Chu Vương Miện
bài của CAO THẾ DUNG.
Tên thực: Nguyễn Văn Thưởng, sinh năm 1941 tại Kiến An ( Hải Phòng) .
Động viên và phục vụ trong Quân đội 4 năm, ngành Truyền tin. Giải ngũ 1966,
làm công chức.
Đã đăng thơ và truyện trên các tuần báo và tạp chí:
" Thời Nay, Tiền Phong , Văn Học, Thái Độ, Quần Chúng, Bách Khoa ..
.
Đã xuất bản: " Đêm đen 20 tuổi" ( thơ, Đại Nam văn hiến, 1964), -
" Tiếng hát Việtnam ( thơ, Thái độ, Saigon 1965) - " Trường Ca Việtnam"
( thơ,1967) -" Lời Phản Kháng" ( thơ, Saigon 1967)- " Phía mặt trời mọc "
( tập truyện, Saigon 1969)....
Tài không đợi tuổi. Có người suốt đời làm văn nghệ , để cuối cùng cũng không gây được một chút gì sự nghiệp. Vậy thì, địa vị trong văn học không tùy thuộc vào yếu tố thời gian và kinh nghiệm. Trong địa hạt thi ca thì kinh nghiệm trở nên không cần thiết và thời gian cũng chỉ để thử thách thi tài và làm cho kỹ thuật thơ trở nên già dặn. Hồn thơ là thiên phú. Chất thơ như đã có trong con người thơ từ thưở bào thai.
Với ý nghĩ này, chúng tôi nhận định về nhà thơ Chu Vương Miện. Ông hãy còn trẻ và trẻ lắm ! Chu Vương Miện nói về thời gian, thì đi rất sau Vương Đức Lệ, Bùi Khải Nguyên, Tường Linh..... Nói về tiếng tăm thì địa vị Chu Vương Miện hãy còn lu mờ trên trường văn nghệ. Nhưng Chu Vương Miện là một khả năng sung mãn và đủ tư cách để tiêu biểu cho một phần khát vọng của tuổi trẻ hôm nay - giai đoạn ( 1963-1967) . Nói một cách khác, ông là một nhà thơ có tài và trưởng thành từ một tuổi trẻ đã mất tuổi trẻ.
Chu Vương Miện đi vào thi ca với thi phẩm" Đêm đen 20 tuổi" vừa đúng cái tuổi của thi nhân, cái tuổi còn nguyên trinh trong thể chất và tâm hồn, trái tim còn đượm thơm màu hồng ngọc :
Đầy 20 lạc vào trong rừng tóc
Nỗi nhục tròn cuốn trọn cả vòng vai
Tôi muốn tìm em ở ngỏ một ngày
Dang mắt nhỏ đứng im loài rong biển
Niềm ánh sáng ta vẫn còn chiêm ngưỡng
Nghệ thuật tầm tang của Đức Chúa Trời
Mười sáu mùa hoa lướt nhẹ trên môi
Em thầm lặng ngự hồn ta trong sạch
Rồi mộng mị đi hoang về đâu mất
Ta thẩn thờ níu lại ở vòng tay .
( Qua mùa Đông ).
Nhưng tuổi 20 hoa gấm đã không còn hoa gấm. Nhà thơ bước vào đời như hoàn toàn lạc lối. Những khổ đau chập chùng - cuộc đời hương hoa chợt như biển tuyết. Nỗi cô đơn vây hãm lấy người tuổi trẻ. Nó chiếm đoạt tuổi trẻ, và dồn tuổi trẻ vào hoang sơ tim lạnh:
Trăng còn giấc ngủ trên môi
Cồn hoang theo chuyến luân hồi về không
Hư vô tinh tú chập chùng
Biển mây muôn sắc áo hồng hoang xưa
Đêm đêm nhật nguyệt mơ hồ
Đồi hoa tầm gửi cuối bờ chân như
Rừng dâng hương tỏa sương mù
Cuối gành bãi vắng song lùa lên cao
( Đêm đêm ).
Người ta sẽ ngỡ ngàng với tuổi 20 của Chu Vương Miện- đã có nguồn thi hứng vào một đề tài cao xa như thế ! Lời thơ thật đẹp, ý thơ chân thành, đọc lên ta liên tưởng tới Ôn Như Hầu, với một:
Cầu thệ thủy bóng trơ cổ độ
Quán thu phong đứng rũ tà huy
Phong trần đến cả sơn khê
Tang thương đến cả hoa kia cỏ này
( Cung oán ngâm khúc ).
Cuộc đời hiện ra trước mắt Chu Vương Miện như bãi biển chiều mà nhà thơ chỉ là con chim non lạc cánh. Con chim ấy lại ý thức được rằng mình thuộc loài cao quí và chân thành tin yêu. Tin vào tình yêu cao cả như đại dương. Tin vào cuộc đời hoa gấm như bình minh và thơm đẹp như đất lành mùa Xuân. Rồi hốt nhiên, con chim non lạc cánh đã từng mất dĩ vãng, chỉ thấy cuộc đời hơn một lần tan hoang. Từ đó, niềm tin chợt tắt, bởi hiện tại không hơn một lần giả dối, phản bội, lọc lừa:
Anh giã từ thành phố ra về
Cuộc sống hôm nay đã làm anh mất nhiều tin tưởng
Dù cả tương lai dù cả những lời hứa hẹn
Một chút ngôn từ thời đại hôm nay.
Một lần tin yêu đổ vỡ nên vũ trụ đối với nhà thơ cũng trở nên hư hỏng. Người ta tự hỏi tại sao Chu Vương Miện bi sầu như thế - buồn nản và mất niềm tin tưởng? Xin trả lời :" chỉ vì Quê hương chúng ta hôm nay không khác gì buổi chợ chiều ?"
Tổ quốc chúng ta như một cánh đồng ma. Những tin yêu và ngọn lửa tâm hồn đều tàn rụi theo năm tháng chiến chinh. Trong mỗi tâm hồn chúng ta đã là một thảm trạng. Chúng ta sống àm tưởng chừng như chết đuối giữa biển khơi. Cho nên tiếng thơ Chu Vương Miện lại là tiếng khóc. Tiếng khóc trong suốt như thủy tinh :
Sao dạ hội giữa vùng mây mệt mỏi
Đêm hạ tuấn đen mờ tuổi 20
Tôi đã làm quen tầu ngựa cuộc đời
Thân ốm đau mắt vàng so thiếu máu ?
( Vùng tuyết).
Tiếng khóc vang lên và tỏa rộng tuổi 20 của chàng cùng với cơn đau nhức của thế kỷ. Tiếng khóc của Chu Vương Miện là tiếng khóc chung của thế hệ 1963 trở lại đây. Xưa, thế hệ Vũ Hoàng Chương đã mất tin yêu:
Lũ chúng ta lạc loài dăm bẩy đứa
Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh !
( Vũ Hoàng Chương ).
Thế hệ Thanh Tâm Tuyền, Thế Phong, và rất gần đây- cũng vẫn 2 bàn tay trắng không nắm được hiện tại, không nắm được tương lai và tan hoang cả phần gia tài còn lại:
Anh đi lang thang bỏ quên cuộc đời ảo tưởng
Anh vẫy tay thành phố cuối cùng
Khi người yêu trần truồng thất thân nhiều lần
trên cung thành phố
Khi người yêu cam tâm cúi đầu chấp nhận
cuộc sống lưu đày
....................................................
Anh vẫn dửng dưng đi qua một lần tuổi trẻ
Bằng ăn năn đến cả linh hồn
Khi giơ mười ngón tay giã từ tình ái
Anh không còn gì dù để suy tàn
Anh không còn gì nên bây giờ thu mình làm thùy dương
đứng khóc một đời
Như rong rêu mọc dài ưu tư muôn thuở
Anh trả cho em một phần hoang vu tuổi trẻ
Đất đồn điền cũng đỏ thuở lên ngôi
Ngoài đêm đen trăng bỏ chạy mệt nhoài
Nên vũ trụ cũng bắt đầu hư hỏng
Dăm ngọn nến cũng không còn ánh sáng
Anh mỉm cười vào giấc ngủ ngày mai.
( Giấc ngủ ngày mai) .
Đọc qua bài trên, người ta không giấu được sự xúc động và mối thương tâm cho cuộc đời tuổi trẻ tứước những tan hoang đổ vỡ trong tâm hồn con người, trong xã hội, trong quê hương. Tuổi 20 đi vào đời tin yêu bao nhiêu thì lại càng bàng hoàng vô vọng. Cuộc đời chỉ còn là ảo tưởng khi người yêu đã thất thân nhiều lần trên cung thành phố. Tuổi trẻ dửng dưng trước thảm trạng 20.7.1954. Mười năm sau, đất nước càng thêm điêu đứng và chia năm xẻ bẩy. Sáu trăm ngàn tấn bom làm nát quê hương trong một tuần lễ. hàng ngàn thanh niên ngã gục trong một ngày. Nước mắt quê hương đã cạn cùng. Tuổi thơ lạc lõng trong biển lửa, bom và đạn. Nhịp thở thanh niên lịm dần trong tiếng than khóc không bao giờ khuây khỏa. Chiến tranh ! chưa một bất hạnh nào lớn hơn, chưa một tàn phá nào lớn hơn ! Nhân phẩm cũng tiêu ma theo. Một ngàn năm trước đây, Bạch Cư Dị đã lên tiếng qua bài " Văn khốc giả" ( 772-846) - một bài điếu văn bi ai nhất:
Bốn hàng xóm chung quanh như thế
Khắp nhân gian chết trẻ còn nhiều
Mới hay người thế bao nhiêu
Trắng phơ mái tóc dễ nào mấy ai ?
( Văn khốc giả - Tản Đà dịch) .
Và bây giờ, cái chết bây giờ ở trước mắt chúng ta, su lưng chúng ta, ngay trên vai chúng ta.... Người phương Đông thản nhiên nhìn sự chết đi tới - nhưng chẳng thể thản nhiên trước sự chết từng mang đi nhân phẩm con người và sự kiêu hãnh trên quê hương của nó. Chu Vương Miện qua Tiếng hát ViệtNam - có thể nói rằng ông đã trải ra trước mắt người đọc cả một giòng tình tự u uất, cả một vùng đêm đen nhuộm bằng nước mắt dân ta chưa thể cạn khô. Quê hương đã khóc trong nỗi cam chịu. Tiếng khóc ấy vang tỏa cung khắp quê hương. Chiến tranh kéo dài từ 25 năm nay và mỗi ngày càng thêm ác liệt. Chiến tranh tàn phá quê hương, tàn phá tâm hồn và làm khô quạnh trái tim hồng ngọc tuổi trẻ. Chu Vương Miện đã nói lên thảm trạng ấy qua bài Mưa trên giới tuyến:
Tôi ngồi yên vào chiều mưa biên giới
Thép súng buồn, ngây dại đứng cô đơn
Đường mưa rơi lặng lẽ cháy trong hồn
Thây lá rụng ngập bờ rào giây thép
Tôi đứng băn khoăn nhìn đời thu hẹp
Bằng một vòng tay, bằng hai vòng tay
Hơi thở quanh đây một mớ xương gầy
Xương người chết chôn sâu vào đất lạnh
Giòng nước mắt chưa nguôi niềm uất hận
Xin mưa đừng đào xới những hồn hoang
( Mưa ).
Đọc lên ta thấy nỗi buồn se sắt tỏa rộng trong không gian, đi sâu vào tim người thoảng từ trong đất lạnh. Lời thơ thật tự nhiên ,cảm động. Kỹ thuật vững. Với tuổi 20 , từ Mưa đến Vùng tuyết, Giấc ngủ ngày mai - đã chứng tỏ tài thơ không đợi tuổi- ở trường hợp của Chu Vương Miện.
Chu Vương Miện rất sở trường ở những bài 8 chữ. Thơ 8 chữ của ông rất bén nhậy trong xúc cảm và qúa phóng ngoại- nên thơ CV Miện không đếu đặn, không mấy thuần nhất - có nghĩa bản sắc thơ CVMiện ít thể hiện được sự độc đáo . Cách sử dụng ngôn từ thơ chịu ảnh hưởng khá nhiều vẻ cầu kỳ tiền bối Vũ Hoàng Chương, hay là vẻ bay bướm của người viết tựa tập thơ đầu tay của ông - thi sĩ Vương Đức Lệ :
Ngày dài ra đi hàng rào kim tước
Buồn mãn khai cô độc nở âm thầm.
Và còn nhiều nữa. Có lẽ vì thế, nó đã che phủ chất thơ CVMiện chăng ?. Gần đây, qua những bài đăng trên tạp chí văn học , cùng một số bài mới nhất, ta thấy nhiều nhược điểm trên đã mất dần. Bài Chim Phượng Hoàng thể hiện hướng đi độc đáo của CVMiện . Với ông, ta không nói ông là nhà thơ trẻ có hứa hẹn ở tương lai. Tương lai thơ CVMiện hôm nay đã tươi mát lại co chiều rạng rỡ. Bời vì, ngay từ bây giờ CVMiện đã có những cung bậc thơ già dặn trong ý tưởng thơ- vừa phiêu bồng trong thể chất + kỹ thuật thơ 8 chữ khá vững vàng:
Chim Phương Hoàng bắt đầu bay về núi
Ngọn ngô đồng giơ tay nhỏ bâng khuâng
Mây tím vào thu phiêu lãng đầy rừng
Trăng cũng khổ rưng rưng buồn tội nghiệp
Ngàn năm bài chim Phượng Hoàng cô độc
Lông mọc dài như rêu đá vô tư
Giấc ngủ đầy vơi giấc ngủ cứ về
Mặt trời mọc va mặt trời khuất dạng
Gió lên cao giòng Ngân Hà lãng đãng
Phượng Hoàng chim tan loãng một đường mây
Đồng lúa hòa ca từ giã cuối ngày
Vì sao sáng đã bắt đầu trang điểm
Vũ trụ rộng vầng trăng tròn hy vọng
Tinh vân mù chòm Bắc Đẩu ngồi câm
Phượng Hoàng bay theo những nốt thăng trầm
Không gian hẹp trong cánh dài muôn thuở
Ta về núi xưa từ khi mẹ đẻ
Đi chập chùng đã vội vã nghênh ngang
Đá xanh xao đá nguội lạnh hoang đường
Tim rướm máu, chim Phượng Hoàng ngã quỵ
Tình yêu đó như một lần phi lý
Ta đặt vào đôi cánh nhẹ bay lên
Thềm cát hoang vu mặt biển căm hờn
Rừng dương liểu tan tành trong phẫn nộ
Ta vui chơi bay nhiều tuổi trẻ
Ta kêu lên những tiếng kiêu hùng
Nắng nửa chừng nhiệt độ đổ trên lưng
Ta vần vũ bay lưng chừng hải đảo...
... Càng lên cao thế giới của trăng sao
Mây gió miên man ta vẫy tay chào
Mà nhân thế vẫn nụ cười mai mỉa
Trăng gió đêm mình ta kể lể
Vương quốc ta ta đứng một mình
Sương xuống mịt mù thung lũng khoan dung
Người còn đó ta như lần vắng mặt...
.. . Ta về quê hương núi cười chân thật Xứ sở ta buồn
ta đứng chơi vơi
Ánh sáng của ta ngàn sắc luân hồi
Sao tinh thể tan vào giòng suối mát
Nhìn núi, nhìn trăng ta cười ta hát
Một mình ta bơi lội giữa thời gian
Giang cánh ra xa như có thiên đàng
Ta khép mặt ngủ vùi mùa xuân hoa lá.
( Mùa xuân hoa lá) .
Qua bài trường ca Mùa xuân hoa lá , CVMiện có một hơi thơ đặc biệt- trong và ngây ngất ! Ông khá sở trường về những bài thơ 8 chữ, 7 chữ. Sau này, CVMiện làm thơ phản kháng - ông đứng chung trong tạp chí Thái độ của Thế Uyên. Nhưng thơ trong ý thức phản kháng tuy ấp ủ lòng thành, day dứt, trỗi dạy- nhưng không thành công- khi đem so sánh với thi tập đầu tay" Đêm đen 20 tuổi" hướng nhiều về nội tâm. Ông chỉ hợp với nỗi cô đơn, những bài thơ có điệu tình buồn và sự ấp ủ vời vợi kiếm tìm những gì trong mơ ước. Thơ ông đủ vẻ đam mê, để hết lòng với nó, qua loại thơ tình ca - và ở đây, hơi thơ mang vẻ u trầm, tuy không mấy bi thết, vẫn ngao ngán trước sự hiện diện của thân thế trong một thời đại tan rã:
Ta nhìn đời như mắt đá hồng hoang
Vầng trăng đỏ ngón tay dài rã rượi
Ta nhìn bốn mùa vẫn không thay đổi
Đồng lúa thì xanh biển cát thì vàng
Nhan sắc loài người có một thời gian
Hay cũng như chà là mọc trên sa mạc
Ta già nua, vóc dáng mòn dấu vết...
( trích PHƯƠNG).
Thơ Chu Vương Miện không dễ tan loãng. Dư âm thơ ông là dư âm chứa dựng thể chất một tâm hồn có nồng độ khao khát trong xúc cảm thực của thơ.
Nhiều bài thơ có kỹ thuật điêu luyện mà người đọc vẫn không cảm thấy chất thơ hay của thơ thật sự. Vậy là, CVMiện tuy chưa điêu luyện kỹ thuật thật sự - và nội dung lại thiếu chứa đựng đầy đủ thể chất của tình ý- tuy vậy ,thơ ông vẫn làm cho người đọc cảm được chất thơ qua cái phần trinh trắng của hồn thơ.[] CTD.
( trích - Văn học hiện đại / Thi Ca & Thi Nhân / Cao Thế Dung / tr.253 - 261.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét