Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

TẢN MẠN VĂN CHƯƠNG / THẾPHONG / tiểu luận... -sưu tập bài viết từ 1952 - 1975)

MỤC LỤC.

1.- Đời học sinh  ( truyện ngắn đầu tay)
2.- Từ nếp sống văn hóa Thái đến một cuộc đời..
3.- Phan Khôi qua" Chuyện tình trong tù".
4.-Thư của một thi sĩ đành cự tuyệt tên mình. (I)
5.- Thư  của một thi sĩ đành cự tuyêt tên mình (II)
6.- Kịch tượng trưng, văn phi- lý-không -lý-do
      trong văn chương hiện tại.
7.- Phê bình " Xây dựng nhân sinh quan " / Nghiêm Xuân Hồng.
8.- Phê bình " Việt nam văn học toàn thư " / Hoàng Trọng Miên.
9.- Bài thơ xướng họa giữa Phan văn Hùm và Nguyễn Trung Nguyệt.
19.-"Ngục Trung  ký sự"  của Bảo Lương- Nguyễn Trung Nguyệt.
12.- Mùa xuân qua thi ca cảu  vài thi nhân tiền chiến : Tản Đà, Hàn Mặc Tử,
       Thanh Tịnh , Vũ Hoàng Chương.
13.- Phụ lục :  trích bài viết Trần Trọng Phủ -   giai phẩm" Văn Mới" số 2 / năm 1962 / Saigon.


        ĐỜI HỌC SINH
        truyện ngắn TƯƠNG HUYỀN. (*)

Gió hiu hiu thổi, những giọt sương đọng trên lá cây bàng rơi xuống đất lộp bộp. Vừa ngủ dậy, Duy  ra ngoài cửa, mắt đăm đăm nhìn về phương trời xa như  tim kiếm vật gì  đã mất, suy nghĩ mung lung.  Gió thu mát lạnh tạt qua mặt, khiến Duy rùng mình, kêu lên: "  Rét quá đi thôi !" Làm thế nào có tiền để mua chiếc áo len đây ?"  Nét mặt ghi khắc nỗi buồn,  cậu   nhìn thấy tương lai gần rất mờ tối !  Những ngáy tới đây sẽ phải đối mặt bao khó khăn, liệu cậu có thể vượt qua  không ?
Duy  liên tưởng đến  lúc xum họp êm ấm trong gia đình. Ấm cúng quá, nhớ tới khuôn mặt hiền từ người  mẹ, nét mặt nghiêm khắc của cha,- khuôn mặt vui vẻ  mọi người quây quần bên bếp lửa mùa đông. Nay xa cách thật rồi, Duy chỉ còn  lại  nhớ nhung trong  tâm trí.
Ở nhà, Duy được chiều chuộng - chẳng biết gì cuộc đời  khổ sở là thế nào đâu?  Cậu cứ tưởng rằng cuộc đời sung túc  này cứ  phẳng lặng trôi,  sao  có lúc phải đối  mặt lo toan như bây giờ? 
Học hết  trường làng, Duy được gửi ra tỉnh lỵ học.  Năm ấy Duy học đệ thất, nay  đang theo học đệ tứ rồi.  Bây giờ quê cậu đang  chìm trong   khói lửa. Duy rất ghét chiến tranh đã  khiến gia đình ly tán , không còn nhận được tiền mẹ  gửi, cậu kiếm ít giờ dạy thêm ở tư gia để có tiền ăn học. Ngoài giờ học  Duy lăn lộn với đời sống,kiếm được miếng cơm, manh áo quả không xuôi chèo mát mái ! Bây giờ Duy mới thèm khát đoạn đời  khá giả  bạn bè cùng lớp. Họ  vui sướng thật, ngoài việc học hành, không phải lo toan chuyện áo cơm - như  Đàm chẳng hạn.   Trời mưa đến trường đã có xe  ô tô nhà  đưa đón, mùa nào quần áo ấy,  rét đông   quấn cổ " phu la", áo  len, mưa  đi giầy ống , sách vở gài ở túi quần sau -  bề ngoài nhìn vào,  Đàm giống  hệt một  công chức  chính ngạch đến sở làm.
Trời rét căm Duy  gồng mình, cắn răng chịu rét tới trường, Duy tự nhủ, phải học mới có tương lai- giả dụ điều không may xảy đến, sẽ không còn tiền đi học, chẳng biết  xoay sở  ra sao?  Chợt nghĩ,  bữa nay đầu tháng, thế nào  ông Phũ cũng trả tiền  công dạy  tư đây !
Cầm 300 đồng trong tay, Duy vừa sung sướng vừa cảm thấy nhục .  Sung sướng vì đồng tiền chính  cậu đổ mồ hôi kiếm được, nhục vì mất tự do đôi chút.  Duy lo lắng hơn,từ tháng sau, mỗi tháng ông Phủ chỉ còn trả  thầygiáo hai trăm thôi,  thóc cao, gạo kém, đồng tiền khó kiếm quá.   Khi đưa tiền, ông Phủ kèm theo câu nói đại loại  vậy.  Duy  nghĩ bụng,  gia đình này khá giả, không giàu có tới mức nứt đố  đổ vách,  thì 1trăm đồng thôi , sao lại  nỡ  bớt xén  với thầy giáo nghèo đang dạy con mình .  Hay là ông Phủ biết  tỏng Duy chỉ trông cậy vào  món tiền dạy học đó , có bớt thì cậu ta vẫn  không thể bỏ dạy ? .  Cứ kiểu cư xử này, thì cuộc đời chẳng còn tình nghĩa gì, và  chỉ có tiền thì mới giải quyết được mọi chuyện  - Duy gật gù, cảm thấy câu nói  ấy ý nghĩa lắm !
Chiếc áo len hạng bét   có giá bán  7 chục, cộng 1 trăm ba tiến đóng học phí, thế là đi đứt 200 trăm.  Cụ Ký già ghê gớm lắm, chậm tiền học một ngày,  thấy mặt là giục  như hò đò, ngày mai không đóng "  tôi sẽ đọc tên cậu trong lớp đấy nhé !".  Vậy thì tiền cơm phải tính toán sao đây ? đầu tháng là bà Hai đã  chìa tay  đòi tiền,  lên tiếng trước  mỗi bữa ăn.
Bữa nay, vừa bước vào nhà, bà đã   lên tiếng:
- Cậu có tiền rồi thì cho nhà hàng mượn  đỡ  trước đi ?  Bây giờ thóc cao, gạo kém, nấu nướng cho các cậu chẳng lời lõm gì đâu ?
Duy  nói khó, khất mãi, sau đành móc ví,  đưa   bà vỏn vẹn 1 trăm đồng, và hứa : " bà cầm tạm. mẹ cháu gửi ra. đưa bà sau !".
 Bữa cơm  này thật ngon miệng, ấy là sau khi trả 1 trăm, cảm thấy ăn mạnh miệng hơn !
 Thời gian trôi qua rất nhanh , mới  bữa nào đưa tiền, nay đã  qua đi  nửa tháng .  Duy đã ăn chịu mất 5 ngày.  Bà Hai sốt ruột,  dò hỏi bao giờ bà Tâm , mẹ Duy  ra Hà Nội  ,để bà đòi tiền Duy ăn thiếu .
Duy lẩm bẩm:
' Làm gì còn có ngày  nào bà giáo ra thăm con nữa,  Duy đã mất liên lạc với gia đình rồi  -   không biết tìm  cách nào có tiền để trả bà Hai đây?!"
Chính Duy cũng thương hại bà Hai, bởi cậu  hứa hão để bà tin lời. 
Một ý nghĩ khác chợt lóe trong đầu cậu học trò,;" hay là mình đem sách giáo khoa cũ đi bán lại ?"  Nghĩ  trước,   hành động  sau,  cậu về thu vén đống sách cũ, lấy giây buộc  chở tới hiệu sách quen để bán.  Hiệu sách quen lắc đầu, hiệu thứ hai liếc qua, chê ỏng, chê eo,- bộ tự vị" Anh Việt / Lê  Bá Kông 20 đồng, có bán không ?".
Hai tay đút trong túi quần, ra cái điều được giá thì bán chơi, không thì đây  đem về.  Lang thang , sau Duy  cũng nghĩ ra địa chỉ một nhà in nằm  trên phố Lò Sũ , có thể tới  đây xin việc làm.  Tập việc được trả công thấp, Duy vẫn nhận, và chỉ làm được 2 ngày đành bỏ - mỗi ngày mất 1 buổi, 4 tiếng đồng hồ chuyên  gấp giấy, việc rất khó nhoc, lại nhỡ giờ học nữa.
Hồi nàyở lớp,  Duy bị quở trách, giáo sư Đ... mắng thẳng thừng, đốp chát, không  ngại học trò   giận.' Một học sinh giỏi Pháp văn hàng đầu trong lớp , sao nay lại sa sút như một học trò tồi, làm sao thầy  không giận đuợc ! " Duy  cúi đầu nhận lỗi, không dám oán trách , thầy mắng mỏ cốt cho  mình đi học đều đặn, bài làm đầy đủ để luôn nhận điểm 20/20 .  Thầy không sao hiểu được hoàn cảnh tồi tệ đẩy Duy xuống thấp- nhìn bề ngoài vẫn có vẻ lắm, chiếc quần" tropical" mầu xanh, sơ mi " pô pơ lin" màu lơ ,dán mác hiệu may  Bùi Huy Nhượng, giày da láng bóng - ai biết mặt trái  đau khổ, sơ xác của  Duy ?
Nghĩ tới bà Hai, Duy giả thiết" bà có tử tế mấy vẫn phải quăng va li ra đường thôi !", bởi Duy chịu tiền ăn đã 8 ngày rồi. Vừa tới đầu nhà,  nhìn thấy Duy, tiếng bà   đã oang oang:
- Phải tống khứ  đi thôi, ai nuôi của nợ đó mãi được ?! Tiền thì không trả, người nhà người nhiếc  chẳng thấy tăm hơi ?!
 Tiếp , có tiếng" bộp, bộp"- khi Duy vừa tới cửa.
Chiếc va li năm sóng soài như chính Duy đang ngã lăn nằm dài trên vỉa hè.
Tự nhủ : :" Duy ơi! chỉ một mình mày lang thang trong  đêm thu Hà Nội, mưa rả rích, gió bấc thổi lùa,  ánh đèn đêm quạnh quẽ  chiếu xuống mặt đường nhựa ".
Ướt át lấm tấm hạt mưa, vắng vẻ, tĩnh mịch - bây giờ  đã 11 giờ đêm, chuông đồng hồ nhà  ai gần đó điểm.
  Làn sóng người di xem xi nê tan tầm  về, họ cười cười, nói nói, vui vẻ, bàn  tán " sao Marlon Brando đóng chung  Elizabeth Tyalor hay đến vậy !"
Nào ai  thèm để ý tới  kẻ nép dưới mái hiên phố Tràng Tiền- cậu học sinh bị đuổi  vì không tiền trả tiền ăn trọ  đã quá 8 ngày ?!"
 Có thể gọi đó là một linh  hồn đang vật vã đớn đau, đang bị cơn  rét mướt lùa vào đời cậu học trò trong một đêm bão táp không nhà  !.

Hà Nội, mùa thu 1952.
TƯƠNG HUYỀN.
------
(* - truyện ngắn đầu tay ký  TƯƠNG HUYỀN -  được đăng trên trang" Học sinh & Thể thao "  do Đỗ Quân phụ trách. ( nhật báo Tia sáng Hà Nội,  số ra ngày 17 / 11/ 1952- chủ nhiệm: Ngô Vân. ( Đỗ Quân là bút danh nhà báo kỳ cựu tiền chiến" Đông Pháp ": Hiền  Nhân-Đỗ Trọng Quỳnh. Sau  hiệp  định Genève 1954, ông  từng là  tổng biên tập nhật báo Thời mới ( tiền thân  báo Tia sáng  Hà Nội ).
- bài  tu chỉnh ( tháng 10/2011).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét