Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2013

một mình một ngựa - nguyên sa - 11



          một mình một ngựa /
              tách rời tác phẩm khỏi lịch sử  là  thảm họa  11* 
                                            bài  viết :  nguyên sa 

-------
* tựa nhỏ  của tác giả:  nấm xương vô định 



     Thân gởi ..., 
    Lịch sử văn chương là một phụ trợ cần yếu cho việc phê bình văn nghệ .  Tác phẩm là thuyền.  Lịch sử là dòng sông.  Phải nhìn ngắm con thuyền trên đồng luân lưu bất tận đó.   Tách rời tác phẩm ra khỏi lịch sử, mang nó lên cánh đồng cỏ đặt no lên tấm thảm hoa, bày biện nó trong bảo tàng viện thì hỏng cả.   Nhìn ngắm sai hết.  Đó là sự trừu tượng khô héo.

     Cái quan niệm này của môn phái phê bình tham bác lần trước đã nói, bấy giờ nói thêm tí nữa.

     Mà nói, là phải nói  đến việc thiết lập sự kiện, việc tổng hợp sự kiện văn hương, việc cắt nghĩa những tương quan .   Tương quan giữa những sự kiện văn chương, giữa văn chương và những thứ không phải là nó.

     Vấn đề nó như thế này.   Chúng ta còn nhớ cả cái lề lối làm việc của sử gia.   Đối tượng khảo cứu của nhà sử học là những việc đã trôi qua rồi, không còn ở trước mặt, đã thuộc về dĩ vãng :  Trần Hưng Đạo.  Cuộc cách mạng 1789 : dĩ vãng .  Đệ nhất và đệ nhị thế chiến  : dĩ vãng.   Đối tượng của sử học, những sự kiện thuộc về dĩ vãng xa hay gần đó, không còn tồn tại ở trước mặt sử gia, như vật rơi trước mặt nhà vật lý` học, tế bào trước mặt nhà sinh lý học, hành tinh trước mặt thiên văn học.   Các nhà khoa học thực nghiệm kia có thể quan sát trực tiếp đối tượng mà họ muốn khảo cứu.   Sử gia, khổ lắm, vì không thê áp dụng các phương pháp khảo cứu của các  đàn anh khoa học thực nghiệm được.   Người say mê với sử học phải đi tìm   kiếm đủ thứ.   Lăng tẩm và đền đài.  Những nấm bia và những đồng tiền cổ.   Chiếc quan tài chạm trổ và những vũ khí hoen rỉ. 
Những văn kiện ngoại giao, quân sự, hành chính và nhiều thứ khác.   Phải gặp người này, phải hỏi chân chứng kia.   Di tích và nhân chứng là con đường đầy cạm bẫy đưa sử gia tới những sự kiện lịch sử.  Khi đã có được một " lô " sự kiện rồi, sử gia phải đi sắp xếp chúng lại theo một thứ tự nào đó.   Có thể là thời gian.   Có thể là kinh tế , ngoại giao, chính
trị hay quân  sự .  Như kể lại triều Lý rồi mơi đề cập đời  Trần.  Nói đến Lê Lợi rồi mới bàn tới những người kế vị.   Câu chuyện lịch sử đã được tổng hợp lại cho có mạch lạc đã, lại còn phải được cắt nghĩa.   Tương quan giữa quý tộc và thứ dân.   Tương quan giữa tình trạng nông nghiệp và cuộc đới cách mạng 1789.  Bao nhiêu việc.  Bao nhiêu vất vả.

     Người làm lịch sử văn chương cũng phải làm tất cả những công việc đó.   Phải tìm lại đầy đủ những sự kiện văn chương.   Tác phẩm lớn và những người khiêm tốn hơn.   Tấm bảng thời gian đó phải đủ cả như thế, để cho thấy người này được bao bọc bởi những người kia, người sau và người trước  chia cắt bởi cái khoảng cách bao xa.   Những sự kiện, những tác phẩm, tác phẩm thiết lập đầy đủ rồi, phải tổng hợp lại thành một toàn thể.   Tức là phân chia thời kỳ, thời đại.   Tức là khuynh hướng này,  khuynh hướng khác.  Tức là vạch ra rằng việc này và việc kia liên hệ với nhau ra sao, tác phẩm này liên hệ với tác phẩm kia ra sao, tác giả đi trước có cái liên hệ với tác gỉa đến sau như thế nào,   tức là tìm kiếm cả cái liên hệ giữa lịch sử văn chương và lịch sử nói chung ra sao . Tác phẩm được tìm hiểu, được nhìn ngắm, được mang ra phán đoán như vậy, lồng trong dòng sinh động của lịch sử được đánh giá đúng mức - bởi vì được đặt nằm trong dòng liên tục sống động .

     Các nhà  phê bình thuộc phái tham bác còn nói thêm rằng : không nên hiểu lịch sử văn chương theo một nghĩa hẹp, nghĩa cổ điển.   Phải hình thành cái lịch sử các tác phẩm, tác giả, nhất định [ như thế] rồi.  Đó là cái lịch sử văn chương chính thống cần lắm cho việc nhận thức đúng mức giá trị của mỗi tác phẩm  [ được ] lồng  vào trong khung lớn của toàn thể.   nhưng ngoài cái lịch sử văn chương đúng  nghĩa đó, còn có nhiều loại lịch sử văn chương phụ thuộc khác.  Như lịch sử văn hóa.  như lịch sử thưởng ngoạn.  Nghĩa là lịch sử của đám đông quần chúng thưởng ngoạn vô danh.

      Lịch sử văn chương chính thống và phụ thuộc, đó là những công việc khó.  Phải có nhiều người làm chung mới xong.   Những công trình kiến thức đó đòi hỏi sự có mặt của kiến trúc sư, cũng như của thợ sắt, của thợ hồ, cũng như  thợ mộc.   Phải có người đặt móng và người đổ đá.  Phải có người tô vách và người dựng cửa.   Và hơn nữa, cũng như thời gian biến đổi không ngừng, sự đổi thay liên tục là định mệnh của lịch sử văn chương.   Một sự kiện mới vừa khám phá ra là phải nhìn ngắm toàn thể, một giai đoạn văn chương mới đi qua, buộc phải xét lại từ đầu.   Cũng như xây nhà không phải mỗi năm  cứ việc chồng lên ngôi nhà cũ một tầng lầu.   Phải đi lên từ móng.

     Khó lắm.   Vất vả lắm.  Mà cứ phải làm lại hoài.   Nhưng cái lịch sử văn chương to lơn và phức tạp, vất vả và công phu đó cần lắm.

     Tối thứ tư vừa qua, sau buổi họp mặt, bánh, nước của anh Nguyễn Khắc Hoạch * , trường Văn khoa; tôi đi về cùng anh Trần Trọng San, người dịch những tập
" thơ Đường "tài hoa và kiên nhẫn.  Chúng tôi nói chuyện với nhau về " Kiều".  Bạn tôi nói  càng ngày càng đi sâu vào vào thơ cổ, càng tìm thấy nhiều ý nghĩa khác lạ và thú vị trong " Kiều ".  Chẳng hạn, như " lơ thơ tơ liễu mấy cành Dương-quan ".  Mở cuốn sách đọc những dòng chú thích, ta chỉ thấy nói Dương-quan là một vị trí địa dư ở bên Tàu.  Và dư âm của câu thơ trong trí tuệ ta, người đọc của thế kỷ này sẽ chỉ còn là " ở cái vùng Dương-quan có mấy bờ liễu, mọc lơ thơ ".   Nhưng, nếu ta phiêu lưu vào thế giới của 
 " thơ Đường ", nghe thấy 2 chữ  " Dương- quan ", [ thì ]  sự cảm xúc lập tức đến ngay.   Thấy buồn ngay.  thấy ngay sự cô đơn cào xé.  Bởi vì " Dương-quan "  là " tây xuất Dương-quan ở phía Tây đó biết lấy ai làm tri kỷ.  Đấy, khi cái đám  mây " tây xuất Dương-quan vô cồ nhân "  bay phảng phất trong tâm hồn, ta sẽ nhìn thấy " lơ thơ bờ liễu mấy cành Dương-quan " của Nguyễn Du khác đi nhiều.   Ta sẽ nhìn thấy, không phải chỉ có thảo mộc chỉ có vị trí địa dư; mà còn có cả cuộc khởi hành cô đơn, cuộc sống tương  lai không tâm sự.  Cũng vậy, " Sông Tần một giải xanh xanh "  chỉ còn là một câu thơ tả cảnh, nếu ta không biết đến những câu thơ ân ca đời Nam  Bắc triều " Dao vọng Tần xuyên can trường đoạn tuyệt ".  Có cái sự đứt ruột ở trong sông tần đó.   Không nhìn thấy sự tan nát của ruột gan, mà chỉ nhìn thấy màu xanh của nước là hỏng.  Là phụ nhau to.  Nhà phê bình văn học không làm đến nơi đến chốn cái công việc tìm hiểu tác phẩm, còn phán đoán cái nỗi gì.   Mà càng tim, càng thấy mình sai.  Trong nhiều ngày, tháng, ta có thể lầm tưởng " Nấm xương vô định đã cao bằng đầu "  - là cái câu thơ gởi về cái sự chết  tróc nhiều quá của chiến tranh, xương chẳng biết là của ai, xương vô định.   Đến khi cuộc phiêu lưu đưa họ Trần lạc vào thế giới của Trần Đào, gọi là "  Lũng tây hành" thì sự sửng sốt thật ghê gớm. " Khả lân vô định hà viên cốt  / Do thị xuân khuê mộng 
lý nhân ".  Có người chết, có chiến tranh.   Nhưng không phải chỉ có thế  , ở bên bờ sông tên  là Vô định đống xương đã chất cao.   Vẫn còn là người ở trong mộng của người nơi khuê phòng, trong mùa xuân vẫn đinh ninh: chồng của mình, người tình của mình vẫn còn hiên ngang tung hoành nới chiến trận kia, vẫn đinh ninh rằng chiến tranh rồi cũng hết, rồi nó sẽ về.   Trong khi đó, xương cốt của nó đã nằm trong đống cao trên bờ sông vô định.
------
* Nguyễn  Khắc Hoạch,  từng là  Khoa trưởng trường Đại học văn khoa Saigon ,  làm thơ ký bút danh Trần Hồng Châu , đăng thơ trên tạp chí chính ông làm chủ nhiệm, tạp chí Thế Kỷ 20 (    Sở Nghiên chính trị xã hội tài trợ  ( tên gọi khác: Mật vụ thời  Ngô Đình Diệm ). Sang Huê Kỳ sau 1975,  Trần Hồng  Châu xuất bản được 1 thi phẩm, trước khi qua đời. (TP) .
-----  
     Buổi tối hôm đó, khi chia tay Trần Trọng San, tôi nghĩ rằng môn phái phê bình tham bác là một môn phái lớn.  Nó có những nền tảng khỏe ghê.  Phải tìm hiểu tác phẩm đến nơi đến chốn.  Phải tim hiểu kỹ lưỡng và khách quan cuộc đời tác giả.   Phải xông pha đến tận những nơi xa xôi ấy, những nguồn lẩn khuất nhất của tác phẩm.  Phải đặt một phần vào trong khung lớn của toàn thể, phải đặt tác phẩm và tác giả vào trong khuôn khổ  của lịch sử văn chương, để nhận thức cho sống động và đúng mức.   Phức tạp lắm.  Vất vả lắm.  Nhưng, phải làm thế.  Phải tìm lại nguồn của mỗi câu, mỗi chữ của tác phẩm, như " Truyện Kiều " chẳng hạn.   Tú Xương, những Tản Đà, Nguyễn Khuyến hay Cao Bá Quát.   Phải đặt những tác phẩm và những tác giả đó vào toàn thể lịch sử văn chương .   Nếu muốn tìm thấy nỗi cô đơn thảm thiết của thành Dương-quan ở phía Tây , nếu muốn nhìn thấy bóng dáng của những cảm xúc, gọi là đứa ruột gan trên mặt sông Tần, và, nếu muốn bắt gặp sự đối nghịch bi thảm của những giấc mộng trong khuê phòng màu xuân và đống xương trắng trên bờ sông Vô định .

     Thân ái, 
     nguyên sa 
     ( 1932- 1998  Hoa Kỳ ) 
------
* [ ...} chữ của Biên tập. 

                                                       ( kỳ sau : phê bình ấn tượng  )

( Một mình một ngựa / Nguyên Sa / Nhân văn xuất bản, Saigon 1970 - tr. 60 - 65 )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét