Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013
vài bài thơ hay thi sĩ quang dũng / trần lê văn giới thiệu
vài bài thơ hay thi sĩ quang dũng
trần lê văn giới thiệu
Lời dẫn:
(...) Khoảng cuối mùa xuân 1947, Quang Dũng, nguyên phái viên Phòng quân vụ Bắc bộ và học viên lớp Bổ túc quân sự ở Tông ( Sơn Tây ) về Phùng, giã từ mẹ già, vợ trẻ, con thơ để gia nhập Đoàn quân Tây Tiến . Tây Tiến là một đơn vị thành lập vào đầu năm 1947, có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào, bảo vệ biên giới Lào- Việt để làm tiêu hao lực lượng quân đội thực dân Pháp ở thượng Lào để hỗ trợ cho những vùng khác trên đất Lào. Địa bàn đóng quân và hoạt động của Tây Tiến khá rộng: từ châu Mai, châu Mộc sang Sầm Nứa, rồi vòng về qua miền tây Thanh Hóa. (...) Đoàn quân Tây Tiến, sau 1 thời gian hoạt động ở Lào trở về, thành lập Trung đoàn 52, đại đội trưởng là Quang Dũng ở đó đến cuối 1948 rồi chuyển sang đơn vị khác ( .. .)
Rời xa đơn vị cũ chưa bao lâu, ngồi ở Phù lưu Chanh, anh viết bài thơ bồi hồi thương tiếc
[ có câu ] :
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi !
(...) Trước Cách mạng, mới ở trường ra, Quang Dũng đã có lúc bỏ nhà ra đi, đánh đàn, kéo nhị cho một gánh hát. Rồi anh lại đi rất xa, để sống bằng nghề vẽ tranh. Năm 1944, anh có bài thơ Giang hồ :
... Nhẹ nhàng thân gửi kiếp ra đi.
Những năm kháng chiến chống Pháp, anh có dịp đi nhiều. Những nẻo đường Tây bắc, Đông bắc, Liên khu III, Liên khu IV... đều có vết chân anh. Một biểu hiệu tình yêu của anh đối với đất nước là cái thú được luôn luôn cất bước trên những dặm đường :
Mũ hãy ngả cho nắng vàng mái tóc
Túi lên vai trời hửng núi xa rồi
Cột dây thép gió lùa qua rào rạo
Hát lên đường. muôn dặm đường xa xôi .
Đi đâu, ở đâu, anh cũng nhớ núi Ba Vì quê hương, làng Phùng, huyện Đan Phượng của anh vốn thuộc về xứ Đoài. (...) Quang Dũng yêu thiên nhiên, vá trước hết là yêu người, tình người ở khắp nơi vun xới, chăm sóc thiên nhiên. Có người nói thơ Quang Dũng thiên về sự buồn hơn sư vui. Nói là thiên về thì không hoàn toàn chính xác. Đúng ra, thơ anh có những lúc trầm xuống, lắng buồng gợi buồn. Bản chất con người của anh cũng như thơ anh không phải là bản chất buồn. Những ai quen anh đều biết anh là người vui tính, giỏi hài hước, một thứ hài hước lành mạnh và đôn hậu.
(...)
Ngót 40 năm kết bạn với nhau, tôi đã chứng kiến ở anh: những cơn mưa bóng mây như thế, trong quãng thời gian chung sống với nhau ở Khu III, Khu IV rồi cùng về Hànội. Có ngày xuân, anh cao hứng vẽ bức tranh Cô gái Thái bên suối hoa đào. Vẽ xong, anh sung sướng đặt tranh lên bàn, dựa vào tường rồi cúi chào cái đẹp trong tranh. Tôi phải can ngăn và giữ nó làm kỷ niệm. Có lần gặp lại người tình cũ ở Hànội, anh ngây ngất làm 1 mạch mấy bài thơ Không để , có nhiều câu ... [ như ]:
... Bỏ em, anh đi
Đường hai mươi năm
Dài bao chia ly ...
Rời [ tôi ] chép lại những bài ấy vào sổ tay của tôi ( ý hẳn để khỏi' lộ bem' với bà xã của anh ). Mấy ngày sau, chẳng biết nghĩ ngợi thế nào, anh đến, yêu cầu tôi cắt trả anh mấy bài đó để anh hỏa thiêu chúng, vì anh cho rằng thơ ấy trẻ con quá . Tôi phải lý sự : Sổ tay của tôi, thơ ông chép vào đấy là của tôi rồi, ông không có quyền hủy bỏ Thế là anh đành chịu. Được bảo quản như vậy, thơ Không đề mới còn tồn tại để ra mắt bạn đọc trong tập Mây đầu ô này . (...)
Ba năm nay, Quang Dũng chẳng may bị bệnh tim mạch, một chứng bệnh nan y, khiến cho anh phát âm không còn [ chuẩn ] , bước đi chuệnh choạng. Không nản chí, anh vẫn cố gắng luyện tập Yoga và nuôi hy vọng lấy lại sức khỏe. mặc ai khuyên gỉải, năm 1983, 1984, 2 lần anh quyết tâm vào Lâm Đồng, vừa thăm con gái dạy học trong ấy , vừa định thâm nhập thực tế để viết.
Xuân 1984, ở Lâm Đồng ra, anh đọc cho tôi nghe mấy tranh chép, rất vui. Giữa mùa hè 1984, từ Lâm Đồng, anh gửi cho tôi và mấy bạn khác. Thư, có đoạn viết:
' Một tin mừng cho riêng tôi là... tôi bị liệt tay phải, cầm bút rời tay ... Thế nhưng tôi tập mãi và kiên trì tập cái tay phải, cho đến hôm nay, tôi vui sướng viết được cái thư này . Tôi đã viết được và điều khiển những ngón tay cầm đũa cũng được rồi ..!'
Mấy tháng sau, anh lại ở Lâm Đồng ra, và phải vào bệnh viện. Một buổi sáng mùa thu, tôi và mấy bạn vào thăm anh, thấy anh ngồi ngắm mậy trôi qua cửa sổ bệnh viện Tôi [ Trần lê Văn ] làm một bài thơ, xin trích ra đây mấy câu, gọi là thoáng ghi hình ảnh anh [ Quang Dũng ] hôm ấy :
... Anh bình lặng trắng phau ngồi đó
Hay một đám mây mùa thu mới lạc vào phòng
Hồn anh vẫn là mây ruổi rong
Chân lại tập đi như thuở nhỏ
Mỗi tiếng nói tập phát âm dầu khó
Nhưng mạch thơ còn tuôn chảy trong tim ...
TRẦN LÊ VĂN
(...)
Chân hình Quang Dũng không một chút nào giống với một thứ giả hình Quang Dũng mà trong thời kỳ Mỹ-ngụy, một vài kẻ mạo danh nhà báo, nhà văn ở Sài Gòn đã vẽ vời ra . Họ tán tụng Quang Dũng với dụng ý xấu ... ( cho Quang Dũng là con trai Tản Đà với tên thật Nguyễn khắc Phục - BT )
[ Thật ra ] Quang Dũng có tên khai sinh là Bùi đình DIỄM ( ê dấu ngã - sic )* , con ông Bùi đình Khuê và bà Trần thị Hợi, quê ở làng Phùng ( Phượng Trì, huyện Đan Phượng ).
----
* tên thật là Bùi đình DIỆM ( dấu nặng ) , em ruột của đại tá QLVNCH, Bùi đình ĐẠM , từng giám đốc Nha động viên bộ Quốc phòng ( miền Nam ) . ( BT ).
Lại cũng ở Sài Gòn, năm 1969 ( sic - 1956 mới chính xác ) trong tờ báo Sinh lực, N.T.T. * nào đó đưa tinQuang Dũng đã chết , thương hão khóc vờ ...
7-10- 1985
TRẦN LÊ VĂN
-----
* N.T.T. là Nguyễn Thanh Thy bút danh khác của nhà văn Thanh Thương Hoàng, khi ấy là con rể ông Lê Khải Trạch, đổng lý văn phòng Tổng trưởng thông tin Trần chánh Thành ( sau 30- 4 1975 tự thắt cổ tự vẫn). Ông Trần chánh Thành từng là thẩm phán tòa án Khu IV và ông Trạch trong vai ' anh nghĩa tử của Quang Dũng khi ở Khu IV. Quang Dũng tặng ' đàn anh' tập bản thảo thơ + phác họa chân dung do chính Quang Dũng tự họa, với tiểu sử trích ngang, ghi ' từng theo học Trường Hoàng Phố / Quốc dân đảng Trung quốc...' .
Thanh Thương Hoàng , được bố vợ cấp tư liệu, người đầu tiên tung tài liệu về Quang Dũng trên tạp chí Sinh lực, tạo một dư luận văn giới sôi nổi . Tôi không còn nhớ bài viết ấy đề cập Quang Dũng đã chết hay sống, nhưng ,những bài thơ Quang Dũng được phổ biến Saigon khi ấy được nhiều đọc giả hoan nghênh. Tiếp theo những năm sau, Ký giả Lô Răng tự nhận là' em rể hụt Quang Dũng' , viết bài ' ăn theo hào quang Quang Dũng.' []
( BT ).
đường bá bổn chọn thơ quang dũng:
1.- NHỚ MỘT BÓNG NÚi
"Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
về núi Sài Sơn ngó luá vàng
Sông Đáy chậm nguồn qua phủ Quốc
sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng "
Ngày ấy ra đi người hẹn núi
Bây giờ Đất Nước đã hồi xuân
Ba mươi năm chẵn bao mùa lúa
Vẫn ngọt ngào thơm nắng chuyển vần
Vẫn sáng vầng trăng ru tiếng sáo
Diều khuya trầm bổng giọng quê hương
Đất đá ong trong lòng giếng mát
Ôi Sơn Tây, Sài Sơn yêu thương !
Sài Sơn kháng chiến mùa đông ấy
Đón Bác dừng chân, cuộc đánh dài
Mở những trang sau Rừng việt Bắc
- Buổi đầu kháng chiến Bác qua đây
Hoàng Xá, vệ binh giầy mới phát
Ngựa nào hí lộng gió bờ tre
Tổng chỉ huy vào xin lệnh mới
Đầu năm súng vọng thủ đô về
Ôi những xe bò ắp bánh chưng
Quân ta năm mới buổi lên đường!
Dân đến liên hoan chiều lửa trại
Đôi mắt Sài Sơn sao vấn vương ?
Ba chục năm tròn, hai cuộc thắng
Trăng nay diều lại sáo lưng trời
Sài Sơn núi soi mương sáng
Đồng ta Bương Cấn lại xanh tươi
Mãi mãi xanh tươi nguồn Đáy chậm
Ngô khoai dâu mía dệt đôi bờ
Quê hương trường cửu cùng Non Nước
Ba chục năm trời vẹn ý thơ .
8 -7 -1976
2.- NHỮNG NGƯỜI TÓC ĐÃ TRẮNG
Anh chửa dừng chân, dầu trắng tóc
Vẫn không trang sách đợi hiên nhàn
Anh vẫn đêm đêm đường pháo sáng
Hiểm nghèo từng bước vượt gian nan
Những dốc, lại khe, và những dốc
Đường mòn võng mắc mấu cây thừa
Lại ăn cơm vắt và rau dại
Hốc núi nhom tra nước ống bơ
Giữa lá rừng xanh càng trắng tóc
Khúc hành quân từ bước hoa niên
Chen lẫn tiếng cười khinh nỗi nhọc
Bước trên sấm đất dậy bom rền
Bóng anh trắng vách Trương Sơn dựng
Nhấp nhô hết xuống lại trườn lên .
1968
3. PHA ĐIN *
Như từng đợt sóng bủa lện trời
Hùng vĩ Pha Đin gì sanh được
Lắc đầu tài xế thấm mồ hôi
Bến dốc chon von ngàn thước vực
Lên thì ' Cổng trời' xuống vực thẳm
Uốn quanh đá trắng lượn vòng thang
Ngựa thồ đỉnh dốc nhỏ như kiến
Đi trong đường mây rắc bụi vàng
Đẹp như sơn thủy tranh đới Tống
Ầm tiếng xe lu vách đá vọng
Mờ ảo công trường hiện dưới lau
Đôi hạt cầu đường lán lưu động
Còn bay than bếp dưới hoa đào
Hùng vĩ Pha Đin gì sanh được
Đường của dân công đi dưới đuốc
Giọng hò Nghệ Tĩnh nức lòng quân
Gạo, muối đêm ngày vây hãm giặc
Đâu đây đứt pháo xích kêu giòn
Liệt sĩ tên còn xanh núi non
Cơn gió bóng mây qua đỉnh Việt
Mà như lau sậy có linh hồn
Dừng xe trông mây nhìn phương Nam
Hànội mốc đường cây bốn trăm
Hợp tác Bình Thuận rải chân dốc
Gạo quê Tiền Hải đã thơm rừng
Hùng vĩ Pha Đin gì sánh được
Giang sơn gấm vóc một miền Tây
Mới thấy yêu sao là Đất Nước
Pha Đin ngàn chớp nổi hồ mây.
-------
* PHẠ có dấu nặng , tiếng thái là TRỜi , ĐIN là đất. Phần đông văn thi sĩ gốc người Kinh đều gọi TRỜi là PHA ( không dấu nặng ) . Ngay chàng viết tựa Mây đầu ô - phu nhân là người Thái - liệu , có đồng tình PHA hay PHẠ mới đúng là TRỜI đây ?
- một thi sĩ khác rất giỏi tiếng Thái, từng dịch tác phẩm tiếng Thái sang việt, đó là Nguyễn Khôi
( 1938 - ) sinh ở Yên Bái, sống nhiều năm ở Mường La ( Sơn La ) , tôi cũng chưa thấy chàng xác nhận PHA hay PHẠ là TRỜI ?
- riêng tôi sống ở đất Thái ( Mường Lò / Nghĩa Lộ / Yên Bái ) - từ nhỏ tới năm 18 tuổi mới về Hànội học, thì chưa lần nào nghe người Thái gọi TRỜi là PHA cả.
4. MỘT MÙA THU TỚI
Anh nhỉ một mùa thu sắp tới
Đường mai Hànội gió thênh thang
Chúng mình chen bước vào thư viện
Chân nhẹ xôn xao động lá vàng
Những mái nhà tươi cờ chiến thắng
Phố phường thu đến nắng xôn xang.
Đồng quê sẽ mãi thơm mùi lúa
Phương phức hương mùa thoảng ấm no
Xanh ngát xanh rờn hơi gió chạy
Thanh bình đôi điệu hát câu thơ
Tiếng trống chèo khuya trăng lại rộn
Sông êm dòng nước nhịp khoan hò .
Dọc những mùa thu nhiều kỷ niệm
Đường lên phương Bắc nhớ nhung ai
Đường về Nam Bộ bao trông ngóng
Hiền hậu non xanh với biển dài
Dọc những đường thu muôn nẻo ấy
Rất nhiều nghệ sĩ nhớ xa xôi
Đường qua gian khổ bao ngày tháng
Từng nghe thu lại ấm hương đời.
Đâu đó chiều xanh bên ngõ trúc
Vợ hiền đang nựng chút con thơ
Nghẹn ngào đôi mắt rưng rưng lệ
Anh nhỉ ! muôn đời mơn Tự Do.
1962.
5. MẮT NGƯỜI SƠN TÂY
Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy núi Ba Vì
Vầng trán em mang trời quê hương
Mắt em như nước giếng thôn làng
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em đã bao ngày em nhớ thương ?...
Mẹ tôi em có gặp đâu không
Những xác già nua ngập cánh đồng
Tôi nhớ một thằng em bé nhỏ
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông
Tử độ thu về hoang bóng giặc
Điêu tàn ơi lại nối điêu tàn
Đất đá ong khô nhiều suối lệ
Em đã bao ngày lệ chứa chan
Đôi mắt người Sơn Tây
U uẩn chiều lưu lạc
Thương vườn ruộng khôn khuây
Bao giớ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng
Bao giờ tôi gặp em lần nữa
Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca
Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ
Còn có bao giờ em nhớ ta ?
1949
6.- TÂY TIẾN
Sông Mã xa rồi Tấy Tiến ơi !
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lớp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên mũi súng bỏ quên đời!
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.
*
Doanh trại bừng lên hội đuốc, hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
*
Tây Tiến đoàn quân không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hànội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
*
Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tấy Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi .
PHÙ LƯU CHANH
1948
thơ quang dũng
( trích Mây đầu ô / thơ Quang Dũng / Trần lê Văn viết tựa, Nxb Tác phẩm mới / Hội nhà văn / Hànội 1986 - In 4100 cuốn lần thứ 1, khổ 13 x 19 cm , sách dày 102 trang - bìa Dương ngọc Cảnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét