Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012

những khuôn mặt văn nghệ đi qua đời tôi ... tạ tỵ 12


                            NHỮNG KHUÔN MẶT VĂN NGHỆ ĐÃ ĐI QUA ĐỜI TÔI    12

                                                         hồi ký văn học : tạ tỵ


           Tôi ở trong thành phần  được chọn quân khu.   Sau khi tham khảo ý kiến vài anh em  cùng trung đội, họ nói: Ở trong Nam mặt trận nhẹ hơn.   Tôi quyết định chọn Quân khu 1 do đại tá Lê văn Tỵ làm quân khu trưởng.  Lúc ấy có 3 quân khu, quân khu 1 ở miền nam, quân khu 2 ở miền trung và quân khu 3 ở  miền bắc.
 
             Tôi biết, khi chọn quân khu , tôi sẽ phải xa gia đình, xa bạn bè thân thiết, với biết bao kỷ niệm, như đã viết ở trên, những điều chính yếu, tôi phải lo cho bản thân mình đã.    Về sau, tôi thấy rõ có bàn tay định mệnh an bài !   Nếu tôi không chọn miền  Nam lúc ấy, thì đến ngày 20 - 7- 1954, sau khi Pháp và Việt Cộng ký kết chia đôi Việtnam, từ vĩ tuyến 17, thì tôi cũng phải vào Nam như những quân nhân và đồng bào di cư khác; hoặc giả, vì lý do nào đó, tôi đào ngũ ở lại Hànội, chắc tôi cũng bị Vi-Xi  đưa đi cải tạo từ lâu, chứ không phải chờ đến sau ngày 30-4-1975.

             Mỗi khoá sinh ra trường được nghỉ phép 15 ngày.   Những ai  ở miền Nam, có thể khăn gói ra về ngay ngày hôm sau; còn những ai ở ngoại bắc, miền trung, phải ở lại Trường ít hôm chờ làm thủ tục, lấy vé máy bay dân sự.   Tôi nhớ rõ hôm lễ mãn khóa, ngoài các sĩ quan Pháp, từ cấp đại tá trở xuống, còn có nhiều sĩ quan Việtnam,  từ Bộ Tổng tham mưu phái đến tham dự, tuyển chọn một số sĩ quan mới ra trường, vào các ngành mà Bộ Tổng tham mưu đang thiếu; nhất là Phòng 5 phụ trách tác động tinh thần.    Tôi nhìn thấy một  vị thiếu tá mặc quân phụ trắng,  vóc người tầm thước, vai mang 4 gạch vàng trên màu huyết dụ, màu của Quân y.   Một anh bạn ngồi kế bên, hỏi nhỏ, có biết ai đấy không ?   Trả lời không. Cho biết, nếu tôi quen được ông ta  thì đỡ lắm !  ông đó tên Đàm Quang Thiện,* thiếu tá quân y, đang làm  việc ở Tổng tham mưu, phòng 5, tại đường Trần Hưng Đạo.   Tôi nghe biết vậy, chứ quả tình, không quan tâm, dù  có quen sơ một người đang làm việc tại Phòng 5.  Người này mang cấp bậc thiếu úy, làm dưới quyền thiếu tá Trần Tử Oai.  Sở dĩ quen thiếu úy này, khi  còn đang học ở quân trường, tôi được 1 anh bạn đồng khóa đưa đến nhà bà con ở phố Lê Lợi, nơi thiếu úy đó thường lại chơi cuối tuần,  nên quen nhau.    Sau lời giới thiỆu của chủ nhân, anh hứa sẽ giúp tôi   về phục vụ ở Phòng 5, ở đó , đang cần sĩ quan có khả năng chuyên môn như tôi,  Nghe, biết vậy thôi, tôi không mấy tin !   Riêng  nghĩ, đã mang thân lính, chấp nhận may rủi , kể cả  sống , chết đến bất cứ lúc nào !   Trước mắt tôi khi ấy, mong có 1 giấy máy bay càng sớm càng tốt, để trở ra Hànội gặp lại gia đình.

 -----------
* từng  đạo diễn phim Việt đầu tiên vào thập niên 30- " Cánh đồng ma "  -  quay ở Hồng Kông, có Nguyễn Tuân đóng 1 vai phụ. Sau 1975,  được 1 Mạnh thưường quân tặng  tiền hút thuốc phiện , Đàm Quang Thiện rủ Lê Tràng Kiều đi hút" lậu", khi trở về nhà , Đàm Quang Thiện bị trúng gió, qua đời. Xem thêm  "Cuộc đời làm văn, viết báo TAM LANG -TÔI KÉO XE  / THẾ PH0NG ( Nxb Văn hoá  thông tin )  (TP).
---------------

            Sau 1 tuần lễ đợi chờ, chúng tôi cũng lần lượt lên may bay trở ra Hànội.   Đặt chân tới phi trường Gia Lâm, có xe GMC đưa chúng tôi đến Bộ Tư lệnh quân khu 3 ( trại lính Khố xanh cũ ) ở trước cửa  Rạp chiếu bóng  Majestic  phố Huế * .  Chúng tôi vào trình giấy phép, đóng dấu ngày đến xong, từ đó, ai muốn về nhà, tìm lấy phương tiện riêng thích hợp .
------- 
 *   tác giả Tạ Tỵ nhầm, đó là phố Đồng Khánh, sau Hiệp định Genève , chính quyền Hànội   đổi lại tên cũ xưa,  Hàng  Bài . Khi ấy  Đệ Tam quân khu do thiếu tướng Nguyễn Văn Vận  làm chi huy trưởng. (TP). 
-------
             Vể đến nhà, vợ con không nhận ra, vì tôi mặc quân phục, vai mang cấp hiệu vàng chóe, đầu đội bê-rê, tóc hớt cao, da mặt đen xạm, chứ không còn phong độ như thưở chưa đi lính.   Nhưng chỉ 1 thoáng sau, cả nhà xúm xít vây quanh tôi, như 1 chiếc lưới đan bằng tình nghĩa thương nhớ vô vàn !
              15 ngày phép sao đi nhanh vậy !   Tôi đã tận hưởng tất cả những gì có thể hưởng được, để khi xa Hànội chưa biết bao lâu, cũng không hối tiếc.   Sau vài ngày quấn qúit cùng gia đình, ăn uống thỏa thích, tôi, một mình đạp xe đi rong chơi khắp phố phường Hànội.

               Hànội, nơi tôi được sinh ra  từ lòng mẹ, đã tập nói, tập đi, như xương với máu; tôi không bao giờ có thể ngờ được, có 1 ngày tôi sẽ phải xa nó !   Tất cả những con đường, vỉa hè, đại lộ, hoặc lộ nhỏ đi nữa , như ngõ Phất Lộc ,  Sầm Công v. v... đều mang dấu chân tôi với kỷ niệm tuổi học trò thơ dại.   Hànội đã đùm bọc tôi như chiếc ổ bằng tơ che chở chim con nhỏ bé.   Rồi lớn lên trong tuổi thanh niên, tôi giao du, hư hỏng ra sao  - Hànội biết và vẫn bao dung tôi !   5 cửa ô Hànội như 1 bàn tay xòe ra thân ái, vỗ về, ru tôi vào con mơ mộng điên cuồng tuồi trẻ.   Cửa ô nào, tôi củng để lại những kỷ niệm vui, buồn.   Cửa Ô Quan  Chưởng, với gạch ngói cổ xưa, loang lổ màu thời gian, đã bao nhiêu đêm tôi qua lại dưới cái kiến trúc nặng nề đó để men theo lối hẹp, nơi ó ngọn đèn dầu đỏ loét treo trước căn nhà cũ kỹ, tường quét vôi trắng; nơi đó, chính đã nhiều lần, tôi tìm thú vui thân xác đàn cùng Nguyễn Giang, Thượng Sỹ và nhiều anh  em khác.
 
                Cửa Ô xe Cầu Giấy, với hàng cây phượng vĩ bên đường cao ngất, mỗi độ hè về, hoa nở rực rỡ; nơi tôi cùng người yêu đắt tay nhau đi thăm đền Voi Phục.   Chúng tôi đã ngồi dưới những tàng cây cổ thụ, ngửi hương cỏ dại,  để nghe tiếng lòng thù thi lứa đôi.   Nơi Cửa Ô này, trước khi, thi sĩ Tản Đà đã từng đi, đi, về về, thăm núi Tản, sông Đà .   Tôi cũng không quên ngôi mộ của tên đại úy Francis Garnier, đã bị quân Cờ Đen giết chết, trong trận giao tranh vào cuối thế kỷ XIX.   Ngôi mộ đen ngòm với những vòng xích to quây quanh, như xiết chặt số phận hắn vĩnh viễn ở trong  vùng tủi nhục.   Tôi làm sao quên được Ô Cầu Rền, cửa ô phía Nam Hànội, nơi ngày nhỏ, tôi thường theo Mẹ đi chợ tết.  Ôi cái cửa Ô nhớ nhớ làm sao, sau những cơn mưa phùn lê thê kéo dài cả tuần lễ trong mùa đông,lại mù khi  trời nắng.

               Chính đêm 19-12- 1946, tôi đã ra khỏi Hànội bẳng cửa ô này.   Con đường sắt dành cho xe điện còn chạy tuốt xuống Chợ Mơ, ngôi chợ chính, mỗi phiên áp tết đông nghẹt người mua, bán.   Tôi cũng không bao giờ quên xóm Vạn Thái, với dung nhan các cô ca nhi, mỗi khi chiều xuống, lại trao chuốt phấn, son môi mời mọc !   Chính nơi này, tôi đã nghe giọng hát Lệ Thu, một ca nhi tài sắc vẹn toàn.   Cho đến hôm nay, giọng hát đó vẫn văng vẳng bên tai như nhắc nhở ân tình.   Tội đã cùng Hoàng Chương,  Đinh Hùng, Lê Văn Thanh,  Bich Câu, tiêu phí tuổi thanh xuân ở Cửa Ô này, vì có 1 thời gian Đinh Hùng trú ngụ tai đây, trong ngôi nhà cổ, nằm sâu sau lối đi khúc khùyu của xóm ngoại ô nghèo  nàm, toàn nhà lụp xụp một xóm ngoại ô nghèo nàn, tói tăm. bẩn thỉu.   Nơi Đinh Hùng ở, phải đi qua chiếc sân rộng tối om.   Những hình cây, bóng lá nhấp nhô, đi đưa như hình bóng  ma quỉ.  Tôi đến đó ngồi nghe Đinh Hùng đọc thơ, những vần thơ thần tượng:

                                     Buổi chiều đến sầu lên Kim Tự Tháp
                                     Bóng ta đi hoài cảm góc trời mây !
                                     ... Lời nói im, ta nằm chờ siêu thoát
                                    Mơ hoàng thành dựng lại bản thanh âm
                                    Mười ngón tay  run
                                    Mở cửa để cầm
                                    Ôi kiến trúc một chiêm bao thần bí
                                     Ta lạc hồn giữa  lâu đài kỳ dị
                                     Suốt muôn đời không  hiểu dãy hành lang 
                                                        ( M Ê HỒN CA )

                Tiếng đọc thơ của Đinh Hùng cũng lạ lắm !   Nó không rè rè gay gắt như giọng Vũ Hoàng Chương, mà nghe như hát, nhưng tiếng hát không trong trẻo, nào bị khói hương nha phiến làm cho mờ đục như buổi sơm mai có sương mùa hè !

                Còn cửa ô Đông Mác, tuy không có gì đặc biệt , hai bên tòan là nhà, chổ thì buôn bán, chỗ không.   Cửa Ô này chia làm nhiều nhánh, có thể đi và đến nhiều nơi lân cận.   Nhưng từ Hànội muốn ra Cửa Ô này, phải đi qua phường Dạ Lạc, phố Khâm  Thiên - nơi đây, tôi và bằng hữu đã ghi nhiều kỷ niệm trước thời kháng chiến.   Mỗi Cửa Ô đếu có tên riêng,  tùy theo ý thich và nhu cầu của từng lứa tuổi mà gặp Cửa Ô.   Ô Chợ Dừa còn dẫn đến Ngã Tư Sở, nơi đây,  cũng có phường  Dạ Lạc bình dân hơn xóm  Vạn Thái, Khâm Thiên.  Đi nữa là tới Hà Đông.. Từ lòng Hànội, ngay nhà ga xe điện chính ở Bở Hồ, đấu phố Lò Sũ, một người có thể đi tàu điện vào thẳng Hà Đông, mất khoảng trến tiếng đồng hồ cho quãng đường dài 11 cây số, vì tàu phải dừng lại nhiều nơi.   Tôi cũng nhìn thấy nhà thơ Nguyễn Bính một lần trên con tàu điện từ Hà Đông ra Hànội, khoàng 10 năm trước.

               Nhưng Hànội đối với tôi đâu phải chỉ có 5 cửa Ô mà còn nhiều thứ nữa làm tôi lưu luyến, bịn rịn; nhưng không muốn xa rời !   Tôi phải tiêu thời giờ làm sao cho 15 ngày phép thật khít khao với dự tính, vì sau thời gian đó, tôi sẽ lên máy bay vào miền nam trình diện, nhận Sự vụ lệnh đí đơn vị nào đó, xa hay gẩn, chưa biết.  Nhưng có điều chắc chắn, sự trở ra Hànội là không thể nữa rồi !   Tôi cố quanh quẩn hoài trong suy nghĩ, làm sao với khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, tôi có thể thu hết hình ảnh Hànội mến yêu vào tâm khảm, để khi xa nó, không còn gì để tiếc nuối ân hận !    Hình như lính tinh đã báo trước,  đây là những ngày cuối cùng của đởi tôi được tự do, bay nhảy trong lòng Hànội- một khi xa nó là xa luôn - xa vĩnh viễn không còn mong gặp lại !

             Tôi cưỡi xe đạp tung tăng đây đó, nơi nào đối với tôi cũng thân thiết quá chừng !    Hànội, một thành phố nhỏ , cổ kính, nếp sống phong kiến hình như vẩn ẩn nấp dưới từng nếp sinh hoạt gia đình, mặc dù thực dân Pháp đã có mặt gần 1 thế kỷ , cai trị, khai thác, bóc lột một dân tộc bị thống trị.   Yêu Hànội, tôi yêu từ lối đi nhỏ hẹp, gập ghềnh sỏi đá, tới đại lộ trải nhựa phẳng phiu.   Tôi yêu những viên gạch lát vỉa hè cho tới hàng cây  me, màu lá biêng biếc như mơ mỗi độ xuân về.   Tôi yêu tiếng ve sầu kêu ra rả suốt mùa hè trong vòm lá xanh xẫm của hàng cây sấu riêng bên ven hồ Hòan Kiếm.   Tôi yêu hàng liễu xõa tóc xuống mặt hồ long lang ngọc thạch, như có ai đem thả những chiếc thuyền vàng bé tí teo trôi lang thang theo chiều gió thổi.   Tôi yêu, yêu nhiều lắm, nào phố Huế  với những hàng cửa hàng quen thuộc, nào phố Trường Thi sang trọng, nơi này mỗi chiều thứ 7 rộn rịp son phấn, lụa là.   Tôi có thề đứng ở ngả tư  Trường Thi nhìn ra phía sông Hồng, thấy Nhà hát lớn,  nơi đó, tôi thường được nghe nhạc sĩ Nguyễn văn Giệp hòa tấu vĩ cầm cùng nhẠc sĩ dương cầm Nguyễn Văn Hiếu.

          Nơi đó, tôi đã xem cả đêm kịch và nhất là nơi đó đã được dùng làm Phong Triển lãm Mùa Thu trước ngày Kháng chiến  toàn quốc vài tháng.   Tôi có thề dạo quanh hồ Hoàn kiếm, để nghe tiếng thời gian lạo xạo dưới gót giầy.   Tôi có thể ngồi trên chiếc ghế đá, nhìn hoàng hôn thoi thóp trên  nóc Tháp Rùa và nhịp cầu Thê Húc đỏ chói, cong mình trên làn nước đưa ra đền Ngọc Sơn, mỗt di tích lịch sự.   Tôi có thể ngồi 1 mình cô đơn ở Trấn Ba Đình, nhìn đàn cá lượn tung tăng dưới làn nước trong suốt, tưởng có thể soi gương !   Biết bao giờ tôi mới có thể quên được các con phố quá quen thuộc, quá mến yêu từ thời thơ ấu đến hôm nay.   Nào hàng Đào, hàng Ngang , hàng Đường đến chợ Đồng Xuân.   Chợ Đồng Xuân có nhiều món quà ăn ngon miệng, như bún chả, nem, bún thang, cuốn v. v. ... Hỡi ai, là người Hànội, may ra mới hiểu lỏng tôi lúc này ! Khi đi kháng chiến, dù sao cũng mong có ngày chiến thắng trở lại Hànội, còn sự ra đi của tôi trong khỏang thời gain sắp tới không giống như vậy.

              Vào Nam, tức là tôi đã quyết  dân thân vào miền đất mới.   Ở đó, tôi hòan tòan không biết, không có một mảy may kỷ niệm.   Hơn nữa, tôi đã mặc bộ quân phục, vi mang 1 vạch vàng, có nghĩa là tôi phải trực tiếp đương đầu cuộc chiến, sống, chết chưa biết ra sao, chưa biết đơn vị tác chiến nào, tôi sẽ có mặt để nhận chỉ huy một  trung đội ?   Tôi sẽ phải đi hành quân, tức là chạm mặt tử thần , cái đó muốn tránh không được, trừ phi cái mạng lớn.  Do vậy, lòng mến yêu Hànội của tôi càng tăng, khi nhìn về tương lai mù mịt lối về !   Khắp  3 miền đất nước, chỉ riêng Hànội có những tên đường đặc biệt, mỗi tên đường chỉ sự đặc biệt của nó.   Nào hàng Gai, hàng Bông, hàng Hòm, hàng Thiếc, hàng Bạc, v. v. .. Nó rất gần gũi, quen thuộc với con người Hànội.

                Tôi đi thăm lai tất cả những nơi đã cùng tôi tạo nên kỷ niệm nen kỷ niệm, sau đó tôi đến thăm bè bạn để từ biệt họ.   Tôi gặp lại tất cả anh em trong nhóm quán cơm Tàu, nhất là quán Siêu Nhiên ở  ngõ Hàng Giầy và cà phê TÙNG sau đền Bà Kiệu.  Sư gặp gỡ chỉ làm lòng mình chùng xuống mà thôi.   Họa sĩ  Bùi Xuân Phái  ngơ ngác nhìn tôi, hỏi :
            - Thế cậu đi vào Nam  thât à ?   Tại sao không xin ở lại Hànội ?  Cái số cậu không may, nếu giấy tờ đến sớm một chút, cậu đã làm ở Kho Dược liệu rồi.
              Còn họa sĩ Hoàng Lập Ngôn bùi ngùi, chúc tôi vào Nam gặp may.  Nếu phải ra trận, phải bắn nhau với  Việt Minh, tôi mong  đạn sẽ tránh cậu ! 
              Hoàng Lập Ngôn  thường hay tếu như vậy , bằng hữu đều chúc lời tốt lành cả.
              15 ngày phép qua nhanh như cơn gió.   Tôi lại sửa soạn hành trang lên máy bay vào Saigon, để lại sau lưng tiếng khóc Mẹ già và vợ con.   Chuyến vào Nam, tôi đi Air Vietnam.   Chiếc xe ca lịch sự đưa tôi  đi từ văn phòng hãng qua sân bay Gia Lâm.   Sau 6 tiếng bay, tôi có mặt tại phi cảng Tân Sơn Nhất, phi cảng này lúc ấy ( 1953) còn nhỏ, cũ kỹ, trông giống 1 nhà kho hơn.  Tuy vậy, nó còn bề thế hơn phi cảng Gia Lâm.

              Chiếc xe ca đưa tôi về trung tâm Saigon sau hơn 1 tiếng chờ đợi.    Tôi đến ở tạm tại nhà anh chị Độ, đường Lê Lợi.   Tôi không thích ở nơi đây vì mất tự do, .  Cứ vào khoảng 9 giờ tối, cửa nhà đóng, then cài; muốn đi đâu cũng ngại, về lại mất công gọi cửa làm phiền người khác.   Tình cờ hay  định mệnh an bài, ngay buổi hôm đó,  tay thiếu úy đến chơi thăm anh chị Độ, ăn cơm tối tại đây.   Trong bữa ăn,  tay thiếu úy  cho biết, trưởng phòng 5 bây giờ lại đại úy Phạm Xuân Giai, sĩ quan mới đi du học Mỹ về.   Anh ta giới thiệu tôi với đại úy Giai rồi , nhưng  tôi vẫn  phải trình diện tại Quân khu trước, xem được bổ nhiệm tới đơn vị nào.  Khi nhận sự vụ lệnh, tôi sẽ trở về nơi làm việc tại Phòng 5 Tổng Tham mưu.   Nghe , biết vậy, không mấy tin tưởng lời hứa tay thiếu úy, vì đâu phải bạn thân ?  Nghỉ ngơi tại nhà anh chị Độ  trong 1 ngày, hôm sau tới trình diện Bộ Tư lệnh Quân khu 1, phòng Nhân viên.   Vậy là tôi được bổ nhiệm vầ tiểu đoàn 13 Cần Thơ  -  và phải chờ xe Tiểu đoàn đón,  vậy nên thường xuyên tới Bộ Tư lệnh để biết ngày, giờ xe đón.    Lại được thêm vài ngày rong chơi ở Saigon.

                 Thành phố lúc ấy chỉ nhộn nhịp vào buổi chiều sau giờ tan sở và các ngày thứ 7, chủ nhật- còn ngày thường thưa thớt người qua lại, kể cả phố buôn bán.   Con đường Galliéni ( nay Trần Hưng Đạo)  nối liền Saigon - Chợlớn  còn nhiều khu đất trống, cỏ dại mọc đầy.   Nói cho đúng, Saigon không vui bằng Chợ lớn, do vậy cứ mỗi ngày, sau khi ở Bộ Tư lệnh ra, tôi thường la ca ở Chợ lớn nhiều hơn Saigon.   Đi  chán thì ghé vào quán ăn mì, hủ tiếu, uống" cà phê đĩa" ( lối uống này  của giới bình dân, và cà phê  nóng muốn uống nhanh, thay vì chờ nguội, đổ ra đĩa uống cho nhanh ).

                    Một tối,   tay thiếu úy kia lại  đua tôi lại nhà đại úy Phạm Xuân Giai ở trong hẻm đường Võ tánh. Đại úy Giai có  cô vợ người Lào, chống Cộng rất hăng, từ ngày Việt Minh cướp chính quyền. Ông ta  đi lưu vong, sống tại Bangkok, Vientiane 1 thời gian khá  lâu, nói được tiếng thái,. tiếng lào.   Tiếng pháp ông ta giỏi thì đã đành , tiếng mỹ nói trôi chảy, theo như lời giới thiệu của tay thiếu úy.   Phòng 5 Tổng tham mưu đang cần sĩ quan chuyên môn như tôi, nên đại úy Giai bảo tay cứ đưa tôi lại nhà ông xe, mặt cho biết.

                 Chúng tôi tới nơi, đại úy Giai ra tận cửa mời vào.   Người vợ Lào  quấn sa-rông, bưng nước để trên bàn khách.  Ông Giai,. gốc miền trung, tướng nhà binh, đi đứng chững chạc.   Bộ quân phục thẳng nếp, bó sát thân, chứ không rộng thùng thình như tôi.   Ông ta mặc theo kiểu Mỹ, đẹp trai, ăn nói lịch thiệp. Sau chuyện xã giao,  cho biết, sẽ xin với tướng Nguyễn Văn Hinh, Tổng tham mưu trưởng cho tôi được thuyên chuyển về Phòng 5 - nhưng chắc phải chờ vài tháng mới có kết quả.  Sau đó, ổng ra bàn, ngồi viết mấy chữ cho  thiếu tá Nguyễn Khánh  (  đại tướng Khánh " râu " sau này ) . thư viết tiếng pháp, lại trao cho tôi, nói, khi gặp Tiểu đoàn trưởng 13 thì đưa thư này cho thiếu tá Khánh.  Trước khi dán thư, ông đưa tôi đọc trước.  Đại khái, . đại úy Giai xin thiếu tá Nguyễn Khánh giúp đỡ  tôi. trong khi chờ đợi giấy tờ chính thức  chuyển về  Bộ Tổng tham mưu.  Thư viết rất thân mật, lời văn lễ độ.  Cầm thư, tôi cảm ơn đại úy Giai nhiệt tình của ổng đối với tôi, người chưa từng quen biết,  biết chỉ qua lời giới thiệu .   Ra về, tôi vất thư vào tập hồ sơ cá nhân, cẩn thận nhét vào sac-marin nhà binh.
             Tôi loanh quanh được đúng 1 tuần, xe của tiểu đoàn lên đón 2 sĩ quan về  đơn vị.   Lúc này, tôi mới biết có thêm 1 sĩ quan cùng thuyên chuyển về Tiểu đoàn 13.

              Anh tên Riệu, chúng tôi hoàn toàn  không quen nhau, dù học chung khóa; nhưng hoàn cảnh làm chúng tôi xích gần mau chóng.   Chiếc xe Dodge 4x4 gồm 1 tài xế, một anh mang cấp bậc thượng sĩ và 2 chúng tôi, cùng  1 số quân trang mới lĩnh.   Trên xe còn có 2 khẩu Carbine bán tự động.   Thượng sĩ đứng nghiêm  chào, mời chúng tôi lên xe.  Anh muốn nhường chổ ngồi bên tài xế cho 1 trong 2 chúng tôi- nhưng tôi bảo, anh cứ ngồi ở chỗ đó, chúng tôi ngồi sau nói chuyện cho vui.   Ngần ngừ, anh mới chịu bước lên xe, còn 2 đứa chúng tôi bám vào tấm chắn hậu leo lên xe.    Và hai chiếc" marin" như 2 con bò mộng nằm lu lù dưới chân.

              Đây, lần đầu tiên , tôi nhìn thấy cảnh miền nam trên quốc lột 4. Đường nhựa phẳng phiu, vươn dài giữa 2 bên ruộng lú; thỉnh thoảng có 1 xóm nhà quây chặt sau 2 hàng dừa lả ngọn, xen kẽ nhiều thưa cây khác- đặc biệt nơi nào cũng có cây cối xanh tươi.   Trời ở miền Nam nắng chang chang, xe chạy, gió thổi ào ào, nên không cảm thấy nóngt bức.  

             Chợt nhớ về Hànội, chắc chắn  bây giở đã vào mùa lạnh, nào mền bông, áo ấm cất  đi, bây giờ đem ra dùng đây.   Ở miền Nam, chắc chẳng bao giờ cần đến thứ đó, ngòi tấm mền mỏng đắp mỗi đêm lúc về sáng àm thôi.   Anh Riệu, người miền bắc, nhưng tôi không hỏi anh ở miền nào, mà anh cũng không đề cập. Chúng tôi, tuy ngoài mặt nói chuyện vui vẻ, trong lòng, chắc mỗi đứa nghĩ một khác về cái tiểu đoàn sắp phải trình diện, và trung đội nào sẽ có mặt !

              Trước khi  tôi đi, anh chi Độ có cho biết Cần Thơ, một vùng trù phú nhất ở miền nam, nó còn tên nữa ; TÂY ĐÔ, thủ đô miền Tây.   Con gái Cần Thơ lại đep nữa, do vậy, anh chị Độ cứ nhắc hoài, chớ dính vào mà khổ cho vợ cho con !   Xuống miệt đó, tha hồ ăn trái cây, thứ gì cũng có, lại rẻ mạt.   Tôi chỉ nghe, chứ không có ý kiến gì; nhưng từ lúc xe qua ngã 3 Trung Lương, tôi mới biết miền Nam trù phú thật !  Ruộng trải dài đến tận chân trời, lúa cây cao , mập; chứ không thấp, gầy, lè tè như ở miền bắc.

               Chiếc  xe cứ phóng như nuốt chửng đường thằng tắp. tài xế không chịu nhường , gặp xe là anh bóp còi inh ỏi để vượt.   Mọi chiếc xem nếu không phải là xe quân đội,  ép vào lề ngay nhường đường cho xe quân sự.   Thượng sĩ quay đầu lại, nói:
               " Xe chạy nhanh, cho qua kịp bắc, nếu chậm,  khó lòng lắm; vì có những đoạn đường nguy hiểm, tụi VC hay bắn sẻ.   Rồi mai đây, hai vị thiếu úy sẽ hiểu thôi ! "

               Chúng tôi nghe, chỉ cười xòa , tuy chưa biết chỗ nào nguy hiểm, chỗ nào không ?   Xe chạy tới gần trưa, thì gặp bắc Mỹ Thuận , một chi nhánh sông Cửu Long.  xe nhà binh được ưu tiên qua phà, không phải thứ tự trước, sau, như xe đò, xe dân sự.  bắc Mỹ Thuận khá rộng, nước không chảy xiết như sông Hồng miền bắc trong mùa lũ.  Chiếc phà máy khá lớn, có thể chứa cả chục chiếc xe hơi, hai bên hông còn có hành lang cao, mọi người có thể theo cầu thang đi lên đó, nhìn cảnh sông nước ít phùt, chờ phà cặp bến.   Cảnh huyên náo, mời mọc mua bán trái cây, bánh, nước, gây cho tôi một ấn tượng ngồ ngộ!  Tiếng nói các cô gái chào hàng ở miền nam cũng chanh chua lắm ! Chưa quen tai , nên nhiều câu tôi không hiểu, mà chỉ nhìn qua dáng điệu và thử ăn quà bánh người bán, tôi đoán phỏng chừng.  Nhưng càng ở lâu, tôi càng thích nghe tiếng nói cô gái miền nam hơn giọng các thiếu nữ bắc.   Họ có tiếng " dạ" rất dễ thương, dù ưng ý hay không vẫn " dạ". Người nghe phải biết phân biệt cái âm thanh tiếng đó để mà tự hiểu !  

              15 phút sau, phà  cặp bến.   Thượng sĩ hỏi  chúng tôi, có muốn dừng lại ăn trưa không ?   Nhìn  Riệu, tôi ngầm hỏi ý, Riệu hiểu ngay, lấy tiền đưa cho thượng sĩ nhờ mua 2  ổ bánh mì thịt, 4 chai nước ngọt.   Thượng sĩ bảo tài xế đậu lại trước một quán hàng, vào mùa ổ bánh mì thịt quay và 2 chai thôi, anh đua cho Riệu, nói:
              " Hai thiếu úy ăn đỡ, tụi em có đồ khô rồi, lát nữa về câu lạc bộ tiểu đoàn ăn vừa ngon, vừa rẻ !"
               Nói xong,. anh thối lại tiền cho Riệu.  Chiếc xe loại lên đường, nhưng tài xế từ từ để chúng tôi gặm bánh mì, uống nước xong, mới nhấn ga.   Chừng 1/2 tiếng đồng hồ, lại gặp một bến phà khác.  đây mới chính là  bắc Cần Thơ , qua bắc này   là tới nơi rồi.  Chiếc phà máy  nơi đây cũng y hệt chiếc ở bắc Mỹ Thuận , xe nhà binh lại được ưu tiên, nhưng chiếc phà vừa tách bến qua sông, nên chúng trôi phải chờ chiếc khác qua sông.  Nhờ mỗi bến có 2 phà, nên việc qua sông, tuy mất thời giờ, nhưng không phải chờ lâu.   Dòng sông Bassac chảy chầm chậm, dòng nước trôi lừ đừ, dáng mệt mỏi!

             Đây là cái bắc cuối cùng miền Hậu Giang.   Chiếc xe qua phà đi xuyên lòng đô thị Cần Thơ.   Lần đầu, tôi nhìn thấy Thủ đô miền tây.  Đường phố tuy nhỏ, nhưng khá sạch, nhà cửa đều xây cất theo lối cổ.    Cũng có 1 số nhà kiến trúc lối mới, nhưng ít.   Chỉ có vài phố buôn bán, không của tiệm nài lớn.   Những cô gái Cần Thơ mặc áo bà-ba bông, quần đen ống rộng , đi qua lại trên đường, họ đều che mặt, hoặc quấn khăn rằng thi lòa xòa, nhìn không rõ mặt.   Sáu thời gian ngắn, tôi  nhận thấy ở đâu cũng vậy, có cô đẹp, có cô trời bắt xấu, chứ nếu khẳng định con gái Cần Thơ đẹp nhất miền nam, coi có vẻ chủ quan quá !

              Chiếc Dodge  đỗ xịch ngay trước cửa một căn nhà , trông nhứ chiếc biệt thự.   Ngoài cổng có vọng gác.   Một chú lính đen thui cầm ngang cây tiểu liên như sẵn sàng nhả đạn.

               Trong khi thượng sỉ nói chuyện với lính gác, tôi nhìn lên tấm huy hiệu treo ngay trên góc cổng: đầu con trâu với 2 chiếc sừng cong nhọn hoắt, tượng trưng cho Tiểu đoàn 13.  Do vậy, sau này, tôi mới biết đến dân chúng địa phương kêu chúng tôi" lính đầu trâu".   Thượng sĩ  mời chúng tôi xuống xe, đi vào căn nhà kế bên, Đây là Câu  lạc bộ Sĩ quan.  Chúng tôi theo thượng sĩ leo lên cầu thang, còn 2 hiếc" sac marin" đã có 2 binh sĩ vác lên vai giùm.  Thượng sĩ đưa chúng tôi vào 1 phòng ngủ, phòng khá rộng, đặt 1 dãy ghế bố nhà binh, trải drap trắng phẳng phiu. Tôi và Riệu lấy 2 chiếc sát nhau để nói chuyện cho tiện.  Thượng sĩ lễ phép, nói:
              " Thưa 2 thiếu úy, trong khi chờ đợi sự phân phối Bộ Chỉ huy Tiểu đoàn 2 -   2 thiếu úy nghỉ tạm nơi đây.   Việc ăn uống đã có câu lạc bộ lo.   Ngày 2 bữa, trưa ăn cơm tây, tối cơm ta.   Còn tiền, 2 thiếu úy trả thẳng cho quản lý câu lạc bộ.  Các sĩ quan độc thân thuộc Bộ Chỉ huy hoặc ở đại đội thường vụ thường ăn cơm tây tại đây.   Bây giờ, 2 thiếu úy có thể tắm rửa, ngày mai sẽ trình diện Bộ Chỉ huy.  Em đã báo cáo sự có mặt 2 thiếu úy tại đây rồi."
                    Nói xong, anh  đứng nghiêm, chào.   Chúng tôi chào lại, từ đó, không 1 lần gặp lại thượng sĩ, cả  tài xế.  
                    Chúng tôi thay quần áo, đi tắm cho sạch bụi đường.   Tắm gội xong, thấy người khỏe hẳn.   Tôi và Riệu đi loanh quanh trong khu câu lạc bộ để tìm hiểu.    Phòng ăn rất khang trang, có nhiều bàn nhỏ, mỗi bàn 4 ghế nệm sang trọng, có quầy rượu.    Một phòng kế bên dùng để giải trí, có bàn bi-da ( billard), có chỗ ném tên và vài trò chơi lặt vặt khác.   Nói chung, tất cả đều sạch sẽ, ngăn nắp.   Tôi ra quầy rượu, toan gọi 1 ly rượu mạnh, uống cho vui cuộc đời lính chiến; nhưng anh bán rượu từ chối, nói rằng, chỉ được bán rượu sau giờ làm việc.   Tôi và Riệu ghi tên ăn cơm.  Tôi nhớ mãi, mỗi người phải trả 15 đồng cho 2 bữa cơm.  Trưa, cơm tây, có rượu vang, chiều cơm ta  3 món.   Như vậy quá rẻ, so với số lương hàng tháng của chúng tôi.   []

( còn tiếp , lần 13 ).

TẠ TỴ
( 1921- 2004, tp.HCM )

( Nxb Thằng Mõ, San José, USA - tr. 155-  166)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét