hồi ký ngoài văn chương / thế phong -
nxb đồng văn + văn nghệ phát hành- california, usa , 1996.
văn chương ôi ! ta thù ghét mi ?
bài : thế phong
... hoàng song liêm, huy sơn ( dương quang thuận), phạm xuân ninh, nguyễn đăng thục, trần đình khải, nguyễn văn vĩnh, phạm xuân ninh , tướng KQ lưu kim cương, nhân hậu, thiếu tá kq đặng trần dưỡng,
thiếu tá kq bùi hoàng khải, cung trầm tưởng ( cung thúc cần) ,
ngy cao uyên, phạm duy, mai thọ truyền , hạ sĩ kq đào thành tráng , chu tử, ngũ văn bằng, dương tử giang, luật sư nguyễn tường bá, nguyễn tường thiết , tổng trưởng thông tin phạm xuân thái ,
thanh chương , phùng ngọc ẩn, huy quang ( vũ đức vinh), hồ phong, duy lam, nguyễn tường thiết , tướng tư lệnh kq trần văn minh ...
Trung tá thi sĩ Hoàng Song Liêm vẫn là chủ bút của tập san Lý Tưởng KQ, bây giờ có thêm trung úy nhà văn Huy Sơn, thư ký tòa soạn. Mỗi lần gặp lại bạn cũ, Sơn chìa ra bao thuốc lá Salem mời hút, anh này ngoại giao rất giỏi. Chúng tôi quen nhau từ Hà Nội, khi viết báo
Quê Hương - rồi Sơn vào Nam , tôi giới thiệu vào làm cùng phòng Báo chí của Tổng trưởng Thông tin Phạm Xuân Thái . Anh còn được đề cử làm thêm, trông coi tạp chí Văn Nghệ, chủ nhiệm Nguyễn Đăng Thục và chủ bút Trần Đình Khải, tác giả Giòng Nước Ngược (1) là bạn thân chủ nhiệm; nhưng đã có 1 lần, vì vấn đề tiền nong gì đó, học giả còn được phong là triết gia , vì Nguyễn Đăng Thục viết sách triết Đông, cũng là bạn cũ Tổng trưởng Thái. Chủ bút Khải bây giờ đã bay xa, nhưng nhớ đến anh, tôi không quên 2 ông chủ nhiệm chủ bút suýt choảng nhau, lại chỉ vì tiền, bởi lẽ tạp chí Văn Nghệ do quỹ của Bộ Thông tin cấp. Chưa bao giờ thấy cảnh trí thức , văn nghệ, chửi nhau như hàng tôm, hàng cá ; mới thấy được rằng những người có chữ nghĩa khi nổi chất xung thiên, nó xấu xa và dung tục hơn con vật biết nói. Lần ấy, chính Tổng trưởng Thái đã phải cười-cười, ông này có nụ cười khẩy đặc tính người Việtnam, đúng như học giả Nguyễn Văn Vĩnh mô tả - cái gì cũng cười - kể cả khi vợ ông Thái nổi đóa ghen tuông- hoặc như giờ này đây- 2 ông Thục, Khải suýt đưa nhau lên đài đấu võ, ở phía sau phòng Tổng trưởng, được gọi là Phòng Báo chí. Huy Sơn lúc này cũng hết cười được, vì tình thế quá nghiêm trọng ! Sau, Huy Sơn được đồng hóa sang quân đội, do Phạm Xuân Ninh đưa vào, sau chuyển sang Không Quân và trở thành bạn kinh tài thân thiết của chuẩn tướng vinh thăng Lưu Kim Cương. nay Cương đã có một ông quản lý bạc tiền như Huy Sơn -Dương Quang Thuận, nên Lưu Kim Cương giao hết cho anh coi sóc một số bar mở ở xung quanh phi trường - nơi có nhiều vũ nữ, và trong số đó, hẳn có một số gái gọi cho cố vân Mỹ. Khi Lưu Kim Cương chết bất đắc kỳ tử vào đợt Mậu Thân 2, tháng 5 /1968, thì Huy Sơn làm sao có thể báo cáo tiền bạc với ai, ngoài chủ tướng đã qua đời. và anh sắm xe hơi Toyota de luxe , chạy mù trời ; nhưng chẳng được bao lâu, tôi không còn thấy anh dùng xe hơi đi làm nữa. Bây giờ, anh làm thư ký tòa soạn, uy quyền cũng nhiều, làm việc với Hoàng Song Liêm , phải hợp rơ nhau - tay chủ bút thì chuyên đánh bạc hầu tướng Tư lệnh KQ; mỗi khi gặp anh em, nên cũng dễ phét lác, ra oai với bạn bè . Có đứa hỏi:
' sao dạo này mày không còn làm thơ được nữa, phải không - hình như, có tờ báo nào định đăng potin, mày theo máy bay quân sự từ Lào về, bắt tay bạn bè ở phi đạo, không dám cúi thân người xuống thấp; vì sợ vàng lậu bị gập lại, mất giá, có phải vậy không ?' Các cụ nói nhiều câu cũng đúng, bạn bè như ngưu tầm ngưu, mã tầm mã - trâu có bạn ngựa , chắc khó có thể chạy thắng nước rút trong trường đua. Lần này, báo Lý Tưởng đăng một truyện ngắn của thiếu tá Đặng Trần Dưỡng- thế ra ông D.Z ( bút danh) , từng là phi công trực thăng H.34, cũng được gọi là nhà văn KQ hào huê, le lói phải biết ! Dưỡng hiện phụ trách tờ báo Tin Không Quân, một tờ báo thông tin về sinh hoạt quân chủng, có Thanh Chương, chuẩn úy Chu Văn Hải phụ tá. Trong thời gian này, trung tá Nhân Hậu từ Sư đoàn 1 KQ về Bộ Tư lệnh Không Quân thay đại tá Đinh Văn Chung đi Huê Kỳ tu nghiệp bay bổng- cái ông trung tá ngày nào từng năn nỉ xin pắc cho con của đại tá Ba ở phi trường Đà Nẵng , bị phi công Tự trêu chọc ,khiến ông phải dắt cậu con quý tử con đại tá, rời phi đạo Bây giờ, ông là quyền Tham mưu phó Chiến tranh Chính trị, uy quyền đầy mình và có trung tá cử nhân Luật khoa Dánh làm phụ tá. Ông trung tá Dánh luôn tự hợm mình trước bọn lính tráng, kể cả tướng tá khác, là trí thức, căn cứ vào mảnh bằng Cử nhân Luật khoa, khi giải ngũ chắc sẽ trở thành luật sau mấy năm ghi danh thực tập. Ông Dánh đứng
trước hàng quân, phán : "... chúng ta phải chăn dắt bọn hạ sĩ quan, binh sĩ; huấn luyện chúng trưởng thành , đủ 2 mặt: thành nhân và thành quân nhân khả dụng..." . Nên , một trung sĩ nhà văn khác, khi nghe câu danh ngôn cẩm nang quân sự , đã nói nhỏ với bạn bè , khi đang cà-phê, cà -pháo, bù khú : "... chăn , ở đây, ông ta muốn nói tới cái chăn ít khi đắp cùng vợ, mà chung cùng giai nhân nhiều hơn ; còn dắt, ông ta muốn muốn nói, nghề dắt giai nhân cung phụng Tướng, tài nghệ ông ta chẳng thua kém bất cứ một tên ma cô nào ! Trí thức, sĩ quan cao cấp dắt gái, hẳn hơn đứt bọn võ quan đồng lọai học ít, vô cảm, vô tri, chỉ biết lái máy bay hay cầm súng... ! " Chẳng hiểu vách có tai trong hàng quân là đứa nào, tâng công , báo cáo trung tá Dánh , ông ta biết rằng kẻ phát ngôn bừa bãi ấy là tôi - nên mỗi khi gặp nhau trong sở, hạ sĩ quan phải biết chào kính cấp trên, khi đụng mặt, kể cả lúc tôi gặp cấp trên đang kéo phẹc-mơ-tuya quần, nên cấp trên không có tay chào lại. Ông cảm thấy đỏ mặt, rất vụng chèo, lại khéo chống, rất văn hóa là đằng khác :" .. này ông trung sĩ văn sĩ kia ơi, tôi cũng biết viết văn, làm thơ đấy nhá - ông biết sao không- bởi, tôi vốn sinh trưởng ở Huế, lại mang dòng họ Nguyễn-Khoa mà ! "
L ại, khiến phải nhớ lại , lần trung tá cựu phi công Phùng Ngọc Ẩn kể lại , Tướng Tư Lệnh nói đùa với thuộc hạ , trung tá Khoa Dánh bị ông nẹt, đại để, bây giờ xưa , hoặc bataillon viêtnamien xưa kia - một sĩ quan chiến tranh tâm lý không thể phát ngôn bừa bãi, trước thuộc cấp , họ được chăn đắt, một khi , có tên cố vấn Huê Kỳ nào, rành tiếng việt , nghe được, nó sẽ cười mũi vào mặt Không Quân , cho chúng ta là quân đội Lê dương, hay lính đánh thuê, chẳng hạn vây !
T ừ đó trở đi, một vài sĩ quan cao cấp KQ nhìn tôi và trung sĩ Kiều Văn Bảng ( bút danh
Hồ Phong) , cùng vài người khác nữa; với cặp mắt soi mói khác thường. Ngay cả trung tá KQ , ngành không phi hành (2) Cung Thúc Cần , có bút danh-thơ Cung Trầm Tưởng -' bạn mày, tao', từ khi còn mang lon trung úy ( và khi tôi chưa vào lính KQ) , nó dằn mặt tôi, đại để :
' mày là lính đồng hóa , chưa chịu huấn nhục tại quân trường, mày tưởng đời sống quân đội như ngoài đời, là lầm to đấy em ạ !' . Tôi hiểu được sự khó chịu của nó. Nó, mới đúng là một sĩ quan KQ ngành không phi hành , đậu tú tài tây , học trường tây ( nó thích được phân biệt bac métro và bac local, nôm na, tú tài mẫu quốc và tú tài bản xứ ) , từng học Trường sĩ quan KQ kỹ thuật tại Pháp, sau sang Mỹ bổ túc chuyên môn, đậu thêm M.A nữa thì phải ? Nó làm thơ lục bát rất hay, lãng mạn trữ tình; thơ được Phạm Duy phổ nhạc, vừa hay, vừa lả lướt. Nhớ lại, lần tập thơ tổng hợp: ca khúc nhạc, họa Ngy Cao Uyên ( một sĩ quan KQ khác) ra mắt tại Nhà hàng Baccara, rất xôm tụ. Thời kỳ ấy, nó còn là tùy viên văn hóa Tổng thống Diệm , phô trương ầm ĩ, ồn ào . Nó cũng biết làm dáng đúng kiểu cách, kiêu kỳ đúng 'tông, điệu' - chẳng hạn, Phủ Quốc Vụ Khanh của Mai Thọ Truyền gửi thư mời tới một số văn, thi sĩ KQ, trong đó có Cung Trầm Tưởng và tôi, cùng vài anh em khác, đóng góp tiểu sử và 1 tấm ảnh chân dung . Không thằng nào bảo thằng nào, chỉ có 2 thằng không trả lời , là tôi và nó - vậy mà, Niên Giám Văn Nghệ Sĩ & Hiệp Hội Văn Hóa Việt Nam : 1969-1970 " (3) - tiểu sử hai thằng khá đầy dủ, hóa ra được họ lấy từ cuốn Văn Học Hiện đại, Thi Ca & Thi Nhân / Cao Thế Dung ( Saigon, 1969)- khung để ảnh để trống, vì không có ảnh chân dung. Nó bảo tôi :
'.. . thế ra mày cũng như tao, không cho chúng nó tiểu sử + ảnh sao ?'
Ă n sáng của bọn tôi dành trọn cả buổi sáng, ấy là khi chúng tôi không có việc làm, điểm danh xong là đến quán cà phê bình dân Năm Lợi trong Khu Gia binh bù khú, đấu láo chuyện văn nghệ, văn gừng. Một buổi, đang xôm chuyện; một nhân viên văn phòng, hạ sĩ Đào Thành Tráng , từ ngoài quán, đã lên tiếng gọi ơi ới, réo tên tôi , vì tội được trung tá Nhân Hậu kêu trình diện. Kéo nếp áo bốn túi ngay ngắn, xốc quần thẳng; tôi theo anh Tráng về Bộ Tự Lệnh KQ. đúng hơn là văn phòng Tham Mưu Phó CTCT. Trung tá Sếp ngồi ngay ngắn trong bàn giấy to đùng, đứng dậy, giới thiệi vói thiếu tá Khải, Sếp trực tiếp của tôi, như phân bua:
- Tôi với anh Thế Phong là bạn cũ , khi tôi mới học ở Pháp về.
Nói xong, Sếp lớn cười khẩy , không thành tiếng.
Tôi làm đủ thủ tục trình diện Sếp lớn, báo cáo tên họ, số quân, cấp bậc và chờ nhận chỉ thị. Lần này, tôi trả lời, không cần phải suy nghĩ :
- Thưa trung tá, trong quân ngũ, tôi là hạ sĩ quan, thường ra chỉ có bạn là hạ sĩ quan, binh sĩ mà thôi. Tuyệt nhiên không có bạn lon lá cao hơn, và có lẽ, thưa trung tá, có sự nhầm lẫn nào đó, khi nghe được câu giới thiệu vừa rồi: tôi là bạn cũ trung tá .
Cả trung tá Hậu và thiếu tá Khải đều sững sờ. Ông không còn mời tôi ngồi ở salon ở ngoài để tiếp khách, vì đã mời 1 lần, trước khi giới thiệu tôi là bạn cũ; và hiện nay, tôi vẫn đứng ở thế nghiêm khá lâu. Tôi bèn kính cẩn, thưa tiếp:
- Thưa trung tá , thiếu tá, xin được nhận chỉ thị, nếu có - và nếu không còn điều gì nữa, xin cho tôi được lui , để vào phòng toa-lét.
Và trung tá Sếp gật đầu, nói với theo' tôi sẽ gặp anh sau'. Tôi chụm chân chào, quay gót, đi ra ngoài.
T hì ra, hôm nay , ngày 14 tháng 3 năm 1973 - nhật báo Việt Nam của chủ ngân hàng Tín Nghĩa Ngân Hàng- ở trang 1 , kéo tít 8 cột đầu trang :
' Nhà văn Không Quân ăn cắp văn Nhất Linh '
ấy là nói về 1 truyện ngắn ký tên thiếu tá KQ Đặng Trần Dưỡng đăng trên nguyệt san
Lý Tưởng KQ hôm nào !
C uối trang 1, bên phải, 2 cột, ở mục Nghe Ngóng, đăng bài phỏng vấn tôi, về chuyện này có thực hay không ? Tôi đã biết ngay, từ lúc sáng sớm, khi vào sở, vì hạ sĩ báo chí Thanh Chương, báo cho biết trước .
Nguyên văn bài phỏng vấn:
VĂN CHƯƠNG ÔI ! TA THÙ GHÉT MI ...
Thế Phong
------------- LTS : Nhà văn Thế Phong, 20 năm văn nghệ , từ 1954, chủ trương nhà xuất bản
Đại Nam văn hiến (4) , theo Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm nay của Tạ Tỵ ( Lá Bối xuất bản) - Thế Phong là tác giả của mấy chục tác phẩm ( đủ loại ) , từng cộng tác với các báo Đời Mới, Văn Nghệ Tập San, Văn Hóa Á Châu, Nguồn Sống Mới, Trình Bầy, TENGGARA ( Mã Lai ) , Le Monde ( Pháp) - Thế Phong bỏ làm báo chí từ 1963, 10 năm nay, hiện là nhà văn nghệ đồng hóa Không Quân, đi lính làm nghĩa vụ quân dịch. Theo như chúng tôi được biết, Thế Phong, hiện đang được International Writing Program của Đại học đướng Iowa , mới đi dự đại hội văn nghệ quốc tế, trong những tháng tới.
S ở dĩ bài này có, vì tác giả có đọc một loạt bài của Việt Nam Nhật Báo tố cáo một cây bút KQ đạo văn Nhất Linh và nhật báo Sóng Thần lên tiếng trong mục QTV của Chu Tử. Để rộng đường dư luận và làm sáng tỏ vấn đề, VNNB xin đăng bài này vào mục Nghe Ngóng của Thiên Lý Nhĩ .-------------------------------------------------------
Tôi đi đâu cũng bị phỏng vấn . Anh là chiến sĩ Không Quân, mà trước khi đi lính, anh là nhà văn. Vậy, vụ đạo văn đăng trên báo Lý Tưởng như thế nào ? Nói một lần chưa đủ trong 1 ngày, với 1 người và tất cả nhiều người trong nhiều ngày, thì quá mệt ! Nên, tôi đành cầm bút viết bài này. Củ hơn 10 năm không viết báo, nhất là 6 năm sau cùng làm lính KQ. Tôi viết 1 lần, mà không tranh luận với ai, trong vụ này, theo tôi, chẳng có gì đáng trách ! Một độc giả nào đó, theo như báo Việt Nam Nhật Báo , đã cho tòa soạn hay, tờ báo Lý Tưởng KQ có 1 người ăn cắp văn Nhất Linh.
C ó một bài văn ' Lâng Lâng' sao chép nguyên chương 4 của tiểu thuyết Đoạn Tuyệt. Nhà văn Nhất Linh ơi, sao ông lại nỡ viết văn hay thế, để kẻ đấn sau túng đề tài, toan làm ẩu, cưỡng hiếp tên ông. Ông Nhất Linh ơi, sao ông chết đi 10 năm rồi, mà còn thiêng thế, có phải ông báo mộng cho ai đó trên dương gian khui vụ đạo văn này. Ông có thấy không ? Xưa nay, đạo văn, đây không phải là lần đầu . Ở Việtnam thôi nhé, tôi nhắc để ông nghe chơi - năm 1949, khi ông còn sống, đã có 1 kẻ vô danh đã đạo văn ông. Đó là truyện Anh phải sống ( cùng viết với Khái Hưng ) ký tên Vô Danh, đem dự thi tren báo Cần Học của ông Ngũ Văn Bằng ( 5 ) , Ông chủ nhiệm báo này khoái quá, đăng lên báo, chấm giải truyện chiếm giải nhất.
N hưng, không thấy ai tới nhận giải, mà trên báo Thế Giới của Dương Tử Giang ( bây giờ nhà văn này cũng đã viên tịch rồi ) lên án, rằng : cái ông độc giả vô danh nào đó đã chơi khăm một cú đau điếng , nhớ đời - ấy là, đối với ông chủ nhiệm báo Cần Học. Còn vụ này. ông D. đạo văn của ông, lại ngây thơ hơn, ký tên mình, đăng trên một nội san quân dội. Nhưng, báo nội san, cũng không phải chỉ in một số ít, mà hàng vạn số, như thế , đã phổ biến cho chiến hũu KQ, cả ngoài dân sự đọc. Nó không còn được gọi coi không ai được quyền xía vô. Nên, tôi thấy quý mến độc giả vô danh nào đó, đã được ông Nhất Linh báo mộng, để sau báo tin lại , cho một chủ nhiệm báo dân sự biết sự vụ.
Như thế, độc giả có tinh thần xây dựng, không muốn cho Không Quân trở thành báo Cần Học của ông Ngũ Văn Bằng xưa kia.
P hải nhận rằng, báo Không Quân, là tờ báo duy nhất trong quân chủng, được độc giả ham chuộng. Mà bây giờ, tờ báo lại đạo văn, thì còn ra thể thống gì ! Tự nhiên, Việt Nam Nhật Báo đã được Không Quân đọc nhiều hơn. Nó chua xót ở chỗ, một trung sĩ KQ đọc Việt Nam Nhật Báo , số báo ấy có in hình Phó Râu (6) , hồi còn là Phó Tổng Thống - mà trên đầu tờ báo mang cái tít' Không Quân Ăn Cắp Văn ' - anh trung sĩ kia phát biểu : ' KQ xưa nay ngon, mà thằng cha nào đó, không biết 'giếc' (7) thì thôi , ăn cắp' giăng' (7) làm chi cho báo nó chửi , như vậy làm nhục quân chủng ! " Tôi bèn trả lời, chắc không phải đâu, nếu tác giả kia không ăn cắp , tất nhiên sẽ kiện tờ báo đăng tin thất thiệt chứ ! Cho đến giớ phút này, tôi thất vọng, vì tác giả đó đã thú nhận;' lạy ông con ở bụi này' - không sđủ can đảm nhận mình đạo văn, cũng không dám kiện báo. Lại đính chính , minh oan một cách vu vơ . Chỉ tội cho ông Chu Tử , phải tốn 50 chục dòng, đăng trên mục Ao Thả Vịt (ATV) trên nhật báo Sóng Thần- minh oan cho một ông bạn nào đó ký trên DOÃN. Nào, tác giả , một cấp tá KQ mới chỉ là một chiến sĩ tấp tểnh viết đôi bài, và có vài ba câu giống văn Nhất Linh, bị lên án đạo văn ! . Tác giả có Bảo Quốc Huân Chương ( người có tội, khi có BQHC, được giảm án ) đọc bào kia, thấy rằng đã làm mất uy tín anh ta và đau khổ vô cùng !
T ôi đồng ý: có đau khổ thật; nhưng, biết đâu, đây chẳng là một màn mà báo trong cũng như báo ngoài chí tình rượt nhau, trước giờ lâm trận địch với ( ... ) (8 ) CS trong lần đấu tranh chính trị tới đây . Tuy, tác giả đạo văn một tác giả khác, có đau khổ thật, nhưng rán luyện võ, để sau này cầm phần thắng sau cùng. Còn ông DOÃN đem Bảo Quốc Huân Chương ra minh oan cho tác giả kia- như thế - tôi, không hiểu, bạn đã ở trong quân ngũ chưa - lại không hiểu , đi lính mà được BQHC là một tối vinh dự - không thể đem huân chương cao quý ra để bào chữa vụ đạo văn . Hai cái đó khác nhau, không thể đánh lận con đen, nhập nhằng làm một .
C ón phóng tác , cũng không thể gọi là phóng tác. Một khi , đã nhận là phóng tác, có nghĩa, mượn cốt truyện Nhất Linh , lại không ghi' phóng tác ', khi gửi đăng báo ? Một bài văn sao chép nguyên văn , chuyển sang cùng thể loại, ký tên mình, thì lại càng rõ ra 'lạy ông, con ở bụi này'. Người ta, chỉ có thể phóng tác một tác phấm nước ngoài sang tiếng nước khác, cũng như thể văn này sang thể loại khác thì mới đúng là phóng tác . Đàng hoàng , có tư cách hơn, không được phép chỉ ký một tên mình.
Báo Việt Nam Nhật Báo phát hành , phòng sở nhốn nháo, anh em KQ mua báo đọc lia lịa . Tác giả bị lên án đau, bắt bọn đàn em trong ban, lấy tin, đi dò hỏi; cứ như An Ninh lục soát kiếm Việt Cộng nằm vùng. Nào ai đã xì tin này ra báo ngoài, trong khi Tổng cục Chiến tranh Chính trị, có lệnh cấm quân nhân viết báo ( nếu không được phép) , bán tin mật quân sự; nào , đe dọa kẻ này, kẻ khác là thủ phạm. Chắc chắn TC / CTCT không thể cấm báo ngoài dân sự khai thác vụ đạo văn. Nhưng ơ hay, tại sao lại không trừng phạt chính tên ăn cắp ,đã mở sách sao chép , ngay từ đầu? Phải tự trách , tại sao mình chưa có khả năng để làm văn sĩ; thì không nên mượn tim óc nhà văn nổi tiếng tạo cho mình một tiếng tăm ? Ông Nhất Linh thiêng thật, vì văn ông, học sinh trung học đệ nhất cấp học từng đoạn, tú tài làm luận đề, đại học Văn khoa thì giải đề. Tôi thấy vậy, chỉ đau theo cái đau một chiến hữu, hơn một lần sa bẫy ' ăn cắp văn' bị cú xập đầu đè lên vai, lên cổ. mò lên chùa Phước Hòa (9) , bái lật khấn vái hồn linh Nhất Linh , để ông tha tội Và ông còn là anh hồn của Ngày Song Thất 1963 (10) . Rồi năn nỉ xin báo bỏ qua cho, cảm ơn độc giả đã mất công đọc văn tôi, biết tôi đạo văn, khi đem so sánh văn Nhất Linh . Tôi cũng sẽ viết thư cho luật sư Ngưy64n Tường Bá ( cháu gọi Nhất Linh bằng chú ruột) ,Nguyễn Tường Thiết ( thứ nam nhà văn Nhất Linh) , trung tá Tuấn ( nhà văn Duy Lam, cháu ngoại ) để tạ tội , vì tôi chó dại , đã đạo văn Nhất Linh.
CÁC ÔNG ĐỪNG KIỆN TÔI LÀM GÌ, CŨNG ĐỪNG ĐÁNH ĐẤM TRÊN BÁO CHƯƠNG CHI HẾT- TỪ NAY, TÔI SẼ KHÔNG LÀM NHÀ VĂN NỮA; NẾU CÓ, TÔI SẼ VIẾT BẮNG CHÍNH CẢM NGHĨ TIM ÓC CỦA TÔI, NHƯ CÁC ĐÀN ANH TRONG QUÂN CHỦNG ĐÃ LÀM. CÓ PHẢI VẬY KHÔNG, ĐÀN ANH, TRẦN VĂN MINH, TÁC GIẢ TẬP TRUYỆN
CHẾT NON - MỘT ĐÀN ANH KHÁC, PHÙNG NGỌC ẨN, TÁC GIẢ BAY TRONG HOÀNG HÔN , KẺ LẠC NGŨ ; HOẶC NHÀ -THƠ -MỘT- BÀI- DUY- NHẤT, LÀ NGUYỄN CAO KỲ KHÓC PHẠM PHÚ QUỐC; HOẶC VŨ ĐỨC VINH / HUY QUANG , TÁC GIẢ NGÀY ANH TRỞ LẠI, ĐÔI NGẢ, NHỮNG MÁI ĐẦU XANH .
Và cuối cùng, tôi kêu lên:
' VĂN CHƯƠNG ÔI, TA THÙ GHÉT MI ' !
tháng 3 / 1973.
T.P.
--------
(1) Tam Ký Thư Xả xuất bản, Hà Nội 1944.
(2) ngành không phi hành: làm việc dưới đất.
(3) Phủ Quốc Vụ Khanh xb, Saigon 1970 , sách dầy 816 trang, khổ 16x 24.
(4) Lối viết chapeau của Việt Nam Nhật Báo giới thiệu nhà xuất bản Đại Nam văn hiến, do tôi chủ trương từ 1954- là chưa chính xác - vì đến năm 1959, Đại Nam văn hiến mới xuất bản tập thơ đầu tiên Nếu anh có em là vợ /Thế Phong .
(5) Ngũ Văn Bằngchủ trương Nxb Hoa Mai, in cuốn truyện Cô gái Nghĩa Lộ / Thế Phong ( Saigon 1955) . Cũng sau 1954-55, ông viết truyện tâm tình bình dân, ký cô Thanh Tùng.
(6) Phó Râu, sước danh thường gọi lúc ấy, chỉ Phó Tồng thống Nguyễn Cao Kỳ.
(7) giọng Nam Bộ đọc chệch : viết thanh giếc, văn thành giăng.
(8) Biên tập bỏ 2 chữ.
(9) Gò Vấp, một huyện ngoại thành Saigon.
(10) Chính trị gia Nguyễn Tường Tam ( 1906-1963) ( nhà văn Nhất Linh) có liên quan đến vụ đảo chính Ngô Đình Diệm ( 1963), sau, bị đưa ra tòa án xét xử. Trước ngày đó, 7 tháng 7 nắm 1963, ông uống thuốc độc tự tử, đại ý nói đời ông để lịch sử phán xét.
Song Thất vì có 2 số 7- ngày 7 tháng 7/ 1954 , Thủ tướng Diệm lên cầm quyền. .
( Biên tập chú thích ).
nguồn: HỒI KÝ NGOÀI VĂN CHƯƠNG / THẾ PHONG
Nxb ĐỒNG TÂM + VĂN NGHỆ phát hành - C ALIFORNIA, USA ,1996. - tr . 159 - 169)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét