Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013
hai bài thơ độc đáo của văn cao - bàI hoàng như maI
1.- ngoại ô mùa đông 46, thơ văn cao
bài viết : hoàng như mai
Suy nghĩ về vấn đề ô nhiễm môi trường sống con người, tôi chợt thấy trở về trong lú ức một số hình ảnh trong bài thơ Ngoại ô mùa đông 46 của Văn Cao.
Sáng tác này đăng trên trên tạp chí Văn nghệ số 2 tháng 4 và tháng 6 năm 1948.
Mùa đông 46 là thời điểm nổ ra cuộc kháng chiến chống Pháp, một mùa đông ảm đạm.
Ngày 19 tháng 12 năm 1946, lời kêu gọi đánh giặc giữ nước của bác Hồ vang lên trong gió bấc rét buốt. Lửa căm thù bùng cháy trong lòng muôn dân. Các chiến sĩ được giao nhiệm vụ chiến đấu vùng lên quần đảo với thiết giáp, đại bác của địch, cầm chân chúng để đồng bào rút ra khỏi thủ đô. năm cửa ô cuồn cuộn dòng người đi tản cư. Ngoại ô diễn ra một cảnh tượng lịch sử ngàn năm một thuở.
Văn Cao, nhạc sĩ, Văn Cao, họa sĩ , Văn Cao, nhà thơ, Văn Cao chiến sĩ - đã tìm thấy ở đây những chất liệu nghệ thuật hiếm có , xưa nay chưa từng có - và có lẽ sau này cũng không có nữa, để sáng tạo ra một tác phẩm đặc biệt .
Không giáo đầu, dẫn dắt, vờn vuốt để thính giả từ từ làm quen, nhập điệu gì hết, bản trường ca đột ngột tấn lên những âm thanh vỡ tung ra với tất cả khả năng của nhạc khí và sức lực nhạc công :
Reo lên ! A reo lên
Xóm cùng khổ
Reo lên ! Reo lên
Băng mình vào đạn lửa
Cuồn cuộn cháy xô lòng Hànội vỡ
Sóng lũ Hồng Hà
VĂN CAO
Như một cơn hồng thủy. Như một trận dâng nước của Thủy Tinh quyết chiến với Sơn Tinh trong truyền thuyết. Con sông Hồng Hà mà mùa lũ lụt, nước mênh mông như biển cả, mực nước cao hơn mặt đường Hànội 10 thước tây, nổi sóng cuồn cuộn kinh người ! Nhưng đó là cơn hồng thủy của nhân dân kháng chiến. Con sông Hồng Hà lịch sử lại một lần nữa gào sóng diệt thù.
Đang xô xát, bỗng nhiên âm điệu chuyển sang lắng dịu, có thể còn là êm ái ngọt ngào. Thời gian chuyển về quá khứ :
Xưa đây lối xóm cầm ca
Biêng biếc đèn xanh ngõ khói
Vạn cổ thôn hào hoa
Thương nữ kinh kỳ tụ hội
Đàn đáy lạc âm ba
Bốn mùa nghiêng mặt hát
Tang trống kêu tan tác
Đời vật vã chưa xa.
VĂN CAO
Con đường đưa ra cửa ô Hànội trước 1945, đi qua phố của những nhà hát ả đào, tục gọi xóm Cô đầu - Văn Cao gọi theo ngôn ngữ của anh. Phường Dạ Lạc ( đêm vui ) ,. nơi nhưng kẻ trác táng đến bỏ tiền nghe đàn ca, và nhiều hôn, là tìm khoái lạc trong rượu, nha phiến, xác thịt.\Tác giả không phải người xa lạ với chốn hoang lạc ấy. Vì thế những ký ức trở về với anh ít nhiều mang hương vị hoa xưa ong cũ . Có chút gì u hoài, có chút gì nhớ nhung.
Nhưng cái đẹp xưa : xóm cầm ca, thôn hào hoa, thương nữ kinh kỳ, và đèn xanh biêng biếc, ngõ khói u huyền, đàn đáy lạc âm ba ... những cái đẹp ấy chỉ nương nhờ vào bóng tối ban đêm, bóng tối quá khứ mất nước mà cho người ta cái ảo tưởng là đẹp. Qua một thoáng mơ xưa, tác giả quay lại hiện tãi và chỉ thấy chúng đáng thương hại. Chúng bị ô nhiễm vì cái môi trường ấy, ô nhiễm nhìn theo giác độ cả khoa hoặc lẫn đạo đức :
Ai kẻ dìu hoa chốn phường Dạ Lạc
Hãy về cùng ta
Những ngã tư đời đau khổ bê tha
Nơi lầy lụa rác kinh thành chất đống
Nơi sa dục hôi tanh vùi cửa cống
Cháy lớp người nghèo khổ lẫn lưu manh
Gái đĩ bồi tiêm, cặn bã đô thành
... Nơi xưa tối đèn, trăng che lấp rãnh ...
VĂN CAO
Chốn này là những Ngã Tư của Hànội : Ngã Tư Khâm Thiên, Ngã Tư Chợ Dừa, Ngã Tư Sở . cũng là những Ngã Tư đời của những con người. Họ từ các nẻo đường đến gặp nhau ở đây: người nghèo khổ, tụi lưu manh, bọn đĩ điếm, bọn bồi tiêm. Họ giống nhau ở một điểm: đau khổ bê tha. Sống ở đây bên cạnh bãi rác lấy lụa, cửa cống hôi tanh, họ cũng bị xem như căn bã của đô thành, dồn ra đấy, để giữ cho bộ mặt hoa lệ khỏi kém phong lưu, sang trọng. Nhưng đến Ngã Tư này rồi, họ bị đưa đi đâu nữa ? Xuống địa ngục ? Lên thiên đường? Nẻo đường nào là sự hủy diệt: có nẻo đường nào giải thoát ? Ngã tư, sân ga chớ đợi bàng hoàng con tàu định mệnh.
Nơi đây, xưa là cuộc sống ngắc ngoải, leo lét, vừa lo sợ, vừa mong chờ cái cú ân huệ là cái chết. Mùa đông 46 ảm đạm này, cảnh tượng bày ra nơi đây giống như là cái chết :
Dù mấy vườn hoa lạnh
Vẫn lối xanh trúc đằng
Phố cũ giờ hẳn đã chết rồi chăng ?
Trơ lại dăm hàng chiến lũy
Dòng ngõ lầy ca kỹ
Gạch đá đã ngập đầy
Trên chiến hào đổ gục mấy hàng cây
Phố chết rồi, vài mảnh rêu ngơ ngác
The thé thất thanh giọng kêu tàn ác
Quạ dăm con chập choạng cánh dơi xa
Lơ láo tường vôi, than van dụi nhà
Với dáng cỏ khô dấu chìm xe ngựa .
VĂN CAO
Đứng với tác giả ở ngã- tư- đời , nhìn qua tấm kính kỳ ảo của thơ, ta chứng kiến sự chuyển hóa của một cảnh sống : vừa đây là Vạn cổ thôn hào hoa - Thương nữ kinh kỳ tụ hội, thoát một cái đã thành : Nơi lầy lụa rác kinh thành chất đống / Nơi sa dục hôi tanh vùi cửa cống - và bây giờ là gạch đá ngập đầy, vài mảnh rêu ngơ ngác, lơ láo tường vôi, than vụn dui nhà, dăm con quạ. The thé thất thanh ... Như một cánh hoa ném vào ngọn lửa vụt khô quắt, vụt thành than tro. Phù hoa nhân thế !
Hoặc như cách nói của đạo Phật, ấy là sự luân hồi. Có những nghiệp phải qua mấy lần chết mới được tái sinh. Ngoại ô cũng vậy : lần này chết để tái tạo.
Một cuộc sinh thành dữ dội. Không phải như người đẹp trong rừng thẳm, sau giấc ngủ 100 năm, mở mát ra nhìn thấy gai góc mở lối cho hoàng tử tiến đến dỡ dậy. Mà như thần Minerve, từ trong sọ của Jupiter bị Vulesin tung 1 nhát búa nứt rạn, nhảy ra như tia chớp, đầu mang sẵn mũ sắt, tay cầm thương :
Xưa lê la đàn ròi bọ
Đục trong máu mủ ung thư
Của một phường Hànội cổ
Vàng son che đậy hương thừa
Bao người bệnh tật thời xưa
Từng sống rạc rày viễn phố
Bao người ấy bây giờ
Súng gươm giữ từng hầm hố
VĂN CAO
Ngọn lửa đốt cháy , thường khi cũng là ngọn lửa làm tinh khiết. Sắt phải trui rèn bằng lửa mới hết han rỉ. Ngoại ô, mùa đông 46 đã được ngọn lửa kháng chiến làm thành tinh khiết. Những con người sống triền miên trong rác rưởi, trong cống rãnh, trong bần cùng, trong sa đọa, trong bệnh tật, trong tội lỗi... bỗng chốc có một cuộc hóa thân kỳ diệu: họ thành những chiến sĩ anh dũng bảo vệ quê hương, bảo vệ thủ đô đã từng bạc đãi, hắt hủi họ; nhưng họ vẫn yêu thương như những con người hiếu thảo, dù bị cha mẹ đối xử bất công, vẫn đáp lại bằng lòng quý mến cha mẹ, dù thế nào vẫn là cha mẹ.
Ngoại ô, mùa đông 46, mùa đông mở màn cho cuộc kháng chiến thần thánh chống xâm lược bạo tàn, ngoại ô bị ruồng bỏ khinh khi đả cất lên tiếng hát tuyệt vời như người ca kỹ mang tên Cô Tơ trong tác phẩm Chùa Đàn / Nguyễn Tuân : trước là một chuyện khác , bây giờ là một chuyện khác. Trước hát cho 5, 7 kẻ nghe trong 1 khung cảnh ích kỷ, ốm yếu: giờ hát cho cà 1 quê hương đang vi vu gió mới và lồng lộng một
trời cao rộng chói lòa ... Mùa đông ảm đạm cũng là mùa đông huy hoàng :
Ngã tư, chợ Dừa, Khâm Thiên phá đổ
Tay thợ thuyền níu giữ xóm thân yêu
Ngõ Sầm Công sau mặt phố yêu kiều
Nơi nằm nghỉ hơi thở người mỏi sức
Ráo mồ hôi, nơi cuộc đời tàn lực
Nơi say mê tranh đấu của thợ thuyền
Cờ Búa Liềm treo giữa đài Văn Miếu
Ga Hàng Cỏ màu thinh thanh phiêu diêu
Hàng vạn bó truyền đơn
Sở tan tầm, đoàn lũ séo hoàng hôn
Bạn của tôi qua tường vội thắc mắc
Nắng sớm chiều, người lại, kẻ qua
Nhật lệnh đêm nào
Lời gọi của Cha Già
Ơi đoàn thể!
Bấy nhiêu lâu đói khổ đã vươn cao
Cửa ô cần lao
Cửa ô trụy lạc
Cửa ô trầm mặc
Ơi cửa ô, cửa ô dài dằng dặc
Bấy nhiêu người thời đại đã vươn cao !
VĂN CAO
Ngoại ô mùa đông 46, điêu tàn, lam lũ vì đói nghèo, bệnh tật, trong gió rú, vụt thẳng lưng đứng dậy, do một sức mạnh bí ẩn của sự sống muôn đời và những tên lính Pháp mũ đỏ hoảng hốt kinh hoàng tưởng như đôi mặt với chính vị thần trừng phạt.
(...)
Ngoại ô mùa đông 46 ... cũng như trong tất cả các sáng tác văn, nhạc, họa của Văn Cao - và theo tôi - ở đây đậm hơn đâu hết, mang dấu ấn riêng Văn Cao; một chủ nghĩa nhân văn chân thành ... [nói lên ] tính cách nhân văn mãnh liệt, quyết liệt của tác giả Tiến quân ca []
-----
* sđd, tr. 83- 89
BT xin lỗi tác già, tạm lược một số trang
2.- chiếc xe đi qua phường dạ lạc, thơ văn cao
bài viết : hoàng như mai
Có người quả quyết với tôi rằng Văn Cao khi làm nhạc viết lời trước. Tôi thấy cũng có lý. Lời của nhạc Văn Cao rất thơ, nhiều câu tuyệt diệu :
Thiên thai chốn đầy hoa xuân chưa gặp bến trần gian
Có một mùa đào đông ngày tháng chưa tàn phai một lần
THIÊN THAI
Sông Lô sáng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u
Hà du bến sóng vàng từng nhà mờ biếc chìm một màn khói thu
TRƯỜNG CA SÔNG LÔ
Nhưng tôi sẽ nói về lời nhạc Văn Cao trong một dịp khác. Hôm nay, tôi suy ngẫm về bài thơ Chiếc xe đi qua phường Dã Lạc , một sáng tác mang dấu ấn Văn Cao.
Ấy là vào khoảng 1944, đầu 1945, Văn Cao thuê một căn gác tồi tàn ở Vạn Thái, xóm cô đầu mà anh gọi là phường Dạ Lạc ( đêm vui ) - ở đó soạn nhạc , vẽ quảng cáo kiếm ăn. Hồi ấy, do chủ trương thu vét thóc gạo và phá lúa. ngô để trồng đay của phát xít Nhật, nạn đói diễn ra khủng khiếp . Trên đường phồ, vỉa hè Hànội xác chết ngổn ngang ... suốt ngày đêm những chiếc xe chở rác đi đổ, bây giờ phải chở đầy xác chết ra ngoại thành để chôn.
Mỗi đêm, trong gian gác, qua cửa sổ, nhìn về phía Ô Cầu Dền, Văn Cao trông thấy ngọn đèn dầu tù mù lắc lư treo ở phía sau những chiếc chở xác đi qua ngã tư :
Ngã tư nghiêng nghiêng đốm lửa
Chập chờn ảo háo tà ma
VĂN CAO
Oái oăm thay, đảo mắt nhìn 2 bên hàng phố, thì lại tưng bừng cảnh ăn chơi dàng điếm cuồng lạc :
Đôi dãy hồng lâu cửa mở phấn sa
Rũ rượi tóc những hình hài địa ngục
Lạnh ngắt tiếng ca nhi phách rục
Tính ... tang... gõ nhịp khóc đàn suông
Áo thể ho lả lướt lượn đêm trường
Từng mỹ thể rạc hơi đèn phù thế
VĂN CAO
Xe xác thi đích thị là sự chết chóc rồi, nhưng những thân hình đang cuồng khấu trong hoan lạc kia - những mái tóc rũ rượi, những mỹ thể rạc hơi đèn - cũng là chết chóc một kiểu khác : có thể đang giãy chết hay có thể là đã chết rồi, họ chỉ là lũ quỷ nhảy múa nơi âm ty, chỉ là những hình hài địa ngục .
Văn Cao định thần lại, xem mình đang ở đâu, Rõ, anh đang sống, đang ở trong cuộc sống :
Ta đi giữa đường dương thế
VĂN CAO
Thế nhưng ... tất cả chung quanh anh, anh nhìn thấy, anh nghe thấy, chỉ là những hình ảnh, âm thanh của chết chóc. Anh: đảo-sống-cô-độc giữa biển-chết-chóc-bao-la :
Bóng tối âm thần rụng xuống thân cây
Chiếc xe ma chở vội một đêm gầy
Xác trụy lạc gục bên thềm lá phủ ...
Ai hát khúc thanh xuân , hờ ơi, phấn nữ
Thanh xuân hờ Thanh xuân
Bước gần ta bước nữa thêm gần
Ai hủy đời trai tráng trên tang trống nhỉ
Hay ác thần gõ quách nạo mồ khuya
Đảo điên mê say thể phách chia lìa
Nghe reo mạnh chuỗi tiền cười lạnh lẽo
Tiền rơi, tiền rơi
Chùm sao huyền diệu
Lấp lánh hằng hà, gạo rơi, tiền rơi
Ta lả nhìn cửa sổ mát mờ rồi
Vàng mấy lá thừa đãi thây phủ chiếu
VĂN CAO
Sự chết chóc không lặng im mà ma quái, vừa rùng rợn vừa quyến rũ! Chiếc xe xác , khúc hát thanh xuân , nàng phấn nữ, loạn trùng hút tủy, ác thần gõ quách mồ khuya, chuỗi tiền cười lạnh lẽo, mấy lá vàng trên những thây phủ chiếu ...
Người ta nói trong rừng có lọai cây ăn thịt. Nó có những bông hoa sặc sỡ, có 1 mùi hương kỳ dị như thế nào đó và những loài thú, loài chim cứ tự nhiên bị thôi miên, tìm đến hiến mình.
Cũng như vậy, Văn Cao bị thôi miên bởi sự chết chóc. Cái cảm giác rùng rợn mà thích thú - giống như ma túy - thâm nhập vào anh dần dần... dần dần ... tạo ra một trạng thái rã rời khoái trá. Chiếc xe xác hút anh như nam châm hút kim khí :
Ngã tư nghiêng nghiêng chia nẻo
Dặt dìu cung bực âm dương
Tàn canh nhễ nhại mưa cô tịch
Đầm đìa rả rích phương Đông
Mang mang thở dài hờn đất trích
Lưới thép trùng trùng khép cố đô
VĂN CAO
Thế là anh đã thành tù nhân tự nguyện trong cái trong cái lưới thép trùng trùng cố đô ấy rồi. Anh chìm ngập trong cái chết đến ngực, đến cổ . Bản năng sống cố gắng vùng vẫy. Một tàn lực cuối cùng :
Cửa ô đau khổ
Bốn ngả âm u
Nhà ta thuê mái gục từ mùa thu
Gác cộ độc hướng về phường Dạ Lạc
Đêm đêm dãy đài canh tan tác
Bốn vực nhạc động vẫy người
Dãy đèn treo ánh đỏ quạnh máu người
Ta về gác gió cài then cửa rú *
-----
* Câu này dẫn theo bài thơ đăng trên tạp chí Tiền phong, cơ quan của Văn hóa cứu quốc năm 1945. Cũng có nơi chép:
Ta về gác chiếu chăn gào tự tử.
Cái ý thức còn lờ mờ tỉnh trong Văn Cao biết là nguy đến nơi, chỉ chút nữa thôi là ... Đóng sập cửa, gài then lại chống cự với kẻ giết người đang xông vào tâm hồn. Đóng cử để không trông thấy gì nữa. Cứ còn trông [ thấy ] cái xe xác, dãy phố thác loạn ấy, sẽ bị nhiếp hồn không dứt ra được.
Nhưng hình ảnh không đi vào đường thị giác thì âm thanh lại tràn vào bằng con đường thính giác như tiếng sáo của người điều khiển rắn, tiếng sáo thôi miên :
Trên đường tối đêm khỏa thân khiêu vũ
Kèn nhịp xa điệu múa vô luân
Run rẩy giao duyên khối nhạc trầm trầm
Hun hút gió nâng cầm ca nặng nhọc
Kiếp người tang tóc
Loạn lạc đôi nơi xướng chất lên xương
Một nửa kêu than ma đói sa trường
Còn một nửa lang thang tìm khoái lạc.
VĂN CAO
Văn Cao đã chấp nhận. Và giờ đây anh thản nhiên đi theo chiếc xe xác như người đi đường , theo kẻ hướng dẫn, đi đến cõi chết, thụ động, tin cậy :
Ngã tư nghiêng nghiêng xe xác
Đi vào ngõ khói Công Yên
Thấy bâng khuâng lối cỏ hư huyền
Hang nha phiến chập chờn mộng ảo
Bánh nghiến nhựa đường nghe xào xạc
Ai vạc xương đổ sọ xuống lòng xe
Chiếc quỷ xa qua bốn ngả ê chề
Chở vạn kiếp đi hoang ra khỏi vực
Mưa mưa hằng thao thức
Trên phố lội đìu hiu
Mưa mưa tràn trên vực
Hang tối gục tiêu điều
Mang linh hồn cô liêu
VĂN CAO
Con đường du địa phủ quái đản rùng rợn là thế - mà Văn Cao đi ung dung, nhàn tản. Cái trạng thái tâm hồn này không có gì kỳ quặc. Khi người ta bị gông, kềm - cuộc sống rứt từng mảnh thịt, ép gãy vụn từng đốt xương ... - thì cái chết là sự giải thoát cứu tinh. Vạn kiếp đi hoang khát khao được. Ra khỏi vực cuộc sống là vậy !
Chút sinh khí cuồi cùng ở Văn Cao sáp trút nốt và như thế là hoàn toàn hết, thì :
Tiếng xe càng ám ảnh
Tiếng xe dần xa lánh
Khi gà đầu ô kêu *
VĂN CAO
----
* có bản chép: Đầu ô khi gà gáy( BT )
Một sự may mắn cực kỳ đến đột ngột. Gà đầu ô [ gáy ] . Trời sáng ! Tất cả những những sự ma quái nhờ có bóng tối mà tồn tại, mà hoành hành, mà thắng lợi, vừa gặp ánh sáng ban ngày, lập tức tan biến...
Gà đầu ô [ gáy ] , Văn Cao đang mê mẩn , loạng choạng bên bờ vực - chết chóc - chút nữa nhào xuống ... [ thì ] bừng tỉnh. Cái chết ám ảnh buông tha con mồi của nó. Văn Cao được giữ lại với cuộc sống. Vì cái ngày mới bắt đầu rạng lên.
Chiếc xe đi qua phường Dạ Lạc là một lần Văn Cao hụt chết 99% và được hồi sinh... và Văn Cao trở thành tác giả của Tiến quân ca . []
hoàng như mai
( 1918 - )
-- -
* sđd : tr- 77 - 82
( trích Thơ một thời / Hoàng Như Mai - Nxb Tiền Giang 1989)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét