Phan Lạc Giang Đông
( 1940- 2001 Hoa Kỳ)
bài của: CAO THẾ DUNG.
Phan Lạc Giang Đông sinh năm 1940 tại Sơn Tây. Em trai của nhà thơ Phan Lạc Tuyên. Đã có thơ đăng trên các tạp chí trong và ngoài Quân Đội tại Saigon.
Hiện phục vụ trong ngành Chiến Tranh Chính Trị Không Lực Việt Nam Cộng Hòa. Biên tập viên nguyệt san' Lý Tưởng' và' Chính Huấn' ( KQ)
Đã xuất bản:
- Đắc Khanh & Mầu sắc Quê Hương ( Nxb Bùi Hoàng Khải, Saigon 1967)
- Thông Điệp ( Đại Nam văn hiến xuất bản, Saigon 1969).v.v...
-qua đời ở Huê Kỳ cuối năm 2011.
Thơ Phan Lạc Giang Đông mới xuất hiện mấy năm gần đây. Thơ ông tiêu biểu cho một phẫn nộ ủa tuổi trẻ đô thị miền Nam - đang là nhân chứng bất đắc dĩ của một thời nội chiến thê thảm nhất trong lịch sử dân tộc Việt. Thi Ca trong giai đoạn này đã chuyển biến bất ngờ và lớn lao, với những hình tượng độc đáo và lạ, xuất phát từ cảnh ngộ đen tối của vận mệnh dân tộc giữa cơn nồi da sáo thịt và vong nô, từ hai chiều hướng Nam, Bắc.
Năm 1967, cuộc chiến dang bước qua một giai đoạn thảm khốc. Miền Bắc bị phi cơ Mỹ oanh tạc ngày đêm. Miền Nam vẩn chịu cảnh thê thảm trong bom đạn, máu lửa, tương tranh, phân hóa và sa đọa, tham nhũng... Trò bá đạo vẫn được khai diễn ra từng ngày, từng giờ- từ bên này hay phía bên kia. Tuổi trẻ thì bơ vơ trước một thực tại bỉ ổi trong một xã hội băng rã tận cùng. Phan Lạc Giang Đông, một trong những người trẻ tuổi làm thơ - đã một lần dùng thi ca như một giải tỏa cơn dồn nén đau thương nhất của tuổi trẻ làm thơ - đã một lần dùng thi ca như một giải tỏa cơn dồn nén đau thương nhất của tuổi trẻ và thơ, qua thi tập " Đắc Khanh & Mầu Sắc Quê Hương" ( 1967) - đã trở thành thái độ biểu quyết dứt khoát thế đứng của tuổi trẻ, dù thế đứng ấy chơi vơi giữa khoảng lưng chừng, không bám víu vào đâu, dù là một hy vong mỏng manh từ thực tại của nó. Vì chính thân phận Giang Đông và gia đình Đông đã là một lưng chừng, không biết bám víu vào đâu. Người ở bên kia - kẻ ở bên này. hai kẻ cùng chung một bọc mẹ, cũng biết làm thơ, và cùng cầm súng từng phút từng giờ sẵn sàng sát hại nhau. Song cũng vẫn chỉ là một lưng chừng giữa tang thương phân hóa. 'Và bao giờ thì Anh về ? ' Câu hỏi qua thơ là một tấn thảm kịch chung hồi:
Một đêm cháu nhìn trăng
hỏi sao trăng không tỏ
sao trăng không ngời nữa
nhưng biết gì cho chú nói năng
rồi có một khi mẹ nhìn nắng chiều
hỏi sao anh mày chưa vể?
con biết nói sao mẹ rõ
gió muôn đời vẫn lang bạt phiêu du
một tối cha hỏi con khi đèn vừa sáng tỏ
lịch sử bao đời đâu thoát nổi bon chen
còn biết nói sao bốn mùa đất nước
quay vòng tròn những tiếp nối suy tư...
( Biết làm sao giãi bày).
Thơ Phan Lạc Giang Đông hiện diện theo cơn hằn học của tuổi trẻ chưa nguôi - bóng đèn trùm lên tâm thức ta - niềm vinh dự sau chót của con người như không còn, nó đã tan biến và tuổi trẻ đuổi theo nó- cố tìm bắt lấy. Liêm sỉ tan biến trong bom đạn và mây khói vong nô. Và tuổi trẻ khong đành buông tay - nhưng tê liệt cùng với nông nỗi này:
Trên những cánh đồng đã khô sinh lực
trên những đường phố đầy bụi khói chiến tranh
trên mi mắt em mang từng nỗi buồn vô cớ.
Trên những hoang tàn của mục nát dĩ vãng đã hiện hình những khuôn mặt ' dầy dạn' bất cố liêm sỉ trên quê hương ta :
Trên những đau thương
chúng còn rớt lại
chúng là những đứa thường xuyên phản phúc
thay đổi lập trường
thay đổi thường xuyên
hàng ngày tiêu phí thời giờ
qua cơn đau nhức nhối anh em
tay bắt mặt mừng nhưng lòng dạ tối tăm
tàn tích của thời gian khốn hổ bóng tối kéo dài
vì bọn chúng bao vây...
( Hãy tạo Sinh lực mới )
Lời phản kháng kia chỉ là kết quả của một thảm trạng mà Giang Đông đã trải qua - bạn bè Giang Đông đã trải qua và cái chết đó như một sự trả giá cho tuổi trẻ đam mê va khát vọng làm người của tuổi trẻ:
Một chiếc quan tài gỗ
một lá cờ tổ quốc hôm nay
một mẹ già khốn khổ khóc thương một tình nhân
mà chưa bao giờ mày cầm tay tâm sự
một nén hương
dăm bao thuốc thằng Cổn thằng Chiêu cho mày vội vã
cái chết nghèo nàn
cũng là cái chết
chỉ cần ấy hiện diện
mày chỉ còn ngần ấy Yên Đình ơi
tao cũng muốn làm thơ ca tụng mày anh hùng cái thế...
tao cũng muôn làm thơ ca tụng cuộc đời mày
nhưng chẳng rõ mày có hay
thi ca dạo này khốn cùng bẩn thỉu
hãy nằm yên - hãy ng cho ngon.
( Thơ cho Yên Đình )
Người ta sẽ ngạc nhiên hơn một lần nữa : cái gì đã làm cho tuổi trẻ hôm nay già nua ? - Phan Lạc Giang Đông như một chứng tích của trái tim tuổi trẻ hôm nay - vỡ vụn trong cùng thẳm từ giây tơ tế bào vì phẩm cách con người hôm nay cũng xám đen như mầu bom đạn và thân phận Việtnam.
Tuổi trẻ của Giang Đông như tuổi trẻ của những Thành Tôn, Thái Tú Hạp, Phạm Trước Viên và những Nguyên Vũ, Trang Châu- chỉ thấy mỗi ngày một thêm băng hoại trong già nua theo từng cơn đau nhức của thời vô vọng, song vẫn phải tôn thờ một cứu cánh vô vọng.
Nói về thơ - đơn thuần thơ trong nghệ thuật của thơ thì " Đắc Khanh & Mầu Sắc Quê Hương" / Phan Lạc Giang Đông chưa có gì - xét toàn tập - để có thể nói Phan Lạc Giang Đông lá một nhà thơ của nghệ thuật thơ. Song qua một số bài tiêu biểu niềm phẩn nộ cho khát vọng thực sự của tuổi trẻ, Phan Lạc Giang Đông đã nói lên được tiếng nói người bằng thanh khí của thơ và hồn thơ là phép mầu truyền đạt.
Thơ Giang Đông thiên khuynh hướng tranh đấu, bàng bạc không khí thơ Trần Dần, Phùng Quán. Nói đến tranh đấu, một số người đã phủ nhận cho rằng: thơ là thơ, không có thơ nào gọi là thơ tranh đấu. Đây là một ngộ nhận lớn vế quan niệm thơ. Sự thực : Thơ hay Văn đếu có muôn vẻ, muôn mầu, biểu hiện qua muôn cách, theo nguồn cảm hứng và ý thức cùng lương năng người nghệ sĩ. Maiakovsky hay Éluard và những Hồ Phong ( Trung quốc ), Trần Dần... đi theo cách biểu hiện, thái độ lương năng theo vị trí và môi trường của mỗi cá thể nghệ sĩ tương quan với thực tại - Lớp người trẻ làm thơ như Giang Đông cũng có cách biểu hiện riêng họ qua thơ về một thái độ, một cảm quan hay tầm nhìn, để chân nhận một thực tại. Cho nên thơ tranh đấu chỉ là một cách biểu hiện lòng khát vọng, lương năng và cho một tầm nhìn- hướng đi tới điểm nào đó, khởi từ thực tại xã hội và quê hương.
Đã đành thơ phải là thơ trước đã - tức là phải đạt được nghệ thuật, từ cấu tạo ngôn ngữ đến hinh ảnh , thi điệu.... Maiakovsky hay Éluard tất cũng cảm thức được như thế ! Thi ca của họ không phải là cơn bay bổng viễn mơ, không là trăng sao tình mộng. Thơ của họ là sự thề hiện một sự thực nào đó, một thái độ nào đó hay là một đối kháng minht hị một ý chi nào đó.... Họ lựa chọn cách ấy như đường hướng tận dụng khả năng thơ của họ để hướng thơ tới một chân trời ước mơ, từ một cứu cánh đã được khẳng định để vươn tới.
Nếu không có thơ tranh đấu, thì cũng không có nhạc hùng tráng, không có khúc quân hành, cũng không có môn phái họa tranh đấu. Hẳn không mấy ai không biết một Honoré Daumier ( 1808-1879, một họa sĩ châm biếm thời danh của Pháp - một' tay tổ caricature'- Nhà thơ Baudelaire đã từng xưng tụng Daumier như một thiên tài - H.Daumier đã bổ túc cho tác phẩm vĩ đại của Honoré de Balzac- ( La Comédie humaine- tạm dịch' Thế thái nhân tình'. - Daumier còn được xưng tụng như một chiến sĩ anh dũng nhất, đã dùng thiên tài họa châm biếm, để khơi động quần chúng, kể cả giới trí thức Pháp vùng lên lật đổ chế độ quân chủ lập hiến Louis Philippe - cùng lũ tham quan thối nát. Tác giả' La Comédie Humaine' đã thảng thốt ca ngợi :' quả thực Daumier đã có chất Michel Ange trong máu....". Sự nghiệp họa của Daumier mãi mãi là sự nghiệp họa trong ý thức tranh đấu. Dĩ nhiên, họa phải là họa trước đã, cho nên Daumier mới có chất thiên họa Michel Ange trong máu - nhưng Daumier đã dùng tài họa của ông trong chiều hướng khác, thể hiện nét họa bằng chất liệu và cách thể hiện theo đường hướng và ý chí riêng của ông." ( Ở VN mấy năm gần đây, trong ý hướng khơi động quần chúng, dẫn đạo dư luận và phê bình- chàng TUÝT trên nhật báo' Chính Luận ' đã tỏ ra có khả năng sung mãn về lọai tranh châm biếm. TUÝT tức họa sĩ Ngọc Dũng- một trong mấy họa sĩ thời danh hiện tại. Dĩ nhiên tranh của ông bị ràng buộc với lập truờng,đường hướng tờ báo. Nhưng nét châm biếm của ông vẫn là nét tài tình của họa sĩ tài danh).
Thơ cũng thế. Đã có thơ tình, tất có thơ đấu tranh. Thơ Phan Lạc Giang Đông trước hết thiên về khuynh hướng đấu tranh. Mà nói đến đấu tranh tất có bạn - có thù. Trong' Văn khốc giả' Bạch Cư Dị, thì chiến tranh là thù- hoà bình là bạn. Trong ' Tân trung ngâm' ( Bạch Cư Dị) thì Bạo chúa cùng gian thần phe đảng là đại thù- chỉ lương dân là bạn. Thơ tranh đấu xuất phát từ đó, và ở Phan Lạc Giang Đông đã thể hiện rõ đường hướng này qua bài ' Chúng ta đứng lên mặt trời đỏ lửa':
chúng ta ngồi đây
đêm tối bủa vây
chung quanh ta nhiều điều làm sao nói hết
chung quanh ta nhiều khuôn mặt lạ
từng tháng ngày
tiếp nối thiếu trăng sao !
chúng ta ngồi đây
cuộc chiến và
hòa bình nhẩy múa
trên từng ô vườn thửa ruộng
chúng ta nhìn hòa bình
ôi hòa bình vô cùng vĩ đại!
chúng ta ngóng tương lai suốt đêm dài
và tình thương nghiêng đổ trên vai
lệ có khô trên mắt già?
mắt trẻ ?
tóc có xanh mùa lúa mới quê hương ?
nắng có tươi nở hoa
trên cặp sách tới trường ?
cánh áo em có bay vào buổi chiều tan học...
bằng hữu tôi ơi !
sao lặng im - sao giận hờn trách móc
sao không biết cười
biết khóc
biết yêu thương
sao đố kỵ còn bao trùm khắp nẻo
sao?
và sao căn bệnh thị thành đỏm dáng ngự muôn phương ?
sao ?
sao lũ hề văn nghệ còn huênh hoang thống trị
đầu độc nhân dân mỗi tối mỗi ngày?
đầu độc em thơ đẹp mái tóc mây
đầu độc chúng ta bằng tình yêu mại bản
chúng đã ru ngủ chúng ta
bằng độc dược ươn hèn
chúng bao vây ta bằng ngôn ngữ đen
chúng ta ở đây vào đêm thứ mấy?
nghe hoài giọng hát quê hương
chúng ta đợi chờ vào đêm thứ mấy ?
để nhìn ?
để nghĩ ?
để căm hờn ?
lời đấu tranh bỗng sáng ngời bút thép
trên u buồn đôi mắt em thơ
trên vầng trán uu tư
trên nụ cười em
buổi sáng ngoài đồng xanh núi thẳm
lời thơ vang tiếng cồng
chúng ta đã đứng lên
mặt trời bỗng nhiên đỏ lửa
ngàn triệu cánh tay tạo thành trì vững mạnh
trùng trùng điệp điệp thi ca
khi chúng ta đứng lên
ngôn ngữ của chúng ta
phải là của chúng ta
( Chúng ta đứng lên mặt trời đỏ lửa ).
Điều kiện cần và đủ cho thơ - gọi là thơ tranh đấu là phải có LỬA của hồn, phải có sự thiết tha quyết liệt, phải có quần- chúng- tính ( như Bạch Cư Dị, hay thơ yêu nước, trữ tình của Nguyễn Đình Chiểu). Sau nữa, gọi là thơ tranh đấu thì phải khích động được lòng người, truyền cảm trong sự khích động - một sự khích động vươn lên - vùng dậy. Dĩ nhiên, thơ Phan Lạc Giang Đông chưa đạt được toàn thể những yếu tính căn bản này. Nhưng qua một' Tiếng hát giữa mùa Xuân' là một Giang Đông đang đi TỚI:
em có nghe tiếng hát
khi đêm tan nhanh những ngày tháng u buồn
mầu sắc theo thương nhớ dĩ vãng
em có thấy xuân vê trên cỏ hoa
khi mùa đông tàn trên cánh môi
em có mùa xuân nào không
quê ta đã nhiều năm không cành nêu tiếng pháo
đêm giao thừa không ánh lửa yêu thương
không tiếng ngân vang ngọn tháp giáo đường
không hẹn hò
không tin tưởng
không
phải không em
những nhánh cỏ nụ hoa
không
phải không em
cột đu sân đình vắng lời hẹn ước
thế hệ vươn lên không tiếng trống căm hờn
em có thấy xuân về thiếu lòng chân thật
không có những lời đơn sơ nhất trao nhau
em ơi mùa xuân anh đã mơ tiếng hát trên cao
bằng hữu vững tay sẵn sàng tiến tới
giữa mùa xuân có nắng đẹp dị thường
có ánh mắt muôn trùng qua núi rừng
qua xóm làng quê ta rực lửa
tôi đã có mùa xuân nghe nhạc reo ca
đón gió hạ Lào thổn thức
tôi đã nhận cánh xuân khổ ải
mất mẹ già thương nhớ đứa con xa
em có nghe tiếng hát giữa mùa xuân
có bầy chim về đậu đỉnh cao vời !
ngỏ tâm sự cùng mây trời tưởng nhớ
em - người thơ có đôi- mắt -đen- ủ- mộng- hòa- bình
lòng thấy tình xuân như trăm sông ngàn biển
em có nghe tiếng hát
vui hội hè đình đám
ý trăm nguồn hội ngộ biển đông
em hãy cất vang lời xưa
chúng ta tìm về mùa thơ ấu cũ
em nghe tiếng hát mùa xuân
những ý nghĩ tạo thành chiến lũy
ngọn bút thiêng tạo thành núi thành rừng
và ngôn ngữ tạo thành gươm thành súng
em ơi
giữa mùa xuân này
không còn u tối bủa vây
không còn bóng tử thần giết dần chúng ta
bằng lời bằng chữ....
( Tiếng hát giữa mùa Xuân ).
Ở trên, tôi nói Phan Lạc Giang Đông đang Đi Tới, thì chỉ là cách nói để biểu thị khả năng truyền đạt của thơ Đông đang khơi động được một mơ ước nào đang đi tới chân trời của Ánh Sáng và ước mơ trở thành sự thực.
Tuy nhiên, thơ Đông vẫn chưa' chín mùi' - Ông sáng tác không đều tay và nồng độ xúc cảm, tuy có lửa, mà ngọn lửa khi bùng cao, leo lét , bất thường . Ông cũng chưa tìm được hình tượng mới lạ, chưa đạt được quần-chung-tính cho loại thơ với ý thức đấu tranh. Trừ một số bài đặc sắc, Phan Lạc Giang Đông vẫn còn' non' lai nặng phần trình diễn, thích sử dụng ngôn từ có tính cách thống kê căm phẫn, đau khổ hơn là truyền đạt.
Giang Đông cũng như nhiều người trẻ làm văn nghệ trong thời nội chiến ( 1967 và tiếp nối....) đã làm được một điều - qua tiếng nói văn, thơ hoặc tiếng nhạc cho quê hương - Điều ấy ta cảm thức qua dòng tâm thanh và tiếng nói vỡ của họ - vỡ ra từ cơn nổ tung ý thưc vươn lên từ đáy đen của hiện tại- và vỡ ra từ cơn dồn nén từng ngày, từng giờ âm thầm trong cơn hôn mê con người việt cùng quê hương. Tôi muốn nói đến nhạcmột Trịnh Công Sơn - tâm thức người việt cùng quê hương rã rời dễ vỡ như thủy tinh. Tôi muốn nói đến từng ca khúc du ca Nguyễn Đức Quang - và tiếng thơ khởi phát tâm tư ẩn giấu một Phan Duy Nhân ( trung niên còn khắc khoải / mộng ước chưa đầy tay ) - hoặc Thành Tôn- một tiếng thơ chan chứa muối mặn thương đau - niềm tin dân ta như vẫn dật dờ trong nguồn thơ Thành Tôn- Và ở đây, Phan Lạc Giang Đông cũng chan hòa cơn muối mặn đau thương từ một chỗ nào... tới không một chỗ nào :
Một chỗ nào cho chúng ta
Đứng với hai chân tự cường vững chỗ
Với lồng ngực tự do nói yêu nói ghét
Và không có bạn bè thù nghịch sau lưng
Một chỗ nào cho chúng ta
Bằng hữu vô tư nụ cười
Một chỗ nào cho chúng ta
Không đóng kịch cho vai tuồng hôm nay
Một chỗ nào cho chúng ta
Mà sao tôi vẫn thấy đọa đầy
Mà sao tôi thấy căm hờn thường trực
Đài danh vọng là kết quả của lươn lẹo
Của phỉnh phờ đau khổ gian nan
Một chỗ nào cho chúng ta
Khi chung quanh là tị hiềm nhục nhã
Khi những kiến thức vỉa hè
Hãnh diện vi những năm dối trá
Một chỗ nào cho chúng ta
Hỡi những bằng hữu
Sao mãi ngục tù
Trong suy tưởng
Hằng ngày kịch cỡm
Một chỗ nào cho chúng ta
Hỡi bạn ta chân thực !
( Chỗ nào cho chúng ta ).
" Chỗ nào cho chúng ta" là một trong nhiều bài thơ của Phan Lạc Giang Đông- có một không khí, hơi thở nhiệt thành trước cơn băng rã đang xô đẩy tới- và ngọn lửa bốc cao khi bầu trời đang vần vũ cơn cớ mưa to. Thơ Giang Đông là tiếng nói lòng giận hờn không thể nguôi ngoai trong cơn phẫn nộ chung của Quê hương qua Tuổi trẻ.
Tiếng nói Phan Lạc Giang Đông là tiếng nói thực, mang theo khát vọng. Hốt hoảng, vội vàng, và như cố níu kéo một cái gì đang mất đi - nên tiếng nói kia , qua thơ Giang Đông mang theo suy tư vội vã, lời tình tự mệt mỏi, bấp bênh. Thơ Giang Đông vì thế mà thiếu chiều sâu- nhưng nhất định thơ Phan Lạc Giang Đông không thiếu lòng thành- và nhờ thế- thơ ông có hồn, cùng với ngọn lửa tim óc tuổi trẻ. [] CTD.
( trích - Văn học hiện đại / Thi Ca & Thi Nhân / Cao Thế Dung- tr. 293 - 304 )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét