Thi Ca & Thi Nhân:
K H Ả I T R I Ề U
CAO THẾ DUNG viết.
Tên thật : Nguyễn văn Tuy
Sanh năm 1936 tại Hà-Đông ( Bắc Phần )
Tác phẩm đã xuất bản:
Người Ôm Mặt Khóc ( thơ - Đại Nam văn hiến xuất bản, Saigon 1963 )
Tiếng Hát Khuẩn Trùng ( thơ - Đại Nam văn hiến xuất bản, Saigon, 1964)
Đã viết cho các báo : Dân Việt ( 1961- 1964), Việt Báo , Dân Báo ( 1964).
Tổng thư ký tòa soạn: Việt Nam nhật báo ( 1964)
Chủ bút tạp chí : Quần Chúng ( 1969).
-Hiện ông vẫn ở trong nước ( tp.HM) *
Thơ tôn giáo ra đời cách đây 30 năm, với một Hàn mặc Tử - Từ bấy đến nay, thiếu vắng những thi nhân có thực tài tìm nguồn thi hứng trong đạo giáo và đưa thi ca vào những mầu nhiệm thần bí. Khải Triều hôm nay đã đi vào khu vực đó - một khu vực tuy bên ngoài mang vẻ tiêu sơ , khắc khổ - như không thích hợp với thi ca, nhưng bên trong của nó - vốn thẳm sâu vô cùng và trù phú vô cùng. Khải Triều là nhà thơ của Đạo giáo, nhưng không phải là thứ thơ chỉ ca tụng và nguyện cầu - Với" Người ôm mặt khóc " , thi phẩm đầu tay của Khải Triều, ta có thể thẩm định ngay được rằng, tiếng thơ của ông trở thành một bài kinh cầu vọng thật mới- ngân dài và sâu thẳm cùng với khuôn mặt sầu thảm những suy tư, hằn in những khắc khổ và ray rứt như không bao giờ nguôi.
Thơ Khải Triều khăc khoải lắm. Lúc nào nhà thơ cũng âm thầm trong thế giới cô đơn - của riêng một ông - một thứ cô đơn tình nguyện. Như lúc nào ông cũng đắm chìm trong lời nguyện ngẫm , do chính ông đặt thành lời, rồi vẫn chính ông đọc to trong tâm trí đồng tình tự cùng Thượng Đế:
Nỗi buồn của tôi chạy vào xương tủy
Ở đó căn bệnh bắt đầu
Căn bệnh mưng mủ và lớn lên
Những bác sĩ già vô dụng
Rồi thân thể tôi mòn đi
Mạch máu tôi trộn cùng mủ đã vỡ
Giòng máu mang vi trùng đi vào tim phổi
Giòng máu mang vi trùng chạy khắp thân thể tôi
Những bàn tay trở thành vô dụng
Những bàn chân trở thành mòn mỏi
Những giòng máu mang vi trùng lên tận cùng ngọn tóc
Những sợi tóc che phủ gương mặt tôi
Hình hài tôi mang ý nghĩa giã từ
Rồi bạn hữu chạy trốn
Tôi chắp tay cầu xin Thượng đế
Cho tôi trở lai nguyên bàn tay
Để tôi khắc lên đá những bài thơ của người ôm mặt khóc
Tôi chắp tay cầu xin Thượng đế
Cho tôi trở lại nguyên hình bàn chân
Để tôi mang những phiến đá đi về dâng Thượng đế.
( Cầu Nguyện )
Cầu nguyện - chỉ một lời cầu nguyện đó, như một thứ tâm vọng, thanh vang của nó thi rất xa - không ẩn giấu tiêng đàn harmonium, nhưng chất chứa đủ một lời cầu vọng trên sự an nghỉ trên Quê Hương đích thực của con người, để một lần được nhiệm thể rất cao sang. Nhưng rồi, bỗng dứng trứoc mặt nhà thơ, vẫn là một thức tế chua xót nhất, tang thương nhất- nhà thơ vẫn không từ nan được nó, vẫn ngụp lặn trong cõi ấy:
Căn nhà này thiếu những tiện nghi cần thiết
Tôi đến đây như một lòai cỏ dại
Không ai biết tên, không ai biết tuổi
Tôi tính đời mình bằng những đốt ngón tay
Như tôi tính môt chu kỳ lịch sử
Và thời gian đó đi qua
Không vết tích của tháng ngày vội vã
Khu phố này những ồn ào tuổi trẻ
Tiếng hát da đen và nỗi buồn dân tộc
Tôi đến đây như loài dã thú
Không ai gọi tên, không ai biết mặt
Tôi tính tuổi trẻ bằng những ngón tay
Nhưng tôi tính nỗi buồn bằng chu kỳ lịch sử
Rồi tháng ngày đó đi qua
Mang dấu vết của cuộc đời trên trán
Bây giờ tôi ngồi vào ghế đá
Nhặt những hòn sỏi ném vào dĩ vãng
Tôi úp mặt trong bàn tay vì sợ hãi tương lai
Sau lưng thành phố bắt đầu lõa thể
Trước mặt trời sửa soạn mưa buồn
Căn nha này thiếu những tiện nghi cần thiết
Tôi đến đây mang nhọc nhằn cơ thể
Và tiếng nói như bài hát da đen
( Bài hát da đen )
Thân thể chỉ còn là một bơ vơ. Căn nhà ấy, khu phố ấy, anh ngồi trơ trọi tính tuổi đời mình rồi kết thúc cuộc sống: chỉ còn lại nỗi nhọc nhằn cơ thể. Thân phận này, Đất nước này cũng không vượt qua nỗi niềm tủi cực- Nỗi tủi cực lớn dần, vượt trên tầm vóc thi nhân. Trước sau chàng vẫn đơn độc - cam chịu cảnh đơn độc kia- nó như tiếng ru làm người lớn khôn, hơn môt lần nghẹn ngào vô vọng:
Tôi sống hôm nay kẻ thu nhiều hơn bạn hữu
Những người bạn hôm qua bây giờ nên cách biệt
Tôi lớn khôn hôm nay âu lo ngày mai
Ngày mai đất nước tôi tù đầy nhiều hơn tha thứ
Tôi sống hôm nay đàn bà gái điếm nhiều hơn tình yêu
Những bàn tay vẫy gọi tôi thoảng nhìn như bàn tay
người điên bấu víu cuộc đời
Những khuôn mặt nhô ra tôi thóang nhìn
như khuôn dáng người bệnh
Tôi sống hôm nay, kẻ thù nhiều hơn bạn hữu
Rồi ngày nào chết đi tôi biết minh không ai đón đưa.
Thơ Khải Triều có giọng dằn vặt như vậy. Tiếng thơ ông như thân phận một người nằm dài trên vùng hoang phế và trong đó chỉ còn trơ trọi: một nhà thơ ngắm nhìn nhà thơ. Ông chỉ thấy một chiều cao thẳm - Ngôi sao ở kia, cứu cánh duy nhất của ông ở đó - vùng đất hứa cũng ở đó:
Tôi chắp tay bước lên bàn thánh đi vào mầu nhiệm
Môi lưỡi run run mắt tôi không còn thấy tĩnh vật chung quanh
Tôi nghe linh hồn kể lể cùng Thượng Đế
Bây giờ hình hài tôi mất
Bây giờ là mầu nhiệm
Một lưỡi run run, mắt tôi không còn thấy tĩnh vật chung quanh
Bây giờ máu trong cơ thể tôi là máu của Thượng Đế
Sự sống cao sang bắt đầu
Sự sống mầu nhiệm mang hình hài Thượng Đế
Bây giờ tôi và sự sống của Chúa
Và bây giờ tôi không còn là tôi
Tôi ngước đầu lên đi vào Vùng Ánh Sáng
Tôi cúi đầu nhìn thân phận và biết mình cao sang.
( Giờ phút Cao Sang )
Thơ tôn giáo của Khải Triều như thế, vì Đức tin ông như thế. Thực ra, nếu nhìn trên phương diện thơ, thì thơ Khải Triều có chất; nhưng vì muốn tinh luyện, thành ra trong thơ ông có cái kỳ khu, thiếu sự thanh thoát - một yếu tính cần thiết của thơ. Khải Triều chỉ sở trường về những nguồn thi hứng, khởi từ Đức tin tôn giáo. Hơn nữa, nguồn thơ như vậy đã rất thích hợp con người ông - mang nỗi khắc khổ một thầy tu. ( mà thực ra có một thời đã làm thầy tu Công giáo *). Còn ngoại giả, Khải Triều không thành công , qua nguồn thi hứng, trái hẳn thực chất con người ông, như tình yêu, như sự tranh đấu ... Song có một điểm đặc biệt khác- Khải Triều chìm đắm tâm hồn trong sự suy tư dằn vặt về thân phận - thân phận một con người trong hệ lụy đau thương của thực tại - tiếng thơ trở thành nỗi cơ hàn rướm máu,rẫy ruồng phản kháng :
LINH HỒN & DÃ THÚ
tất cả nỗi buồn là tiếng hát da đen
tất cả buổi chiều là con dơi bqy qua khung cửa
như tượng đá ngoai công viên cho người buồn chiêm ngưỡng
cánh tay người buồn vươn lên
sự vươn lên tiếp tục trong năm tháng và dài ra như
thân thể người bệnh
cánh tay tôi bấu vào đời
bàn chân tôi đạp lên lưng cuộc đời
thời gian qua đi tay tôi buông xuôi bàn chân vô dụng
rồi lại thời gian là tất cả nỗi buồn
rồi thời gian nữa là tất cả đi qua
chỉ còn tượng đá ngoài công viên
nhưng không còn người buồn chiêm ngưỡng
chỉ còn dòng nước chẩy trên sông
nhưng không còn người buồn đứng nhìn dòng nước chẩy
không còn nhạc Jazz cất lên tiếng hát
những kẻ bắt chước chỉ là người không tim, không phổi
tất cả khổ não của tôi đã thành hình
nó biến thành tượng đá
nó biến thành dòng nước
linh hồn tôi đứng chiêm ngưỡng tượng đá
linh hồn tôi đang nhìn dòng nước chẩy
tất cả nỗi buồn của tôi đã thành hình
nó biến thành người bệnh
nó biến thành dã thú
linh hồn tôi đứng nhìn người bệnh rữa nát
linh hồn tôi đứng nhìn dã thú lẩn vào rừng.
( Người ôm mặt khóc )
Thơ Khải triều, từ Người ôm mặt khóc đến Tiếng hát khuẩn trùng đượm một nỗi bi ai dày đặc. Thật tình,ông rất cô đơn - sự cô đơn của ông như một con đường khắc khổ ,kỳ khu lại trở thành độc đáo- đó là thi nhân đến gần Thượng đế , tâm tình với Ngài. Lời tâm tình ấy không nước mắt, không cầu mong phép lạ - chỉ là lời thỉnh cầu - cuộc đối thoại được mở ra thật rộng. Thi nhân đứng ở đời như trong quán lạ- không thân thích, không muốn làm quen với ai , muốn thoát ly tất cả ràng buộc- chỉ giữ lại chân thân-nhìn thẳng vào chân thân- khóc thầm cùng nó - trìu mến- bỏ nó chơ vơ - để rồi lạii tìm nó cùng đi tìm Đấng Tối Cao.
Hai bàn tay trắng - hai bàn tay chới với giơ lên cao- hai bàn tay chắp lại cộng tâm hồn dốc lòng tìm kiếm... ấy là khuôn mặt thơ Khải Triều được thể hiện như thế đó !
Thơ Khải Triều : sự tìm kiếm Thượng đế - tin nơi Ngài hằng có, lại không thỏa mãn sự hằng có trên thập tự giá trong giáo đường. Ông tin sự hằng có - tìm Đấng vô cùng hằng có kia trên vạn ngả đường, và khắp dấu tích của khổ đau. Thơ ông : tiếng nức nở chính ông - của người tự vác thập giá của thân thể mình , đi lầm lũi trên Quê hương đau nhức ! []
-----
* cụm từ người Biên tập .)
CAO THẾ DUNG
( trích " Văn học hiện đại: Thi Ca & Thi Nhân " - trang 77 - 83 ).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét