một bài viết về nữ thi sĩ lệ khánh ( usa).
c h u y ệ n v ề k h á n h
Vòng tay nào cho em ?
bài viết : hàng ngọc hân *
'...Khánh ơi, dù Khánh đang ở đâu, sẽ về đâu, xin Khánh hãy đưa tay cho Hân được nắm lấy. mình sẽ siết tay nhau để mỗi đứa còn có dịp cảm thấy hơi ấm của tình bạn và tình người; đề dù không được ở bên nhau, nhưng trong những bước đi độc hành, Khánh vẫn trút bớt cảm giác lẻ loi. Từ thuở mới vào đời, khi làm thơ về nỗi bất hạnh của một người con gái, Khánh đã muốn có Hân chia xẻ; không lẽ giờ này Khánh lại lặng lẽ chịu đựng một mình những đọa đày của một số kiếp cay nghiệt ? ... '
HÀNG NGỌC HÂN .
S inh năm 1944 tại Huế. Tên thật Dương Thị Khánh . Vợ thứ nhạc sĩ Thục Vũ ( Vũ Văn Sâm ( 1932 - 1978 tại Trại cải tạo Sơn La ) . Hiện cùng con trai Vũ Khánh Thục
( 1968 - ) sống tại nhà số 71 đường 3 tháng 2, tp. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng ( Việtnam ) .
Là người thơ nữ mang tình thơ lẫn tình đời :' Một chuỗi đời gian truân - một đời bạc phận ' như một bài viết M.H. Hoài Linh Phương ( hải ngoại ) :
' ... vào những năm thập kỷ 60, trên diễn đàn văn nghệ xuất hiện một nhà thơ gây xôn xao dư luận, có thể nói là ngang tầm hiện tượng T.T.KH. , đó là nhà thơ Lệ Khánh , tác giả' Em là gái trời bắt xấu' ( 5 tập) do nhà xuất bản Khai Trí Saigon xuất bản từ 1964- 1966...' ( theo web. lê hoàng nguyên ).
L ệ Khánh hơn tôi 2 tuổi và học trên lớp tôi ( Trường Nữ trung học Bùi Thị Xuân Đả Lạt - B.T) Tuy không cùng chung lớp , nhưng chúng tôi thành bạn thân, vì thường gặp nhau trong những sinh hoạt văn nghệ, xã hội của trường. Thuở đó Khánh đã có nhiều bài thơ đăng trên các báo và được nhiều người biết tên. Trước mắt tôi , Khánh mang tầm vóc khác hẳn bạn bè, dù hàng ngày Khánh vẫn xuất hiện bên cạnh chúng tôi trong bộ đồng phục khi xanh, khi trắng.
N hưng, chúng tôi cũng như các bạn khác, đều mang chung một cảm giác thương cảm Khánh, vì cái điều mà Khánh không có dung nhan bình thường như các bạn . Dù tất cả chúng tôi đều thấy Khánh có đôi mắt đẹp tuyệt vời, nhưng Khánh không coi đó là một ưu điểm trong dung nhan của mình, vì cái hình dạng bất thường của chiếc mũi. Mặc cảm này về sau đã đem lại một tai họa , khi Khánh quyết định tới một thẩm mỹ viện sửa mũi. Hy vọng của Khánh đặt vào bàn tay tài hoa của vị bác sĩ thẩm mỹ đã không được đáp ứng, mà còn khiến cái mũi của Khánh trở nên dị dạng hơn. Nhưng trước đó, đôi mắt đẹp tuyệt vời của Khánh luôn nặng trĩu ánh mắt nhìn u uất tủi hờn . Chất u uất này càng thấm đượm hơn trong thơ Khánh và càng làm nặng thêm mặc cảm thua kém nhan sắc của Khánh. Một bài thơ, rồi một tập thơ của Khánh xuất bản đã được Khánh đặt cho cái tựa đề : Em là gái trời bắt xấu !
T ôi còn nhớ mãi một kỷ niệm với riêng Khánh, trước khi tai họa trên xảy ra.
Thời gian đó, Khánh chưa xuất bản thơ mà mới chỉ gửi đăng thơ trên các báo. Một bữa, Khánh tìm tôi với nét mặt căng thẳng :
-Mình có một bạn quen biết qua văn thơ trên báo . Anh ấy vừa tới Đà Lạt và muốn được gặp mình. Hân phải ráng sức giúp mình , nghe .
T ôi không hiểu có thể giúp bạn bằng cách nào trong trường hợp như vậy. Cuối cùng Khánh cho biết Khánh không thể có mặt ở điểm hẹn, mà cũng không thể từ chối yêu cầu gặp mặt của người bạn chưa từng thấy nhau kia. Điều Khánh nhờ, làm giả làm Khánh , tới chuyện trò với người bạn. Khánh sắp đặt cùng đi với tôi, nhưng sẽ ngồi ở một chỗ xa khuất để người bạn kia không nhìn thấy.
K hánh nói mãi về dáng dấp xấu của mình và về tình bạn thơ văn với người bạn kia cho tôi, khi tôi không còn lý lẽ nào để từ chối yêu cầu của Khánh .
Đ úng ngày , tôi đi với Khánh tới điểm hẹn trước giờ tại quán cà phê ở khu trung tâm thành phố. Chúng tôi vừa sắp đặt xong thì người bạn của Khánh xuất hiện . Tôi còn nhờ người thanh niên ấy đó tên Quang . Anh đi thẳng về chỗ tôi, vì Khánh đã quàng lên cổ tôi chiếc khăn màu hoa cà, như 2 người thông báo trước cho nhau. Tôi cố giữ vẻ tự nhiên chào hỏi, rồi chuyển qua câu chuyện qua sinh hoạt và phong cảnh ở Đà Lạt để tránh né chuyện thơ văn. Quang cũng vui vẻ kể cho tôi nghe về nơi anh ở rồi bất ngờ kết luận :
- Tôi cảm ơn Khánh đã cho tôi diện kiến hôm nay. Đây là lần đầu và cũng sẽ là lần cuối Tôi không biết phải nói thế nào ?
Anh lựng khựng một chút rồi nói thật nhanh :
- Tôi cần phải nói thực lòng mình. Qua thơ Khánh, tôi thấy mến rất nhiều một người con gái bị Trời bắt xấu, nên một lần lặn lội đi tìm. Hôm nay, gặp Khánh rồi, tôi xin nói thực sẽ mãi mãi không đọc thơ Khánh nữa. Bởi vì thơ văn phải thể hiện trung thực con người chứ không thể giả dối. Gặp Khánh hôm nay tôi có hai ý nghĩ. Một là Khánh và thơ của Khánh không ăn nhập gì với nhau , hai là người ngồi trước mặt tôi không phải là Khánh . Dù ý nghĩ nào đúng thì tôi cũng không thể chấp nhận kéo dài tình bạn giữa chúng mình. Tôi xin cảm ơn về buổi gặp gỡ hôm nay .
T ôi chưa dứt lúng túng vì bị bất ngờ thì Quang đã cúi đầu chào, rồi lặng lẽ bước đi. Quang và Khánh không còn liên lạc với nhau nữa, và tôi nhớ sau đó, được đọc trên báo một bài thơ của anh mang tựa đề Trời không bắt xấu với giọng mỉa mai , chua chát. Chúng tôi không nhắc thêm với nhau một lời nào về chuyện này, nhưng tôi biết Khánh rất buồn; vì bạn tôi sáng tác nhiều hơn và chất thơ càng lúc càng đậm thêm vị đắng.
T uổi học trò không thể kéo dài bất tận và chúng tôi từng đợt, từng đợt như cánh chim lìa tổ ấm bay đi khắp bốn phươngt rời. Bạn cũ, trường xưa dần dần bị đẩy lui vào quá khứ, khi mỗi kẻ có một con đường riệng để theo đuổi. Biến cố tháng 4 . 1975 càng khiến không ai còn nhớ tới quãng đời xưa. Giữa cơn đảo lộn kinh hoàng của thời thế , mỗi người đều bị quay cuồng do những thôi thúc của miếng cơm manh áo và những bó buộc khắt khe của cuộc sống mới. Đầu óc tôi gần như trống rỗng suốt nhiều năm sau đó, ngoài mới ám ảnh về cái đói và những tai họa bất ngờ. Thậm chí, tôi không mấy khi nhớ tơi Đà Lạt, dù ở đó còn có cha mẹ và các em tôi đang sống.
M ãi gần 20 chục năm sau , tôi mới có dịp về thăm gia đình, thăm vùng đất cao nguyên lộng gió thuở nào. Hàng ngày tại đây, tôi thẫn thờ bước trên những đường phố thân thuộc ngày nào, với hy vọng gặp lại một người quen cũ. Một hôm trong lúc từ đường Phan Đình Phùng băng qua hai Bà Trưng, gần khu Cẩm Đô, bất chợt tôi lưu ý tới người đàn bà đang quỳ mọp bên đống sách cũ bày lộn xộn trên một góc lề đường. Người đàn bà đội nón lá che kín mặt, không có nét gì đặc biệt, ngoài vẻ lam lũ; nhưng không hiểu sao, tôi lại muốn biết là ai ? Tôi bước về phía đó và dừng lại để nhìn. Khi người đàn bà kéo nón nhìn lên thì tôi không ngăn được tiếng kêu :
- Lệ Khánh !
M ấy phút sau , Khánh mới nhận ra tôi và sau phút xúc động, tôi thấy Khánh gục đầu khóc trên vai mình. Ý nghĩ đầu tiên đến với tôi, là cái danh hiệu ' nàng thơ xứ lạnh ' mà ngày nào chúng tôi tặng cho Khánh . Nàng thơ xứ lạnh bây giờ hiện ra trong vóc dáng người đàn bà héo hon, tiều tụy, bám vào một góc hè phố, để nhớ mấy tập sách cũ kia giữ cho còn hơi thở. Lúc này, chắc chắn Khánh không còn bận tâm về nhan sắc người con gái và cũng không còn thời giờ để nghĩ đến văn thơ. Trong cái xã hội mà thước đo về nhân phẩm, chỉ là nhưng mức độ trung thánh với lý tưởng này, lý tưởng khác; thì có con người nào còn cuộc sống nữa ! Khánh cũng như tôi đã may mắn giữ được hơi thở suốt mấy chục năm, để còn có phút giây được ngã vào vòng tay của một người thân cũ đã là mừng rồi !
N hững ngày sau đó, tôi thường tìm gặp Khánh, không phải ở góc phố Cẩm Đô, mà trong một ngôi nhà thờ . Ngoài những giờ lặn lội mưu sinh, Khánh thường tới nhà thờ . Khánh không nói với tôi về thói quen này, nhưng mẹ Khánh cho tôi biết. Theo chỉ dẫn của bà, tôi tìm tới ngôi nhà thờ và thấy Khánh lặng lẽ quỳ dưới giữa giáo đường vắng lặng ngước nhìn lên tượng Chúa. Nét mặt trang nghiêm thành kính của Khánh , khiến tôi không dám gây một tiếng động nhỏ, cũng lặng lẽ ngồi xuống góc một góc xa phía sau để chờ.
Đ oạn đường từ nhà thờ trở về của chúng tôi là đoạn đường thấm đẫm nước mắt. Chúng tôi kể cho nhau nghe những bước cay nghiệt đã phải bước qua rồi khóc với nhau . Khánh không những phải quay cuồng giữa những bão tố cuộc đời mà không có may mắn nhỏ nhoi nào trong cuộc sống riêng tư. Người bạn đời của Khánh vào trại cải tạo sau tháng Tư 75 và không bao giờ trở về nữa Khánh không nổi ở Sài Gòn , nên đưa con về nương náu gia đình cha mẹ. Nhưng tại đây, mẹ Khánh cũng lâm vào cảnh khó khăn . Ngôi nhà bề thế của ông bà bị biến thành tài sản nhà nước và cả gia đình đông đúc chỉ được dành cho cái ân huệ sống chui rúc trong căn nhà kho thuở nào. Khó khăn hơn nữa là cái đại gia đình gồm cả chục người, vừa con, cháu đều không có công việc muu sinh. Khánh trở về không phải để nương tựa mà để cùng gánh vác với mọi người. Đứa con trai của Khánh vừa tròn mười tuổi, được một gia đình mướn đi chăn bò, với mức công cơm nuôi. Sáng sớm thằng bé nhận công việc và được phát cho một gô cơm mang theo để ăn trưa ở ngoài đồng. Dù mới mười tuổi, Thục con trai của Khánh đã nghĩ ngay tới sự khó khăn của mẹ. Nó biết ông bà ngoại không thể lo nổi cho mẹ và mẹ chưa biết kiếm ăn bằng cách nào. Do đó, Thục nhịn bữa trưa để giữ nguyên gô cơm đến tối mang về cho mẹ. Khánh đã khóc nức nở, khi kể cho tôi nghe về khoảng ngày tháng này.
Đ ể thoát cảnh chờ ăn bữa trưa do con nhịn ăn để mang về, Khánh lần mò gõ cửa từng nhà hỏi mua quần áo cũ đem bầy bán ở hè phố. Đó là bước đầu gia nhập nghề buôn bán của Khánh ở Đà Lạt. Nhưng cái nghề này cũng bấp bênh như mọi nghề buôn bán khác trên khắp nước thuở đó. Khánh kể, nhiều khi ngồi bên hè phố cả ngày không có người mua; ngoài ra, lại còn gặp cảnh bị xua đuổi, bị tịch thu hàng hóa ( sách cũ chế độ cũ coi như hàng hóa bị cấm lưu hành tàng trữ, huống chi buôn bán ! - B.T ) do vì phạm luật pháp ! Túng thế, Khánh ôm mớ quần áo cũ leo lên xe, tới các buôn Thượng vá các làng xóm xa xôi . Xe cộ chỉ chạy tới một số bến nhất định, nên có ngày Khánh lên đèo, xuống dốc; lội bộ hàng chục cây số, với túi đồ nịt trên lưng. Thường, Khánh chỉ về tới nhà vào lúc 9 giờ tới, giờ mà trước đây hầu hết người dân Đà Lạt đã thu mình trên nệm. Khánh tâm sự :
- Không phải chỉ 2 chân mà khắp người đau nhức kinh khủng. Nhưng đâu phải ngày nào cũng bán được hàng. Có khi, đi suốt 5 ngày mà vẫn không bán được món nào.
T ôi hiểu rõ về những khó khăn đó, nên hỏi Khánh :
-Vốn liếng ra sao ?
-Ăn hết tghì đi vay, chịu lời, chờ lúc kiếm được. Cũng may là còn có người chịu bỏ tiền ra cho vay để kiếm lời.
Nhưng Khánh không thể đau mãi với cái nghề đó, dù vẫn có người cho vay vốn. Cho tới khi gặp lại tôi, Khánh đã xoay nhiều thứ nghề, như bán kẹo bánh, bán chè xôi, ... và lúc này là nghề bán sách cũ, vì nghề bán sách cũ đang tới hồi hiếm khach. Khánh kể lại mấy năm tiếp sau tháng 4. 1975, khji còn ở Sài Gòn; Khánh đã ra chợ An Đông, lao vào các nghề bán hàng dạo, như bán kẹo bánh, kim chỉ, rồi bán dưa hấu. Hàng ngày, Khánh bưng chiếc mẹt đựng mấy miếng đi vòng quanh chợ, hoặc ghé lại các sạp hàng. Khánh kể là thời gian đó, Khánh rất sợ gặp người quen, thoáng thấy bóng người nào mà Khánh nghĩ có thể là quen biết, thì Khánh vội vã bưng mẹt lủi nhanh vào đám đông. Lúc này, Khánh không còn cảm giác ngượng ngập, e dè như thuở xưa nữa. Nỗi sợ của Khánh lúc này là làm sao bảo đảm nổi mức thanh toán hàng ngày cho các chủ nợ.
T rời đêm Đà Lạt buốt lạnh như thuở chúng tôi còn tung tăng với vạt áo trắng trên sân trường, nhưng cái lạnh không mang lại cảm giác thích thú của tuổi mưới tám, đôi mươi; mà như những mũi dao miết trên da thịt.
K hi trở lại Sài Gòn tôi nhớ mãi câu nói thì thẩm của Khánh :
- Người ta thật không may, vì chẳng ai có thể chọn cho mình một hướng đi hợp ý. Không biết con đường của Khánh mai đây sẽ ra sao, dù ước mơ của Khánh lúc này chỉ là đắp đổi sao cho có hai bữa qua ngày.
N ỗi lo của Khánh cũng là nỗi lo chung của tất cả mọi người trong số đó có tôi. Nhu cầu tồn tại đã dồn ép tất cà vào những ngõ ngách khó lường đoán và tước đoạt tới từng giây phút mỏng manh. Do đó, tôi chỉ gặp lại Khánh vào 2 năm sau, khi Khánh bất ngờ tìm tới nhà tôi. Khánh xuất hiện không báo trước, với nét mặt xanh như tàu lá, hai mắt trũng sâu. Thân hình vốn nhỏ bé của Khánh không khác một nhánh cây khô và Khánh đề nghị tôi cùng Khánh ra quán cà phê ngoài đầu ngõ nói chuyện, vì không mướn để chồng tôi thấy Khánh có vẻ khổ não quá .
T ôi như người trong mê, khi ngồi nghe Khánh kể chuyện xảy ra . Khánh đã phải trốn khỏi nhà nhiều tháng qua, vì vỡ nợ - và mẹ Khánh vừa mất. Nước mắt chan hòa, Khánh nức nở :
-Đau lòng lắm, Hân ơi, Khanh vỡ nợ, không dám ở nhà - nên mẹ Khánh phải lo chống đỡ với các chủ nợ và cuối cùng mẹ Khánh mất, vì bị đột quỵ. Mẹ Khánh mắc bệnh tim từ lâu rồi, Khánh là đứa con đại bất hiếu !
T ôi hỏi về số nợ của Khánh và chết điếng khi nghe Khánh nói:
-Lúc này thì lên tới cả trăm triệu chứ không ít đâu ?
Tôi đã từng vướng vào một món nợ như vậy. Trên thực tế, số tiền vay thường chỉ là một triệu; nhưng chỉ một tháng qua đi thì tổng số vốn đã thành 1 triệu 3- vì mức lời hàng tháng thông lệ là 30 phân . Nếu không thanh toán nổi trong thời gian hạn định, thì lời sẽ biến thành vốn và cứ thế tăng lên vùn vụt. Tôi vay 1 triệu đồng và khi thanh toán xong thì tổng số tiền phải thanh toán là 28 triệu đồng. Không có luật pháp nào can thiệp vào chuyện này và cũng không trông chờ được chủ nợ cảm thông, thương xót; nên Khánh đã chọn phương pháp cuối cùng là chạy trốn, Khánh nói như mắc nghẹn.
-Không trốn thì Khánh chỉ còn cách vô tù, mà vô tù thì cũng giết cha, giết mẹ thôi. Khánh biết ba Khánh sẽ không chịu nổi cái cảnh con mình bị bắt mang đi, chỉ vì thiếu nợ.
S au đó, Khánh cho biết, hiện đang ở nhờ nhà một người quen tại khu Hòa Hưng. Nhà người này chỉ có một phòng duy nhất và thêm Khánh tới ở, thì nhân số tăng lên 8 người. Buổi tối, bàn ghế được dồn vào một góc để chủ nhà và khách nằm sắp lớp như cá trên nền nhà. Khánh tìm tôi không với ý định mong tôi giúp đỡ gì, vì Khánh đã rõ hoàn cảnh của tôi - nên Khánh tìm tôi chỉ để tâm sự cho vơi bớt nỗi buồn khổ thôi.
D ù vậy, tôi vẫn nghĩ đến chuyện cần tìm cho Khánh một chỗ ở khác vá sắp xếp cho Khánh một phương cách mưu sinh nào đó. Tôi nhắc Khánh trở lại gặp tôi sau 3 ngày. Tôi tínht oán sẽ thuê cho Khánh một căn nhà nhỏ ở Cư Xá Thanh Đa. Do Khánh không có giấy tạm vắng ở Đà Lạt, nên việc thuê nhà không dễ; nhưng cuối cùng, tôi cũng được một bà cụ đồng ý cho thuê với 1 phòng nhỏ, với giá 200 ngàn đồng / tháng . Tôi đưa số nhà cho Khánh, đề nghị Khánh tới đó, và cho biết phần tôi sẽ lo mọi thứ cần thiết cho Khánh, như mùng, mền, và một ít thực phẩm trong thời gian đầu.
H ôm gặp tôi, Khánh yêu cầu, không cho ai biết về cảnh ngộ của Khánh- nhưng tôi vẫn kể lại cho chồng tôi hay. Chồng tôi bàn ngay với các bạn và anh Thanh Thương Hoàng đ6è nghị:
- cần giúp đỡ cho cô ấy một số vốn để buôn bán ở Sài Gòn . Muốn sao, cô ấy cũng cần phải sống, rồi mới tính tới công nợ được.
Các anh Văn Quang, Lữ Quốc Văn, Thế Phong, Minh Nguyễn ... đều cho biết, sẽ góp ngay số tiền cần thiết để tạo vốn cho Khánh và đã giao tiền cho chồng tôi.
Nhưng khi tôi ôm mùng, mền tới căn nhà đã hỏi thuê cho Khánh, thì không thấy Khánh đâu . Hỏi bà cụ, thì bà nói không có ai tới đây ở cả. Tôi tìm những người quen để dọ tìm, nhưng không có ai hay biết. Bỗng dưng Khánh bặt tăm, có thể vì Khánh đoán biết, là tôi đã nói chuyện của Khánh với chồng tôi, trong lúc Khánh rất sợ làm phiền mọi người.
L oay hoay gần trọn tháng không tìm thấy Khánh, chồng tôi đành mang tiền trả lại cho các bạn, và ai nấy đều ngẩn ngơ không biết giúp Khánh bằng cách nào ?
C ho tới nay gần 4 năm đã đằng đẵng trôi qua, tôi vẫn trĩu nặng nỗi buồn, vì không biết bạn mình ra sao ?
M ấy tháng trước, mẹ tôi từ Đà Lạt nhắn qua cho tôi biết, bà của Lệ Khánh mới qua đời. Trong ngày tang lễ, mẹ tôi tới nhà Khánh, nhưng không thấy Khánh. Hỏi thăm, thì mọi người trong gia đình chỉ lắc đầu im lặng. Điều đó có nghĩa là gánh nặng vẫn còn đè nặng trên đôi vai gầy của Khánh, và Khánh vẫn không thể làm tròn bổn phận của một đứa con là có mặt tiễn đưa cha trong giây phút cuối cùng. Tôi nghĩ, ở một nơi nào đó, Khánh sẽ âm thầm quấn cho mình mảnh khăn tang , rồi tức tưởi khóc than cho số phận của mình !
T ôi nhớ trong nhiều tập thơ của Lệ Khánh có một tập Vòng tay nào cho em ? Tự nhiên cái tựa đề này cuốn tôi đi xa mãi về những ngày tháng chúng tôi cùng chung một mái trường với những ý nghĩ miên man, về số phận của một con người. Không ai có mặt trên đời để đắm mình triền miên trong một nguồn vui bất tận, nhưng có lẽ không có ai như Lệ Khánh đã bị số phận ruồng rẫy, ngay từ khi những ngày đầu có mặt trên đời. Khánh đã vào đời với nỗi thiệt thòi vì thiếu một dung nhan bình thường và tiếp tục bị vùi dập từng ngày từ thuở tóc xanh cho tới lúc bạc đầu. Từ nay tới lúc trút hơi thở cuối cùng, liệu Khánh có lúc nào được quay về nơi cũ để thắp một nén nhang trước bàn thờ cha mẹ của Khánh không ? Và từ nay, cho tới ngày đó, vòng tay nào của định mệnh còn trông chờ siết quanh người Khánh ?
T ôi không dám nghĩ thêm điều gì và chỉ xin được dành phần cuối bài này, có vài lời gửi
Lệ Khánh :
" ...Khánh ơi , dù Khánh đang ở đâu, sẽ về đâu, xin Khánh hãy đưa tay ra cho Hân được nắm lấy. Mình sẽ siết tay nhau để mỗi đứa còn có dịp cảm thấy hơi ấm của tình bạn và tình người, đề dù, không được ở bên nhau; nhưng trong những bước đi dộc hành, Khánh vẫn trút bớt cảm giác lẻ loi. Từ bất hạnh của một người con gái, Khánh đã muốn có Hân chia xẻ, không lẽ giờ này, Khánh lại lặng lẽ chịu đựng một mình những đọa đày của một số kiếp cay nghiệt ?... "
[]
Viginia, 25-10-2000.
HÀNG NGỌC HÂN .
nguồn: - cảm ơn nhà văn Th.Th.H - gửi cho đọc, không ghi xuất sứ như mọi lần- tôi đóan chừng bài này đăng trên tạp chí Tiếng Văng , chủ nhiệm: Trần Văn Ngà , xuất bản ở Sacto / Calif / USA .
----
* HÀNG NGỌC HÂN , tác giả 2 bộ trường thiên tiều thuyết NGÀY DÀI CỦA PHƯỢNG ( tập 1 dày 320 tr.- tập 2 : 320 tr. ) - và 'NÉT KHẮC TRONG TIM' ( tập 1: 336 tr.; tập 2: 357 tr) v.v. ... đều do Nxb Văn Nghệ tp. HCM xuất bản năm 1992 , sang định cư ở Huê Kỳ cùng chồng năm 1999. Trong số bạn văn thân thiết của nữ sĩ Lệ Khánh mà tôi được biết :
- một là, M. H Hoài Linh Phương, tác giả bài' Một chuỗi dời gian truân - một đời bạc phận' ( đăng trên báo hải ngoại)
- hai là , nữ tiểu thuyết gia Hàng Ngọc Hân, ( 1946 - )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét