Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2013

thi ca - thi nhân & cảm nhận : nguyễn vỹ 8


                nguyễn vỹ : nhân chứng một thời đại
                                                bài viết : lê ngọc trác

     Qua tác phẩm của những nhà thơ, nhà văn, chúng ta thấy họ là những nhân chứng của thời đại.  NhÀ thơ Nguyễn Vỹ là một trong số ấy, của một thờ đại mà ông trải nghiệm.

    Nguyễn Vỹ sinh 1910 trong 1 gia đình nhà nho có truyền thống yêu nước ở làng Tân Phong ( Tân Hợi ) , huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.  Nguyễn Vỹ là một người đa  tài, sống bằng nghề văn,  nghề báo.   Ký nhiều bút danh : Tân Phong, Lệ Chi, cô Diệu Huyền, Tâm Trí ... từ những đầu thập niên 30 thế kỷ XX,.

      Nguyễn Vỹ  đã xuất hiện trên văn  đàn, tham gia viết trên tạp chí Văn học, Tiểu thuyết thứ Năm, Hànội báo, Phụ nữ ... ở Hànội.   Và, ông còn là một cây bút chính luận sắc sảo trên các báo thời bấy giờ, như : Le Cygne, L'Ami du Peuple, La Patrie 
Annamite ...

    Thừa hưởng truyền thống yêu nước của gia đình, dòng họ - Nguyễn Vỹ đã thể hiện tư tưởng chống Pháp, phong kiến, Nhật Bản trong các bài viết của mình.   Chính vì vậy, vào 1937, ông bị nhà cầm quyền bắt, giam giữ ở Phú Yên.  Năm 1945, được trả tự do, nắm 1946 vào sống ở Saigon, Nguyễn Vỹ đã sang lập, điều ah2nh nhiều tờ báo: Dân ta, Bông lúa, tạp chí Phổ Thông, tuần báo Thiếu nhi, Thằng Bờm ...

    Nguyễn Vỹ qua đời ngày 4- 02- 1971 trên chuyến xe lữa Mỹ Tho- Saigon.    Ông để al5i cho đời nhiều tác phẩm với nhiều thể tài phong phú, đa dạng- phải nói al2 đồ sộ - 

     về thơ :  Tập thơ đầu / Premières Poésies ( song ngữ việt + pháp,  1934 ), Hoang vu 
(  Saigon, 1962) ,...
     truyện ngắn :  Vinh + nhục của Nguyễn văn Nguyễn ( 1936 )...
     tiểu thuyết   :  Đứa con hoang ( 1938 ),  Người yêu của hoàng thượng ( 1938 ), 
Thi sĩ Kỳ Phong ( 1938 ), Chiếc bóng ( 1941), Dây bí rợ (  Saigon, 1957), Chiếc áo cưới màu hồng ( Saigon, 1957), Hai thiêng liêng ( Saigon, 1957), Mồ hôi nước mắt ( Saigon, 1965 ) ...
     chính luận viết bằng tiếng Pháp :   Kẻ thù là Nhật Bản ( 1938), Cái họa Nhật Bản
( 1938), Tấn kịch Việt-Pháp ( 1947)...
      biên khảo :   Những người đàn bà lừng danh trong lịch sử ( Saigon, 1970 ),  
Tuấn, chàng trai nước Việt ( Saigon, 1970), Văn thi sĩ tiền chiến ( Saigon, 1970 ) ...

   Nguyễn Vỹ, nhà thơ, nhà văn, nhà báo lão thành trong làng báo  miền Nam, ông được người đời  thừa nhận là một nhà báo dám nói lên sự thật. 

     Về văn, Nguyễn Vỹ chuyên viết  tiểu thuyết xã hội, Vũ Ngọc Phan nhận định về tiểu thuyết Nguyễn Vỹ :

    "... ông là một người giàu tình cảm, nhìn cuộc đời bằng con mắt bi quan, trái tim ông rung động khá nhiều ..." 

    Cùng với tiểu thuyết và các thể tài khác -  Nguyễn Vỹ trước sau vẫn là một nhà thơ - 
Ông thật sự   nổi tiếng về thơ ngay từ năm 1941, cả Hoài Thanh +Hoài Chân , Vũ ngọc Phan  đểu đồng thanh  thừa nhận "   Nguyễn Vỹ là người có tài về thơ ".

    Nhiều thế hệ yêu thích bài thơ Sương rơi Gởi trương Tửu  của Nguyễn Vỹ - và  Hoài thanh + Hòai Chân  cho rằng 2 bài thơ này thật sự là 1 kiệt tác của Nguyễn Vỹ.   Hai bài thơ trên, Nguyễn Vỹ viết với  phong cách khác  nhau  , tạo ra một nhạc điệu riêng trong Sương rơi. Cỏn bài thơ Gởi Trương Tửu lại theo thể thất ngôn trường thiên, Nguyễn Vỹ viết trong cơn say với tâm trạng bi phẫn, u uất :

                          ... Thời thế bây giờ  vẫn thấy khó 
                               Nhà văn An Nam khổ như chó 
                               Mỗi lần cầm bút nói văn chương
                               Nhìn đàn chó đói gặm  trơ xương ...

     Lời thơ thống thiết, nói lên nỗi khổ của văn thi sĩ và những người làm báo trong bối cảnh đất nước bị thực dân Pháp cai  trị . 

      Trên con đường thi ca, Nguyễn Vỹ đã từng viết :

                               Ta hãy  truyền một thi hứng mới
                                                        cho thế kỷ hai mươi
                               Ta hãy ký thác trong vần thơ 
                                                       những tình sâu ý hiếm ...

     Hai câu thơ  trên như một tuyên ngôn về thơ của Nguyễn Vỹ .  Và, ông  đã có những sáng tạo mới lạ, đầy táo bạo trong thi ca.   Nguyễn Vỹ là người đề xướng  trường phái thơ ' Bạch Nga ' trên tạp chí Tiểu thuyết thứ Năm ở Hànội trong thập niên 30, thế kỷ XX .  Nguyễn Vỹ đã viết những câu thơ 2 chữ  và 12 chữ.  ( có người gọi là thơ 12 chân ).   

     Sau này, trên tạp chí Phổ  thông  xuất bản ở Saigon , Nguyễn Vỹ  tiếp tục đề xướng trường phái thơ Bạch Nga và thể  THƠ HÌNH ĐỐI XỨNG.   Bài  thơ mang dạng hình học, các hình ảnh ngộ nghĩnh, đầy mới lạ ( THƠ HÌNH ĐỐI XỨNG  lấy câu giữa  bài thơ làm trục đối xứng của những câu thơ theo thứ tự đầu và cuối toàn bài.  Những bài thơ - nhìn toàn bài - sau khi viết, hoặc in trên giấy, giống như bức họa, hoặc, có hình lục lăng, tứ giác, hình thoi  ... ).

     Trường phái mới lạ này  đã thoát ly qui tắc thể thơ cổ truyền.   Sau Nguyễn Vỹ,  chúng ta còn bắt gặp nhiều bài thơ lạ như thế :  Phan Phụng Văn, Ngô hữu Đoàn  v.v. ...

     Trước khi bị tai nạn giao thông qua đời , đâu đó khoảng 1 năm - Nguyễn Vỹ viết bài thơ Quảng Ngãi, quê hương tôi - lời tha thiết, ý thơ hùng hồn.   Nguyễn Vỹ đã khắc họa được nét đặc trưng tiêu biểu về đất và người quê hương ông, núi Ấn, sông Trà:

                          ... Quảng Ngãi  - quê hương tôi
                               Nhiệm màu guồng xe nước
                               Tha thướt chập chùng 
                               Lên men đồng lúa mướt 
                               Lả lướt mênh mông 
                               Quảng Ngãi - quê hương tôi
                               Thương thương làn mây trôi
                               Mơn cảnh đồi Thiên Ấn
                               Vương vương sầu tơ nắng 
                               Nét bút vùng phương khôi
                               Quảng Ngãi - quê hương tôi 
                               Dòng sông rạo rực 
                               Lưng Rồng uốn khúc
                               Rực rỡ ánh dương ngời
                               Trùng trùng gấm vóc
                               Huyết lệ sử dân Hời 
                              Từ Chiêm Thành khai quốc
                               Dâng về ngôi Đại Việt 
                               Trọn ân tình Chúa, Tôi
                               Quảng Ngãi - quê hương tôi 
                               Dân tình bất ly 
                               Dân trí bất nhược
                               Dân đức bất suy
                               Dân  tâm bất khuất 
                               Khi thiêng nung đúc
                               Văn chương kiệt phách hào hoa
                               Bất chấp cường quyền , uy vũ ...

   Cùng với  sự nghiệp thơ, có 1 tác phẩm  của Nguyễn Vỹ được nhiều người yêu thích, đánh giá cao - đó là tác phẩm  Tuấn, chàng trai nước Việt - tác phẩm này trước khi in thành sách ( 2 tập ) được đăng tải từng kỳ trên tạp chí Phổ  thông, thu hút được đông đảo người đọc.   Hình minh họa trong tác phẩm: một thanh niên khôi ngô, tuấn tú mặc chiếc áo dài cổ truyền , đầu đội mũ cối rộng vành đã trở thành thân thuộc với người đọc thời ấy.  Theo Nguyễn Vỹ, tác phẩm  Tuấn, chàng trai nước Việt không phài là tiểu thuyết, cũng không phải tự truyện - [  mà ]  Nguyễn Vỹ  viết về con người,  những sự kiện chân thật, với tư cách nhân chứng khách quan của 1 thời đại.  Chính vì vậy, ông gọi tác phẩm của mình là  chứng nhân thời đại, viết về xã hội Việtnam từ những năm đầu thế kỷ XX đến 1945 : chân dung cuộc sống của 1 thế hệ cùng thời với tác giả.  

     Nguyễn Vỹ đã ghi chép  một cách đầy sáng tạo các sự kiện; phải nói  là ngồn ngồn sự kiện, đấy hấp dẫn, phong phú, chân thật trong Tuấn, chàng trai nước Việt.    Tác giả trở hành người kể chuyện tài hoa, hấp dẫn: từ chuyện ăn mặc, thời trang, tóc tai, học hành, thi cử, chuyện làng xã hội chính trị ... Từ đời sống sinh hoạt mỗi vùng đất của 1 đất nước chuyên sống bằng nông nghiệp lạc hậu, nay tiếp xúc với phương tiện hiện đại, cơ giới, máy móc tự động  phương tây - đến tình cảm, suy nghĩ  một thế hệ đối với đất nước, dân tộc.  

    Đọc tác phẩm này của Nguyễn Vỹ, chúng ta thấy rõ hoàn cảnh , cuộc sống  đất nước việt, từ  thời kỳ phong kiến, thuộc địa đến thời kỳ bùng nổ dân chủ, giành độc lập.   Chúng ta hiểu rõ tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội; cũng như, những tập quán xã hội nước ta  trong thời kỳ  đầu thế kỷ XX. 

     Tác phẩm Tuấn, chàng trai nước Việt đã trở thành nguồn tư liệu quý giá giúp rất nhiều cho những nhà nghiên cứu, biên soạn, trích dẫn phong tục tập quán, sinh hoạt , đới sống, kể cả những  chuyển biến lịch sử đất nước , từ thời kỳ đầu của thế kỷ XX.

   Với tác phẩm Tuấn, chàng trai nước Việt - thi sĩ Nguyễn Vỹ quả là nhân chứng [ có một, không hai ] của một thời đại  [ nhiễu nhương ].  []

                                                           ( kỳ sau :  Quách Tấn : người giữ đền tài hoa ) 

       lê ngọc trác 


   tài liệu tham khảo :

- Nhà văn hiện đại / Vũ ngọc Phan (  Nguyễn đức Phiên xb, Hànội 1942 ).
- Thi nhân Việtnam / Hoài Thanh + Hoài Chân  ( Hànội, 1942)
- Nguyễn Vỹ : nhân tích của 1 vùng đất và 1 thời đại / Đỗ lai Thúy
    ( tạp chí Văn học Nghệ thuật số 7 / 2007).
 - tạp chí  Phổ  thông ( số 233 / 1970 ).

 (  nguồn :    NXB  VĂN HỌC + Cty văn hóa  ĐẤT VIỆT -  Hànội ,  2013 - tr  53 - 60

                                                                               

Thứ Tư, 26 tháng 6, 2013

lữ quốc văn mừng hoàng vũ đông sơn 70.


                                              BÀI THƠ MỪNG TUỔI
                                             HOÀNG VŨ ĐÔNG SƠN
                                                thơ   LỮ QUỐC VĂN

    ...  Khoảng đầu năm 2008, Hoàng Vũ Đông Sơn có tổ chức một buổi lễ mừng thọ cùng các bậc cao niên khác.  Khi nghi thức tiến hành, Lữ Quốc Văn viết được BÀI THƠ MỪNG TUỔI -  đúng theo ý những vị cao tuổi ấy, phải là mừng thọ . Nhưng nghĩ rằng mừng thọ hàm ý già nua, lụ khụ khệnh khạng, nên dùng từ mừng tuổi. Có lẽ nhiều người sẽ chê trách là gàn dở.   Đành chịu, vì tôi thích là một kẻ rong chơi :  yêu người, yêu đời ...

                          Sơn mãi sơn hoài, Sơn cứ sơn 
                         Tóc tai ra vẻ bậc hiền nhơn  ** 
                         Thơ ngông đảo bút, hai tay đủ  *** 
                         Chữ lễ nghiêng hài **** một bước chơn. 
                         Quét đỏ bôi xanh, vênh mắt ngủ.
                         Tô vàng đất bạc, cứ lơn tơn .
                         Thế thì : 
                         Nếp nhà gắng giữ, ôm qui củ 
                         Mặc kẻ bôi son, hắn nổi cơn .
                              LỮ QUỐC VĂN
 -------

*       bài thơ này, Lữ quốc Văn sửa mấy  chữ, như  Sơn  này không phài sơn kia mà lầm - chữ Sơn  đầu tiên, tác giả ám chỉ HVĐSơn nên SƠN   ( hàng chữ  đầu + thứ 4) viết hoa, còn chữ sơn  chữ  ở hàng thứ 3  + 6 viết chữ thường - bởi  chữ sơn   là động từ.     Và câu  ở hàng thứ 8, anh sửa dấu HỎI  trên chữ  U ( thay dấu NGÃ)  -  bật cười ,tôi nhớ  anh  thợ tây   cà chớn sắp chữ cuốn   tiểu thuyết Les conquérants /  André  Malraux, từ" " ils  s'agenouillent devant L'AUTEL   thành "  ils s' agenouillent devant L' HÔTEL .. .

     - và ở trang 2   tâp thơ NGÕ TRÚC, anh ghi tặng Thằng Phải Gió :  một lời đề tặng rất PHẢI GIÓ :
         "  Thân tặng THẾPHONG một nhà văn ngang tàng
               Sàigòn 21- 8- 2008 
                   Lữ quốc Văn ký tên." 

  * *   hiền nhơn: người hiền   -  chữ mượn ý thơ Hồ xuân Hương :
      " Hiền nhân quân tử ai là chẳng / Mỏi gối chồn chân vẫn cứ chèo "
 ***   hai tay đủ: khen chê đủ 2 lối - nhưng không đọc âm Nghệ Tĩnh. 
 **** nghiêng hài :  Hoàng Vũ Đông Sơn có tham dự ban  tế ở đền thờ Hai bà Trưng vùng ngã 3 cây thị, tức ở đường Nguyên Hồng. Phép tế, bước đi rất cẩn trọng.
     - bài thơ cố giữ chỉnh vận, nên chữ dùng thành gượng ép.  Mong khách thơ lượng
thứ .
     ( Chú thích  2 - 4 : Lữ quốc Văn ) . 

nguồn:   -Tuyển tập thơ NGÕ TRÚC / Phổ Đức  chủ  biên - nhiều tác giả. 
            Nxb Thanh niên, chi nhánh tại tp HCM,  2008 - tr. 252- 253 -

    Lời bình: 
        mừng  Hoàng  Vũ Đông Sơn vào 2008  đúng  tuổi  70 ( âm lịch) , theo tây phương, anh ta  mới 69 , khi  ấy  rất khỏe,  chạy xe phăng phăng như thanh niên. Sau  5 năm,  tuổi già sồng sộc nó theo sau , chân chậm, mắt mờ,  từ đầu năm đã  mấy lần ra vào bệnh viện.  Ngẫm ra,  bây giờ bài thơ  LQV mừng tuổi HVDS  mới đúng  là  mừng thọ . HVĐSơn sinh năm 1939 ở Bắc  Bô.  Di cư vào Nam năm 16 tuổi , theo học Trung học Trần Lục  Saigon,   Từng là sĩ quan QLVNCH, ngành chiến tranh chính trị,  đồng tác già thi tập Cuồng lũ, vời Trần bất Bạt), Tháng 2 buồn đọc lại Lỗ Tấn  ( Văn Uyền, San José/ USA 2002.) ...

          Nữ văn sĩ Trần thị Bông Giấy  giới thiệu  : 
         "... Hoàng Vũ Đông Sơn là một cái tên xa lạ đối với độc giả hải ngoại, nhưng lại là một khuôn mặt quen thuộc trong giới văn chương Sàigòn.   Xuất thân là một cựu sĩ quan báo chí QLVNCH, sau 1975, anh trải qua nhiều năm dài trong các trại tù CS. * Kết quả của những ngày lao dịch đó, đó là một cuộc sống vô định sở, không hộ khẩu, không chứng minh nhân dân ... và những bước chân  rong ruổi phố phường . (... ) Tất cả mọi nhọc nhằn cuộc sống thường  nhật chung, hoặc những uẩn ức  một nội tâm sâu kín riêng được tuôn trào ra đầu ngọn bút, bằng những dòng văn chương châm biếm, cợt đùa và cũng rất là tình cảm.   Từ đó, ngày qua tháng lại, Tháng Hai buồn đọc lại Lỗ Tấn được  thành hình ..." 
     (   bài  Tựa  -  tr. 7  - Thàng 2 buồn  đọc lại Lỗ Tấn  ) 

         - sáng thứ tư 19-06-2013 ,  mời anh em tới ăn sáng, không còn ra  quán,  mà  lần này  ăn sáng tại gia -  Phu nhân anh, tay đẩu bếp cừ khôi, tự tráng bánh cuốn, rán đậu phụ  vàng ngậy cắt nhỏ ô vuông, nước  chấm  tự tay pha chế  -  với tôi - thật ngon miệng !   Ăn sáng  tại gia để  chủ nhân  tránh được xuống lầu rồi thở dốc lên lầu ?  khiến tôi nhớ có  1  lần  chở Lý văn Sâm  ( 1921- 2000 ngồi sau xe gắn máy  lên thăm
Hoàng Tấn ( 1920- 2003 ở lầu 3  chung cư Thanh Đa ( khác dẫy) , Lý văn Sâm thở dốc, nói không ra hơi  :
            ' mày muốn tao  lên  lầu 3,  hãy xuống  đây cõng tao   ' .

       
------
*    chuẩn úy  QLVNCH  Hoàng ngọc Ấn ( 1939     )  ' trải qua  nhiều năm trong các trại tù CS ..., chỉ học tập tại chỗ 3 ngày, ( chuẩn úy, được coi như hạ sĩ quan, binh sĩ ) không phài vì  bị tập trung cải tạo  dài hạn theo diện sĩ quan  ( từ thiếu úy trở lên ) - nhưng  bị bắt vì  vượt biên -  nay , anh đã có chứng minh nhân dân  ,  có tên trong hộ khẩu - ' lương bổng  cấp phát tại gia' do phu nhân, một nữ giáo viên dạy cấp ba trung học  đài thọ, anh chỉ việc rong chơi , làm thơ, viết văn  , chuyên viết
  văn tế : 
      "... Một cái may trong đời tôi là đã được gặp gỡ vài người vợ' thật sự là vợ' của các người bạn tôi ( Văn Quang, Thế Phong, Phan Diên Hoàng Vũ Đông Sơn ).  Bài viết này chỉ xin đưa ra 2 người đặc biệt trong đời Phan DiênHoàng Vũ Đông Sơn : chị Bonnie [  Phan ]  và chị Thanh Phương.  Đó là những phụ  nữ biết ' làm sang cho chồng' , biết quên tên của mình để chỉ nghĩ về cái tôi của chồng ..."

       (  tr. 279- tập 2 " Điệu múa  cuối cùng cùng con thiên nga / Trần thị Bông Giấy / Văn Uyển xuất bản / San Jose / USA , 2005). 
  ( BT) 

ĐƯỜNG BÁ BỔN
Saigon, June, 27, 2013.
            

   
    
           
       
      
    
     
     
      
    

Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

nhớ nơi kỳ ngộ / lãng nhân 5



                             nhớ nơi kỳ ngộ
                                                           lãng nhân


                                                   NGUYỄN TIẾN LÃNG

     Năm 1959 .   Một buổi chiều ở Paris, tôi thơ thẩn dạo bước tới 1 quán cà phê quen thuộc vùng quận 5, gần đến cửa, thì thấy [ Nguyễn tiến ] Lãng cùng 1 một người bạn từ trong đi ra, không trông thấy tôi, vì [ anh ta ] mải nhìn xuống hè, vừa đi vừa khoa tay vùng vằng, chửi tây bằng tiếng ta.   Tôi lên tiếng, thì anh ngẩng lên, bước tới ôm ngang, mừng rỡ vài câu, rồi kéo tôi, ba người cùng rảo bước tời trạm xe lửa Sceaux để về nhà anh ở đường Aquiataine, thị xã Antony.   Người bạn cùng tôi đi xuống xe, phài dìu anh về nhà, vì anh [ đã ] say khướt.

    Sau khi được chị Lãng săn sóc, khăn nóng đắp lên trán hồi lâu, anh mới tỉnh táo,  hậm hực than phiền :

    " Tôi là 1 thằng đàn ông sống sót, anh ạ ! "
    " Thì chúng mình đây, ai chẳng là kẻ sống sót."
    ' Anh chưa biết đấy, để tôi kể anh nghe.   Tôi còn nhớ như mới xảy ra ngày hôm qua.  Hồi ấy là tháng 8 năm 1945.   Tôi cùng vợ con rời nhiệm sở ở Đà-lạt, về nghỉ mấy bữa ở nhà nhạc gia  nơi biệt thự  ở nhà nhạc gia nơi biệt thự An cựu- thì vào buổi trưa ngày 23 - một đoàn mang huy hiệu sao vàng cớ đỏ, súng lăm lăm, mời 2 cha con ra họ ở tòa Khâm [ sứ ].   Thế rồi họ đưa thẳng vào nhà lao.  Để đấy, thấy ông tổng đốc Quảng nam Ngô đình Khôi cùng con là Ngô đình  Huân  đã ngồi đó, và hôm sau, một xe hơi đem đến không biết sẽ đưa họ đi đâu .   Họ cho họ Ngô lện xe trước, rồi đến cụ Phạm [ Quỳnh ].  " Còn thằng Lãng " , một người lên tiếng hỏi , thì có tiếng trả lời :" Chật quá rồi !  Cho lên nữa sao được ? Để nó đi chuyến khác. Còn nhiều chuyến nữa, mà ! ".   Tôi thầm niệm Nam mô, và rồi sống sót.

     Tôi sống sót nhưng đâu đã hết chuyện, sống sót ở trong lao tù.   Rồi nhà lao không đủ chỗ chứa vì đông quá, phải chia đi giam ở các nhà tù trong miền Trung dàu dãi 6 năm trường, sau đó mới được tướng Nguyễn Sơn thương tình cho về quê quán.   Đầu năm 1952 đưa gia đình sang đây.   Rõ là :

                                           Trải bao gian khổ mới có ngày nay
                                            Nhớ những điêu linh kể từ thuở nọ ...

   Ở nhà thì nổi tiếng như cồn, mà sang đây thật khó xoay sở: mình chỉ vỏn vẹn cái bằng tú tài !   Phải xin đi dạy  việt ngữ, mở hiệu sách, để rồi thi lấy cái cử nhân, để vào làm công chức trong bộ Giáo dục * .   Và cũng như anh đã biết, thày tôi mất đã mười mấy năm rồi, mẹ  tôi sống heo hút nơi quê, vừa đây tội đã  về để lo cho bà cụ sang bên này sống cho đỡ khổ, chứ anh lạ gì mấy năm sau này sống dưới cái chế độ khốn nạn ấy, cụ tôi sung sướng  nỗi gì !  Vây mà có được đâu ?   Chật vật hết sức mà cũng vô vọng.   Tôi lại phải trở sang một mình.   Đời tôi thế này là hết rồi anh ạ !   Ở bên này, con cái lại vào làng tây cả, mình cỏn gì đâu ?   Mai tôi sẽ nghỉ cho lại sức, chiều ngày kia anh  lại nha Học chính, rồi chúng mình đi chơi.   Nhiều chuyện 
[ để kể ] lắm ... !
------
*  Nguyễn tiến Lãng :  Les chemins de la révolte - Ý-Việt - 1989 .
    ( tác giả chú thích ). 
  
    Đúng hẹn,, tôi đến văn phòng anh, vừa gặp lúc anh đang soát lại bản ráp bức thư do cô đầm thư ký  thảo để đem đánh máy.  Anh cầm bút chì xanh gạc một đoạn, bảo cô đầm :

    " Câu này không đúng giọng [ văn  ] tây .! ( Ce n'est pas francais ...!)
    Lúc chúng tôi về, anh nói nhỏ :
    " Phải làm thế, cho chúng nó tởn, không dám khinh mình là mít ?"

    Thế rồi sau 1975, trong khi kẹt ở nhà tôi được tin anh bị tê liệt , rồi từ trần vào 1976, thọ 67 tuổi.  (anh sinh năm 1909). :


                                                             ĐỖ VĂN 

    Sinh năm 1919  tại Thanh Hóa.  Nguyên tên là Đỗ tất Văn , tư chất thông minh, tính tình phóng khoáng.   Đã đỗ vào Cao đẳng, bắt đầu học thuốc, sau không chịu nổi  mùi tử khói xông lên trong giờ học giải phẫu, ông bỏ ngang, sang học ban sư phạm., rồi cũng thôi luôn, vì không ham cái tương lai năm này qua năm khác nhai lại một chương trình.   Lần mò tìm đường sang Pháp miễn phí và học  về nghề in, vì có khiếu về cơ khí.   Ở Pháp, gặp Hoàng tích Chu sang học hỏi ngành báo chí.   Khi Đỗ Văn  đậu kỹ sư in, tính đường về nước, thì Hoàng [ tích Chu ]  tán đồng, 2 người cùng về một lượt, và được anh Bùi xuân Học đón ngay để nhờ cải tổ tờ
 Hà thành Ngọ báo.

    Đến khi  ảy chuyện  chính kiến khác nhau,  Hoàng [ tích Chu ]  cùng bộ biên tập rút lui,
 Đỗ Văn cũng thôi việc luôn, để tỏ tình liên đới   Anh được ông Nguyễn văn Vĩnh có bụng lân tài, mởi làm giám đốc kỹ thuật nhà in Trung Bắc.

     Ít lâu sau, [ Hoàng tích ] Chu được giấy phép xuất bản  báo Đông Tây, tất nhiên cũng đưa Trung Bắc in và [ Đỗ ] Văn lại tạo cho tờ báo một vẻ mặt trẻ trung, duyên dáng.

    Có biệt tài về ấn loát, Đỗ Văn còn ấp ủ nhiều ý kiến khác thường: cuộc sống tự lực ở Pháp, qua những dày dạn phong sương, ân tình chốc lát, đã rèn cho anh một cá tính bất cần đời.   Suốt ngày  nơi văn phòng uốn nắn ấn phẩm cho ăn ý với khiếu thẩm mỹ của mình, chiều về bạn với tiên nâu * trước ánh đèn êm dịu , bên chiếc khay pha lê mấp mé nước lạnh, anh lấy hoa hồng ngắt ra từng cánh, thả cho bập bồng tỏa hương ngào ngạt lẫn vào khói thuốc ngất ngây thì người đời còn gì đáng kể nữa đâu !   Một khi ngà ngà say, gây gây buồn, anh lại xếp đặt kế sách hoán cải thế giới.   Cũng may mà kế sách thần diệu này hôm sau quên mất hết, nếu không, thì đại cục thiên hạ bày xóa biết bao lần rồi !   Anh bất cần đời  là vì ghét đời, ghét những dối trá,  lừa lọc, ghét những hiếu danh, tham ô; nên, hễ có ai nói đến tai một sự gì lố bịch xảy ra là anh có ngay 1 phương sách để cười chơi ... cho đỡ buồn 
-----
*  hút thuốc phiện ( BT) ...

   Phương sách ấy, tự  anh không ra tay , chỉ thảo luận giữa những anh em thường ngồi vây quanh ngôn đèn thần, rồi ai cao hứng thì ra mà thực hiện .

     Mưu mẹo khi thành công thì anh khoan khoái, khói lên nghi ngút; còn kẻ chịu báng, có khi rất nặng nề, cũn g chỉ cười xoà, tặng anh cái huy hiệu Bôn đô lão tổ,

     Nguyên do 3 chữ  Đỗ tất Văn hồi ở bên Pháp rút còn Đỗ Văn dễ gọi hơn, lại thêm Paul cho có vẻ tây: Paul Dovan - rồi mưu thần chước quỷ khoác cho anh huy hiệu Bôn đô lão tổ.

     Khi nhà in  đổi chủ, anh không ưa những ông cai thầu lên làm chủ, bỏ về thanh Hóa, tạm nghỉ.  Rồi [ Phát xít ] Nhật  đến,  Tàu { Tưởng giói Thạch ] sang, anh gia nhập [ đảng ] phái Quốc gia [  anh được giao ] tổ chức dân quân.   Khi quân Tàu rút, anh theo ra Hànội, được bổ làm gíam đốc sở Thộng tin, trụ sở ở nhà hội Khai Trí.

    Ở nhiệm vụ này  đến 1954, vào Saigon, anh tiếp tục đến năm hưu trí.   Và trở lại nghề in được ít lâu, sau về nghỉ vì sức khỏe suy sụp. 

     Anh mất năm 1974, thọ 75 tuổi.

   Còn nhớ hồi xưa TCHYA đã tặng  anh mấy câu thật khám phá :

                                      Thân đã phôi pha  dầu gió ngược
                                      Tài còn trôi nổi ngọn trào xuôi
                                      Bút toan rạch nát giang sơn cũ
                                      Mò đáy tang thương chọn cảm hoài ...
                                                     TCHYA 


                                                       TCHYA

     Đái đức Tuấn  quê Thanh Hóa, tôi mới gặp ở nhá Đỗ Văn  mà anh gọi bằng cậu, đã có cảm tình ngay, vì cùng trong lứa tuổi đôi mươi ngây thơ mơ mộng.   Anh đỗ tú tài, làm tham tá nha Học chính, hay vẽ và làm thơ ngay trên bàn giấy công chức.   Nét vẽ nguệch ngoạc kiểu tây đoan Rousseau, nhưng ngụ ý hài hước hơn, anh minh họa một vài câu Kiều , như  câu trải qua một cuộc bể dâu, vẽ theo cái nghĩa chảirâu  : một người đứng trong bể nước cầm bàn chải [ chải ] chòm râu dài lê thê ! Thơ anh có những câu :

                                       Thì giờ  vỗ cánh bay như quạ 
                                       Bay hết đường xuân kiếm chỗ ngồi
                                       Rượu đến gà kêu cô cuốn chiếu 
                                       Quay về, còn lại mảnh tình tôi ...

                                                                      [ TCHYA  ] 

     Đã đành anh nhớ lại Edgar Poe, nhưng tôi thích thú những quạ ngồi gà kêu lạ tai cũng như nét vẽ lạ mắt.

    Có lần, tôi đến nha Học chính , thấy anh cúi trên bàn giấy, có quấn khăn choàng trắng, cho một nghệ sĩ dao kéo sửa mái tóc bồng bềnh.   Tôi tưởng lúc ấy, viên chủ sự Pháp mở phòng này, nhìn tôi tủm tỉm, trỏ ngón tay vào thái dương, có y bào : Tuấn hơi tàng tàng  ( cinglé).

    Lần khác, cũng trong phòng này, tôi gặp Nguyễn Tuân cùng anh đánh cờ  tướng theo những đường kẻ lệch lạc trên giấy báo.   Viên chủ sự Pháp đi qua, thản nhiên, như không thấy gì.   Thực ra, họ không muốn để ý đến, vì nể Tuấn ở phương diện khác : phương diện hồ sơ.   Hồ sơ của nha chồng chất như núi, nhưng tuấn xếp đặt thật ngăn nắp, theo cái năn nắp riêng của   mình; khi cần hồ sơ nào, nếu cứ theo thứ tự abc hay 1,2, 3 - thì chẳng ai tìm ra nổi, mà hỏi đến Tuấn, anh chỉ quơ tay là thấy liền !  Tài đặc biệt , ấy cho phép anh tha hồ phóng túng .

                                                               ***

     Nét vẽ, câu thơ, ánh đèn, khói thuốc, bầu không khí thân mật cười đùa này chẳng [ bao ]  lâu khiến anh mắc  món nợ phù dung * 
----
* thuốc phiện ( BT).

     Nợ càng  sâu đậm hơn, khi nàng tiên nâu *  xuất hiện  trong thân hình Bích Ngọc, một ngôi sao trện sô ng hồ của Hà thành hoa lệ, có nét kiều diễm thyeo ti6u chuẩn tây phương, được đám phong lưu dị chủng đặt cho cái tên ôn-nhuAngèle.   Nhưng gia nhân  lúc ấy đang kẻ đưa người đón dập dìu, đâu có chú ý đến một  anh chàng thi sĩ ngây thơ ! Nên chàng than vãn :

                                             Hững hờ là thói thuyền quyên 
                                             Si tình thay, lũ thiếu niên giang hồ !

                                                                             [ TCHYA ]

     Mãi về sau , trong 1 đêm đông mưa gió, sau bửa tiệc vui đông đảo, Angèle ngồi lại bên đèn, trước lò sưởi : 

                                             Ngọn lửa cành non kêu lách tách
                                             Như đùa với lạnh.  Mặt em tươi 
                                             Hơi âm, tình nồng, hai má đỏ
                                            Nhìn em, em chúm chím môi cười ...
                                                    [ TCHYA ]

     Thế là  tiếng sét nổ trong lòngTuấn, nảy ra cái bút hiệu TCHYA mà anh giải thích là 
Tôi Chẳng Yêu Ai, trong khi thâm tâm tự nhủ: Tuấn Chỉ yêu Angèle.!

       Nhưng Angèle không chỉ yêu Tuấn.  Nên Tuấn than :

                                           Tao phùng một chuyến rồi ly biệt 
                                            Hoa lại bay theo ngọn gió ngàn ! 
                                            Chuyến bay này đằng đẵng bốn năm :  *
                                            Bốn năm mặt đá rêu phong kín 
                                            Vằng vặc trăng suông tỏa bóng sầu
                                            Nghệ sĩ trót sinh giàu cảm lụy 
                                            Dẫu tàn thân thế khó quên nhau ...
----
*  có bản chép :  Bốn năm chuyến bay này đằng đẵng  (BT

                                                                  ***
                                          Rượi ngon ngon chẳng vui lòng 
                                          Khói thơm thơm chẳng giải xong mối sầu
                                         Tâm tình trôi mãi về đâu
                                          Đời tình ta chẳng có nhau cũng thừa ...

     Đời chưa thừa vì còn gặp lại nhau :

                                           Gặp em đêm ấy em xinh thắm 
                                           Em mỉm cười duyên mỉa thế gian
                                           Bèo nổi nước trôi em vẫn trẻ 
                                           Cái già như sợ cái hồng nhan  !

    Nhưng rồi ma đưa lối quỷ đưa đường :

                                           Gió về hoa lại bay đi
                                           Yêu nhau lại đợi đến khi trùng phùng 
                                           Chúc em xanh lục thắm hồng
                                           Rõ ràng thục nữ anh hùng sánh vai
                                           Mỗi khi ôn lại cuộc đờ
                                           Để dành một phút cho người ngày xưa... 

    Nói thì thế, nhưng cũng không ngăn được nỗi ngán ngẩm sự đời, muốn quăng đi hết cả :

                                           Bạn,  đến phong trần trao oán hận 
                                           Gái,  tàn ân ái phủi tình chung 
                                          Tưởng yêu được mãi người trong mộng
                                           Mộng đến tan  canh cũng não nùng 

                                           Đời ví phải khom mà đế bá 
                                           Tình như chịu lụy mới phong vân 
                                           Thôi thì mặc quách trò dâu bể
                                            Ai đỉnh chung gì với thế nhân !
                                                                         [ TCHYA ]

    Mình không muốn đỉnh chung, nhưng gia đình bắt buộc phải đỉnh chung,  anh đành về
 Thanh [ Hóa ] cưới vợ.  Được vợ hiền đức nhưng hiếm hoi, anh có thơ an ủi :

                                          Trăm năm thân thế buồn như rũ 
                                          Một phút bon chen hận đến già
                                          Tia lửa hút đầu sơ sợi bấc
                                          Hàng văn uống lệ héo hồn hoa

                                           Can tràng thôi hiến nghề nghiên bút
                                           Tâm huyết đem thờ chữ Quốc gia                                         
                                           Tử túc nếu không truyền hậu thế                                          
                                           Thì đây  THI TẬP đứa con ta ..
                                                                    [   TCHYA  ] .

    Không đỉnh chung với thế nhân, anh cũng quyết không đỉnh chung nữa với phù dung.   Năm 1938, một hôm anh bảo người nhà chuẩn bị xôi gà, đèn nhang; đên đêm anh trịnh trọng đem bàn khay đèn đặt trước lễ vật, , lâm râm khấn vái rồi bê cả xe, tẩu, móc tiêm cùng khay đèn ném choang xuống sân gạch, ly dị với tiên nâu   từ đấy .   Nhưng lại sa vào men rượu mà anh uống như nước trà

    Khi thế chiến thứ 2 bùng nổ,ách quân phiệt Phù tang  chồng thêm với ách thực dân làm khổ dân ta, anh dột ngột xin nghỉ việc ở nha Học chính, nói với tôi :
    "Tây sắp thua rồi, ở lại làm gì ?"

    Thế rồi, một hôm anh lặng lẽ đem vợ và con nuôi về quê ở vùng Vệ sơn, giấu hết mọi người, ngay cả bà mẹ và chị em ở Thanh Hoá cũng không ai hay biết.   Anh chọn 1 ngọn đồi thấp ở Vệ vĩ, bên những ruộng muối trắng xóa gần bờ biển thuộc phủ Quảng Xương, cách Thanh Hóa chừng 10 cây số.

    Ở đây, anh lập 1 cái am gọi là Mai Nguyệt *  , mái tranh  vách đất, 3 phòng thông nhau bằng cử tò vò, có mành trúc thưa .
-----
*   TCHYA  dùng  bút danh Mai Nguyệt, có lẽ để kỷ niệm cái am mái tranh , vách đất kia chăng ? (BT).
.
 Đứa con nuôi , anh bắt giả câm, mỗi khi có ai hỏi thăm, thì nhất định phải ngậm miệng và viết ra giấy trả lời ; câu đầu bằng chữ Hán :  Đáo am văn sư phụ, câu sau là tiếng tây :  Allez vous renseigner auprès du Mai^tre , sau rốt bắng quốc ngữ :  Ông đến am yết kiến sư phụ .

    Anh lại  có 1 đồ đệ lực lượng, vốn là1 tên trộm cướp, từ ngày gặp anh, tình nguyện hoàn lương.,

    TchyA  nhất quyết dùng am này là nơi cai thuốc phiện .  Sáng ngồi tham thiền, chiều tập thể dục.   Cứ như thế  suốt trong 6 tháng, anh khôi phục được sức khỏe, cả tin h thần lẫn thể xác.  Hình dung biến đổi: mái tóc dài chùm cổ, râu 3 chòm lê thê !  Thử về Thanh [ Hóa ] chơi, thấy không ai nhận ra mình, nảy ý kiến làm họa sĩ, nhân thấy đồ đệ từng cầm đầu nhiều vụ cướp, bèn gọi đến để học võ.   Gần gụi ít lâu, thầy võ theo đạo sĩ đi quyên tiền nhà giàu đem phát chẩn giữa nơi dân nghèo.

    Cạnh am có 1 ngôi chùa bỏ hoang, đạo sĩ dùng làm nơi thuyết pháp :  vì tiểu đồng  sử dụng 3 thứ chữ, nên tiếng đồn đạo sĩ là bậc thông thái siêu phàm, có những ông nho sĩ tìm đến hỏi han, thì anh mời sang bên chùa rồi thao thao bất tuyệt giảng triết lý tây phương.

    Đến đầu 1946, tại Thanh Hóa có cuộc xung đột quốc, cộng xảy ra dữ dội.   Nhiều vụ đổ máu diễn ra, từ đồn điền Di Linh đến khách sạn Tứ Dân là bản doanh chíinh của nhóm lãnh đạo phong trào bài Cộng.   Lẽ tất nhiên, trong nhóm có Đỗ Văn và TchyA, tuy TchyA vẫn đi đi về về am Mai Nguyệt . Nghe phong phanh [ CS ]  đến đốt am , khiêng ông đạo về giam ở ngục Quảng Xương.  Không biết ông đạo thuyết pháp thế nào mà được tha với điều kiện sẽ phục vụ cho [  họ ] .  Thế là, ông tếch luôn về Tứ Dân, võ tranh bằng dây lưng da thắt vòng ra ngoài áo the dài.

   Sau vì vốn chữ Hán đủ để bút đàm với Tàu, anh nghiễm nhiên đóng vai cố vấn ban chỉ huy, từ đó mặc quân phục màu cứt ngựa, mũ lưỡi trai, giầy ủng, bên hông có khẩu súng buông thõng cài giây tua.

   Đến khi quân Tàu rít lui, anh cũng rút theo ... sang đến tận Côn Minh ...
   Khoảng 1952, tôi nhận được giấy gọi của sở Mật thám Pháp, đến nơi, được biết, có ông
 Đái đức Tuấn  ở Côn Minh gửi đơn về   Hànội, cậy tôi đứng bảo lãnh.  Tôi vui vẻ ký nhận, thì ít bữa sau tái ngộ với TchyA, đầu tóc bồng bềnh,  Ở chơi vài hôm, rồi anh lên phố hàng Bún, ở với Đỗ Văn, bấy giờ làm giám đốc [ nha ] Thông tin.

    Vài tháng sau, anh vào Huế, do lời mời của thủ hiến Phan văn Giáo, vốn là bạn thân khi trước ở Thanh Hóa và ông này  cử anh với anh Đàm quangThiện làm đại úy [  đồng hóa ]  ngành Chiến tranh chính trị,.

    Ở đây, anh tìm xuống trọ trong 1 con đò sông Hương cùng với  Đàm. [ quang Thiện ]   Tôi có gửi mấy câu họa 1 bài chữ Hán của anh :

                                      Nghe anh trở lại đất kinh kỳ
                                      Lấy bút làm gươm rạch thị phi 
                                      Mây nước bao la còn nhớ hẹn
                                      Cỏ cây xơ xác ngẫm càng bi 
                                      Nửa đầu sương tuyết ngô hoàn ngã 
                                      Một mái giang san khách thị thùy
                                      Sóng rộn lòng Hương thuyền mấy lá 
                                      Cầm ngang ngọn đáo vẫn ngâm thi ..
                                              LÃNG NHÂN

    Sông  Hương kia nước chảy lờ đờ, vì có gió nổi được lên sóng gió, họa chăng mới ngớt tiếng ngâm thơ.

     Rời Huế vào Sài gòn, dưới chế độ cộng hòa, anh nghiễm nhiên trở thành quân nhân thực thụ trong căn nhà khu cựu chiến binh.  Người biết nhiều về quãng đời này là bạn Đám quang Thiện - thì Đàm quân của TchyA - là một mâu thuẫn  lạ đời do hậu quả của 1 xã hội bị Pháp chèn ép hay của sự giao du với những người không căn bản làm cho lay tận gốc .

    Tôi cho rằng TchyA đã chọn  cách sống như 1 nghệ sĩ theo kiểu tây phương : sống theo sở thích, sống cho nội tâm  mình, không  cần biết xung quanh ưa hay không ?  Thành thử đôi khi anh tỏ ra khinh bạc quá cỡ.  Như hồi anh lên núi tu, được tin thân mẫu mệt nặng, anh viết thư cho người bạn thân, nhờ gửi 1000 đồng vào Thanh Hóa cho bà cụ uống thuốc, bạn nhân mới thâu được 1500 đồng, liền gửi ngay cả số.  Sau đó, anh tới gặp bạn, cười , nói :

     " Mày giàu nên mới khổ vì tiền như thế, chứ nghèo thì tao phiền làm gì ! ..."

    Chắc các bạn cũng đồng ý với tôi rằng TchyA muồn đem cái đẹp riêng của mình vào đời sống nhiều hơn là vào tác phẩm.  Cái đẹp ấy, tôi hiểu là cách phát  huy bản sắc của mình bằng những cử chỉ khác  đời, thoát sáo, những cử chỉ không ngại là khinh thế ngạo vật, theo 1 chiều khoáng đạt, rộng rãi hơn cái nếp luân lý thông thường của xã hội.

    Đêm trừ tịch, gần lúc giao thừa, đón năm Mậu thân, anh lại nhà bạn Võ khắc Tân  tự
Trác Ngọc -  [ TchyA ]  viết  bài thơ tặng  [ Trác Ngọc ] :

                                                      TchyA
                                               Đái Đức Tuấn  

                                   Cũng  sáu mươi à? bác Tẩy Xìa ( TchyA 
                                   Văn chương tưởng đã tống ra rìa 
                                   Nước  non khoái mãi thi cùng phú 
                                   Thời thế phai dần tóc với ria

                                    Hồ hải đòi  * phen vào lộn bến 
                                   Tang bồng mấy độ bắn lầm bia 
                                   Thế rồi cũng sống mà vui thú                                  
                                    Để chuốc quỳnh tương rượu uống thìa .

                                                            [ TCHYA /  ĐÁI ĐỨC TUẤN ]   RIÊNG TẶNG TRÁC NGỌC   

-------- 
*  theo ý BT : đôi sẽ  tương thích  hơn. 
       

    Tới ngày  rằm tháng 7 năm ấy (  8- 8- 1968), anh tạ thế, thọ 60 tuổi.

    Tôi đã  họa bài thơ trên [ của  TchyA / Đái đức Tuấn ]   để tưởng niệm người bạn thâm giao, mà hình bóng lúc nào cũng thấy như thấp thoáng trong ánh đèn, chập chùn g trên ngọn khói :

                                Anh vội vàng  chi thế Tẩy- Chìa ?
                                Đường đời ngại lắm , tránh lên rìa? 
                               Tang bồng đã hẹn ba chung rượu
                                Hào mại hằng vênh một bộ ria
                                Bút múa long xà tay vẩy gió
                               Tranh vờn vân cẩu miệng truyền bia 
                                Nhớ anh, nhớ những đêm Hànội
                                Quanh ngọn  thần đăng, thú úp thìa !
                                     [  LÃNG NHÂN ] 

     Sáng ngày   10-8-1968) tại  nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, bạn Vũ hòang Chương đã rưng rưng mắt lệ đọc mấy lời thống thiết trước quan tài TchyA :

                              Đành lẽ '   trót sinh giàu cảm lụy 
                              Dẫu tàn thân thế khó quên nhau  *
                              Mai hoa tái thế bao giờ nữa ?
                              Minh nguyệt tiền thân biết hỏi đâu ?
                             Tàn cuộc văn chương từng góp lệ
                             Tàn đêm lữ thứ lại chung sấu 
                             Tàn đi mãi đấy hồn phong nhã 
                             Tàn cả rồi chăng lớp biển dâu? 
                              Và cũng tàn theo ba tiếng khóc 
                              Ngấm vào ba thước đất vùi sâu... 
                             Tàn mai, tàn nguyệt, tàn cơn mộng
                              Anh đợi gì chưa nổi trống chầu ?

                                                         *

                              Mấy năm liền sao rụng trời Thơ,
                                              vận nước sô nghiêng
                                                      hồn chữ nghĩa
                                Rằm tháng bảy anh về đất Phật
                                                  lệ ngâu thấm ướt
                                                          tập' Đầy Vơi ' **

                                                    [ VŨ HÒANG CHƯƠNG  ]

-------
*     thơ TCHYA
**   tác phẩm TCHYA  
       (BT

( kỳ sau  : báo ' Duy tân ' , Khái Hưng,  Ch. Mau' s , báo '  Nhật tân', Nguyễn Triệu Luật  ]

     lãng nhân 

 ( Nhớ nơi kỳ ngộ / Lãng Nhân - Nxb Ziên Hồng. / Zieleks  / Texas, U.S.A , 2007 -  tr 51- 62  ) 

----
* [ ...] chữ của Biên tập.