nguyễn ngu í tổng kết cuộc phỏng vấn
bách khoa số đặc biệt ra ngày 15-1- 1962
CUỘC PHỎNG VẤN VỀ QUAN NIỆM SÁNG TÁC
của
70/100 nhà văn Việt nam cộng hòa
nguiễn ngu í tổng kết
NguiỄn Ngu Í ( tr. 176 BÁCH KHOA CXXI)
tạp chí BÁCH KHOA CXXI tr. -163 -
Bình nguyên Lộc -- Phạm Phạm
" chút tình phỏng vấn từ nay xin chừa..."
Nhưng vì đã mang cái nghiệp... bách khoa; nên một lần nữa, lại chẳng thể chừa ... việc quấy rầy 100 nhà văn . với bức thư phỏng vấn văn nghệ thứ 2 * - sau rút gọn trong 4 câu hỏi :
---
* cuộc phỏng vấn thứ 1 về truyện ngắn việt và ngoại quốc hay nhất (bắt đầu từ 15-11-1956.)
(NNÍ chú thíhc)
I- Sáng tác để làm gì? Để cho mình hay cho thiên hạ? Để cho bây giờ hay để cho mai sau?
II- Sáng tác theo một đường lối nhất định nào hay là tùy hứng?
III - Những gì đã xảy ra trong tâm trí và trên trang giấy của tác giả, từ khi tác phẩm bắt đầu thai nghén cho đến lúc thành hình ?
IV - Những kinh nghiệm sống và sáng tác thích nhất ?
***
Trước khi trình bày kết quả cùng những nhận xét, chúng tôi nêu vài điều thắc mắc, hoặc chỉ trích; do bạn đọc gửi đến, hoặc do các bạn nhà văn gợi ra, trong khi trả lời.
Trong số 4 câu hỏi trên, có câu thứ 2 : " Sáng tác theo một đường lối nhất định nào hay là tùy hứng" đã gây thắc mắc, vì 2 thành ngữ:"đường lối nhất định và tùy hứng."
Người trả lời đầu tiên, nhà văn Bình nguyên Lộc cho chúng tôi đặt ra 2 ý niệm đó.tưởng đâu là tương phản; nhưng thật ra không liên hệ gì đến nhau, tỉ như "con chó với khúc gỗ" : anh BNLộc cho rằng,
" đường lối nhất định là ý chí của con người; còn hứng chỉ là 1 phương pháp làm việc"; vì anh đoán chắc chúng tôi muốn hỏi
" Sáng tác theo một lối nhất định, hay gặp ý gì viết viết ý nấy, và kết luận theo sự thật, tho sở thích, theo lẽ phải; chứ không tho đường lối ấy."
Chúng tôi khi nêu lên câu hỏi thứ 2, đã hiểu như thế này: Sáng tác theo đường lối nhất định là có chủ tâm, chủ đích, và lập trường vững chắc khi viết -- còn sáng tác tùy hứng là gặp bất cứ đề tài vì mình thích thì viết. Tỉ như Nhất Linh, một thời, đã sáng tác để làm gì cho dân quê đang sống khổ sở, tối tăm ...; còn Phạm cao Củng, một dạo viết truyện trinh thám để thỏa một khiếu riêng; viết truyện võ hiệp, vì không bằng lòng Lý ngọc Hưng (người Trung hoa) dịch truyện võ hiệp Tàu, với lối văn lủng củng mà được hoan nghênh, lại viết truyện nhi đồng... hầu góp phần giải trí và giáo dục con em.
Thế thì, tùy hứng không có nghĩa là phương pháp làm việc; mà là một lề lối sáng tác. Có thể tạm ví cách con ong tìm bông hút nhụy và lối con bướm vờn hoa để hình dung 2 thành ngữ đó.
Sau nhà văn Bình nguyên Lộc, 5 nhà văn khác và 1 bạn đọc cũng thắc mắc nghĩ về câu hỏi này. Mặc dù số các bạn trên đây không có là bao; nhưng chúng tôi cũng xin nhận minh đã chẳng đặt câu hỏi rõ ràng hơn; đó là 1 kinh nghiệm cho chúng tôi về sau vậy.
Vì mới đây, ông Nguyễn văn Trung, trong bài diễn văn Văn chương như 1 vết tích hay nhà văn với chữ viết * có nhắc đến cuộc phỏng vấn này và tỏ ý kiến phải chi chúng tôi đặt câu hỏi " Sáng tác để làm gì" lại là " Tại sao viết? " thì mới 'đi sâu vào ý nghĩa nội tại của sáng tác' -- vì như thế, ta sẽ biết nguyên nhân hay vì mục đích. Điều nhận xét trên đây của ông Nguyễn văn Trung thật là chí lí và tế nhị; nhưng ý định của chúng tôi lại khác: chúng tôi muốn tìm hiểu mục đích của các nhà văn khi viết, vì mục đích sẽ soi sáng nguyên nhân; vả lại công trình sáng tác chỉ có giá trị trọn vẹn, khi nó đã gây được ảnh hưởng gì đối với người xem, kẻ đọc; chứ không phải vì cái cớ đã thúc đẩy người nghệ sĩ bắt tay vào việc.
---
* tại trường Quốc gia Âm nhạc Sài gòn và đăng ở Bách khoa số 118, (NNI chú thích)
Đến anh bạn Vũ Hạnh, khi nói chuyện về " Hoàn cảnh sáng tác và điều kiện hiện thời các văn nghệ sĩ ", * thấy cây bút chuyên nghiệp chiếm một tỉ lệ nhỏ, và nhiều tác giả chuyên nghiệp có một số lượng độc giả khá lớn không được nhắc đến... ' trong cuộc phỏng vấn do chúng tôi phụ trách. [Bạn] quên rằng một cây viết trinh thám võ hiệp và một cây bút phụ nữ chuyên viết chuyện tâm lí, ái tình ( cả 2 có một số độc giả khá đông) đã được biết đến -- và chúng tôi đã từng nhắn tin ** -- mong nhận ý kiến của một số nhà văn chuyên nghiệp có nhiều độc giả.
---
* trình bày tại Câu lạc bộ Văn hóa, Sài gòn - ngày 17-12-1961 và đăng ở Bách khoa số 120.
** Bách khoa số 117, mục Hộp thư .
( 2 chú thích của NNÍ.)
Có bạn trách chúng tôi tại sao lại hỏi chi những 'người chưa có thành tích văn nghệ' ; nghĩa là những người chưa có gì để đảm bảo ý kiến phát biểu; như thế người phỏng vấn phải chịu trách nhiệm về những lời tuyên bố khác thường của họ. Buộc như thế thì cũng tội cho người đi phỏng vấn, cũng như người 'bị' phỏng vấn. Chưa có tác phẩm xuất bản, hoặc chỉ cộng tác với đôi tờ báo; tuổi còn trẻ, mà thiết tha với nghiệp văn chương, tỏ ra có gì độc đáo trong ý, rong tứ ; thì ý kiến đưa có thiếu dè dặt, thiếu khiêm tốn đi nữa -- nhưng chân thành -- ý kiến ấy vẫn được đáng cho ta lưu ý.
Hơn nữa, tuy chúng tôi vẫn không dám quên những bậc đàn anh nhiều kinh nghiệm, những nhà văn nổi tiếng; chúng tôi lại đặc biệt chú ý đến lớp bạn trẻ hăng hái, chân thật, liều lĩnh phần nào; ít thành kiến mà nhiều táo bạo, muốn tìm những gì mới, lạ. Chúng tôi hy vọng những cây bút trẻ sẽ nói lên những băn khăn cùng những hoài bão của thế hệ họ; để giúp chúng ta hiểu thời đại mình hơn, vì họ là những người của ngày mai. Vả lại, những nhà văn có tuổi thường ít hiểu -- có khi không biết hay không chịu hiểu thế hệ trẻ.
Đành rằng cây vững nhờ gốc lâu năm, nhưng xinh đẹp nhờ lá cành tươi trẻ. Chẳng lẻ giới thiệu một thứ cây mà chỉ để ý đến phần cội rễ; còn bỏ quên những tược, những chồi.
Có bạn lại trách chúng tôi, sao hỏi nhiều quá; rồi trở đi trở lại cũng bao nhiêu ý kiến đó. Nhưng muốn có một nhận định gì về quan niệm sáng tác của các nhà văn bây giờ ; thì chỉ thu thập 10 ý kiến --
dầu là 10 cây bút có nhiều uy tín -- thì hẳn là khó phản ảnh cho đầy đủ. Vì thế, chúng tôi phải hỏi những bậc đã đi tới đích, những người đi được nửa đường và những bạn lên đường chưa được bao lâu -- để rồi mới có rút [ra] một nhận định chung, ít thiếu sót . Mà, ý kiến có trùng nhau; chúng ta mới có thể rút ra vài qui tắc
Và, chúng tôi đã hỏi đến 100 nhà văn, từ lớp lão thành thời Đông dương [tạp chí], Nam Phong; đến lớp nhà văn mới vào làng sau hiệp định Genève -- chúng tôi đã thu thập ý kiến những nhóm, những khuynh hướng xưa nay-- nên ngoài những nhà văn độc lập-- chúng tôi đã quấy rầy các bậc đã từng cộng tác với tạp chí Nam Phong, trong Tự lực văn đoàn, Tiểu thuyết thứ bảy, Xuân Thu... thời tiền chiến...; các bạn nhóm Thế kỷ, Quan điểm, Văn hóa ngày nay, Tân phong, Sáng tạo, Hiện đại, Văn nghệ Tự do...; sau này-- cùng một số các bạn ở hải ngoại -- chúng tôi đặc biệt chú ý những nhà văn trúng giải văn chương trong nước, những cây bút có nhiều độc giả và những nhà văn có tác phẩm được nói tới trong các bài phê bình, điểm sách của tạp chí Bách khoa.
Vậy, nếu bạn bạn không đọc bài của vài cây bút tiêu biểu cho đôi xu hướng, mới, cũ, của đôi nhà văn có một thái độ khác biệt-- xin các bạn hiểu cho rằng, chúng tôi đã không có duyên với các nhà văn ấy; chớ chẳng phải chúng tôi đã bỏ quên, vì lẽ này hay lẽ khác.
Giờ, chúng tôi xin ghi lại kết quả chung:
Hỏi : 100 nhà văn.
Trả lời : 70 ( trong số này, có 2 bạn; 1 ở miền Trung, và 1 bạn ở hải ngoại, trả lời riêng cho người phỏng vấn, bài phải để lại.)
Tỉ lệ : 70% *
Đã đăng tới ngày [hôm] nay : 56 bài.
---
* lần phỏng vấn trước về truyện ngắn, tỉ lệ là 58, 33 %. (NNI chú thích.)
Và, để các bạn có một ý niệm tạm về thành phần các nhà văn đã góp ý kiến, chúng tôi xin chia các nhà văn ấy làm 3 hạng:
1) hạng viết trước Cách mạng 1945, có 26 người.
2) hạng viết sau cuộc Cách mạng 1945, co 23 người.
3) hạng viết từ hiệp định Genève 1954, có 21 người.
Những con số xê xích nhau không mấy-- còn sau đây là kết quả.
1) Về quan niệm sáng tác.
Có bạn viết mà không ý thức việc mình làm. Viết vì thích, viết vì một lẽ đương nhiên, như chim ca, dế khóc, cuộc gọi, ve than; viết như ăn, như ngủ, như nghỉ, như chơi... -- khiến ta nhớ đến quan niệm của Xuân Diệu, hơn 15 năm về trước :
" Tôi là con chim đến từ núi lạ,
Ngứa cổ hát chơi;
Hãy nghe lấy. Còn như sao rỉ rả.
Hỏi làm chi! Tôi không biết trả lời."
(GỬI HƯƠNG CHO GIÓ)
Có bạn chưa từng đặt thành vấn đề, nay 'bị' phỏng vấn; mới cô nhớ lại, cố xét lại, thì thấy :
- hoặc vì không khí gia đình hay chung quanh : anh, em, cha chú, bạn bè viết; rồi cũng lây 'bịnh' viết.
- hoặc vì hoàn cảnh, cảnh ngộ : cần sinh sống, cần trốn hiện tại, cần giải thoát tâm hồn; cần nói ra những cảm nghĩ,vì xem như một nghiệp vụ, vì dư thì giờ,vì bị bắt buộc, vì muốn giúp vui, vì được khuyên khích hay vị khiêu khích.
- hoặc vì xúc động tâm lí hay thẩm mĩ: trước một cảnh thương tâm, một hành động áp chế, trước một hành vi cao cả, một cảnh trí nên thơ.
Có bạn lúc nhỏ, viết vì bắt chước, vì háo danh, vì chiều một
người ...; rồi lớn lại cảm thấy viết là một 'bổn phận, bổn phận.'
- đối với mình : nói lên những nhớ thương, uất hận, hoài bão, băn khoăn cho nhẹ lòng, nhẹ trí; để thực hiện bản ngã mình, để tìm người đồng điệu, để sống lại lần nữa. hay để sống thêm, để phản đối một cái gì mình cho là không phải, là chưa phải; để tâm hồn thơ thới, để thoả mãn một nhu cầu hay một yêu cầu, để thi vị hòa dĩ vãng, để thảo cái hứng truyền cảm, để thấy đời có ý nghĩa, vi nội tâm thôi thúc, bị thúc đẩy, bị thu hút bởi một lực lượng vô hình; để phụng sự cái mình cho là thật, là lành, là đẹp.
- đối với người : nói lên những cảnh lầm than, áp bức, bất công; để mong xã hội được sửa đổi, để góp phần xây dựng cho nước nhà, cho nhân loại, để tải 'đạo', để nói giùm hộ kẻ khác những vui buồn, đòi hỏi; để phụng sự nhân tình, để tác động vào cuộc đời; để mình giải một lí thuyết văn nghệ, để góp một tiếng nói. một hơi thở vào đời của dân tộc, để gây 'tình Thương' và' niềm Tin'; để thành tâm ca ngợi một cái gì ( lòng 'Hy sinh', sự 'đau Khổ'...)-- để đề nghị với người đọc một sự đồng tình nào đó về thái độ sống, quan niệm sống hợp lí, hợp tình hơn.
***
Viết cho mình hay cho thiên hạ? Đa số nhà văn viết cho mình
trước. mà trong cái 'cho mình' cũng có cái 'cho thiên hạ' phần nào, môt số ít nhà văn không rõ mình viết cho ai, một số vừa viết cho mình vừa viết cho người.
Còn viết cho bây giờ hay mai sau ? Thì phần nhiều là viết cho bây giờ, không muốn nghĩ hoặc không dám nghĩ đến mai sau; một số ít không đặt thành vấn đề.
Trước khi sang câu hỏi thứ 2, chúng toi xin dịch một đoạn nói về quan niệm sáng tác của các nhà văn hiện đại Pháp (1940- 1960), do Bernard Pagaud trình bày; để các bạn có dịp so sánh. Ông[ta] viết một bài giới thiệu, như :
Viết bây giờ
"Văn chương là một khí giới để tự vệ. tại sao người ta viết? Để tự biện minh; hoặc để mình giải trí mình, để 'chào mừng cái đẹp', 'cầm tấm gương mà dạo suốt một con đường', 'cạnh tranh với tên tuổi mình trong hộ tịch', 'cho những tiếng của bộ lạc mình một ý nghĩa nhã thuần hơn'. Tất cả những lí lẽ này đều đúng cả; nhưng sâu sa hơn, người ta viết để tự vệ. Kẻ thù mà ta chiến đấu, ta không bo giờ túm lấy nó được, đo là một chiếc bóng, một khoảng không, một chỗ vắng. Chữ viết không nhằm lấp chỗ vắng này, nó chỉ mong phát giác chỗ vắng ấy."
Être aujourd' hui
La littérature est une arme défensive. Pourquoi écrit-on ? Pour se justifier ou se distraire, pour 'saluer la beauté', 'promener le long d'une route', 'faire concurence à l'état civil', 'donner un sens plus pur aux mots de la tribu'. Toutes ses raisons sont vrais; mais plus profondément, on écrit pour se défendre. L' ennemi que nous combattons est insaisisable, c'est une ombre, un vide, une absence. L' écriture n'a pas pour but de combler cette absence; elle prétend seulement la révéler.)
II- Sáng tác theo đường lối nhất định hay là tùy hứng?
Câu này chỉ được một nửa số nhà văn hưởng ứng cuộc phỏng vấn trả lời.
Đối với người chưa có đường lối nào rõ rệt; vài người sáng tác theo cả 2 thể thức.
Một nửa không có đường lối, có người cho rằng nếu phải một đường lối nhất định, thì ... nhất định là không viết được, có người chỉ muốn diễn tả lại cuộc sống, rồi tự nó muốn nói gì thì nói, muốn đi lối nào thì đi ...
Một nửa số đường lối nhất định : có người không thể quan niệm viết, mà không có đường lối nào cả; số người thấy đường lối rất cần để kìm hãm lấy mình; có người lúc mới bắt đầu viết thì viết theo tùy hứng, nhưng sau phải sáng tác theo một đường lối nhất định, vì xét đường lối giúp cho văn nghiệp có gái trị, có người vạch cho mình đường lối sáng tác; nhưng không theo hẳn một chiều.
Cũng nên ghi về thơ, thì mọi người sáng tác tùy hứng cả -- và, riêng một thi sĩ đặc biệt hướng về nông thôn.
II- Những gì xảy ra trong tâm trí và trên trang giấy của tác giả từ khi tác phẩm bắt đầu thai nghén cho đến lúc nó thành hình ?
Chúng tôi thấy cần nói riêng từng bộ môn ( thơ, truyện, kịch) vì cách tìm đề tài, phương pháp làm việc cho mỗi bộ môn mỗi khác.
Về thơ, vai trò của cảm hứng rất quan trọng. Cảm hứng đến hoặc vì nột tâm, hoặc do ngoại cảnh, hoặc tại cảnh ngộ, thời cuộc.
Đề tài có rồi, thì phần đông cảm thấy làm thơ không khó mấy, nhất là mình có chân cảm. Có người sáng tác theo dòng cam xúc, có người lại để nó đục phá tâm tư đến khi nào nó ra được thì ra, có người cấu tạo nó trong trí não, đợi khi thi phẩm hoàn thành hẳn, hay khi gần hoàn thành mới viết ra giấy. Cho nên có người nuôi dưỡng bài thơ khá lâu, có người hứng đên, là cầm bút viết liền một hơi, việc diễn biến xảy ra trong tâm não cùng một lúc với sự diễn biến xảy ra trên trang giấy. Rồi sau mới đến công việc xóa, thêm, sửa, đổi; có khi ghi được nửa bài, thì mất hứng; để đó, chờ hứng trở lại, hay, sau một thời gian, đem ra đọc lại; rồi nhờ ý, tình, hình ảnh đã ghi mà hoàn thành bài thơ.
Xem thế, phần tiềm thức, phần tình cảm đóng vai trò quan trọng trong việc thai nghén và thành hình. Phần lý trí đến để gọt giũa, chải chuốt, cho bài thơ 'đọng ngọc.'
truyện, thì khác. Ở đây, phần lí trí giữ vai tuồng quyết định. Phân nhiều khi có đề tài rồi (do sự tình cờ, do sự tìm kiếm),nuôi dưỡng nó trong lòng trí khá lâu, dựng cốt truyện, tạo nhân vật, tìm tình tiết, chi tiết, say sưa sống trong cái thế giới riêng; với những nhân vật của chuyện; rồi sau một thời gian, hoặc do một cảm xúc gì rất mạnh thúc đẩy, hoặc đến kì 'đúng tháng đúng ngày', tác phẩm thoát thai ra mặt giấy.
Đề tài trên đây phát sinh từ một ý tưởng, một ý niệm, một lí thuyết, hoặc một sự kiện.
Lắm khi lại bắt nguồn từ một nhân vật sống, có cá tính hay tâm sự đặc biệt, hoặc nhân vật ấy ở trong một hoàn cảnh làm ra rung cảm khác thường; rồi viết từng đoạn, để cho câu chuyện, để cho nhân vật đưa ra đến hồi kết thúc, nghĩa là chính tác giả cũng không biết trước kết cục rồi sẽ ra sao. Trái lại, có một số nhà văn bố cục chặt chẽ, ban cho các nhân vật tánh tình rõ rệt, rồi cứ tuần tự viết, biết mình đi đến đích nào, và không vì một lẽ gì mà thay đổi tình tiết. Có người lại giao phó việc xây dựng cốt truyện cho tình cờ, cho tiềm thức. Có người khổ tâm mệt trí để tìm một cái gút cho câu chuyện, và dễ tháo nó một cách tự nhiên.
Đặc biệt, có một nhà văn lại nghĩ đến kết cục trước, rồi đi ngược lại cho đến lúc khởi đầu, dọc đường cắm những cái trụ để làm dấu, vẽ những đường quanh co nối liền các trụ tưởng trưng những tình tiết; rồi xóa những đường vẽ ấy -- và, bắt đầu viết, đi từ trụ đầu tới trụ chót.
Viết, thì có bạn viết một mạch từ đầu tới cuối, rồi sau mới lại xem kĩ lại, sửa chữa; có bạn viết từng đoạn, gạch bỏ, điền thêm; song mới viết tiếp đoạn kết, có bạn không viết theo đúng thứ tự sắp sẵn; mà viết trước đoạn nào gợi hứng nhiều hơn; rồi sau mới chắp nối lại, như thể người ta quay phim, dán phim vậy.
Đa số để cho tưởng tượng một vai trò vừa phải. Còn nhân vật, thường mượn ở cuộc đời; có khi lấy 2, 3 nhân vật thiệt mà dồn vào một nhân vật trong tiểu thuyết.
Tác phẩm hoàn thành người thì đem đọc cho bạn nghe để phê phán; rồi sửa chữa nếu thấy cần; người [thì] cho nó nằm ngủ một thời gian, rồi lôi nó dậy, đọc nó như đọc tác phẩm của người khác -- để bớt, thêm, sửa đổi.
Trong khi viết, hoàn cảnh chung quanh, cuộc sống chính mình -- tiếng động, màu giấy..., ảnh hưởng một phần nào đến sự hoàn thành công trình nghệ thuật; hoặc dễ, hoặc khó, hoặc mau, hoặc chậm.
kịch đòi hỏi nhiều công phu, công phu lúc sắp xếp lớp lang, lúc dựng nhân vật; vì kịch là một biến cố trong đời được phản ảnh lên sân khấu, một mẫu của cuộc sống, cần làm sao cho người xem chấp nhận nó, như chấp nhận sự thực ở ngoài đời. Còn phần viết sau đó tương đối dễ dàng. Đề tài do một luận đề, một tâm trạng, một mẫu người đặc biệt đem lại. Nhân vật phần nhiều do đời cung cấp, và được nhấn mạnh ở những điểm cần thiết để [làm] nổi bật cá tính.
III- Những kinh nghiệm sống và sáng tác thích nhất.
Muốn tác phẩm có sức truyền cảm mạnh, nhà văn cần phải thiết tha với 'đứa con tinh thần' của mình, phải dựa vào cuộc sống mà sáng tác. Cảm hứng tuy cần để bắt tay vào việc, nhưng nên cho nó cái tỉ lệ 1% trong công cuộc hoàn thành tác phẩm, còn 99% kia dành cho sự 'toát mồ hôi.'
Trong khi viết, có hứng thì viết dễ hơn; nhưng không có, ta cứ viết, vì viết văn có chỗ giống như ăn cơm: 'cứ ăn đi rồi sẽ thấy ngon miệng.'
Cái tâm thành của người cầm bút đã cần, mà cũng cần gây vốn luôn luôn, gây bằng sự sống phong phú, hòa mình với chung quanh, cần đi để mở rộng tầm nghe, thấy ; cần đọc để bồi bổ kiến thức , và để biết những trào lưu văn nghệ trên thế giới, cần tập luyện để trau dồi kĩ thuật.
Có bạn kinh nghiệm rằng, nhưng khi 'nghèo túng, những lúc ở không yên ổn ngồi không vững vàng' ; những lúc bị thúc giục gắt , thì lại sáng tác mau, và hay. Có bạn lại chẳng viết được gì ưng ý, khi vật chất thiếu thốn, tâm hồn dao động.
Mọi người đồng ý, ở điểm: cho rằng đời sống mà nghèo nàn, cằn cỗi, bế tắc; thì 'đứa con tinh thần' khó mà thọ được -- và một số thấy cần được sống một cuốc đời Sóng Gió, tất cả buồm đều giương lên -- và Thể xác, và Tâm hồn, và Trí tuệ ,tất cả buồm đều giương lên.
Phần hình thức, hầu hết đều chuộng sự giản dị.
Về truyện, một nhà văn lão thành có đúc lại kinh nghiệm mình, sau hơn 30 năm cầm bút:
- đại cương truyện : phải rõ minh định viết về cái gì.
- nhân vật: phải rõ ràng trong óc, phải 'sống'.
- cốt truyện là phụ.
- các việc xảy ra cần theo cái đại cương để diễn tả được đề mình đã chọn.
- tìm chi tiết: về người, tả cho 'sống', về việc tả cho linh động.
Một nhà văn chuyên nghiệp trung niên đưa ra 2 kinh nghiệm sau đậy :
- truyện càng nhiều chi tiết càng linh động. (nhưng độc giả Việt ta sợ mệt, nên phải bỏ bớt nhiều chi tiết.)
- chi tiết không được bịa như cốt truyện.
Một nhà văn trẻ tuổi sau một thời gian tích cực hoạt động, rút kinh nghiệm: người văn nghệ thường thiếu óc tổ chức, do đó, cơ sở văn nghệ lập được thường chóng đổ vỡ; vì thế, sáng tác của cá nhân và tình trạng văn nghệ rộng lớn bị ảnh hưởng.
Hỏi về sáng tác thích nhất, thì số đông không thể trả lời: hoặc đều như mẹ thương bầy con, hoặc chưa có sáng tác nào làm mình thỏa mãn; hoặc thích nhất khi thai nghén, lúc hoàn thành xem lại, thấy 'nó thế nào ấy' -- chỉ có một cây bút đàn anh hài lòng về tất cả sáng tác mình, vì đã 'gửi gấm được tất cả tâm tư của tôi'.
Một số [khác] thích nhất tác phẩm ghi đời kỉ niệm sâu xa, sáng tác trong một trường hợp đặc biệt, nói được nỗi khổ đau, hay băn khoăn của giới mình, thế hệ mình.
***
Qua phần tổng kết, chúng tôi nhận thấy:
Nhà văn nước ta phần đông viết vì một sự ngẫu nhiên nào đó, và để thỏa mãn 'cái tôi' hơn là vì xã hội. Trường hợp một Lỗ Tấn ở Trung hoa, bỏ con dao giải phẫu y khoa -- trường hợp một Nhất Linh ở ta , với cây cọ của hội họa, không thể chữa được cơn bịnh ngặt nghèo cho dân tộc mình lúc bấy giờ -- là trường hợp ít thấy ở giới văn nghệ nước ta. (tự nhiên là qua cuộc phỏng vấn này.)
Viết để thỏa mãn mình, viết để nói đến 'cái tôi' là một điều chánh đáng. Nhưng, chúng tôi e rằng: nếu chỉ viết mãi về mình, chỉ khai thác bản ngã mình; thì sau rồi sẽ đưa đến nghèo nàn -- vì :
" Quanh quẩn mãi vài ba dáng điệu
Tới hay lui vẫn chừng ấy mặt người
Vì quá thân nên quá đỗi buồn cười
Môi nhắc lại chỉ có ngần ấy chuyện"
(HUY CẬN/ LỬA THIÊNG)
sẽ đưa đến sự bất lợi cho tác giả và người đọc. ( nhà văn viết cho riêng mình, không cần người khác hiểu, sẽ trở thành tối tăm, bí hiểm.) *
---
* một bạn đọc trẻ đang tập viết văn, cô B.T.T., đã viết cho chúng tôi, nhân cuộc phỏng vấn này: " Tôi cho rằng văn chương là một cuộc nói chuyện tay đôi giữa mình và mình. Văn chương chỉ là một cuộc độc thoại liên miên của một người. Tôi viết để cho tôi; tôi viết cho những ham muốn không bao giờ thực hiện được."
(NNÍ chú thích)
Cho nên chúng ta sung sướng được biết một số nhà văn trước viết về mình, sau vì người -- một số nhà văn cố đánh dấu thời đại đặc biệt của chúng ta, sẽ nói lên những điều băn khoăn, rạo rực, những nỗi chua xót, bất bình cùng những đòi hỏi khẩn thiết của thế hệ hiện thời, thế hệ chúng ta.
Nhưng theo chúng tôi, kết quả quan trọng nhất của cuộc phỏng vấn này; chúng ta được một số tiêu chuẩn đề định đoạt giá trị của một công trình sáng tác văn nghệ, điều rất có ích cho người viết cũng như người đọc.
Nhờ 70/ 100 nhà văn, nhà thơ, nhà soạn kịch, vui lòng cho biết quan niệm và kinh nghiệm của mình; mà giờ chúng ta có thể nói :
- muốn dựng một công trình có giá trị, người cầm bút trước hết phải chân thành, thiết tha; rồi hiểu hoàn cảnh mình định gợi, thấu rõ nhân vật mình tạo, sao cho chất' Sống' của cuộc đời linh động bàng bạc trong tác phẩm; sau đó diễn tả cho trung thực, và tránh việc 'làm văn chương'.
***
Cuộc phỏng vấn do chúng tôi phụ trách, tuy chưa chấm dứt trên mặt báo, nhưng đã kết thúc thật sự. Chúng tôi đã căn cứ vào những bài đã đăng và các bài đã nhận được, để viết bài tổng kết cho kịp đăng vào số 'kỷ niệm năm thứ 5' này --thể theo lời đòi hỏi của đa số bạn đọc. Các bài nhận được, chúng tôi sẽ tiếp tục cho ra mắt độc giả trong [những] số tới.
Và cũng vì muốn số 'kỷ niệm đệ ngũ niên' này có thêm một kỷ niệm-- chúng tôi xin đăng ảnh những nhà văn đã hưởng ứng cuộc phỏng vấn thứ 2 này -- theo thứ tự bài nhận được, để các bạn 'đã văn kì thanh' lại còn muốn 'kiến kì hình' những người phát biểu ý kiến, được toại nguyện. *
---
* tiếc thay, vào giờ chót -- vì lý do kĩ thuật -- chúng tôi không thể đăng hết ảnh các nhà văn; đành để số sau đăng tiếp. Xin các bạn đọc và các bạn nhà văn cảm phiền. Và, chúng tôi cũng xin đăng hình người phụ trách cuộc phỏng vấn; thể theo ý muốn của một số bạn đọc và nhà văn đã trả lời.
( Chú thích : tạp chí Bách khoa.)
Đến đây, chúng tôi xin trích một đoạn thư của 1 độc giả gửi cho chúng tôi, khi cuộc phỏng vấn mở được ít lâu :
"...Đây là dịp may độc nhất [...] được nghe các nhà văn, nhà thơ , v.v ..., tẩn mẩn kể tâm tình, nói ra những kinh nghiệm sống đã gặp trên đường sáng tác, sự diễn tiến của tâm trạng họ thai nghén một tác phẩm đến lúc nó chào đời ở khu vườn văn nghệ -- tóm lại họ sẽ thành thật mở rộng cánh cửa lòng; mà từ lâu, vì khiêm tốn, vì ngượng ngập, họ ít khi chịu cởi mờ."
Chúng tôi tin rằng các bạn đã được hài lòng mà thấy một số đông nhà văn đã mở ' cửa lòng, cửa trí ' cho chúng, mỗi người một cách.
Riêng phần người phụ trách -- xin có lời cảm tạ những nhà văn đã vui lòng trả lời -- để cuộc phỏng vấn thứ 2 này của tạp chí Bách khoa thành tựu.
[]
NGUIỄN NGU Í
(Bách khoa số đặc biệt ra ngày 15.1. 1962)
lời dẫn:
số Bách khoa đặc biệt kỷ niệm đệ ngũ chu niên , ra ngày 15.1.1962 - - gồm 41 nhà văn, nhà thơ được in ảnh ( trong số 70/100 người đã trả lời phỏng vấn): Bình nguyên Lộc -- Phạm Phạm -- Vũ hoàng Chương -- Xuân Việt -- Minh Đức [Hoài Trinh] (nữ) -- Triều Đẩu -- Nguyên Sa ( Duy Thanh phác họa) -- Hoàng anh Tuấn -- Lan Đình -- Phú Đức -- Vi huyền Đắc -- Võ Hồng -- Thế Phong -- Thu Vân (nữ) -- Đông Xuyên -- Hoàng Khanh -- Nguyễn Vỹ -- Linh Bảo (nữ) -- Nhất Linh -- Hà thượng Nhân-- mặc Thu -- Lưu Nghi -- Nguyễn văn Hầu -- Bàng bá Lân -- Hư Chu -- Ái Lan (nữ) -- Vũ Hạnh -- Vũ Hân -- Thế Viên -- Thạch Hà -- Anh Tuyến -- Doãn quốc Sỹ ( Duy Thanh phác họa) --Nguyễn mạnh Côn -- Lê văn Siêu -- Nhật Tiến -- Phan Du -- Hợp Phố (nữ)
-- Đỗ Tấn -- Mai trung Tĩnh -- Vương đức Lệ -- Nguyễn ngu Í .
( chúng tôi chỉ in lại ảnh một số nhà văn. BT)
đinh bạch dân
7 May, 2015.
Võ Hồng -- Thế Phong -- Thu Vân (nữ)
(tr. 1 67 BÁCH KHOA CXXI )
Linh Bảo (nữ) -- Nhất Linh
( tr. 169 BÁCH KHOA CXXI )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét