những trang khép mở / trần áng sơn -
tập 3 giới thiệu cao thoại châu
cao thoại châu:
"... làm thơ được như anh không nhiều lắm ...!" *
bài viết : trần áng sơn
- thơ cao thoại châu đích thực là thơ ...làm được như anh, tôi
( trần áng sơn ) nghĩ, không nhiều lắm ..."
... Anh có thơ đăng trên các tạp chí, văn học nghệ thuật ở Sài Gòn từ đầu thập niên 60. .. Nghe bạn bè nói, anh vừa làm thơ vừa làm nông dân. Tôi chợt nhớ đến một ca khúc nông ca mà nhiều người thuộc:
" ..Tía em hừng đông đi cày bừa / má em hừng đông đi cày bừa "* *, nếu được thế, làm thơ trên luống cày, cũng đáng gọi là biết sống...
Tôi gặp Cao Thoại Châu trong 1 quán cà phê ở đường Bà Lê Chân Tân Định, trong số lần ít ỏi anh bỏ rẫy về thành phố... Tập thơ Bản thảo một đời đến với tôi trong trường hợp ấy.
---------------------------
* tựa do TP đặt- tựa chính, bàitác giả đặt " Cao Thoại Châu" bản thảo 1 đời".
** ca khúc của nhạc sĩ Văn Lương ? (TP )
-----------------------------
.(... ) Huy Tưởng bình: ".. thơ Cao Thoại Châu rất đáng đọc !" Tôi sẽ nói thêm về những cái đáng đọc trongt hơ Cao Thoại Châu, những cái anh không cố bày biện như 1 số người làm thơ khác, từ quần áo, giày dép, mũ nón, râu ria, đều chứng tỏ ta đây làm thơ .Khái quát ,thơ Cao Thoại Châu có vấn đề, na ná như tiểu thuyết có chủ đề. Cái nhìn về thơ Cao Thoại Châu không đơn điệu, vì thế không phải tình cờ, chỉ riêng 4 câu trong bản thảo một đời đã nói lên bản sắc thơ Cao Thoại Châu:
Giã từ mặt nước về trên cạn
Nằm trên đống đá ngủ vô tư
Thương kẻ đi trong mùa biển lặng
Chẳng nghe được con sóng vỗ xô bờ .
Những cái nghịch lý làm nên bản sắc Cao Thoại Châu, đó là ưu điểm, và anh thường xuyên sử dụng ưu điểm này, không máy móc, mà hồn nhiên :
Chào những người tạm trú trong tôi
Những giày dép áo quần đã mặc
Những phi trường bến xe bến bắc
...
Những con đường đã đi những ngôi nhà đã sống
Những kỷ niệm buồn đã gánh trên vai
CHÀO TUỔI 50 / BẢN THẢO MỘT ĐỜI
Chúng ta không thể tìm thấy trong thơ Cao Thoại Châu những hình ảnh phơi phới, những cảm xúc chân tơ. Thế giới thơ Cao Thoại Châu là thế giới khắc khoải, bao phủ lên toàn bộ thơ anh, màu sắc của hổ phách, của tà huy . Anh làm thơ về tình yêu đã qua, đã cũ, đã là ký ức :
Sẽ không đưa em qua bến đò
Sông nước có mấy khi đúng hẹn
Cơn rét dữ mùa đông ập đến
Lạnh cả hai người đi và tiễn
...
Nửa đoàn tàu chuyển bánh theo em
Để lại khói trong lòng kẻ ở
Chiều một mình đạp xe xuống phố
Thấy một người mất nửa chân dung
Sẽ có thể không nhiều u ám
Nhờ nỗi buồn rực sáng trong anh
Để chiều về xây ấm hoàng hôn
Đợi chiếc bóng của ngày sập xuống
NHƯ CÓ MỘT VÉ TÀU / CAO THOẠI CHÂU
Thế giới chung quanh Cao Thoại Châu đượm màu ảm đạm, nhưng chưa bao giờ tuyệt vọng. Thơ anh là 1 chuổi dài hồi ức, vế gia đình, về tinh yêu, về bạn hữu, về những người đi trước: NgôTất Tố, Tản Đà, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng :
Tôi hiểu vìa sao cụ thành nhà văn
Quẳng bút lông đi viết" Tắt đèn"
Đèn tắt rồi đêm trở nên đen
Nhìn rất rõ bên kia bờ cuộc sống
...
Và Tản Đà, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng
Ngày sinh tôi các cụ mới lìa đời
Nhà văn ốm hơn bề dày tác phẩm
...
Đèn tắty đêm nay đọc lại" Tắt đèn "
Cám ơn cụ, nhà văn Ngô Tất Tố .
CÁM ƠN NHÀ VĂN NGÔ TẤT TỐ /
CAO THOẠI CHÂU
Trong văn chương Việtnam, có không ít cuộc đời bất đắc chí, rút về ở ẩn, họ bị thời cuộc xô đầy, định mệnh xô đẩy. Kẻ sĩ thấu được lẽ huyền vi, thế sự - đối với họ, như cuộc cờ, xe mã biến thành tốt đen, con tốt sang sông biến thành dũng sĩ. Tâm loạn đời sẽ tiêu vong. Đó là chuyện xưa.
Cao Thoại Châu làm nông dân cũng là điều bất đắc dĩ. Nhưnhà văn , nhà báo Lê Xuyên bán thuốc lá lẻ bên chợ Nguyễn Tri Phương, nhà báo Lý Phật Sơn đêm đêm đạp xe xích lô đưa đón Thẩm Thúy Hằng đi diễn, như nhà văn Kiêm Minh lên Bưu điện Saigon đi viết đơn thuê, như thi sĩ Hoàng trúc Ly làm bảo vệ, thi sĩ Trần Dzạ Lữ trông xe đạp ở chợ , họa sĩ Nghiêu Đề chở xe thồ đi bán nước tương chấm . v. v,...
Cao Thoại Châu vốn là nhà giáo, có cái nhìn thị phạm, thơ anh cũng vậy, mảng sắc tróc màu sơn ra từ tâm hồn anh để thành thơ . Không thể có chuyện tình cờ, không hề có chuyện được gọi là ngẫu hứng, tất cả đều trải qua 1 quá trình chuyễn hóa trước khi thành thơ. Do đó, ta không thể tìm thấy trong thơ Cao Thoại Châu những vần điệu tươi mát. Đọc thơ Cao Thoại Châu buộc người đọc phải ngẫm nghĩ, trước khi muốn tận hưởng được hương vị của thơ . Chính điều đó làm cho thơ Cao Thoại Châu già dặn, có 1 chút cổ điển trong thơ anh , nó làm cho người đọc thơ anh- có thề thích, có thể không - nhưng buộc phải thừa nhận thơ Cao Thoại Châu đáng đọc, không phải thơ thường thấy đăng tải vô thưởng vô phạt trên các báo , hoặc một số tập thơ của tác giả háo danh xuất bản ồ ạt trong ít năm gần đây . Loại thơ lâp trình này càng đắt hàng, bởi dịch vụ những kẻ háo danh có tiền muốn có tiếng tăm, bèn thuê làm văn mướn, viết thơ thuê, phổ nhạc thuê trả tiền thù lao đặc iệt v. v. ...
Trở về vơi Bản thảo một đời, có hơn 10 năm làm nông dân ; hẳn Cao Thoại Châu có đôi lúc chạnh lòng, nhớ thị thành, cảm thấy bơ vơ, lạc lõng- anh tự thú :
Ôm chiếc nóp thượng kinh thăm kẻ chợ
Mặt khờ trân ngơ ngác giữa kinh thành
...
Ta chôn chân trên lòng đường xớ rớ
Giữa kinh thành đầy ních những phu nhân
Mà đất trời cũng nổi cơn ghen
Họ vẫn đẹp như hồi ta biệt tích
Con chim hờn con chim bay cánh xếp
Con cá si tình con cá lật trên sông .
THƯỢNG KINH THÀNH / CAO THOẠI CHÂU
Một buổi sáng đóng vai kẻ chợ, Cao Thoại Châu thấy những gì ? Nòi thi sĩ, tâm hồn trong suốt rất dễ tổn thương:
Dân kẻ chợ thích xây nhiều chợ
Chợ bán trời bán chim bán chó
Bán thánh hiền văn chương chữ nghĩa
Có chợ bán người họ cũng bán ta luôn.
Chúng ta hãy thông cảm cái nhìn có phần chua xót của Cao Thoại Châu về cuộc đời, nếu ta vào vị trí của anh; hẳn ta cũng có tâm trạng như thế. Chính chất liệu rất thật ấy, góp phần làm cho bản sắc thơ Cao Thoại Châu, mậc dù ta có thể nhận xét thơ anh có phần khuôn sao - điều này có mâu thuẫn chăng, khi tôi luôn bảo rằng rhơ Cao Thoại Châu có bản sắc - cái chất làm thơ Cao Thoại Châu khác hẳn với các nhà thơ khác. Chính ở chổ ngặt nghèo này,Cao Thoại Châu chứng tỏ tài năng. Trước hết tuy dùng vài cụm từ sáo mòn, pha chút lộng ngôn, nhưng thi tứ bỗng trở rất riêng tư Cao Thoại Châu :
Gã khờ trân lai kinh thăm kẻ chợ
Không khi nào rời chiếc nón trên tay
Rượu giang hồ đã cạn hết đêm nay
Đã là thi sĩ , không nhiều thí it, mang trong mình một chút nòi tình. Cao Thoại Châu đau đông, đau tây; nhưng vẫn chừa 1 chỗ để đau tình. Phụ nữ , kẻ vốn xa lạ, nhưng, vừa chạm phải ánh mắt đầu tiên; ta thấy mà xao xuyến, mà vần vương ! hãy dọc một Cao Thoại Châu si tình, thơ của chàng nông dân thi sĩ :
Cây cũ bờ sông phơi áo rách
Hai chén trà song ẩm một mình ta
Thương cái bến bị thuyền neo cứng nhắc
Đêm vô hồn nghe gió hú bâng quơ
Thương con nước đời xô ra biển
Chút bọt bèo bỗng hóa lênh đênh
Mây vô cớ ngàn năm lận đận
Gửi cho đời chiếc bóng phân vân
...
Và giai nhân người bao nhiêu nhan sắc
Mà đời đau như bị phân thân
Hương trên trời hương rơi xuống đất
Hoa trong vườn hoa bị chôn chân .
GỬI NGƯỜI THỤC NỮ / CAO THOẠI CHÂU
Một bài thơ tình đúng chất Cao Thoại Châu, trong tất cả niềm đau và hạnh phúc, ngọt ngào, đắng cay, luôn có 1 người, không là hình bóng, luôn luôn bên cạnh tác giả.
Tôi nhớ lai, khi học lớp 4 trường làng, thầy giảng 1 bài thơ Tản Đà trong Quốc văn giáo khoa thư, có câu:
Đêm khuya con ngủ đèn tàn
Một hai thề sự muôn vàn tình sâu
2 câu này hoc thuộc lòng, còn nhớ tới bây giờ - nhưng lúc nhỏ thì không hiểu - càng lờn càng hiểu nhiều thêm, và khi có gia đình, càng bền vững, tôi càng hiểu ý nghĩa một hai thế sự muôn vàn tinh sâu là gì ?
Cũng trong tâm trạng ấy, Cao Thoại Châu đã làm 1 bài thơ rất dài, tiếc là tôi không thể in trọn bài trong khuôn khổ bài viết - chỉ trích đoạn để ta hiểu thêm một tâm hồn, tuy gai góc, lại rất dịu dàng, khi nói về một người suốt đời gối đầu, tay ấp, với ta :
Là vợ nhà thơ để hiểu tiếng đàn
Tiếng cuộc sống rơi trên vàng trên đá
Tiếng hương bay và lòng hoa lặng lẽ
Tiếng lòng người bị xé lúc sang đông
Là giọt đắng trong hồn tôi tí tách
Tiếng ngựa thồ lóc cóc trong đêm
Kinh sáng thế đọc thành lời hủy diệt
Là ảnh một người tôi yêu suốt trăm năm .
THƠ TẶNG VỢ / CAO THOẠI CHÂU
Nói về người suốt đời chia ngọt, sẻ bùi với mình, Cao Thoại Châu nói bổng, nói trầm, chuyện mới, chuyện cũ - để cuối cùng dành trọn cái tình cho người" Tôi yêu suốt trăm năm ".
Cao Thoại Châu tặng tôi Bản thảo một đời, cách đây 10 năm, và 10 năm đã không gặp lại và cũng phải mất 10 năm tôi mói đọc lại tập thơ Cao Thoại Châu. Nếu bảo rằng, thơ Cao Thoại Châu hay , tôi không dám khẳng định - nhưng tôi có thế nói ngay tức khắc :
..." thơ Cao Thọai Châu đích thực là thơ, anh làm thơ, vì những gì thuộc về thơ, do đó, anh có thể tự hào về dỏng thơ đã viết. Người ta sẽ nhớ tới anh, theo phong cách anh hiện hữu; không vì những cái vay mượn cuộc đời. làm được như anh, tôi nghĩ, không nhiều lắm ". []
TRẦN ÁNG SƠN
( Những trang sách khép mở / trần áng sơn / tập 3 -- tr. 121 -. 132 )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét