Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

nhớ nơi kỳ ngộ / lãng nhân - 8



            nhớ nơi kỳ ngộ *: nguyễn triệu luật , vũ trọng phụng 
            vũ ngọc phan ,  dương tấn tươi,  đàm quang thiện 
                                                          bài viết :  lãng nhân

-----
*  tạm lược bỏ  :  báo Nhật tân  17 dòng.    (BT)  

                                     1.-NGUYỄN TRIỆU LUẬT

    Là dòng dõi  tiến sĩ Nguyễn Tư Giản làm quan từ Thiệu Trị  đến Đồng Khánh, nên nhà có nhiều tài liệu lịch sử, nhất là về hồi chúa Trịnh Sâm   giúp anh miêu tả tỉ mỉ trong những cuốn Bà  chúa Chè, Chúa Trịnh Khải, rất hấp dẫn, có cuốn trích đăng trong [ báo] Nhật  Tân .

   Tính người chất phác, chịu khó cần cù học hỏi, nhưng xử thế có phần ngây thơ, nên đương học ở Cao đẳng Su phạm, anh bị đuổi ngang, vì nghe như có dính líu với Quốc dân đảng.   Có những nhận xét tinh vi, những châm biếm sâu sắc .

    Trong truyện Kiều, sau hồi Từ Hải, Kim Trọng hỏi thăm tin nàng ở viên lại gìà  và ở Thúc Sinh ,  anh
 [ Nguyễn trọng ] Luật có bài Mồm cụ Lại với mép làng chơi, so sánh lời khai  của họ Đô tỉ mỉ rành mạch đúng như khẩu cung, còn họ Thúc không khỏi  có vẻ tự đắc vênh mặt mỉm cười :

                                           Gặp nàng khi ở châu Thai
                                          Lạ gì' quốc sắc thiên tài' phải duyên ! 

   Ra cái điều cũng thiên tài như ta vậy !

   Tài châm biếm của anh còn đặc sắc trong khi nhại thơ Hoàng cao Khải có bài Thành Cổ Loa :

                                    Thành ốc mây mờ cỏ lẫn rêu 
                                    Biển tê trăng lặn, nước dâng triều 
                                    Hòa, thân, trót đã lầm đôi chữ
                                    Ân, oán, xui nên đủ mọi điều
                                    Quy trảo dẫu rằng cơ Tạo đổi 
                                    Nga mao như có nợ tình đeo 
                                    Hưng vong, biết chửa người thiên cổ 
                                    Thành tín bao nhiêu, dối bấy nhiêu !

                                                         HOÀNG CAO KHẢI

   Anh nhai lại :

                                   Thái ấp, mây mờ cỏ lẫn rêu 
                                   Pháp Nam, trung tín cả hai triều 
                                   Hòa, thân, trót đã lầm đôi chữ
                                  Ân oán, xui nên đủ mọi điều 
                                   Nước Việt dẫu rằng cơ Tạo đổi
                                   Làng Bông như có nợ tình đeo 
                                   Hưng, vong, biết chửa anh Tường Thuyết ? 
                                   Hục hặc bao nhiêu, chết bấy nhiêu !

                                                       NGUYỄN TRIỆU LUẬT

    Sau khi [ báo ] Nhật Tân  sập tiệm vì hết tiền , lại gặp lúc rối ren Tàu ,Nhật; anh ra giúp một tờ báo thân Nhật ở Hải phòng, rồi có lẽ vì ngây thơ chính trị mà anh bị hại, không rõ trong trường hợp nào ..
.

                                                    2.- VŨ TRỌNG PHỤNG

  Thân phụ mất sớm , anh sống với bà mẹ  ở gác trong, rất đơn sơ của căn nhà số 56 phố hàng Bạc, Hànội.  Gác ngoài có Đào trần Nghiệp *  tức Ký Con  làm công nhân  nhà Godard, trong khi [ Vũ trọng] Phụng  giúp việc nhà sách Taupin, cùng  trong cảnh nghèo.  Rồi Phụng bỏ Taupin, vì thích nghề báo chí hơn. Anh chịu khó đi theo các đàn anh như Tạ đình Bính, Phùng bảo Thạch , Nguyễn  triệu Luật, để thu thập kinh nghiệm  hầu bù đắp cho cái vốn học hạn hẹp vì thiếu phương tiện.   Những kinh nghiệm này được nhiều đặc tài khai thác: nhận xét tinh tế và nhanh chóng , gom vào trí nhớ như vào máy ảnh, khiến anh gặp cá nhân nào ở giai cấp nào, chỉ thoáng qua là nhớ từng lời ăn tiếng nói, từng đường đi, nước bước, từng ý nghĩ, từng ý muốn, anh ghi lại không sai một mảy may .
---- 
*   đúng,  phải là  ĐOÀN  trần Nghiệp .  (BT) 

    Anh  chỉ về làng vài hôm  là có ngay  Nghị Hách, ra ngồi quanh  máy nước là vạch chuyện Cơm thầy cơm cô, đến hóng chuyện mấy tay cờ bạc  là nêu ra Cạm bẫy người, với mấy me tây hưu trí là biết mánh khóe Kỹ nghệ lấy Tây, chỉ gặp  gỡ mấy tay anh chị trong xóm là có ngay Xuân tóc đỏ chào đời.

   Bấy nhiêu  tác phẩm đã làm độc giả tưởng anh là người trác táng, lăn lộn trong đời sống đồi trụy, len lỏi, nay Bạch Mai, mai  Đáp Cầu... kỳ thực không mấy khi anh xa   [ phố ]  hàng Bạc .

     Nhà nghèo, sức yếu, viết lách nhiều, không khỏi tổn thương đến nguyên khí, anh lìa trần năm 1940, hưởng thọ 27 tuổi.

                                                  3.- VŨ NGỌC PHAN 

     Người nhỏ nhắn , ăn nói điềm đạm, đi đứng nhẹ nhàng, ít khi thấy anh to tiếng  hay vùng vằng, dù bất đồng ý kiến với ai.  Anh giúp tạp chí Pháp Nam của ông Babut , giữ mấy trang  tiếng việt dành cho thi ca và tiểu thuyết dịch như Anna Karénine.  Thỉnh thoảng có bài cho [ báo] Nhật tân, thường là phê bình văn học.  Chúng tôi hay gọi đúa là ngự sử văn đàn.  Anh sống gần như ẩn dật ở ấp Thái Hà, bên người bạn đường là nữ sĩ Hằng Phương.   Sau 1954, tôi được đọc Chuyện cổ nước Nam không thấy có giọng điệu thiên tả.


                                              4.-DƯƠNG TẤN TƯƠI 

    Sinh viên miền Nam , học năm thứ 4 trường  Thuốc, đôi khi có bài về những sự đòi hỏi kỳ quặc trong thú tìm tòi và nâng niu sách quý.  Anh lại ưa nói chuyện ma quỷ.  Khi chúng tôi chạy vô Nam thì anh đã là một bác sĩ nổi tiếng về bệnh tâm trí. Tính ít nói, khi mạn đàm về những nhân vật tiếng tăm hay tai tiếng Nam và Bắc, anh có những tia mắt tinh nghịch chiếu ra, anh em hưởng ứng vô cùng thích thú.


                                              5 .- ĐÁM QUANG THIỆN 

    Đến  gặp tôi lần đầu ở [ báo] Nhật tân, lúc ở năm thứ 2 trường Thuốc.  Trắng trẻo, tóc lại hơi hung hung như lai tây,  cũng niềm nở, mỗi tháng đôi kỳ giúp bài về những thường thức trong y khoa.

    Sau khi anh chuyên về bệnh tâm tri , học giáo sư  Blondel.   Vị này có đặc điểm  là giảng bài ở lớp không tường tận bằng ở một tiệm phố hàng Buồm cho mấy sinh viên mà ông chú ý nhất, trong số đó có họ Đàm.  Theo học mấy năm liền như thế , trò cũng ghiền  * theo thày.  Đến năm thứ 4, Thiện bỏ ngang để dấn mình vào cuộc đấu tranh chính trị .  Anh cùng Phan huy Đán hoạt động ở khu Ngũ Xá Hồ Tây, chiều chiều diễn thuyết đả kích Việt Minh, khi hùng hồn, khi dí dỏm, được bà con dự thính đông đảo ...  Xong ở Ngũ Xá lại về năm tiệm [ hút  ] ; vậy  mà không bị công an VM bắt, vì được đông đảo anh em bảo vệ, trong đó có nhiều tự vệ thành  ...
------
*   nghiện thuốc phiện ( BT

    Trong thời gian 1939 - 1940, Thiện nảy ý kiến trắc nghiệm . vốn học của mình bằng cách sáng tác một vở kịch về tâm trí nhan đề Cánh đồng ma, rồi theo thời thượng bấy giờ, họp anh em diễn  tập đóng thành bản điện ảnh, trong đó anh vừa đạo diễn, vừa thủ vai chính.   Quay phim xong phải đem rửa tại Hong Kong, bên ta lúc ấy chưa làm được.   Ở nơi non cao biển rộng này, anh kết duyên với cô đào chính, chung vui tuần trăng mật vô cùng hào hứng.

    Khi trở về nước, vợ chồng sống phiêu lưu 3, 4 năm trời- khi anh viết báo, khi dạy học.  Anh có 1 trí nhớ phi thường.  Đọc [  chính  ] tà  cho học trò chẳng hạn , anh chẳng có sách vở gì trong tay, chỉ ứng khẩu đọc  1 bài dài, dấu phẩy, dấu chấm xướng lên rành mạch, khiến học sinh tâm phục trong kinh ngạc.

    Anh em có bận thử tài anh bên khay đèn : lập 1 bản kê khai các vật dụng quanh mình chừng 4 chục thứ lỉnh kỉnh :  tiêm, móc, xe, lọ, kéo, dao, báo, sách ... mỗi thứ mang 1 con số, tuần tự từ 1 đến 40, đưa bản đó cho Thiện, anh xem chầm chậm một lượt,  nhắm mắt một phút, khi mở ra tha hồ cho các bạn hỏi :
- Số 8  là gì ?
- Lọ dầu Nhị thiên [ đường ]
- Số 27 ?
- Cái chổi lông gà  ...
  Bốn mươi số, chẳng sai vật nào !

    Gia đình thấy Thiện nay đây mai đó  , tai tiếng đã nhiều, nên khuyên trở lại trường Thuốc, dùi mài ít lâu cho xong cái bằng bác sĩ, gây dựng lại cuộc đời lỡ dở.  Anh nghe lời tìm đến giáo sư Blondel.  Ông này trao  cho đủ sách vở để về ôn tập, và hẹn 15 ngày sau sẽ gặp lại để khảo hạch.   Đúng hẹn, trò hợp với thày để trả 3, 4 hôm liền, thày đi từ ngạc nhiên này đến khen ngợi khác, cuối cùng thày phấn khởi reo lên :
    - Gần 5 năm sách vở, anh chẳng quên 1 khoản nào.  thật là kỳ dị !  Tôi sẽ trình với giao sư Huard, cho anh trúng tuyển...
    Tuy vậy,  anh không đỗ hẳn, vì khi phải trình luận án, anh lại bỏ đi ... giang hồ !

    Khoảng 1952, anh cùng TCHYA vào Huế giúp  thủ hiến Phan văn Giáo, vốn quen thân với Đỗ VănTchyA *.  TCHYAThiện đóng vai sĩ quan tâm lý chiến, văn phòng đặt thường ở trên đò sông Hương!
---
* theo lối viết bản chính (BT)  .

    Sau đó, được tướng Nguyễn ngọc Lễ, trước là đại tá Vệ binh đoàn mà anh quen khi ở Huế, mời làm cố vấn cho ban Cảnh sát công an mà ông [ ta ] làm giám đốc.

   Bấy giờ   là lúc Pháp đã hết ảnh hưởng ở bên ta, nhiều người việt cũng như pháp có tiển của kẹt lại, đều tìm cách chuyển ngân sang Pháp, mà chuyển chính thức thì được ít một, bao giờ cho hết ?   Nên phong trào chuyển lậu nẩy sinh, nhiều trung gian kiếm ăn bằng manh mối chạy chọt.   Một nhân viên tổng nha dính líu, bị kết án cùng mấy nhân viên đồng lõa.   Vì mưu mô xếp đặt bên khay đèn, nên Thiện bị lây, mặc dầu anh đã nhiều lần khuyên không nên mạo hiểm.

   Nằm 2 năm trong [ khám] Chí Hòa, anh thừa thì  giờ nghiên cứu  truyện Kiều, viết nện cuốn Ý niệm bạc mệnh trong Đoạn trường tân thanh rất có giá trị.

    Nhân nhiều bạn đồng  cảnh ham bói toán để nuôi hy vọng giải thoát, anh bày ra cách bói toán mới : 3254 câu Kiều chia  thành  651 đoạn 5 câu 1, ghi số thứ tự vào 651 thẻ giấy bìa.  Người coi bói thầm thì khấn , 2 ngón tay kính cẩn xoa xoa  vào đầu nắm thẻ rồi rút phắt 1 cây ra trình thày.  Thày nhỏ nhẹ đoán, đều nghĩ cách đoán ra điềm hay để [ làm ]  yên lòng thân chủ .

    Sau  này, anh cười,  nói với tôi :
    - Mình tìm cách đùa chơi cho khuây khỏa, chứ bói toán gì.  Ấy thế mà có khí linh ra phết.  Một anh phạm tội cố sát, ngồi chờ sau ra tòa nghe tuyên án, thì ngày hôm trước thở dài thườn thượt, lo lắng sẽ bị cấm cố cả chục năm không chừng, đứng ngồi không yên, lập cập rút 1 thẻ.  Thày đọc :
               
                                            Cố  nhan đã dễ mấy khi bàn hoàn 
                                            Rồi đây bèo hợp mây tan
                                            Biết đâu hạc nội mây ngàn là đâu
                                            Sư rằng: Cũng chẳng bao lâu 
                                            Trong năm năm lại gặp nhau đó mà !

    Hôm sau , quả nhiên ông tòa phát cho cái án 5 năm ! Người ta  bảo , có câu :  có thiêng, có kiêng có lành, hoài nghi là 1 thuyết sai bét !

    Vốn tính xuề xòa, lại lười biếng.  Nhất là ghét những kẻ nịnh chủ, nịnh giàu; nên không ở lâu trong cơ sở hay hội đoàn nào.

    Năm 1979, tôi còn gặp anh mấy lần, tóc đã bạc phơ; nhưng vẫn  khỏe mạnh, vui cười, phong độ không đổi.

   Ở hải ngoại, được tin anh tạ thế vào thượng tuần tháng 3 năm 1981.  Thế là xong 1 đời tài hoa, một nhân phẩm đáng mến, một kiếp vận đau thương ..,. [] 

                                                                                                            ( còn tiếp )

      lãng nhân 


  ( trích  NHỚ NƠI KỲ NGỘ  /  LÃNG NHÂN-
     Ziên Hồng ( Zieleks) xuất bản, Texas USA , 1997 -  tr. 75 -  81 )
 

   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét