Thứ Hai, 3 tháng 2, 2014

t.t.kh. - nàng là ai? & những bài tranh luận / đinh bạch dân sưu soạn

 t.t.kh. - nàng là ai? thế nhật [thế phong]
 bài  đọc sách của hữu vi [huyền viêm

                                                          
                                 đọc t.t.kh.-nàng là ai ?/ thế nhật
                                                      bài viết : hữu vi  


     Tôi đã đọc kỹ cuốn TTKH- NÀNG LÀ AI ? của Thế Nhật, thấy cố tác giả cố tìm ra lời giải đáp cho một nghi án văn học kéo dài trên nửa thế kỷ mà vẫn còn lơ lửng.  Tuy nhiên, khi gấp sách lại, tôi không khỏi băn khoăn, vì, còn một số thắc mắc chưa được giải đáp thỏa đáng.  Xin nêu lên đây để mong được nghe những lời chỉ giáo.

     1/ Theo tác giả , khi làm  bài Hai sắc hoa ti gôn, TTKH tức Trần thị Vân Chung chỉ vào khoảng 17, 18 tuổi. [tr. 83] và chồng nàng - ông Lê ngọc Chấn chỉ hơn nàng 9 tuổi [tr.50] tức 27 tuổi.  Thế mà, trong Bài thơ thứ nhất, TTKH viết ' Bên cạnh chồng nghiêm luống tuổi rồi .' 
      Người ta thường  dùng chữ luống tuổi để chỉ những người chưa già, nhưng, cũng không còn trẻ nữa, trong khoảng tư 40 đến 50 tuổi.  Nếu chồng của TTKH chỉ mới 27 tuổi, thì, hãy còn trẻ chán, sao gọi là luống tuổi được ?  Do đó,  lời giải thích và ý thơ không khớp nhau .

     2/ về bút hiệu TTKH, tác giả lý giải như sau :

                             T       chữ thứ nhất là Trần [Trần thị Vân Chung]
                             T       chữ thứ hai là Thanh [ Thanh Châu] 
                             KH     hai chữ sau cùng cùng : KHÓC

     TTKH () cả hai cùng khóc cho mối tình chân ngoài đời, mối tình thơ mộng trong dòng thơ lệ

     Cách ghép bút hiệu như thế, nghe nó gượng ép, khiên cưỡng làm sao ! Thường thường, nếu người ta ghép tên, thì là tên cả, sự việc thì sự việc cả, núi sông thì núi sông cả ( như Tản Đà là núi Tản sông Đà, TCHYA là ' Tôi chẳng yêu ai ',  không có tên người ở đây ), chứ không thấy ai ghép tên ở trước, rồi, lại khóc ở sau như thế.  Tôi đem chuyện này hỏi các bạn văn thơ, ai nấy đều đồng ý như tôi cả.  Vấn đề này chỉ có 2  người trong cuộc là có thể trả lời dứt khoát, may thay, cả 2 đều còn sống .( nếu đúng như tác giả nói )

    3/ Trong thơ,  TTKH đã 4 lần nhắc tới chữ nghiêm :

                          Một lần gặp nữa dưới trăng nghiêm ' ( Bài thơ thứ nhất)
                         Ai đem khóa chết chìm vào lồng nghiêm  ( Bài thơ cuôi cùng )

     nhưng, cụ thể hơn là :

                          Bên cạnh chồng nghiêm luống tuổi rồi ( Bài thơ thứ nhất )

    Do đó, nhiều nhà văn , nhà thơ cho rằng chồng của TTKH, nếu không phải họ NGHIÊM, thì, cũng là tên NGHIÊM.  Nhưng theo tác giả Thế Nhật, thì, chồng của TTKH là ông Lê ngọc Chấn, không phải họ NGHIÊM mà cũng chẳng phải tên  NGHIÊM.  Theo ông Nguyễn tấn Long, thì ' Ông Thanh Châu trong ' Tiểu thuyết tuần san ' ( số 82 r ngày 12-3-1964) đã quả quyết chồng TTKH, tên NGHIÊM ' ( Việtnam thi nhân tiền chiến , Saigon 1968- quyển thượng, tr. 503).  Nếu ông Thanh Châu đích thực là người ấy của TTKH, thì sao lại có thể quả quyết một điều không đúng như thế ?   Tác giả Thế Nhật lý giải chuyện này thế nào ?

    4/ Như chúng ta biết, Thâm Tâm là một nhà thơ đứng đắn, nghiêm túc, sao trong suốt bao nhiêu năm, vẫn không xác nhận rõ , ông có phải là người ấy của TTKH , hay không.  Rốt cuộc, chỉ có một câu nói mơ hồ của Trần huyền Trân  ' không nghe Thâm Tâm nói về chuyện ấy'.  Không nghe nói thì cũng chẳng biết có hay không.   Tiếc rằng Trần huyền Trân không chịu hỏi tới để Thâm Tâm trả lời dứt khoát là đúng hay sai.

    5/ Theo tác giả Thế Nhật thì chồng TTKH - ông Lê ngọc Chấn- một quan chức cao cấp thời Pháp thuộc và dưới chế độ cũ, thế mà không mua nổi một căn nhà - dù là nhỏ bé -  để cho vợ con hay sao, đến nỗi nàng TTKH phải đi ở đậu tại nhà nữ sĩ Mộng Tuyết ?  
(tr. 56).  Huống chi TTKH có cô em Trần thị Anh Minh ( vợ nhà thơ Hà thượng Nhân ) có căn nhà lớn ở đường Trương minh Ký (nay Lê văn Sĩ) với tường cao, cổng sắt, sao TTKH  không ở với em, lại đi ở nhờ nhà bạn ? ( tr.57).  Điều này, thì nữ sĩ Mộng Tuyết và bà Anh Minh có thể trả lời rất dễ dàng.

    6/ Theo tác giả Thế Nhật , thì TTKH đã ở nhờ nhà nữ sĩ Mộng Tuyết một thời gian khá lâu, có lẽ nào bà Mộng Tuyết lại không biết người ở chung nhà là một nhà thơ tên TTKH ?  sao tác giả không liên hệ với bà Mộng Tuyết để hỏi rõ về vấn đề này, trước khi cho in sách ?  ( trong sách không thấy câu nói nào của bà Mộng Tuyết cả ).

     Đó là những điều mà tôi muốn hỏi tác giả Thế Nhật.  Ngoài ra, còn mấy ý sau đây :

     a) tác giả Thế Nhật rất tiếc ,vì bà Đ.T.L. nào đó không cho phép in tấm hình  mới nhất của TTKH vùa chụp, nhưng, tấm hình đó đã được in trên báo' Nghệ thuật thứ bảy '
( Tuyển tập thơ văn- th1ng 9-1994).  Đó là tấm  hình bà TTKH chụp chung vơi các con cháu ở Dordogne ( Pháp ) (vào tháng 8/1994 - theo lời ghi chú của' Tiểu thuyết thứ bảy').

     b)  theo tác giả, thì hiện nay, cả 2 nhân vật chính là Thanh Châu và TTKH đều còn sống.  Nếu TTKH ở xa quá ( Pháp)  khó gặp, thì, tác giả có nghĩ đến việc liên hệ với ông Thanh Châu, để xác quyết việc này không ?  Đó là điều rất cần làm sáng tỏ, để, mọi việc thêm sáng tỏ.  Người viết bài này cũng mong ông Thanh Châu lên tiếng, để, kết thúc một nghi án kéo dài đã quá lâu rồi.  Ngoài ra, cũng nên hỏi lại nữ sĩ Mộng Tuyết và  bà [Trần thị ] Anh Minh.

   c/ Người đọc rất buồn, khi thấy trong cuốn sách, tác giả cứ lặp lại nhiều lần những chữ ăn bám ( vào giai đoạn ) giây máu ăn phần, để, chỉ những người không phải là người yêu của TTKH, mà, cứ nhận bừa mình là người yêu của nàng.  Mà những người ấy là ai ? Là Thâm Tâm hay Nguyễn Bính, 2 nhà thơ tên tuổi.   Đây là chuyện văn chương, sao, không dùng chữ nhẹ nhàng hơn ?

    d/ Sau hết, có điều đáng tiếc là cuốn TTKH- Nàng là ai ? bố cục rất lộn xộn, chuyện đã viết trước rồi, viết al5i ở phía sau - nhiều câu lủng củng thật khó hiểu và còn  quá nhiều lỗi chính tả, nhất là, trong các bài thơ TTKH , bài Hai sắc hoa ti-gôn thiếu mất khổ  thứ 2 - ( Người ấy thường hay ngắm lạnh lùng... ) -  bài thơ Sầu thu in ở cuối sách  không ghi tên tác giả, chẳng biết là của ai,  người đọc cứ phải đoán mò.

    Mấy lời chân thành của người yêu thơ, rất mong nhận được hồi âm của tác giả Thế Nhật và nhất là ông Thanh Châu .[]

     hữu vi 

  ( báo Văn nghệ tp HCM số 169 ra ngày 24-11- 1994 - tr.  22- 23 - in kèm  1 ảnh  ' hình mới nhất của TTKH, và gia đình chụp chung- tháng 8-1994 tại Dordogne  )
                   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét