Những nhà thơ hôm nay / Nguyễn Đình Tuyến .
T h ế P h o n g
n h à t h ơ n ổ i l o ạ n
NGUYỄN ĐÌNH TUYẾN viết.
"... trong vườn thơ hôm nay , Thế Phong - một nhà thơ nổi loạn , có nhiều điều đáng khen hơn đáng trách - đã tự vạch ra cho mình một con đường đi riêng biệt đầy gai góc như con đường của Oreste chống Jupiter , con đường của tự do tuyệt đối nhưng đồng thời cũng là con đường của cô độc , bơ vơ . ...
Lời dẫn :
Khoảng 1962, một trung úy Quân đội VNCH lái xe hơi rong chơi cùng bạn bè văn chương, cà phê- cà pháo , lân la xin tư liệu để viết về ' nhà thơ hôm nay '. Một buổi tối ở một quán cà phê, đâu đó số nhà 100 Lê Văn Duyệt nối dài ( Ngã 3 Ông Tạ ) , chàng ghi ghi chép chép tư liệu về tôi , khi ấy tôi tuổi 30 - chàng 32 :
' ... viết về ông với cái nhìn mới mẻ , ông cứ tin tôi đi..' .
Thế là tôi cung cấp , từ thơ, tiểu sử, đến chân dung ảnh . Sách ra thật, đủ chân dung ảnh các tác già mà chàng bình phẩm - bìa 4, chàng ghi tiểu sử như thế này :
" Tác giả sinh năm 1930 . Học trường trung học Trương- vĩnh- Ký và Khải Định . Tốt nghiệp cao đẳng văn chương Pháp, trường đại học Sorbonne . Từng dạy và viết báo . Động viên vào trường sĩ- quan trừ bị Thủ -Đức năm 1953 . Cũng ký Minh Huy, tác gỉa " Luật Thơ Mới " và " Những Khuynh -Hướng Trong Thi- Ca Việt - Nam " .
Tính tình tốt, hơi ' hautain' một chút , tiểu sử ghi rõ : ' tốt nghiệp cao đẳng văn chương Pháp, trường đại học Sorbonne ' - tai quái thay ,lại chưa từng bén mảng tới Paris bao giờ - vậy là chàng lờ tịt ghi 'học hàm thụ' . Sách ra, nhật báo ' Le Vietnam Nouveau ' tụng : ' Những Nhà Thơ Hôm Nay ' là một biến cố lớn trong lịch sử phê bình văn học Việt Nam ' - nhà văn Duy Lam , ca : ' Cuốn ' Những Nhà Thơ Hôm Nay của anh rất tân kỳ ' - rồi , một phụ nữ khác làm ? hay chỉ yêu văn chương , thảo lá thư tay : ' Đọc cuốn ' Những Nhà Thơ Hôm Nay ' của ông soạn tôi lấy làm thích thú . Tôi yêu cầu ông cố gắng tiếp tục viết thêm , ngõ hầu giúp đỡ một số đông độc giả như tôi ưa thích và tìm hiểu thi ca nước nhà ' / NGUYỄN THỊ LIÊN . ( bìa 4 , ấn bản mới 1967 ) .
Đọc giả này, tôi suy đoán, cô gái miền Nam, vóc dáng dễ coi, đậm đà duyên dáng, chừng ngoài 20 , chưa chồng - nhà cô áp sát căn nhà lá tuềnh toàng Kiên Giang- Hà Huy Hà , thi sĩ- ký giả- viết tuồng rất nổi danh ở Gia Định ( gần cầu , khu đường Bạch Đằng ) - sau làm vợ họa sĩ nổi danh D.T. - tên cúng cơm Nguyễn Khánh Thành . Nay, vợ chồng họa sĩ định cư ờ vùng San Francisco thì phải, kể cả soạn giả, cựu đại tá Quân Lực VNCH Nguyễn Đình Tuyến - cũng ở một bang đâu đó trên đất nước Huê Kỳ !
Những nhà thơ hôm nay, Nguyễn Đình Tuyến viết về :
Bùi Giáng , Cao Thị Vạn Giả , Cung Trầm Tưởng , Diên Nghị , Duy Năng , Định Giang , Đỗ Tấn , Hải Nguyên, Hải Phương , Hoài Khanh , Hoàng Anh Tuấn , Hữu Phương , Khải Triều , Kim Tuấn , Mai Trung Tĩnh , Mặc Tưởng , Minh Đức ( Hoài Trinh ) , Ngũ Hà Miên , Nguyên Sa , Nguyễn Đình Toàn , Nguyễn Thị Hoàng , Phạm Công Thiện , Phạm Trường , Quách Thoại , Song Hồ , Tâm Hằng , Thanh Tâm Tuyền , Thanh Tuyền , Thế Phong , Tô Thùy Yên , Tôn Nữ Hoàng Hoa , Trần Dạ Từ , Trần Thy Nhã Ca , Trần Tuấn Kiệt , Viên Linh , Vương Đức Lệ .
Gần 40 tác giả -sau 45 năm sách tái bản - nhìn lại , người còn, kẻ mất , người tuyệt tích , kẻ trong nước, người tứ xứ - bỗng nhiên tôi có một nỗi buồn nhớ nhung kỳ lạ : có người thì nổi danh tuyệt đỉnh , kẻ khác xuống chân, tên giậm chân tại chỗ, và nhiều người thực sự đã nằm sâu đáy mộ !
Bài đăng trên THẰNG PHẢI GIÓ ' s BLOG lần này , bài viết về TP của Nguyễn đình Tuyến . Có thể nói một bài viết đầu tiên có tầm tri thức, khen, chê đâu vào đó , đúng như lời phẩm bình ban đầu : " ... viết về ông với cái nhìn mới mẻ .."
[]
Đường Bá Bổn .
TÂM hồn Thế Phong ngang trái, có những phẫn nộ lớn như những phẫn nộ của thi sĩ Hart Crane (1)
Với Thế Phong, ta đi vào trường thơ giải phẫu xã hội , ta thấy sự nghèo đói , sự rách rưới thối tha , ta muốn cùng nhà thơ hàn gắn vết thương của dân tộc : Thế Phong là một thi nhân nổi loan chống nô lệ và chiến tranh khởi hấn :
Thân xác dân tộc tôi như rừng cao su trụi thân
vút xương tàn phơi khô ngã gục theo chiều đông
Sinh trưởng ở Nghĩa Lộ , nhà thơ đã mang vào trong cái vũ bão của núi rừng Việt Bắc , cái tinh thần cách mạng của 13 liệt sĩ Yên Bái , cái tinh thấn khắc khổ của người dân chống đói , chống vỡ đê , cái tinh thần chịu đựng trong đau đớn cũng như trong yêu thương :
Tôi lớn dậy mang đầy mù sương Việt Bắc
quê hương tôi cây đứng thẳng hơn rừng chông
người tình đầu đã bỏ tôi vào điểm giờ cách mạng 1945
núi rừng ơi ! nhớ mãi cũng bằng không
Nha tôi
nằm trên đỉnh ngọn núi cao vời vợi
chiều chiều mặt trời lặn làm bạn thuở ấu thơ
áo chàm xanh Nghĩa Lộ
dân bản thổ Sơn La
con gái áo' kỏm ' bỏ ra
bức tranh khỏa thân
trong suốt giòng nước suối
tâm hồn lớn dậy trong tình yêu
bắt đầu và nở sớm nhiều hơn từ độ ấy
bây giờ tôi lớn lên rồi
thì chả còn tha thiết với yêu đương ...
Với điệu đó , Thế Phong có mặc cảm tự tôn , xem thường lối sống phẳng lặng , yêu cuộc đời đầy đổi thay xê dịch ; hình ảnh của Thế Phong là hình ảnh của người hùng trong thế giới hôm nay , thế giới mà Nietzsche đã xem như một quái vật vô thỉ vô chung , người hùng đó đã bị đời đá nhiều vố khá đau ; nhưng vẫn tiến lên như người tài xế , can đảm như anh lính Chàm say rượu, mất hết phản ứng nhưng
khinh thường tất cả gian nguy , lửa đạn :
Đường gập ghềnh không làm lạc lõng vô-lăng xe
Người tài xế trẻ tuổi hiên ngang đứng thay chân
người tài xế già hôm qua chết trong đèo cao gió núi
(.........................................................................)
Tôi đã học khôn ngoan trong từng thước vuông
Và bí hiểm cầu kỳ như lời anh lính Chàm
Chiều hôm nay tôi rời khỏi ven đồi ga Xuân Lộc
Những dẫy xanh buồn vuốt mấy trắng núi Gia Ray
Thơ Thế Phong chứa đựng nhiều đoạn thi cảnh ( poème tableautin ) gôống như những bài tản văn có một bút pháp kỳ lạ , bất chấp văn phạm , những thiên tùy bút goi ghém những ý tơởng vô trật tự , rối rắm nhưng phóng khoáng . Có lẽ vì cái tính chất phóng khoáng củ tư tưởng, nên , như Edouard Glissant - Thế Phong đã chọn cho thơ mình cái hình thức thơ xuôi , không hề có dấu phết chấm . ( 2 ) Nghệ thuật cấu tạo hình ảnh cũng có cái gì mới lạ , khi thì nhỏ bé , khi thì lớn lao như những ý định của nhà thơ :
Một em gái lên tám năm nào nay mang vóc dáng thiếu nũ
khoác chiếc áo măng-tô tôi không nhận ra nàng mang giòng họ Lò
má ửng hồng tôi tìm thấy phấn hương mặt trời
đôi mắt mơ tôi tìm thấy rừng thu Việt Bắc .
Chúng ta không nên trách nhà thơ gàn dở vì cuộc đời chung quanh nhà thơ không những đã gàn dở mà còn sống sượng , cuộc đời đầy dẫy những kẻ đê tiện và hèn nhát , cuộc đời mà trong đó những danh từ đoàn kết , chung thủy với nhau đã trở thành vô nghĩa . Điều đáng khen là trong cái phẫn nộ và gàn dở có tính chất phủ định , ta vẫn thấy phảng phất một thứ nhân bản đang tỏa ra từ một tâm hồn tiết trực :
Ngoài sân kia trời xuống thấp nắng chiều hanh tắt
con chó cái lai bẹc- dê theo tôi nằm dưới chân vẫy đuôi
đôi mắt trung thành là thầy dậy tôi không phản bội ...
Trong vườn thơ hôm nay , Thế Phong - một nhà thơ nổi loạn , có nhiều đáng khen hơn đáng trách - đã tự vạch ra cho mình một con đương đi riêng biệt đầy gai góc , như con đường của Oreste chống Jupiter - con đường của tự do tuyệt đối nhưng đồng thời cũng là con đường của cô độc , bơ vơ .
I . p h i ê n k h ú c h a i
( trích )
Tôi lớn lên mang đầy mù sương Việt Bắc
quê hương tôi cây đứng nhiều hơn rừng chông
người tình đầu đã bỏ tôi vào điểm giờ cách mạng 1945
núi rừng ơi ! nhớ mãi cũng bằng không
những cái mấp mô
gồ ghề
hình ảnh cuộc đời không mềm như thạch trắng
mà người tôi yêu thích được nuông chiều
đu đẩy như tình-yêu-đu-võng
người bỏ tôi rồi
nên côi cút
thiếu thốn hoài ở tuổi ba mươi hai
tâm hồn tôi phức tạp
nhiều đa mang
nên nhiều buồn thảm
trăm nghìn bài thơ yêu
chẳng nói lên một ảnh hình
một góc cạnh tình yêu
tâm hồn tôi đa sầu
vì lần đầu tiên
theo người yêu ra nghĩa trang biết khóc
mồ mả kẻ nào đây
mà thương vay
tôi cắm một bông hoa
với mẹ cha bỏ cuộc đời
giã từ hôm qua
xa xôi quá
một tiếng khóc một bông hoa không có
Nhà tôi
nằm trên đỉnh ngọn núi cao vời vợi
chiều chiều mặt trời làm bạn thuở ấu thơ
áo chàm xanh Nghĩa Lộ
dân bản thổ Sơn La
con gái áo ' kỏm ' bỏ ra
bức tranh khỏa thân
trong suốt giòng nước suối
tâm hồn lớn dậy trong tình yêu
bắt đầu và nở sớm nhiều hơn từ dạo ấy
Bây giờ lớn lên rồi
thì chả còn tha thiết với yêu đương
tình yêu trinh trong
chẳng có nghĩa đâu em !
( THƠ LÀM LỚN DẬY CON NGƯỜI )
II . t r ư ớ c m ắ t n h ì n t h i s ĩ
( trích )
1.
Bỏ lại sau mình thành phố buồn trác táng
lênh đênh mai sáng đây đi xa
mở mắt nhìn thôn quê đồng ruộng úa
và bây giờ thi nhân mở mắt nhìn cuộc đời
mười ba năm quên hẳn mình người rừng núi
ôm hoài bão thị thành mọc rễ chưa ăn sâu
nghìn vạn năm còn mãi ngàn sau
lưu tich bóng hình rừng thông màu xám
tôi mở mắt hoài sao chưa nhìn thấy đấy
rừng núi ơi ! Việt Bắc ấy hôm nay
sương mù và khói lạnh và mây bay
cây số một trăm bẩy mấy trên đèo Bảo Lộc
từng núi đồi xan nương sao chưa ngã gục ?
mà mũi này mất cảm giác khói cháy mùa đông
tôi vẫn chưa quên mắt ôm trừng thác rừng
mùi chát chúa ngửi lá mến yêu trốc gốc
thêm bàn tay người dệt rũa thành lúa mạ
thân cây vĩ đại lá xanh um tùm gốc mọc
sao tôi chờ lâu chưa nghe tiếng chim kêu ?
mặt trời lên cao rưng thiêng chưa thức giấc
trên xe hành khách có người làm dấu thánh
tôi còn phải học hoài chuyện đời thường nhật
người thanh niên tài xế cầm vô-lăng xe
xe lên dốc mắt trừng coi thường nguy hiểm
đời sống người Thượng Đa-Gui mờ mờ nhân ảnh
gánh tương lai tới tăm khóac đen kịt hình hài
nhìn chúng ta hờn căm người mẫu quốc
đời sống mệt nhọc cắm mốc trên quầng mắt
nước mắt người đương tuôn chẩy đôi má
đồi chè Bảo lộc rồi Di Linh và rừng thông man mác
tôi hướng tâm hồn về dĩ vãng Sơn La
rừng cà phê đỏ quả lá đong dưa
tôi học hỏi cách trồng trọt đồi Cao nguyên xanh ngắt
tương lai chúng tôi vận mệnh cầm trong tay ai khác ?
đường gập ghềnh không làm lạc lõng vô-lăng xe
người tài xế già hôm qua chết trong đèo cao gió núi
đôi tình nhân lớn lên hẹn mùa xuân ân ái
dân tộc này sao chưa ngửng mặt thẳng nhìn lên
những em bé Việtnam tâm hồn thác trắng trong
anh tin tưởng hơn là em tin tưởng
núi Lang Biang dầu hôm nay đầy sương phủ khắp
các em leo đồi nhìn xuống thung lũng sâu
hòa đào Đà Lạt bây giờ nở không chào đón mai sau
các anh hái rồi các em sau lại hái
tổ quốc không là tổ quốc hờn tủi các em ngoan
hôm nay các anh lầm lạc leo đường mòn đất nước
các em đừng khóc và hãy dành nước mắt
tống táng tâm hồn anh rữa mục không nghĩa trang
anh buộc phải dừng đôi gới mỏi đồi thông
đọc tên các em chết đi - sao mà - mà sao trẻ quá !
tuổi các em là đóa hoa anh đào chờ nở
mà vội tàn trong nấm mộ trên phiến đá thời gian
2.
Nghìn trăm năm thước trên cao nhìn về Sài Gòn
ánh điện đỏ mờ mầu ghẻ lở tâm hồn
da anh quánh nắng hanh đông lùa gió lạnh
những tâm hồn trên cao tia nhìn ánh sáng
mặt trời hiền từ mà anh giang tay muốn ôm
phải - mười ba năm dài từ bỏ tổ ấm tâm hồn
anh là thác nước mắc kẹt ao tù thành phố
anh ôm ấp Đà Lạt ủ núi rừng Nghĩa Lộ
nước đun sôi tắm từ bỏ dĩ vãng vàng son
như thiếu nữ má hồng dạo quanh hồ mờ sương
xa sỉ phẩm làm thâm quầng má gái Sài Gòn
những gì bao quanh trái ửng vườn xuân thiếu nữ
tôi đi vòng quanh hồ leo đồi bưu điện
ngôn ngữ dân tộc mình chưa thống nhất nơi nơi
anh hùng tróc sơn , tên vĩ nhân mờ phai đầu lối
gió bạt ngàn thổi rách tơi tả băng-đơ- rôn
hoài bão chí lớn ai giốc ra ngoài túi thủng
tôi nhìn đôi mắt nhiệt thành bạn thanh niên trẻ
trung thành hiên ngang như chó bẹc-dê leo đồi thông
thu hình tổ quốc Việtnam đôi khuy măng-xết tròn
giọng nói hùng ôồn lầm lì thác đổ
dạo quanh hồ hoa nở chưa tinh chuyện trăm năm
tôi ngửng đầu lên nhìn học rước đèn trên đồi Giáng sinh
tôi thức tỉnh theo điệu hát bi ai trầm buồn
chợt nhớ rằng tổ quốc tôi đang lầm than
bầu trời Sài Gòn quanh năm không cần áo ấm
( .................................................................. )
Tôi dừng bến tiềm thức ngã tư Bẩy Hiền
thấy trẻ con lớn lên bằng miếng bánh mì còn xót
và quà đứa anh tặng đứa em miếng xô-cô-la lượm
tự dưng tôi buồn mà nước mắt không còn
và không còn vang hát điệu nhạc ái ân quen
hỡi những ai cầm bút ca tụng đời sống ấm no hòa bình
là bán đứng khổ đau các em vào tiệm ăn sang
gọi bồi hách dịch giặt giũ ủi sự thật đau buồn
tôi đã là thi nhân ăn mỗi ngày một bữa đói
mà tri óc sáng suốt muốn càng ngày càng đen tối
và chỉ nghe lời khen tặng chửi rủa từ giai cấp thấp hèn
Tôi đi trên đường như giẫm lên nóc nhà trời sương Đà Lạt
tôi là người Thượng thác Prenn hờn căm nhìn người mẫu quốc
sáng lên đồi cao kiếm củi chiều dừng bên quán gió
uống rượu trắng đốt rừng thông sưởi ngồi gối bó
nhìn cây Giáng sinh mọc đầy rừng - quên bẵng Chúa
nhìn cây măng nứa uốn cong ngọn như cây nêu Tết
bỏ quên chuyện đời đầy nước mắt dưới chân đồi
ở đây chỉ còn thiên nhiên muông thú và Ta là Chân Lý
( .............................................................................. )
3.
Người họa sĩ già trọn đời sống 40 năm vất vưởng
tên anh tô bất tử non sông tâm hồn Việtnam
vợ con chưa có nhà một gian xẻ làm 2
nửa ngoài vẽ tranh nửa phía trong làm ổ ngủ
tôi gặp anh
gần 10 năm máu lửa
hình hài buổi đầu 30 tuổi hào hoa
10 năm sau
đem mắt môi tâm hồn trải rộng
phên, vải, mực, sơn , rồi tàn tạ
đường vào nhà anh
Nguyễn Tiểu La Saigon 10 - Chợ Lớn
màu đỏ quan tài sức sống dị biệt hiên ngang
anh đập bàn nhìn tôi cười không hề than van
bữa no đói dăm ba đồng bữa cơm ngon nghệ sĩ
không hẹn nhau chúng tôi hôi ngộ đầu năm
đỉnh đèo Đà Lạt rừng thông cây Giáng sinh
mái tóc phong sương rừng lau thưa chắn gió
đôi mắt sắc sảo hiện trên 2 gò má
hương thuốc thơm từ ' píp' tỏa ra ngoài
anh mang lại sinh hoạt đời mầu mắt mát da
hoa hồng đào trên khung vải còn trộn pha mầu xám
sự nghiệp dài thường trải mấp mô tảng đá
rêu xanh lối dã thảo nỗi buồn không nói ra
tôi chỉ thấy anh cười thoang thoảng trầm hùng bi ca
xẻ tấm phản nằm vẽ tranh - thiếu khung vải
mầu sơn đỏ ứa lên nghẹn ngào máu lửa
hãy nhìn lên cao trời trong sáng tới sao băng
rằng chúng ta không chỉ biết chát chúa vô ngần
Chúng tôi giắt tay nhau đi trên ngọn cây
leo đồi thông
một con chó lạ tiễn chân tôi rời
núi rừng Đà Lạt
theo chân về thành phố man dại bỏ lại phía sau
một con chó cái liếm bàn chân tôi phiêu lưu
nằm dưới chân tôi cả phút giờ quạnh quẽ tâm hồn
tôi làm thơ mô tả cuộc sống thế kỷ này bon chen
những giáo mác tua tủa xâm độc
nhằm phía trôi lao bắn
tôi đặt tên nó ngang tên nàng ca sĩ đợt sóng mới LILI
tôi vuốt thảm lông xám tro như tóc người yêu bỏ cuộc
tôi leo đường dốc đổ có bạn huyền đề 4 chân
tôi làm người chủ trại có kẻ săn sóc trại vườn
khí giới có tâm hồn định đoạt kẻ thủ của chủ
tôi nhiều tình thương nên vô cùng quí chó
tôi nhiều tình thương nhân bản nên quí các em bé
tôi đầy khôn ngoan không mắc mưu trưởng giả
tôi nhiều nhiệt tình nên quí mến tuổi thanh niên
tổ quốc chúng ta hôm nay phủ ngập rừng chông
lòng yêu nước các anh cần sự canh chừng loài chó
các anh ngửng mặt nhìn lên cao
và đừng ngã đó !
( TRƯỚC MẮT NHÌN THI SĨ )
III . v ư ơ n g m i ệ n c ủ a đ ờ i
Những đêm sao mọc bừng đêm thứ bẩy
anh vào phố tìm mua áo bông mầu
không sao có mầu áo anh tìm
tím hoàng hôn hắt vội - đường chiều
em về heo hút gió
đời chán quá anh đưa em vào phố
đời bơ vơ ghế trống quá - hàng ba
đời lứa đôi thiên hạ chen đua
xương còn lại chất đầy trên bàn tiệc
kiếp ăn mày nạng chống gầy lũ lượt
tay loang lổ ghẻ tầu miệng run đôi môi
xin lại miếng ăn thừa chất đầy trong túi hẹp
nốc rượu vang thừa cặn cốc đá nước tan
đời còn nhiều hứa hẹn- gặm xưong thừa
gầm cầu lề phố vắng
Những đêm sao mọc bừng đêm thứ bẩy
anh thôi vào phố để không nhìn ăn mày
không sao có mầu áo sáng anh tìm mua
vương miện đầy sương hoa - đợi chờ
đến bao giờ phủ lên đầu mọi người một sớm
đời chán quá ! anh không đưa em vào phố
chúng mình bơ vơ - ghế trống quá - hàng hai
ăn mày nô lệ miếng ăn thừa
chúng mình cúi gằm ăn
mà sao không ngẩng mặt ?
[]
THẾ PHONG.
( tạp chí MUÔN HOA / 1957)
----------
(1 -..." Je suis Baudelaire , je suis Whitman , je suis Chrostopher Marlowe ,je uis le Christ ..."
( Hart Crane )
(2 ..." Et la rame est de terre dans l'attente du pays neuf océanie et l'amour de toi est un mouchoir au haut d'un mât océaniel'amour de toi un cocotier de brumes dans ta présence océanie dans ton sourire de cathédrale voué à l' Inculte et j'apprivoise l'écume de tes robes et l 'Asie est un polypier qui s'habite et se ronge entre le ciel et bataille et l' Europe est un champ de clous ..."
( Edourd Glissant / Soleil de Conscience , 1959 )
( trích NHỮNG NHÀ THƠ HÔM NAY / NGUYỄN ĐÌNH TUYẾN
ấn bản mới Nxb NHÀ VĂN VIỆTNAM , Saigon 1967 - tr. 317 -334 ).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét