Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011

NHỮNG NGƯỜI THÍCH DẤU HUYỀN / ĐẶNG TRẦN HUÂN / ( tiếp)

Lời dẫn 
 Trao tay sách  mượn,  Lê Ngô Châu ( 1923- 2006 Saigon )  nhắc:" ĐặngTrần Huân rất uu ái  - chẳng thế   " Mục lục nhân vậtcó tới 4 chỗ nhắc tới -   hãy đọc Thế Phong 45, 46, 58, 589, 158".
 Không sai,  trong   tạp văn đã nhắc tới Thằng  Phải Gió   2 lần, lần thứ nhất" Hai chữ H.O đâu mà có?"  và " Chọc Mù Thiên Hạ " .Cùng đọc ở tạp văn thứ 1:
 "... (....)  Sáu năm sau ngày những người H O đâu tiên tới Mỹ thì môt nhà văn ở Việtnam, Thế Phong, thì lại bịa ra rằng HO là hai chữ viết tắt của Humanitarian Order.   Trong cuốn Hồi Ký Ngoài Văn Chương do nhà xuất bản  Đồng  Văn   in tại Mỹ và nhà  Văn Nghệ Westminster, CA phát hành tháng 8, 1996, Thế Phong viết: "...Nguyễn Bùi Thức hiện ở Huê Kỳ xuất cảnh theo diện Humanitarian Order, HO. ( trang 270  )" ....
Tiếp, mời bạn đọc  thưởng thức   tạp văn  thứ 2 của Đặng Trần Huân , có đoạn , viết về Thế Phong.
Thếphong.

                                                        Chọc Mù Thiên Hạ.
                                                                                        
                                                                              tạp văn ĐẶNG TRẦN HUÂN.

Đọc trên báo  ta hay gặp mục Gỡ Rối Tơ Lòng thường do một người có kinh nghiệm trên đường tình giải đáp và đưa ra những lời khuyên có thể được nghe có khi bị phản đối tùy theo ý và quyết định sau cùng của người hỏi.   Người trả lời không bắt ép ai cả; lời khuyên chỉ có giá trị cố vấn mà thôi.
Nhưng tới cái mục Giải Đáp Thăc Mắc thì rắc rối,  phức tạp hơn nhiều.  Vì độc giả hỏi lung tung, miên man, đủ mọi đề tài, mọi vấn đề, mọi lãnh vực.   Một người dù thông thái đến đâu cũng không trả lời hết được và câu trả lời phải thật chính xác để giúp mở mang kiến thức cho người hỏi chứ không có tính cách cố vấn nữa.  Do đó câu hỏi do một người nhưng câu trả lời thường do nhiều người.   Vì nếu trả lời sai, người hỏi tin là đúng thì không có giá trị mở mang kiến thức mà làm cho người hỏi dốt thêm, mà người ta gọi là câu giải đáp chọc mù thiên hạ.
Nhớ lại chuyện xa xưa, khi nhà văn quá cố Nguyễn Vỹ chủ trương tờ nguyệt san Phổ Thông hồi thập niên 1960 ở Sài Gòn có mục giải đáp thắc mắc với người phụ trách ký tên Cô Diệu Huyền và mục này hình như lấy tên Mình Ơi... Không biết có bao nhiêu người góp ý kiến  trong việc trả lời nhưng Diệu Huyền chính là một bút hiệu của Nguyễn Vỹ.   Có lần một học sinh viết thư thắc mắc nhiều điều để xin cô Diệu Huyền giải đáp trong đó có những câu; -
1.- Khi nói về nhiệt độ người ta hay dùng chữ C và chữ F kèm với con số chỉ nhiệt độ là nghĩa gì ?
2.- Muốn tra cứu hay mua bộ từ điển 6 cuốn Larousse du Vingtième Siècle thì phải tìm ở đâu ?
3.- Cuốn La P... Respectueuse ( Con Điếm)  của J.P.Sartre và cuốn Les Mendiants de Miracles
 ( Những Kẻ Ăn Mày Phép Lạ )  của  C.V. Gheorghiu có phải là hai cuốn tiểu thuyết về đề tài kỳ thị chủng tộc hay nhất từ trước đến nay không ?
Báo Phổ Thông đã trả lời :
- Hai chữ C và F trên nhiệt kế là viết tắt của hai chữ Chaud ( nóng )  và Froid ( lạnh) ; Bộ từ điển Larousse mà em hỏi ở Sài Gòn không có'.  Chưa có tiêu chuẩn nào để xác định được hai cuốn tiểu thuyết của Sartre hay của Gheorghiu là hai cuốn hay nhất.
Ba câu trả lời trên không đúng.   câu thứ nhất thực ra C và  F là viết tắt của CelsiusFarenheit để chỉ cách chia nhiệt độ khác nhau của Mỹ và Pháp.   Chữ C đôi khi cũng có người hiểu là centigrade vì người Pháp chia nhiệt độ theo lối thập phân.  
Câu thứ hai, Phổ Thông có lẽ ít đi thư viện hay tiệm sách vì trong thư viện đường Gia Long và trong tiệm
 sách Xuân Thu đường Tự Do, Sài Gòn thời gian đó lúc nào cũng có bày bộ từ điển Larousse du Vingtième Siècle.  
Câu thứ ba  đúng về ý chính là không thể xác định một văn phẩm nào nhất hay nhì, nhưng sai  khi trả lời cả hai cuốn đều là tiểu thuyết vì cuốn của Sartre là một vở kịch.
Bán nguyệt san Bách Khoa số 97 ra ngày 15-1-1961 đã nêu lên việc câu trả lời của báo Phổ Thông, rồi ngay số 98 ra ngày  1 tháng 2 1961 chính Nguyễn Vỹ trả lời nhìn nhận sự sai lầm của ông.   Thái độ của nhà văn Nguyễn Vỹ thật đáng ca ngơi vì ông đã không lấp liếm hống chế sơ sót của mình.   Có khá nhiều cơ sở truyền thông khi lầm lỗi bi phê bình lại cãi chầy, cãi cối hoặc lờ đi không trả lời vì tự ái.
Báo Khởi Hành của Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội xuất bản tại Sài Gòn trước đây trong số 63 ngày 23-7-1970 có đăng loạt bài Theo Chân Nhà Văn Thơ Tiền Chiến của Kim Nhật .   Là một sĩ quan trong bộ đội miền Bắc bỏ hàng ngũ cộng sản về hồi chánh với chính phủ quốc gia miền Nam, Kim Nhật phải hiểu rõ về các nhân vật chóp bu cộng sản lắm chứ.   Và những điều ông nói ra chắc phải đúng hơn người miền Nam nói.   Ở trang 10 số báo dẫn trên, Kim Nhật viết:
 "Đặng Thái Mai nguyên là tiến sĩ triết học nổi tiếng trong giới trí thức Hà Nội lúc bấy giờ, nhận chân giáo sư triết học tại trường tư thục Thăng Long do Hoàng Minh Giám làm hiệu trưởng.   Đặng Thái Mai vừa là bạn đông nghiệp của Võ Nguyên Giáp, giáo sư sử địa của Thăng Long và cũng là  anh em bạn rể của Võ Nguyên Giáp.   Đặng Thái Mai lấy chị, Võ Nguyên Giáp lấy em..."
Những người đã lớn tuổi đều biết Võ Nguyên Giáp lấy con gái Đặng Thái Mai ( tên đúng theo tài liệu cộng sản là Đặng Thai Mai, không có dấu sắc ) chứ không phải lấy em vợ ông này.   Giáp là con rể Đặng Thái Mai.   Bài của  Kim Nhật nếu được in thành sách lưu truyền, những độc giả trẻ tuổi sau này tin vào một người hồi chánh hiểu rõ miền Bắc hơn chuyện trong Nam và tham chiếu những điều Kim Nhật viết ra sẽ thành một sai lầm nghiêm trọng.
Còn có những trường hợp người viết tưởng mình là đúng nhưng phạm phải những sai sót quá sơ đẳng mà không biết.
  Như trường hợp nhà văn Thế Phong, hiện còn ở Việtnam viết cuốn Hồi Ký Ngoài Văn Chương do nhà Đồng  Văn cho xuất bản ở Hoa Kỳ năm 1996.   Không kể nội dung có tính cách phô trương, tác giả cho mình là kiến thức rộng, ngoại ngữ thông thạo nhưng viết thì nhiều chỗ sai cả chính tả lẫn nguồn gốc, nhưng sai lầm hiển nhiên không thể coi là lỗi do ấn loát.   Chẳng hạn như những đoạn trích ngắn sau đây :
".. cái bataillon viêtnamienne  ( trang 68), không phải là partisan hoặc bataillon viêtnamienne ( tr.162)  , qua tiệm cà phê Le Roche Noir ( tr. 168), Nguyễn Bùi Thức  hiện ở Huê Kỳ, xuất cảnh theo diện Humanitarian Order, H.O. ( tr.27), lúc ấy anh còn là wingmen, bay theo một leader ( tr.242), anh ta mời đi nhậu la de ( tr. 126).."
Nếu đã học tiếng Pháp trình độ trung bình học sinh nào cũng biết danh từ Pháp có giống đực, giống cái và tĩnh từ cũng phải có giống phù hơp với danh từ.   Bataillon là tiểu đoàn , giống đực, thì tĩnh từ phải giống đực và phải viết bataillon viêtnamien . Roche là  tảng đá, giống cái, thì loại từ và tĩnh từ đi kèm đều phải là giống cái, không thể viết lenoir mà phải viết La Roche Noire.  Đoạn văn này, Thế Phong kể tới một quán ăn ở Vũng Tàu.   Đó là một quán ăn  rất đẹp trên khu núi cao nhìn ra biển, vùng Ô Quắn do một  Pháp kiều làm chủ.   Người ta nhớ mang máng thì tên quán đó là L'Auberge aux Rochers Noirs hoặc Rocher Noir, và trong trường hợp này rocher giống đực, nên dùng tĩnh từ noir hoặc noirs được nếu rochers số nhiều.
Tiếng Anh, Thế Phong cũng dùng loạn xạ.  hia chữ HO phát xuất từ ký hiệu các danh sách cựu tù nhân chính t rị mà Việt Cộng gửi cho phía Mỹ từ danh sách đánh số H O1, HO2, HO9, HO10, HO20, HO30. HO40 v.v... không viết tắt của chữ gì cả đã bị nhiều nhà báo hải ngoại hiểu lầm là Humanitarian Operation.   Rồi cũng có người suy ra là High Officer, là Humanitarian Object.   Nay đến Thế Phong ở lại trong nước, gần mười năm sau, ngày các tù nhân HO đầu tiên xuất cảnh, lại bịa thêm cho hai chữ HO nguồn gốc Humanitarian Order.   Rồi chỉ có một người phi công lái tầu bay theo trưởng toán thì tại sao Thế Phong dùng wingmen , số nhiều mà không xài wingman, số ít?
Đến từ la de thì sự sai lầm không riêng của Thế Phong mà rất nhiều người cầm bút sinh quán  ở miền Bắc mắc phải.    Như khi người Bắc bắt chước trong Nam, không nói đi dô ( đi vào) mà nói đi dào ( đi vào).   Thật ra,  đồng bào trong Nam đều viết đúng từ la de nhưng khi đọc thì là la de như thói quen phát âm chung cho các âm thành .   Người Bắc lầm lộn nói d và viết cũng d luôn.   Nguồn gốc của la ve do phiên âm từ chữ bière của Pháp.   Cũng có bạn nói rằng khi uống la ve thì uống bằng ly và tiếng la  ve phát sinh từ những chữ Pháp la verre là cái ly.   Suy luận này sai kể lại cho vui thôi, vì verre, cái ly, là giống đực ( le) chứ không phải là giống cái ( la).
Cái sai trong các bài báo thì nhiều lắm khó lòng tránh.   Nhưng trong sách vở thì phải  thận trọng hơn, nhất là trong hồi ký.   Vì người viết hồi ký kể chuyện mình thật nhưng có liên quan tới thời sự thì mới đáng xuất bản cho mõi người coi, để những người thuộc các thế hệ sau có thể xem đó mà biết phần nào về cái xã hội àm ông cha mình đã sống.   Nếu chỉ nói hoàn toàn chuyện riêng tư của mình như Toan Ánh đã in một cuốn hồi ký kể chuyện hiền thê của ông sau khi bà qua đời thì ông đâu có bán mà chỉ để tặng riêng bạn bè, thân quyến.
Cái tật của người viết hồi ký là hay khoe mình, dấu biến và quên khuấy những cái dở của mình.   Cũng chấp nhận được đi, nếu thành thực.   Tôi chỉ kể cái hay có thật của tôi chứ tôi không nói khoác thêm cái hay đó, bịa ra cái hay đó và tôi chỉ dấu cái dở chứ không cãi là không có cái dở.
Vì thế khi đã có tham vọng làm một nhân chứng lịch sử thì các sự kiện phải nhớ cho đúng, điều nào ngờ ngợ hay không nhớ thì đừng bịa ra để đánh lừa độc giả, có khi sai cả địa danh lẫn nhân danh.
Còn cái tật suy luận để ra vẻ mình uyên bác cũng đưa tới những hậu quả làm dốt những người nghe và tin.   Khi còn ở tù cộng sản tôi ở chung với một anh bạn làm thơ, anh nói anh rất giỏi Hán tự.   Anh chỉ tự học có nửa năm nhưng anh đã đọc tiểu thuyết Tàu nguyên bản.   Cả Tứ Thư, Ngũ Kinh anh cũng đọc được và am hiểu.   Điều trên thì tôi hơi tin nhưng điều dưới thì tôi nghĩ rằng anh nói dóc nhưng cũng không dám bắt bẻ vì vốn Hán tự của mình chỉ đủ đọc những chữ nho trong bộ bài mạt chược hay cỗ bài tam cúc.
Đến khi trong một kỳ tiếp tế, nhận được một gói quà của một người bạn Mỹ gửi về cho gia đình mà các con tôi mang cho tôi mỗi thứ một tý gồm bánh kẹo, đồ hộp, thuốc lá, diêm quẹt.   Trong mấy bao quẹt có một bao của một tửu lầu tại một thành phố vùng vịnh Cựu Kim Sơn.   Trên mặt bao quẹt có in một cây đèn lồng và tên tiệm bằng tiếng Anh Lantern, bên cạnh  hai chữ Tàu.   Hai chữ nho rất đẹp và nhiều nét tôi không thể đoán được là chữ gì mặc dù biết Lantern là đèn lồng.   Và trong cảnh thiếu sách vở khi đó tôi cũng đành cầm bao quẹt hỏi anh bạn làm thơ đọc được Tứ Thư, Ngũ Kinh của tôi.   Anh nhìn, bặm môi suy nghĩ một giây rồi nói;
-Hoa Đăng.
Tôi  gât gù chấp nhận và thầm phục kiến thức Hán học của anh.   Hai chữ nhiều nét như vậy hẳn phải là Hoa Đăng.   Cái tên Hoa Đăng vừa hay  vừa có âm đọc lên giống với chữ Lantern và tranh vẽ cái đèn lồng.
Mãi khi sang Mỹ có dịp cùng vài người bạn vào chính tiệm này ở gần thành phố San Francisco tôi mới biết tên tiệm là Lan Đình.
Chữ nho Lan Đình với chữ Anh Lantern không có nghĩa gì liên quan gì với nhau cả nhưng người chủ dùng chữ Lantern vì khi đọc lên có âm từa tựa chữ Lan Đình cho dễ nhớ.
Cũng như ở Sài Gòn  trước 30-4-75 trên đường Tổng đốc Phương có một tửu lầu Trung Hoa có tên là Bách Hỷ nghĩa là trăm điều vui vẻ.   Nhưng giòng chữ Anh bên cạnh tên tàu thì là  Back Here vì đọc lên nghe từa tựa như Bách Hỷ nhưng nghĩa là Xin  Trở Lại.   Bấy giờ tôi mới biết anh bạn tù của tôi cương ầu nhưng vẫn phục anh cương nhanh và nghe hợp lý.
Cái lầm còn tạm tha thứ được, nhưng cái bịp thì kho lòng tha thứ lắm, nhất là khi nhờ cái uy tín mình đã có để bịp thiên hạ.   Chuyện một vài tờ báo lớn dùng những hình ảnh bịp để câu độc giả, chuyện vài tuần báo uy tín tại Mỹ khi tường  thuật những trận  đánh tại Việtnam trước 30-4-75 đã dùng những hình ảnh không phải chụp trong trận đánh đã có nhiều người nhận ra. Nhưng có những tạp chí chuyên môn mà cũng làm chuyện này thì thật đáng trách hơn.  
Hồi xưa ở Việtnam khi Anh ngữ chưa phổ biến  nhiều, những người đọc tiếng Pháp thường trau dồi kiến thức bằng  sách báo Pháp.   Những sách đại loại như Que sais- je? ( Tôi Biết Gì?) đã ra hàng ngàn tựa mỗi cuốn chỉ mỏng trên một trăm trang, viết về đủ mọi lãnh vực chuyên môn khó đọc như triết lý, chính trị, khoa học, kinh tế, văn hóa vv... mà  trình bày rất dễ hiểu cho trình độ một học sinh trung học.   Các tác giả là những chính khách, kinh tế gia, học giả hay các nhà chuyên môn danh tiếng. Chúng ta chưa có loại sách này tương tự ỡ Mỹ.
Một tờ nguyệt san chuyên môn của Pháp là tờ Science & Vie ( Khoa Học & Đời Sống) cũng rất có uy tín, được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.   Có thể nói uy tín như tờ National Geographic của Mỹ vậy.   Mỗi năm tờ Science & Vie ra bốn số chuyên đề.    Số chuyên đề La Mer ( Biển  ) xuất bản khoảng 1960 nói về sinh vật biển, đánh cá biển rất hay.   Nhưng chính  trong số báo này  khi để tăng sự thuyết phục cho bài viết Poissons et Climats  Marins ( Cá & Vũ Khí Hậu Biển) ở trang 115 đã in hình một mẻ lưới với cơ man nào là cá.   Độc giả say sưa ngắm bức  ảnh này.   Và khi ngắm quá kỹ thì phát giác ra đó là một bức ảnh được in làm hai ba bản khác nhau rồi ghép lại cho số cá có vẻ nhiều.   Trên ảnh phía trái có mấy con cá nằm ngang dọc chồng chéo lên nhau thế nào thì bên phải phía bức ảnh cũng y nguyên như thế.
Nhà văn Hà Thúc Sinh khi nhìn thấy bức ảnh ghép này khoái quá, đã xin ngay bạn ông phóng ảnh cho một bản để lưu vào hồ sơ những tài liệu bịp trong ngành truyền thông quốc tế.
Cũng không thể  bỏ quên một văn hào gái  của C.S.  là Phạm Thị Hoài, khi cho nhà xuất bảnThanhVăn, Los Angeles, CA , in cuốn Marie Sến để khoe khoang bằng cấp , chữ nghĩa của mình.   Thị Hoài nói chữ sến ngoài Bắc không dùng và chữ này là do từ chữ senxén.   Thị Hoài dành cả một phụ lục để giải thích chữ Marie Sến.   Thị Hoài viết:
" Có người cho sến quan hệ với sen ( trong con sen ) và xén ( trong cô hàng xén) , đều chỉ cô gái bình dân hoặc hạ lưu ( tr. 157)".
người cho là người nào hay chính là  cây viết gái họ Phạm nhưng không muốn chịu trách nhiệm về mình.   Chữ  sen không biết không biết có tự bao giờ nhưng ở miền Bắc chắc chắn đã có tiếng con sen ít nhất từ thế kỷ 19 và do những bậc sinh thành của những người hiện nay thuộc lớp tuổi 70 nói chuyện.   Còn cô hàng xén lả những cô bán tạp hóa cỡ nhỏ, một hình ảnh cần cù khá đẹp của những cô thôn nữ miền quê Bắc Việt  ngày xưa.   Thị Hoài sinh sau đẻ muộn không biết gì nên mới dám hạ bút xếp loại nghề hàng xén thuộc lớp hạ lưu trong xã hội như ma cô, trộm cắp, ăn mày, đĩ điếm.   Thị Hoài không biết thì có thể tìm đọc truyện Cô Hàng Xén của Thạch Lam  in trong các tuyển tập, không còn bị cấm và đã được in lại ở miền Bắc rồi mà.   Thị Hoài đã không biết gì mà lại đồng hóa cô sen và cô hàng xén là một, xếp vào giai cấp hạ lưu, muốn viết lại lịch sử như vậy thì tội cho hậu thế lắm đấy !
Cổ nhân có câu Biết thì thưa thốt. Không biết thì dựa cột mà nghe.   Độc giả mong mỏi những nhà cầm bút thiếu thận trọng xin thận trọng hơn.   Và nếu có sai lầm khi biết được, thì hãy can đảm phục thiện như cố văn hào Nguyễn Vỹ.
Để khỏi phụ lòng của những độc giả vì nghèo nàn, chinh chiến không được học hành tới nơi tới chốn, phải đọc sách báo để trau dồi kiến thức mà lại gặp những tác giả cũng dựa cột mà nghe như mình - thì thật là bất hạnh !.
[]
Tháng hai 1997
Đ. T. H.
 ( trích Những  Người Thích Dấu Huyền - tr 55- 65
   Văn Mới USA xb 1998.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét