Thứ Năm, 10 tháng 11, 2011
VƯƠNG ĐỨC LỆ !...(1937-2008) MỘT CÁI TÊN- MỘT ĐỊNH MỆNH / Hoàng Vũ Đông Sơn
LỜI DẪN .-Hoàng Vũ Đông Sơn ( 1939- ) tác giả Tháng hai buồn đọc lại Lỗ Tấn ( Văn Uyển xuất bản , San Jose, Cali. 2002) vừa là bạn văn- nghệ vừa bạn cà phê-cà pháo, rất hợp-gu đấu láo chuyện văn chương ở quán Tường Vy , bên bờ sông Thanh Đa. Anh thường gửi tôi đọc bài viết mới - tất cả là bản viết tay- chẳng hạn bài tưởng niệm đăng dưới đây - từ 3 năm qua, nay lục lại mới tìm thấy.
Chàng V.Đ.Lệ chuyên ngồi sau xe gắn máy, đeo kính đen xùm sụp , hút thuốc lá như điên - it kẻ biết thân phụ anh - em ruột phu nhân đại chủ bút tạp chí Nam Phong, Phạm Quỳnh. Những ngày ở Saigon ( năm 2000) , mỗi lần đi qua tư thất thi sĩ-họa sĩ Lê Thị Kim ( 1950 - ), Lệ lên tiếng giục: "... hãy giảm ga chầm chậm thôi, vào thăm Kim một tí thôi, được không bạn ta ơi !... ?..
Rồi sang định cư ở Virginia - trong 2 tên ái mộ - một tên ong ỏng hát:".. cớ sao buồn này Kim ... em ở đâu làm sao biết để tìm." - và tấm chân dung nàng bị đóng khung định vị trên tường gần bàn viết. Chẳng cấn phải dấu giếm - một trong 2 tên kia - một tên là Vương đức Lệ ( 1937-2008).
Thếphong.
Vương Đức Lệ!...
( 1937 - 2008)
Một cái tên - Một định mệnh .
Hoàng Vũ Đông Sơn.
Trong bài hát HUYỀN THOẠI MỘT NGƯỜI MANG TÊN QUỐC, nhạc sĩ Phạm Duy có ca từ: " Đặt tên cho anh là QUỐC ... Đặt tên cho anh là NƯỚC. Đặt tên cho Người đặt tình yêu nước vào nôi ". Thời điểm khói lửa nghịt trời ấy, thế hệ chúng tôi đã nghe mãi nghe hoài và lần nghe nào cũng chấn động cả tâm can. Bây giờ đây đã bước vào tuổi " tòng tâm sở dục", tôi vẫn phục Phạm nhạc sĩ có lời khơi gợi truyền thống:
" Quốc ân thần khả báo (1)
" Phụ nghiệp tử năng thừa "
Các đấng phụ chấp của thi sĩ Vương Đức Lệ đâu có ngờ con em cháu chắt mình, lại là một thi nhân tài danh. Các cụ mong anh " hay ăn chóng lớn" đọc sách ngâm thơ... dùi mài kinh sử.." nên đã đặt tên cho anh là Lê Đức Vượng. Họ Lê mà Vượng được Đức thì cũng Trạng nguyên, Tể tướng như ai .
Nhưng Trạng nguyên chỉ là anh học giỏi. tể tướng chỉ là anh nhiều quyền lực nhất thời. Trạng nguyên mà dùng tài học để tải đạo như thầy đồ Chiểu đã không biết mỏi, khi: " Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm..." Trạng nguyên gì mà chỉ lấy cái học vị cao ngất ngưởng để xu thời phụ thế, dựa vào cường quyền rồi lấy chữ nghĩa để lòe đời là quá tồi. Tể tướng có tài một tí mà độc tài, vô tài mà gồng lên độc đoán thì bỉ ổi, lưu xú vạn niên. Còn thi nhân đích thực, họ là Vua không ngai nên thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã tự xưng là Bạch Vương. Thi sĩ Hô Dzếnh có những câu thơ khiến các nhà phân tích phê bình văn học ngỡ ngàng; nhức đầu khi theo dòng cưa ngang xẻ dọc - để rồi thâm cảm với thi sĩ bằng phản đề ...."
" Có những người thơ, thơ rất thơ
" Óc thường đi vắng mắt theo mơ
" Chân đi ắt hẳn không bằng đất
" Trong cuộc trần ai bước hững hờ . "
Thi nhân đích thực chỉ xuống lời khi yêu những gì đáng yêu, ghét những gì đáng ghét, bằng cảm nhận rất riêng tư của mình là vẽ ngay. Bối cảnh lịch sử xã hội mình đang sống bằng cả tâm chí. Cổ nhân bảo: " Thi trung hữu họa" là vậy.
Cũng như nhà văn Thế Lữ, tiên sinh có tên thật Nguyễn Thứ Lễ. Vương Đức Lệ là Lê Đức Vượng. Nguyễn văn gia ở cái" Thế" đi vào quẻ " Lữ"- nên Cuộc Lữ lắm gian nan. Còn Lê thi sĩ thì Lệ cứ phải rơi, thậm chí đến rơi cả một mắt để khóc thương cho cả non sông gấm vóc này bị đạn bom cầy xới, khóc cho mấy thế hệ tuổi trẻ phơi thây ngoài chiến địa. Lệ cứ vương dài theo tháng năm để thấm đẫm những trang sử hào hùng hay đốn mạt ( !?).
Vương Đức Lệ:
- Một cái Tên
-Một định mênh !
Thi nhân này do đức trạch của họ Lê ở đất Hồng Châu xưa nay là tỉnh Hải Dương có một Vương Đức Lệ tuyệt vời - Hay do tứ khí của non sông, hạnh vận của giống rồng nòi tiên đã đản sanh ra những Bạch Vương trong đó có Vương Đức Lệ.
Vương Đức Lệ - Một Đời Thơ.
Thơ anh khóc cho Đời ! Nay bầu bạn khóc anh. Tôi khóc anh :
Vương Đức Lệ ơi !
Ngàn đời sau khi chép chuyện hôm nay
Chắc cũng đến cúi đầu rằng :
Số mệnh của anh của tôi của chúng ta :
Tuổi trẻ mở mắt chào đời đã thấy :
Đấu tranh Thấy dớn đau, thấy gào cơm khóc áo.
Thấy đạn bom, thấy địa đạo hầm chông
Thấy cha anh, thấy quê hương ngùn ngụt
Oán hờn dâng, ngày tháng dâng lên cao (2).
[]
HOÀNG VŨ ĐÔNG SƠN
Saigon 30. 01. 2008
( 23 tháng Chạp Đinh Hợi )
-------
(1) Nguyên tác là đôi câu đối ở Điện Thái Hòa, kinh đô Phú Xuân: " Thần khả báo Quân ân / Tử năng thừa phụ nghiệp ". Cao Chu Thần cho là quân thần nghịch đảo, phụ tử đảo điên nên đề nghị xin vua Tự Đức cho sửa lại là :" Quân ân thân khả báo / Phụ nghiệp tử năng thừa ".
Bây giờ không còn vua, chúa, tên gọi được đổi khác : Quốc trưởng, Tổng thống, Chủ tịch nước vv...nên H.V.Đ. S. xin tiền nhân Cao Bá Quát đại xá kẻ hậu sanh dám tái" cấu trúc " chữ thứ 1 trong vế xuất: " Quân biến thành Quốc" cho hợp cảnh hợp tình .
( Chú thích H.V.Đ.S.)
NỖI NHỚ NGỌT NGÀO
Lê Thị Kim
Tóc bồng bềnh nụ gió
Con chim hót trên đầu
Như hơi thở ai một chiều lá ngâu
Và những bông hoa nắng
Những hoa nắng lung linh trên lá
Ơi, nỗi nhớ ngọt ngào...
Chiều nay
Ta gặp lại ta
Trong vườn ngâu xưa cũ
Tay lạnh
Ấm ướt nước mưa
Và gió và tóc
Những nụ ngâu vàng lấm tấm
Và đâu đó
Ánh mắt ai thẫm nâu...
Không còn những nụ hôn
Không còn những vòng tay ghì chặt - bất chợt
Không còn những ánh mắt ẩm ướt đắm đuối
Không còn
Không còn...
Đọng giữa chiều xuân
Chỉ một riêng ta
Ơi, Nỗi nhớ - ngọt ngào*
LTK
-------
* .. sau ngày thi sĩ Vương Đức Lệ qua đời, nữ sĩ làm bài này trao tôi - riêng tôi biết " vì ai mà có ".. Một vài thi tứ "...những nụ hôn, vòng tay ghi chặt, bất chợt ..... -" thi tứ ảo đấy thôi " - chỉ " nỗi nhớ ngọt ngào" là không ảo mờ "- có phải đúng vậy không, nữ sĩ ?
( Chú thích T.P.)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét