thơ lục bát ' nam kỳ lục tỉnh' tâm uyên:
bài mới viết: hoang vũ đông sơn .
thơ lục bát ' nam kỳ lục tỉnh' tâm uyên'
bài mới viết : hoàng vũ đông sơn
(....)
Sau Thúy Kiều là Lục Vân Tiên. Truyện Lục Vân Tiên khá hơn truyện Vương Thúy Kiều , ở khoản nhiều không khí Việtnam hơn. Hai tác phẩm trước và sau đã xuất bản ở 2 miền đất nước đều được đón nhận của tất cả con dân. Thúy Kiều ở miền Bắc, đất cũ Lê Trịnh ưa chuộng. Lục Vân Tiên ở đất chúa Nguyễn và sau là vua Nguyễn, nên dễ cảm thông về chủ trường đạo lý. Gặp cảnh suy vong khi nước mất nhà tan, quốc gia hưng vong thất phu hữu trách. Thất phu hữu trách, Lục Vân Tiên vẫn tự hào:
Thà đui mà giữa đạo nhà
Còn hơn sáng mắt ông cha không nhìn
Ảnh hưởng của thể thơ lục bát ở 2 tác phẩm mà chúng tôi vừa đề cập, rõ ràng là phổ cập đại chúng. Với những thi nhân Bắc và bắc- Trung Việt,thì thơ lục bát có cái chất của Kiều . Với thi nhân ở nam- Trung và Nam kỷ Lục Tỉnh , thì có tí chút Lục vân Tiên làm bầu bạn ... Theo thời thượng, là nói chung rồi nói riêng, thơ lục bát của người Nam Kỳ Lục Tỉnh có sắc thái :
Trước đèn xem chuyện Tây Minh
Thử xem thiên hạ xoay vần tới đâu ?
Khởi thử, cũng biết thiên hạ xoay mình tới bến : rã rời cây lá, nát bấy cành huê, như thơ lục bát Tâm Uyên, đã dàn trải trên báo chương, trong thi tập đã xuất bản .
***
Thơ Tâm Uyên hiền lành, chân phác như con người Tâm Uyên . Một nhà tư tưởng tây u nào đã nói xì- xồ rằng : ' le style c'est l'homme ' , nghĩa việt, ta hiểu ' văn tức là người' . Câu nói quá đúng, với nhà thơ có quê hương, bản quán Trúc Giang xua , và nay Bến Tre. Tre, trúc cùng một họ, có thể đại đồng, nhưng lại có thể tiểu dị .
Cái mẫu số chung, hay trang trọng thì gọi là đại đồng của hậu duệ những nhà khai phá miền Nam, những người đi mở đất, đã coi nhân-lễ-nghĩ-trí-tín như Trời Đất . Điều gì đúng với nhân luân việt tộc, thì đồng bào đều coi là thiên-kinh-địa-nghĩa. Cái tử số , cái riêng biệt hay tiểu dị, thì tùy theo từng hoàn cảnh, để thể dụng cho khá hợp với vai trò trách nhiệm một công dân Tâm Uyên- Hồ thị Kim Thoa - Trúc Giang- Bến Tre , cũng là trúc, là tre; nhưng tre và trúc thì có nhiều loại. Nên, Tâm Uyên khác xa với những thiếu nữ ở quê hương Đồng Khởi, đã được nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đặt ca khúc ca ngợi Dáng đứng Bến Tre. Bến Tre-Trúc Giang là nơi đản sanh ra nữ tướng Nguyễn Thị Định và cũng là nơi cư trú bậc tiền nhân Nguyễn Đình Chiều, từ sau lúc thầy Đồ giúp các công tử Phan Liêm, Phan Tôn, Phan Ngữ, con của đại thần Phan Thanh Giản .
Tạo hóa đã phân công, phân nhiệm cho mỗi người một trách vụ gánh vác,Tâm Uyên thì phải làm thơ, phải gánh trên vai , phải vác trên lưng cơ man chuyện nhân nghĩa, chuyện của xã hội. Vì thế, thơ Tâm Uyên nhuốm đạo lý. Con người đạo hạnh Tâm Uyên nay mới là cư sĩ, ngày mai nào đây, Tâm Uyên sẽ là Vãi ở chùa , tức là Sư nữ có pháp danh.
Khi Tâm Uyên nghỉ ngang không phụ trách trưởng mục thơ báo Giác Ngộ , trở về quê hương Trúc Giang lập Tâm -Thành- tự, có nhắn nhe anh chị em thi hữu xa gần, ghe xuống Bến Nước ngoạn cảnh và thật mục sở thị tiểu thư Hồ thị Kim Thoa lam-lũ-cật-lực để kiến tạo ngôi đại tự Tâm Thành. Tôi tiếc cho tôi, tiếc cho đời, tiếc cho báo Giác Ngộ, không còn được gần gũi Tâm Uyên nữa, một người có khả năng cảm nhận thi ca. Không đáp lời mời gọi của người Trúc Giang, mà cũng chẳng cảm ơn thịnh ý nhà thơ nữ, tôi đã gởi đến người ấy, bài thơ trách cứ vô căn cứ :
TÂM-THÀNH-TỰ
TÂM-UYÊN TRÚC-GIANG
Tâm Uyên! dựng chùa một mình
Còn tôi ? Tôi cứ làm thinh ta bà
Rạch ngang xẻ dọc sơn hà
Đi tìm nguồn cội tà ma quỉ thần
Phật tại tâm ! Phật đâu cần
Làm chi cho mệt tấm thân ngàn vàng !
Tà ma chúng nó liếc ngang
Quỉ thần ngó ngược gió đang đổi mùa
Tâm sự ai bán tôi mua
Đành đoạn làm vãi ở chùa sao đang ?
Mõ chuông chiêu mộ ngân vang
Khế cơ khế lý ? lời vàng Phật ngôn
Tu nhà mới thật là khôn
Tu chợ có dại vẫn hơn tu chùa
Ta làm thinh ? Thế đã thua
Nay xin tu tỉnh ở chùa Tâm Uyên .
HOÀNG VŨ ĐÔNG SƠN
( Saigon , 10- 08- 2005)
Một ngày trời đất tù lù mù, tôi tiếp được điện thoại Tâm Uyên mời gọi :
" ....xuống đi, bây giờ còn được qua phà Rạch Miễu. Mai mốt khi qua cầu, nghe gió thổi vù vù , cứ như bị ma đuổi thôi ..."
Tôi hứa hẹn qua điện thoại, rằng,thế này, thế kia, sau cùng làm một bài thơ con cóc nữa , gỏi xuống chùa, với ý bỡn cợt, cho quên cái đau thể xác này :
HỎI NHỎ TÂM UYÊN
Bao giờ Rạch Miễu hợp long ?
Qua phà sợ đắm nên lòng chơi vơi
Nhớ nhau nhớ cà một đời
Gặp nhau toàn chuyện à ơi chán phèo
Bây giờ nhung nhớ cứ đeo
Bao nhiêu cách trở mè nheo chí kỳ
' Mai này' ta cất chân đi
Đến rồi có được' mần chi' không cà ?
HOÀNG VŨ ĐÔNG SƠN
( Saigon, 23- 10- 2007)
Thế rồi từ đó bặt tin nhau !
Bản thân tôi cứ nghĩ rằng đã xong đời, chấm dứt được cảnh trần ai khoai củ đầy khổ lụy ! Qua bạo bệnh với 5 lần phải đi cấp cứu, mà 5 lần ấy đều đã chết lâm sàng, rồi lại sống nhăn ! Phải nói là nhăn nheo mới chính xác. Cũng may, có đại gia đình, anh em, cháu chắt còn thương mến, tiểu gia đình, thì vợ con hết lòng chăm sóc, nên qua khỏi. bằng hữu gần xa còn nhiều chân tình nhớ tới ...
Lần cấp cứu thứ` 5. vào cưới 2011, tôi gặp bạn Nguyễn Thanh Nhã," nhà văn thời danh ", cũng vào cấp cứu tại bệnh viện Nhân Dân Gia Định - qua cơn choáng - Thanh Nhã vui vẻ ra về. Còn tôi vẫn ở lại, thở oxy, trước khi đưa lên trại bệnh.
Sau tết Nhâm Thìn 2012, bạn Thanh Nhã tới nhà, tôi, đem tặng một số tác phẩm của anh, cùng với thi tập THƠ TÂM UYÊN - do anh xin giấy phép , chăm sóc in ấn ( và một trong 4 ái nữ Tâm Uyên bỏ tiền in 1000 cuốn, chỉ để tặng bạn bè, không bán ra ngoài) .
Nhận và đọc THƠ TÂM UYÊN , từ bạn chăm nom in ấn, ký tặng , có mặt nhà văn Thế Phong, nhà giáo -nhà thơ Lữ Quốc Văn và tôi. Hứa với các bạn cùng cà phê-cà pháo tại quán, tôi sẽ viết bài nhận định về thi tập Tâm Uyên. Hứa là một chuyện, thực hiện được lời hứa hay không lại là chuyện khác. Tôi vốn chúa ghét cái sự hứa lèo. Nói rồi lờ đi vốn đời đã không ưa và tự thân ôm lấy, để bị bấu bạn bỉ thử thì còn đáng làm người nữa sao ? (....)
Cầm trên tay THƠ TÂM UYÊN , in trên giấy tốt khổ 15,5 x 20,5, dầy 146 trang , hình thức rất trang nhã, dung chứa 92 bài dài, ngắn: lục bát, thất ngôn, thất ngôn phá thể, thơ mới ( 8 chữ) . Phần lớn là thơ lục bát, đặc biệt thơ Tâm Uyên có 11 bài lục bát ( 2 câu ):
Vay chi cái món nợ tình
mà đem trả gái bằng nghìn nỗi đau .
( Vay)
Nhìn lên phía cuối đầu non
long lanh một giọt sương còn trên hoa
( Giọt sương )
Trải lòng ra để làm duyên
chỉ mong chở được lời nguyền đến nơi
( Nguyện )
Dẫu rằng đã mất cả rồi
chỉ xin đứng đánh mất người trong ta
( Đánh mất)
Lệ rơi trôi quả địa cầu
vẫn không bằng một đêm sầu tương tư
( Tương tư)
Lắc lư một chiếc thuyền không
hành trang bỏ lại chở lòng tôi theo
( Mang theo)
Đường đi lỡ có va nhau
Người ta đổ máu cũng đau lòng minh
( Đi đường)
Vẫn là sanh chúng trần hồng
Người này vấn nạn đau lòng người kia
(Từ bi)
Giông to bão lớn chẳng sao
Lỗ đinh mà đắm con tàu không hay !
( Cảnh giác)
Mắt em như cũng biết cười
Môi em chưa thốt mà lời đã ra
( Đôi mắt)
Giật mình gió thoảng qua vai
Một ngày qua, lại một ngày trống không !
( Chợt )
Lục bát 2 câu của Tâm Uyên như gợi ý cho những vấn đề sẽ khai triển, mà tự 2 câu lục bát ấy đã mang mang mang thiên địa sầu - mà tác giả còn chưa xuống bút như bài Tương tư, từ 2 câu trongthi tập Tâm Uyên - nay trở thành 12 câu trọn vẹn cho Trường tương tư .
(... )
Thi tập THƠ TÂM UYÊN , tác giả đã trang trọng gởi tâm tình qua lời tri ân và còn bộc bạch tâm sự bằng lời thốt từ trái tim , cùng với lời nhận định của các vị , như: nhà thơ Tống Anh Nghị ( nhân sĩ Tống Hồ Cầm) ," nhà văn thời danh " Thanh Nhã , nhà báo Nguyễn Lang Quân, nhà sư kiêm nhà báo Lê Khắc Chiếu- hình như cũng đã quá đủ cho nữ sĩ Tâm Uyên vững bước tiến vào thế giới thi ca cùng sắc thái hòa đồng ( lời Tống Anh Nghị ).
Như đã thưa, những bài lục bát 2 câu của Tâm Uyên như khơi gợi, hứa hẹn sẽ khai triển thành 1 bài thơ dài Tương Tư để trở thành Trường Tương Tư, có những tương ngộ tuyệt vời !
TƯƠNG TƯ
( TRƯỜNG TƯƠNG TƯ )
thơ TÂM UYÊN
Lệ rơi trôi quả địa cầu
Cũng không bằng một đêm sầu tương tư
Cõi lòng xé cả thái hư
Cho tình nhân thế tìm như vỡ bờ
Ta đi tìm thực trong hư
Mới hay cuộc mộng phỉnh phờ nhân sinh
Dẫu đang dối mặt với tình
Tiếng gào thét của vô thanh xé lòng
Ta mang từ có vào không
Từ không vào có - một vòng tái lai
Nửa đêm buồn thoát ra ngoài
Đâu đâu văng vẳng tiếng ai gọi tình
T.U.
(...)
[]
HOÀNG VŨ ĐÔNG SƠN
( Thanh Đa, 10 -05 -2012 )
------
* nguồn : - cảm ơn tác giả đã gửi tới ( 16/8/2012) và xin lỗi đã lược một số đoạn nhỏ .
- tựa bài tác giả: ' Tâm tình TÂM UYÊN, qua thơ Lục Bát'.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét