Lời dẫn:
.... bài đã in trong VIẾT TRONG HÀ NỘI ( II ) ( in chung - Hội Liên Hiệp VHNT Hà Nội xb , 2004) ) do Nguyễn Bắc, Hoài Việt, Giang Quân, Kiều Liên Sơn ( 1936-2006) sưu soạn, tập hợp. Sách đang lên khuôn, bệnh hoạn dồn dập sau ra viện, K.L. Sơn tới thăm vợ chồng tôi đi xuyên việt - có một đêm trú ngụ tại khách sạn Volga . ( phố Nguyễn Khuyến - Cửa Nam ) . Và chàng Kiều cho biết:
- tiểu sử Thằng Phải Gió phải tranh cãi mãi mới được in đầy đủ. Hết Giang Quân nói vào, nói ra, lại còn phải giải thích cho chủ tịch Hội LHVHNT HN hiểu - vì Hội bỏ tiền in ấn .
-.. đáp:".. - sao mày không bỏ phứt tiểu sử trích ngang, trích dọc Thằng Phải Gió - vừa đỡ tốn nước bọt - vừa hao sức lực tinh thần , như vậy có tốt hơn không ? ".
... lần tái bản thứ 1, đưa bài này vào HÀ NỘI 40 NĂM XA ( Nxb Thanh niên tái bản, Hà Nội 2006 ) - chuyện thuật lại thời kỳ đầu làm báo viết văn ở Hà Nội ra sao ? ( trước 1954) .
... riêng tôi - đây còn là kỷ niệm sâu đậm rất khó quên - nhớ lại khi Nguyễn Hiến Lê ( 1912- 1984) đọc đoạn văn miêu tả cô gái bị hỏi cung, bị tra tấn * tại Ier Arrondissement- Hanoi Ville - ông ta khen lấy khen để, nghe rồi, phát ngượng! ... Bỗng, sao tôi lại vui ngay , bởi ông gật đầu bằng lòng mua Textes philosophiques / Biélinsky ( Tủ sách ngoại văn Mạc tư Khoa 1950) mà tôi gạ bán - rồi trả tiền ,cách đưa thật trân trọng !.Vậy , bạn thơ trẻ tuổi , Sao Trên Rừng ở nhà chờ, sẽ có tiền mua gạo nấu cơm chiều rồi ....( khoảng tháng 2 / 1961 ở xóm đạo Tân Sa Châu- Lăng Cha Cả, Saigon)
..bây giờ mời bạn chia xẻ chuyện kể cái tết ở Bóp Hàng Trống Hà Nội, đâu đó đã gần 50 năm !.
---
* trong tiểu thuyết tự-sự Nửa đường đi xuống / Thế Phong, Đại Nam văn hiến, Saigon 1959.
Thếphong.
Hà Nội, nơi dung thân buổi đầu làm văn, viết báo.
gửi Nguyễn Thế Hiển ,
Quỳnh Phụ / Thái Bình ( 1936- 2005)
THẾ PHONG
Nửa đêm về sáng, đúng vào 28 tết- tiếng pháo chỉ lẹt đet nổ như giấu diếm, e dè, sợ hãi. hới kỳ quân đội Pháp đang cai trị Hà Nội, chiến trận đang vào thời kỳ quyết liệt : Điện Biên Phủ, Phát Diệm, Ninh Bình... đến cả mặt trận ở Hòa Bình.
Trong một căn nhà nho nhỏ, 4 người, tuổi 20 quây quần bên cỡ xì- mà láng nhiều nhất không quá 10 đồng bạc Đông Dương. Khu chúng tôi ở phố Chùa Vua, gần đền Đồng Nhân - nơi thờ phượng Hai Bà Trưng- thuôc loại khu phố vắng vẻ, nên chẳng mấy đề phòng cảnh binh khám xét.
Ông thân sinh ra Nguyên chủ nhà, thỉnh thoảng ghé mắt xem chúng tôi đánh bạc, nói chuyện vui;
- Ngày xưa nhà này từng có dấu chân Phó Đức Chính trốn tây - cứ sau mỗi bữa cơm tối lại quây quần như các anh bây giờ để rút xì phé. Chẳng phải để ăn thua bạc, tiền, nhưng tạo cảm xúc để khỏa lấp khoảng tâm hồn trống vắng.
Bọn chúng tôi gồm: Hiển, Khoa, Nguyên, ( anh ruột của Khoa) và tôi. Đang hứng thú sát phạt, bắt tẩy nhau; bỗng có tiếng quát từ ngoài cửa:
- Cảnh binh bố ráp, Mở cửa...
Hồi ấy ở Hà Nội, quân đội Pháp ra lệnh chính phủ Quốc gia phải ráp bắt thanh niên đến tuổi phải nhập ngũ. Thân xác sẽ được ném lên xe Dodge 4, đưa vào lò sát sinh đâu đó ở Lai Châu, Sơn La hoặc mặt trận Ninh Bình dầu sôi lửa bỏng.
Tôi nhớ lại, một bạn học sinh kể, chuyện anh ta được mục kích một toán lính nhẩy dù tây đang tập hợp ở gần Nhà thương Lanessan.
Một sĩ quan tây lên tiếng hỏi, trong tóan quân, có ai tình nguyện lên Điện Biên Phủ thì giơ tay lên. Trong toán quân,duy nhất chỉ một binh sĩ giơ tay nhu nhú tình nguyện - bởi lẽ, bên kia đường, một nữ y tá tình nhân có mặt, đang khích lệ lòng yêu nước Pháp sang Đông Dương chiến đấu !
Bạn kia dẫn giải ò dõi Napoléon 1er !
Ở đây , bây giờ - ban ngày cảnh binh bố ráp 2 đầu phố, xục sạo lùng bắt thanh niên đưa ra trận thay thế lính tây - như lời tuyên ngôn kêu gọi thống tướng De Lattre de Tassigny ( 1889-1952) dán đầy ngoài tường, hè phố.
Có khi xe ráp 2 đầu phố, tưởng chừng sẽ bắt được nhiều thanh niên - nhưng họ cũng tìm lối thoát, trốn vào các nhà gần nhất trú ẩn.
Thường ra chủ nhà rất sẵn sàng cho ấn náu. Cảnh binh lại phải phối hợp cùng Hiến binh đội kê- pi , hàng đêm lùng sục, chẳng khác nào những tay đánh lưới người quăng lưới vào lúc cá ngủ.
Thanh niên thường ngủ lang, lính bố ráp, soát tên không có trong Sổ khai gia đình - a-lê-hấp bị đưa lên trại lính Ngọc Hà, hoặc chuyển thẳng đồn Hêến binh phố Tràng Thi.
Chúng tôi không còn lối nào trốn chạy ,thật chẳng khác gì cá được vớt ra khỏi nước đặt lên thớt mổ.
Một điều tra viên hỏi:
-Tên ?
-Nguyễn Thế Hiển.
-Ở đâu ?
-54 Hàng Chuối.
quay sang phía tôi:
-Tên gì ?
-Tạ Mạnh Nguyên.
-Làm gì?
-Làm phóng viên nhật báo Thân Dân, trú ngụ tại 54 Hàng Chuối, cùng gia đình Nguyễn Thế Hiển.
- Các ông đến đây ngủ lang, không có tên trong sổ gia đình, mời các bạn về đồn.
Hai chúng tôi nhìn nhau, theo lệnh dùi cui, ma trắc.
Giã từ hai bạn, nhưng vẫn nói cứn:
- tối nay chúng mình gặp nhau ở đây nhé!
Đêm ấy, họ đưa chúng tôi về Bóp Hàng Trống- bóp Cảnh binh quận Nhất ở bờ Hồ Hoàn kiếm .
Hiển hỏi tôi:
- sao họ không đưa về đồn Hiến binh ?
Chẳng biết , sau được biết chắc chắn họ đẩy chúng tôi vào phòng giam Bóp Quận Nhất - nhìn lên cửa vào có hàng chữ Pháp 1er Arrondissement.
Sáng hôm sau, các bị can được gọi lên tra hỏi. Ai là công chức sẽ được tha về sớm, kịp giờ đi làm. Tôi tưởng chừng nhà báo - có thẻ hẳn hoi- chắc được ưu tiên thôi.
Lách khỏi đám đông cách oai phong, còn không quên căn dặn Hiển:
- tôi về trước , sẽ lại đằng nhà lấy Sổ khai gia đình lên nhé !
Trưởng ban điều tra chỉ tay vào tôi, hỏi:
- Tên là gì?
-Thưa tên Tạ Mạnh nguyên.
-Ông là nhà báo ?
-Vâng ( nghĩ trong bụng, chắc được vì nể nên được gọi bằng" ông" ?)
... bỗng trưởng ban nhăn trán, nhớ có vấn đề gì, trí nhớ thật tốt- xếp rờ-xẹc ( rechercher) gọi một nhân viên, ra chỉ thị:
- .. xem lại hồ sơ có tên nào trùng tên này không ?
Nguyên vẫn thầm mừng, nhưng đến khi trưởng ban quay phắt lại, nói:
- Hoàng ơi ! áp-phe ( affaire ) đây rồi. Nhà báo, c'est lui, chính là lúy đấy !
Nguyên lo lắng, tuy chưa biết chuyện gì. Nhớ lại tảng sáng, nhìn qua khe cửa bên kia, điều tra viên thay phiên nhau đánh đập người bị giam cầm. Đàn bà có, đàn ông có, choai choai cũng có. Tiếng khóc . tiếng thét, lúc vang dội, khi im bặt rên rỉ, lúc van lạy như tế sao - tiếng gào- con đau quá- vẳng trong tiềm thức Nguyên.
-Tên mày là gì ?
-.................
-Mày buôn lậu Aspirine, Quinine... Streptomycine.. đem đi đâu? tiếp tế Việt Minh hả ?
-Con lạy quan, con chót dại, buôn lấy lãi nuôi gia đình...
- Lớn thế có đẻ con hàng mấy lứa, còn chót dại nỗi gì ?
-.. thằng gì đâu... đánh, đánh cho nó khai.. A-lê, nhanh lên !
-...dạ.
- ...này gia đình này, này không khai này, này không chịu khai này, này lại gan lì này.. Đéo mẹ... chúng mày ! ông đánh cho chết, này có chửa này, thì thòi con ra này..
-,,, khai... khai... khai hay không.. thì bảo ?
Tiếng người đàn bà ban nãy, bây giờ chỉ còn dãy dụa, chẳng còn tiếng động nào phát ra từ phòng điều tra.
Nguyên nhìn sang phía Hiển, họ không nói gì với nhau- nhưng cả hai đều biết , người đàn bà có đôi mắt đẹp lúc nãy van, xin - chỉ còn là một thân xá lõa lồ bị dày vò.
"Ôi Hiến chương Liên Hợp quốc ?! - gọi là bảo vệ nhân quyền, nhân phẩm gì gì thì cũng bằng thừa !
- Đánh bỏ mẹ nó đi, nó giả vờ giả vịt đấy ! - lời trưởng ban điều tra.
- Gí điện vào số ta * nó !
- Trời ơi ! Con lạy các quan, con chết mất, con chết mất !
-Chết đâu dễ thế, khai đi, khai nhanh lên quan tha. Tên là gì: Marie, Jacqueline, Ngọc, Tuyết, Nhung... ai là trưởng ban địch vận của con?
-Khai đi, quan tha ngay, quan nói thật đấy ! Ngoan nào, má đỏ au thế kia, da nõn nà đến vậy, chết thì hoài của Trời ! Khai đi để mà được sống, khai đi, nói phải biết nghe, chóng ngoan nào !
-Con chết mất! Con xin quan chớ hại đời con, đời con nào có ra gì? Con còn là con gái. Con còn là con gái thật mà ! Con còn là con. g á.. i thật ma a. à ..!
Còn sót lại một mình Nguyên và trưởng ban điều tra, tên Quế - bây giờ anh đã biết tên rồi, ông ta đưa anh vào bàn lấy cung.
Một nhân viên, dạng người to lớn - chính kẻ vừa được saio gí điện vào số ta mà nạn nhân là cô gái ban nãy.
-Tên?
-Tạ Mạnh Nguyên, thưa ông.
-Tuổi Có thật... làm báo Thân Dân ?
-Thưa ông ....
- Sao tao gọi tê-lê-phôn tới tòa báo, có phải số dây nói là 402 không ? Chẳng ai bắt máy cả.. có thực là nhà báo, hay báo cô, báo cậu, báo hại, báo đời... Mày khai làm báo, giám đốc lại không biết là sao, hở cái thằng này ? Vậy ai trả lương ? Mày nói dối là chết bỏ xác đó, con ?
-Thưa ông, tôi làm thầy cò cho báo ấy thật đấy ! Ông thử gọi ông Anh Hợp, thư ký tòa soạn mới biết được. Vì ông chủ bút Vũ Ngọc Các kiêm giám đốc trị sự không biết tên tuổi tên thầy cò mạt rệp như tôi!.
Máy lại bị cúp, người to béo kia quay lại:
-Thư ký tòa soạn đi vắng. Mày nói láo, ông gí điện ,tiệt giống đấy ! Trông khá bảnh trai, mặt mũi khá lanh lợi, bố chưa nỡ đó thôi. Con nghe đây này, ông Lê Trọng Đạt ở 288 phố Huế, cùng các con Lê Trọng Duật, Lê Trọng Ảnh ký trong đơn phát kiện con đã ăn cắp tiền, cùng 1 cuốn Từ điển Đào Duy Anh + 4 tháng không trả tiền cơm, nhà trọ. Có hay không, nói ?
Nguyên cố gắng trình bầy cặn kẽ cho ông ta hiểu vấn đề . Nghe xong, quay mặt lại , phán :
- Cũng tàm tạm có lý. Không trả 1 tháng đã bị tông cổ khỏi nhà rồi, dại gì để tới 4 tháng ? Tạm tha , ra ngoài sân đợi. Tao sẽ cho gọi họ lên đối chất, à mà mày lại có một kẻ responsable là capitaine tây.. ông này thường xuyên gửi tiền chu cấp ăn học. Thôi được, Ca ** va bien , deux milles par mois. Thế ra
" On vous calomnie ? - họ vu khống cho đằng ấy chứ gì ?
***
Hà Nội của thập niên 50, với tôi, thật nhiều kỷ niệm. Từ Hà Nội, tôi được mở mang kiến thức, Hà Nội mang lại mối tình học trò với Oanh , bạn nữ cùng lớp, Hà Nội chắp cánh thưở ban đầu- truyện ngắn đầu tiên Đời học sinh (3) đăng trên tờ báo lớn nhất , nhật báo Tia sáng , chủ nhiệm Ngô Vân.
Hà Nội cho tôi có nhiều bạn học khó quên : Bùi Hữu Khánh, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Đăng Khải, Vũ Thị Thanh Thúy, Dương Đức Dzư ( Kiều Liên Sơn) Cao Bá Ân ...
Sau 1975, gặp lại Bùi Hữu Khánh - tôi mới biết chuyện cô bạn học khá thân, đẹp như đầm kia - , sau 1954 dạy ở Đại học Sư phạm Hà Nội - vợ thứ 1 Bùi hữu Khánh, từng được đưa vào hình tượng đời sống nhân vật truyện tác giả Đỗ Kim Cuông.
Cả tiến sĩ dân tộc học Lê Văn Hảo, người dịch truyện ngắn Khu rác ngoại thành *** sang pháp văn - ban đầu nhất định dịch rừng cao su plantation de caoutchouc - không ngờ sau này trở thành bạn tình một thời với người bạn học cũ của tôi - Nguyễn Thị Hoàng hiện ở Paris. ( lúc này Hoàng đã ly dị Khánh bỏ sang Tây)
...- rồi tới Nguyễn Thế Hiển, thời gian ở Hà Nội - làm thơ chua ký ỐNG NHÒM - có một bút danh khác ký LIÊN TÂM .
Một bài thơ cũ của anh, viết cho tôi từ 1953, hoặc 1954 -được anh chép lại từ Trường Phổ thông Cơ sở xã An Bài, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình :
GIÓ hỡi từ đây ta nhớ THẾ !
LIÊN miên chiều lạnh vắng như LÒNG
Hương buồn hoa đại vườn thu ngát
Lá rụng đầy thềm ta đứng không !
Chàng ta ghép chữ cũng hay, bút danh tôi thành THẾ GIÓ , còn Thế Hiển LIÊN LÒNG , bởi lẽ PHONG còn là GIÓ , và TÂM nôm na là LÒNG!
***
Đầu 1954, tôi chán nản nghề báo, dầu ngày đầu vô cùng đam mê. Khi tôi được thuê làm phóng viên đi lấy tin ở 4 quận nội thành Hà Nội ( nhờ thư ký tòa soạn Anh Hợp tuyển ) + thuật tin tòa án, tin xe cán chó, xe nhà binh chạy bạt mạng gây tai nạn chạy luôn, tin bọn lính Lê Dương xâm nhập Nhà Đỏ, chơi xong ôm quần bỏ chạy - hoặc xe nhà binh đâm chết người, đăng báo chỉ được phép ghi xe I.C. ( Infanterie Coloniale ). Thời điểm này, tự tử bằng pháo xiết là nhiều nhất. Rồi tin cướp giật giữa ban ngày, giết người, cướp của ở Khâm Thiên xảy ra như cơm bữa, nhiều như nấm mọc sau mưa, không sao kể xiết !
Từ 4 quận lết về tòa soạn, vào tháng củ mật chờ phát lương tết- tôi phải ngồi chờ chủ bút Vũ Ngọc Các kiêm trị sự- ông đi từ sáng sớm, trưa ghé tòa soạn ít phút - gặp được ông thì mừng khôn xiết- dầu chỉ được phát lương 500 đồng Đông Dương tiêu tạm .
Đạp xe đạp về nhà riêng thư ký tòa soạn, mệt bở hơi tai, - chị Anh Hợp cho biết - 500 đồng bạc vào 30 tết còn mua được cái gì rẻ ? Hang phố đóng cửa chẳng kẻ bán, người buôn, chợ chiều cuối năm bán đắt như mả tổ ?!
Giao thừa, vợ chống anh Anh Hợp và tôi, sau thêm kịch-tác-gia Sỹ Tiến ****ngồi quanh mâm lùa bát cơm trắng với thức ăn rất khiêm nhường ! Đúng là bữa xoàng xĩnh nhất của một chiều 30 tết ?!
Sỹ Tiến nói:
- Cậu bị vào Quận Nhất phải không ? Tôi nhờ người quen tới bảo lĩnh, thì cậu đã về rồi. Nên chọn bạn mà hơi, sao lại có thể thân với thằng bạn mắt trắng, môi thâm ấy được ?! Nó định hại đời cậu, cốt không cho mọc mũi sủi tăm - bằng cách định đưa tin vặt này tới khắp các nhật báo đăng tin cậu học sinh ăn cắp tiền quỵt tiền trọ, tiền cơm tháng ! Ông Đạt, ông Điếc gì đó đến tận tòa sọan Thân Dân, xin gặp chủ bút để yêu cầu đuổi tên phóng viên láu cá mất dạy quỵt nợ - may sao , chỉ gặp Anh Hợp, thư ký tòa soạn che chở cậu đấy! Ông Anh Hợp nghe xong, ghi chép sự kiện, hẹn mai báo đăng - sau đem vứt sọt rác. Tớ già rồi, nhiều kinh nghiệm đời,khuyên cậu nhớ " giàu vì bạn, sang vì vợ," nghe rõ chưa, người bạn trẻ ?
Sau tết ít lâu, giám đốc Vũ Ngọc Các vẫn không trả sương sòng phẳng. và tôi tiếp tục lê lết đoạn đời lê thê kia, định bỏ việc mà chưa có việc làm khác,đành chịu đựng vậy.
Khi ông Các sang Paris họp hội nghị gì đó - ông Hải thay thế tạm vai chủ bút kiêm trị sự - tay này là công chức háo danh, bỏ tiền túi trả tin Vietnam Press hàng tháng, cắt tin trang 1 - in ngay danh thiếp mới :
TẠ ĐÌNH HẢI
Giám đốc chính trị nhật báo Thân Dân
Dây nói :402 - 404
132 , Rue Duvigneau
HANOI.
Trong xe hơi, chiếc bảng đồng khắc dòng chữ hệt danh thiếp, kính phía trước dán PRIORITÉ / PRESS - nhìn dòng chữ đầy uy quyền ưu tiên của tên chủ bút nặn hàng buổi chưa ra được một bài xã luận , nhưng làm dáng chẳng ai bằng anh ta ?! Tay này tính tình hách xì xằng, lên mặt lớn tai to , ăn nói một tấc đến trời !.
Tin tức đầy đủ, không phải nhờ chiếc xe hơi kia cung cấp - thực ra từ chiếc xe đạp của tôi lội qua ngõ ngách, nơi nào xảy ra cướp bóc, viết tường thuật.
Bài viết tường thuật diễn thuyết văn học , viết xong, tôi gửi tạp chí Đời Mới trong Nam đăng- như bài Địa vị Hán văn trong Việt ngữ / Ngô Thúc Địch, học giả đăng đàn diễn thuyết tại Đại học Văn Khoa Hà Nội. Còn giám đốc Hải luôn chỉ thị, tôi phải theo dõi tường thuật buổi đá bóng viết bài- thiệp mời tham dự bị tịch thu dành cho phu nhân ưa thể thao tham dự. Tôi đành mua vé đen, tự trích từ tiền lương còm cõi, lắng tai nghe lời chủ dặn:
-Thế nào cậu cũng phải đi, viết tường thuật cho hay vào nhé!
Ít lâu sau nữa bị dồn ép tới chân tường , chịu không thấu, tôi xin thôi việc.
***
Biết là minh đã trắng tay, thôi lại đành xoa hai bàn tay trắng vào nhau, không thể làm gì hơn, tự nhủ " trời sinh voi, sinh cỏ" - mà ở thủ đô cỏ mọc trên vệ đường, công viên, ai giẵm lên thì cảnh binh phạt, chẳng thấy voi nào gặm cỏ ngon lành cả ! Lúc này tôi không còn ăn, ở tại nhà anh chị Anh Hợp nữa - mà về trú chân tại nơi nhà người bạn tên Nguyên ở Chùa Vua. Từ khi Anh Hợp thôi làm thư ký tòa soạn Thân Dân, anh cũng lâm vào cảnh túng quẫn, bởi nghiện a phiến !
Ở nhà Nguyên - lúc này thuê ở phố Trần Nhân Tông - tôi chỉ ngủ nhờ, ăn uống tự chu cấp không phiền nhà bạn.
Nói ra vẻ thôi - ăn uống tự chu cấp - chỉ là ăn bánh mì, uống cà phê chịu ở môt quán nằm trên vỉa hè phố Mai Hắc Đế - gần Nxb Hiến Nam, nơi in tập thơ Hương Mùa Loạn của Mọc Đình Nhân- bây giờ Nhân thế chân thư ký tòa soạn Anh Hợp - từ đấy thơ chua của Ống Nhòm đăng hàng ngày ròng rã. ( tên thật Nguyễn Thế Hiển).
Riêng tôi, tự cho gặp vận may - chủ quán cà phê từng bán khi tôi còn làmbáo, có lương tháng, mỗi lần có tiền công sổ trả nợ đầy đủ, nên rất được tín nhiệm.
Từ đầu tháng qua, nghỉ việc, sao ngày tháng trôi quá mau - đầu tháng chẳng biết lấy tiền ở đâu ra trả nợ đây ? Vậy có bữa nào không thể ăn chịu bánh mì, đói quá, tôi lết tới nhà Nguyễn Thế Hiển ở Hàng Chuối " ăn boóng - nhưng phải chờ lúc mẹ và em của Hiển vắng nhà. Đôi khi, quần áo giặt nhờ ở đây, phơi lén, cất lén. Hai em trai của Hiển ,với tôi , nỗi khổ tâm lớn nhất , khi đến ăn nhờ, ở đậu nhà bạn. - nhiều lần tôi cố gây cảm tình với chúng, đều vô hiệu !
Thế Hiển sống cùng mẹc ùng 2 em - từng kể cho nghe gia cảnh gia đình. Một lần anh đưa tôi vào tận nghĩa trang Hà Đông, tôi và anh nhổ cỏ trên mộ bố anh; cả mộ chị gái vừa qua đời chôn cất ở đây. Bạn bè gọi Thế Hiển là chàng Tú Mỡ báo Thân Dân - khác ở chỗ - Tú Mỡ được hưởng lương báo Ngày nay - mà Ống Nhòm chỉ được cho lậu một tờ báo đóng dấu Kính biếu.
Hiển tâm sự:
- Tao với mày, thằng có tóc, thằng không ***** áo quần cháo lòng dăm, bẩy chiếc ; cả hai sống khốn khổ là thế, lao vào nghề buôn văn bán chữ lao đao là thế ! Bây giờ, bươc đầu thôi chẳng nói làm gì, nhục nhã chất chồng - sau này không biết có thằng nào mọc mũi sủi tăm tựa Cao Bá Quát , Nguyễn Du ?
Khuôn mặt lưỡicày, hàm răng hơi vổ, nụ cười méo xệch, tìm mãi được điếu thuốc lá trong túi quần, Hiển đưa lên môi châm lửa, hít một hơi, nói tiếp:
- Tao không còn điều gì tiếc mày không kể cho nghe. Chị tao chết vì bệnh gan, không tiền chạy thấy chạy thuốc. Bố tao , công chức quèn ở Hà Đông xơ sác nghèo, cơm chẳng đủ ăn tiền đâu mua thuốc khi con ốm ? Khi Hiển biết tôi có ý định vào Saigon, anh khuyên:
- Xin passport khó lắm, tao chúc mày thành công. Vì với mày, có cái gì được coi khó đâu? Cũng chẳng ai có thể ngăn cản nổi mày, một khi đã quyết định làm một việc gì. " Tuổi trẻ chỉ thành đạt khi dám mạo hiểm"- tao không nhớ lượm kiến thức này từ đâu?
Hiển biết hoàn cảnh khó khăn bạn, từ khi bỏ làm báo, đã bán đi chiếc xe đạp có tiền trả nợ ăn chịu bánh mì ốp- la, uống cà phê ghi sổ. Một nhà báo trẻ ăn tiêu cho quán vỉa hè này: 15 đ / ngày quả là sang ! Chỉ một duy nhất Hiển biết tôi ăn vậy trừ bữa trong ngày mà thôi.
Tôi bảo Hiển:
- Tao thiếu họ 2 tháng rồi, bây giờ chưa dám vác mặt tới. Thôi cho tao về nhà mày giặt bộ quần áo hôi hám này nhé ! Hình như bà cụ và 2 em mày đã về quê chơi ?
- Ừ, mau lên, keo mẹ, 2 em tao về thì mày lại khó chịu !
Thầy hiệu trưởng Bùi Hữu Sủng Hàng Bè cầm tấm thông hành của tôi -ngạc nhiên không hiểu tại sao tôi lại được cấp dễ dàng đi Nam như vậy ? Bởi nhiều người xin cấp thông hành, kể cả kẻ sẵn tiền nhiều bạc đã từng thất bại ? Giáo sư Sủng đọc thư vay tiền, ông trao ngay cho Thế Hiển 500 đồng cầm về, nói ít lời" để anh ấy có lộ phí đi Nam nhé !"
Có tiền, chúng tôi tới cà phê Hợp ở ngã tư Gia Long + Bà Triệu - hai thằng ngồi vào một góc khuất vắt chân ,ung dung gọi cà phê, thuốc lá thơm .
Nhớ lại có lần khi còn ở nhàcô ruột- một lần 2 chị em Trần Tĩnh, Trinh Kiều có mặt trong quán. Trinh Kiều tới nhà , gặp cô ruột tôi, mách ngay:".. trượt tú tài là đúng, cháu thường gặp anh ấy la cà ở cà phê Hợp Bà Triệu." Trinh Kiều gọi chú dượng tôi bằng cậu , lâu lâu 2 chị em cô này ghé thăm cậu ruột. Thế là bị bà cô mắng, nhiếc thậm tệ, cho ăn mấy tay thước - sau lại gặp một chuyện gì đó không thể chịu nổi, tôi bỏ nhà bà cô ra đi.
Có một buổi tối lên phố Hàng Đào , tìm gặp bạn học cũ trường Phan Đình Phùng , tên Khải .Anh, con một thương gia buôn vai giàu có ở Hàng Đào, có nhà riêng phố hàng Trống.
Khải hứa giúp tôi 1000 đồng- với điều kiện - phải chờ đúng lúc anh ngồi ở quầy thâu tiền, tôi đến đó nhận.
Gặp Khải, hỏi tôi đã cơm cháo gì chưa ?- vì biết tôi luôn ở tình trạng đói, khát.
-Mày chưa ăn gì phải không ?
Lắc đầu, Khải nhìn tôi, nói tiếp:
- Đúng ra , tao không tặng mày, dầu chỉ 1 đồng -Khải nói giọng trách móc - vì mày làm mất Con trâu / Trần Tiêu cho mày mượn. Bởi tao quí sách. Nhưng đã mời mày ăn - tao không giận mày nữa - tao cầu mong rồi mày sẽ trở thành nhà văn , đích thực đúng nghĩa nhà văn.
Chưa bao giờ tôi cảm thấy" đời còn ý nghĩa đáng sống" như lúc này !
Bây giờ , tôi đang đi loanh quanh Nhà thờ Lớn, miên man suy ngẫm về chuyện mạo hiểm đi Saigon làm văn, viết báo. Tay cầm cục oản, trái táo Khải cho ( chắc nó lấy ở bàn thờ ) + đồng tiền Siếu mẫu, bát cơm ngàn đáng nhớ trong khúc đời nghèo khổ !
***
Về lạ iHà Nội lần đầu, sau 40 năm - tôi có ý định phải tìm bằng được Khải con chủ tiệm bán vải ở Hàng Đào - nơi này hiện nay không còn hàng vải lớn như xưa . Một bạn quen Hà Nội cho hay, có biết Nguyễn Đăng Khải, con chủ hiệu Tân Vinh, lấy vợ cô giáo, cùng con cái , sống đâu đó ở Phù Đổng Thiên Vương ?!
Thế là, tôi dành vài buổi chiều ngồi lì ở công viên Phú Đổng , đôi mắt ráo rác tìm hình bóng cậu Khải - con chủ hiệu Tân Vinh - mà sao không thấy, không gặp, thật là chưa có cơ may rồi !
Người tình yêu dấu thời trẻ của tôi , Đặng Ngọc Oanh không còn ở Hà Nội , thì tôi đã biết ! Mỗi lần qua phố Đội Cấn, tôi vẫn tìm thấy nhà nàng ở đây, nhà cũ, chủ mới. Nàng Oanh của khu Quần Ngựa xưa kia, đã từng cùng tôi học bài ở sân sau chùa Trấn Quốc, và bây giờ thì Trại Quần Ngựa chỉ còn lại cái cổng kỷ niệm từ thời Tây !
***
Lần này về Hà Nội lại sống với kỷ niệm vui, buồn lẫn lộn- chỉ điều nào buồn mới nhớ lâu, dễ làm mủi lòng khi nhớ tới.
Hà Nội của tôi và Băng Sơn ở thập niên 50 - chúng tôi cùng tuổi, cùng thời học sinh, cùng khởi sự làm văn, viết báo. Nay, tôi người từ xa trở về sau 40 năm, còn Băng Sơn vẫn là người của Hà Nội cắm trụ gần 3/4 thế kỷ. Nay, thật mừng ,còn gặp lại nhau, sau bao thăng trầm, biến thiên bãi biển, nương dâu !
Hà Nội mùa thu lại về !
Bỗng lãng đãng nhớ câu thơ:
Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em
Gió thổi mùa thu vào Hà Nội .
( NGUYỄN ĐÌNH THI )
Một người yêu Hà Nội thấm vào từng xớ thịt, làn da, ăn, uống, hít, thở, sống ,viết, giang tay như ôm Hà Nội vào lòng- chỉ một Băng Sơn , văn sĩ Đông Đô,Thăng Long, Hà Nội- và tôi ghé chung nhìn Hà Nội cùng :
"...Hà Nội hôm nay đã có trên 400 phố, gấp hơn 10 lần thành phố xưa của Phạm Đình Hổ, của Nguyễn Siêu, của Thạch Lam, của Hồ Gươm xanh biếc như mắt giai nhân vạn tuổi, chiếc lược đó đón bình minh với đôi chân cắm xuống lòng hồ, nơi Rùa thiêng trú ngụ. Vẫn còn một Hồ Tây, nơi ông Trạng Bùng- Phùng Khắc Khoan làm thơ thù tạc với Tiên , nơi Phủ Tây Hồ thờ bà Liễu Hạnh, thấp thoáng cánh chim sâm cầm trong hoàng hôn thu muộn óng ánh bóng thuyền thoi...
...Làng hoa có Ngọc Hà, Hữu Tiệp ,có tư thời nhà Trần đã lìa xa xuống Vĩnh Tuy, sang Đông Anh, lên Tây Tựu để đưa hoa cho người Hà Nội hàng ngày tươi rói, từ hồng Đà Lạt, "lơn "Thái Lan , cúc Hà Lan Lilis mới nhập.
Các cô gái bán hoa rong trên đường phố, nhà cô ở đâu, cô có gánh nước trong cái hồ ngập xác máy bay B-52 hay đã dùng máy bơm làm mưa nhân tạo cho óng ánh bảy sắc màu cầu vồng bằng bàn tay chăm chút, để các cửa hàng hoa tươi còn mở tới khuya cho người Hà Nội mua hoa tặng nhau mùa cưới, tặng ca sĩ, trao sinh nhật.
Một Hà Nội muôn mầu nghìn vẻ, mang cốt cách tài hoa, tao nhã vào một Hà Nội hiện đại, không cần nhiều tầng cao, nhưng vẫn đủ những tầng sâu cho hồn ta say đắm khôn cùng !
(....)
Có một lần, người viết bài này đưa một người bạn xa Hà Nội 40 năm đi rong phố, rẽ vào ngõ Phất Lộc, uống tách cà phê thơm lựng, thơm như dĩ vãng, thơm như tuổi dậy thì từng sống, sau đó đưa ra ngoại ô.
Đó là một nhà văn từng tung hoành thế mà cũng phải ngạc nhiên trước một Hà Nội mở rộng ngoài tưởng tượng !
Con đường Hoàng Quốc Việt có Viện Khoa học, nguyên chỉ là một bãi lầy và ruộng nước cây hoang.
Con đường từ chợ Bưởi sang Cầu Giấy, từng có cái đấu đong người để đếm quân thời xưa ấy, nay là bờ sông Tô Lịch ơới vườn ươm bát ngát xanh rờn, người, xe như hội.
Cuốn sách Hà Nội 40 năm xa của nhà văn Thế Phong ở Sài Gòn chính là nói về Hà Nội của chúng ta tự đổi thay mình, từ xưa cũ đi vào hiện đại, như huyền thoại kể rằng con chim phượng hoàng thiêng đủ nghìn tuổi thì tự lao vào ngọn lửa để sinh ra con phượng hoàng sơ sinh đầy sức mạnh và hào khí!...
Hà Nội vừa là thế vừa là không thế !...
Cốt cách một ngõ Tràng An lặng tờ, một Hàng Đào đua chen, một chợ Đồng Xuân tíu tit vẫn đan xen vào một Hà Nội đêm đêm âm vang tiếng còi tàu, ngày ngày đang làm đẹp bằng con đê xi măng cốt thép, bằng những thế hệ người Hà Nội mới, vừa đài trang vừa mộc mạc vừa tài hoa vừa cần cù, mà rõ nhất là thế hệ lớn lên từ sau ngày giải phóng, đang chiếm lĩnh mọi lĩnh vực từ đời sống kinh tế đến văn hóa ...
Thật tiếc cho những ai sớm ra đi, không được có mặt mà chứng kiến ngày Hà Nội tròn 900 năm và 1000 năm sắp tới.
Tầng sâu Hà Nội đang cựa mình mà mỗi năm, đến ngày 10-10, ngày thủ đô được giải phóng, ta lại bồn chồn như đứng trước vườn hoa đầy những nụ bán khai chờ nở rộ.
Hoa hoàng lan đang thơm ngát phố Phan Đình Phùng, hoa sữa đường Nguyễn Du còn chờ sương cuối thu mà nồng nàn tình ái.
Cây lộc vừng 9 gốc bên Hồ Gươm đang thả những tua đen, đỏ tưng bừng ... ta đi, ta hãy đi, để Hà Nội thấm vào lòng ta mối tình thành phố quê hương, vừa là nghìn xưa cũng vừa là hiện đại trộn lẫn với tương lai ******./.
BĂNG SƠN .
[]
Sài Gòn, cuối 1999.
đọc lại có sửa chữa ,
phường Tân Định - tháng 9 / 2005.
THẾPHONG.
(trích HàNội 40 năm xa, Nxb Thanh niên tái bản -2006 - tr. 155-174).
-----
* -bộ phận sinh dục nữ (tiếng lóng HàNội 1959.)
** -máy computer của tôi không có dấu c cédille.
*** -Les immondices dans la banlieue -in chung -
trong Le Crépuscule de la violence, Ed. Trình Bầy , Saigon 1969.
**** -Sỹ Tiến ( Nguyễn Xuân Kim 1915-1982 ) , NSND -
tác giả " Những mảnh tình nghệ sĩ" ( Hà Nôi 1952).
***** - thời kỳ này tóc hớt cua " " - đầu đinh bây giờ.
****** -trích" Chiều sâu Hà Nội / Băng Sơn / Nguyệt san" Lao động Thủ đô",
tháng 10-1999.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét