Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011

NHỮNG NGƯỜI THÍCH DẤU HUYỀN / ĐẶNG TRẦN HUÂN ( tiếp và hêt)

Lời dẫn:
 Đọc tựa sách này, tôi  tự đặt  câu hỏi:"... sao anh ta lại thích dấu huyền? lại  chơi chữ kiểu Nguyễn Ngọc Lan chăng? -  tác giả   " Hà Nội tôi thế đó"  - chỉ cần   chuyển  sắc, huyền, nặng  trên chữ ô - ngữ nghĩa  sẽ  hoàn toàn  quay ngược 360 độ. !"
Với tác giả, những người thích dấu huyền, thì :".... chẳng hạn đi o đờ một món hàng ( order) , trường dạy song ngữ bai linh gồ ( bilingual) , ngân hàng chạc nhiều lệ phí ( charge) , đói thì ăn cái  pít dà ( pizza) , tới thăm bạn lúc ông đang bí dì ( busy), những người di dân i lí gồ ( illegal), ti vi nhà em có kê bồ ( cable) , chúc anh chị một năm mới háp pì ( happy ) năm nay em  làm ăn lắc kỳ ( lucky).. vv...)

 Nhớ   lại -  Ngài David Bruce Shear nhậm chức  đại sứ Hoa kỳ tại Việtnam ở  thủ đô  Hà Nội -  báo chí đăng tin -  hứa  với Chủ tịch nước , ông  sẽ nói được tiếng việt trơn chu  sau kỳ hạn  4 năm .  Từng  nói  và  viết   thông thạo tiếng Nhật, tiếng  Trung  -   lần này với tiếng việt -  kiểu  chuyển  dấu trên kia ,   hẳn  chẳng dễ chút nào !
  Chúc Ngài  thành công, nói giỏi, viết hay như một  chàng người  Mỹ- tên  Don Luce - viết báo Trình Bầy ( Saigon )  ký  tên  Đoàn Lân !

Thếphong. 

                                                Những người thích dấu huyền
                                                                       
                                                                                     tạp văn ĐẶNG TRẦN HUÂN.

Ngày xưa... ngày xưa .. khi chưa đi Mỹ, hễ thấy Việt kiều nào về thăm quê hương là nghĩ rằng chắc bây giờ anh ta giỏi tiếng Mỹ lắm, nói tiếng Mỹ như gió, dù rằng anh bạn mới đi 2 năm thôi.   Trước khi đi anh cũng nghèo khổ không được học hành tới nơi tới chốn, chỉ buôn bán, lao động chân tay và sang Mỹ anh cũng lao động 2, 3 nơi với số lương tối thiểu.   Thế mà bây giờ anh nói tiếng Anh giỏi quá !
 Mỗi khi anh nói câu tiếng Anh nào dù câu ngắn câu dài hay câu trộn với tiếng Việt, anh cũng phải nhún vai, nghiêng đầu và phải có wow, ya, OK một cách  rất là có Mỹ tính.   Chúng ta lắng tai nghe giọng anh hay như thế nào để thán phục và bắt chước.   Người ta ở Mỹ mà, sống chung với Mỹ mà !
 Khi sang tới Mỹ mới biết rằng không phải thế.    Tiếng Mỹ không quá dễ như ta tưởng.   Mới ghi tên và theo học những ngày đầu vỡ lòng ESL còn thấy phấn khởi lắm.   Dễ quá !
Thầy giáo Mỹ chính cống cầm quyển sách lên cao, hỏi:
- What is this ? ( Cái này là cái gì ?)
Học sinh già đứng lên , mạnh dạn:
- This is a book. ( Đó là quyển sách).
Thầy đặt sách xuống bàn xoa tay khen:
- Oh ! Excellent ! Very nice! ( Trời! Giỏi quá ! Tuyệt vời !)
Học sinh tan lớp chuyện trò vui lau láu.   Có gì đâu mà khó !  Thầy Mỹ còn khen mình đấy.  Chỉ ít lâu sau mới thấy khó dần và thấy cái ông Mỹ cái gì cũng very nice, cũng excellent đâm ra ngờ ngợ.   Mời thấy cái kẹo, very nice nhưng không thấy thầy ăn.   Cho cái gì nhỏ mọn thấy cũng thank you, very nice rối rít nhưng có thể vài phút nữa khi đi khuất thầy liệng vô thùng rác.   Thì ra người Mỹ là một dân tộc khéo xã giao, rất lịch sự,  dân tộc very nice mà.
Dần dà ta hoài nghi cả những bạn ta mới qua Mỹ hơn năm bắt đầu từ a, b, c; nay  lấy mười hai iu nít đầu tiên ở trường college nói rằng coi ti vi Mỹ anh hiểu 100%.
Ta hoài nghi cả cái ông bạn tù xấu số - con trai nhà văn Phan Trần Chúc - khi học tập cải tạo  ở Suối Máu ( Biên Hòa )  nói đã làm sở Mỹ nhiều năm , am hiểu và nói thông thạo tiếng Anh hơn tiếng Việt, nhất Việt Nam Cộng Hòa.   Ông chê Nguyễn Ngọc Linh, Lê Bá Kông nào có ra gì ?   Nhưng tiếc thay sau ông bị kiết lỵ, không được chữa chạy*   và ông qua đời trước ngày các bạn đồng tù của ông được Bắc tiến chu du các vùng tù, núi non hùng vĩ nơi Sơn La, Nghĩa Lộ.

                                                                      ***
Tiếng Anh nó khó thế nên  những chuyện  lúng túng về ngôn ngữ kể ra ngàn năm không hết.
Ông khách Việt Nam vào cửa hàng phụ tùng xe hơi Chief Auto Paris kiếm mua vài ba thứ đồ : nhớt, bu di, bóng điện... Những thứ này có chữ, có giá tiền ghi trên từng món, dễ thôi.   Cứ viêc chọn, xách cả đống mang ra quầy tính tiền.   Cô thư ký Mỹ quệt quệt món hàng qua máy tính điện tử kêu chít chít, tính thành tiền rồi hỏi:
- pen ni... ss...
Cô nói nhanh  quá nuốt hết chữ nhưng nghe hơi gió cũng đoán ra  được nên ông trả lời liền, cũng rất nhanh và rất hiên ngang, giọng Mỹ:
- No, I am Vietnamese. ( Không. Tôi là người Việtnam )
Cô Mỹ nghếch mắt lên rồi nhắc lại:
-Do you have two pennies? ( Ông có 2 xu không ?)
Ông khách  liếc tờ biên lai thấy ghi 20 đô-la lẻ 2 xu lẳng  lặng móc túi lấy tờ giấy 20 đồng và 2 đồng penny đỏ trả tiền ròi cầm gói đồ đi ra.   Ông nghĩ thầm : Mình  cứ tưởng nó hỏi Are you Japanese ? ( Ông có phải người Nhật không ?).   Cũng ngu thật, mua đồ chứ có đi ứng cử nghị sĩ đâu mà hỏi quôc tịch ?
Một bạn khác cùng vợ tới trụ sở bưu điện gửi đồ về Việtnam làm quà tết.   Ông lễ mễ bưng thùng vào đặt xuống.   Nhân viên phụ trách hỏi:
- What's inside ?
Ông luýnh quýnh nhìn vợ:
-Mình có mang  theo thước dây không ?   Nó hỏi thùng cỡ ( size)  dài rộng bao nhiêu, đúng kích thước cho bưu phẩm không ?
Bà vợ phục chồng nghe hiểu nhưng cũng còn lúng túng thì nhân viên hỏi lại chậm hơn và ông đã trả lời là quần áo, vải, kẹo gửi làm quà Tết.
Cũng có nhiều trường hợp khi nghe không hiểu rõ nhưng thính giả cứ luôn luôn gật đầu cái đã.   Hoặc là cứ ya, ya , ya như Mỹ mà không thèm nói yes như khi đi học.  Người đối thoại thấy ya hoài mà chưa hiểu bèn hỏi lại:
- Ya what ?
 Rồi cuộc đối thoại trở lại từ đầu, chậm rãi hơn.  
Cũng có thấy dạy lái xe, đồng bào của ta, ngồi bên cạnh nữ học viên khi bà đang tập lái trong những con đường nhỏ.   Tới một ngã tư có hai chữ Ped Xing thầy căn dặn:
-Chú ý nhé.   Khi thấy Ped Xing  như thế này thì phải thận trọng giảm tốc độ kẻo mang vạ đấy.   Người Mỹ rất yêu súc vật, nếu cán chết chó mèo của họ là phiền lắm.
Thì ra thầy tưởng quãng  đó có súc vật nuôi ( pet)  thường chạy qua.   Cũng không hại gì.   Cán phải mèo hay bộ hành đều chẳng nên.   Để đáp lễ chuyện lầm lộn này khi thầy bảo kéo thắng tay ( hand brake)  thì trò dừng xe lại đưa cho thấy xem cái túi xách ( handbag)  em mới mua  30 đồng ở J.C. Penny tuần trước...
Có bà đi Mỹ lần đầu, chỉ mới học mây tháng Anh ngữ tại Việtnam.   Trước ngày khởi hành bạn bè dặn khi lên máy bay họ có hỏi uống gì thì cứ trả lời Coca cho tiện và dễ nhớ, đừng đòi ăn uống những thứ lôi thôi, dài dòng khác.
Máy bay cất cánh được một tiếng quả nhiên cô tiếp viên đẩy bàn đủ loại nước uống đóng hộp đứng trước ghế của bà và hỏi một câu rất ngắn nhưng nhanh.
Bà đã liếc thấy nhưng lon nước bằng nhôm màu xanh lá cây in số 7 quen thuộc mà bà thường gọi là bảy úp, nhưng chẳng lẽ chỉ tay mà không nói được thì yếu quá, bà phản ứng trả lời theo bài học:
- Seven o' clock.
Cô tiếp viên  cưới mỉm và vẫn hiểu, lấy một lon 7 Up cho bà khách.
Cũng với cách trên người Mỹ và người Việt vẫn hiểu nhau, thông cảm nhau khi nói chiến sỉ dùumbrella soldier, phao câu là chicken bottom, hột vịt lộn là egg with bayby inside,....  v.v...
Cứ thế rồi dần dần vừa làm vừa học có chí thì nên , ít lâu sau cũng nói đúng hơn, nghe hiểu hơn miễn là học thật, khiêm nhường, biết lượng sức mình, luôn luôn coi chuyện học là lâu dài, thường xuyên chứ không phải học giả để lấy le, điệu bộ, hù dọa, khoác lác, khi chưa hiểu biết là bao !

                                                                    ***
Nhưng cái thói quen chung của hầu hết người Việt khi nói tiếng Mỹ, dù mới học hay đã giỏi - là thích bỏ dấu huyền  ( đôi khi dấu nặng).   Sách dạy cũng như Mỹ nói đều ít có dấu huyền, thế mà khi Việt hóa là thành dấu huyền tốt tuột.   Người bỏ dấu huyền có đôi khi lớn tiếng chê người không nói dấu huyền là sai, bảo rằng nếu không bỏ dấu huyền thì người đối thoại làm sao hiểu được !
Hàng ngày giao dịch ta nghe quá nhiều tiếng với dấu nặng, dấu huyền.
Chẳng hạn đi o đờ một món hàng ( order), trường dạy song ngữ  bai linh gồ ( bilingual), ngân hàng chạc nhiều lệ phí ( charge) , đói thì ăn cái pít dà ( pizza), tới thăm bạn lúc ông đang bí dì ( busy), những người di dân i lí gồ ( illegal) , ti vi nhà em có kê bồ ( cable ) chúc anh chị một năm mới  háp pỳ ( happy) năm nay em làn ăn lắc kỳ ( lucky) v.v... Nhân danh, địa danh cũng mang dấu huyền, dấu nặng khi người Việt nói:.
Tên ca sĩ thời danh Michael Jackson, khi người Việt đọc phải là Mai Cồ.   Coi phim Những Cây Cầu Trên Mã Đỉnh Sơn do Mỹ đóng, vểnh tai nghe kỹ, bà mẹ gọi con trai là Michael không có dấu huyền nhưng khi bạn bè ta kể lại, tội thằng nhỏ lại được gọi là chú Mai Cồ.
Các địa danh của Mỹ khi vào miệng đồng bào Việtnam ta sẽ được việt hóa với dấu huyền.   New Orleans, Pomona, Montana phải trở thành Niu Óoc Lần, Pô Mô Nà, Mông Ta Nà .   Nếu bạn  cho là không đúng thì sẽ đảo lên, đổi thành Nìu Óoc Lân, Pồ Mô Na, Mồng Ta Na, dấu huyền  của chúng tôi đâu có tiêu diệt được !
Trên đài phát thanh, đài truyền hình, quảng cáo nhà hàng xì phụt ( seafood), tiệm bán phơ ni chơ ( furniture)  thì có sao đâu ?  Một thiếu phụ nạ dòng ly dị chồng là thái tử Charles tận bên Anh quốc có tên cúng cơm là Diana về sau bị tử nạn trong một tai nạn xe hơi chẳng biết tước vị là gì ?   Theo báo chí Anh nàng là princess - khốn nỗi danh từ princess khá mập mờ như general, như sister - chẳng hiểu đại tướng hay chuẩn tướng, chị hay em - nên các cơ sở truyền thông việt ngữ , khi thì gọi nàng là công nương, khi kêu công chúa , tức gọi vương phi, có khi quận chúa.   Giá nàng là đàn ông mà làm rể nhà vua thì có danh hiệu là phò mã.   Phiền là Diana lại là bậc nữ lưu nên chưa biết gọi làm sao ?   Nhưng có điều khá thống nhất là tên nàng được khai sinh sang tiếng việt  gọi  là Đài A Na, có dấu huyền, khiến ta nhớ những nàng thiếu nữ xưa, đài gương, khuê các.
Tuy nhiên cũng có điều ngoại lệ là trong những ngày tiền và hậu bán bầu cử 5.11.1996, hai ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ chưa phải chịu dấu huyền, vì chưa thấy ai gọi tổng thống Biêu Kinh Tần ( Bill Clinton)  hay nghị sĩ Bóp Đồ ( Bob Dole ).

                                                                     ***
Không phải chỉ ỡ Mỹ người việt nói dấu huyền mà có lẽ trên khắp thế giới nơi nào có người việt là nơi đó có dấu huyền.   Ở Canada, ở Pháp cũng thế.   Trên nguyệt san Hồn Việt xuất bản ở Cali số tháng 5, 1996- ký giả Phạm Tuấn Sơn từ Úc về - viết rằng bên đó đồng bào ta cũng gọi các địa danh Úc là Bít Bần ( Brisbane), Meo Bần ( Melbourne) , Niu Cát Tô ( New Castle), Sít Ni ( Sydney), đường Khăm Bồ, đường A Gào ( Campbell, Argyl)  như cách gọi của nhiều đồng bào ta tại  thủ đô tỵ nạn, quận Cam, Cali.
   Người ta thường nói  thói quen này là  do bắt chước người Tàu.   Ở Mã La i (Malaysia)  khi kêu tắc xi về khách sạn hễ gặp tài xế người Hoa anh ta sẽ bảo cho anh biết tên cái hổ tèo ( hôtel).    Khi Mao Trạch Đông nắm quyền ở Trung quốc đã ra lệnh soạn một cuốn từ điển thống nhất danh từ sử địa.   Cuốn từ điển này Đài Loan cũng công nhận và tái bản nhiều lần.   Chỉ kể vài danh từ Mỹ như thành phố Cincinnati thuộc tiểu bang Ohio gọi là Tánh Tánh Ná Tì, tiệm  thực phẩm Kroger là siêu thị Cúc Cờ v.v..
Như vậy nói dấu huyền phát xuất từ Trung quốc có thể đúng và trên thế giới này chỗ nào mà chẳng có người Tàu.   Người Việt tới sau bắt chước Tàu vì dầu sao tiếng Tàu còn dễ đọc hơn tiếng Mỹ.   Và như thế thì bảo rằng Tàu đô hộ Việtnam 1000 năm  để lại nhiều dấu vết văn hóa mà chúng ta còn giữ  là đúng boong rồi.   Rồi tới bây giờ  ra đi khắp 4 phương trời , gặp lại người Tàu, vô tình lại ( chịu) ảnh hưởng lối đọc của  Tàu để mang lại ưu thắng cho dấu huyền như ca cải lương bật đèn đỏ hạ xuống giọng ...  xề.   Nhập  gia tùy tục, đi nước nào theo thói quen  nước đó, nhưng ở Mỹ tiếng Mỹ người Việt nói phải theo người Việt có dấu huyền.
Cũng như chữ nghĩa Việt đôi khi pha trộn Mỹ, Việt như món lẩu, món nộm.
Báo chí Việt viết bằng tiếng việt, phục vụ người việt, nội dung rất Giao Chỉ nhưng tên báo là tên Mỹ.   Ngày tháng in trên báo đôi khi cũng để tháng trước ngày sau - khiến  độc giả việt quen hiểu theo lối việt, còn yêu tiếng việt không biết tháng 18 hay 23 là tháng nào trong năm ?   Cách đánh số của người việt dùng dấu chấm để chia nhóm ba con thì cũng có nhà báo Giao Chỉ dùng dấu phẩy coi rất là khó chịu.
Cô ca sĩ trả lời phỏng vấn trên đài nói con gái cô  khi sang Mỹ mới có 1 tuổi, nhờ cô dạy nên nói tiếng việt rất đúng, trong khi chính cô khi trả lời lại pha trộn Mỹ Việt rất đề huề.
Cũng  nhiều khi trên báo chí, truyền hình, truyền thanh, diễn giả  Việt cổ động hay giải thích một vấn đề gì cho người việt, mà lại cứ phải độn những tiếng Mỹ- mà tiếng việt có từ lâu và rất phổ thông - y như  bo bo độn sắn ( khoai mì ) những ngày sau 30.4.1975 - ..... chẳng có tinh thần  việt tí nào trong ngôn ngữ thì cũng khó àm thuyết phục được người nghe, người đọc lắm.
Người Pháp tôn trọng ngôn ngữ của họ nên không chấp nhận xen lẫn tiếng Anh  trong Pháp ngữ khi không cần thiết.   Trường hợp độn lố lăng, các nhà văn hóa Pháp chế riễu là man rợ ( barbarisme)..
Tại Hà Nội và tp.HCM bây giờ tiếng Anh có nhiều chữ không còn nguyên nghĩa Anh ngữ.   Như tiệm bách hóa ( trên ) đường Nguyễn trung Trực ... bán cả máy cày và xe Honda , nhưng khi mới mở các nhà trí thức ưu việt mới kẻ bảng là Siêu Thị Sài Gòn ( Saigon Supermarket).   Về sau thấy hố mới đổi là Intershop.  Các cafeteria thì cho tới bây giờ vẫn chỉ bán nước mà không bán thức ăn.  Và có nhiều chữ do dùng  sai quá lâu đã biến thành Anh  ngữ có nhiều tiếng lai- mà chỉ người ở Hà Nội hay tp. HCM mới dùng mà thôi .
Thứ Anh ngữ đó có thể du nhập trở lại Hoa Kỳ như trường hợp nhiều tiếng việt ngô nghê do VC chế ra đã xuất hiện trên một số báo việt hải ngoại- phụ thêm chuyện dấu huyền trong Anh ngữ nắm phần thắng thế, thì tiếng Mỹ gốc Việt ( hay tiếng Việt gốc Mỹ)  sẽ trở thành một ngôn ngữ mới, có sắc thái riêng của nó, như con ngựa đực giao lưu với con lừa cái đẻ ra con la.
Còn nếu cứ biến hóa mãi mãi thì ta tự hỏi rồi đây, nếu con la đực giao lưu cùng con la cái, có tạo được một giống mới hay không và nếu có thì thế hệ con của chúng ta gọi là con gì ?  
Điều này đành phải nhờ các nhà sinh vật học trả lời và giải thích giùm.
[]
----
 * cụm từ thay thế. ( B.T.)
Tháng tám 1996.
Đ.T.H.
( trích Những Người Thích Dấu Huyền
Văn Mới  USA xuất bản 1998 - trang  93 -  102 )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét