Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012
năm chương tự ngôn - triều đẩu - 3
năm chương tự ngôn 3
triều đẩu
nhật nguyệt giao huy
3
Đây là một cách [ lấy ] số tử vi: mặt trời và mặt trăng đối nhau , chiếu sáng, mâu thuẫn nhau vô cùng và làm xáo trộn không ngừng tất cả; khiến cho con người khó tìm được thế quân bình
.
Người có số cách nhật nguyệt giao huy thường có khuynh hướng làm chánh trị. Tâm và trí luôn luôn giao động, khôn lường. Tôi đã dùng 4 chữ này để chỉ một giai đoạn ly loạn, trong đó chập chững, tôi đã bước vào nghề viết. Đóa hoa văn nghệ cố vun trồng giữa thời bom đạn đất nước long lở và người người tang thương. Âu cũng là một thứ trớ trêu của định mệnh, đánh cờ chấp xe.
Mà những khách bàng quan thường thường sáng nước, thì lại mải mê vì chính trị, mấy ai đã suy tưởng cùng hành động cho hoa, vì hoa và bởi hoa !
Tháng 9 năm 1939, nướic Pháp tuyên chiến với Đức, thì ở Việtnam tinh trạng chiến tranh cũng được ban bố. Tôi thấy dễ chịu thoải mái, bởi vì viên Phó Sứ -- mà tôi rất ghét và y cũng chẳng ưa tôi -- đã bị động viên. Buổi tới, tôi và vợ tôi dắt tay nhau đi chơi trên những đường phố vắng, dưới những ngọn dèn điện lắp bóng xanh tối mù, vì tình trạng chiến tranh. Cũng có khi ít ánh sáng qua cái mỏ nhọn đen sì chĩa thẳng xuống đất âm thầm, lặng lẽ, ghê rợn.
Cả một thành phố tưng bừng hôm qua, giờ đây đã lâm vào cảnh thiếu ánh sáng, ít hoạt động, không tương lai. Thế rồi, nước Pháp thua trận. Quân đỗi Nhật Bản tiến vào Đông Dương,. Những bộ binh phục mấu đất, những xe hơi màu đất, những cái mũ dạ
[ trên đầu ] cũng mầu đất , những thanh gươm dài bên hông, những sĩ quan, những kiếm ngắn của lính Nhật, tất cả làm giảm uy tín của người Pháp. Tôi bất giác nghĩ tới lẽ hưng vong củ sự vật.
Cái gì tưởng là vững chắc như nền đô hộ Pháp và vĩnh viễn như chế độ công chức của tôi, bỗng nhiên đã đổi ra thế chập chờn bất định. Viên phó sứ kia đã bị gọi tòng ngũ tại một nơi xa [ nào đó] !
Tôi như thoát được một ám ảnh sống hằng 8 giờ trong một ngày đè trĩu nặng lên tôi. Tính đốt ngón tay, tôi đã làm việc của một công chức không gián đoạn, liên tục trong 14 năm trời.
Từ ngày đăng mấy truyện ngắn trên Tiểu Thuyết Thứ Bẩy đến giờ , là lúc tôi và nàng đã làm lễ cưới -- tôi không hề nghĩ tới việc làm văn nghệ nữa. Bận rộn về khuếch trương nghề buôn -- vợ tôi vốn có nghề bán tạp hoá -- chúng tôi đã là những người thực tế. Xung quanh tôi, người ta buôn bán lối chợ đen, có thể làm giầu trong khoảnh khắc. Trong khi ấy, văn nghệ của đất nước ta lại bị giảm tư thế !
Vì thiếu nguyên liệu, những tác phẩm văn chương phải in trên giấy bản [ giấy gió] , tuy có đẹp, vì lạ mắt; song đã không che giấu được nghịch cảnh và tình trạng suy tàn cả một nền văn học đương thời. Giữa lúc ấy, điều tai hại là tại đồng quê, trong những làng xóm, chủ nghĩa CS ... tuyên truyền, và gây hậu quả khốc liệt. Tất cả những thuần phong mỹ tục bị đảo lộn. tất cả nhưng giềng mối thiêng liêng trong gia đình bị cắt dứt. Lợi dụng tình thế loạn, những cán bộ ... đột nhập những lũy tre xanh, gây một cuộc tuyên truyền đại quy mô. Lại thêm những vụ áp bức trồng đay do nhà binh Nhật chủ trương, những vụ tranh giành thóc gạo giữa Chánh phủ Pháp và quân đôi Nhật. Người dân Việt bị điêu đứng, ê chề, bị ức hiếp, đánh đập, bị tuyệt thóc gạo đến chết đói. Chủ nghĩa đỏ đã ngàn năm một thuở, nắm được cơ hội để làm ly tán lòng dân Việtnam, gây hoang mang căm thù trong mọi từng lớp.
Chiên tranh vẫn kéo dài. Từ trên trời, những phi cơ chiến đấu và phóng phơ cơ bay lượn. Còi báo động kéo từng hồi não nùng. Thế rồi, những trái bom ghê gớm được thả xuống.
Những loạt súng liên thanh tia lửa và nhả đạn. Trong nháy mắt, những sản nghiệp bị đổ vỡ cháy ra tro. Biết bao nhiêu sinh linh vô tội bị tan thây. Tan nát va tang tóc trên đất Việtnam, từ thành thị đến thôn quê.
Cái chết đến không biết lúc nào, bởi vì cả ngày lẫn đêm, có thể những phi cơ vẫn bay lượn thả bom và nhả đạn. Giờ phút nơm nớp lo sợ, mọi dây thần kinh đã bị căng thẳng.
Cái ý niệm về sống chết đã luôn luôn ám ảnh những ai đã từng qua những ngày tháng năm kinh khủng đó.
Cho nên việc tôi xin tạm nghỉ công vụ năm 1943, có thể coi là điên rồ [ như năm] 1933 -- thời hoàng kim của nghề công chức -- đối với tôi , chỉ là lẽ phải thường [ thôi ]. Tôi đã xin nghỉ, phần vì, vợ tôi đã sẵn có cửa hàng buôn bán đủ sinh sống, phần vì tôi muốn được tự do , sau 15 năm bị thằng thúc. Vả lại, đến lúc ấy, nghề công chức đả ở vào ách, giữa Pháp và Nhật-- mất hẳn hào quang danh dự ngày xưa.
Được hoàn toàn tự do, tôi bèn để gia đình ở Nam Định với nhạc gia ( ông nhạc tôi là một tú tài Hán học) để một mình tôi lên Hànội, tìm đến ở nhà một anh bạn học giả là Đ.Đ.V. Anh này vôn là bạn học cũ Trường Bưởi, có một tủ sách đấy đủ , một nền học vấn uyên thâm và những liên hệ giao du với một số nhà văn đương thời.
Tôi được dịp đọc sách, ngoài phạm vi hành chính, được thảo luận về mọi vấn đề văn học nghệ thuật., được gặp một số văn thi sĩ giữa Thủ đô. Tôi đã sống xa hẳn những buồng giấy đầy hồ sơ bụi bậm. Tôi đã đọc những áng văn chương kỳ thú, không mảy may có liên quan gì đến những công văn. Bạn Đ.Đ.V. đưa tôi vào những thư viện, những rừng sách, hoặc đến
thưởng thức chè Tàu pha lối trà đạo tại nhà bạn Thập Lang.
Tại đó, tôi đã gặp và quen cụ Á-Nam Trần-Tuấn-Khải. Trong khi đi đường , Đ.Đ.V. đã chỉ cho tôi người đàn ông mảnh khảnh đi xe đạp vừa chào anh lướt qua :
- Đấy là thi sĩ Trần Huyền Trân -- lời Đ.Đ.V. -- Anh này có số đào hoa. Có một thiếu nữ yêu thơ, đã kiên nhẫn, thêu chỉ tơ vàng thành chữ những vần thơ của anh.
Tôi nghe , thất lòng vui sướng. Và tự nhủ:" phải lên Kinh Đô Văn Nghệ, mới biết được những cái đẹp ". Những ngày chủ nhật, Đ.Đ.V. đưa tôi vào một tiệm nước chanh quả, đặt ngay trong một cái vườn rộng bỏ không , ở phồ Huế. Nước chanh ở đấy đặc biệt ngon, giá lại rẻ. Chanh tươi pha vừa độ chua, ngọt trong cốc lớn.
Cà cục nước đá bọc trong cái bao bột được đập vụn, do cái chày nhỏ, rồi lấy ra đặt lên trên cốc đầy ú hụ để từ từ tan lạnh. Khách thưởng thức giữa làn không khí êm dịu và tĩnh mịch trong vườn cây lá rườm rà, có thể ngồi ngả nghiêng cả buổi, đọc báo, coi sách hay thảo luận văn chương. Cái gì tôi cũng thấy thích thú, bởi vì, đối với tôi, cái gì cũng mới lạ.
Có một hôm, muốn dành cho tôi sự bất ngờ -- Đ.Đ.V. đưa tôi xuống thăm một nữ sĩ có con mà độc thân. Đó là nữ sĩ Ngân Giang . Nàng có đôi mắt thanh tú và tất cả ở nàng đều quy tụ vào đôi mắt thanh tú kia. Nu cười duyên dáng của nàng cũng chỉ để tăng thêm vẻ linh động của đôi mắt.
Nhà ở Ngã Tư Sở, nữ sĩ sống một mình với đứa con trai chừng 14, 15 tuổi còn đang đi học. Chúng tôi đến, giữa lúc nữ sĩ đang ngồi suy tưởng, bên cạnh cái khung hình có lồng những bản thủ bút của nữ sĩ cùng một số thi sĩ, văn gia tên tuổi.
Trên bàn, thi phẩm Tiếng vọng sông Ngân của nữ sĩ vừa xuất bản, với cái bìa, do một đại hoa sĩ trình bầy, như phô diễn một tài hoa đương độ. Nữ sĩ tươi cười tiếp đón chúng tôi rồi [ mời ] dùng cơm một thể. Tôi ấp úng, muốn từ chồi -- thí Đ.Đ.V. đã tí toét nhận lời ngay. Bữa cơm lẽ dĩ nhiên có rượu.
Cao hứng, tôi đã uống say và ngâm vang những vần thơ của nữ sĩ Ngân Giang :
" Đẹp gì chăn gối trong khi cả
Dân tộc sôi lên chí quật cường
(....)
Hãy gác tình riêng mưu việc lớn
Để đong máu giặc dội biên cương .."
***
Một lần khác, Đ.Đ.V. đưa tới thăm một cô đỡ quen [ ở ] phố Quán Thánh cùng với thi sĩ Quách Tấn . Thi sĩ người nho nhã, , tính tình giản dị. Anh từ Bình Định ra bắc dự Hội nghị Văn nghệ Toàn quốc.
Tôi được anh đọc cho nghe bài thơ sau đây của một thi sĩ vô danh Trung Hoa đời nhà Minh. Đó là người đàn bà bầy tỏ nỗi sung sướng của mình, ví có chồng là một nghệ sĩ :
" Ái quân bút đề hữu quan hà
Tự bạt kim thoa ký tửu gia
Tu đáo nhân gian tài tử phụ
Mạc hiềm thanh xấu tự mai ba :.
dịch theo nghĩa đen :
" Tôi yêu cái gái bút của chàng như có mây khói
Tôi đã tháo cái kim thoa của tôi đem cầm tại tiệm bán rượu
Từng đã tu kiếp trước tôi mới được xuống trần gian
làm vợ người tài tử
Mà chẳng hiềm cốt cách mình xấu dẻ như hoa mai " .
Bài thơ này mười năm sau tôi có dịp đọc lại cho nữ sĩ Tương Phố nghe. Nữ sĩ l;ấy làm thích thú lắm. Và trong một tiệc rượu, cao hứng, nữ sĩ đã lấy bút dịch theo điệu và niêm luật thơ.
Song lúc ấy, nữ sĩ chưa được ưng ý bản dịch của mình, nên có hứa, sẽ gửi cho tôi và sẽ đem hết tinh thần để dịch cho thoát, bởi vì, theo nữ sĩ, đó la một bài thơ tuyệt tác chưa hề thấy ở đâu ?
Tôi ở Hànội một độ, nhằm lúc Đ.Đ.V. được mới diễn thuyết ở Hội Trí Tri phố hàng Quạt, do ông Nguyễn Văn Tố làm Hội trưởng. Xem chứng ông Tố kính phjục Đ.Đ.V. lắm, từ cách tiếp đón, nói chuyện, tới lới giới thiệu anh với các thính giả. Đó là điều tôi rất sung sướng và hãnh diện. Đột nhiên, Đ.Đ.V. , trước con mắt người tỉnh lẻ như tôi, đã trở nên một thần tượng. !
Ông Tố quả là người biết người biết mình. Bởi vì, bài diễn thuyết của Đ. Đ.V. hay quá và cũng như mọi lần, đã chính phục được giới trí thức của Kinh thành. Ở nhà Trí Tri ra, Đ.Đ.V. , được ngay một số bạn bè thân chờ sẵn mời lên xe, đưa xuống xóm chị em đánh trống và nghe hát.
Rượu bọt Veuve Amyot và rượu sâm-banh Hét-Sét được mở nút lốp bốp đầy vẻ hân hoan và chiến thắng. Tôi cũng được dự và giữa mãi những kỷ niệm văn nghệ đó.
Suốt thời gian ở Hànội không khí tưoi đẹp của kinh dô văn nghệ cung hoàn cảnh thích hợp giữa những con người văn nghễ đã kích thích mãnh liệt tinh thần tôi.
Cho nên, khi từ giã Đ.Đ.V., để về Nam Định, tôi đã có quyết định sẽ thành một nhà văn và tôi hứa vói anh rằng tôi sẽ trở lại.
Nam Định, quê hương thứ hai , tôi vừa xa có mấy tháng mà tưởng chừng như lâu lắm. Nàng của tôi lúc ấy bận rộn vì hai đứa con, một gái lên 6 và một trai lên 2, lại mải trông nom cửa hàng buôn bán, cho nên đã không có thì giờ và không còn sự ham thích để thưởng thức văn chương nữa. Song vốn dòng nho gia, nàng đã giữ được nền nếp cũ, nuôi con, chiều chồng và tần tảo làm ăn để tôi được tự do theo đuổi chí hướng. Nàng bằng lòng với danh hiệu bà Tham trong cái thành phố nàng sinh trưởng và Xuân Diệu vớiThơ Thơ ngày nào đã hoàn toàn thuộc vào dĩ vãng. Cho nên, tôi đã rất thảnh thơi với ngày tháng, giữa thời tao loạn. Buổi sáng, có thể dậy trễ, ăn quà sáng ở nhà rồi mặc quần áo chỉnh tề ra ngoài phố dạo chơi.
Một hôm, tình cờ qua hiệu sách, tôi thấy bày bán cuốn Xóm giếng ngày xưa củaTô Hoài.
Tôi đăm đăm nhìn những dòng chữ tên sách và tên tác giả. Nó đã có năng lực hấp dẫn kỳ lạ đôi với tôi như là một sự phát lộ.
Tô Hoài, cái bút hiệu ngày nào đã cùng với tôi có truyện ngắn đăng trên Tiểu Thuyết Thứ Bẩy. Tuy không hề quen biết tác giả, tôi đã chú ý tới lối hành văn mới mẻ của anh.
Thế rồi, bỗng đi một độ và thời gian hằng trôi qua, một người xếp bút không viết gi nữa và một người đã siêng năng theo đuổi nghề, để bây giờ có tác phẩm bày bán giữa phố phường. Tôi liền mua một cuốn mang về.
Lần giỏ tưng trang A! Bao nhiêu dòng chữ in sin sít và rõ ràng là bấy nhiêu tình cảm được gửi gấm. Những bức thư dài triền miên gửi cho Phượng của Xóm giếng ngày xưa. Tôi bị lây bởi những cảm tình mặn nồng được gợi lên qua những câu văn gọn và chỉnh. Tôi tự nhủ rằng cái mà Tô Hoài đã thực hiện được, nhất định tôi cũng sẽ thực hiện. A! Xóm giếng ngày xưa. Tôi liền lấy bút cương quyết ghi dòng chữ , nét rất mạnh: sẽ hoàn thành cuốn Giao Thời, truyện dài, ký tên Đạt Phùng. ( Đạt là tên vợ trước của tôi đã quá cố) .
Giao Thời dầy trên 200 trang viết tay, khổ rộng-- kể chuyện một thanh niên ở vào thời buổi giao thời giữa cũ và mới, cũ , theo những tập quán và lề lối do Khổng Mạnh chi phối, mới nhằm lúc làn sóng văn minh tây phương tràn lan vào Việtnam.
Vai chính trong truyện là một công chức quá theo văn minh vật chất, đã cư xử thất đức với người vợ hiền hậu và thụ động. Anh chàng liền gặp một cô gai mới hư hỏng, để rồi, cả hai đi đến tan vỡ. Đại ý cốt chuyện, là đề phóng sự cám dỗ của nền văn minh Tây phương quá thiên về vật chất và tôn trọng những nếp sống cũ của đạo lý cổ truyền.
Truyện được viết đi viết lại nhiều lần. Đoạn kết, tôi đã viết tại nhà Đ.Đ.V. đã gây cho tôi sự tin tưởng chắc chắn. Anh là môt người biết rành rẽ và thẳng thắn, không thiên vị, ngay cả đối với bạn chí thân [ đi nữa ! ] Và tôi đã thấy lòng tràn ngập vui sướng và cho rằng mình đã thành công ngay từ bản thảo. Tôi thầm cảm ơn Đ.Đ.V. đã từng gây cho tôi hoàn cảnh văn nghệ, lại khích lệ tôi trong việc sáng tác. Với căn bản học vấn sâu rộng của anh, với sự tận tâm bằng hữu của anh, tôi đã coi anh, vừa như là bạn vừa như là thầy. Sau đấy, càng đi sâu vào nghề văn, tôi lại càng luôn luôn nhớ tới anh, người đầu tiên đã dìu dắt tôi trong buổi sơ khai, khi còn bỡ ngỡ và chưa đủ đức tự tin.
Tôi đã viết Giao Thời giữa những cuộc tránh bom và những vụ chôn người chết đói năm Ất Dậu ( 1945). Cho nên, nó đã chịu số phận của ly loạn.
Bản thảo đã bị thất lạc vào cuối năm 1949. Bởi vì loạn tới Thái Bình, gia đình tôi đã phải về Hànội và bắt buộc để lại tất cả những thứ gì có thể khả nghi ở dọc đường. Cuốn sách viết tay, dầy cộp, rât có thể gây nghi kỵ và trở ngại.
Tôi rất tiếc, vì đó là công trình tận tụy của mấy năm ròng, với bao nhiêu kỷ niệm vui buồn. Biết làm sao được ? ! Nếu nghĩ rằng chúng ta đả sống trong hoàn cảnh loạn lạc và tất cả cái gì bám vào mình đều phải trút lại, nếu cần !
Viết lại truyện? Được lắm, song còn những nụ cười sự đắc ý ở những trang đắc ý, những tiếng thở dài qua một đoạn văn nào, cả một chương trình được dựng nên giữa mấy bạn tri kỷ ! Làm sao mà ghi hết, mà giữ lại được mà viết nên cho toàn vẹn ?
Có những cái mất mát không thể chuộc lại được. Có những cái chết, một chết đi là chết một nghìn lần. Cuốn bản thảo Giao Thời của tôi đã ở trong trường hợp tang tóc và sầu hận như vậy .
***
19 tháng 12 năm 1946.
Cuộc chiến tranh toàn quốc đã đột ngột xảy ra. Dân chúng cá thành phố đã lũ lượt tản cư về đồng quê, về hậu phương, bỏ lại cả sản nghiệp không thể mang sách được. Tôi cùng vợ con và nhạc gia chạy về Thái Bình trong khi thầy mẹ tôi lai ở quê nhà tại Bắc Ninh. Thế rồi ròng rã 4 năm, một cuôc sống mới, dưới danh nghĩa tản cư, đã được thể hiện một cách gượng gạo nơi làng xóm nhà tranh, vách đất. Thời gian đã trôi qua và mất đi một cách phí phạm.
Với tôi, đó là bốn năm rỗng tuếch, không xây dựng được gì, 4 năm đó đã cộng vào số tuổi của ta một cách tai hại; bởi vì, chỉ làm cho mình thêm già đi vô ích ! Riêng còn lại một số ấn tượng phảng phất về những cánh đồng ruộng dưới bầu trời, khi ảm đạm, khi trong sáng và những buổi họp chợ rêu mốc ồn ào như những điểm hoạt động duy nhất của những người tan cư.
Những kỷ niệm đã chẳng có nhiều lại rất buồn nản, bởi vì, những vụ hút chết vi máy bay thả bom và xả súng , cộng thêm những vụ khám xét và khủng bố cùa chánh quyền Đỏ.
Dân tản cư, dầu sao cũng đã trực tiếp va chạm cùng chế độ, nên đã mặc nhiên thấu hiểu những con người CS. bảo họ là (...) cũng chẳng ngoa chú nào ! Chạy về được Hànội cuối 1949 và hồi cư được yên lành, chúng tôi cho rằng: tất nhiên phải có sự ủng hộ của Đấng Thần Linh và Định Mệnh hằng bí mật giúp đỡ gia đình chúng tôi được tai qua nạn khỏi
.
Về Hànội, chân ướt chân ráo, chưa kịp thiết lập cơ sở riêng tây,. tôi đã được mấy bạn cũ vẫn ở lại Hànội, hoặc hồi cư từ mấy năm trước, mới làm báo.
Đó là tờ Thế Kỷ, bán nguyệt san văn hóa xã hội, có giấy phép vừa mơi ký và do 5 cổ phần sáng lập, trong đo có một đã dành cho tôi.
Lần đầu tiên chính thức nhập nghề văn và công khai chủ trương tờ báo -- tôi đã không khỏi hoang mang, bối rối. Song, chúng tôi, những 5 người phải là một lực lượng.
Hoàn cảnh văn nghệ tiêu điều của Hànội lúc ấy đã thúc giục chúng tôi phải bắt tay ngay vào việc. Dưới đây xin lần lượt giới thiệu 5 người sáng lập.
Bùi Xuân Uyên, chủ nhiệm, có bằng Tú tài toàn phần. Ngoài đời, anh là một giáo sư tư thục, khổ người thấp chầm chập, tuổi chừng 30, khuôn mặt vuông, một sẹo to tướng án ngữ trên nền trán phẳng, cằm đưa nhô ra. Anh giữ mục xã thuyết. Triết lý của anh đượm mầu thần quyền.
Có nhiều khi anh làm thơ, Thơ anh lại nặng về luận lý, cho nên, rất khó ngâm được ! Kỳ báo nào anh cũng có một câu truyện ngoài bìa, đầy giọng hoạt kê, châm biếm.
Tính anh vui cười, bởi vì anh hằng đặt nhiều tin tưởng vào tờ báo. Mấy năm sau, tờ Thế Kỷ cạn vốn., thiếu sinh lực mà vẫn cứ sống được - do lòng tin tưởng không bờ bến của Bùi Xuân Uyên, chủ nhiệm.
Uyên cũng co như ai : một gia đình. Gia đình anh ở vào thế hệ giao thời, cho nên hai cụ thân sinh thuộc phái cũ, đã không bao giờ hiểu anh. Lẽ dĩ nhiên, hai cụ không ưa lối sống văn nghệ sĩ và không có thiện cảm vối tờ Thế Kỷ .
Sống giữa thời đại nguyên tử, mà hai cụ còn tẩy chay điện lực. Bức sốt, các cụ chỉ dúng quạt tay và chẳng lẽ xung quanh người ta dùng diện, hai cụ lại dùng đèn dầu. Ánh sáng lù mù qua bóng điện 25 nến đầy bụi, đã không đủ chiếu sáng căn nhà lủng củng những sập gụ, tủ chè, bộ bàn ghế mặt đá. Muốn hưởng nền văn minh điện khí, Uyên phải vụng trộm quạt điện, lò ấm điện lên một góc lầu trên và sống bên cạnh một vợ và đàn con riêng biệt. Chị Uyên là một phụ nữ tân tiến, có Tây học, cho nên đã là một bạn tri kỷ của chồng.
Vốn là người Công giáo, mà từ ngày gặp anh, có lẽ tình yêu đã thuyết phục chị....nên chị đã thay đổi tín ngưỡng.
Hơn nữa, những thì giờ rảnh việc cơm nước và trông nom con, chị còn viết văn. Chị thường viết những truyện ngắn.
Tư tưởng hồn nhiên và lời văn trong sáng, những sáng tác này đã từng đăng trên tờ
Thế Kỷ, dưới bút hiệu Ái Nhã hay Xuân Nhã.
Cây viết cột trụ thứ 2 là Viên Phong. Là công chức cao cấp ngành hành chính. Viên Phong có một học lực căn bản vững. Có bằng cử nhân Luật khoa, Viên Phong còn giữ được một tỷ số thiên lương đáng kể.
Song là một công chức cẩn thận, lại luôn luôn cần phải giữ gìn sức khỏe, anh đã chỉ khai thác cái vốn học ở nhà trường vá ít còn thời giờ đọc sách thêm. Những sáng tác cuả anh, vì thế, so với mấy anh em trong nhóm đã có ít hơn.
Được một điều là anh rất thận trọng, khi viết và ở mỗi bài, anh đã rất chú trọng về nội dung cũng như về hình thức. Anh giữ mục nghị luận về văn nghệ và trình bày những vấn đề dân sinh. Lới văn anh đĩnh đạc, cũng như tính tình anh [ phù hợp ] với khuôn mặt trí thức.
Viên Phong có khuynh hướng về thơ và đã nhiều lần làm thơ. Thơ của anh cũng rung động những tình cảm. Song ở anh, tình cảm chỉ đơn thuần mà không phức tạp. Và lời thơ lọai thật thà như thơ của phần đông phụ nữ, thiếu hẳn nét tế nhị, bóng bẩy tài tình của một kỹ thuật nghề
.
Người cộng tác thứ ba là Đ. Đ.V. Có bằng tú tài tóan và triết học toàn phần, và phần luật khoa cử nhân, Đ.Đ.V. đã tự tạo được một học lực dồi dào, sâu rộng vô chừng. Để đi tới kêt quả đó, vô tình, anh đã hy sinh đôi mắt của anh. Nghĩa là anh bị cận thị rất nặng, phải đeo kính dầy tớin 8 đi-ốp tờ-ri. Con người suốt đời trông gần sát mắt đó, lại có một tâm hồn xa xăm, một trái tim tia những rung động tình cảm ra muôn phương. Và trên tất cả, cái cười nhạo báng in hình trên hai làn môi kéo nhếch thường trực trên 2 mép.
Cái học vấn nặng đồng cân đã đưa cây viết của anh vào lãnh vực nghị luận và khảo cúu. Những bài anh viết đã được đăng rải rác trên cac báo, và sau cùng trên tờ Thế Kỷ mà chưa hề xuất bản thành sách.
.
[..... ]
Còn người thứ 5 và cũng là con người chót của Thế Kỷ là Triều Đẩu. Ngoài đời, anh là một Tham sự ngạch hành chánh có bằng Trung Học Đệ Nhất cấp khóa 27 ( tên cũ: Cao đẳng Tiểu học Pháp Việt).
Giữ mục truyện ngắn, truyện dài và phê bình văn học; anh không làm thơ bao giờ [ ...] Những xúc động mà anh không diễn tả bằng văn vần, anh gửi cả vào những dòng văn xuôi.
[ ...]
Song, điều đặc biệt là có lúc tình thương ổ anh đột nhiên đã mờ hẳn đi, để nhường chỗ cho những tư tưởng tàn nhẫn châm trích và đồng thờ ithanh âm và hương sắc cũng vụt biến đi, để cho vẩn lên những chất gớm ghiếc ...
[....]
Song, trong rất nhiều trường hợp, cụ thể và trừu tượng đã trà trộn với nhau, tự mâu thuẫn hay tự bổ sung một cách tài tình, thú vị, để tạo nên một sắc thái riệng biệt -- khiến cho văn Triều Đẩu như mang một nhãn hiệu trình tòa . []
triều đẩu
( 1909- 198? )
-------
* [....] chữ của biên tập,- và xin phép tác giả tạm lược bỏ một số chữ, đoạn.
-------
( Đại Nam văn hiến xb, Saigon 1959- tr.47 66)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét