Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012
năm chương tự ngôn / chương 4 - triều đẩu
mặt trời austerliz
4
(...)
Tôi muốn nói trong buổi đầu chính thức làm văn nghệ qua tờ tạp chí Thế Kỷ và sau đấy, ra mắt quốc dân một số tác phẩm xuất bản, tôi đã gặp được nhiều may mắn và được một số yếu tố thuận chiếu giúp đỡ ủng hô , như những sao tả phù, hữu bật. Tôi liên tưởng tới buổi sáng rạng đông lóe sáng tại Austerlitz.
Đó là năm 1950 hồi cư về Kinh đô Văn nghệ. Lúc ấy vì tình thế, tôi đã xin hồi ngạch công chức và được làm việc tại Phủ Thủ hiến Bắc Việt. Hànội đang trở mình bước vào giai đọan xây dựng tưng bừng và nhộn nhịp. Số người hồi cư mỗi ngày một đông đều đổ về Thủ đảo.
Quân đội viễn chinh Pháp vẫn làm chủ tình thế. Xa xa những tin chiến sự tảo thanh V M vẫn thắng lợi.. Nếu hành chính quốc gia vẫn lần lượt thiết lập tại các tỉnh cũ. Trên các giấy tờ chánh thức , danh từ độc lập đã được nêu lên, nhưng về thực tế, người dân đều cảm thấy tất cả như vẫn còn là ảo ảnh. Song từ loạn ly, bom đạn chết chóc tang thương, người ta còn được sống, giờ đây thì ảo ảnh vẫn là yếu tố có thể chấp nhận được một cách thỏa mãn và lãng quên. Cái đà ăn chơi vui nhộn đã lại dâng lên, giữa kinh thành tràn ngập những hàng ngoại quốc. May mặc tôi điểm, giải trí, màu sắc phấn hương tiếng động làm cho ngũ quan người ta choáng váng ngây ngất say sưa. Và đâu là ảo ảnh ?
Trong các ngành hành chánh việc chỉ huy đầu do những người Việt phụ trách.
Một người bạn tôi làm cảnh sát trưởng thành phố. Một hôm, sang thăm anh, tôi gặp một thiếu phụ AFAT Pháp có việc đã kêu lên :
- Monsieur le Commissaire! ( Thưa ông Cảnh sát trưởng !) .
Tôi cho rằng mắc dù là ảo ảnh, đây có thể coi là một thứ tuyên ngôn độc lập ... Bởi vì thiếu phụ AFAT ( nữ trợ tá Quân đội viễn chinh Pháp ) này mới sang Việtnam có 3 tháng, chưa biết nói tiếng Việt, thì phài là một nữ Marianne.
Giữa hoàn cảnh đó, chúng tôi 5 người chung vốn ra tờ Thế kỷ, bán nguyệt san văn hóa xã hội.
Đó là tiếng nói tất nhiên của thời đại, mặc dầu phạm vi hoạt động chỉ thu hẹp tại thủ đô cùng một số tỉnh lỵ. Thời bình hay thời loạn, Hànội vẫn có những cơ quan ngôn luận tranh đấu và xây dựng, đánh dấu một giai đoạn lịch sử.
Buồi ban đầu , 5 người chúng tôi tùy theo năng lực riêng biệt đã phân công giữ các mục nòng cốt. Và như vậy, bộ biên tập gồm mấy cây viết thường trực đã sản xuất bài rất đều đặn và tương đối khả quan .
Hơn nữa, làm việc tập đoàn như vậy đã gây hào hứng giữa mấy anh em ; cái hào hứng đó thực ra giúp những cây viết ngày một tiến bộ. Bởi vì, ai nấy đều để hết tâm lực vào việc sáng tác, lấy sáng tác làm nguồn vui duy nhất. Và nghệ thuật làm điểm dựa tinh thần. Là những người nghệ sĩ của thời đại, chúng tôi đã phụng sự văn nghệ đất nước một cách chân thành và tận tụy. Lòng lâng lâng và tâm hồn trong trắng chúng tôi đã suốt mấy năm nay trường, giữ vững tờ Thế kỷ không sợ một áp lực coi thường những nguy hiểm.
Trong thời kỳ lộn xộn kiểm soát ranh giới còn thiếu sót, chúng tôi đã tự động dùng văn nghệ chống đồi CS mà không sợ khủng bố riêng lẻ. Bởi vì vốn duy tâm, chúng tôi tin rằng con người ta vẫn do định mệnh chi phối. Sống chết đều có cơ sở. Điều cần làm đầy đủ sứ mệnh của người cầm bút. Đã công khai làm văn nghệ, người nghệ sĩ phải coi mình là con người của đám đông và những sáng tác của mình phải thuộc quyền sở hữu công cộng. Như vậy trong công cuộc tranh đấu sống còn của đất nước, người văn nghệ phải dâng cái thân mình cho quốc gia.
Quốc gia ở đây, nên hiểu theo nghĩa rộng, là một thực thể thiêng liêng và vĩnh viễn bao trùm cả dân tộc mà không thể điển hình cho quyền lợi một số người. Phụng sự một người, cây viết nhà văn sẽ chỉ là một thứ kiếm của Kinh Kha, con dao của Chuyên Chư hay cây dáo của
Yêu Ly, thác vì tri kỷ. Thời thế đã đổi thay. Đau khổ và quằn quại đã quá nhiều và quá lâu rồi. Quan niệm về người và việc ở thế kỷ chúng ta phải rộng rãi. Và người tri kỷ phải là đám đông, là cả dân tộc, những người Việtnam từng đau khổ và quằn quại.
Khi Thế kỷ đã gây được cơ sở tạm vững, chúng tôi được một số anh em văn nghệ xa gần hưởng ứng và tìm về liên lạc.
Việc góp bài như vậy thêm dồi dào và làm tăng tư thế cho tờ báo. Đồng thời, số anh em giao du cũng thêm đông đảo. Đáng kể là sự có mặt của Phạm Khanh, một họa sĩ tên tuổi thời tiền chiến. Anh này có thể nói là hiện thân của nghệ thuật. Con người anh đã được nghệ sĩ thực chất không chút pha trộn. Anh không có mặt ở đây, chúng tôi nhớ tiếc anh như nhớ tiếc một thời đại qua.
Nhân sự đã khả quan. Cơ sở lại tiến triển, chúng tôi liền nghĩ đến việc tổ chức những buổi họp mặt thường trực vào mỗi chiều thứ bẩy, để cùng di thưởng thức những món ăn của Hànội. : Chả cá Lã Vọng, tái sách Ngõ Kim Chung, nem nướng sau Đền Bà Kiệu Bờ Hồ, cơm tây Phú Gia, Cà phê bánh ngọt Tùng Linh, trà tầu chanh đường tiệm Cô Dám Má phố hàng Quạt v. v. ... Trong những buổi đi ăn uông này, Phạm Khanh có tiếng là sành về những món ăn và tế nhị về các thứ rượu đã được giao phó cho việc tổ chức. Và anh đã tổ chức rất chu đáo. Cũng nên ghi thêm yếu tố thời tiết thích hợp. Bởi vì , Hànội có những ngày xuân êm đẹp như mơ, những buổi thu hiu hắt như mộng.
Ngày hạ thì nắng chang chang, để kết thúc bằng những trận mưa rào, buổi chiều mát dịu. Và những ngày đông cùng với len dạ ấp ủ thú vị vô chừng. Có những buổi dạo chơi quanh hồ Gươm nước xanh gợn sóng và tơ liễu rủ mành .
Từ xuân sang hạ qua thu đến đông, Hànội quả là Kinh dô Văn nghệ,
Ở đây tôi thấy cần ghi một kỷ niệm buồn về cố văn sĩ Văn Thuật. Anh đã đến với chúng tôi với cả tấm lòng tri kỷ. Sự cộng tác của anh đều đặn và thận trọng đã làm cho chúng tôi cảm động.
Đồi với những văn hữu thuộc lớp trước, chúng tôi vẫn kính trọng -- bất luận văn tài hay chủ trương. Cho nên được anh góp bài họp bạn, chúng tôi như thấy được sự khích lệ. Anh
thường viết những truyện ngắn về thời sự, trong đó, anh chế diễu một số người háo danh ti tiện. Giọng văn của anh mỉa mai một cách nhẹ nhàng và lối hành văn kể truyện của anh đã riêng biệt, cũng như tính tình giản dị và cởi mở của anh. Ngay từ buổi đầu gặp gỡ, tôi đã bất giác nhớ lại câu thơ trong Tỳ Bà Hành :
Tương phùng hà tất tằng thương thức ( Gặp gỡ nhau lọ sẵn quen nhau )
Giờ đây, anh đã ra người thiên cổ. Cái chết chẳng thường của anh đã làm cho những người làm văn nghệ ngậm ngùi và suy nghĩ. Người nghệ sĩ trong cuộc đời thực tế vẫn có những va chạm bi đát. Trớ trêu, ác hại, bất nhẫn đều là những cái ách muôn đời mà thế nhân, nếu có dịp-- vẫn thường quàng lên đầu người nghệ sĩ - những kẻ mà thế nhân không bao giờ hiểu nổi và muốn hiểu cả. Âu cũng là một thứ quả báo mà định mệnh vẫn đòi hỏi ở những khách tài hoa. Ai đã vào cái nghiệp tất nhiên phải nhận trước điều kiện quả báo này. Đó là một định luật. Quả báo thường được thể hiện dưới nhiều hình thức.
Ở Văn Thuật, một nghiệp tài hoa của anh đã phải trả bằng hình hài ?
***
Nhận giữ tạm mục phê bình và giới thiệu những sách mơi xuất bản, tôi được dịp gặp Ng. G... , người phụ trách tòa soạn Tiểu Thuyết Thứ Bẩy 12 năm trước -- khi tôi có những truyện ngắn gởi đăng, dưới bút hiệu Đạt Phùng.
Ng. G... vùa xuất bản cuốn Nhà Quê * muốn nhờ tôi giới thiệu, phê bình. Anh không biết tôi, lẽ dĩ nhiên, nhưng tôi biết anh [ rõ ] lắm. Tôi nhìn kỹ đôi mắt sâu của anh, như hai cái hố đục, trên cái miệng nhỏ xíu, môi nhầu lên ti tiện. Cả khuôn mặt ám tối của anh, như bộc lộ nhiều mặc cảm [ tự ti ] . Tôi cho rằng , dạo ấy, anh đả dìm văn thiên hạ , chỉ vì hoàn cảnh. Giữa thời Pháp thuộc, người làm văn nghệ đã chỉ nhìn thấy quyền lợi của riêng mình, hay của nhóm mình thôi. Mấy ai đã nhìn xa rộng và quan niệm văn nghệ là của đất nước và những bạn văn mới hay cũ, đều là những kẻ tiếp tay mình trong công cuộc chung: phụng sự văn nghệ dân tộc .
----------
* N. G... - tác giả viết tắt - đó là nhà văn Ngọc Giao , sinh 1911 ở Huế, viết văn từ thời tiền chiến. Sau 1950, theo tôi, hình như , Ngọc Giao chỉ có một cuốn truyện dài mới viết, xuất bản ,đó là cuốn ĐẤT ( Nxb Thế giới Hànội ) . Theo Triều Đẩu, cuốn Nhà quê bị các báo công kích, nhưng vẫn theo tôi biết, cuốn tiểu thuyết mà Ngọc Giao bị công kích nhiều nhất là Cầu Sương hay thiếp phụ chàng ( Nxb Thế giới, Hànội ) , bởi Ngọc Giao đạo văn một cuốn tiểu thuyết tình rất nổi tiếng của S. Maugham. Thời ấy, Ngọc Giao đồng hoá với cấp bậc thiếu úy , phục vụ tại Đệ III Quân khu ( tướng Nguyễn Văn Vận chỉ huy ) cùng làm ở
Phòng 5 , với những văn sĩ quân nhận, như sĩ quan tốt nghiệp Khóa 1 Nam Định-Thủ đức Huy Quang ( Vũ Đức Vinh), hạ sĩ quan đồng hóa Nguyển Minh Lang ( Nguyễn Như Thiện ) v. v. .. Sau Hiệp định Genève 1954, Ngọc Giao, Nguyễn Minh Lang ở lại Hànội. ( TP)
---------
Như vậy , khuyến khích và nâng đỡ những tài năng mới bộc lộ, những mầm non mơi chớm nở phải là bổn phận người đi trước. Dầu sao, quả đất vẫn tròn và cái vòng luẩn quẩn của nhân thế vẫn cứ tiếp diễn, để rồi kẻ cắp, bà già lại gặp nhau ...
Cho nên, tôi đã tiếp đón Ng.G... rất niềm nở, giới thiệu sách của anh rất nồng nhiệt và phê bình rất nhẹ lời. Tôi biết trong buổi xế chiều, anh cần gây tín nhiệm với nhà xuất bản.
Mấy hôm sau, tôi thấy anh mua được chiếc Vélosolex do tiến bán cuốn sách Nhà Quê. Nhưng cũng sau đấy, anh không tránh được điều bất hạnh của người làm văn nghệ có nhiều cảm [ tự ty ] . Một vài tờ báo văn nghệ khác đã công kích lối viết văn theo điệu vọng cổ của anh và nêu lên vụ đánh cắp cốt truyện ngoại quốc trong tác phẩm của anh vừa xuất bản nhan đề Cầu Sương hay Thiếp Phụ Chàng . Theo dõi anh, tôi bỗng kinh sợ vì những bài học Waterloo văn nghệ.
Làm thế nào để khi ngã khỏi đau đớn ?
Quan niệm rộng rãi và vô tư của tờ Thế kỷ về cái gì gọi là bằng hữu , không kể mới hay cũ, đã nổi tiếng hay còn chờ đợi, đã khiến chúng tôi, ngoài mấy văn hữu lớp trước trên đây gặp một số cây bút có nhiệt tâm-- trong đó có anh Phan Phong Linh, chuyên về thơ Đường Luật, tứ mới. Những vần thơ của anh đều phảng phất phong vị thời tùng bách xanh rờn và liễu rủ mành trước gió.
Lời thơ nhẹ nhàng và ý nhị khiến cho chúng ta nghĩ tới một Thôi Hạo, một Vương Duy. Về con người thì thủy chung và chân thành, vẫn là những đức tính khiến cho chúng tôi nhớ tiếc anh vô vàn-- ngày nay anh đã ra người thiên cổ. Qua Hoàng Hạc Lâu mây trắng vẫn trôi lặng lẽ, dòng nước vẫn lững lờ mà Phan Phong Linh không còn nữa ! Đọc lại bản dịch thơ Hoàng Hạc Lâu của anh, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi một tài hoa mà mệnh yểu. Anh đã có một tác phẩm xuất bản, sau khi anh mất, đó là cuốn Thắng cảnh Việtnam qua thi ca .
Một văn hữu nữa, không có ở đây, mà riêng tôi có nhiều kỷ niệm đẹp, là Sỹ Tiến. Xuất thân trong những trường hợp khó khăn , anh đã gây nên được một địa vị văn nghệ khả quan, chỉ bằng lối tự học. Lòng chân thành không bờ bến, đức khiêm nhượng không giới hạn của anh đã làm cho mọi người đều mến phục và nâng đỡ anh một cách thích thú. Anh có tài soạn kịch, tư tưởng táo bạo với lời văn đẹp và chỉnh. Cả gia đình anh đều là kịch sĩ có chân tài. Tôi có dịp coi diễn vở kịch Cái Võng của Chu Ngọc do Sỹ Hùng, em trai anh, Khánh Hợi ( vợ anh) và TườngVy ( vợ Sỹ Hùng) sắm vai chánh.
Có thể nói rằng nghệ thuật trrình diễn ở mỗi vai đã tới tuyệt đỉnh. Tôi nhớ mãi không bao giờ quên. Mới biết, miếng ngon thì nhớ lâu, lời đau thì nhớ đời, mà nghệ thuật tuyệt đỉnh thì nhớ mãi .
Giờ đây, giữa Saigon nhộn nhịp-- có những buổi -- một mình vào một tiệm cà phê nào đó, tôi lại bâng khuâng, nhớ tới những người bạn cũ, đã từng cùng tôi la cà tại những quán giải khát ngày xưa: Hàng Buồm, Ngõ Kim Chung, Bờ Hồ, giữa Kinh đô Văn nghệ. Cho hay một tấm lòng đã vấn vương, thì cứ vấn vương mãi và thủy chung với chân thành đều là những yếu tố giữ vững nhiệt độ bằng hữu,. thách thức cả năm tháng cùng cách biệt. Lúc ấy và chỉ lúc ấy, câu thơ của Tô Đông Pha mới thấy mênh mông ý nghĩa :
Vọng mỹ nhân hề thiên nhất phương !
Tôi còn nhớ một buổi sáng vừa hồi cư cùng dạo bên bờ Hồ Gươm, Sỹ Tiến liếc nhìn tôi, cười tình, cái cười rất sân khấu và đọc thơ của Vũ Hoàng Chương :
Em ơi ! Lửa tắt bình khô rượu
Đời vắng em rồi say với ai ?!
Giờ đây, nghĩ lại, tôi còn thấy lòng bâng khuâng và hồn thơ lai láng bỗng dựng lên, như lúc Sỹ Tiến ngâm lại 2 câu thơ một buổi sáng mùa thu năm ấy bên hồ Hoàn kiếm giữa Hànội.
Trong số các bà ( không có cô nào ) cộng tác thường xuyên, ngoài bà Xuân Nhã ( Nhã-Ái) là vợ anh chủ nhiệm, có hai cây viết lớp cũ. Đó là nữ sĩ Tương Phố và Th. A . Tương Phố đã đến với chúng tôi từ xa xăm, như trong một truyện cổ tích. Bởi vì Giọt lệ thu đã bật nổi tiếng từ hồi báo Nam Phong. Thế nhưng Tương Phố là người xưa mà tính tình nay vẫn trẻ.
Đúng như lời của ai đã nói, nghệ sĩ không hề có tuổi tác. Tôi có ghi trong sổ tay những dòng sau đây : buổi đầu tiên gặp Tương Phố và Th. A :
".. Mặc dầu tuổi đã trện 50, Tương.Phố. vẫn còn khỏe mạnh và tỏ ra rất hăng hái trong việc dịch thuật và sưu tầm. Khổ người vạm vỡ, khuôn mặt to với đôi lưỡng quyền cao và cốt cách gần như cục mịch. Nếu không có lời giới thiệu trước, chúng ta có thể lầm tưởng đây là một bà nội trợ kiểu mẫu không hề biết văn thơ là gì . Th. A, trái lại vừa gầy, vừa cao, cốt cách cứng nhắc, gương mặt nhỏ choắt, cái cầm thì thót, cái ngực thì lép. Ở người đàn bà mới độ 30 tuổi đó, thần tình ái phải là một hiện tượng giữa một mùa xuân mà hoa không ửng hồng, cây không trồi xanh, gió im không thổi mát, ánh sáng chẳng tưng bừng ... Song Th. A có một học lực vững chắc, sâu rộng, những luận lý xác đáng, già dặn, những tư tưởng cấp tiến và chín mùi. Từng đức tính ấy ở một người đàn bà không lồng ngực, không nhan sắc, chỉ làm cho chúng ta lầm tưởng bà là một ... đàn ông ".
Dần dần tờ Thế kỷ đã trở nên nơi hẹn hò và gặp gỡ của những văn nghệ sĩ bạn. Sự cộng átc như vậy đã khiến tờ báo thêm phong phú ở lượng và thêm sâu sắc ở phẩm. Trong các thi gia phải kể Vũ Hoàng Chương và HCKH [ Hoàng Công Khanh ] . Họa sĩ có Tạ Tỵ, khảo cứu có Nguyễn Hoạt với những bài dịch văn Lỗ Tấn và Quách Mạt Nhược.
Truyện ngắn, truyện dài, tiểu luận có Trọng Bình, Mặc Thu và S.M. Từ Huế gởi tới, có những bài khảo cứu của Nguyễn Cúc về những vấn đề phụ nữ .
Cũng nên ghi thêm mấy chi tiết có thể coi là đặc điểm. Suốt mấy năm hoạt động, cái cơ quan ngôn luận -- bán nguyệt san văn hoá xã hợi này, vẫn không có trụ sở, mà chỉ có một địa chỉ. Đó là nhà riêng của Bùi Xuân Uyên, chủ nhiệm ở phố Hàng Đàn. Lẽ dĩ nhiên, không có biển treo cao như trước nơi báo quán.[ khác ] .
Về cái gọi là bộ biện tập thì mỗi người cứ tự lý . Một nhân viên liên lạc -- ông Cơ -- vừa là thư ký vừa là tùy phái, có nhiệm vụ đi từng nhà lấy bài, rồi đưa thẳng đến nhà in, nếu không cần đưa qua chủ nhiệm. Ông Cơ nguyên là một người nhà quê có chút ruộng vườn. Vì loạn lạc, phải bỏ ra Hànội. Một ít vốn chữ nho sẵn có, không ngờ giờ đây có công dụng. Nó đã giúp ông không bao giờ thấy sốt ruột những lúc chờ lấy bài, mặc dầu co khi phải chờ cả buổi để rồi phải về không. Bởi vì những lúc ấy ông đã ngâm thơ Đỗ Phủ hay Lý Bạch để quên thời giờ một cách thích thú và say sưa.
Về những buổi họp chiều thứ bẩy như trên tôi đã kể, để rồi đi thưởng thức những miếng ngon Hànội, căn gác của tôi ở phố Đường Thành vẫn được sử dụng. Trong 5 người, tôi đã được chỉ định phụ trách việc tiếp tân.
Thế kỷ ra được 75 số thì đình bản , vì thời cuộc.
Và năm sau, 1954 là Hội Nghị Giơ-Neo và phong trào di cư.
Những truyện ngắn riêng biệt dưới cùng nhan đề Trên vỉa hè Hànội từng đăng trên tờ Thế kỷ sau đấy một năm -- năm 1952, tôi đã thu thập lại để in thành sách. Họa sĩ Tạ Tỵ trình bày chữ đen trên nền màu sám nhạt, màu của thời loạn. Thế kỷ xuất bản. Lấy bút hiệu Triều Đẩu, trước sau, tôi đã theo cách số Tử vi.
Đại hạn của tôi hồi ấy nhằm cách : Thất sát triều đẩu.
Những bước đầu tiên bao giờ cũng khó khăn và đòi hỏi nhiều công phu với cố gắng . Tôi đã viết những truyện ngắn đầu tiên này thận trọng và nhẫn nại hơn là những bài luận nhà trường.
Tại phố Hàng Áo Hànội, căn nhà tôi thuê khi mới hồi cư, có những buổi sáng mùa đông rét như cắt, mới 4 giờ, tôi đã dây để viết. Đề tài được nghĩ từ trước, lúc ấy tôi mới ghi lên giấy. Thường thường tôi viết đi viết lại 3, 4 lần.
Bản thảo sau cùng không còn câu nào giống những bản thảo trước nữa. Lối hành văn riêng biệt của tôi pha giọng hài hước, châm biếm, đả kích, đã tự nhiên đến, khi tôi đặt bút không phải khó nhọc gì. Song việc xếp đặt câu, lựa chọn chữ, bố trí những cảm giác và những ý niệm sao cho xác đáng, điều hoà những sự kiện, sao cho có nghệ thuật, đều là những công việc khó nhọc và nhẫn nại. Tôi đã làm đầy đủ, riêng về cuốn Trên vỉa hè Hànội.
Sau thời gian ấy và trong những sáng tác khác tiếp theo, như Tranh tối tranh sáng, Lá thư Hànội, và gần đây Trên vỉa hè Saigon và Những thiên đường lỡ, tôi không áp dụng và công phu ấy nữa. Ở đâu tôi cũng chỉ viết một lượt, sửa ít nhiều, thế là hoàn chỉnh. Nghĩa là trước sau cũng vẫn nguyên một bản thảo, chứ không phải chịu 3, 4 lần luân hồi như ở Trên vỉa hè Hànội.
Nguyên nhân ? Phải chăng Trên vỉa hè Hànội là con so, việc sinh đẻ, chăn nuôi; bao giờ cũng thận trọng và công phu. Còn những tác phẩm sau đều là những con dạ, dễ dãi và à um .
Đứa con đầu lòng thường mang dấu vết của sư săn sóc quá độ. Nó sẽ nhất định giống mình hay giống tôi, còn ai vào đây nữa ? Trên vỉa hè Hànội đã mang sắc thái riêng biệt của Triều Đẩu. Song vẫn có hoa mỹ, lời gạn lọc, giọng văn riêng biệt, trào lộng mà về toàn thể, tôi thấy nó vẫn còn non nớt .
Bởi vì sự kiện thường thấy xảy ra, những đứa con so, bao giờ cũng ngờ nghệch, không tinh khôn bằng những đứa con dạ tiếp theo.
Về phần ý niệm và tư tưởng, tức là cốt truyện, tôi thường lấy ngay trong đời thực tế-- những nhân vật điển hình hay là những sự kiện riêng biệt, rồi xếp đặt những tác động, bố cục những chi tiết, để cụ thể hoá ý niệm mà tôi muôn nêu lên một cách mặc nhiên kia.
Thí dụ, truyện cô Hoa trong Trên vỉa hè Hànội-- thoạt đầu, tôi có ý niệm biểu dương tinh thần quốc gia màu vàng, nhằm vào phong trào hồi cư 1950 ồ ạt về Hànội. Tôi liền nghĩ đến chuyện một thiếu nữ, cô Hoa còn trong trắng. Cái trong trắng đã từng bị hoen ố vì nhục vì thực dân ( tên lính Ma-rốc đã cưỡng hiếp cô ) và 1 chính trị viên đã buộc ép cô phải lấy [ anh ta}. Rồi cô chạy về Thành, gặp người yêu cũ, tên Quân --- một nghệ sĩ -- giữa lúc ánh sáng vàng của mặt trời vừa hiện ra. Tả cô Hoa, tôi đã dùng lới tương phản : đặt cô chị tên Loan, nữ công chức ở bên cạnh.
Loan ( nữ công chức ) đi làm rất đúng giờ , ồm không dám nghỉ, giữ gìn từng li từng tí` để khỏi mang tiếng. Từ chối mọi bức thư tình của người quen biết, mặc dầu nhiều khi lòng
trinh nữ cũng cảm thấy rộn ràng. " Trái tim con người ta -- anh ơi -- đâu phải gỗ đá " Loan dã cố thủ trước mọi tấn công tình ái, chỉ vì -- như nàng vẫn tương một cách chắc chắn -- " Ái tình không được phép đi đôi với những đạo nghị định ".
Đoạn tả gã chinh trị viên ... :
".. Hắn" - đây chì là một bức họa hoàn toàn thô bỉ mà tạo hoá đã trưng lên để bôi nhọ con người. Hai môi hắn như 2 con đỉa xun xoe chung quanh cái miệng tự nhiên cười hềnh hệch một cách vô ý thức. Trán hắn ngắn, con mắt hắn trơ như thủy tinh mờ. Tất cả khuôn mặt mang những nét răn nguệch ngoạc vô tổ chức, như một trang viết tập của trẻ em mới học
i , tờ. Ông thân sinh ra cô Hoa vừa bị bắt, vì đánh tô tôm, vì có lệnh cấm. Chính trị viên hứa sẽ can thiệp trả lại tư do cho ông cụ, với điều kiện Hoa phải lấy [ anh ta ].
" Gã tự nhiên sung sướng trước một sắc đẹp và đã thốt lên tiếng trạng từ mới nhập cảng :
-- Hay !
-- Ông ( lời cô Hoa ) để tôi nghĩ xem đã.
-- Hay !
-- Trời ơi ! Sao cơ cực thế này !
-- Hay !
-- Tôi chết mất !
-- Hay !
Thế rồi cách đó không lâu, cụ Phán ( cha cô Hoa ) đã được trả lại tự do. Và tấm áo trinh bạch của cô Hoa lần đầu tiên bị hoen ố, bởi cái gã luôn luôn kêu" hay !" hay ! " -- coi tất cả đều hoàn hảo trong cái thế giới toàn hảo .."
Một tháng sau , có cuộc tảo thanh của Quân đội Viễn chinh Pháp, cô Hoa bị tên lính Ma-rốc bắt và hiếp, mặc dầu cô đã nhặt được một đứa con nhỏ lạc và ẵm nó trên tay, để tỏ rằng mình đã có con.
" Mặc ! tên lính da đen chạy sầm lại
Hắn nhìn theo cô Hoa, cưới lớn :
- Tốt lắm !
Hoa vội đưa đứa con lên, kêu xin:
- Tôi có con.
-Tốt lắm !
Nàng rãy rụa trong 2 cánh tay đầy lông lá của tên lính Ma-rốc.
- Trời ơi !
- Tốt lắm !
- Tôi chết mất !
- Tốt lắm !
Và một lần nữa, tấm áo trinh bạch lại bị hoen ố bởi gã kia luôn luôn kêu " tốt ! tốt ! " coi tất cả đều hoàn hảo trong thế giới hoàn hảo ..
Đoạn, trở về Thành cùng Quân, dạo chơi phố. Vừa lúc ấy, trời bỗng ửng vàng. Những tia nắng dịu như được lọc qua lần lụa vàng. Ánh vàng tươi tràn lan trên mọi vật thấm nhuần vào tận đáy sâu. Vàng rung rinh trên cành lá . Vàng óng ánh đỉnh non cao. Vàng lấp loáng trên mặt nước . Vàng sáng ngời trên mọi khuôn mặt. Tất cả như đang tắm trong hào quang.
Ai nấy đều sửng sốt, bàng hoàng với cảm tưởng mênh mang, rằng, mình đang bước vào vận hội mới.
Quân và Hoa liền thủng thỉnh bước trên vỉa hè Hànội, lòng cởi mở, với ánh sáng vàng ..."
Vũ Hoàng Chương có bài thơ " Cảm đề " Trên viả hè Hànội:
Lớp lớp tang thương rộn vỉa hè
Những điều trông thấy lại điều nghe
Hànội phải chăng lầm binh nhục
Người viết ? Người coi ? Hỡi kẻ đề !
VŨ HOÀNG CHƯƠNG
Tôi đã sơ xuất không in bài thơ khi xuất bản tập truyện -- và hy vọng sách sẽ tái bản -- với lời cảm ơn cuả bạn tri kỷ ở ngay trang đầu . []
triều đẩu
-------
* (...) xin lỗi tác giả, Biên tập tạm lược bỏ,
** [ ...] chữ của Biên tập .
( Đại Nam văn hiến, Saigon tái bản ,1968 - tr. 67 - 86 )
Quân đội viễn chnh
Quân đội viễn chinh Pháp vẫn al2m chủ tình thế. Xa xa những tin tảo thanh
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét