Thứ Ba, 6 tháng 12, 2011

THI CA & THI NHÂN : THẾ VIÊN / CAO THẾ DUNG viết.

Lời dẩn:

Cao Thế Dung ( 1933 -         ) tác giả " Văn học hiện đại / Thi ca & Thi Nhân"  ( Quần Chúng,  Saigon 1969) viết về 2  vị  :  - Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương ( khởi hành từ tiền chiến ) , tiếp , 20  vị - khởi hành từ năm 1950- 1960 : Bùi Giáng, Cung Trầm Tưởng, Hoài Khanh,  Hoàng Ngọc Liên, Huy Trâm, Hoàng Anh Tuấn, Khải Triều, Mai Trung Tĩnh, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Tạ Ký, Thế Phong, Thế Viên, Tô Thùy Yên, Trần Dạ Từ, Tường Linh, Trần Tuấn Kiệt, Tuệ Mai, Viên Linh , Vương Đức Lệ - và sau cùng, gồm 7 vị : ( khởi hành từ giai đoạn 1961- 1964) Bùi Khải  Nguyên, Chu Vương Miện, Du Tử Lê, Ninh Chữ, Nhã Ca, Luân Hoán , Phan Lạc Giang Đông. 
..... thoát thai từ   "  MƯỜI MỘT THI NHÂN VIỆT NAM TỰ DO /  CAO ĐAN HỒ / Đại Nam văn hiến xuất bản, Saigon 1963, in rô- nê- ô, viết  thêm,  sữa chữa, xuất bản  1969 .
....-sách dày 386 trang, kích cỡ 14x 20,5cm -  Giấy phép số 2890 /  TBTTCH/ BC3 / XB. In tại Nhà in  Xây Dựng, 9b / 15 đườngThánh Mẫu, Chí Hòa, Saigon, giá: 250 Vnđ.   
-....sách được  mua lại ở một tiệm sách cũ trên đường Võ Thị  Sáu, Q.3., tp HCM 
 ( tháng 3/ 1993)  - trang 3 , tôi thấy  soạn gỉa đề  tặng   : Kính dâng  Quê Hương, Song thân và Nhạc phụ " -   phía dưới trang,  chữ ký , lời tặng:   " Bản đặc biệt dành riêng Anh Chị NGUYÊN SA- Sàigòn 30.01.1970.- CTD ký , dấu khắc chữ :  ĐAN HỒ- CAO THẾ  DUNG.
-....xin phép  tác giả   hiện đinh cư tại Huê Kỳ,  thuận -  cho  phép tái đăng  trên THẰNG PHẢI GIO' S BLOG.  (   bài đăng không nhất thiết đúng thứ tự-   thí dụ  : Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương
 (  đầu  )  và  Phan Lạc Giang Đông ( sau chót ). 
-...mở đầu -  nói về  Thế Viên -   tôi  biết tin , sau khi  học tập cải tạo trở về,  ông qua đời tại   tp. HCM . ( đâu đó,  vào thập niên 80 / thế kỷ XX.. ).
[]

Đường Bá Bổn
tp. HCM,  Dec. 6 . 2011.

---------------------------

THI CA & THI NHÂN

                                                                 T H Ế  VI Ê N

Tên thực Hồ-thế-Viên
Sinh năm 1936 ở huế
Giáo sư trường Trung học Nguyễn đinh Chiểu Mỹ Tho.
Động viên khóa 14 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức và đã giải ngũ.
Đã cộng tác với các tạp chí: Cải Tạo, Đời Mới, Nguồn Sống Mới, Văn Nghệ Mới, Hiện Đại, Văn Học, Văn, Vấn Đề.

Đã xuất bản:
Người yêu tôi khóc ( 1959)
Đau thương ( 1960)
Nỗi buồn của anh ( 1961)
Khuôn mặt của chúng ta  ( 1965)

Đi kiếm một nhà thơ có bản sắc và chân giá trị trong thi ca hôm nay đã trở nên một công việc khó khăn và phức tạp.   Thực ra thì thi ca đang bị cuốn vào cơn khủng  hoảng trầm trọng của xã hội và con người, nên thi ca mất phong thể và xáo trộn trong thực chất, khủng hoảng từ ngôn ngữ đến chiều hướng.   Mấy năm gần đây, số thi nhân và thi phẩm xuất hiện vô  vàn;  nhưng khó kiếm cho ra những thi tài độc đáo để tiêu biểu cho trạng thái quê hương, con người và thời đại.   Chân giá trị bị lẫn lộn - Cảm quan nghệ thuật bị ném tung vào vùng sương mù.   Văn nghệ vẫn trong cơn tù túng.   Không lối thoát, không hướng đi.  Vả lại quê hương đã quá nhiều những biến động và lòng tin trong con người bị phai mờ đến tàn lụi ; thì văn nghệ trong đó có thi ca đã như một đứa bé tiên thiên bất túc, nên nó không đáp ứng được tiếng vang của con người, nó không đủ khả năng để tìm chỗ đứng khả kính của nó trong lòng người .... mà lòng người thì lúc nào cũng bén nhậy với tiếng  thơ cũng như bén nhậy với thanh âm của nhạc.   Thơ không thỏa mãn được giới yêu thơ, vì nó không tương cảm, tương ứng được với chính con ngơời... Thơ hôm nay phần lớn nghèo nàn là vì như thế ... Tuy nhiên, trong cái nghèo nàn ấy vẫn tìm đơợc những bông hoa quí.
  Thế- Viên là một trong số rất ít những bông hoa quí và thơm ngát trên thi đàn của hôm nay.

 Chúng tôi gặp thơ Thế  Viên từ" Người yêu tôi khóc" ( 1959)  thi phẩm đầu tay của ông - Người yêu tôi khóc dạo ấy đã có tiếng vang lớn và đã đủ tầm vóc để báo trước thi tài của ông càng ngày càng rạng rỡ.   Đây chỉ là một thi tập trữ tình và đúng với tên của nó : Nơớc mắt - si mê - oan trái và thơ mộng.   Nhưng nó không thuộc loại trữ tình thông thừơng.   Bởi vì qua thi tâp này, yêu trở thành sự thao thức, yêu như một liều thuốc an thần mầu nhiệm và nhà thơ này như muốn nêu lên một chứng tích với ái tình rằng  thi sĩ sinh ra là chỉ để làm loài khao khát, si mê.   Nhờ thế, thơ tình của Thế -Viên vừa thành khẩn, vừa có bản sắc và chất thơ lại trong như sương.
Trọn vẹn tập" Người yêu tôi khóc"  từng thể hiện một Thế-Viên thi nhân với những nét đài trang, phóng đạt.   Từ những băn khoăn rút trong  ưu tư vì cuộc sống-  cho đến những chuyện cũ, những hy vọng về xa và người yêu tôi khóc... Thế-Viên không những nắm vững được điệu thơ mà hồn thơ lại bềnh bồng trong cái tha thiết và thuần thục đáng yêu.   Đọc thơ tình  yêu của Thế-Viên, ta có thể cảm ngay được nỗi buồn nản mênh mang như đang ấp ủ trong hồn mình, cái dĩ vãng phong nhụy đang nấp trong trí mình,  dù đã tan loãng từ xa xăm... Và Thế-Viên đã nói hộ ta.   Thế-Viên đã rung cảm giùm ta và đưa ta cùng hướng về phía những chân trời mầu tím với  nhớ cùng thương.

Với " Người yêu Tôi khóc",  Thế-Viên trở thành nhà thơ của trữ tình và chan hòa nhựa sống của tuổi trẻ.
Thế-Viên với" Đau Thương"  thì thật khác  và khác xa.   Vẫn hồn thơ cũ, vẫn tài hoa xưa nhưng chất thơ không còn cái trữ tình phong nhụy nữa.   Ông đã rẽ qua một ngã đường quan trọng :  Ngã đường  một chiều bắt buộc của những ngừoi như Vũ-hoàng-Chương 20 năm về trước chót sinh lầm thế kỷ.   Có một điều khác hơn là Thế-Viên hôm nay tuy đau thương sâu đậm với một thế kỷ tan hoang và độc chiều mà ông vẫn không ruồng  rẫy nó, vẫn ôm lấy thân phận mình, không xô đẩy mà còn đam mê níu kéo lấy nó, ngợi ca nó, nâng niu một nó trước cuộc đời trần trụi và cố tìm cho nó một lý tưởng.

  " Đau Thương"  đã bộc lộ rõ rệt trên con người Thế-Viên và con người của chúng ta đang sa lầy vì những dằng co sâu xa giữa thực tai và ước mơ, giữa thiên nhiên và một số vùng trời lửa đỏ.   Những " Đau Thương"  cũng minh chứng rõ rệt, hồn thơ Thế-Viên đang đi lên để thúc giục con người sống cho hết khổ đau và ô nhục, để đi lên cùng với huy hoàng của nhân loại trước thời tan rã.   Dù vậy," Đau Thương"  và
' Nỗi buồn Của Anh"  - trước sau,  tình yêu vẫn là đề tài phong phú của nhà thơ.   Từ" Đàn thu"  đến
" Nghe nhạc" ," Đón em"... tình yêu ấy đã mất hút những bay bướm hoa nhụy và nhớ nhung bềnh bồng của tuổi hoa niên.   Cái tình yêu ấy vẫn thủy chung và trân trọng nhưng lại bị gắn chặt vào cái vô nghĩa của cuộc đời cùng với mòn hao trong tâm thể:

                                               Trần gian ngó xuống bất bình
                                    Vũng đen nhầy nhụa tưởng mình phạm nhân

hay một  nỗi khắc khoải vô bờ:

                                               Nếu tôi còn làm thơ
                                               Nỗi buồn hôm nay kể sao cho hết
                                               Những em bé sơ sinh những cụ già sắp chết
                                               Tiếng khóc đau  thương hình hài thấm mệt
                                               Dày vò bởi vóng muốt thời gian
                                               Những ngày tháng những năm
                                               Một thiên đàng cùng bao nhiêu địa ngục
                                               Mặt vỡ nát tìm bông hoa hạnh phúc
                                               Chúng ta lạnh buốt đôi chân
                                              Tự do tình yêu - những chữ sát nhân
                                              Dìm nhân loại chết dần trong bóng tối.
                                                            ( trong " Nỗi buồn của anh ")

Tình yêu ngự trị trên cùng khắp thi ca Thế-Viên như một chất bạch phiến làm cho yên giấc ngủ sau những chuỗi dài ác mộng.   Tuy tha thiết và si mê như vũ bão, Thế Viên vẫn xưng tụng thân phận ông như một thần linh quyền năng mà tình yêu trở thành tỳ nữ.   Từ" Đau Thương"  và" Nỗi Buồn Của Anh" , Thế-Viên không còn là nhà thơ tình ái, ông trở thành nhà- thơ-đi-tìm-chân-thân, một chân thân lạc lõng:

                                                Người nghiêng bóng tối kinh hoàng
                                           Bước  chân lịch sử chĩu ngàn máu xương

Đọc" Đau Thương" của  Thế-Viên  tức là ta có cơ hội tìm lại nỗi đau thương chung của cuộc đời.   Thế-Viên qua' Nỗi Buồn Của Anh" là một Thế-Viên tìm về nỗi buồn ngàn xưa đã trùm lên thân phận con người.
   Trong 2 thi tập này, Thế-Viên nghiêng  hẳn  về chiều sâu của tâm hồn và nhìn thẳng vào kích thước thân phận.   Cũng như Huy Cận xưa, Thế-Viên hôm nay, như dùng thi ca để hành trình vào triết hoc, qua cái triết lý chân như của đời sống.      Không phải là thứ triết học vụn vặt tìm trong sách vở để chắp vá vào thi ca, nên khiến cho người đọc dễ dàng cảm được cái chân chất của thơ qua những hình tượng sống :

                                                   Cho tôi sống lại một ngày
                                                   Tuổi xuân trôi qua như dòng nước mặn
                                                   Thấm vào thân cây vỡ tan thành phố
                                                  Tuổi 30 tôi đã làm gì?
                                                   Hai cánh tay, hai bàn chân cô độc
                                                  Những khóe mắt, những làn môi dở cười dở khóc
                                                                     ( trong" Nỗi Buồn của Anh")

Con người chưa bao giờ thấy lẻ loi đơn lạnh như hôm nay.   Cũng chưa bao giờ nó ý thức được sự lớn mạnh từ chân thân của nó như hôm nay, cho nên đã hơn một lần, nó bị ruồng rẫy và ruồng rẫy tất cả, để tự nó đóng trọn vẹn và hoàn thành vai trò con người của mình.   Nó cũng không tìm thiên đường , cũng không nhìn nhận địa ngục.   Nó  xưng tụng cuộc đời và trọn vẹn , chỉ có một cuộc đời như một may mắn; cuối cùng để tìm lại thân thế của nó từng đã mất hút trong mù tăm:

                                                    Tìm đâu thấy mùa xuân
                                                    Trên hoa đồng cỏ nội
                                                    Bầy chim rừng bay đi
                                                    Anh gục đầu sám hối
                                                    Tuổi nhỏ như vì sao
                                                    Tay gầy mang tội lỗi
                                                    Em xa bến nước nào
                                                    Thiên đàng không còn lối
                                                     ...................................
                                                     ...................................
                                                    Tìm đâu thấy mùa xuân
                                                    Trong bài ca cứu rỗi
                                                    Bầy chim rừng bay đi
                                                    Địa ngục còn một lối.
                                 ( Mùa xuân  sám hối / " Khuôn mặt của chúng ta")

Thế-Viên lại một lần nữa muốn  vươn lên cho cao, để nhìn cho rõ khuôn mặt của  chúng ta.   Trong 4 thi tập của ông, thì thi tập mới nhất hôm nay, tuy rung cảm không còn phong độ cũ; tuy điệu thơ không còn đủ cái chất  bay bướm của Thế-Viên xưa.   Nhưng giá trị cao nhất của nhà thơ là gì, nếu không phải là đạt đến một thăng hoa; nghĩa là đi từ những đổi mới này qua đổi mới khác, để được sự thoát thân trong cái cũ để tìm cái mới cho nghệ thuật.   Thế-Viên đạt được một ưu điểm như thế.
 
" Khuôn mặt của chúng ta "  không có cái xinh xắn của thơ trữ tình hào hoa, không có cái vàng đơn lạnh, như trong" Đau Thương" ; nhưng là khuôn mặt vỡ lở và dạn dầy.   Một khuôn mặt  đã cam phân với sự vỡ lở kia.   Thế-Viên với" Khuôn mặt của Chúng ta" , nhà thơ đã tỏ ra chín mùi trong suy tư, cùng với một thái độ thản nhiên trước cuộc đời và thân phận:

                               Tại sao mỗi khi gặp em
                               Anh không nói được một lời
                               Tại sao em vẫn đẹp
                                Như lá mùa thu vẫn rơi
                                Nhớ những buổi sáng thứ năm gió thổi
                                Nhớ những buổi chiều thứ sáu  mây trôi
                                Tại sao?Tại sao ? Tại sao ? Em ơi ?
                                Chúng mình yêu nhau mà không bao giờ dám cưới ?
                                Mà không bao giờ nói chuyện trầu cau
                                Mà vẫn ôm cuộc đời.
                                                 ( Tại sao- " Khuôn mặt của  Chúng ta")

Đọc qua bài trên, ta cũng đủ cảm thấy cái tha thiết và mức độ của tinh yêu cùng với sự võ vàng, lỡ dỡ của đôi lứa.   Nhưng từ duyên do nào mà thi nhân vẫn thản nhiên ôm cuộc đời như ôm ảo vọng ?   Ấy là một vấn đề quan yếu của thời đại chúng ta và dù chúng ta có dùng cả một pho sách cũng chưa thể trình bầy cho người đọc dễ dàng cảm được ý nghĩa của tình yêu và cuộc đời qua đon thuần một câu hỏi tại sao, từ một duyên do nào ?

                                             Tôi sẽ chết như trái cây sẽ rụng
                                             Tay buông xuôi không nói được một lời
                                             Chân ngã gục với chuyện lòng hờ hững
                                             Lời kinh cầu rưng rưng trên bờ môi
                                             Mong hy vọng tôi trở về cát bụi
                                             Ôm vừng trăng từ thuở mới lên ba
                                             Chân không dẫm trên đỉnh đồi tôi lỗi
                                             Tay thơ ngây và tâm hồn nở hoa
                                             ...................................................
                                             Tôi từ giã không một điều ân hận
                                             Và tôi sẽ cầm hoa trên tay nõn
                                             Theo vầng trăng in bóng dòng suối xanh
                                             Tôi sẽ uống sương đêm đọng trên cành
                                             Của buổi sớm nghìn sao vào đáy mắt
                                             Tôi sẽ chết như mặt trời sẽ tắt.
                                                    ( Tôi sẽ  chết như mặt trời sẽ tắt ).

Thơ Thế-Viên  ghi đậm bản sắc của thế kỷ cùng thấm nhuần những hương hoa của Phật giáo, lai bàng bạc cái ám ảnh của một Hiện sinh.   Thơ Thế-Viên nói rất nhiều về con người với sư thống khổ về cuộc đời, qua một khoảng trống vô nghĩa.   Ông đặt nó trong sự cô đọng giữa tư tưởng và tâm chất chứa và người ta có thể dễ dàng nhận ra môt Thế-Viên khắc khoải muốn dấn thân và hành trình thẳng vào cuộc đời.   Khuôn mặt của chúng ta  bày tỏ được điều đó, và Thế-Viên đã thành công.   Thế Viên còn nắm được ưu điểm trong cả 4 thi tập- là ông có riêng một ngôn ngữ trong một hồn thơ thiên phú và điệu thơ của ông bao giờ cũng chuyển biến theo tình ý và ăn nhịp với hình ảnh - mà hình ảnh trong thơ ông là một hòa điệu giữa ThựcMơ.   Thế Viên  lại có1 sở trường lục bát.   Lục bát của ông khác với Cung trầm Tưởng, cũng không giống Huy Cận, nó đồng điệu với Lưu  trọng Lư, trong sáng và êm đềm như sự trong sáng và êm đềm của ca dao, lai thêm cái da diết rơớm máu của nỗi khát vọng và cô đơn trong một tình ái tột cùng si dại.   Song xét về thơ xuôi, nhất là những bài trong tập " Khuôn mặt của chúng ta",  Thế Viên hoàn toàn không nắm được kỹ thuật.   Thơ 5 chữ của Thế Viên   cũng không có gì xuất sắc.   Cái bản chất  trữ tình trong thơ Thế Viên qua lục bát, tám chữ mới là điều thật đáng nói.   Trữ tình của ông phảng phất cái bi đát như tình yêu của Roméo và Juliette ( Shakaspeare).  Với một  ái tình nồng nàn hoa gấm - một thứ hoa gấm của nước mắt, nên ông đã dễ dàng tạo được một  chỗ đứng khả kính trong tâm hồn khách yêu thơ .

                                            Như  phiến đá xanh chìm sâu đáy biển
                                            Em mơ hồ mang tiếng hát ban đêm
                                            Trong khoảnh khắc bỗng trở thành lau sậy
                                             Khuôn mặt em in dấu vết ưu phiền
                                             Bởi nỗi đó Anh về trên phố vắng
                                             Hương café thơm đọng mớ tóc em
                                             Niềm đau khổ lớn lên từ đầu ngón
                                             Bàn tay em như thạch động nằm quên
                                             Buồn rừng núi vẫn buồn theo phố thị
                                             Đường trán nhăn tiếp nối đường trán nhăn
                                             Mầu cỏ khô ấy anh làm thi sĩ
                                             Và em nữa - em một loài thiêu thân
                                             Đừng ôm mặt, xin em đừng chạy trốn
                                             Đêm lửa hồng đốt sáng nửa que diêm
                                             Soi mặt em cuộc đời nghe chĩu xuống
                                             Phiến đá xanh sao nặng những ưu phiền
                                             Em khổ nhọc, một đời em nhan sắc  
                                             Anh hiện hữu mong nỗi buồn thảo mộc
                                             Đến cùng  Em như rừng núi bỏ quên.
                                                      ( Khuôn mặt của em )

Thơ Thế Viên có cái giọng đậm đà như vậy.   Và bao giờ cũng thấp thoáng cái ơ hờ, man mác của nhớ thương.   Thơ ông luôn luôn  ấp ủ cái giọng giận hờn - Giận hờn trong thể phách của chính mình - giận hờn trước nỗi  chơ vơ trong thân thế xa lạ.   Và một cách đặc biệt, thơ Thế Viên có cái tinh luyện của ngôn ngữ thơ, một ảo giác nhuốm mùi bi ai, nhưng vẫn dìu dặt những hương sa của giòng suối mát, của đóa hoa tươi.   Thơ ông như đất mầu của phù sa và ươm những trái cây khổ não.

Ai cũng phải nhận rằng, Thế Viên có một  nguồn thơ thật phong phú.  Trong 4  thi tập của ông, tập thơ nào cũng dày cả trên 100 trang.   Mỗi thi tập có một mới lạ, một súc tích khác biệt.   Nhưng ông , trước sau, vẫn là khách đa mang tình lụy và sở đắc những bài thơ trữ tình  ( ẩn dấu khuôn mặt thời đại cùng một nỗi bi đát) và  ông đã tạo đơợc một cao điệu trước những bản chất trữ tình như thế, và nhất là thơ tình của Thế Viên lại ảnh hưởng sâu xa nỗi Đoạn trường Tân-thanh ( Nguyễn Du) - nên tiếng thơ tình của ông giống như một tiếng hát Trương Chi, lại có cái cao điệu của một cung đàn bạc mệnh - qua cái bóng mờ của giai nhân.   Nhờ vậy mà càng thêm truyền cảm.   Hai thi tập sau thì Thế-Viên dẫn sâu nguồn thi hứng vào thế giới tơ vò của suy tư và quả tình nhà thơ đang ngụp lặn trong những khắc khoải suy tư và khát vọng.   Về mặt tư tưởng, tuy ông chịu ảnh hưởng khá rõ rệt tư trào hiện sinh  Tây phương;  nhưng với nồng độ súc cảm của thơ nó đã được đãi lọc và hướng thượng.

Thế-Viên hiện diện trong thi ca hôm nay, như một lòai hoa quí của nghệ thuật.   Ông là một thi tài có giá trị.   Giá trị ấy được thể hiện dứt khoát, ngay từ thi tập đầu tay " Người yêu tôi khóc".
[]

CAO THẾ DUNG .
(  trích -  từ trang 123 - 131  - "Văn học Hiện Đại / Thi ca & Thi Nhân",
Nxb Quần chúng, Saigon 1969.
                                                 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét