Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

t.t.kh. nàng là ai? thế phong ( thế nhật ) 2

                         t.t.kh. nàng là ai?
                                                                   thế phong


                                                                 CHƯƠNG 2 

                                                MỘT NGHI ÁN VĂN HỌC : T.T.KH 

    Như phần Dẫn nhập, chúng tôi đã  trình bày: Nghi án văn học về T.T.KH đã kéo dài  trên 50 năm .  Bao cuộc biến thiên của lịch sử và đất nước trải qua mấy cuộc chiến tranh, đời sống xã hội lại có nhiều biến động.   Trên văn đàn nhiều lớp nhà văn đã qua cố; nhiều người sống còn tiếp tục viết; nhiều người mới, nhiều lớp nhà văn, nhà thơ lớp sau xuất hiện.
    Kể từ đó đến nay, văn học Việtnam  trải qua bao giai đoạn: nhưng có một điều lạ lùng là tất cả những người trong giới cầm bút và bạn đọc: không ai lại không nhớ cai tên T.T.KH. , mặc dầu Bài thơ cuối cùng của nàng đăng  ở Tiểu thuyết  thứ bảy, từ ngày 30- 10- 1938, tức là cách đây 56 năm.
    Kễ cũng lạ ... chỉ có ba bài thơ đăng trên  Tiểu thuyết thứ bảy rồi cái tên T.T.KH. mất hút trên thi đàn Việtnam.   Trên 50 năm, không một lần xuất hiện trở  lại; không ai biết tông tích, sống hay đã chết và cũng đã tốn khá nhiều giấy tờ, bút mực của các học giả, nhà phê bình, nhà nghiên cứu, nhà thơ, nhà văn ... chung quanh cái tên bí ấn T.T.KH.

                                            Vậy T.T.KH. - Nàng là Ai ? 

    Sau mấy năm  sưu soạn, theo dõi  báo chí ngoài bắc, trong nam - cho đến hôm nay: tháng 7 năm 1994- chúng tôi được biết T.T.KH. vẫn còn sống.  Họ đã có dịp gặp nhau sau 40 năm xa cách ( 1976).  Tuy thế,  cả 2 vẫn im lặng; im lặng một cách cao thượng, khi quanh mình vẫn không ngớt tranh cãi, bàn luận về T.T.KH. và người nàng yêu là ai ?
    Tất nhiên,  cà  hai người đều không còn trẻ nữa, họ đã có gia đình riêng, hoàn cảnh riêng, nhắc lại nào có ích gì ? Họ gặp nhau và đã khóc , như đã từ 40 năm trước, khóc cho  môi tình dang dở của mình.
    Để bạn đọc có thể theo dõi một cách có hệ thống qua phần Dẫn nhập; chúng tôi  xin được phép bắt đầu từ  truyện ngắn Hoa ti-gôn  của tác giả  Thanh Châu đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy vào tháng 7 năm 1937.

                                                       hoa ti-gôn 
                                     TRUYỆN THANH CHÂU 

        Hoa leo ti-gôn sắc đỏ, sắc hồng, sắc trắng năm nào cũng vậy, một  mùa tàn lại một mùa nở.   Nó chẳng giống lòng bất trắc của con người   -   GÁNH HÀNG HOA / KHÁI HƯNG

     Sáng  nào cũng vậy, hết giờ dạy vẽ   ở trường Mỹ thuật về qua phố Tràng Tiền, họ sư Lê cũng không quên mua một bó hoa ti-gôn.   Đó là thói quen  của họa sư mà không một người bạn hay người học trò thân nào là không biết rõ.  Đến mua hoa ti-gôn nở nhiều nhất ,trong nhà họa sư Lê, người ta  chẳng còn thấy một thứ hoa nào khác.  Mà có người nào tẩn mẩn ngắt một  nụ hoa nho nhỏ ấy xem kỹ, họ sẽ phải cho lời nhận xét của họa sĩ Lê là đúng: " Hoa ti-gôn hình qủa tim vỡ làm mấy mảnh, màu hồng dịu như nhuốm máu đào."  Rồi người ta phải tự hỏi nhau : 
    " Tại sao  họa sư Lê lại thích chơi cái thứ hoa trông như giấy ấy, để trong phòng quá một ngày đã rụng rồi ?  Chắc lại có điều tâm sự chi đây ?"

     Một buổi trưa - hồi đó Lê Chất hai mươi bôn tuổi, còn là một họa sĩ nghèo mới ở trường ra - một buổi trưa đạp xe về các vùng lân cận Hànội, Lê Chất rẽ vào làng Mọc với giá vẽ buộc trên xe.   Người  [ thanh] niên ấy đi tìm cảnh đẹp.
    Mà cảnh đẹp đây là một thiếu nữ chàng mới gặp chiều qua.
    Đến gần một ngôi nhà cũ kỹ, trông ra dáng biệt thự của một ông quan hưu dùng làm chỗ nghỉ ngơi.   Chất hãm xe, nghển cổ nhìn qua một hàng rào cây tốt um tùm.
    Chiều qua, lúc Chất sắp đạp xe rất nhanh qua đó, tình cờ liếc mắt vào nhà, bỗng thấy một thiếu nữ đứng trên một ghế cao, đang với tay lên những dây hoa đỏ trên giàn nứa.   Người con gái mặc áo cánh lụa cụt tay, hở cổ, để lộ một màu da khỏe mạnh, như thứ da thường ra nắng của những cô gái nhỏ.   Hai má ửng hồng, vài sợi tóc trên vừng trán, canh con gái hái hoa ấy như một bức tranh linh động, khiến người họa sĩ phải dừng chân ngắm không chán mắt.   Khuôn mặt đều đặn, vẻ đẹp thông minh, nhất là đôi môi có một nét vẻ lạ, đó là thứ nhan sắc hiếm hoi, ai trông thấy một lần đều in sâu trong trí nhớ.   Thiếu nữ vô tình, bận gỡ hoa trên giàn để Lê Chất có thì giờ nhìn ngắm kỹ.  Đến khi cô gái bước xuống đất, sắp vào nhà, đưa mắt nhìn ra đường thấy có người đứng nhìn mình, mới cau mày tỏ vẻ không bằng lòng.
    Nhưng từ hôm  đó, hôm nào họa sư cũng đạp xe vào làng Mọc, giá vẽ buộc trên xe, mà chẳng vẽ bao giờ, vì còn bận quanh quẩn gần biệt thự.   Thiếu nữ động trông thấy bóng anh chàng là lẩn vào nhà.
    Lê Chất chỉ được trông thấy nàng vài lần nữa rồi thôi, bởi ngôi nhà, hình như sau đó không có người ở nữa, ngày nào cũng chỉ thấy có một ông già cuốc cỏ trong vườn.
    Rất lâu, Lê Chất mơ màng đến người thiếu nữ.  Anh cố nhớ lại khuôn mặt, thân hình, hai cánh tay đẹp để trần, nhất là đôi môi của thiếu nữ.   Anh đã vẽ nhiều croquis cất trong an-bum để ghi giữ lại, rồi dần dần cũng quên đi ...
     Lê Chất đã nổi tiếng.  Thầy học cũ của anh vì mến tài, đã đưa anh lên một địa vị mà nhiều người ghen tị.   Tranh của anh được nhiều báo nước ngoài nói đến và bán với giá cao.   Anh đã bỏ lối phong cành để vẽ người.   Tranh vẽ người, nhất là tranh vẽ đàn bà đã khiến các bạn [ của ] Chất  tặng cho cái tên : Người lấy máu để vẽ các cô gái đẹp.  Họa sĩ  đã trở nên giàu có, ăn mặc sang, khó tính.   Lê Chất bây giờ đã đứng tuổi, từ lâu không còn là gã họa sĩ nghèo huýt sáo đạp xe quanh vùng lân cận Hà thành đi tìm cảnh đẹp, với giá vẽ buộc trên xe đạp.

    Mùa lạnh năm ấy, Lê Chất đi vẽ ở một vùng Vân Nam phủ.  Trong một  bữa tiệc chiêu đãi của tòa lãnh sự Pháp, họa sĩ trông thấy một thiếu phụ ta, đẹp một vẻ khác thường, nhưng có dáng buồn.   Chất bỗng ngờ ngợ, như một lần đã gặp người này.  Ở đâu ?  Chất giật mình.  Có thể nào ?   Nhờ một người quen giới thiệu, Chất được rõ : thiếu phụ là vợ một viên chức trong tòa lãnh sự.
    Trong khi [ khiêu vũ ] với  thiếu phụ trong một bản tăng-gô, Lê Chất đột nhiên hỏi:
    - Bà vẫn thích  hái hoa ti-gôn chứ ?
    Thiếu phụ nhìn  chàng,  rất ngạc nhiên:
    -Ông nói gì ... tôi không hiểu.
     Có lẽ bà đã quên cả Hà thành, làng Mọc, cái biệt thự xinh xinh có một giàn hoa ...
    Người đàn bà ấy kêu lên, mắt long lanh :
     - Có phải ông là cái anh họa sĩ vẫn nhìn trộm tôi ngày trước đó không ?
    Nàng nói tiếp:
     - Thảo nào mới nhìn ông, tôi cũng tự nghĩ, không biết đã gặp ở đâu rồi.   Tám chín năm rồi đấy, thế mà chúng ta còn nhận được nhau ...
     Mai Hạnh - tên thiếu phụ - rất buồn ở Vân Nam phủ.   Nàng không có bạn.  Lấy một người chồng gia thế, cân đối với nhà mình; cuộc đời nàng bằng phẳng nơi đất khách.    Bây giờ gặp được  người cùng xứ, người đó đã dự vào dĩ vãng tươi đẹp của mình,. một họa sĩ nổi danh, nàng không có cảm tình với Lê Chất làm sao được ?   Hạnh thường đến chỗ họa sĩ trọ, thăm viếng mỗi ngày, và thuận cho chàng vẽ một bức chân dung.
    Một buổi sáng, hai người đi chơi, trên một ngôi chùa Tàu cheo leo đỉnh núi.  Lê Chất nói:
     -Tôi biết thế nào trong đời tôi cũng còn gặp Hạnh, bởi vì không bao giờ tôi quên cái buổi chiều ở làng Mọc.   Nhưng số mệnh khiến chúng ta gặp nhau lần này có phải là để chúng ta chỉ có thể thành đôi bạn thôi ư ?  Hạnh đoán được lòng tôi lúc này không ?
    Mai Hạnh, giọng run run tái nhợt, giơ tay bịt miệng Lê Chất.   Nhưng khi Chất đã ôm nàng, thì Hạnh không cưỡng lại :
    - Em cũng yêu anh ngay từ buổi đầu..
    Thế là, hai người như sống trong một cơn mê.
    Mai Hạnh có chống chọi lại với tình yêu mỗi ngày một lớn, còn Lê Chất thi lo ngại, tính toán như ngồi trên đống lửa.   Chàng định cùng Hạnh trốn đi  Nhật [ bản] , không cần danh dự, chức nghiệp, dư luận người đời.   Nhưng Mai Hạnh tuy yếu đuối hơn, rụt rè, e ngại, sau cùng cũng nhận lời.
     Lê Chất trở về Hànội, sắp đặt xong mọi việc, lo lót, giấy tờ, tiền bạc, đồ dùng để đi xa; tất cả đã sẵn sàng - thì phút cuối cùng - nhận được thư của Hạnh :

     "... Chất, anh hãy đi một mình và quên em đi, vì em không có thể theo anh.  Đừng giận em tội nghiệp, em không phải là loại đản bà có thể vượt được hết những khó khăn như anh đã tưởng.   Đến phút cuối cùng, em bỗng sợ, em sợ gia đình tan tác, khổ thân thầy mẹ em, chồng em khinh bỉ, tai tiếng ở đời; những lo ngại ở tương lai ... Em thấy rằng nếu đi với nhau, chưa chắc chúng ta đã sung sướng.   Anh thấy chưa ?   Em là một đứa hèn !  Em không yêu anh được như anh tưởng đâu, vì em đã hy sinh anh cho tất cả những lo ngại trên kia.   Vậy mà em yêu anh, có thể chết vì anh được.   Trong đời anh, còn nhiều chuyện, anh có thể quên em được đấy !   Nhưng còn em, thì thật chẳng bao giờ, chẳng bao giờ !  Vì em biết, em sẽ không bao giờ tự an ủi được, bởi, em đã làm hỏng đời em, nếu em chẳng theo anh ..."

     Trong thư,  một dây hoa ti-gôn nhỏ ép  rơi ra : những nụ hoa chum chúm hình quả tim vỡ, đỏ hồng như nhuộm máu đào.
     Lê Chất  đặt một cái hôn trên những cánh hoa và khóc.   Nhưng đó là một kẻ đàn ông có nghị lực.  Chàng đi du lịch xứ Phù Tang* có một mình .
----
*  tên khác gọi nước Nhật. ( BT

     Bốn năm sau, một hôm   họa sư Lê Chất thấy trên bàn giất mình một phong thư viền đen báo tang.  Ông mở ra xem thư đó là của người chồng Mai Hạnh báo tin nàng đã chết.
    Họa sư đáp xe lửa đi Vân Nam ngay để một buổi chiều , đặt trên mồ Mai Hạnh những dây hoa quen thuộc.   Rời trở về Hànội, ông mới sực nhớ ra: đã quên không  hỏi xem Mai Hạnh đã chết vì bệnh gì, một cơn cảm sốt ... hay vì sâu muộn ...

     Ngày nay, họa sư Lê Chất đã già, nhưng cứ đến mùa hoa ti-gôn  nở, không buổi sáng nào ông quên mua một ôm về, thay thế cho hoa cũ trong phòng vẽ, vì thứ hoa ấy chóng tàn. []

     thanh châu

                                                                                            ***

    Thực ra truyện ngắn  Hoa ti-gôn / Thanh Châu cũng không hẳn là truyện ngắn liệt vào hàng xuất sắc ngày đó , càng không phải là một  tuyệt tác.   Ấy thế mà ... cho đến tận bây giờ; mỗi khi nhắc đến T.T.KH.  ,  như là buộc phải nói đến truyện ngắn này.  Nó là nhân vật  chính trong cuộc-tình-thơ của nàng T.T.KH.. Nếu không, chắc chắn sẽ không có T.T.KH. - cái tên bí ẩn mãi trên 50 năm  nay !
     Cùng năm 1937, sau khi đăng truyện ngắn Hoa ti-gôn, tòa soạn Tiểu thuyết thứ bảy nhận được một  bài thơ ký tên T.T.KH: Hai sắc hoa ti-gôn.  Bài thơ được đăng vào ngày 23 tháng 9 năm 1937.

                                                       HAI SẮC HOA TI-GÔN 

                                           Một  mùa thu trước mỗi hoàng hôn 
                                           Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn 
                                           Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc 
                                           Tôi chờ người đến với yêu đương  

                                           Người ấy thường hay vuốt tóc tôi
                                           Thở dài trong lúc thấy tôi vui
                                            Bảo rằng hoa dáng như tim vỡ
                                            Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi

                                            Thuở ấy nào tôi đã hiểu gì
                                            Cánh hoa tan tác  của sinh ly
                                            Cho nên cười đáp:' màu hoa trắng
                                           ' Là chút lòng trong chẳng biến suy'

                                            Đâu biết lần đi một lỡ làng
                                            Dưới trời gian khổ chết yêu đương 
                                            Người xa xăm quá tôi buồn lắm
                                            Trong một ngày vui pháo nhuộm đường

                                            Từ đầy thu rồi thu lại thu
                                             Lòng tôi gái lạnh đến bao giờ
                                            Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ  
                                            Người ấy cho nên vẫn hững hờ

                                             Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời 
                                            Ái ân lạt lẽo của chồng tôi
                                            Mà từng thu chết từng thu chết 
                                            Vẫn giấu trong tim một bóng người 

                                            Buồn quá hôm nay xem tiểu thuyết
                                            Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa
                                            Nhưng hồng tựa trái tim tan vỡ
                                            Và đỏ như màu máu thắm phai

                                             Tôi nhớ lời người đã bảo tôi 
                                             Một mùa thu trước rất xa xôi
                                             Đến nay tôi hiểu thì tôi đã 
                                             Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi

                                             Tôi sợ chiều thu phớt nắng mờ
                                             Chiều thu hoa đỏ rụng chiều thu 
                                              Gió về lạnh lẽo chân mấy vắng
                                             Người ấy sang sông đứng ngóng đò

                                             Nếu biết rằng tôi đã có chồng
                                             Trời ơi! Người ấy có buồn không 
                                             Có thầm nghĩ tới loài hoa vỡ
                                             Tựa trái tim phai tựa máu hồng .
                                                                   T.T.KH
                                                                      1937

          Bài thơ thứ hai ( kể sau bài thơ này), nhưng T.T.KH. lại  lấy tên Bài thơ thứ nhất, cũng đăng trên Tiểu thuyết  thứ bảy ( ngày 20- 11- 1937   cùng cách nhau mấy tháng với bài Hai sắc hoa ti-gôn.  



                                                       BÀI THƠ THỨ NHẤT 

                                          Thuở trước  hồn tôi phơi phới quá
                                          Lòng thơ nguyên vẹn một làn hương
                                          Nhưng nhà nghệ sĩ từ đâu lại
                                          Êm ái trao tôi một vết thương 

                                          Tai ác ngờ đâu gió lại qua 
                                          Làm kinh giấc mộng những ngày hoa
                                          Thổi tàn âm điệu du dương trước 
                                          Và tiễn người đi bến cát xa.

                                          Ở lại vườn Thanh có một mình
                                          Tôi yêu gió rụng lúc tàn canh 
                                          Yêu trăng lặng lẽ rơi trên áo
                                          Yêu bóng chim xa nắng lướt mành

                                           Và một ngày kia tôi phải yêu 
                                          Cả chồng tôi nữa lúc đi theo
                                          Những cô áo đỏ sang nhà khác
                                          Gió hỡi làm sao lạnh rất nhiều!

                                          Từ đấy không mong không dám hẹn
                                          Một lần gặp nữa dưới trăng nghiêm
                                          Nhưng tôi vẫn chắc nơi trời lạ 
                                          Người ấy ghi lòng vẫn nhớ em

                                          Đang lúc lòng tôi muốn tạm yên
                                          Bỗng ai mang lại cánh hoa tim
                                          Cho tôi ép nốt dòng ư lệ 
                                          Nhỏ xuống thành thơ khóc chút duyên

                                          Đẹp gì  một mảnh lòng tan vỡ
                                          Đã bọc hoa tàn dẫu xác xơ 
                                          Tóc úa giết dần đời thiếu phụ 
                                          Thì ai trông ngóng chẳng nên chờ

                                           Viết đoạn thơ dầu lo ngại quá 
                                           Vì tôi  còn nhớ hẹn năm xưa
                                           ' Cố quên đi nhé câm mà nín
                                           Đừng thở than bằng những giọng thơ

                                           Tôi run sợ viết lặng im nghe
                                           Tiếng lá thu khô xiết mặt hè
                                           Như tiếng chân người len lén đến 
                                            Song đời nào dám gặp ai về.

                                            Tuy thế tôi tin vẫn có người
                                            Thiết tha theo đuổi nữa than ôi !
                                            Biết đâu tôi một tâm hồn héo 
                                            Bên cạnh chồng nghiêm luống tuổi rồi .
                                                                  T.T.KH.

     Sau bài thơ này xuất hiện, thế là nổ ra một cuộc tranh giành nàng T.T.KH... Ai cũng  tự nhận mình là người yêu củ nàng: là người được nàng đã trách móc, đã giận hờn, đã đau đớn, đã viết :

                                    ...Tôi  run sợ viết lặng im nghe 
                                       Tiếng lá thu khô  xiết mặt hè
                                       Như tiếng chân người len lén đến
                                       Song đới nào dám gặp  ai về
                                               T.T.KH.
    Người ta  đã không dám gặp, đã run sợ  viết như vậy và chỉ lặng im nghe tiếng lá thu khô xiết mặt hè ... thế mà có người nhảy ra tự nhận  người ấy là của mình, điều đó mới thật kỳ lạ !
    Chắc chắn lúc này T.T.KH.  vẫn thường xuyên đọc báoTiểu thuyết thứ bảy và các  báo khác ở Hànội; đã biết người ta viết về mình, nói về mình, tự nhận, tự gán ghép họ vào cuộc đời mình.   Ở vườn Thanh, sao nàng lại im lặng ? Vì một lẽ gì , chắc trong chúng ta, ai cũng biết : Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời ...    Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ /  Người ấy cho nên vẫn hững hờ  nàng đã viết như vậy mà !
    Văn chương lãng mạn thời kỳ 1930- 1845; nào thiếu gì những mối tình ngang trái , dang dở, có những cô gái mê văn Nhất Linh, Khái Hưng, mê thơ tình Xuân Diệu, Nguyễn Bính , Trần Huyền Trân ... bỏ dở việc học hành; thậm chí bỏ nhà  đi theo tiếng gọi ái tình - có cô còn kết liễu đời mình, trên  tay còn cầm cuốn tiểu thuyết nhóm Tự lực văn đoàn.  Ấy thế mà  Bài thơ hai sắc hoa ti-gôn/ T.T.KH. lại có một không khí khác, hoàn toàn khác xa với những bài thơ than mây, khóc gió của các mệnh phụ, tiểu thư đài các ...
    Hai sắc hoa ti-gôn như cắt ruột, cắt tim, từng chữ, từng câu như rướm máu :

                                  ... Nếu biết rằng  tôi đã có chồng
                                      Trời ơi ! Người ấy có buồn không ?
                                      Có thầm nghĩ tới loài hoa vỡ 
                                      Tựa trái tim phai tựa máu hồng ? 
                                              .TT.KH

     Thế mà, người nhận được bài thơ này vẫn dửng dưng hay giả vờ dửng dưng, để cho nỗi đau vò xé trái tim mình.  Ông  Thanh Châu  ỡm ờ như lơ đãng, không giữ lại những dòng chữ run run trong một bức thư - cả không muốn công khai tên tuổi người nữ kia là tác giả  bài thơ kia gửi đến.
    Éo le tháy ! cả 2 người đều không thấy hết, lường được cuộc  tình-thơ đau đớn này kéo dài mãi !  Người thì mai danh ẩn tích vẫn tiếp tục làm thơ với nhiều  bút danh khác nhau; người thì biết mà vẫn để trong lòng, khi úp úp, mở mở; tuyệt nhiên không hé lộ một điều gì về T.T.KH. , kể cả với những người bạn chí thiết của ông.
     Đấy là quyền  mỗi người, đấy cũng là bí mật mỗi người mà ai cũng muốn giấu kín.   Chúng tôi dọi đó là sự im lặng của cao thượng; bởi vì xung quanh họ, rất nhiều người tự nhận T.T.KH. là người yêu của mình, họ nói đã gặp, đã chuyện trò, đã thề thốt, đã làm thơ đề tặng nàng .  Chúng ta có thể cảm thông với các nhà thơ ấy, họ không ý thức được rằng : cuộc chơi của họ gây ra bao nhiêu  phiền lụy, bao nhiêu người đã khóc than cho mối tình  không có, không bao có đối với họ.  
      Riêng người đàn ông, tác giả Hoa ti-gôn, nhân vật chính ,hay là nguồn cảm hứng cho bài thơ Hai sắc hoa ti-gôn/ T.T.KH.  vẫn như người ngoài cuộc, khoanh tay nhìn thiên hạ chơi trò đuổi bắt ấy.  Phải có một trái tim cứng dắn, có một tấm lòng vị tha, cời mở ,  một bản lĩnh phi thường; người ấy mới đứng ra ngoài cuộc chơi, không một lời thở than, thố lộ. Người ấy tiếp tục im lặng cho đến bài Bài thơ cuối cùng / T.T.KH xuất hiện trên báo Tiểu thuyết thứ bảy  ngày 30 tháng 10 năm 1938.
    Trước sau chỉ có 3 bài thơ   của T.T.KH.,  qua bài Nói thêm về T.T.KH, ông Thanh Châu cũng  xác  vậy.   Có người gàn ghép bài thơ Đan áo cho chồng /  T.T.KH.  do Thâm Tâm công bố, để chứng minh rằng; T.T.KH. là người yêu  của  Thâm Tâm.
    Căn cứ vào tiểu sử + các bài hồi ký viết về  Thâm Tâm -  các nhà văn tên tuổi từng sống và chiến đấu bên cạnh ThâmTâm, thì giai thoại này hầu  như có vẻ hư cấu, thêu dệt cho có mà thôi. . Thâm Tâm chỉ cần  một bài Tống biệt hành  để lại một dấu ấn trong nền thi ca hiện đại. Chỉ tiếc rằng Thâm Tâm hy sinh ở mặt trận
 ( 1950)  khi tuổi còn quá trẻ !.  Hãy để cho tác giả yên nghỉ với  giá trị Tống biệt hành Mưa trên đường số 5  là đủ !
    Tuy vậy,  chúng tôi vẫn  đăng lại Bài thơ đan áo + bài thơ Các anh.../ Thâm Tâm    để bạn đọc điều nghiên  nghi vấn đã nêu  ở trên.
     Cần nhắc lại, trước đó T.T.KH.  cũng có  Bài thơ cuối cùng đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy ngày 30-10- 1938.
     Đúng là bài thơ cuối cùng, vì, từ đó đến nay cái tên T.T.KH.  không bao giờ xuất hiện nữa.  Có thể do báo chí ngày đó thổi phồng chuyện tình T.T.KH.; mà người phụ nữ đáng trọng ấy đành phải im lặng để giữ hạnh phúc gia đình, tránh điểu thóc mách  thiên hạ dòm ngó.
     Tuy thế vẫn có một nghi vấn nhỏ, đó là  Bài thơ đan áo + Bài thơ cuối cùng có liên quan gì với nhau ? và tại sao T.T.KH. lại viết:

  .                                    ..    Chỉ có ba người được đọc riêng
                                             Bài thơ đan áo của chồng em
                                             Bài thơ đan áo nay rao bán 
                                            Cho khắp người đời thóc mách xem 
                                                                         T.T.KH.
   
     mà trước đó.. đã có  đoạn nhắc đến những cánh hoa ti-gôn và chuyện biệt ly :

                                      ...   Đã lỡ thôi rồi chuyện biệt ly
                                            Càng khơi càng thấy lụy từng khi
                                            Trách ai mang cánh ti-gôn ấy
                                             Mà viết tình em được ích gì ? 
                                                                          T.T.KH

        và T.T.KH. đã gíáng xuống bài thơ: một câu đau  điếng : ' Là giết đời tôi đấy biết không ?'


                                                       BÀI THƠ CUỐI CÙNG

                                       Anh hỡi, tháng ngày xa quá nhỉ
                                       Một mùa thu cũ một lòng đau 
                                       Ba năm ví biết anh còn nhớ
                                       Em đã câm lời có nói đâu 

                                       Đã lỡ thôi rồi chuyện biệt ly
                                       Càng khơi càng thấy lụy từng khi
                                       Trách ai mang cánh ti-gôn ấy
                                       Mà viết tình em được ích  gì?

                                       Chỉ có ba người được đọc riêng
                                       Bài thơ đan áo của chồng em 
                                       Bài thơ đan áo nay rao bán
                                       Cho kháp người đời thóc mách xem

                                       Là giết đời nhau đấy biết không ?
                                       Dưới giàn hoa  máu tiếng mưa rưng
                                       Giận anh em viết dòng dư lệ
                                        Là chút dư hương điệu cuối cùng

                                       Từ đây anh hãy bán thơ anh
                                       Còn để yên tôi với một mình 
                                       Những cánh hoa lòng, hừ đã ghét
                                       Thi đem mà đổi lấy hư vinh

                                       Ngang trái đời hoa đã úa rồi
                                       Từng mùa giáo lạnh sắc hương rơi
                                       Buồng nghiêm thờ thẫn hồn eo hẹp
                                       Để nhớ người không muốn nhớ lời

                                        Tôi oán hờn anh mỗi phút giây
                                         Tôi run sợ viết bởi rồi đây 
                                        Nếu không yên được thì tôi chết 
                                        Đêm hỡi, làm sao tối thế này? 

                                        Năm lại qua năm cứ muốn yên 
                                        Mà phương ngoài gió chẳng làm quên
                                        Và người vỡ lở duyên thầm kín 
                                         Là chính là anh, anh của em

                                        Tôi biết lam sao được hở trời 
                                        Giận anh không nỡ nhớ không thôi
                                        Mưa buồn mưa hăt trong lòng ướt 
                                        Sợ quá đi an h, có một người 
                                              T.T.KH. 
                                                                1938

     Sau Thâm Tâm ( tạm gọi như vậy)  tới Nguyễn Bính cũng tự nhận mình là người yêu của T.T.KH.  Ông đã viết bài thơ Cô gái vườn Thanh để tặng T.T.KH. .. với 2 câu thơ  đề từ của nàng : Cho tôi ép nốt dòng dư lệ /  Giỏ xuống thành thơ khóc chút duyên.    Đúng như Nguyễn Bính viết, cô gái ấy chính gốc ở  Thanh Hóa  ; thế là chàng thi sĩ rất lãng mạn, đa tình đã sáng tác ngay một bài lục bát liên hệ tới T.T.KH.
    Nói như ông Thanh Châu, chính Nguyễn Bính là thủ phạm của sự làm nhiễu thông tin ; khiến thiên hạ dựa vào đấy  để phỏng đoán và phỏng đoán  thật hơn cả sự thật.
     Cũng chỉ tạ 2 chữ vườn Thanh,  khiến  ông Nguyễn Vỹ  viết trong bài  : Thâm Tâm và sự thật về T.T.KH ( Văn thi sĩ tiền chiến, Nxb Khai Trí, 1970 )  đã nhầm lẫn với  phố Sinh Từ - Hànội, nơi ở  cô nữ sinh Trần thị  KhánhThâm Tâm ( Tuấn Trình)  thường gặp cô mỗi  khi đi qua đấy.  Phố Sinh Từ có vườn Thanh Giám , rất nhiều hoa Antigone ... Rồi từ đó, ông ta dựng lên mối tình éo le, diễm lệ, sặc mùi cải lương, bởi ông ta suy tử câu ' Ở lại vườn Thanh có một mình / T.T.KH.  mà cứ nghĩ đấy là lời than trách củaTrần thị Khánh.
     Sau ngày 30-10- 1938, T.T.KH.  mất hút trên thi đàn, mặc bao người ngơ ngác kiếm tìm rồi  mỗi người thêu dệt theo trí tưởng tượng thành mối tính huyền thoại.
     T.T.KH. im lặng thì đành rồi, còn người gây ra cú  sốc hoa ti-gôn vẫn mỉm cười lặng lẽ., còn  nhấn thêm một cú hích , cho đăng tiếp một truyện ngắn Những cánh hoa tim vào 1939 ( năm sau xuất hiện Bài thơ cuối cùng / T.T.KH.  đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy )
   Đến đây, thì mọi chuyện   đã rõ và có thể khẳng định; '... chỉ ông Thanh Châu mới biết rõ T.T.Kh. là ai mà thôi - hoặc là  -  ông biết  mà vẫn kín miệng chuyện tình T.T.KH., mặc ai thêu dệt, bịa đặt v.v...
    Kháng chiến bùng nổ, ông Thanh Châu lên chiến khu tham gia suốt 9 năm chống Pháp, năm 1954, hòa bình ký kết lập  lại,  đất nước chia hai -  gia đình T.T.KH. di cư vào Nam.
     Đằng đẵng mấy chục năm trời, bây giờ  họ mới gặp lại nhau.
    Đáng lý ra nghi an văn chương này  phải chấm dứt kể từ 1976, trong căn nhà cô em gái T.T.KH là bà Trần thị Anh Minh, vợ thi sĩ Hà Thương Nhân ... ở Saigon mới phải -  nếu 2 người không giữ im lặng  đến ngày nay, để nhiều người   theo dõi chuyện tình huyền thoại giữa 2 Thanh Châu và T.T.KH.
   Vậy T.T.KH - Nàng là Ai ?[]
                    
 
                                                                                  ( kỳ sau: t.t.kh.-nàng là ai? )
           thế phong


(  trích T.T.KH. / NÀNG LÀ AI/ THẾ PHONG  - Nxb Văn hóa thông tin tái bản,   Hànội 2001 - tr. 14- 29)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét