Thứ Hai, 1 tháng 4, 2013
mộ tmình một ngựa / nguyên sa - 14
một mình một ngựa /
áp dụng khoa học vào phê bình văn nghệ * 14
nguyên sa
Thân gởi...,
Thế kỷ XIX, đấy là thời gian của tuổi vàng khoa học. Những ngón tay mầu nhiệm; tên nó lá máy nổ, điện khí, toán học mới, làm cho toàn thể nhân loại, mượn một hình ảnh của Bergson, trở thanh một thân thể khổng lồ. Kích thước thân thể, con người võ trang bằng những mầu nhiệm khoa học to lớn quá. Mắt nó bỗng nhiên mang ánh sáng hành tinh, tai nghe xa vạn dặm, đôi chân di chuyển được mau lẹ hơn cả những người khổng lồ mang hia bảy dặm trong chuyện hoang đường phương tây, hơn cả những đại hán có thuật phi hành kỳ diệu của võ hiệp Trung hoa.
Khoa học làm thế nào mà tài thế ? Câu thần chú của nó gồm những âm thanh bí mật nào ? Chiếc đũa thần của những vị tu luyện trong những phòng thí nghiệm làm bằng chất gỗ qúy nào mà có được cái năng lực bạt sơn cử đỉnh. Có được cái sức khỏe thay đổi thiên nhiên, kinh động vũ trụ như thế ? Khoa học đã áp dụng những phương pháp làm việc nào, đi theo những con đường thân thánh nào ? Ta hãy mau khám phá ra cái bí quyết, nắm vững cái phương pháp khoa học vạn năng. Và một khi cầm chắc trong tay những chiếc đũa mầu nhiệm đó, ta mang vào ngành sinh hoạt tinh thần của ta để làm cho chiếc áo cũ thành nhung lụa quý giá, dạ hài hiện ra dưới chân không vương miện lóng lánh hòa quang trên tóc.
Những khao khát đó được cất tiếng ở những giảng đường triết học, ở nơi gặp gở của những nhà khảo cứu đang lao mình vào một tân thế giới, một môn học trẻ mang tên khoa học nhân văn.
Các anh còn lạ gì những thuyết nguyên tử tâm lý của ngành khảo cứu về con người đó, những chủ nghĩa thực nghiệm, những định luật tâm trạng của những Auguste Comte. Khoa học nó thành công là nhờ sự làm việc có phương pháp. Và cái phương pháp của nó, cốt yếu là sự quan sát kỹ lưỡng và khách quan là thí nghiệm kiểm chứng đứng đắn và nhất là phân tách đến nơi đến chốn. Hãy nhìn tay phù thủy mặc áo trắng kia đang làm việc, những chất liệu là những hiện tượng thiên nhiên; như ánh sáng, như hành tinh, như vật rơi ở trước mặt. Từ một khối lớn, nó phân tách và khám phá được những yếu tố đơn giản hơn. Tiếp tục phân tách yếu tố đơn giản đó, nó tìm được cái đơn giản hơn nữa.
Cứ thê mà đi chẳng mấy chốc nó tìm được cái yếu tố nhỏ li ti gọi là nguyên tử. Chúng ta những người khảo cứu tâm lý học còn đợi gì mà không áp dụng cái phương pháp phân tách ấy vào trong tâm lý học. Còn đợi gì mà không tìm kiếm xem cái dự kiện tâm lý nào nào chính là nguyên tử của đời sống tâm lý phức tạp. Những Condilac những Taine đã nêu lên những thúc giục đó và đã tìm kiếm trong những chiều hướng đó.
Các nhà phê bình văn nghệ đứng trước cuộc, hạy ào ạt đến cái kho tàng chân lý khám phá được, bởi khoa học cũng nôn nao lắm. Triết lý, người đàn anh khả kính đó cũng chạy vào con đường mới mẻ của khoa học. Khoa học nhân văn, người bạn đồng hành cũng phất cao ngọn cờ thực nghiệm. Còn đợi chờ gì nữa ? Phải phê bình khoa học. Phải đối mới ngành phê bình . Cái lối nhìn ngắm tác phẩm qua xúc động, qua cảm tưởng, qua ấn tượng chủ quan không được. Nó mơ hồ quá. Nó chưa đựng nhiều mâu thuẫn quá. Không được, chúng ta phải làm khác. Các anh muốn hỏi làm khác ra làm sao ? Làm thế nào áp dụng được khoa học vào phê bình văn nghệ ? Các anh muốn biết lối phê bình gọi lá khoa họ của chúng tôi như thế nào ?
Chúng tôi nhìn ngắm tác phẩm như thế nào, yêu mến tác phẩm bằng cái lối yêu mến tác phẩm riêng biệt nào ? Phải chăng chúng tôi cho bài thơ vào bình điện giải như Faraday phấn tách nước ? Phải chăng chúng tôi dùng những dụng cụ, như kính hiển vi, kính viễn vọng, điện hay " ampère- kế " để đo lường giá trị của tác phẩm văn chương ? Phải chăng chúng tôi cho truyện dài, truyện ngắn vào những ống nghiệm, để tìm xem, đâu là "a-xít khỏe" đâu là " a-xít yếu " ? Các anh cứ việc mai mỉa, cứ việc giễu cợt. Chúng tôi cứ làm việc. Chúng tôi tin lắm cái phương pháp phê bình khoa học của chúng tôi. Đó là một nhãn quan mới cần lắm cho việc cứu định giá trị tác phẩm văn học nghệ thuật. Các anh hãy để cho chúng tôi nói. Đây là cuốn truyện, đây là tập thơ, chúng tôi bày biện ở trước mặt. Những tác phẩm văn nghệ đó - " hay " hay dở - có giá trị ghê gớm hay chỉ có một giá trị rất tương đối, đó là những câu hỏi mà chúng tôi phải trả lời.
Chúng tôi ý thức được rõ rệt lắm cái đích cần vươn tới, cái mục tiêu cần đạt tới, cái phần vụ phải làm. Các anh muốn chúng tôi trả lời ngay, để đánh giá cái lối phán đoàn của chúng tôi. Để xét xem chúng tôi có biết đo lường giá trị của tác phẩm văn học nghệ thuật không ?
Để biết rõ cái tiêu chuẩn mà chúng tôi dùng để thâm [ định ] giá trị cúa tác phẩm là cái thước thật hay thước giả; để nhận hân được cặp mắt nhìn ngắm tác phẩm của chúng tôi là những ngôi sao sáng hay chỉ là những ngọn đèn mờ le lói trong đại dương gió bão và đêm.
Chúng tôi xin phép các anh, chúng tôi không thể trả lời ngay được. Phải từ từ.
Anh nào bằng lòng thì chúng tôi được nhờ, anh nào không chịu cũng đành [ về ] cái phương pháp làm việc. Phê bình khoa học no là thế. Phải từ từ.
Trước hết, chúng tôi phải xác định rõ rệt thái độ mà chúng tôi chọn lựa. Đó là nền tảng của tất cả mọi việc đến sau, cái móng vững chắc của ngôi nhà, kim chỉ nam của nhà hàng hải, sức khỏe của võ sĩ. Thái độ của chúng tôi khi đứng trước tác phẩm nó như thế này : Kỹ lưỡng và khách quan. Phải khách quan, phải kỹ lưỡng, đúng thế. Chúng tôi chưa phán đoán vội, chúng tôi chưa thẩm định gì cả, ngày rộng tháng dài, lo gì . Tác phẩm nằm trước mặt này, bây giờ, chúng tôi chỉ mới nhìn ngắm có một cách hết sức kỹ lưỡng và khách quan. Và hơn thế nữa, chúng tơi phải xác định cho công khai, cho rõ rệt cái thái độ đó, để anh nào nhìn thấy, có chỗ nào chúng tôi chưa đủ kỹ, có buổi đẹp rời nào , chúng tôi cao hứng để cho con ngựa chủ quan vùng chạy trên núi non, tác phẩm sẽ lên tiếng sỉ vả giùm. Chúng tôi nói to cái thái độ ấy, cũng để cho âm thanh sáng rõ ấy trở thành lưỡi gươm sắc bén cảnh giác treo trên đầu, trên cổ, chống lại những hấp lực của lười biếng và chủ quan.
Thái độ khách quan và kỹ lưỡng rất cần cho việc làm cao qúy phê bình văn học, vì việc làm đó hay, dở, tốt, xấu - hoàn toàn thuộc vào cường độ của kỹ lưỡng, [ của ] khách quan. Bài học kinh nghiêm của các nhà khoa học đã nó`i rõ những điều ấy.
Các anh hãy nhìn nhà khoa học đang nghiêm chỉnh làm việc trong phòng thí nghiệm của đại học này, của viện nghiên cứu kia, thì rõ.
Quan sát một khoáng vật, một động vật nhìn ngắm, cái to ghê gớm như hành tinh, hay ái nhỏ kinh khủng như vi khuẩn, tìm hiểu cái di động mau lẹ như ánh sáng, như âm thanh, cái bất động như hài cốt một cổ sinh vật, thái độ của người làm việc đứng đắn này luôn luôn là thái độ khách quan và kỹ lưỡng.
Không tình cảm, không thành kiến, không vụ lợi. Không 1 chi tiết nào, không một đặc tính nào, không một bất thường nào bị bỏ quên. Trắng thì nói là trắng, đen thì noi là đen, nhanh nói nhanh, chậm nói chậm, cứng nói cứng, mềm nói mềm. Trước khi quan sát hiện tượng thiên nhiên đó, có thể lắm, nhà khoa học đó nghĩ rằng : ánh sáng truyền theo đường thẳng trong mọi trường hợp, nó đi cũng chẳng lấy gì làm nhanh lắm, nguyên tử là nhỏ nhất. Nhưng bây giờ, đứng trước luồng ánh sáng này , đứng trước nguyên tử kia, phải quên đi ngay những ý kiến tham dự đó. Hãy nhìn ngắm kỹ rồi, thấy rồi, ánh sáng đi mau lắm và nó đi theo đường ba động, nguyên tử chưa nhỏ nhất, dưới nó còn những điện tử, quang tử , nhỏ hơn thì nhà khoa học dõng dạc nói rằng : những điều vừa quan sát thấy đó mới là chân lý . Không tự ái, Không cố thủ trong những thành kiến dĩ vãng. Nếu chẳng may có những ông bạn nào, có kẻ quen, người thuộc chủ trương trái [ chiều ] với điều vừa quan sát thấy cũng chẳng thể vì sự yêu, sự mến mà bảo rằng trắng là đen. Nếu có người tử tế nào mang lại và nói : này tiền, này chức tước, này danh vọng, cấm lấy và quên đi những điều vừa quan sát thấy, cất đi cái chân lý vừa tìm được , vì nó bất tiện quá, cũng chẳng thể nhận được, cũng đành phụ lòng người tri kỷ.
Khách quan và kỹ lưỡng, chính vì những thái độ đối kháng với thành kiến, tự ái, quyền lợi, danh vọng, mua chuộc, bè phái, cẩu thả, đại khái chủ nghĩa mà khoa học đã làm ra mưa ra gió, đã mang lại bay bổng lặn sâu, đi nhanh, nghe vạn dặm.
Chúng tôi cũng thế. Chúng [ tôi ] kỹ lưỡng và khách quan. Chúng tôi nhìn từng góc phố nhỏ, thăm viếng từng ngọn cỏ, uống nước của mỗi dòng suối, trèo lên những chỗ khuất vắng nhất, cũng như đã đi qua những nơi đông đảo nhất của mỗi dòng, mỗi chữ của tác phẩm, rồi mới phán đoán. Và khi phán đoán, thì yêu sẽ bảo là yêu, ghét sẽ bảo là ghét.
Chúng tôi cất lên những lời trong sáng, chẳng có đám mây nào của tự ái. Chẳng có hố sâu nào của thành kiến. . Chẳng có gươm, chẳng dao, chẳng có những độc dược [ có ] tên là bè phái, quyền lợi hay danh vọng .
Thân ái,
--------
* tựa bài của tác giả: Giấc mơ khoa học .
( còn tiếp )
nguyên sa
( 1932- 1998 Hoa Kỳ )
( Một mình một ngựa / Nguyên Sa / Nhân văn xuất bản, Saigon 1970 - trang: 78 - 84 )
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét