Thứ Hai, 25 tháng 3, 2013

một mình một ngựa / nguyên sa - 13


                        một mình một ngựa /
                      phê bình" phê bình ấn tượng "   13
                                              nguyên sa 

     Thân gởi..., 

     Tuần trước chúng ta đã vào thăm ngôi vườn rung cảm, nhìn ngắm những lớp ánh 
sáng lóng lánh chủ quan của " phái ấn tượng ".  Chúng ta gật gù tán thưởng cái lối yêu mến tác phẩm, cái lối thưởng ngoạn nghệ thuật, cái quan điểm phê bình văn học nghệ thuật của các tay " ấn tượng ".

     Ta nói cái lối nhìn ngắm tác phẩm như thế cũng được.   Khi thưởng ngoạn tác phẩm gây cho ta những xúc động nào,  ném vào ta những khoái trá nào, in vào ta những ấn tượng nào, ta sẽ nói lên trong bài phê bình những xúc động , những khoái trá, những ấn tượng đó.

     Một cách chủ quan.   Với những rung động của cuộc phiêu lưu còn vương vấn; của những khoái cảm chưa dứt.   Trước chúng ta, nhiều người cầm bút đã nói lên sự bằng lòng với cái lối yêu mến tác phẩm của " phái ấn tượng ".    Chateubriand chẳng hạn, các anh còn  lạ gì, đã gật đầu tán thưởng đấy.  Sự phê bình phải phản ảnh được sự say mê hào hứng của nhà phê bình .   Và sự hào hứng đó chỉ có thể được, nếu nhà phê bình .  Và sự hào hứng đó chỉ có được, nếu nhà phê bình biết thả hồn bay nhảy trong sự va chạm , sực xúc động của ấn tượng đầu tiên.

     Nhưng, một buổi sáng đẹp trời, có những người lạ mặt, nhiều  loại lắm; ta sẽ nhìn kỹ họ sau, bây giờ hãy biết rằng; những người đó là những người đứng đắn lắm, tử tế lắm, yêu mến văn chương, bước vào khu vườn ấn tượng êm ái, ngửi kỹ những hương thơm, ngắm ngía thận trọng những cánh hoa, nhấp từng [ hụm ]  trà, đọc từng trang sách, rồi cất tiếng.   Không được.  Phê bình ấn tượng, không được.

     Họ nói : này các nhà phê bình ấn tượng, các anh nhầm to rồi.  Tiêu chuẩn phê bình văn nghệ của các anh chứa đầy rẫy những mâu thuẫn.  Yêu mến tác phẩm qua sự va chạm và nhìn ngắm chủ quan, rồi viết lên những xúc động, những ấn tượng chủ quan đó, là sai lầm ghê  lắm.  Con thuyền phiêu lưu của các anh khoái trá lắm, nhưng nhất định, sẽ chìm sâu trong đại dương mâu thuẫn.  Nếu không, tất nhiên các anh sẽ phải phản bội chính mình.    Sẽ nói một đằng làm một nẻo.

     Chẳng cần là những nhà tâm lý học chuyên nghiệp, các anh và chúng tôi, chúng ta đều biết rằng: những sự kiện tâm lý xảy ra trong ý thức của một chủ thể là sinh hoạt luôn luôn trôi chảy, luôn luôn đổi thay.

     Như một dòng nước , đó là  hình ảnh của James của Bergson.   Người đàn bà đẹp đang đi trên đại lô kia , trong phút giây ngắn , làm ta khoái trá ghê gớm lắm, làm ta quay đầu lại chiêm ngưỡng, làm ta thầm nói vài lời thán phục, say mê.

     Nhưng, vài phút sau, có thể cảm tưởng đã đổi thay.   Ta thấy đôi mắt là thiên thần kia , như hàm chứa quá nhiều dục vọng, đôi môi mới nhìn là trái ngọt kia chỉ là sự khô héo hóa trang.   Sự chán nản, than ôi, chỉ trong giây phút ngắn đã vội đến thay thế sự khoái trá.

     Đó là chưa kể đến trạng thái tâm hồn người thưởng ngoạn.   Tâm hồn đó thường trực biến đổi, tùy theo ngày mưa, ngày nắng, sáng sớm hay đêm khuya, ngày vui hay ngày buồn.

     Cảm tưởng, sự xúc động gây ra,  do sự tiếp xúc với thế giới ngoại giới đổi thay nhiều lắm, tùy theo trạng thái tâm hồn đó.   Nhìn người đẹp đi qua vào ngày đầu tháng, mới nhìn người đẹp vào buổi sáng [khi ] đã sắp lên đường nhập ngũ  ,  không giống với ngày nghỉ phép cuối tuần hay buổi chiều giải ngũ, giã từ vũ khí.   Cảm tưởng của anh về tác phẩm là cảm tưởng nào, cảm tưởng buổi sáng hay buổi chiều, sự xúc động lúc bắt đầu đọc sách sảng khoái, hay khi đọc xong mệt mỏi.

    Trạng thái tâm hồn làm cho ấn tượng biến đổi như thủy triều lên và xuống.   Chán nản trong cái cuộc sống vội vàng, ồ ạt của thành phố văn minh, của cái cuộc dời cờ gian bạc lận chết chóc và phân hóa này, ta mới thấy được cái khoái cảm  ghê gớm, khi ngâm to những câu thơ của Đinh Hùng :

                                   Thèm ăn một chút hoa man dại
                                   Và ngủ như loài muông thú kia

     Với trạng thái tâm hồn đau xót đến cùng cực, vì bị ngăn cách; bị cô đơn, ta mới  uống từng giọt đắng cay của thơ họ Vũ   :

                                   Em ơi lửa tắt bình khô rượu
                                   Đời vắng em rồi say với ai .
                                          VŨ HOÀNG CHƯƠNG  

     Nhưng trái lại, nếu cuộc đời hiện tại của ta còn mang đôi cánh của loài thiêu thân bay thẳng vào ngọn lửa tiền bạc, danh vọng; thì sự khao khát thiên nhiên của Đinh Hùng, sự nhớ tha thiết của Vũ Hoàng Chương, dưới mắt ta chỉ còn là những tình cảm khó hiểu, kỳ cục.

     Đấy cảm tưởng, đấy ấn tượng, đấy xúc động, nó đổi thay như thế đấy.  Cùng một cuốn sách,  đọc với những trạng thái tâm hồn khác nhau, sự sung sức lúc đầu bắt đầu sự mệt mỏi lúc chấm dứt, sự yên tĩnh buổi sáng; đứa con khóc, người vợ giục tiền buổi chiều, sẽ mang lại nhiều ấn tượng nào đó cho người đọc.   Và 1 chọn lựa như thế có còn là cảm tưởng tự nhiên, sực xúc động chân thành; ấn tượng thuần túy nữa hay không ?  Hay, nó đã phản ảnh sự phán đoán, sự phân tách, sự suy luận.   Tức là đã bị xâm phạm, bị làm vẩn đục, bởi những nhãn quan khoa học.

     Hơn nữa,  khi đọc tác phẩm, khi thưởng ngoạn, khi say sưa, anh có một cảm tưởng, một xúc động, một lô ấn tượng.  Bây giờ viết lại thành một bài văn, dù muốn , dù không; anh cũng phải sắp xếp chúng lại cho có thứ tự, cho có mạch lạc, luận lý.

    Sắp xếp lại cho có mạch lạc, tổ chức một lô cảm tưởng hỗn độn lại cho bài văn có thứ tự, lớp lang; tức là đã xa lắm rồi , cái ấn tượng thuần túy.   Ấn tượng đã bị cắt xén, đổi thay vị trí  , tu sửa cho có mạch lạc, vo tròn hay bóp méo cho khỏi mâu thuẫn lẫn nhau.   Xa lắm rồi cái ấn tượng thuần túy xuất hiện tự nhiên, khi nhà phê bình tiếp xúc với tác phẩm.   Các anh, những nhà phê bình ấn tượng, các  anh không thể tuyệt đối trung thành với những đường lối, tiêu chuẩn phê bình đã vạch ra.  Sự thiếu chung thủy, đó là định mệnh, nghĩa là, dù cố gắng đến đâu, các anh cũng không thoát khỏi.

     Còn cái gọi [ là ] cảm tưởng chủ quan, các anh có chắc là cảm tưởng chủ quan thực sự không ?  cái ấn tượng mà anh này có, sự xúc động đang đến với anh kia, [ ] chắc là của anh không  ?

    Tôi xin phép nghi ngờ.   Tôi chỉ nói sơ sơ vài cái  này: cái tương quan tấm lý và xã hội.   Cái ảnh hưởng của tập thể không phải chỉ có mấy cái rễ cái, còn có cả trăm, cả nghìn cái rễ con chạy ngang, chạy dọc trong những vùng đất tâm hồn .  Ăn bánh cuốn ban đêm, sau khi xem xong 1 cuốn phim hay, sau những giờ trôi qua mau cùa chuyến  đi dạo tình cảm; nước mắm pha khéo lại được chế thêm mấy giọt cà cuống thơm lừng thì tuyệt. Nước mắm cà cuống của món ăn đó, cũng như mắm tôm của món ăn này, mắm ruốc của món kia gây ra những khoái trá, tưởng là tự nhiên; nhưng thật ra,  ảnh hưởng giáo dục của xã hội nhiều lắm.   Con cháu chú  Sam *, thần dân của nữ  hoàng Elizabeth **, chắc không thể cảm thấy thích thú ngay lần đầu thử thách những gia vị ấy.
-----
*     ám chỉ công dân Huê Kỳ
**    ám chi  công dân Anh quốc  
       (TP) 
-----
     Cũng vậy,  cảm tưởng khoái trá, khi anh thưởng ngoạn tác phẩm có phải là cảm tưởng tự nhiên, có phải là xúc động  của [ chính ]  anh, có phải là ấn tượng thuần túy không .   Anh này khoái lắm, khi đọc những câu thơ cân đối, phải chăng dòng thơ Đường đã bằng đường  lối giáo dục chảy ngầm trong cơ thể.   Anh xúc động ghê gớm, vì những phi lý về cuộc sống  [ được ] phơi bầy  trong tiểu thuyết này, phải chăng nhãn  quan văn nghệ của anh đã mang nặng dấu vết những nhà tư tưởng  tây phương chủ trương triết thuyết đó.   Cảm tưởng của anh, ấn tượng của anh đã được đóng khung, đã được nhào luyện sẵn bởi những khuôn khổ, những luật lệ văn chương liên hệ đến cái đẹp, cái xấu, cái hay, cái dở.   Như thế, nó còn là ấn tượng hay không.

     Phê bình ấn tượng, sau khi đưa ra được cái lối nhìn ngắm tác phẩm  mới lạ, cái tiêu chuẩn phê bình văn nghệ độc đáo lắm, bị những người đến sau, những nhà phê bình khác, vặn hỏi đến nơi đến chốn.  Những người đến sau muốn nói rằng không, cái thước để đo giá trị của tác phẩm phái ấn tượng không dùng được nữa.   Chúng tôi có 1 hệ thống đo lường khác,  1 lối nhìn ngắm, yêu mến tác phẩm tốt hơn, đúng hơn.   Cho nên phải từ bỏ phê bình ấn tượng.

   Trước khi bước vào thăm viếng những trường phái phê bình văn nghệ, chúng ta, trong thư này, hãy cùng trở lại với ấn tưởng để [ rồi ] chia tay.  Phê bình là sáng tạo.  Chúng ta đã biết như thế.   Người đàn bà ấn tượng đã sáng tạo ra cái nhan sắc của nó.  Nó đã cái thời lộng lẫy của nó.

    Vấn đề  với các nhà phê bình bây giờ không phải  là khoác lên thân thể mình cái nhan sắc của kẻ khác.  Mỗi người tìm thấy cái lối nhìn ngắm tác phẩm riêng của mình.   Nhưng ta không thể không ghi nhận là cho đến mãi mãi, ở trong bất cứ khu vườn thưởng ngoạn văn nghệ nào, những người đi tìm kiếm cái đẹp để yêu mến, vẫn chẳng thể quên được kho tàng quý giá  để lại bởi ấn tượng.   Các anh không thể quên  khoái cảm, xúc động,  ấn tượng hừng hực bắt gặp được trong sự giao tiếp với tác phẩm.

     Thân ái,

    nguyên sa
     ( 1932- 1998 Hoa kỳ ) 

-------
[ ...] chữ của BT. 

( Một mình một ngựa / Nguyên Sa - Nhân văn xuất bản, Saigon 1970 - tr.  72 - 77 )


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét