Thứ Năm, 15 tháng 8, 2013

nhớ nơi kỳ ngộ / lãng nhân - 10

                  nhớ nơi kỳ ngộ:  bùi kỷ, dương bá trạc 
                                                        hồi ức : lãng nhân 


                                                                 BÙI KỶ


    Nhiều lần  đến số 7  đường Larrivé thăm ông Trần [ trọng Kim] xong, tôi hay tạt  qua số 11 là nơi cư ngụ của thân huynh bà Trần [ trọng Kim] , ông Bùi Kỷ, nhưng  ít khi được gặp ông, vì ông thường đi vắng, người nhà không biết ông đi đâu.

     Ông là dòng dõi, 4 đời đại khoa, mà riêng tôi kính trọng, vì ông có khoa mà không hoạn :   khi  đỗ phó bảng xong, ông không ra làm quan, nên được sung vào phái bộ tham quan nước Pháp.   Ông lưu lại bện đó mấy năm, thấy cảnh đẹp người xinh cũng lấy làm thích thú; nhưng lại nghĩ, nếu mình hùa theo mọi người, ắt chỉ đứng đằng đuôi, chi bằng đem cái phong nhã phương đông ra cho lạ tai lạ mắt, có lẽ hay hơn.   Quả nhiên, ông gây được 1, 2 gặp gỡ xứng đáng, thỏa lòng hiếu kỳ trong niềm tự trọng.

    Tuy vậy, ông cũng phải tính hồi hương, vì ở phương tây, nhà nho không thể coi tiền tài như phấn thổ, ít đồ thêu  bên nhà gửi sang bán cũng chẳng được mấy hơi, thôi thì  ta về ta tắm áo ta.
    Về nhà,ông dạy học và trước thuật, lấy bút hiệu Ưu Thiên, do câu   Kỷ nhân  ưu thiên trụy ( người nước Kỷ lo trời sập  - vì thấy mây kéo  xuống thấp).

    Bút hiệu thường dùng để chỉ nguồn gốc, như Tản Đà sinh quán nơi núi Tản sông Đà, hay để tỏ chí hướng như Sào Nam, chim dậu càng Nam.  Ưu Thiên cũng ôm một mối lo: một sự đổ vỡ to lớn như trời sập.   Ở trong một nước bị trị, lo sự sập trời như lo mất nước, là mối lo chính đáng, là chí hướng siêu quần.   Nhưng lo là một chuyện, mà đạt được chí nguyện  là chuyện khác.   Hình như ông cũng tự nhủ như thế, nên đã giải về chữ  lo:

                                             Lo như ai cũng là ngốc thật 
                                             Lo trời nghiêng, lo đất chông chênh
                                             Lo chim bay lạc tổ quên cành 
                                             Lo cá lội xa ghềnh lạ nước 
                                             Hão huyền thế đố ai lo được
                                             Đem gang tay đánh cuộc với cao dầy ! 
                                                                ƯU THIÊN - BÙI KỶ

     Lo hão huyền mà vẫn lo, đôi khi nhãng đi để rồi lại lo.

    Có buổi sáng phải chấm thi ở trường Cao đẳng, ông ở nhà ra đi thấy giờ còn sớm, nên lững thững trên hè, bỗng thấy dưới 1 mái hiên có 2 người ngồi xổm bên bàn cờ  tướng.  Thì ra là cuộc đấu trí, ông già chủ bàn cờ bày một nước bí, người khách đang tìm cách giải.   Ưu Thiên tiên sinh lo xem trận nước, quên hẳn giờ chấm thi .

    Có lần, ông đi chơi ở tỉnh xa, mảng lo nước bài cao, thấp mà quên lo ... lộ phí..., liền đánh điện tín cho giám đốc học chính Bernard  vay 100 đồng  ( hơn 1 tháng lương tri huyện ) , được đáp ứng ngay, mối lo được giải tỏa.

    Ông dạy quốc văn trương Cao đẳng.  Sinh viên ở đây đã thành niên, nên được gọi là các thầy.  Mấy thầy người Nam  vốn không ưa môn này, lại thấy giáo sư khăn xếp, áo the, râu mày, đạo mạo; nên hay trêu chọc.  Một buổi, ông vừa vào lớp, đã thấy trên bảng đen có dòng chữ :

                                       Que devient le singe quand il ne chante pas

  ông tủm tỉm cười , cầm khăn lau phấn, thủng thỉnh nói:
  -  khỉ mà không hát  thì đến dạy các thầy  đây, chứ còn gì nữa !

    Sau gần  một tiếng đồng hồ, bài giảng hùng hồn đã làm cho các thầy ngồi như thịt nấu đông, và từ đó, trong cử chỉ lễ độ có hàm lòng kính mến, chân thành.

    Đỗ VănTchyA hay cùng tôi tìm đến ông, để hỏi điển tích, hoặc trình bày một vài thắc mắc về văn học; đôi khi lại mời ông đi tìm thú cầm hoa.  Ông không từ chối , có khi lại tranh đài thọ mọi khoản: ấy là lúc có hoạnh tài, mà biến cố này ít xảy ra.

    Đối với chúng tôi, ông  là  người bạn vong niên có phong độ, giàu cảm tình, lúc nào cũng khoan hòa nhã đạm.

    Một hôm, tôi nhận được mấy vần ông gửi tới, đọc thấy lời thơ tự nhiên mà gây cảm xúc lạnh lùng :

                                               Hôm qua  có bạn rượu lại hết
                                               Hôm nay có rượu, bạn không biết
                                               Cất đi, đợi bạn đến lúc nào
                                               Cùng uống, cùng vui, càng say tít 
                                               Say sưa quên cả ta là ai 
                                               Còn hơn lúc tỉnh nhớ mà mệt ... 
                                                                     ƯU THIÊN - BÙI KỶ

    Sau khi 2 tờ báo Đông Tây Thời báo bị rút giấy phép, một hôm vào khoảng 11 giờ sáng, ông rẽ vào nhà báo ở phố Nhà Thờ.   Thấy chúng tôi đang thu dọn thư tịch, liền lấy giấy bút , viết mấy  câu :

                                                 Đem bút mực mài viên khối lỗi 
                                                Tìm sách đèn gỡ mối giang san 
                                                Đố ai trộm được chữ nhàn
                                                Ra ngoài hình dịch, là làng thanh tao.
                                                                     ƯU THIÊN- BÙI KỶ.

    Tôi thưa :
     - Ra ngoài hình dịch  đâu phải dễ ạ! Nêu dễ, ông Đào [ Tiềm] đã không buồn  cái cảnh đem tâm làm nô lệ cho đời sống của thân hình.  Bây giờ đem thân hình phục vụ cho tâm, nên mới thế này đây! Đóng cửa hết báo này đến báo khác.
    Ông cười, bảo :
    -Thì cũng cứ bướng bỉnh  làm theo lòng mình, mới là chơi chứ ...
    -Vậy thì, lúc này cũng đã tới giờ.  Chúng tôi mời ông đi làm một chầu chả cá ! Cho xứng tâm, mà thân hình cũng thoải mái một bữa ...
    Thế rồi cuộc đời xoay chiều, quả dưa bổ đôi, chúng tôi vào Nam, ông kẹt  lại.
   Đến 1960, nghe tin ông từ trần, tôi kính cẩn mấy vần gởi tới bàn thờ vọng :

                                      Chợt nghe tin điên báo thình lình
                                      Lo xập, thôi ông hết bận mình
                                      Những lúc hàm ca hằng tưởng nhớ 
                                      Mấy lời ký-chú vẫn đinh ninh
                                      Đàn thơ còn thoảng  hương kỳ dật
                                      Đài giảng chưa quên tiếng lão thành 
                                      Ngàn dặm từ đây ngăn cách hẳn
                                      Nghẹn ngào giọt lệ khóc tiên sinh ...
                                             .LÃNG NHÂN-PHÙNG TẤT ĐẮC



                                                                        DƯỚNG BÁ TRẠC 


     Năm  1930, khi làm báo ở Hànội,sáng sáng chúng tôi thường lui tới nhà in Trung Bắc ở phồ hàng Bông để coi lên khuôn trang báo, phong hờ cần viết thêm hay xóa bớt nơi cột báo có chổ thừa hay thiếu.

    Nơi văn phòng ấn quán, thỉnh thoảng chúng tôi thấy sự hiện diện của một vài vị bỉnh bút của tòa soạn Trung Bắc: cụ bảng Hoàng hay cụ cử Dương [ bá Trạc ] .  Chúng tôi cúi chào  cho phải phép, rồi rẽ sang bên sắp chữ, chứ không đứng lại thưa, gửi.  Các cụ  20 năm trước đã khởi xướng phong trao Đông kinh nghĩa thục chống Pháp.  Cụ Bảng thoát được lo tù, cụ cử từng mấy năm Côn đảo, ai chẳng 1 lòng tôn kính.  Sở dĩ có sự kính nhi viễn chi, là vì các đã theo chính sách Pháp Viêt đề huề  , do báo Nam phongTrung Bắc đề xướng , chính sách mà ngày nay, chúng ta gọi là chiêu hồi.

    Thập niên 20 vừa qua đã được đánh dấu  bằng bản án Phan bội Châu ( 1924), đám tang Phan chu Trinh
( 1926) và vụ chém Nguyễn thái Học ( 1930).  Mối xúc động  đang âm ỉ trong lòng nhân dân, vậy àm cụ bảng viết xã luận chỉ khuyên bỏ hủ tục đốt vàng mã - cụ cử [ Dương bá Trạc]  thì hô hào công dân giáo dục bằng những khẩu hiệu vang vang mà không chút thiết thực, làm sao lôi cuốn được ai ?

                                                                           ***

    Sau khi thất bại  trong nghề báo chí, tôi quay về nhàn cư ở Nam định.   Đến 1937, nhân vụ bầu cử viện Dân biểu, tôi mới có dịp hội diện cùng cụ cử Dương [ bá Trạc] , khi cụ cổ động cho ông Phạm huy Lục.

    Giữa 2 người tranh cử, ai chẳng bầu cho người có ăn học, chứ ai đầu phiếu cho ông lái pháo !  Cụ cử [Trạc ]  khỏi cần du thuyết, ông Lục cũng thắng.   Vậy mà rồi ông pháo[ Phạm lê Bổng]  đoạt giải, hơn ông Luc  một phiếu.

    Trong  lúc tửu hậu trà dư, cụ cử tặc lưỡi  về tình đời đen bạc, kẻ hậu sinh này tìm hiểu tâm sự bậc đàn anh, mà bấy lâu mình đã nghĩ lầm, qua lối hành văn khoa  trương ( hyperbole) nhưng ba tấc lưỡi mà gươm  mà súng , một ngòi lông mà trống mà chiêng  : thời  làm cách mạng, cụ lấy tên là Dương Thiếu Niên, mong thổi một luồng gió kiêu hùng vào lớp trẻ; nhưng rồi thất bại liên tiếp, buộc phải ngậm ngùi mà hòa dịu với đời.

    Bây giờ đêm đã khuya , khách đã vắng, cụ viết tặng 1 bài :

                                          Gặp nhau  trên giấy tự bao ngày
                                          Mừng mặt bây giờ mới bắt tay
                                          Cao ngất hào tinh muôn trượng núi 
                                          Bay tung văn tứ chín từng mây 
                                          Giang sơn Lô Tản đồng tâm mấy?
                                          Nhân vật Côi Hoàng cự phách đây ! 
                                          Nhiệt huyết kiếm đâu đài múa vảy 
                                         Nghị trường, vai ấy cũng hay hay ..
                                                               DƯƠNG BÁ TRẠC

    Tôi đứng lên   cảm tạ thịnh tình, nhưng xin chỉ lĩnh 2 câu đầu và 2 câu cuối, còn 4 câu giữa không dám nhận vì không xứng đáng ...

    Cụ cười phá lên:
   -... mấy ông ( báo) Phong hóa thường giễu tôi : văn kêu như vỏ thùng rỗng.   Có kêu mới có tiếng
 vang , còn nghe hay không thì tùy, miễn là kêu lên để khích lệ.  Tôi kể ông nghe câu chuyện Trạc nhé :  ông nhớ ông giáo Nghi chứ !
   - Vâng, khi trước ông dạy ở trường Bờ sông, có tiếng là ăn khỏe, uống khỏe hơn người, lại có tài hùng biện ...
     -Đúng thế .  Nhưng đặc điểm của ông  là ít khi chịu chi tiền, nên người ta thường giễu là tướng Trạc.  Trạc là tiếng  trong làng cờ bạc, có nghĩa là chịu, không trả tiền ngay, thiếu lại, do chữ trái,  đọc theo tiếng Quảng đông.
    Thì, một hôm, ở dưới xóm, ông giáo Nghi đang  trổ tài hùng biện, thao thao bất tuyệt, mấy ông bạn ghé tai tôi - vì tôi cũng dự trong bữa ấy - yêu cầu làm bài hát nói để cô đào Mộng  Hoàn tặng ông tướng Trạc.  Tôi viết đùa :

                                       Trong thiên hạ ai bằng thằng Trạc?
                                       Sinh ra đời chỉ trạc đời chơi!
                                       Chẳng trạc danh trạc lợi như ai 
                                       Mà cao đạo hơn người, là chỉ trạc...
                                       May trạc được, chẳng khoe khoang vì được
                                       Rủi trạc thua, không tức bực vì thua
                                       Được hay thua cũng chỉ trò đùa
                                       Trên sân khấu đóng vài trò tướng Trạc 
                                       Trạc cho non phải chuyển, cho biển phải đầy,
                                                    cho cuốn gió tung mây, cho chọc trời quất nước
                                       Trạc xong rồi mà tâm tính vẫn như-như
                                                    bảo ông thằng Trạc, ông ừ ... 
                                             DƯƠNG BÁ TRẠC

     - Cử tọa vỗ tay cười to hơn cả là ông giáo Nghi. Nhưng hả hê nhất thì là tôi , vì giải được tâm tình.  Ông xem đấy,   quấy nước chọc trời, chẳng có lúc đấy ư ? Thì bây giờ  cũng thế này đây có sao đâu.  Ộng đừng quan tâm về  muôn trượng núi, chín từng mây, miễn là giữ được máu nóng đem vảy nơi vũ đài ...

    Tôi dạ dạ, vâng vâng, khi từ về không dám đưa bài thơ cho ai xem.  Nhưng từ đấy cụ Dương [ bà Trạc]  trở thành bạn vong niên của tôi  và mỗi lần có dịp xuống  Nam [ định ] , thế nào cũng ghé qua tệ xá, câu đầu tiên khi để chiếc ô nép vào tường , là :' Tắm cái đã!'.  Rồi cụ  giải thích:

    - Chả là khi trước đi cách mạng, anh em bảo nhau : ' phải tập ở bẩn cho quen  để chuẩn bị lúc vào tù, khỏi thấy khó chịu vì ngứa ngáy .  Bấy giờ thì trái lại, phải tập ở cho sạch, cho cái bẩn khỏi vương  mình nữa.  Cho nên' tắm cái đã '  là đầu câu chuyện chúng mình với nhau ' .

                                                           ***

   Thế rồi, thời thế đảo điên, khác hẳn dự đoán của  mọi người.   Người Nhật đề xướng lịch trình Đại Đông Á làm mưa làm gió  từ nam ra bắc, người Pháp nép mình cầu hòa.

    Một hôm, tôi  đến phố Sinh Từ * thăm cụ cử [ Dương bá Trạc]  đã được người Nhật đem đi Chiêu Nam
( Singapore) dự trù lập ở đó một nhóm chính khách Việtnam cầm đầu một cuộc đảo chính.

    Ở bên đó vài năm, không ngờ cụ nhuốm bệnh, rồ tạ thế vào ngày 10- 12- 1944.   Nhà đương cục Nhật cho hỏa thiêu, rồi gởi tro về Sài Gòn.  Song ở đây, không có ai nhận.  Sau Nhật  phải đưa ra Hànội, trao cho ông em cụ là  giáo sư Dương quảng Hàm ..

     Máu nóng vảy trên  vũ đài -   ở Singapore  -chắc rằng ở cõi  suối làng mây, cụ bao giờ cũng vẫn tâm tình như thế !
-----
*     nay là phố Nguyễn Khuyến, Hànội. (BT


( sđd : trang   88 - 95 )

                                                                      
   lãng nhân 



---
*   Đào Tiềm:   Qui khứ lai - lý tự dĩ tâm vi hình dịch ... ( LN chú thích ). 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét