t.t.kh.- nàng là ai? thế nhật [thế phong]
tạp chí đời sống - houston, texas 77006
chuyện tình TTKH
kết thúc nghi văn học về
tình thơ bầy bí ẩn kéo dài 60 năm
LNV : ' Như chúng tôi đã trình bày trong các số báo Tự do & Đời sống trước, ngay trang đầu cuốn TTKH- Nàng là ai ?, nhà văn Thế Nhật đã trịnh trọng nơi đầu sách dòng chữ ' Chúng tôi xin cám ơn bà Đ.T.L. nhiều, nếu bà không kể lại đích thực T.T.KH. là ai, tất sẽ không có cuốn sách này ... THƯ LINH [Nghiêm Phái là tên chồng, Thư Linh chính là [bút danh] của bà.
Sau đó, chúng tôi đã liên lạc về Việt nam, được các thân hữu, đồng nghiệp từ VN cung cấp bài' Phỏng vấn bà Nghiêm Phái-Thư Linh' do phóng viên báo nguyệt san Văn Hóa số 9 [tháng 9-1884] và 1 bài lần thứ 2 về nguyên nhân sự tiết lộ danh... TTKH của Nguyễn quốc Văn [ Lữ quốc Văn bây giờ] cũng đăng trên Văn Hóa nguyệt san số 9.
Chúng tôi xin đăng tải nguyên văn bài 2 bài báo ấy để rộng đường dư luận và phục vụ bạn đọc
----
* [...] chữ của BT
PHAN HOÀN SINH
1. HỎI CHUYỆN BÀ NGHIÊM PHÁI-THƯ LINH VỀ T.T.KH.
Đ.T.L. là viết tắt tên thật của bà Nghiêm Phái- Thư Linh. Trước 1975, bà Nghiêm Phái- Thư Linh đã từng viêt cho nhiều báo ở Saigon, từng là thư ký tòa soạn báo Thân dân [ 1968] . Sau 1975, bà quay trở lại với Thơ, mà , ngay từ hồi còn học bậc tiểu học ổ phố hàng Cót, bà đã có thơ đăng trên báo Đàn Bà. bà vừa xuất bản kịch thơ ' Nữ tướng Bùi thị Xuân' [Nxb Văn nghệ tp.HCM, 1993], tập thơ' Những dòng thơ hoa' [ Nxb Văn hóa-thông tin, 1994].
HỎI: - Thưa bà , chắc bà đã đọc Nguyệt san Văn Hóa số 8 và cuốn T.T.KH- nàng là ai ? của Thế Nhật. Xin bà cho biết , bà quen bà Vân Chung từ lúc nào ?
ĐÁP : - Ngày còn nhỏ, tôi rất mê 3 bài thơ TTKH và cũng biết câu chuyện tình chung quanh cái tên bí ẩn này. Hồi đó, tôi có làm thơ và xem TTKH là thân tượng của mình. Nhiều bạn gái của tôi cũng nghĩ như vậy. Hình như vào quãng 1939, thầy mẹ tôi có một người bạn lam ăn thất bại ở Thanh hóa, nên về Hà nội cùng ở với gia đình chúng tôi, trong đó có cô Hòa cũng rất mê thơ TTKH.
Một hôm, tôi hỏi cô Hòa ở thị xã Thanh hóa, có biết ai là TTKH không ? Cô Hòa nói, cô không được gặp, nhưng, có đọc thơ và nghe đồn bà ấy đẹp người, đẹp nết lắm. Người ta gọi tên bà la CHUNG. Bà ấy một ông tri huyện, đậu cử nhân Luật.
Rồi cũng hết sức tình cờ, sau 1975, anh chị em văn nghệ thường có những buổi sinh hoạt tập thể. Tôi được mời tới họp thơ. Ngồi cạnh tôi là chị VÂN NƯƠNG - tác giả 2 tập thơ ' Tơ sương' và gần đây xuất bản' Con đường lý tưởng'. Ngay từ đầu, tôi rất mến chị ấy, và, mãi những năm sau này, chúng tôi trở thành đôi bạn tâm giao. Chúng tôi xem nhau như chị em. Chị Vân Nương trước đây có tham gia nhóm thơ Quỳnh Dao. Dù chị lớn tuổi hơn tôi , tuy thế, chúng tôi thường đọc thơ cho nhau nghe, quê chị ở thị xã Thanh hóa. Một hôm, chị tới thăm nhà tôi, trong không khí thân mật, ấm cúng, tôi hỏi : ' Vân Nương là bút hiệu hay tên thật của chị ?' Chị cười:' tên mình là CHUNG cơ !'.
' Trời ơi , thế chị là TTKH à ?'
Tôi kể chuyện xưa kia ở Hà nội cho chị nghe. Chị Vân Nương không nhận mình là TTKH, mà, cũng không phủ nhận, rồi, chị kể :
' Năm 1976, mình có gặp' người ấy' ở nhà cô Minh, em ruột mình. ' Ngươi ấy' từ Bắc vào, đi tìm mình suốt 2 tháng ròng. gặp nhau, mình và anh ấy đều khóc, khóc quá là khóc, mình khóc tưởng không thở được nữa. Nhưng Thư Linh này, đừng kể cho ai nghe chuyện này nhé ! Anh Chấn hay ghen lắm, và lại, anh ấy đang đi học tập, chị rất thương anh Chấn, đừng làm gì để anh ấy buồn. Và tôi đã hứa với chị VÂN NƯƠNG giữ kín chuyện này ?
HỎI :- Xin lỗi bà , sao bây giờ kể cho tác giả Thế Nhật ?
ĐÁP: - Không, quả là tôi không hề tiết lộ điều này với bất cứ ai. Nhà tôi bị bệnh, nên ít khi tôi rời khỏi nhà, bạn bè cũ thường hay đến chỗ tôi chơi. Một hôm anh Thế Phong, anh Lữ quốc Văn và vợ chồng một người quen, không hẹn mà gặp; nhưng, cùng gặp nhau ở nhà tôi . Trong câu chuyện hàn huyên bàn chuyện văn chương, có [ một ai đó] nhắc tới TTKH.
Ông chồng người quen tôi nhất quyết, [ông ta] * đã gặp, lại còn khẳng định TTKH là Trần thị Khánh. Ông ta nói bây giờ TTKH đã già rồi, không còn đẹp nữa, thơ thì xuống lắm, không [còn] hay như xưa .
Tôi vốn trực tính , và, trong lòng, lúc nào cũng xem chị VÂN CHUNG là thần tượng, liền đáp ngay.' Coi chừng TTKh của anh là giả đó, vì, tôi được biết thơ TTKH vẫn hay, vẫn tuyệt vời và CHỊ còn đẹp lắm !'.
Ông ta cứ vặn hỏi, tôi bực, nên buột miệng,' TTKH là chị VÂN NƯƠNG chứ ai !' Câu chuyện bị đứt quãng, vì nhà tôi có khách [khác] tới. Vợ chồng ông này * ra về . Tôi không ngờ trong một phút, không tự chủ được lòng mình, tôi đã thất hứa với chị VÂN CHUNG .
--
* VÂN CHUNG là tên thật, VÂN NƯƠNG là bút danh. Vợ chồng ông ta , chính là vợ chồng Thanh Vân[Nguyễn duy Nhường], và Như Hiên. Như Hiên là tác giả vài ba cuốn truyện, một cuốn biên khảo về Nữ sĩ Việt Nam đã xuất bản. Hiện bà còn sống tại quận 10, tp. HCM, còn phu quân đã qua đời. Bà Thư Linh [ 1924 - ] nay sống với con ở Houston , Texas. [BT]
HỎI : - Trong lúc tác giả Thế Nhật viết TTKH- nàng là ai?, bà có biết không ?
ĐÁP:- Thực tình tôi không biết chuyện này, cứ tưởng mọi chuyện đã qua, tuy nhiên, lòng tôi vẫn cứ day dứt, hối hận, vì sự lỡ lời của mình.
Anh Thế Phong là chỗ thâm giao, nên, thường hay đến chơi để thăm anh [Nghiêm]Phái nhà tôi.
Anh Thế Phong' khôn lắm' , suốt mấy năm ròng, anh cứ hỏi tôi về chị VÂN NƯƠNG, rời rạc từng lúc một, khi này một ít; khi kia một ít. Tôi cũng vô tình kể một cách không mạch lạc, như anh ấy hỏi vậy. Mãi đến đầu năm nay, tôi hoàn thành bản thảo tập thơ ' Những dòng thơ hoa' , anh Phong hứa, sẽ nhờ anh Trần nhật Thu [ anh Thu, thì tôi chưa được quen], gửi bản thảo ra Hà nội, xin giấy phép Nxb Văn hòa-thông tin. Anh Thế Phong lại kể cho tôi ,' ... khi anh Thu đọc tập bản thảo này, có phát hiện ra bài' Hoa tim- TTKH phương xa' có nhiều điều đáng chú ý, bồi hồi- bởi, hồi [anh Trần nhật Thu] làm ở FAHASA, anh có in và đọc quyển ' THÂM TÂM- TTKH của ông Hoài Việt. Nhiêu điều anh Trần nhật Thu còn nghi vấn, vả lại, anh đã từng gặp ông Thanh Châu tại nhà ông Hoài Việt , và, anh cũng đang lặng lẽ tìm hiểu xem AI LÀ TTKH ?
HỎI :- Chắc bà đã đọc cuốn sách này rồi, phải không ạ ?
ĐÁP:- Vâng, tôi đã đọc nguyệt san Văn Hóa số 8 và cuốn sách của 2 anh Thế Phong & Trần nhật Thu.
HÒi : - Thưa, ý kiến của bà thế nào ?
ĐÁP:- Nói chung, cuốn TTKH- nàng là ai ? ' viết đứng đắn, tác giả rất tôn trọng chị VÂN CHUNG và anh THANH CHÂU, nhiều người cũng nói với tôi như vậy ? Đáng tiếc, cuốn sách có một vài chi tiết sai .
Năm 1975, vợ chồng chị VÂN NƯƠNG vẫn ở vi-la xóm Phương rất đẹp trên đường Trương minh Ký, không phải ở nhờ nhà bà Mộng Tuyết. Chuyện ở nhờ[là] mãi về sau này cơ.
Chị Vân Chung đã có con cái lớn, đều thành tài cả rồi, nên, không phải buôn bán nhỏ, chạy vạy , tảo tần nuôi con [ trang 55, 56]. Các con của chị hiền thục lắm, chị sống[ tuy] không dư dả, chứ không phải như sách đã viết . *
Câu chuyện 2 người gặp nhau [ được viết lại] cũng hơi quá [tay]! Đối với sinh hoạt phương Tây, chuyện ấy là bình thường, còn với lễ giáo VN, tôi nghĩ không nên viết như vậy [ trang 63].
Nhưng sai sót ấy có thể sửa chữa được.
Nhìn chung, không có gì nghiêm trọng, cón giá trị cuốn sách, sin được để bạn đọc phán xét.
Tôi đồng ý với lời trong bức thư ngỏ:
' Nếu bây giờ không công bố cái nghi án văn học trên 50 năm, chúng tôi cảm thấy mình có lỗi với bạn đọc, bởi vì, chúng tôi đã lỡ biết TTKH là ai rồi .
PHÓNG VIÊN : - Xin cảm ơn bà, [qua] buổi nói chuyện cởi mở hôm nay .
THÁNG 9-1994
PV.
----
* bà Trần thị Vân Chung bút danh Vân Nương [ 1919- ] nhân vật duy nhất trong mối tình thơ giữa nhà văn Thanh Châu , được viết lại trong TTKH- NÀNG LÀ AI , hiện còn sống ở miền Dordogne , nước Pháp.
[BT chú thích, 1- 2014]
2. NGUYÊN NHÂN SỰ TIẾT LỘ VỀ DANH PHẬN TTKH.
bài: Lữ quốc Văn *
Khoảng cuối 1992, tôi ghé thăm Thanh Vân-Nguyễn duy Nhường, [soạn] gỉa từ điển DANH NGÔN ĐÔNG TÂY xuất bản năm 1993.
Trong câu chuyện về văn nghệ, Thanh Vân có kể cho tôi nghe một tư liệu văn học.
Chuyện như sau :
-... năm 1939, Thanh Vân có bài thơ' Mộng không mầu sắc' tặng TTKH. Anh nói:
' bài thơ đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy' vào 1939. Nguyên văn thế này :
Tôi cắn lời môi, gục sát đầu
Để tìm hình ảnh một mùa thu
Vườn Thanh nắng rụng trên vai yếu
Bóng lẻ nghiêng soi dưới nhịp cầu
Hương lạc trăm đường, gió cuốn theo
Nắng vàng vội khuất bóng người yêu
Chao ôi, đâu biết giờ ly biệt
Cũng một mùa thu, một buổi chiều
Lặng lẽ người qua, một bước đường
Để tình yêu ấy chết yêu đương
Âm vang gió lá vườn xưa hận
Vọng đến muôn trùng khách viễn phương
Đã lỡ trao yêu có một lần
Ngậm lời nhưng lệ vẫn không ngăn
Biệt ly nhắc mãi thời thơ dại
Lặng đếm hoa rơi để khóc thầm .
THƠ THANH VÂN.
Trước đó, Thanh Vân đã hỏi thăm Thâm Tâm về chuyện tình TTKH. Rồi một hôm Thanh Vân, Như Phong, Nguyên Hồng cùng theo Thâm Tâm về huyện Thanh Miện, tỉnh Hải dương.[Thâm Tâm sinh tại Hải dương]. Đến huyện lỵ, các anh chị đi ngang qua một cái vườn, ngó thấy một người con gái mặc áo đen ngồi trong. Người ấy là TTKH có chồng tên Hoàng, nghị viên tỉnh Hải dương.
Về Hà nội, Thanh Vân làm thêm bài' Mộng không màu sắc II' có những câu :
' Thương mà chi, nhớ mà chi / Ném bao nhiêu mộng trả về vườn Thanh / Lỡ làng đôi lứa tuổi xanh / Duyên thơ, âu cũng ta mình biết nhau '.
Câu chuyện có vậy, và tôi không kể lại với ai. Vì tôi nghĩ Thanh Vân chưa diện kiến TTKH và cũng chỉ nghe và cảm xúc theo lời kể của người khác.
Mãi tới cuối tháng 11- 1993, tôi và Thế Phong tới thăm anh chị Nghiêm Phái- Thư Linh.
Trong câu chuyện, tôi vui miệng kể lại những điều Thanh Vân[Nguyễn duy Nhường] đã nói , có liên quan đến TTKH. ngay từ lúc đầu, Thư Linh đã nhíu mày. Chị [Thư Linh] với vợ chồng anh chị Thanh Vân-Như Hiên đều quen biết nhau lâu ngày. Tính tình[ chị Thư Linh] thẳng thắn, thái độ ân cần, lịch thiệp, cư xử tế nhị ... đợi tôi dứt lời, Thư Linh mới nói rạch ròi :
- TTKH là TRẦN THỊ VÂN CHUNG, người Thanh hóa. Từ sau 1975, chi viết dưới bút hiệu VÂN NƯƠNG. Chồng là luật sư Lê ngọc Chấn, anh đã mất. Chị và các con hiện sinh sống ở bên Pháp. Chị vừa gửi thư về. Năm 1976, Thanh Châu vào Sài gòn tìm TTKH, 2 người [gặp]nhau khóc như mưa .
Tôi nghe xong, xúc động, choàng váng. Biết tính chi , tôi tin ngay những điều Thư Linh vừa kể. Nếu không có chút bực mình bất ngờ, không bao giờ Thư Linh tiết lộ danh phận TTKH và cuộc gặp gỡ: THANH CHÂU - TTKH.
... và, chị chợt nhớ ra điều gì, cũng ngưng câu chuyện.
Về đại cương, tôi chỉ biết đến vậy.
LỮ QUỐC VĂN
----
* tên khai sinh Lữ quốc Văn [ 1934- ] có tên khai sinh Nguyễn quốc Văn dit VẠN. Tác giả đôi bài viết trước, sau năm 1975, ký Nguyễn quốc Văn. Sau 1 lần đến báo Văn nghệ tp. HCM thăm Trần nhật Thu, bị cô tài vụ gọi vào lãnh nhuận bút. Nhìn vào sổ ký tiền, bài báo kia ký Nguyễn quốc Văn , nhưng, không phải là anh - từ đó, đổi bút danh Lữ quốc Văn.
[BT chú thích, 2014]
[ Báo đã dẫn: 10 cm - Nguyệt san Đất sống, chủ nhiệm: Mặc Bích, chủ bút: Khuất Phong, Houston, Texas 77006 - in kèm chân dung ảnh Thư Linh: 6x 10 - số ra ngày 13-01- 1995. ]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét