa giá ngao du đến chốn thảo viên ngoại thành; đối cảnh sinh tình, chạnh lòng tưởng nhớ buổi hoa niên mình rồng còn bình dị một tao nhân mặc khách -- áo lam, quần hồng, khăn tơ, hài biếc, túi thơ bầu rượu; ngày thì thênh thang, cử bộ nơi đầu ghềnh cuối bãi; buổi thì nước nhược, non bồng, bút hoa một ngọn,  nghiên vàng một vuông.  Nhưng buổi hoa niên nhàn du sớm hết; chàng văn nhân tài tử phải giã từ bút nghiên, trút bỏ áo lam quần hồng, khăn tơ, hài hiếc, bắt đầu chinh y, kiếm lệnh, bình Nam, phạt Bắc, đuổi Tây-- bắt đầu những ngày dài lăn lưng vào võ nghiệp. 

 Cũng nhiều lúc dừng gươm, hồi tưởng, nhớ một thời nghiên bút, chàng gối đầu lên giáp trận, gieo vần, dệt điệu.  Tiết tấu thi ca tự nguồn mạch hồn; chàng không kêu gào, cổ võ chém giết; mà, chính là những vần điệu được viết ra dưới nhãn quan chứng nhân, nhìn rõ; biết hết ngọn nguồn, những chết chóc xót xa không cùng.   Bẩm sinh, chàng là nghệ sĩ, như sứ giả mang đời hiền triết tự thiên định, gieo rắc khắp dân gian nên những khúc giây tỉnh ngộ -- chàng dừng gươm, ngó sững tay mình, bàn tay đáng lẽ chỉ vung bút hoa, sáng tạo ngôn từ cho dân gian hát lên thành nhạc, cho tiếng hát tinh khôi làm dừng những bước chân đang đắm đuối u mê hành trình, cho nhạc nâng hồn người lên khỏi cõi triền phọc, ra khỏi biển trầm luân.  Ngôn từ thi ca sẽ qui tụ những đời người lang thang, bơ vơ, kết tinh hướng đến trực diện nhân sinh chính thống.

Nhưng hiện tại, bút hoa nghiên vàng, áo lam, quần hồng, khăn tơ, hài hiếc; chỉ còn là một quá vãng mù xa dịu dàng.

Hiện tại, đời chàng là mão thép, giáp bào, kiếm lệnh.  Và những chuyến tung hoành, những lần chinh phạt; chính những chiến công lẩu lừng: đông, tây, nam,, bắc đã đưa chàng lên ngôi chánh vương Đại hoa, trước bao cặp mắt thèm thuồng, mơ ước của các đồng ngũ đồng thời.

Nhưng khó nguôi quên quá vãng đời mình, khó thay đổi huyết tinh một giòng, trên ngôi cao, lầu son, gác tía, trên chót vót võ nghiệp --đôi khi chánh vương vẫn bồi hồi tưởng nhớ thời bút hoa, nghiên vàng, áo lam, quần hồng, khăn tơ, hài hiếc, đàm đạo với tao nhân, ngâm nga cùng mặc khách, tha thẩn rong chơi tận ngoài vòng cương tỏa.

Trăng đã lên cao, chánh vương truyền cho xa giá dừng lại, và truyền bầy ẩm tiệc giữ thảo viên, dùng trà quê Sơn dương làm chính thức.

Khi ẩm tiệc bầy xong, chánh vương ngự xá, truyền cho văn võ bá quan tháp tùng xa giới cùng tham dự.  Riêng cận vệ, thi gươm trần loang loáng, đứng dàn hàng chầu quanh, uy nghi lẫm liệt.

Ẩm tiệc bắt đầu bằng trà quế Sơn dương,rót vào những chiếc ly bạch ngọc trắng hồng.  Thấy văn võ, bá quan đều yên lặng, chánh vương cao giọng khai từ, 

"Hôm nay trăng đẹp, trẫm muốn được cùng các khanh uống trà và mạn đàm giữa chốn thảo viên thanh tịnh này; cũng gọi là tạm quên phần nào cảnh trào môn nặng nề luật vua, phép nước.  Vả lại, ở chốn thảo viên ngoại thành này, trẫm được mạn đàn với thần nhân; mà khỏi nhìn những bản mặt xu phu, chầu rìa bổng lộc, đến quên cả nhân phẩm tựa loại ngựa, dê,  đê hạ.

Tất cả văn võ, bá quan theo hầu xa giá đều cúi đầu tỏ lòng tạ ơn thánh đế.

  Ngưng lại mốt lát, chánh vương hỏi, 
" Chẳng hay trong các khanh, có ai biết xuất xứ món trà quế Sơn dương này không ?

Hàng văn võ bá quan, nhiều người nhìn nhau, không có tiếng đáp.

  Chánh vương chờ đợi giây lâu, rồi tự giải nghĩa,
" Sơn dương là dãy núi nhỏ, rừ rừng đậm ra biển, chạy vòng ôm một khoảng bờ phẳng.  Tuy Sơn dương là núi nhỏ, không hiểm trở;nhưng ít ai dám vào, vì trong đó có loài rắn độc, chạy rất nhanh, quăng mình nhảy xa như bay; biết đánh hơi người theo hướng gió thổi.  Những người bị loài rắn này cắn, cháy đen như bị sét đánh, không thể nào chữa được.  Nhưng riêng dân chúng Giao hòa, một xóm nhỏ chài ở dưới chân Sơn dương là xuất nhập rặng Sơn dương dễ dàng. mà, không sợ loài rắn độc -- vì họ tìm được thứ vỏ cây, đã lấy nước bôi lên người; loài rắn độc ngửi thấy mùi thì lùi xa ngay.
Sơn dương là một âm thổ đặc biệt, nên sản sinh một giống quế  dị kỳ, cây thấp , thân to, cành xòe như nan quạt hương quay ra biển.

Tục truyền, cổ xưa ở bản Giao hoà, có một tiên lão cốt cách khác thường, sống kham khổ, tu hành -- đã gần 200 tuổi vẫn khỏe như tráng niên, râu tóc bạc phơ, da thắm đỏ như son Tàu.  Vì tiên lão co hạt giống trà đen, gio lên vuông thổ nhỏ ở miền Sơn dương để thử nghiệm.  Sau một ngày, một đêm; đúng lúc mặt trời mọc, hạt giống trà nẩy mầm, mầm nào cũng hướng về biển, làm như mầm nẩy trồi ở thổ, lên gặp ánh mặt trời, bị hấp lực của thủy, cong về hướng thủy; thủy thổ giao thoa, âm dương kết tạo dinh dưỡng , cây trà tăng trưởng điều hòa.

Một hôm, vị tiên lão nấu nước suối pha trà; thì màu trà đen, đục, nhấm nháp phải chau mày, vì tanh chua vị giác.  Giật mình, vị tiên lão vội múc  nước biển, nấu lên hãm trà.  Quả nhiên, ly trà xanh biếc, hương thơm bay tỏa ngạt ngào.  Thử nhấm nháp, tiên lão nghe  mùi vị  sảng khoái, lòng thanh thản tuyệt vời.

Biết vừa tìm ra thảo báu, tiên lão tiếp tục công trình nghiệm chứng.  Ngài khẩn hoang ngay vuông thổ nhỏ thứ 2, trên triền Sơn dương, gieo hạt giống trà.  Sau một ngày, một đêm; đúng lúc mặt trời mọc, hạt giống trà lại nẩy mầm lên khỏi mặt thổ, thảy đều cong hướng về phía biển.   Vị tiên lão không quên loài quế  dinh dưỡng dị kỳ ở Sơn dương -- bèn bóc vỏ quế đập nát, đem bón lên thổ trà.  Quả nhiên, gặp đồ ăn tốt, trà lên xanh um.  Đúng một tuần trăng, lá trà tới độ, tiên lão hái đem về, nấu nước biển, hãm trà trong khoảnh khắc-- nước biếc xanh, hương thơm ngào ngạ, uống vào say sưa tuyệt diệu.

Nghĩ cách làm sao để được lâu, tiên lão đem phơi, lá trà khô quăn tròn thành từng hình ống nhỏ, trông như  những thỏi đồng sống, vàng óng ánh.  Nếu đem ngâm vào nước biển nấu sôi, nước trà có màu hồng đào, vẫn giữ nguyên vị cũ; uống vào nghe nồng nàn, say sưa, sảng khoái,  tâm trí minh mẫn tuyệt với.

Từ đó, thổ dân Giao hòa theo nghề cha ông, kết nghiệp trồng trà. Và, cách trồng trà chỉ được truyền dạy cho con trai, sợ con gái biết nghề, khi lấy chồng xa, đem nghề về bên chồng; gieo trà ở thổ lạ, không có màu bón, trà mất ngon, mất thiêng. Từ đó, dân gian gọi là trà Sơn dương. Và, vì là loại thảo báu, đắt tiền; nên nhân gian chỉ dùng trà Sơn dương vào những ẩm tiệc tri kỷ.

" Nay ta đãi các khanh trà Sơn dương, cũng ngụ ý cùng nhau mạn đàm trong nghĩa tình tri kỷ.  Vậy các khanh hãy vì ta đã ngỏ; mà, sẵn lòng đáp lại hảo ý đó."

Dứt lời, chánh vương nâng ly khai tiệc. 

Hết thảy văn võ bá quan đều nâng ly ngang mặt, rồi cung kính thưởng thức.  Sau một tuần trà, chánh vươn vui, cười; mặt rồng rạng rỡ, ngâm vịnh sang sảng; tưởng chừng trái đất cũng chuyển di, sơn hà cũng biến cải.

Ngay mặt chánh vương, vị văn quan trẻ tuổi ngồi sững.  Chánh vương kịp nhận biết, cật vấn,
" Tại sao khanh có cử chỉ đó?"

Vị văn quan trẻ tuổi chân tình,
"Tâu thánh thượng; kể từ bệ kiến long nhan, đã gần ngũ niên; nay kẻ hạ thần mới được chiêm ngưỡng long nhan chính xác của thánh thượng.

Chánh vương suy nghĩ hồi lâu,  giọng thoáng buồn,  đáp lời như than thở với tri kỷ,
" Ta biết, chính ta đã ngồi quá cao, đã xa các khanh, thay vì phải có những cuộc hội kiến, mạn đàm thường xuyên với những người tâm thành, để soi sáng cái tâm của mình; để làm tròn sứ mạng thế thiên hành đạo. Nhưng cũng vì triều chính đa tạp, phép nước quá lâu đời; ta chưa cải đổi ngay được.  Ở địa vị ta, bậc thức giả sợ mang tiếng cầu cạnh vinh hoa, phú quí; không chịu đến, mà bọn xàm tấu, xu phụ, chầu rìa-- thì nhung nhúc cửa trùng, ta cố gắng nhin cho trong sáng, nghe cho thông suốt; để việc nước được công minh quả là đã mệt nhọc lắm rồi. Thật, ít có dịp nghĩ đến việc triệu thỉnh những bậc hiền nhân, danh sĩ; để đàm đạo chuyện xã tắc.

Vị văn quan trẻ tuổi nâng ly, nhắp một hớp trà; rồi hạ ly xuống.  Chánh vương ngó nhìn, vội hỏi,
" Ý chừng khanh muốn nói điều gì?"
" Việc nước không riêng gì luyện quân; việc quân không riêng gì luyện võ."

Chánh vương cười,
" Hình như khanh chưa nói hết."
" Hiện nay hoàng thượng chỉ nghĩ đến việc giặc giã, chỉ lo luyện quân binh, dùng sức mạnh võ lức làm chân nhất".
" Dẫu sao đó cũng là việc cần thiết."
" Luận việc nước là phải luận toàn bộ.  Nhìn xã tắc là phải nhìn toàn diện và thông suốt. Nếu tách ra từng phân vị, chỉ giải quyết từng phân vị, ấy là tài thô, trí thiển; không sao gọi là thế thiên hành đạo được".

Chánh vương buồn rầu,
" Khanh cứ nói tiếp, ta nghe".
" Như bọn văn thần chúng tôi, ra vào ngất ngưởng, thử hỏi làm sao quên được lễ nghĩa liêm sỉ."
" Thì ta vẫn ban lệnh phải đặc biệ chu toàn bổng lộc cho hàng văn thần".
" Thánh thượng chỉ nghĩ đến một việc chu toàn bổng lộc cho hạng văn thần , hay sao?".
" Thì hàng văn thần vốn sẵn tài ba chữ nghĩa, cứ tự ý gieo vần làm lành cho muôn dân".
" Quốc sự đâu phải việc tự ý mỗi người.  Phải tỏ rõ thiên mệnh.  Phải tìm ra hướng đi.  Phải thực hiện đồng hành.  Trong đó, kẻ sĩ thấy rõ mình là phần tử trong đồng hành, tương quan đồng đều, tổng hợp".
" Thực tâm ta chỉ muốn hậu đãi các văn nhân, kẻ sĩ mà thôi.  Còn ai muốn giúp ta điều gì, cứ tùy tiện".
" Hậu đãi không khéo sẽ thành ra biệt đãi.  Biệt đãi bừa bãi sẽ thành ra suồng sã, buông thả.  Như thế, trước mặt mọi người; những văn nhân, kẽ sĩ đều là kẻ đọa lạc, hư hỏng. Đó chính là đẩy văn nhân, kẻ sĩ ra khỏi cuộc đồng hành".
" Ta vẫn truyền lệhn: văn nhân, kẻ sĩ phải chu toàn nhiệm vụ quân binh thời loạn.  Bởi, việc quân binh hiện nay là nhiệm vụ hàng đầu"

Vị văn quan trẻ tuổi nâng ly trà Sơn dương lên môi, ngâm nga, trầm tư rất lung; mà không nói.  Chánh vương cũng nâng ly trà Sơn dương lên hớp một ngụm, có ý hối hả,
" Khanh cứ nói tiếp, đừng nên ngần ngại".

 Vị văn quan trẻ tuổi, mỉm cười, buồn bã, 
" Hoàng thượng đã hoàn toàn nhầm lẫn".
Chánh vương sửng sốt,
" Cớ sao khanh nói vậy?".
Vị văn quan trẻ tuổi bình tĩnh, tấu trình,
" Tỷ như việc quân, thuần về võ nghệ, gươm giáo; thì một văn nhân kẻ sĩ làm sao bằng một quân binh?  Đó là chưa nói cái cảnh múa rìu qua mắt thợ, làm vậy thật hài hước cho thiên hạ cười.  Đã gọi là nghề; thì mỗi người có một nghề, Bắt văn nhân, kẻ sĩ chuyên cầm bút,mài mực, sang lo việc quân binh-- trong khi họ không thạo võ nghệ, cầm gươm giáo như cầm cần câu, nón lá; thì chẳng những lố bịch; mà, còn phải coi chừng tai họa do sự vụng về cùa họ.  Thật là bắt mèo bơi sông, bắt voi nhảy cao, làm sao thành được đại sự.

" Cớ gì văn nhân kẻ sĩ không cùng với các đình thần lo việc xã tắc ?
" Giặc giã đang bốn bề, xã tắc đang đại loạn.  Triều đình chỉ nghĩ đến việc trước mắt là việc dụng quân; mà, không nghĩ rằng muốn cho việc dụng quân thành tựu vẻ vang, phải lo rất nhiều việc cùng một lúc.  Tỷ như song song với việc qui tụ muôn dân một lòng ...  Những việc đó không cậy nơi văn quan là không thông suốt. Nhưng muốn cậy được văn quan, phải thành ý, chính tâm.
" Mà tại sao hàng quan văn không đứng ra lo những việc ấy?"
" Triều đình ngày nay, bọn dê ngựa nhung nhúc.  Hàng văn quan còn nghĩ đến liêm sỉ, không thể hạ mình chen chân với bầy dê ngựa được.  Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Nhà nào nhiều chó dữ thì khách đường xa ngại ghé.  Chỗ nào nhiều dê ngựa; thì, kẻ sĩ không thể đem thân trộn lẫn, hòa đồng; phải tìm cách tránh xa.
" Cớ sao các tao nhân, mặc khác không đến với ta ?"
" Bệ hạ cao sang.  Bọn dê ngựa, khuyển mã thèm miếng đỉnh chung, tranh nhau đến quỳ dưới chân bệ ngọc, làm ô uế bệ ngọc.  Như vậy, tao nhân, mặc khách cũng kéo đến chen chân tranh nhau với dê ngựa, khuyển ãm; để kiếm một chỗ quỳ dưới chân bệ ngọc hay sao?"
"Nhưng họ là bầy tôi, thì phải đến với ta".
" Khi bao người  còn đang chầu chực vinh hoa phú quí chung quanh bệ rồng; mà, bọn tao nhân, mặc khách dấn thân đến sẽ mang tiếng là cầu cạnh, quí lụy.  Kẽ sĩ mà mang tiếng là cầu cạnh quì lụy, không dung nổi người tiết tháo, cương trực.  Làm bầy tôi phải nghĩ đến vua, phải biết giữ cho vua đừng mang tiếng không xứng ngôi cửu trùng, không xứng đại nghiệp thế thiên hành đạo."
" Khanh nghĩ sao về nghĩa vua tôi?".
" Bầy tôi,  chỉ biết trung với vua; bằng cách vua nóng thì nóng theo; vua lạnh thì lạnh theo; là bầy tôi ngu xuẩn.  Bầy tôi nhắm mắt theo vua, là bầy tôi dễ phản.  Bầy tôi, biết can ngăn, khi vua không sáng, biết xiển dương đức lớn của vua, là bầy tôi cương trực, thần dân trung kiên của xã tắc, là tinh anh của giống nòi.  Xã tắc còn, chính là nhờ những phần tử đó".
" Nhưng ngoài ngôi thiên tử, trước kia ta cũng mặc áo văn nhân với họ; sao họ lảng tránh ta?".
" Tình nghĩa văn nhân , nó mênh mông tuyệt vời; không ở đầu một ngọn lưỡi như bọn ngựa, dê; vẫn thù tạc, chén chú, chén anh; xưng tụng nhau ồn ào giữa chốn trà đình, tửu điếm."
" Khanh có đoan chắc thảy hàng văn nhân đều nghĩ thế?".
" Tôi chỉ xin nói đến bọn văn nhân chính danh mà thôi; còn bọn ngụy quân tử, bọn văn dốt, vũ dát; phương cẩu sĩ háo danh, tàng hình trà trộn-- xin bệ hạ cho phép không bàn ".

Ngừng lại một lát, thấy chánh vương còn đang chăm chú lắng nghe, vị văn quan trẻ tuổi lại say sưa, tiếp,
" Bệ hạ mới chỉ viện tình văn nhân, trách họ không đến.  Bệ hạ chưa vị tình văn nhân, mà đến tìm ai. Như thế là chỉ nhìn thấy mình, chưa thấy người.  Cái tình giữa bệ hạ với hàng
văn nhân, người thâm trầm cho là tình hờ.  Biết tình hờ mà vẫn đến là hèn hạ, bất cố vô liêm, hoặc, phường gian xảo, đâu còn khí tiết thanh cao; để được gọi là tao nhân nữa".
" Có những kẻ đã quỳ dưới chân ta, vì chút bổng lộc".
" Đời nào cũng thế, vẫn có những kẻ sĩ nạp mình làm thân khuyển mã.  Nhưng xuất thân dòng dõi khuyển mã mà nạp thân làm khuyển mã; thì còn tạm dùng được. Thậm chí, kẻ sĩ chính danh,  tự nguyện hoá thân thành khuyển mã lộn sòng đó. Thì  đích thực, chúng là gian hùng như bọn thảo khấu, bần tiện tựa ma quỉ; ngoài mặt thưa  bẩm ngọt ngào, sau lưng thì lừa, phản; bội bạc; phải canh chừng sự tới lui của chúng. Chớ thấy loài lang sói đi đứng khoan thai mà vội tưởng chúng không phải lang sói.  Chớ nên vui lòng trước bọn cong lưng, khúm núm nhất thời.  Cũng chớ nên đãi người hiền  bằng hàng loại  tiện hạ, sói lang. Bậc vương giả  thực, giả , phân hạn là ở đó."

Chánh vương nghe xong, lòng bồi hồi.  Tuy trắng đã xế đỉnh đầu, chánh vương vẫn cao giọng, truyền mang thêm trà.

Lúc ngài ngẩng lên, định mời thêm một tuần trà -- thì, vị văn quan trẻ tuổi đã cáo lui tự lúc nào. Cái thân xác nhỏ bé, gấy  cao, áo lam thụng in lên nền đêm trăng thảo viên ngoại châu thành-- như một bóng chim xa mất hút. []

   hồ phong
     SAIGON, THÁNG 10/ 1970.

        (tr.  477-  489   TẬP THƠ TRUYỆN KQ THỜI CHIẾN)

     vài dòng tiểu sử

-  tên thật: kiều văn bảng
-  sính 1936 tại hà nội (bắc bộ)
-   sống ở hậu phương từ 1946- 1952
-  tháng 8- 1954, vào nam một mình, làm nhiều nghề;
   bồi nhà hàng, kèm trẻ tư gia,  viết báo tài tử, dạy môn sử địa, 
   văn chương cấp trung học đệ 1 cấp.
-  1967, gia nhập kq, đồng hóa cấp bậc hạ sĩ 1.
-  biên tập viên nguyệt san lý tưởng (kq)

    đã xuất bản.

-  quê hương đau khổ này (truyện, 1968)
-  đồng lửa ( truyện dài, 1969)
-  mái tóc một đời ( truyện dài, 1971)
-  người phi công chưa về (truyện dài, 1971)
- cỏ cháy (đồng tác giả với thanh chương)  (thơ, 1972)
- tuyển truyện không quân ( viết chung với 4 tác giả) (1972)

   truyện trích tuyển

- kẻ sĩ  .... truyện ... trang 477 - 489
- trời còn mưa   truyện .... trang 490-  502


tiểu sử cá tác giả do nhóm, điều hợp phỏng vấn, thực hiện.

trung sĩ     kiều văn bảng    sq : 600. 595
trung sĩ 1 đỗ mạnh tường   sq 56/ 600.595.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét