lưu dân thi thoại -
cội nguồn xuất bản, usa 2003
thi sĩ nguyễn -phúc- sông- hương
diên nghị + song nhị
Ba mươi năm chiến tranh triền miên trên quê hương, đã tạo nhiều vóc dáng vừa cầm súng đánh giặc vừa cầm bút làm thơ. Chiến đấu trên tuyến đầu lửa đạn, cách nghĩ, cách làm của lớp người này có cùng mẫu số của vấn đề -- Tuổi trẻ dấn thân đáp lời sông núi, cuốn hút vào dòng chảy lịch sử.
Dù với chủ nghĩa nào, với tác động nào, thơ vẫn phải mang dáng dấp thơ, phản ánh hiện thực, cũng như cảm xúc lãng mạn. Người thơ hiện diện cùng thời đại, dù cuộc chiến ngắn ngủi hay lâu dài. Miền Bắc có Quang Dũng với Tây tiến, Hữu Loan với Mầu tím hoa sim, Hoàng Cầm với
Bên kia sông Đuống, Yên Thao với Nhà tôi. Và miền Nam, nổi bật với Nguyễn bắc Sơn trong Chiến tranh Việt nam và Tôi. Trên đường dừng quân, bất chợt tâm hồn người lính làm thơ, dâng lên một thoáng buồn lênh lâng khói sương :
Đêm nằm ngủ võng trên đồi cát
Nghe vọng từng xa, nổi cắc cù[m]
Chợt thấy trong lòng mình bát ngát
Nỗi buồn sương khói của mùa Thu
NGUYỄN BẮC SƠN / MẬT KHU LÊ HỒNG PHONG
Còn Nguyễn- Phúc- Sông- Hương, một chiến sĩ cầm súng chỉ huy một tiểu đoàn bộ binh, di háng xuôi ngược đó đây, đồng thời là một thi sĩ, đi hành quân kè kè súng đạn bên hông, còn có cả hồn thơ óng ánh :
Người lính miền Nam đi đánh giặc
Ba lô mang theo hồn thơ văn
THO NGUYỄN-PHÚC-SÔNG HƯƠNG
với nguồn thơ sống động trữ tình, Nguyễn-Phúc-Sông-Hương (NPSH) nhìn đồng đội của mình, đồng đội hành quân ngã gục, hy sinh - cảm xúc người chỉ huy mặt trận có tâm hồn thi sĩ :
Tháng 4 bạn ngã trên bao cát
Máu cát hòa chung vơi máu đào
Ta biết cát không bao giờ biết khóc
Bạn cười kiêu hãnh với trăng sao
THƠ NPSH
Trong gian khổ, cam go của đời lính, với NPSH, thơ là nguồn hứng thú, là hành trang quí hóa vừa nhẹ nhàng thơ thới, vừa là bạn tinh thần, lại thêm sức mạnh thôi thúc- tình chiến binh bền gan trong mọi thử thách. Hồn thơ đó như cất lên tiếng thơ đồng vọng, một khi gác súng nơi tọa điểm dừng quân :
Mấy tiếng tù- và vang dưới lũng
chắc là địch lạc thổi tìm quân
Trên cao ta chẳng cần xin pháo
để cho người sống trọn đêm nằm
THƠ NPSH
Tháng 4-1975, NPSH, một trong những người chỉ huy đơn vị mặt trận Xuân lộc. Tình hình chiến sự đột biến, đòi hỏi cuộc rút lui bất ngờ, bảo mật tuyệt đối, cả tiểu đoàn chuẩn bị gấp ru`1t di chuyển- tất cả phải bỏ lại đằng sau, [thế là xảy ra] cuộc chia ly thầm lặng đầy vơi nước mắt, dầu trái tim chiến binh có là sắt đá :
Còn ta nhận lệnh rời Xuân lộc
Lại muốn tìm em nói ít lời
Nhưng sợ áo mình đầy khói súng
Cay nồng mắt người, gục trên vai
Vì chắc ôm nhau, em sẽ khóc
Khóc theo, vợ lính cả trăm người
Em biết dủ tim ta sắt đá
Cũng sẽ theo người, giọt lệ rơi
THƠ NPSH
Miền Đông, lực lượng đối phương đang cố vượt lệnh các tuyến phòng ngự quân bạn, để, hướng vào thủ đô Sài gòn. Một vài đơn vị phải rút lui chiến thuật, nhưng, nhiều đơn vị khác đang sống mái, mất còn với đối phương. Và, NPSH, ở cương vị tiểu đoàn trưởng, muốn có một trận cuối đối đầu với địch, nhưng, lệnh rút lui bất ngờ, như, sự bất ngờ cuộc chiến kết thúc- người chiến binh ngỡ ngàng, thắc mắc, buồn vui tiếc nuối, vì sao lại phải rút quân ?
Nếu được đưa quân lên Định quán
Cuối cùng một trận cũng là vui
Núi Chứa chan sừng sững đứng
Sư đoàn 18, sao quân lui ?
THƠ NPSH
Trong dòng thơ hiện đại, NPSH la chiến binh, làm thơ về lính [khá] nhiều. Những bài viết về đời lính, những cuộc hành quân có sức rung cảm mãnh liệt. Dòng thơ viết về đời lính của tác giả hùng tráng, dạt dào rung động của trái tim. Nếu, Quang Dũng có Tây tiến, Đôi mắt người Sơn tây đi vào lòng người - thì , Nửa hồn Xuân lộc, Người lính làm thơ trên đỉnh núi ... của NPSH đã soải bước vào văn học (...) :
Mất thêm Xuân lộc tay càng ngắn ...
và
Sáng mai thức dậy em buồn lắm
sẽ khóc trách ta nỡ phụ tình
Lòng ta tự trái sầu riêng,
rụng trong vườn em đó, vỡ làm đôi
THƠ NPSH
:
Nguyễn-Phúc-Sông-Hương làm thơ vào khoảng giữa thập niên 1960. Tác phẩm đầu tay' Vùng tủi nhục' ký bút danh Thái Luân. Bút danh Thái Luân, theo Chu vương Miện, ' bánh xe lớn thời đại'. (... - khoảng 4 dòng - BT) Thái Luân , cũng như bạn đồng trang lứa, có tâm huyết, đảm lược, như muốn nghiền nát chủ thuyết lai căng, không phù hợp với dân tộc việt. (...- khoảng 10 dòng- BT) Biết bao gia đình phải từ bỏ quê hương lưu lạc xứ người. (... - 1 dòng. BT ) :
Em biết, từ sau tháng ngày tù tội
Anh như ngựa thồ nơi góc phố Pleiku
Thồ trên lưng ngàn vết quất hận thù
Thồ trong tim ngàn nỗi buôn sông núi
THƠ NPSH
Nguyễn-Phúc-Sông-Hương sinh trưởng ở Huế, năm 1941, Định cư ở Hoa Kỳ từ 1991. Sang tới Hoa Kỳ, tiếp tục cầm bút. Năm 1995 xuất bản thơ bằng tiếng anh Among the people ( Water Press xb ). Năm 1998, xuất bản thi tập Ngàn năm lưu dấu ( Hoàng Thanh đồng tác giả). NPSH
là thành viên chính thức của nhóm thơ văn Cội Nguồn ... và, là cây bút cộng tác thường xuyên của trang Văn học Cội Nguồn ( báo Việt nam thời báo ở Bắc California. Tác giả cùng gia đình hiện cư ngụ tại Sacramento. C.A.
\trích nguyên tác thơ.
NỬA HỒN XUÂN LỘC
Nếu được như bố già thượng sĩ
Nghe tin lui quân, chỉ nhìn trời
Vỗ về nón sắt, cưới khinh bạc,
Chắc hẳn lòng ta cũng thảnh thơi
Còn ta nhận lệnh rời Xuân lộc
Lại muốn tìm em nói ít lời ,
Nhưng sợ áo mình đầy khói súng
Cay nồng mắt người, gục trên vai
Vì chắc ôm nhau,. em sẽ khóc
Khóc theo, vợ lính cả trăm người !
Em biết, dù tim ta sắt đá
Cũng vỡ theo ngàn giọt lệ rơi.
Mây xa dù quên đời chia biệt
Ngoảnh mặt ra đi cũng ngậm ngùi
Rút quân, bỏ lại hồn tá đó
Bảo Chánh, Gia rai, lửa ngú t trời
Bí mật rút lui mà đành phụ
Mối tình Long khánh, tội người ơi,
Mất thêm Xuân lộc, tay càng ngắn
Núm ruột miền Trung đứt đoạn rồi
Sàng mai thức dậy em buồn lắm
Sẽ trách khóc ta nỡ phụ người
Lòng ta như trái sầu riêng rụng
Trong vườn em đó, vỡ làm đôi !
Đêm nay Xuân lộc vầng trăng khuyết
Như một vành tang bịt đất trời!
Chân theo quân rút, hồn ta ở
Sông nước La ngà pha máu sôi
Thương chiếc cầu tre chờ thác lũ
Cuốn qua Xuân lộc khóc cùng người
Ta đi, nhuộm áo màu đất đỏ
Cao su vướng tóc, mãi thơm mùi
Tiếc quá nắng vàng phơi áo trận
Vườn nhà em, chuối chín vàng tươi
Ta nhớ người bên đàn thỏ trắng,
Cho bầy gà nắm lúa đang phơi
Chôm chôm hai góc đong đưa võng
Ru nắng mùa xuân đẹp nụ cười
Nếu được đưa quân lên Định quán
Cuối cùng một trận cũng là vui
Núi Chứa chan kia sừng sững đứng
Sư đoàn 18, sao quân lui ?
Thân ta là ngựa sao không hí?
Cho nỗi đau làm rộng đất trời
Hồn ta là kiếm sao không chém
Rạp ngã rừng xanh, bạt núi đồi
Hỡi ơi ! chân bước qua Bình giả
Cẩm Mỹ nhà ai, khói ngậm ngùi !
Lửa cháy, cả lòng ta lửa cháy
Xóm làng Gia kiệm nhớ khuôn nguôi
Đêm nay Xuân lộc, đoàn quân rút
Đành biệt nhau, xin tạ lỗi người
Cháo ôi! tiếng tắc-kè thê thiết
Kêu giữa đêm dài, sợ lẻ loi ,
Chân bước, nửa hồn chinh chiến giục
Nửa hồn Xuân lộc, gợi quay lui
Ta biết dưới hầm, em đang khóc
Thét gầm pháo địch đáp không thôi .
tho nguyễn- phúc- sông- hương
( Sđd. tr. 261- 267)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét