Lời dẫn:
- NGUYỄN BÍNH MỘT VÌ SAO SÁNG / Hoàng Tấn / Nxb Đồng Nai 1999.
- bìa 1: tranh T.T. ( Tạ Tỵ ) .
- bìa 4 : chân dung, có chữ ký tác giả , lần thứ 1 gồm 1000 cuốn, kích cỡ sách 13 x 19cm, dày 152 trang - in tại Công ty Bao bì Dược, 89 Nguyễn Đinh Chiểu, Phú Nhuận, tp. HCM, giá 15.000 Vnđ / cuốn, phát hành tại tp. HCM , tháng 5 / 1999.
- bìa in tại ITAXA .
- cánh gà 1: Tạ Tỵ phác họa tác giả, tiểu sử trích ngang chi tiết.
- cánh gà 4 : ảnh Hoàng Tấn + tiểu sử trích ngang chi tiết.
- ngoài những bản thường có 50 bản đánh số từ HT.1 đến HT 50, có chữ ký và triện son soạn giả . (trang2)
- trang 3 chụp tác phẩm LỠ BƯỚC SANG NGANG / NGUYỄN BÍNH (thơ) , Nxb Hương Sơn, Đại-lộ Gia- Long - Hà- nội .
- thủ bút Nguyễn Bính :
" Trải bao nhiêu núi sông rồi
Đến đây lại vẫn hai người chúng ta "
" Thân ái tặng Hoàng Tấn" / Nguyễn Bính ký - H.N. 18-1/ 62." ( trang 4)
- bài Mở ( Tựa) / Thế Phong viết ở Saigon 1.1. 1999. (trang 5).
- lời Bạt / Bùi Quang Huy: " Nguyễn Bính, Người Thơ". viết ở Biên Hòa, Thanh Minh, Kỷ Mão. ( tr. 147)
- kỹ thuật vi tính do Uyên Thao ( khi đó, đang chờ xuất cảnh ) thực hiện , đọc trước và hiệu đính. --- - liên kết xuất bản : Đỗ Mạnh Tường. ( chạy giấy phép, bỏ tiền in ấn, phát hành ).
Đường Bá Bổn.
điểm sách:
Nguyễn Bính, một vì sao sáng.
Hồi ký Hoàng Tấn
DIÊN NGHỊ viết.
Đã có nhiều nhà phê bình văn học, viết về Thơ Nguyễn Bính, nhiều thời kỳ, cả hai miền Nam Bắc, hơn 60 năm qua.
Với hơn 20 tác phẩm xuất bản, từ tập thơ Tâm hồn tôi được giải thưởng Tự Lực Văn Đoàn năm 1937, đến tập cuối Đêm sao sáng năm 1962, đã đưa tên tuổi nhà thơ vào đỉnh cao thi nghiệp Việtnam - Ngôn ngữ thơ Nguyễn Bính, gần gũi ca dao, dân ca, bình dị mà truyền cảm sâu xa, khác biệt khá nhiều với những nhà thơ cùng thời. Ông còn tỏ ý chống kiểu thơ lai căng, ảnh hưởng văn hóa Âu Tây nặng nề, đưa vào thơ những từ ngữ dịch nguyên si của nước ngoài, như " yêu là chết ở trong lòng một ít "- "Bữa nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm"; hoặc " Hỡi Thượng đế, người đã cho ta thân thế - Bình thit xương để đựng chứa linh hồn "., v.v...
Ông ( Nguyễn Bính ) chủ trương thơ người việt phải viết cho người việt, do đó ngôn từ dân tộc là điểm quan trọng - Phải giản dị, tuy thế giản dị, tuy thế giản dị không đồng nghĩa với tầm thường. Ông lý luận -" Thơ là tiếng lòng - Tiếng lòng phải đi từ trái tim mình và nhất thiết phải tới trái tim người khác.". Thơ phải mang tính chân thật, càng chân thật càng tốt, ví dụ:
Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau cái dậu mùng tơi xanh rờn.
Hình tượng trong thơ ông là Nàng. Giai nhân, Hoa đẹp - tác gia Hoàng Tấn, bạn cố tri của Nguyễn Bính , nói rõ Nguyễn Bính có tập thơ đầu tay nhưng không in, tên là Thơ Bướm - tập Tâm hồn tôi, được giải thưởng là tập thứ hai- thuở xuân thì ấy, Nguyễn Bính tự nhận mình là Bướm, nên lấy bút hiệu Điệp Lang, coi mình là Hồ Điệp - Trang Sinh - Hồn bướm mơ Hoa - Cõi mộng Bướm Hoa lớn dần trong tấm hồn - Vỉ vậy, bắt gặp rất nhiều hình ảnh Bướm ẩn hiện, thấp thoáng đó đây:
Bao giờ bến mới gặp đò
Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau.
( Tương tư )
Lũ bướm tưởng hoa cài mái tóc,
Hoa tàn con bướm cánh nghi6ng nghiêng .
( Xóm Ngự Viên )
Sương chiều gió sớm bao đơn chiếc
Bướm lại ong qua mấy ngậm ngùi .
( Oan nghiệt )
Mặt hoa, quạt bướm che nghiêng
Bước ra cô nữ làm duyên đưa tình
( Tiếng trống đêm xuân )
Bao nhiêu xứ bướm qua lâu,
Nàng toan gieo quả Kim cầu cho ai
( Lạy Trời cấm cửa rừng mai )
Ong về bướm lại đưa tin,
Càng khăng khít lắm cho duyên càng hờ
( lòng Kỹ nữ )
Giữa lúc nắng không tươi đẹp nữa
Hoa không buồn thắm bướm không hay
( Cầu nguyện )
Sinh vật bướm vừa phóng túng, vừa lãng mạn, bướm tìm hoa, khi vui bướm đậu, khi buồn bướm bay... phản ảnh tâm trạng sống của thơ. Ông rời quê hương Nam Định, lên Hà Nội, và mải tìm một lối đi, bất cứ nơi đâu - Cuộc đi này nọ, ban đầu mang về mơ hồ:
Tôi mới giang hồ một nửa thôi
Giang hồ qua quít thế cho vui...
Dù giang hồ vặt, cũng là giang hồ để mong quên đi nghịch cảnh , khổ đau thực tại qua nhận thức của nhà thơ. Nếu khổ đau thực tại của một xã hội, đất nước do ngoại bang thống trị , và bất lực phản kháng, thì tình cảm giải thoát ngự vào dung nhan của một giai nhân - cô Oanh - người Hà Đông, nhà thơ yêu trộm nhớ thầm, và đã dành riêng tập Tâm hồn tôi cho người đẹp...
Nếu có phép tiên tôi nặn được
Một người xinh đẹp như cô Oanh
Tên Oanh ám ảnh, đeo đuổi Nguyễn Bính , nỗi lo sợ một ngày nào đó sẽ phải chứng kiến nàng sang ngang, nhưng Nguyễn Bính đã yên tâm trở lại:
Ba năm trở lại đất Hà Đông
Người cũ cô Oanh, má vẫn hồng
Nhưng cô Oanh vẫn lạnh lùng
gieo thất vọng:
Tâm hồn tôi là bình rượu nhỏ
Rót dần dần, rót mãi xuống nàng Oanh
Không say sưa, nàng vẫn vô tình
Hắt ly rượu hồn tôi qua cửa sổ ...
Thi phẩm Người con gái ở lầu hoa , tác giả tặng cho người con gái thứ hai, khi tình yêu nẩy nở...
Mới gặp là tôi yêu cô ngay
Để mà thao thức suốt đêm nay
Yêu em có vạn có ngàn
Nhưng cha không chứng cho bàn tay không !
Nỗi khổ đau triền miên kéo dài gần như trọn đời của tác giả được nhắc đến đậm nét tong tập Hương Cố Nhân :
Xây bao nhiêu mộng thế mà,
Đến nay phải gọi người là cố nhân !
Giang hồ vào tận Sàigòn cuối thập niên 30, trong vùng Dakao, trong những quán rượu, hình ảnh cô Oanh Hà Đông, Mai Thơ , không thể diễn tả hết bằng Thơ - nên tác giả nói thêm trong tập văn Hai người điên giữa kinh thành Hànội.
Văn của Nguyễn Bính không đạt ăằng thơ, nên không để lại dấu ấn nào !
Đến Huế, nơi gây hứng dạt dào cho tác giả, tuy thời gian ngắn, một loạt bài thơ viết cho Huế khá xúc ôộng lần lượt ra đời :
Thâm u một giải Hoàng thành
Đình suông con én không đành bay đi
( vài nét Huế )
( in bìa NGUYỄN BÍNH, MỘT VÌ SAO SÁNG )
Tác giả đặt cho nàng cái tên Mai Thơ, vì nàng cũng làm thơ, chính là nhà thơ nữ Anh Thơ, với tập Bức tranh quê thuở ấy. Bức tranh quê cũng được giải khuyến khích của Tự Lực Văn Đoàn.
Mai Thơ rằng phụ Mai Thơ
Chính chuyện bướm có bao giờ phụ hoa
Bao giờ rời được nhau ra
Bởi tôi là sắt, nàng là nam châm !
Nguyễn Bính vốn nghèo, luôn mặc cảm với gia đình người tình thuộc dòng sang cả, nên biểu lộ:
Nàng mà làm dâu nhà tôi
Vườn dâu nó thẹn với đôi tay Ngà
than thở trách móc:
Em là con gái nhà Giời,
Anh là con cái nhà người thường dân,
và bài Trời mưa ở Huế khơi gợi từ sâu thẳm tâm hồn:
Ôn lại những ngày mưa gió cũ
Những chiều quán trọ những đêm say
Người quen nhắc lại từng tên một
Kể lại từng nơi đặt dấu giày...
.... Lại còn câu chuyện buồn hơn cả
Là chuyện em Dung đẻ tháng này
Người bến Tầm Dương, Dung bé bỏng
Cùng tôi khăng khít mấy năm nay
Bình Khang nấn ná chờ luân lạc
Một lứa giang hồ mấy đắng cay !
Rồi vấn vương, tình cờ quen biết một cô Tôn Nữ, thường gọi là Hoàng Trân Tôn Nữ, một thiếu nữ hoàng phái, yêu thơ, võ vẽ làm thơ, lại có nhan sắc - Máu đa tình bùng lên, Nguyễn Bính đa bộc lộ trong thơ:
Bao năm đi giữa kinh thành,
Bao năm lẻ bóng lẻ hình, lẻ đôi
Cả kinh thành có những ai
Cả kinh thành có một người mắt nhung
Người ơi, cứu vớt tôi cùng ...
( Đôi mắt nhung)
Một vài bài thơ khác được gửi đến cho đối tượng, lời thơ tha thiết, đã làm rung động trái tim Tôn Nữ:
Biết rằng làm một bài thơ
Hồn tôi còn mấy đường tơ hở Trời !
Hừ chiều nay chết thật rồi,
Nếu chôn tôi được vào đôi mắt nàng .
Trên tờ báo Đàn Bà xuất bản tại Hà Nội , độc giả đã có dịp đọc những dòng thơ qua lại đối đáp của Nguyễn Bính và Tôn Nữ Hoàng Trân, và chú ý đến mối tình thơ mộng; nhưng nghiệp dĩ nhà thơ giang hồ, đấy khát vọng nào đâu buộc nổi cánh chim giang hồ - Ân tình thơ vung vãi khắp nơi .
Đến Hà Tiên , một tình yêu mới hiện, không ai khác hơn là cô Ngọc, cháu gái của Mộng Tuyết - Nguyễn bính đã công khai nói lên trong bài Người Xóm Rẫy:
Cô cháu, Minh hương tuổi mười bẩy
Mũi thẳng mi tóc mướt dài
Răng đều môi mọng ngực tròn mẩy
Gặp nhau chào nhau rồi quen nhau
Ngày một ngày hai thành luyến ái
.....................................................
Tôi cười bảo chị : gả cho tôi
Mộng Tuyết cười theo : Lấy thì lấy !
Đất nước bước qua thời kỳ chuyển động - Quân Nhật lật Pháp tại Đông Dương- Nhật đầu hàng Đồng Minh, phong trào giành độc lập sôi sục tháng 8 năm 1945, chưa tròn tháng tại miền Nam, thì cục diện thay đổi - Pháp trở lại Sài Gòn và cuộc chiến bùng nổ.
Nguyễn Bính chạy xuống Cà Mau, ít năm sau cưới vợ, lúc đó ông đã 34 tuổi - người vợ tên Hồng Châu, một phụ nữ thuộc nhiều thơ và đảm đang - Cũng chẳng hương lửa nồng nàn bao lâu , cuộc chia tay xảy ra, khi đứa con Hồng Cầu ra đời.
Cuộc đời thơ và tình của Nguyễn Bính chẳng khác nào cánh bướm đậu trên Hoa, vật vờ lãng bạt sau Hồng Châu - Nguyễn Bính dan díu với một phụ nữ Bến Tre, người phụ nữ chất phác này cũng cho Nguyễn Bính một đưa con, cháu Nguyễn Hương Mai.
Sau Hiệp định Genève 1954, Nguyễn Bính về Hà Nội, chủ trương tờ Trăm Hoa - Trăm Hoa dưới con mắt nhà cầm quyền Cộng sản là lệch lạc, cần uôn nắn - thế là tờ Trăm Hoa chịu số phận non yểu. Nguyễn Bính không thể ngồi yên tại thủ đô, có ý tìm về quê cũ...
Mối tình giữa chủ báo và cô thư ký xinh đẹp yêu thơ Nguyễn Bính đến điên cuồng, bây giờ đành trả đứa con mới 13 tháng tuổi, vì :
Bây giờ tiền hết bạc không
Thì anh ở lại mả trông lấy hòm..
( Ca dao)
Vở bỏ đi, không một đồng xu, Nguyễn Bính gạt nước mắt trao đứa bé cho một người xa lạ... và lúc hồi tỉnh, chạy theo gào thét như một kẻ tâm thần trước sự ngạc nhiên của mọi người...
Bài thơ Oan nghiệt chính là lời khuyên thành khẩn, tình cha con mãnh liệt của Nguyễn Bính đối với những đứa con rơi, những hệ lụy của Kiếp Bướm đa tình, có duyên mà nặng nợ với đời:
Giờ đây cha khóc mà thương nhớ
Gửi vọng về con một chiếc hôn
Tiền cha không đủ hòan lương mẹ
Còn lấy đâu mà nuôi nấng con ?
Thôi, cha cầu chúc cho con gái
Mắt chớ lưu cầu môi chớ son
Ngu đần xấu xí hay tàn tật
Yên phận chồng con, yên phận con !
Càng tài sắc lắm, càng oan nghiệt
" Bẩy nổi ba chìm với nước non"
Đắng cay cố chịu đừng mơ tưởng
Gái lẳng lơ kia mắt chẳng mòn
Nhất kiêng đừng lấy chồng thi sĩ
Nghèo lắm con ơi, bạc lắm con !
( Oan nghiệt)
Ông nằm xuống tại quê nhà Nam Định, khi tuổi xấp xỉ tri thiên mệnh, để lại cho đời nhiều giai thoại văn chương và cuộc đời - mà tác giả Hoàng Tấn đã trình bày chi tiết lớp lang, chân thật trong thời ký. tác giả chẳng những đã từng sống gần gũi với Nguyễn Bính, nhận xét đức tính và cố tật , tài năng và ước vọng của bạn mình, lại còn cơ may đọc những trang hồi ký của những bạn bè khác viết về Nguyễn Bính - dạng bản thảo của Mai Văn Tạo, Phạm Tường Hạnh và Hoàng Tuyển. Đó là những tư liệu quí của văn học.
Theo Thế Phong, trong bài" Mở" đầu tác phẩm, đã viết:
". ... người bạn gìà Hoàng Tấn, là người yêu thương Nguyễn Bính, khi viết về đời sống, kỷ niệm sôi động, khí phách hào hùng, lãng tử hào hoa, khinh đồng bạc to hơn núi, của bạn lúc sinh thời...."
Và sự thật, Nguyễn Bính đã để lại cho đời ngàn vạn câu thơ ngọc ngà lục bát rất dân gian, thấm sâu vào văn học Việtnam...Với thơ, ông xứng đáng được tuyên dương " Nguyễn Bính, một vì sao sáng ". []
DIÊN NGHỊ.
( trích " Thời Báo " / San Jose . USA.- " số 3062 / Thứ 7 + Chủ nhật 16, 17-6-2001.
Đa tạ nữ nhà văn Trần Thị Bông Giấy ở San Jose về Saigon - tiện dịp, trao tôi bài điềm sách tuyệt vời của thi sĩ Diên Nghị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét