Thi Ca & Thi Nhân :
T H Ế P H O N G
CAO THẾ DUNG viết.
Tên thực: Đỗ mạnh Tường, sinh 10-7-1932 tại Yên Bái. Còn ký bút hiệu Đường Bá Bổn, Đinh Bạch Dân. Theo kháng chiến rất sớm sau về thành đi lính cho Pháp. Hiện là quân nhân Không Quân. ( Quân lực Việt Nam Cộng Hòa)
Trước năm 1954 ở Hà Nội , Thế Phong đã cộng tác với báo: Tia Sáng, Giang Sơn, Quê Hương ( bút hiệu Tương Huyền ). Đã đăng thơ và truyện trên : Đời Mới, Nguồn Sống Mới, Văn Nghệ Tập San, Văn Hóa Á Châu, bán nguyệt san Sống, Sống Chủ nhật.
Đã xuất bản:
về thơ : Nếu Anh Có Em Là Vợ - Sai Biệt - Vương Miện Mai A - Cho Thuê Bản Thân v.v..
về văn: Nửa Đường Đi Xuống ; Người Thương Binh Liên Khu...; Cô Gái Nghĩa Lộ; Khu Rác Ngoại Thành; Thủy & T6 ; Nhà Văn Tác Phẩm Cuộc Đời; Tôi đi Dân Vệ Mỹ ( ký tên Đinh Bạch Dân) v.v...
về biên khảo và phê bình: Lược Sử Văn Nghệ Việtnam ( trọn bộ 4 tập) ; Hàn Mặc Tử- Quách Thoại, nhà thơ siêu thoát; Nhận diện vóc dáng Nguyễn đức Quỳnh v.v..
dịch: Chiếc Roi Ngựa ( La cravache / C.V.Gheorghiu ); Việtnam Bi Thảm Đông Dương
( Vietnam, la tragédie Indochinoise / Louis Roubaud ) ; Maiakovski, thi sĩ Nga /Elsa Triolet ; Nhà thơ và Cuộc đời / Eugene Evtouchenko - dưới biệt hiệu Đường bá Bổn- / Autobiographie Précoce, bản pháp văn của K.S Karol ).
Trong giới văn học thường xem Thế Phong như một nhà phê bình bất thường, nóng tính. Văn của ông có khuynh hướng xã hội cấp tiến. Sự thực, Thế Phong là một nhà thơ. Thơ của ông mới đủ tư cách bảo đảm cho ông một địa vị xứng đáng trong văn đàn. Ông làm thơ như để được nói tự nhiên từ đáy tâm hồn mà đời sống đã làm cho nó mù tăm, biệt tích.
Thế Phong đứng về phía những nhà thơ tự do của hôm nay. Khả năng sáng tác của ông thực phong phú. Từ "Đàn Bà & Tổ Quốc" đến" Nếu Anh Có Em Là Vợ"..." Sai Biệt", "Vương Miện Mai A"," Cho Thuê Bản Thân "- Thế Phong đã xuất bản trong khoảng thời gian 4 năm ( 1958-1962).
Du âm về thơ Thế Phong không được vang vọng lắm trong quần chúng. Như vậy không có nghĩa thơ Thế Phong kém thực chất. Một thi phẩm không được người đương thời ưa thích có thể trở thành bất tử ở thế hệ sau, hoặc sẽ bị lãng quên vào vô cùng. Trường hợp thơ Thế Phong, tôi tin mãnh liệt rằng, không hôm nay thì mai, sự nghiệp thơ ông sẽ được khắc đậm trong lịch sử văn học. Cái khó khăn cho nhiều nhà thơ hôm nay, dù có chân tài, nhưng không có phương tiện phổ biến, nên giá trị thực vẫn bị mây mờ thời đại che lấp. Người yêu thơ làm quen với Thanh Tâm Tuyền đa số không phải là ở" Tôi Không Còn Cô Độc", mà do những bài thơ đăng rải rắc trên tạp chí Sáng Tạo. .. Thế Phong và nhiều nhà thơ khác,không có cái may mắn được những phương tiện phổ biến sâu rộng, như có một tờ tạp chí hay một cơ quan ấn loát. Thế Phong là một trong những nhà thơ rất nghèo. Chung số phận với" Lược Sử Văn Nghệ Việtnam" -
" Nửa Đường Đi Xuống" và những tác phẩm khác, thơ của ông chỉ được ấn loát bằng ronéo.
Trong khi đó, người yêu thơ thường có thói quen ưa thích những ấn phẩm trang trọng cho vừa dễ đọc, lại hợp với con mắt thẩm mỹ, hay còn dùng thi phẩm làm một bảo vật trong cái thú chơi sách. Vì vậy, những thi phẩm quay ronéo đã bị đời hắt hủi. Trong khi dó, cơ quan nhà nước lại chỉ coi những tác phẩm ronéo như những bản thảo. Nhà thơ bây giờ muốn cho dư âm vang vọng trong đời sống cũng cần phải có tiền, hay một chỗ làm lương hậu. Nhờ vậy, mới mong có cơ hội phổ biến thi phẩm trong quần chúng độc giả.
Thơ Thế Phong kém phổ biến, không gây được vang vọng là vì hình thức ấn loát một phần. Một phần nữa,
thơ của ông đi theo hướng tự do, mang chân tướng một xã hội khổ đau, lồng vào đó, tư tưởng và hành động. Vì vậy, mà kém truyền cảm trong giới đòi ở thơ âm điệu dìu dặt với cảm quan dễ dãi, hời hợt hay phiêu bồng.
Người đọc thơ của Thế Phong cũng như Tô Thùy Yên, đều ở một giới hạn riêng rẽ. Tiền chiến, đa số biết Nguyễn Bính hơn là Xuân Diệu và Xuân Diệu hơn là Huy Cận, dù thơ Huy Cận có giá trị vượt mức.
Có những thi phẩm chỉ dành riêng cho người từng trải, chín mùi đọc - đó là Cao Bá Quát xa xưa. Huy Cận, Vũ Hoàng Chương tiền chiến và bây giờ là những Cung Trầm Tưởng, Quách Thoại... thơ của Thế Phong cũng ở trường hợp này.
Tôi bắt đầu đi vào thơ ông, từ một" Tổ Quốc & Đàn Bà", phụ hậu của" Nửa Đường Đi Xuống" . Ông viết như thế này:
" Ôi ! những người lính vô danh, ( tiếng gọi trong thơ Phong là một lần ông xác định thái độ), Non Sông các anh khởi đầu bằng nô lệ hay là dân chủ độc tài, thư lại, đế quốc, nhược tiểu tiến sau. Ôi những người lính vô danh kia chiến đấu cho ai ? Mồ hôi tắm mình, quần rách, vai bạc mầu, vác súng. Xả đạn đồng vào quân thù, có bao giờ anh nghĩ:" Duyệt y tim, xác nhận để làm gỉ ...?"
Chiến đấu cho ai và chiến đấu để làm gì ? nhà thơ đặt câu hỏi trong mối thầm vọng đi tìm chân lý, nắm lấy sự thực tròn đầy. Nhưng trước mặt ông vẫn chỉ là:
Đất trời em ơi nhiều hố hầm toan sụp đổ
Nguy cơ thảm họa bất trắc vẫn lan tràn
Loài người văn mình , thoái hóa ,có can chi
Chỉ lòng mình biến đổi mới hệ trọng !.
Rồi nhà thơ xoay tròn suy tư trong bản thân, để thấy rằng, cái vũ trụ của biến đổi, phục hồi ở trong tâm hồn và cá thể mình mới là hệ trọng. Trước mặt thì đất trời hầm hố. Sau lưng ông, cuộc đời lại thêm lầy lợm, vất vưởng:
Bạn bè , người yêu đếm mãi không ra
Một thằng còn sót lại nghìn thằng quen
Chín trăm chín chín là thằng hèn
Một thằng là người vất vưởng đi lang thang
Ôi nghĩa lý cuộc đời , nhạc sầu Sahara đến Tân Cương
Rồi cô đơn như một kẻ bộ hành phiêu lãng giữa sa mạc hồng trần. Trong sự cô đơn chết chóc kia, nhà thơ còn tìm được an ủi là ý thức mình có đủ can đảm đi trên cả xấu, tốt cuộc đời , để chấp nhận thân phận mình trong đơn độc:
Một nghìn thằng quen còn sống ta không quen
Ta không quen là ta biết ta không hèn
Ta sống cô đơn hoang vu, chỉ yêu thiên nhiên đàn bà sách vở
Ta hát cho lời ta vang, chim chóc gió mây hợp điệu ru trong ngàn
( Người là người)
Từ đó, nhà thơ bước vào vùng xa lạ của đời sống. Ông mới thâm căn đến mức độ cùng- là thế giới này chỉ còn cho ông những đam mê từ thiên nhiên đến đàn bà, sách vở. Con người ông chỉ thấy lợm giọng trong thực tại này:
Chúng nó là ai, là người đấy, có mắt tai miệng
Sinh ra đời, mắt nhìn lòa, tai lệch điếc, miệng hến câm
Chúng nó hèn, thành loài người vật, ta hân hoan ca than
Người là người, ta chưa tìm ra ở dọc đường.
Ở đây , Nietzsche đã ngự trị trong hồn thơ Thế Phong. Nếu Richard Wagner cho Nietzsche những nguồn rung cảm để tiến lên Siêu nhân, nếu nguồn hứng cảm thơ của Vê-Đa đã tạo nên một thế giới Tagore- ở đây ta thấy Thế Phong đã đưa tâm hồn từ Holderlin qua Nietzsche để khám phá mình, chấp nhận sự cô liêu đến hoang vu đổ vỡ và đi vào thế giới nhân bản để tìm người - Người mang thực thể người. Song đã như tuyệt vọng trong cuộc tìm kiếm kia, dù nhà thơ vẫn vươn lên khát vọng và đam mê như tìm cầu vồng mọc. Rồi nhà thơ bước bổng vào một khoảng không, ở đó Em thoáng hiện như ảo ảnh:
Anh chỉ tìm em qua phản ảnh
Nhưng hoàn toàn hư ảo
Hoàn toàn đơn côi
Hoàn toàn phi lý của cuộc kiếm tìm
Anh đập tan gương soi thành bụi nhỏ
Miệng anh nhai ngấu nghiến khô khan, máu loang
Miệng anh rát bỏng, hồn anh quại quằn
Anh gục đầu nằm thất vọng
Không bao giờ tìm thấy em
Trọn một chiều ròng thứ bẩy
( Độ Yêu )
Đã không kiếm tìm ra người được sống bình an với khát vọng cho đến người yêu cũng lại thành ảo hóa. Nhà thơ đưa cuộc đời về đâu? Lại một thế giới cô đơn đến hoang tàn và lầy lợm. Không cả người yêu - Tổ quốc chỉ như một ý nghĩa trừu tượng. Còn Thượng Đế ? Bởi không thực nên rất mơ hồ:
" ....Hàng chữ thập nơi nghĩa trang an nghỉ
Cho những ai làm người đúng nghĩa làm người
Còn anh, xin em bỏ dấu thánh vào nôi
Anh không phải trẻ sơ sinh từ thiên đường lại..."
( Định nghĩa một thái độ yêu hay là giận).
Trong" Đàn bà & Tổ Quốc " , Thế Phong đã quan định thái độ sống của mình và nhìn cuộc đời bằng sự xa lạ rồi tách biệt thực tại này để dấn mình theo những hồn thơ nồng cháy, rồi mâu thuẫn, phá phách - song vẫn quyến luyến với sự sống, với thế giới đang đi lên và biến đổi không ngừng. Như trên đã đề cập, Thế Phong chịu ảnh hưởng sâu đậm triết học Nietzsche. Hẳn ông có ý trải rộng thơ mình như một tấn tuồng, một thảm kịch của con người qua thân thế mình? Nếu ở trạng thái bình thường để nhìn Thế Phong, ông hiện diện trong cái ngông ngất ngưởng. Tư tưởng của Nietzsche nằm trong thơ ông quá rõ và diễn đạt nặng nề. Một là ông còn mang cái" méo mó" của một người nặng đầu óc lý luận và phê bình ( vì ông cũng là nhà phê bình ). Hoặc nữa, tư tưởng của Nietzsche mới đi vào óc ông, qua sách vở, mà không hòa đồng tận tâm can; cho nên " Đàn Bà & Tổ Quốc" thiếu truyền cảm, quá chú trọng phần diễn đạt tư tưởng, nên mất chất thơ:
Qua" Nếu Anh Có Em Là Vợ" ... hồn thơ Thế Phong đã bừng hẳn lên. Thi phẩm này có đủ hồn và lửa - một sức sống trung thực và quyết đòi vươn để đòi phục hồi cái quyền làm người tối thiểu của mỗi con người:
Nếu anh có em là vợ
con ông chu hiệu đóng giầy
mỗi ngày anh đi một đôi
bốn đời nhà anh buôn thúng bán xôi
đến đời mẹ anh hãy còn đi đất
Nếu anh có em là vợ
con nhà bán vòng hoa tang
đắp cho hàng triệu nấm mồ chết lạnh
Nếu anh có em là vợ
con nhà buôn gạo
mỗi ngày anh phát chẩn một vạn lần
cho hàng triệu nông dân cày cấy
bán lúa đi rồi ruột đói như cào
..............................................
Nếu anh có em là vợ
con nhà sản xuất xiềng và xích
bom và đạn
mỗi phần tư giây
anh nung một triệu chiếc lò
phun xiềng và xích bom và đạn
tan ra như nước....
( ..........)
( Nếu Anh có Em là Vợ )
" Nếu Anh có Em là Vợ...." , Thế Phong không có cái bồng bềnh của một thi nhân qua dòng ý tưởng và thanh điệu thơ, nhưng lại chan chứa những xung khí của một người muốn hành động, muốn nói lời to tiếng tự trong hồn, như một lời phản kháng mang lẽ nhân sinh chán chường:
... Tôi là tôi
người Việtnam đã từng đi lính
cho Tây viễn chinh
sau líinh Quốc gia
đến hôm nay
tính sổ
chủ nghĩa?
lý tưởng
cuộc đời...
*
Hôm nay dứt
tôi nắm bàn tay tôi phút lâm chung
khô cằn nước mắt
ngòai những giòng văn chương bút tích
một kẻ qua đời
vụt bóng 25 năm
một phút huy hoàng rồi tắt
( Tính sổ cuộc đời )
Nỗi chán chường kia, chỉ như một cơn phẫn nộ, rồi lặng thinh cho căm phẫn dâng cao.
Nếu chỉ nhìn hời hợt , thì thấy rằng Thế Phong mang cái chất" bất cần đời" và cái ngông cho thơ. Sự thực, thơ Thế Phong như người đang rộng vòng tay ôm lấy cuộc đời, chấp nhận mọi khổ đau, điều tiếng - miễn sao có thể vươn lên một chân trời mới- chân trời ấy là xã hội ngày mai không còn bất bình, con người đã phục hồi trọn vẹn quyền uy- và ngày mai , thế giới đạt đến cõi đại đồng, triệu người như một và ngàn hoa đua nở. Nét sống động trong Thế Phong qua" Tổ quốc & Đàn Bà ", " Nếu Anh Có Em Là Vợ " , là ông đã thể hiện sự đam mê cùng độ của Thơ, đối với cách mạng, cách mạng tủy xương, chứ không phải miệng lưỡi. nhà thơ đã, không e-dè, không câu nệ, đặt rõ thái độ qua Thơ mình trước mọi lẽ nhân sinh và những diễn tiến lịch sử. Thơ ông như đem vào lòng biết bao ước vọng mà cuộc đời, quê hương chỉ còn lại một thảm cảnh nghẹn ngào:
Tôi đã nhìn thấy gì, đôi mắt cận thị không thể nhìn xa
Tôi đã nhin thấy gì, đêm qua chúng nó tảo thanh giết người
Tôi đã nhìn thấy gì, người chị, người mẹ, người em
đợi con mất tích
Tôi đã nhìn thấy gì, đứa trẻ sơ sanh đêm qua ra đi,
từ chối làm người...
( Thơ làm lớn dậy con người )
Đau đớn qua thơ Thế Phong cũng là niềm đau đớn khôn khuây của thế giới chúng ta đầy rẫy những sầu khổ, nhưng từ đó tạo nên niềm phẫn nộ thực:
Tôi đóng cửa phòng cho âm u nắng quái chiều thất bại
Khi em ra về rồi, tôi không dám quay mặt nhìn theo
Từ sáng đến khuya và chiều tối. lại tối, rồi khuya,
đêm có gì lạ ở nhà anh thuê
không thừa bấy nhiêu điều quen thuộc
Tĩnh vật làm bạn thân chịu đớn đau khi chủ nhà vắng mặt
Tay cầm bút vung lên,
nhanh
cao,
xê dịch bấy nhiêu giòng...
............................................................
Mỗi lần tôi muốn làm ngơ,
rút đôi mắt sáng
Phản ứng tức khắc
mình thằng hèn nhát
Không dám đứng trước gương
nhìn khuôn mặt đáng yêu
Ở đâu
và chỗ nào
tự khinh tôi trỗi dậy
Tôi đành dán ngươi mắt
nhìn đời thẳng tắp....
( Phẫn Nộ - Cho Thuê Bản Thân )
Nguồn thơ đó đã đặt lên cao độ của khí phách trong cơn phẫn nộ người, Thế Phong không chối từ đau khổ- trái lại, ông còn coi đau khổ như phương tiện cao đẹp làm động cơ thúc đẩy thơ- và tâm hồn thơ đến vùng
trời cao rộng. Thế Phong cũng không ngại ngùng đón nhận thù nghịch. Hình như thái độ sống của ông là phải có bạn, có thù và kẻ thù kia - tùy theo bản chất tạo nên hình tượng cho thơ ,cùng với nộ khí của rung cảm. Trong Văn học đã có bao người sinh thời phải chịu đắng cay và điều tiếng, vì hiểu lầm, vì vu khoát.... Nếu như thối chí nản lòng lẽ tất nhiên sẽ ngã. Nhưng nếu cứ ngang nhiên mà đi lên thì Văn học đã có một lần được thêm nét vàng son lớn mạnh, qua sự lớn mạnh của con người sinh thành từng trải non cao cho văn học.
Nếu Thế Phong một ngày kia được Văn học choàng cho vòng hoa vinh hiển, thì là kết quả hôm nay do cuộc đời gian nan của ông , cùng những dị nghị không mấy tốt đẹp kia tạo thành . Có điều là Thế Phong hôm nay không võng lọng mà vẫn nghênh ngang, ông say mê với con đường ông đi và thực tình sống chết cho nghiệp dĩ văn chương.
Từ Thế Phong của" Nếu Anh Có Em Là Vợ" đến Thế Phong của " Sai Biệt" là một biến chuyển lớn. Thế Phong tuy vẫn một phẫn nộ, nhưng thấm hơn, sâu hơn. Một Thế Phong ngang ngạnh trước cuộc đời, một Thế Phong dỡn cợt Thượng Đế - Sự thực Thế Phong không xác định về Thượng Đế. Riêng với ông, đáng kể vẫn chỉ là một con người. Bởi vì cuộc đời này, một lần ông đã cảm ơn Adam Wazyk*, như từng cảm ơn cuộc đời cho ông sự sống. Thượng Đế chỉ là một bóng mờ trong hư ảo:
Tôi không khóc sao lệ ràn rụa mãi,
Nghĩa lý cuộc đời chưa trọn một đường khâu
.................................
Một hình hài no ấm, một kêu than
Ngửa tay xin manh áo lúc bần hàn
Một đồng bạc khi lòng lên cơn đói
Những khi ấy loài người như mắc cửi
Đều thành hề, lạ mặt, cả người quen
Hỡi loài người,
giống vật có lương tâm
Ta xác định
sống không hề phẫn nộ
Chỉ nực cười nghe tiếng khóc bên mồ
Như thương tiếc cầu mong ta sống lại
Và khi ấy
chúng nguyện
nhường cơm xẻ áo.
*
Chiều nay ta chết
hay là mai
ta chết!
Không cầu xin
một dấu thánh một lời than
Hội loài người ta cảm ơn muôn vàn
Ta đã khóc
khi cuộc đời còn trước mặt !
Và cuộc đời này là những hạ nhân vang ca đắc thắng. Đôi lúc nhà thơ cũng muốn sống với : " vợ đẹp... nệm giường " món ăn ngon, giầy bóng". Đó là nét thành thật của Thế Phong - bởi nó rất người - Nhà thơ đã bừng tỉnh và thoảng thốt, vì rằng chung quanh ông- cuộc đời chẳng những vốn đã chán chường mà còn bầy nhầy một bọn người-vật... ông đành thúc thủ, song không thể câm nín. Thơ ông như một cơn giận nổ tung. Nhà thơ đi giữa cuộc đời mà hai vai đau buốt như một chung thân đơn lụy- một mình mình biết, một mình mình hay. Cơn giận nổ tung, vẫn chỉ còn lại vùng câm nín từ hoang sơ nào :
Tôi mang sự lưu đày từ ngục giam đôi ngươi
Ra đường lộ
mình kẻ xa lạ mọi người
Khi bản án chung thân
tay mình ký nhận
Khi chán chường không thể bộc lộ cho đời...
Đó là hình ảnh cuộc đời... còn xót xa nào hơn ? Còn gi đau đớn hơn ? Nhà thơ vẫn thường đơn độc trong cảnh tình ấy, khi quan định đời người của ông không là " đời chính trị" , để thổi phồng lên bong bóng anh hùng. Cho dù vậy, ông vẫn say sưa, ông vẫn ôm lấy sự sống:
Ra làm người văn nghệ nhỏ bé, anh yêu cuộc đời
Viết đời anh trung thực, trên mực đen giấy trắng
Đi trên cả tốt, xấu, thấp hèn, cao cả....
Trong cơn phẫn nộ, giữa tình cảnh băng rã tin yêu, nhà thơ vẫn còn tìm được một niềm duy nhất là tình yêu. Trong thơ yêu, Thế Phong có một tha thiết vô bờ. Tình yêu của nhà thơ được coi như một cứu cánh
ái tình trong trinh ( l' amour dit platonique ) đến ái tình của thơ văn ( l'amour dit littéraire ) - ông đều đắm mình trong một thế giới ước mơ dật dờ cái bóng xiêu vẹo của một người tìm tình yêu cho nhiệt độ sống:
Khói thuốc lá bít bưng trong màn thưa gác hẹp
lệ rưng rưng, hàng mi dài, em chợt khóc đêm qua
là anh nhớ em, giải buồn bằng khói thuốc
là anh nhớ em, giải buồn bằng muốn khóc
và muôn đời, vòng đêm chưa giáp vòng ngày
một dấu bưu trạm, một phong thư đơn côi
một vài hàng chữ dở dang, chưa vòng chữ ký
................................................................
Và em ơi gặp nhau,
vẫn thiếu thốn luôn ...
ngã tư đại lộ, mắt đào sâu hình bóng
chưa bao giờ, anh cố ý giấu
sự thật cuộc đời !
chưa bao giờ
anh nghĩ đường xa thiếu có em
năm tháng mật đắng, mửa, nôn, chưa nản chí !
*
Thế kỷ này, của riêng ai,
mà đòi thu hẹp
lòng sông dài, chí biển cả, ai nỡ đọ gang tay !!!
Trong tình yêu, nhà thơ vẫn thường bất chợt thấy vô vàn chán nản từ khoảng chân trời mầu tối đen của một thời vô vọng đuổi theo một cứu cánh vô vọng. Cho nên, yêu đối với Thế Phong chỉ là an ủi trong khoảnh khắc- yêu để cho mình được tạm thời ẩn nấp cơn phong ba. Tình yêu chỉ còn là cõi trú.
Trong thơ Thế Phong, tôi thấy cái gì bàng bạc chịu ảnh hưởng từ Kierkegaard đến những Holderlin, Nietzsche, André Malraux. Thơ ông là cuộc đời mang theo hành động ( Sư thực như G. Marcel đã nói : cái bất tử Kierkegaard, của Nietzsche không phải là chỗ các ông dùng lý luận, nhưng ở chỗ các ông dùng ngay cuộc đời mình và những kinh nghiệm bản thân về những thống khổ, tội lỗi để chứng minh triết học hội trường, không duy lý, duy niệm... là triết học đời sống mà chỗ đứng của một nhà triết học chỉ như một chỗ đơn côi ). Ta sẽ không thể tìm ở thơ Thế Phong những mầu sắc mỡ màng, những lời đẹp và ngôn từ diễm ảo. Với ông là muốn nói lên cuộc đời không phải là chỗ mây mưa gió sớm..." mộng hồng giấc điệp"...Nét cao đẹp của thơ hôm nay là kết tinh của những cảm xúc từ cuộc đời. Chỉ có cuộc đời và hành động trung thực của nhà thơ trong cuộc đời mới đưa ta đến sự thực cho Thơ. Muốn tìm sự thực ấy thì phải bỏ đám mây đen của qui ước, của gió trăng mơ màng, tuyệt nhiên không có ích lợi cho những con tim bỏng cháy... Có dứt mơ mộng mới tìm được thực. Thơ Thế Phong cũng phát xuất từ ý đó, nên kém truyền cảm trực tiếp. Muốn tìm vào thơ ông, không phải là khổ độc; nhưng phải có cái chủ quan của người đồng điệu, tức là chấp nhận tiếng nói vỡ tung từ niềm phẫn nộ trong một thời đại tật nguyền.
Đọc" Đàn Bà & Tổ Quốc " , bỗng dưng thấy bồng bềnh một Nietzsche, một Holderlin. Khi Holderlin nói lên rằng: " Bây giò bạn ta ở đâu cả!" . Nhà thơ rất trơ trọi trong cuộc đời - Thế Phong cũng mang xúc động ấy và chỉ còn lại một ý chi của mình ( sa propre volonté ) bấu víu vào nó mà đặt cho được ngôi Thượng Đế trong chính mình. Cho nên, nhà thơ cũng rất bất bình phải chịu nhận một thứ bình đẳng và hòa mình với bọn hạ nhân, như Nietzsche đã công phẫn mà nói rằng:" không có thứ bình đẳng ấy"- vì khi xã hội có hai thứ luân lý: một chủ nhân ông, và một nô lệ. Trong cuộc đời, Thế Phong cũng có cảm xúc sâu xa như vậy, dù đơn côi đến cùng dộ; nhưng chẳng thể hòa mình với bọn lính lệ, hạ nhân... Tôi nghĩ rằng một đời sống đầy truân chiên, gió bụi như Thế Phong - thơ ông qua tập thơ này như kết quả của dồn nén được nổ tung.
Từ" Đàn Bà & Tổ Quốc" đến" Sai Biệt" , " Nếu Anh Có Em Là Vợ" ... và một số thi tập sau này; người viết hình dung thấy Thế Phong như muốn mang cái khuôn dáng của một Zarathoustra ... ( khi vào sa mạc thì muốn là chủ sa mạc, muốn hóa thành sư tử để làm chủ sa mạc và cả những kẻ khác. Như Heidegger đề đạt lấy tự do và xác nhận mỉnh là một thứ côi đơn trong cuộc đời , nhưng là người có phong độ lớn ( allure de grande style ) , như Heidegger phát biểu , thì cái khoảnh khắc và sầu thảm của thi ca là chỗ hòa đồng dĩ vãng với hiện tại và cứ hướng thẳng mà đi lên ).
Qua hai thi tập" Cho Thuê Bản Thân" và " Vương Miện Mai A " . thơ Thế Phong đã hết sức chua xót trong những bất bình. Thời kỳ này, có lẽ ông mang ảnh hưởng từ nơi Adam Wazyk đến một Ehrenbourg hay như la Trần Dần... Hai thi tập này, phong độ thơ của ông có chiều đứng lại, tuy ý sâu sắc - nhưng ngọn lửa trong hồn thơ đang xuống thấp, nhất là những bài, như: " Đời thi sĩ", " Tuyên dương cho cái xe đạp"... e rằng, sẽ làm mất sự phong phú và cao lớn của những thi tập trơớc. Thực ra, cảm xúc cao độ đủ nhiệt thành của thơ, Thế Phong như đã dành cho cả thi tập đầu" Nếu Anh Có Em Là Vợ" .
Dĩ nhiên, cái hôm qua của Phong có thể hôm nay Phong không nhận - (... như Sartre cũng quan niệm rằng, vì là tự do tuyệt đối nên ngay cả sự cam đoan hôm qua, nay cũng không còn là cam đoan ) . Cho đến nay, qua nhiều thăng trầm biến đổi, thơ Thế Phong sâu sắc hơn, kỹ thuật già dặn hơn; song đã mất đi nhiều nhiệt tình say đắm.
Trước sau, thơ Thế Phong kém về nhạc điệu ( musicalité) , vì những hình ảnh và cảm xúc của ông thường đi trước hợp điệu của vần ( harmonie des vers) . Song đọc thơ Thế Phong thơờng xuyên găp những hợp điệu của cảm xúc bốc bừng. Đặc biệt trong thơ ông có một hợp điệu cảm xúc ( harmonie de sens ) phát hiện từ sự đam mê .
Bài " Phiên khúc Hai" là một điển hình cho thơ Thế Phong, từ cách cấu tạo thơ đến ngôn từ và hình ảnh:
Tôi lớn lên mang đầy mù sương Việt Bắc
quê hương tôi cây đứng thẳng nhiều hơn rừng chông
người tình đầu bỏ tôi vào điểm giờ cách mạng 1945
núi rừng ơi !
nhớ mãi cũng bằng không
những cái mấp mô
gồ ghề
hình ảnh cuộc đời không mềm
như thạch trắng
mà người tôi yêu thích được nuông chiều
đu đẩy tình yêu
như đu võng
người bỏ tôi rồi
nên côi cút
thiếu thốn hoài
ở tuổi ba mươi hai
tâm hồn tôi phức tạp
lắm đa mang
nhiều buồn thảm
trăm nghìn bài thơ yêu
nói lên ảnh hình nào
góc cạnh tình yêu?
tâm hồn tôi đa sầu
lần đầu tiên
theo người yêu ra nghĩa trang
biết mồ mả ai đây
đòi khóc mướn
thương vay
đành cắm một bông hoa lên mộ...
còn mẹ cha tôi
lìa bỏ đời
quá đã xa xôi
một tiếng khóc,
một bông hoa
nhìn mặt người thôi
cũng không thể.....
*
Nhà tôi
nằm trên đỉnh ngọn núi cao vời vợi
chiều chiều mặt trời làm bạn thuở ấu thơ
áo chàm xanh Nghĩa Lộ
dân bản thổ Sơn La
em gái" áo kỏm" bỏ ra
tranh khỏa thân
suốt trong nước suối
tâm hồn lớn dậy
tình yêu
bắt đầu
nở sớm nhiều
từ dạo ấy!
bây giờ khôn lớn
không thiết tha
tình yêu trinh trong
coi sao được
mà cho là nghĩa lý ???
( trích" Thơ làm lớn dậy con người" )
Thế Phong làm thơ tự nhiên như uống cà-phê, hút thuốc lá - nên thơ ông- trước hết, phát hiện đủ mọi bản chất bộc trực, thản nhiên, và chấp nhận sự xáo trộn hay khúc mắc của vần điệu, như một xáo trộn mặc khải. Thơ ông, bài nào cũng dài, có bài trên cả 200 câu. Thơ ông chỉ chú trọng đến sự chuyên chở chất liệu phát hiện từ ý - và hình ảnh nói lên một thực chất, một trạng thái nào đó. Nói về ý thơ, ông có nhiều ý độc đáo một cách tình cờ, tuy rất thông thường mà vẫn mới lạ. ý thơ của ông lại táo bạo, cũng vì thế mà ngôn từ thơ ông nhiều khi thô, thiều hẳn sự trau chuốt, chọn lựa. Đặc biệt khác, thơ Thế Phong toàn bộ đều đạt được một cao độ cảm xúc lồng trong một không khí bừng bốc. Cho đến nay, Thế Phong vẫn tiếp tục làm thơ - Thi tập mới nhất của ông : " Nam Việtnam, đứa trẻ thơ của vú em Huê Kỳ"**- là một thi tập đáng kể trong thời nội chiến hiện tại. Với thi tập này, Thế Phong đã lấy lại được phong độ cũ, qua" Nếu Anh Có Em Là Vợ ".
Trước sau, thơ Thế Phong không là thứ thơ chỉ để thưởng ngoạn - Ông muốn lên tiếng về một điều nào, truyền đạt vớ một ý nào, song tất cả đều mang theo cơn say của một người thường xuyên phẫn nộ. Như trên đã xác định, trước và sau, thì Thế Phong vẫn là một nhà thơ. Qua Thi Ca, ông trở thành khuôn mặt tthơ đáng yêu trong chuỗi dài những phẫn nộ chân thực .[] CTD.
( trích" Văn Học Hiện Đại / Thi Ca & Thi Nhân / Cao Thế Dung
( tr.193- 208)
----
* - nhà thơ nổi tiếng hiện đại của Ba Lan, thập niên 50 - thế kỷ XX-
- người đầu tiên in ảnh chân dung lớn, bị báo chí đả kích.
** -" Nam Việtnam, đứa trẻ thơ của vú em Huê Kỳ / South Vietnam, the baby in the Arms of the
American nurse / poems by The Phong - translated by Đàm Xuân Cận - Dai Nam
Van Hien Books, Saigon , 1973.
( TP chú thích)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét