những khuôn mặt văn nghệ đã đi qua đời tôi - 26
hồi ký văn học : tạ tỵ
- hoàng trọng miên , vũ hạnh, lê phương chi, phương đài, nguyễn thị thụy vũ, võ hồng, trịnh công sơn, bùi giáng, phạm duy, võ thắng tiết, nhất hạnh, túy hồng, dương nghiễm mậu, nhật tiến, võ phiến, thanh lãng, lê phương chi, minh quân, nam cao, bùi hiển,phạm duy, dương nghiễm mậu, nguyễn văn trung , nhạc sĩ hải linh, lê ngộ châu, trần văn tích ...
- 10 khuôn mặt văn nghệ hôm nay ( đổ đồng gồm 10 tên, mỗi tên giá 3 lượng 2) ... tạ tỵ được trả bản quyền 32 lượng vàng .
- còn họa phẩm 1 bức bán được 100 lượng vàng cho giám đốc Ngân hàng Mahattan Anh quốc tại Saigon - có thể nói - không một ai, bán bản quyền được nhiều vàng, thành công về tài chính hơn hết, đối với các tác giả tài danh hàng đầu ở miền Nam khi ấy.
Trong số bằng hữu, Nguyễn Tuấn Phát có cá tính đặc biệt . Khi anh thích đến chơi, đến cả tháng liền. Sáng nào cũng vậy, đúng 6 giờ, anh bấm chuông gọi cửa mời tôi đi ăn sáng. Có khi cả nửa năm, anh không hề lai vãng,. Nguyễn Tuấn Phát có một thời gian phục vụ tại Bảo Chính Đoàn, rối chuyển qua làm giám đốc Trường Quân y. Anh có phòng mạch tư ở Ngả Bẩy ( Saigon 10 ) , nhưng rất ít thân chủ. Để tránh những giờ phút trống rỗng, anh cũng vẽ để giải trí. Tranh anh vẽ, khuôn khổ không to bằng tranh Bùi Xuân Uyên . Anh vẽ theo họa phái ấn tượng, nhưng cũng như BXUyên , chỉ là vẽ tài tử; do đó, tranh không có kỹ thuật, chỉ để riêng cho anh thưởng thức thôi. Ngoài ra, anh còn viết sách, văn của anh khá hơn vẽ nhiều.
Anh có nhờ tôi đề tựa cuốn Vài cảm nghĩ của người thầy thuốc. Nội dung ghi lại những nỗi vui buồn của nghề y khoa, mà anh đã trải qua những năm tháng dài ! Văn anh chân thật, hiền hòa như con người anh vậy. Anh viết không phải 2 cuốn mà tới 2 cuốn; nhưng chẳng vì thế, anh nổi tiếng. Trong những lúc đi chơi với nhau, anh thường nói:
- Tôi mà được như cậu và Phạm Duy, có sự nghiệp văn nghệ như vậy, tôi đếch cần cuộc đời này. Như vậy đủ rồi !
Anh quan niệm tình nghĩa bạn bè là complément ( bổ túc) , chứ không phải supplément ( phụ thuộc) . sau khi chị Phát mất ít lâu, anh tục huyền với cô y tá; khi trước phụ giúp anh ở phòng mạch. Từ ngày anh sống với cô y tá, anh giấu chỗ ở, nên ít có dịp gặp lại.
Sau ngày 30 - 4 - 1975 , tuy giải ngũ ở cấp bậc đại tá đã lâu, những anh vẫn [ phải] đi học tập cải tạo. Chúng tôi lại gặp nhau ở Long Giao một thời gian, cho đến khi tôi chuyển trại về Suối Máu. Vào 1981, khi tôi được tha, Lê Ngộ Châu cho biết, Nguyễn Tuấn Phát được tha về, có mấy hôm thì chết ! Thân xác anh co rúm lại như đống giẻ khô. Những anh em quen biết, không vướng vòng cải tạo, đều đến chia buồn cùng bà mẹ già ( bà tuần phủ khi xưa ) - và chị Phát cùng đàn trẻ nhỏ đang sống trong một hoàn cảnh bi đát. Âu cũng một kiếp người !
Tuy không co mặt trong đám tang anh, nhưng với những dòng chữ chân tình này, tôi cầu chúc anh hồn Nguyễn Tuấn Phát được miên viễn, đi vào vòng siêu thoát ! ...
Một buổi , tình cờ, tôi gặp lại Hoàng Trọng Miên đang đi thất thểu trên vỉa hè đường Phan Đình Phùng . Chúng tôi hỏi thăm nhau về đời sống riêng. HTMiên cho biết, đang được Tòa Đại sứTtây Đức nhờ dịch bàn Faust của đại văn hào Goethe . Đã từ lâu , anh sống bằng nghề dịch sách thuê, chứ không làm báo nữa. Tôi tránh không đả động gì đến chuyện Thanh Nghị đã đi theo CS từ tết Mậu thân. Tôi không hiểu vì lý do gì, Hoàng Trọng Miên đối cới tôi không vồ vập như xưa nữa, có thể, lập trường chính
trị đã chia rẽ chúng tôi chăng? Từ đó, cho đến ngày CS chiếm miền Nam, tôi được biết, Hoàng Trọng miên đã ra bưng đón quân Giải phóng cả tuần lễ trước. Việc này, cò lẽ phần lớn do Thanh Nghị sắp đặt và chính HTMiên cũng có khuynh hướng theo CS từ lâu, nhưng rất khéo che đậy nên ít ai biết! Khi CS chiếm miền Nam, HTMiên được CS cho điều hành Bộ môn Ca múa thành phố.
Nhưng nay, HTMiên đã trở thành người thiên cổ , tôi cũng chẳng muốn nói gì hơn vê con người đã có một thời quy mến tài năng mình !
Tôi nhớ, một buổi sáng đang làm việc, bỗng từ cổng có điện thoại vào - báo tin một người đàn bà tên Phương Đài muốn gặp. Tôi đồng ý mời vào.
Nữ thi sĩ Phương Đài, tuy chưa có cơ hội gặp mặt quen; nhưng tôi được đọc qua ít bài thơ đăng tảu ở đâu đó. Tôi còn biết, Phương Đài hoạt động cho CS, bị bắt, mói được tha về. Tôi không đoán được lý do sự đến thăm này, vì duyên cớ nào ?
Khi cánh cửa mở, tôi đứng dậy. Phương Đài một phụ nử trạc tuổi trung niên, không xấu, chẳng đẹp; nhưng dáng dấp rất lịch sự- tuy màu da men mét- có lẽ - do thiếu dinh dưỡng, tay cầm một cuốn sách. Tôi mời Phương Đài ngồi , ở chiếc ghế đối diện, rồi hỏi thăm công việc sáng tác ra sao ?
Lúc này, Phương Đài mới đưa tặng tôi tập thơ mới xuất bản. Cảm ơn, giở ngay trang đầu, gặp chân dung ảnh tác giả, đẹp hơn người thực lật qua ít trang, tôi đọc, và có ý kiến.
" Thơ khó ban lắm, mình làm thơ, yêu thơ thì được, chứ trhơ không nuôi nổi người làm thơ đâu ?"
Phương Đài , cười, buồn, cho rằng tôi nói đúng. Trước khi gặp Phương Đài, có người còn cho tôi biết, về gia thế nữ sĩ nữa.
Phương Đài là cháu ngoại cố đại thần Phạm Phú Thứ, có liên hệ họ hàng với nhà văn nữ Nguyễn Thị Thụy Vũ.
Anh em khuyên tôi, không nên dính dáng nhiều với Phương Đài - dù là văn nghệ - vì tuy được tha, nhưng vẫn bị cơ quan an ninh theo dõi. Riêng tôi , thú thực, ít khi chịu mất thì giờ vể những chuyện liên hệ lẩm cẩm.
Tôi chỉ biết, người đàn bà ngồi trước mặt tôi đây- lần đầu - gặp gỡ để tặng cuốn thơ, chỉ đơn giản vậy thôi. Sau vài câu chuyện xã giao, Phương Đài mời tôi, bữa nào rảnh, ghé nhà chơi, ở bên Gia Định. Tôi lại cảm ơn, tuy biết chắc, mình không còn chút thời giờ nào để sang bên Gia Định thăm một nhà thơ vừa quen biết- hơn nữa - Phương Đài cũng chỉ ở mức độ chung chung, không có gì đặc biệt để bắt tôi chú ý.
Nhưng quả thực, tôi không ngờ nữ sĩ Phương Đài lại quý trọng tôi, bằng cách, cùng ký tên với linh mục Thanh Lãng để mời tôi gia nhậi Hội Văn bút Việtnam.
Đặc biệt, linh mục Thanh Lãng còn viết một bức thư tay rất tha thiết. Tôi rất cảm động; nhưng khi thấy 2 tờ giấy in, có sẵn 2 chữ ký, tôi vôi vàng viết thư cảm ơn linh mục Thanh Lãng, cũng như nữ sĩ Phương Đài- và cho biết - tôi không gia nhập Hội Văn bút Việtnam, vì tôi thích tự tạo thành tích riêng ...
Nay, linh mục Thanh Lãng đã về nước Chúa , Phương Đài là ủy viên trong Hội Nhà văn thành phố HCM - CS đã trả công cho chị bằng một chức vụ, còn quyền lợi chả biết ra sao ?
Ngoài nhà in Kim Lai, nơi anh em thường tụ họp, tôi , thỉnh thoảng cũng ghé tòa soạn Bách Khoa chơi. Ở nơi đây, tôi gặp nhà văn Vũ Hạnh, người nhờ tạp chí Bách Khoa mà nổi tiếng . Vũ Hạnh, dáng người cao, to xương, chứ không mập. Cung cách ăn nói , tuy lịch sự đấy; nhưng ẩn giấu sự kiêu ngạo bên
trong. Nói cho đúng, văn của Vũ Hạnh chịu ảnh hưởng rất nhiều lối viết của Nam Cao, Bùi Hiển từ hồi Tiểu thuyết thứ bảy ở tiền chiến. Nó chỉ hay, và có giá trị với những ai chưa đọc Nam Cao, Bùi Hiển thôi.
Không hiểu sao Vũ Hạnh lại được nhiều độc gỉả ái mộ ? Vũ Hạnh hoạt động cho CS từ ngày nào, không ai biết rõ ? Có lẽ, cả gia đình Vũ Hạnh đều làm việc cho CS. Đứa con trai bị bắt đưa ra Côn Đảo. Rồi Vũ Hạnh cũng bị cơ quan cảnh sát bắt giữ nhiều tháng, vì có bằng chứng hoạt động cho CS. Nhưng Vũ Hạnh được tha, nhờ vào sự can thiệp của linh mục Thanh Lãng, chủ tịch Hội văn bút Việtnam, cũng như sự vận động ngấm ngầm của tạp chí Bách Khoa đối với chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Cái [ nhược điểm * ] của người Quốc gia ở chỗ đó, chỉ nhìn thấy phía tốt, còn phía xấu bỏ qua, vì thế mới bị thua vì luôn bị mắc mưu CS !
Tôi cũng gặp nhà văn Võ Phiến một đôi lần. Tôi rất thích đọc những bài viết, nửa như tùy bút, nửa như phiếm luận của Võ Phiến đăng tải trong Bách Khoa. Tôi cho rằng, ở miền Nam, không một cây bút nào hiểu Cộng và chống Cộng hơn Võ Phiến *.
-------
* [ ...] và chữ in nghiêng của Biên tập.
----------
Bài dịch của Gauthier nói về Phạm Duy, qua bút hiệu Thu Thủy ( cũng là Võ Phiến) . Nhưng tính tình của Võ Phiến , hình như không mấy thích hợp với tôi, nên câu chuyện có nói với nhua cũng chỉ là bề ngoài. Đó là trường hợp riêng, giữa tôi và Võ Phiến chăng ? Cũng vì lý do đó, dù có đi suốt cuộc đời, tôi vàVõ Phiến cxũng chẳng có cách gì trở thành bạn thân được * ! Đáng tiếc !
Có một người đàn bà dáng điệu như đàn ông thường đến tòa soạn Bách Khoa, tôi hỏi Lê Ngộ Châu, được biết - đó là nữ sĩ Minh Quân . Tôi chỉ biết vậy, không làm quen, nói chuyện bao giờ.
Người mà tôi mỗi khi gặp, nói chuyện vui, đó lá Lê Phương Chi ( tên thật Lê Thanh Thái ) , người chuyên môn dược Bách khoa chỉ định đi phỏng vấn tôi về vấn đề hội họa. Khi thấy tôi bán 1 tác phẩm với giá 1.000.000 Vnđ, tác phẩm này do ông Rifle, giám đốc Ngân hàng Manhattan đặt mua để trưng bày tại cơ sở mới của ngân hàng ở Bến Bạch Đằng. Sự thực, ông Rifle mua của tôi nhiều tác phẩm, chứ không phải một - nhưng bức tranh nói trên giá đắt nhất - 100 lượng vàng lúc đó. ông Rifle phải mua vải từ
New York gửi qua, vì ơở Việtnam không có loại vải ( canvas) vẽ khổ lớn như vậy Ông Rifle cũng nói với tôi, ông đã đi nhiều nước, xem đã nhiều tranh, nhưng, ông chưa thích tranh của ai bằng tranh tôi vẽ * .
Lê Phương Chi, ngoài tài phỏng vấn, đặt nhiều câu hỏi khá tế nhị , còn biết xem tướng và tử vi. Nhưng cái nghề tử vi đã hại anh, khi anh sống dưới chế độ CS, nên CA đã bắt đi cải tạo, vì cái tội dùng mê tín, dị đoan, làm chao đảo tinh thần cán bộ chăng ?
Ở tòa soạn Bách Khoa, tôi còn gặp giáo sư Nguyễn Văn Trung , một nhà văn, một nhà giáo, nhà tu xuất. Nhìn Nguyễn Văn Trung, tôi chợt nhớ tới nhạc sĩ Hải Linh - tu xuất - Trưởng ca đoàn Hồn nước- Khi nghe tiếng tôi, muốn thấy mặt, nhờ một đại úy đưa tới Thư viện quân đội ở đường Hồng Thập Tự, do tôi làm quản đốc . Khi gặp, thấy tôi mặc quân phục, không giống như người mà ông phác họa trong đầu, lúc về ông ta nói với vị đại úy :
" Biết thế này, tôi cứ sống với ông Tạ Tỵ trong sự tường tượng của tôi [ còn hơn nhìn thấy mặt ] . Chỉ một lần thôi không bao giờ gặp lại ! "
Nguyễn Văn Trung, con người mực thướ, ăn nói từ tốn, luôn luôn chứng tỏ cái học và cái biết của mình, qua câu chuyện hoặc bài vở. Tôi nghe anh em nói, Nguyễn Văn Trung rất mê [ ăn] thịt chó. Vì không biết ăn, nên tôi không dám khẳng định đúng hy sai ?
Lê Ngộ Châu vẫn gửi báo biếu đều đặn cho tôi , dù rằng thỉnh thoảng tôi mới viết bài hoặc đôi bài thơ giao hữu
.
Tôi thích đọc những bài khảo cứu đông y của bác sĩ Trần văn Tích. Tuy là tây y, nhưng ông chịu khó nghi6n cứu, tìm hiểu về đông y, qua các sách Hải Thượng Lãn Ông. Bác sĩ Tích còn theo ngành châm cứu, khi chưa biết mặt, tôi cứ tưởng ông là một ông già, phòng mạch vắng, nên tìm cách để khuây khỏa nỗi buồn, như Nguyễn Tuấn Anh, vẽ tranh vậy. Ai ngờ, khi gặp nhau ở tòa soạn Bách Khoa, bác sĩ Tích ( 1932 - ) trẻ măng, cử chĩ đĩnh đạc, chứ không kiêu căng, ăn nói rất nhẹ nhàng, lịch sự. Tôi rất kính trọng cái học và cái biết của bác sĩ Trần Văn Tích, cũng như cái giỏi, cái chuyên môn, tài viết của bác sĩ Trần Ngọc Ninh vậy
.
Sau ngày 30 - 4- 1975, bác sĩ Trần Văn Tích có đến tìm tôi tại nhà để rủ nhau cùng đi tù. Chán thật !
Trong suốt mấy chục năm phục vụ trong Quân đội, có trên 1 triệu ngư ời - thế mà chỉ có mấy chục người làm văn học, nghệ thuật. Với tỷ lệ như vậy, người ta mới biết văn nghệ là quý.
Có một thời gian, tôi và Đỗ Trọng Huề , tác giả ca trù biên khảo dày cộm, cùng làm việc chung tại một cơ quan- Đỗ Trọng Huề, con cụ Đỗ Bằng Đoàn - một vị khoa cử ngày trướxc. Đỗ Trọng Huề có bằng cử nhân văn khoa, vừa ở trong quân đội, vừa đi dạy học, vừ nghiên cứu viết sách. Dáng người nhỏ nhắn, thanh tú, mắt sáng như sao, môi đỏ như son.
Lãng Nhân khi gặp, khen, quý tướng Đỗ Trọng Huề , chơi với bạn rất chí tình, không có tinh thần bợ đỡ trong công vụ. Do vậy, anh được nhiều người nể. Thỉnh thoảng Đỗ Trọng Huề cũng đến Kim Lai hoặc Bách Khoa để gặp anh em nói chuyện vui. Nhưng năm sau 1970, Đỗ Trọng Huề cũng viết cho tạp chí Bách khoa- Lê Ngộ Châu quý lắm !
Vì nhu cầu chính trị, Quân dội cũng cần phải có một nhật báo, để đối phó cấp thời vời những vần đề nóng bỏng do thời cuộc chiến tranh đưa tới - do vậy - tờ báo Tiền tuyến ra đời. Tờ báo do Phạm Xuân Ninh đứng tên chủ nhiệm, phụ tá có Phan Lạc Phúc. ( Ký giả Lô Răng) và nhiều anh em khác; nhưng cũng thuộc quân đội. Nói đúng ra, tập thể Quân đội cũng có nhiều nhân tài lắm. Nói chung, ho đều nổi tiếng cả trong lẫn ngoài quân đội, như :
Đỗ Trọng Huề, Phạm văn Sơn, Văn Quang, Nguyễn Đạt Thịnh, Dương Hùng Cường, Hoàng Hải Thủy [ đúng ra- lúc này- HHThủy không còn là quân nhân nữa * ] , Đặng Trần Huân, Nguyên Vũ, Phan nhật Nam, Thảo Trường, Trần Văn Minh ( tác giả tập truyện ngắn Chết non ) . Ký- Giả -Lô -Răng, Thanh Nam, Phạm Huấn, Hà Thượng Nhân ( Phạm Xuân Ninh), Mai Trung Tĩnh, Tô Thùy Yên, Du Tử Lê, Cung Trầm Tưởng .... các nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, Thục Vũ, Đan Thọ, Nhật Bằng, Ngọc Bích, Nguyễn Hiền, v. v.. cùng rất nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà viết nhạc, ở rải rác khắp 4 Vùng chiến thuật , tạo cho nền Văn nghệ Quân đội có một sắc thái riêng biệt.
Nhờ có mục Tạp ghi ở trang 3 tờ Tiền tuyến , Ký- Giả- Lô- Răng rất ham đọc sách và rất yêu văn nghệ. Anh có tầm hiểu biết rộng, nói thông thạo 2 sinh ngữ Anh, Pháp; nhưng tính tình rất hòa nhã. Cẵp kính trắng trên khuôn mặt, với vầng trán rộng, tạo cho anh nét duyên dáng, mỗi khi nói chuyện- dù công việc hay tâm tình. Ký-Giả-Lô -Răng viết Tạp ghi không thua gì Hiếu Chân trong mục Nói hay đừng [ nhật báo Tự do * ] , hoặc Ao thả vịt của Chu Tử trên nhật báo Sống.
Riêng Chu Tử, tôi không quen bao nhiêu, chỉ gặp vài lần, qua nhiều câu xã giao; nhưng tôi nhận ra ngay; Chu Tử, con người rất khôn ngoan , lanh lợi; có khiếu báo chí -- còn về mặt văn chương, tuy anh có viết mấy cuôn sách, nhưng chỉ nói lên một thoáng, rồi chì mất dạng ! Chu Tử không may, bị chết thảm trên bước đường tỵ nạn, sau ngày 29 - 4- 1975. Tôi có vẽ chân dung anh, hiện [ vẫn còn lưu giữ *] tại Saigon.
[ Còn Nguyên Vũ (1) ] , sự thực tôi không quen Nguyên Vũ từ trước- Nguyên Vũ thường đến Nha Chiến tranh tâm lý để gặp Nhất Tuấn, Văn Quang - nhưng một buổi, vô tình gặp nhau ở Câu lạc bộ, sau vài câu chuyện trao đổi - Nguyên Vũ có vẻ mến tôi; từ đó,thỉnh thoảng [ anh *] mời
[ tôi *] đi ăn, đi chơi. Nguyên Vũ ở [ binh chủng *] Pháo binh Dù, chuyên sử dụng loại 105 ly ngắn nòng.
--------
(1) sau 30- 4- 1975, Nguyên Vũ ít dùng bút hiệu xưa kia ở Saigon- mà trước kia, ký dưới các tác phẩm tiểu thuyết Có 1, 2 tập truyện chuyển dịch anh ngữ . Được cấp grant, anh theo học đại học, tốt nghiệp tiến sỉ sử học, mang tên thật Vũ Ngự Chiêu. Đã có lần ,được Fulbright cấp học bổng về Việtnam nghiên cứu sử học, anh và phu nhân gặp gỡ lại một số bạn bè văn chương cũ ở Saigon, rồi ra Hà Nội, ăn một tết ta ở Lạng Sơn , thực hiện một chuyến phiêu quê nhà kỳ thú ! Hiện Nguyên Vũ- Vũ Ngự Chiêu thành lập một nhà xuất bản Văn hóa, in sách của anh và bạn bè ở Houston (bang Texas, Huê kỳ. (TP).
------
Lúc bình thường, khi chưa uống rượu, tính tính hiền hòa, nói năng từ tốn- Nguyên Vũ mời tôi và vài người bạn cùng đơn vị đi nhậu ở quán ông Cả Cần . Sau vài ly Whisky, chuyện nọ xọ chuyện kia, Nguyên Vũ lên cơn, rút súng định bắn người bạn đối lập ý kiến. Anh bạn kia cũng rút [ khẩu * ] Colt lên đạn. Cũng may, nhờ anh em can gián kịp thời, [ sau đó * ] mọi người lạii vui vẻ đánh chén , coi như không có chuyện gì xảy ra.
Còn chuyện nữa, tuy tôi không có mặt, nhưng nghe nói lại. Một buổi tối, sau những ngày hành quân vất vả, Nguyên Vũ cùng Phan Nhật Nam đến Queen Bee khiêu vũ. Có lẽ, vì rượu, nên cả hai người đều biểu lộ hành động [ ăn , nói bừa bãi *] lại quá khích . Chẳng may, tối hôm ấy, có mặt đại tá Đức, giám đốc Nha Quân pháp thấy 2 quân nhân như vậy - mất tác phong, lại gần [ bàn *] khuyên nhủ phải, trái. Nhưng khi ấy, đại tá Đức lại mặc thường phục, Nguyên Vũ và Phan Nhậtv Nam không biết đó là giám đốc Nha Quân pháp, [ nên * ] sừng sộ định hành hung. Ông này giận quá , gọi điện thoại kêu quân cảnh đến bắt đem nhốt tại quân lao. Báo hại, hôm sau, anh em biết chuyện, xúm lại xin đại tá Đức bỏ qua. Cũng may,. đại tá Đức, con người tốt, có lòng quy mến kẻ sĩ, nên ông vui lòng không làm to chuyện - nhưng cũng trừng phạt Phan Nhật Nam , bằng cách bắt buộc phải ra khỏi binh chủng Dù. sau chuyện đó, cuộc đời binh nghiệp Phan Nhật Nam, hết lang thang, hết vẫy vùng ngang dọc.
Nguyên Vũ chủ trương nhà xuất bản Đại Ngã, chuyên ấn hành sách của mình viết,, toàn loại trường thiên. Tác phẩm đầu tay của Nguyên Vũ là cuốn Vòng tay lửa. Nhà xuất bản Đại Ngã cũng in 2 cuốn của Phan Nhật Nam : Dấu binh lửa và Dọc đường số 1. Qua 2 tác phẩm này, Phan Nhật Nam nổi tiếng ngay, vì cách hành văn cũng như suy tưởng của Phan Nhật Nam vừa sỗ sàng, vừa chua xót, nói về thân phận người lính, thân phận người dân trong bối cảnh chiến tranh.
Tôi nhớ, trong cuốn Dọc đường số 1, có một chuyện làm tôi cảm động vô cùng - khi cô gái thấy lính Dù ở trước mặt với những tiếng súng, cô gái đã dùng tay cởi dần nút áo, để sẵn sàng [ chờ * ] bị hiếp.
Phan Nhật Nam bảo : cô gái đừng làm như vậy, cô đáng tuổi chị tôi , hơn nữa chúng tôi chiến đấu để bảo vệ dân, chứ đâu phải để giêt người và hiếp dân * . Đại ý như vậy, tôi không nhớ rõ chi tiết, vì đã lâu ngày. Sự thực, vấn đề lính Dù có hiếp dâm, cướp của, giết người, là khi ninh chủng này còn dưới quyền chỉ huy của Pháp; nhưng từ ngày quân Dù được chỉ huy do các sĩ quan Việtnam, sự tàn bạo đã bớt đến 80 %. Nếu lính Dù đi hành quân, có chuyện không hay xảy ra, cũng chỉ cá biệt, giấu giếm, chứ không còn công khai như trước.
Phan Nhật Nam, người miền Trung , trông bề ngoài hiền lành, dáng người nhỏ nhắn như một thư sinh, chứ không có vẻ gì hung bạo, dù anh mặc đồ Dù. Phan Nhật Nam, quả thực, nhà văn có tài, nhất là các bài viết về phóng sự chiến trường, không một ai có thể viết hay hơn anh ở địa hạt này *. Vì không còn ở binh chủng Dù nữa , nên anh có nhiều thò giờ la cà thăm anh em. Thỉnh thỏang Phan Nhật Nam ghé nơi tôi làm việc, nói chuyện mươi lăm phút, xong, đi gặp bạn khác.
***
Đáng lẽ, tôi viết về Phạm Duy chung vào cuốn 10 khuôn mặt văn nghệ, do Nam Chi ấn hành 1970 - nhưng sau khi suy nghĩ, cuộc đời PDuy có nhiều chuyện quá, viết ngắn; nói không hết, viết dài, không cân xứng với những khuôn mặt được đề cập trong dự tính. Do vậy, tôi mới có quyết định - dành cả 1 cuốn sách để viết về cuộc đời Phạm Duy, từ thưở ấu thơ tới 1970. Nói đúng ra, tuy chơi thân với PDuy, nhưng có phải lúc nào tôi cũng ở cạnh đâu ? Do vậy, muốn có đầy đủ yếu tố để viêt về cuộc đời Phạm Duy, ngoài những gì tôi đã biết, tôi phải hỏi người khác, hoặc chính PDuy cung cấp tư liệu. Cuốn sách viết ròng rã mấy tháng mới xong.
Trước khi in, tôi có đưa PDuy đọc lại, để bổ khuyết những gì thiếu sót, hoặc bỏ những điều gì không chính xác, hoặc PDuy không muốn. sau khi đánh máy xong, tôi đem cuốn sách bán bản quyền cho anh Thành , chủ trương nhà phát hành Hiện đại. Anh Thành bằng lòng mua với giá 1.000.000 Vnđ, nhưng anh không xuất bản, mà trao cho anh Nhã [ tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã bây giờ đang ở tp. HCM * ] - khi đó đang phụ trách tập san Sử Địa đứng lo việc ấn hành [ đúng phải là : chủ nhà sách Khai Trí- Nguyễn văn Trương thuê bạn Nhã ( lúc này là sinh viên ) lo bài vở, rồi Khai Trí in và phát hành- đối với cuốn Phạm Duy còn đó nỗi buồn / Tạ Tỵ, thì ông Trương cũng áp dụng cách này * ]
.
Do vậy, cuốn Phạm Duy còn đó nỗi buồn , do Văn sử học xuất bản 1971, chứ không phải do nhà phát hành Hiện đại đứng tên , dù trên thực tế, anh Thành bỏ tiền mua tác quyền, cũng như trả tiền in. Cuốn sách được in tại nhà in Việt Hương ở đại lộ Lê Lợi , nơi đây thường in sách của nhà xuất bản Lá Bối, cũng như Cảo thơm .
Tôi thường đến nhà in vào mỗi chiều, khi đi làm về, để sửa bản vỗ ( morasse ) . Tại đây, tội gặp thầy Từ Mẫn [ thầy tu Phật giáo thường được gọi là thầy *] phụ trách nhà xuất bản Lá Bối - Từ Mẫn, đệ tử thầy Nhất Hạnh . Cơ sở Lá Bồi thoạt đầu do Nhất Hạnh chủ trương, nhưng vị này mải lo đấu tranh cho đạo pháp tại hải ngoại, nên giao cơ sở này cho thầy Từ Mẫn . Trong [ cuốn tiểu thuyết * ] Nẻo về của Ý , nhà văn Nhất Hạnh có nhắc đến tên Nguyên Hương ( tức Từ Mẫn ).
Khi gặp tôi lần thứ 2, thầy Từ Mẫn ngỏ ý nhờ tôi viết 1 cuốn cho nhà xuất bàn Lá Bối, túy ý tôi lựa chọn. Tôi cảm ơn hảo ý đó, hứa sẽ viết, chứ hiện tại chưa có cuốn nào, ngoài cuốn viết về cuộc đời Phạm Duy. Thầy Từ Mẫn rất hiền hòa, tế nhị, trong việc giao tế ; do vậy, được sự quý mến của mọi người, dù làm văn nghệ hay không ? Sách nhá Lá Bối ấn hành, bao giờ cũng được độc giả ân cần đón tiếp. Sách in đẹp, nội dung đúng đắn, nghiêng về đạo đức nhiều hơn là chiều theo thị hiếu quần chúng, trong thời gian ấy, [ độc giả * ] ham đọc loại truyện chứa chấp dục tính.
Cuốn Phạm Duy còn đó nỗi buồn in 10.000 ấn bản , mỗt số lượng khá lớn. Sau trên 1 tháng, sách in xong. Tôi không ngờ cuốn sách bán chạy thế [ vậy là * ] anh Thành đã trúng mối . Còn PDuy gặp tôi, trách, sao không in lấy :
" Nếu cậu tự thực hiện, thay vì 10.000 đồng, cậu có mấy chục ngàn trong tay ".
Tôi nói, lỡ rồi; vả lại, mình có phải là cơ sở phát hành đâu mà làm ! Chuyện phát hành cũng lôi thôi lắm, chứ không đơn giản đâu ? Sau khi cuốn Phạm Duy còn đó nỗi buồn ra đời được ít lâu, tôi đưa cho nhà Khai phóng của Du Tử Lê in cuốn thơ Cho cuộc đời. Cuốn thơ có mấy chục bài, tôi làm rải rác; nay đem gộp lại cho xuất bản. Cuốn thơ cũng in tại Việt Hương và phát hành cuối 1971, Du Tử Lê đề bạt. Sau 6 tháng , cuốn thơ đã bán hết. Tôi được 1 khoản tiền, vài ngàn đồng. Tuy ít nhưng vui !
Cũng tại nhà in Việt Hương, tôi còn gặp nhà văn Sơn Nam và Ngọc Linh.
Tôi yêu văn Sơn Nam qua cuốn Hương rừng Cà Mau . Cái đặc biệt của Sơn Nam là không al2m văn chương. Sơn Nam viết rất hồn nhiên và chân thực. Chính cái đó đã tạo cho Sơn Nam có chỗ ngồi riêng biệt trong trường văn trận bút. Đọc Sơn Nam để trở về quá khứ, gặp lại miền Nam, trong buổi đầu khai phá và lòng dạ con người còn trong trắng như thủy tinh, chưa bị bả lợi danh làm mờ đục.
Sơn Nam có nét mặt rất xấu trai , mắt lé, mũi to, răng hô, môi vều, với chiếc cằm nhọn hoắt; các cụ gọi mắt chuột kẹp !.
Tên thật Phan Minh Tài , sinh tại Rạch Giá ( Kiên Giang) . Nói cho đúng, tôi biết Sơn Nam từ trước, chứ không phải đến khi in sách tại nhà Việt Hương mới biết. Có một người bạn đưa Sơn Nam đến thăm tôi tại nhà lâu rồi. Nhưng sau lần gặp gỡ đó, rồi thôi, cho tới bây giờ gặp lại Sơn Nam hình như không biết nói chuyện. Anh nói năng lừng khừng có vẻ miễn cưỡng. Hình như anh có họ hàng gì với bà Việt Hương, nên đến hoài, chứ không phải chuyện in sách. Ngày đó, tôi biết Sơn Nam cũng đi kháng chiến chống Pháp như chúng tôi; nhưng vài năm sau bỏ về Thành. Tôi không ngờ sau 30- 4 - 1975, Sơn Nam mới xuất đầu lộ diện thành tên CS nằm vùng . Trong đợt bắt các văn nghệ sĩ miền Nam, chính Sơn Nam và Vũ Hạnh, đã cung cấp danh sách và nơi ở cho Công an CS đến nhà bắt từng người đem đi cải tạo ( ...)
Nhà in Việt Hương cung là trạm giao liên của CS , chồng bà Việt Hương , một trung tá VC.
CS thật giỏi, dùng ngya một cơ sở ở trung tâm thành phố để hoạt động, mà cơ quan an ninh của mình không tìm ra. Nhưng phài thành thực thừa nhận, bà Việt Hương, người đàn bà rất gan dạ, đàm đang. Chồng, sĩ quan CS, nhà mình, trạm giao liên, mà bà cứ sống ung dung, coi như một nơi làm ăn lương thiện. Ở nhà in Việt Hương, cón có cô Ba, phụ trách về sắp chữ. Cô Ba người mỏng lét như con khô mực, nhưng tinh tinh tốt vô cùng. Tôi vôn khó tính khi sửa bài, nhiều trang cô Ba phải vỗ đi, vỗ lại tới 10 lần mới xong, thế mà lúc nào cô cũng tươi cười, không hề giận lẫy.
Cỏn nhà văn Ngọc Linh, to con như lực sĩ. Anh viết rất nhiều sách, toàn sácht ình cảm xã hội jiểu miền nam. Tuy vậy, anh không nổi tiếng được bao nhiêu, được cái tính tình rất hòa nhã, trái ngược hẳn với thân hình nở nang, đồ sộ của anh.
Sau khi rảnh tay về cuốn sách viết về cuộc đời Phạm Duy, tôi quay về chuyện vẽ cho khuây khỏa, đùa vui cùng màu sắc. Những tấm vẽ chân dung anh me, tôi đã vào màu, mỗi người một vẻ. Tôi vừa vẽ vừa nghĩ đến chuyện viết cuốn sách cho nhà Lá Bối. Mỗi đêm ,trước khi ngủ, tôi thường đọc sách, một phần để thưởng thức, phần khác dỗ giấc ngủ.
Bất ngờ đọc được cuốn Mèo đêm của Nguyễn Thị Thụy Vũ. Thi chưa hề biết mặt cũng như đọc văn, nhưng vô cung sửng sốt, khi đọc những câu văn thật sỗ sàng, thật bạo, do một nhà ăn nữ có thể viết ra. Qua cuốn Mèo đêm của Thụy Vũ, tôi nẩy ra ý định viết về Mười khuôn mặt văn nghệ trẻ *,
với chiều hướng sáng tác của họ.
------
* Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay, Nxb Lá bối 1972, Đinh Cường trình bày bìa. ( TP)
------
Tác phẩm này dành cho nhà Lá Bối in. Khởi hành từ suy nghĩ đó, tôi bắt đầu chọn lựa. Tôi nghĩ đến Trịnh Công Sơn, với những dòng nhạc phản chiến, nhưng hay và đang được giới trẻ hoan nghênh. Tôi nghĩ đến Túy Hồng, với Thở dài, Vết thương dậy thì, tôi nghĩ đến Dương Nghiễm Mậu với Đêm tóc rối v. v. ...
Trong số 10 khuôn mặt đã chọn lựa để viết, tội chi quen biết có 4 người, đó là Thế Uyên, Nguyễn Đình Toàn, Thế Phong và Bùi Giáng.
Người người nhiều tuổi nhất được viết: nhà văn Võ Hồng, vì tôi đã đọc cuốn Như cánh chim bay- nhận ra -- Võ Hồng có lối hành văn riêng, trẻ, tuy không còn trẻ, nhưng chưa già - và Võ Hồng- cũng đã trả giá cuộc đời mình qua nhiều thăng trầm theo lịch sử !
Tôi bắt đầu tìm hiểu mỗi tác giả qua văn tài và tác phẩm. Tôi đọc để nghiên cứu từng người, để so sánh mỗi hoàn cảnh, mỗi trường hợp và đánh giá họ qua suy luận, nhận xét riêng. Khi đã đi đến quyết định, tôi liên lạc với từng người. Ai ở ngay Sài Gòn, tôi liên lạc trực tiếp; còn ở xa, như Trịnh Công Sơn và Võ Hồng, qua thư từ.
Không 1 người nào từ chối ý định của tôi muốn viết về họ.
Trịnh Công Sơn ở Huế, tôi viết thư nói, khi nào anh có dịp vô Sài Gòn, nhớ báo tin cho biết để tôi tới thăm, vẽ chân dung và hỏi thêm vài điều cần thiết để tránh ngộ nhận, khi viết.
Còn Võ Hồng, ở Nha Trang, bận dạy học; nên chúng tôi chỉ trao đổi hoàn toàn qua thư từ. Đăc biệt, chữ Võ Hồng viết rất đẹp, thẳng thắn, đúng chữ của nhà giáo. Trong số 10 người, chỉ một mình Võ Hồng, tôi vẽ theo ảnh, còn 9 người kia, tôi vẽ trực tiếp.
Một buổi, tôi đến gặp Túy Hồng tại nhà, Thanh Nam đi vắng, tôi ngồi chơi, vừa nói chuyện, vừa vẽ chân dung- sau đó - Túy Hồng viết mấy dòng chữ, thủ bút, ký tên. Túy Hồng viết truyện dữ dằn như vậy, nhưng trước mặt tôi hôm ấy; Túy Hồng lại diụ hiền, giữ đúng vai trò người vợ hiền, mẹ tốt.
Từ ngày Thanh Nam làm bạn với Túy Hồng, dọn nhà lên Tân Định; tôi không có thì giờ tới thăm- nên cũng không hiểu rõ cả 2 người có tìm thấy hạnh phúc trong cuộc sống lứa đôi không ?
Sau khi đọc cuốn Tôi nhìn tôi trên vách , tôi ước mong đó chỉ là hư cấu, nếu sự thực như vậy, quả khôngc ó gì đáng hãnh diện để làm chồng Túy Hồng * .
Còn Nguyễn Thị Thụỵ Vũ, ," thứ phi "của nhà thơ Tô Thùy Yên , người đang là cộng tác viên của tôi, nên sự liên lạc để gặp Thụy Vũ không gặp khó khăn. Một sáng, Tô Thùy Yên ( tên thật Đinh Thành Tiên ) đưa Thụy Vũ lại văn phòng tôi làm việc, sau đó anh ra ngoài. Tôi nhìn nhà văn nữ này với sự sửng sốt, vì không ngờ người đàn bà đang ngồi đối diện với tôi, trông có vẻ chân phương, hơi quiê quê một chút, lại có ngòi bút sắc như vậy ! Tôi chắc Thụy Vũ phải có một cuộc sống nội tâm ghê gớm lắm, chịu khó tìm hiểu những ấn đề ngoài tầm tay của' con gái nhà lành'. Vừa nói chuyện, vừa vẽ, chừng nửa giờ, Thụy Vũ cáo từ, còn tôi, một chồng hồ sơ trên mặt bàn chưa kịp giải quyết.
Còn một nhà văn trẻ, tôi cũng chưa biết mặt, đó là Dương Nghiễm Mậu . Tôi đọc vài truyện ngắn của Mậu đăng trong Sáng Tạo, Văn v. v. ..., nhất là truyện Đêm tóc rối. Cái lối viết của Dương Nghiễm Mậu ( tên thật Phí Ích Nghiễm ) , nó khắc khoải ,làm người đọc như bị vướng mắc vào mắt lưới, nửa chán chường, nửa níu kéo, gây nỗi ray rứt trong tâm khảm. Tôi yêu lối viết đó lắm. Theo thời trang DNMậu cũng đề cập nhiều lần vấn đề tính dục trong văn chương, nhưng cái dục tính trong văn DNMậu khác xa với dục tính trong truyện của Thế Uyên . Ở Thế Uyên, nó bùng cháy và nổ dữ dội trên da thịt đàn bà, còn DNMậu, nó lún sâu và cháy âm ỉ trong mỗi phân vuông cọ xát giữa 2 phái.
Văn DNMậu sắc và nhọn, như dáng người anh vậy. Khi gặp tôi, DNMậu mới ngoài 20 tuổi. Cái tuổi của tôi bắt đầu đi kháng chiến. Trốn học Sĩ quan Thủ Đức, DNMậu đồng hóa cấp bậc binh nhì, làm việc trực thuộc Cục Tâm lý chiến, trên hình thức tổ chức theo sơ đồ - còn đích thực người Mỹ chi phối. DNMậu có nét mặt thật sắc sảo, có nụ cười hóm hỉnh, có đôi mắt sắc, hình như lúc nào cũng soi mói. Dáng người nhỏ nhắn, trông thư sinh, nhưng nhanh nhẹn . Tôi nói chuyện với DNMậu, như nói chuyện với người em còn nhỏ tuổi. Còn DNMậu nhìn thấy hình mình, qua nét bút của tôi. DNMậu sửng sốt :
" Sao anh có thể vẽ nhanh như vậy được ?"
Tôi cười, đùa :
" Nghề của chàng mà ! "
Sau 1 thời gian thu thập tài liệu, chỉ còn thiếu nhà thơ Bùi Giáng . Anh chàng thi sĩ này lạ lắm , có khi tới nhà tôi luôn , có khi lại tuyệt tích giang hồ. Nhưng tìm mãi cũng ra, có người nó cho biết, hiện Bùi Giáng đang trú ngụ tại Trường Đại học Vạn Hạnh.
Một chiều, tôi tới tìm và được dẫn tới một căn phòng ở trên lầu. Khi cửa phòng mở, tôi nhìn Bùi lGiáng cuộn mình trong tấm mền rách tơi tả, đang đọc sách. Thấy tôi đến, Bùi Giáng nhỏm dậy. Tôi nhìn khuôn mặt Bùi Giáng, tóc cắt ngắn, râu mọc lởm chởm, đôi mắt ngơ ngác như lạc thần.
Tôi nói với Bùi Giáng, đến,để vẽ chân dung anh. Búi Giáng xua tay, nói:
" Thân hình tôi xấu xí lắm, không xứng với nét vẽ của anh đâu ? Còn thơ của tôi đã tặng chuồn chuồn, châu chấu hết rồi, ông ơi ! "
Tôi biết, không thể kéo dài câu chuyện với Bùi Giáng, như với người khác, nên vẽ thật nhanh, rối nói qua chuyện khác. May quá, vừa vẽ xong, Bùi Giáng lại nằm vật xuống, chùm mền kín mít, miệng nói lảm nhảm như đọc kinh. Còn thủ bút và chữ ký, tôi dùng 2 câu thơ Bùi Giáng viết tặng tôi, khi anh đến chơi nhà lấn trước. Tôi để mặc Bùi Giáng nằm đó, lẳng lặng xuống thang, đi về.
Sau ít tháng được tha ( 1981) - một hôm- nhà tôi chợt nhớ, nói lại cho biết;vào 1976, anh Bùi Giáng có đến nhà thăm. Người thơ ăn mặc rách rưới, lôi thôi, hơn cả khi trước nữa. Khi biết tôi bị đi cải tạo, tự dưng mặt anh chùng xuống, và 2 dòng lệ từ từ lăn trên khuôn mặt hốc hác, làm luốc, với chòm râu rối bù. Mới anh vô nhà, anh không vô, cứ ngồi bệt ở bậc cửa ra vào. Báo hại, lũ trẻ con vô ý thức, cứ cười đùa, chế nhạo, làm ồn ào cả lối ngõ. Chừng nửa giờ sau, chẳng ai nói với ai câu nào, anh lại đeo chiếc bị rách lên vai, đi siêu vẹo ra khỏi lối ngõ, giữa tiếng ồn ào vang động vây quanh. Nhưng rồi, những năm sống khó khăn dưới chế độ CS, đã điên càng điên hơn, sau cùng Bùi Giáng đã vĩnh viễn đi vào cõi thiên thu, nhưng còn để lại cho đời những tư tưởng và những vần thơ bất hủ! ( thực ra Bủi Giáng qua đời vào đầu tháng 10. 1997 ).
Còn trường hợp Nhật Tiến , cũng như trường hợp Dương Nghiễm Mậu - đồng hoá với cấp bậc binh nhì phục vụ ở Cục Chính huấn, thuộc Tổng cục chiến tranh chính trị. Tôi yêu Nhật Tiến, qua tác phẩm Thềm hoang, tác phẩm được Giải thưởng văn học Toàn quốc 1962. Cho tới hôm nay, tôi vẫn nhỉn Nhật Tiến , qua tác phẩm đó thôi.
Sau mấy tháng làm vệc tích cực, cuốn sách đã viết xong. Tôi đưa bản thảo cho thầy Từ Mẫn đọc, nhưng ông rất tế nhị, nói:
" Anh viết, tôi khỏi cần đọc, để tôi thu xếp với bà Việt Hương in cuốn sách của anh càng sớm càng tốt ".
Chỉ ít tuần sau, thầy Từ Mẫn cho biết, tôi đến nhà in để sửa bản thảo, thầy chỉ sửa cho tác giả nào ở xa thôi. Thề là chiều chiều, lúc đi làm về, tôi lại ghé nhà in, ngồi cắm cúi trên những trang giấy vỗ chưa khô mực. Có những chiều tôi phải ngồi đến 8 giờ tới mới trở về nhà.
Cuốn sáh được in tới 10.000 bản, do vậy, số tiền bản quyền củ tôi được hưởng theo bách phân khá, cao: 320 Vnđ. ( tương đường 32 lượng vàng * )
Đó là cuốn sách cao giá nhất. Thầy Từ Mẫn không trả tiền một lúc, mà trả làm nhiều lần - khi 20,000 Vnđ, khi 50,000 Vnđ, cũng chỉ vài tháng là xong. Đăc biệt, mỗi lần đến nhà trà tiền, thầy Từ Mẫn không cần giấy tờ gì cả, chỉ dặn miệng, dù tôi đi vắng cũng vậy - tiến giao cho vợ tôi, với câu :
" Thế là 150,000 Vnđ đó chị ! "
Thầy Từ Mẫn rất sòng phẳng về chuyện tiền, ngay cả bây giờ trên đất Mỹ. Thầy Từ Mẫn chủ trương nha xuất bản Văn nghệ, thầy đã bỏ đạo vào đời , với tên thật : Võ Thắng Tiết. sau khi CS chiếm miền Nam, thầy cũng bị giam mấy năm , vượt biên vài 1979. Không biết thầy Từ Mẫn có nhớ câu, tôi đã nói với thầy năm nào, khi tôi đến thăm nhà sách Lá Bối, Ở Chung cư Minh Mạng :
" Nếu chẳng may, một ngày nào miền Nam mất vào tay CS, chắc chắn sẽ không còn Nhà xb Lá Bối nữa ! "
Lúc đó, thầy chỉ cười, cò vẻ không tin như vậy !
(...) *
-----
* xin lỗi tác giả, Biên tập tạm lược bỏ 156 dòng.( TP)
------
Vào tháng 5 năm 1974 , tôi được giải ngũ, theo quy chết đúng 52 tuổi [ tuy] vẫn còn khỏe mạnh. vấn đề giải ngũ đối với tôi là việc may, vì ở quân ngũ cũng đã khá lâu - tôi muốn có thời gian để phụng sự nghệ thuật. Tôi có thể dành hết thời giờ cho công việc sáng tác hội họa, như vậy, Phòng triển lãm có thể thành tựu vào cuối 1975, cì không bị ràng buộc vào thì giờ, cũng như kỷ luật quân đội, nên tôi vẽ thật thoải mái, bỏ lại sau lưng những rắc rối của thời cuộc.
Tôi cũng dự tính, sau cuộc triển lãm này, sẽ không làm nghệ thuật nữa - dành số thời gian còn lại để hưởng thụ - vì nói đúng ra, cuộc đời tôi đã vất vả quá nhiều, cả lo âu, tính toán, cả việc công, tư, mất rất nhiều lạc thú !.*
Nhưng ' mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên ' - ngày 30- 4- 1975, ( ...) ngày chấm dứt dự tính của tôi, làm đổ vỡ tan hoang niềm mơ ước. (...)
Sau ngày CS chiếm xong Sài Gòn, tôi có lại thăm Lê Ngộ Châu tại tòa soạn Bách khoa, để nhận số báo cuối cùng có đăng bài tôi viết phê bình về cuộc Triển lãm Hội họa hiện đại của Pháp tại Thư viện Quốc gia ở đường Gia Long. Số báo này coi như ối đọng, không thể phát hành. Chúng tôi nhắc tới những người may mắn thoát lưới, những người không may kẹt lại, cùng những bạn chẳng may bỏ mạng trên con đường tỵ nạn !
Chúng tôi chẳng biết làm gì hơn là cứ sống và đợi chờ bất cứ cái gì sẽ xảy đến, rủi nhiều, may ít.
Tôi có gặp nhà thơ Phạm Thiên Thư tại dây. Anh to như con trâu mộng và ước mơ được làm người soát vé trên các chuyền tàu xuyện việt. Nhưng mơ ước chỉ là mơ ước, CS không bao giờ cần đến những con người như anh, dù có thiện chí đến đâu chăng nữa. ( ...., tạm bỏ 25 chữ ) .
Trước ngày đi cải tạo, Văn Thanh có làm bữa cơm mới tôi, Phạm Trọng Nhân và Lê Ngộ Châu , gọi là để tiễn chân. Bữa cơm chiều hôm đó, chúng tôi uống rượu nhiều, chẳng ai thiết đến ăn.
Đền hôm nay, chỉ còn một mình Văn Thanh đã đi vào cõi thiên thu, cách đây mấy tháng, vị bịnh tim. Lê Ngộ Châu vẫn ở lại Việtnam, Phạm Trọng Nhân sau 10 năm cải tạo, hiện ở Pháp. Còn tôi, trên đất Mỹ, sống dài dài, với ngày tháng lưu vong biền biệt ! []
( còn tiếp:
chương năm : những khuôn mặt văn nghệ trong thành phố HCM .
tạ tỵ
( Thằng Mõ xb, San José / USA - tr. 277 - 293 )
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét