Thứ Năm, 14 tháng 5, 2015

phỏng vấn nhà báo kỳ cựu bút trà [nguyễn đức nhuận] ; nguiễn ngu í / báo bách khoa saigon số 122 / 1962

               
                                 
               phỏng vấn nhà báo kỳ cựu                   
               Bút Trà [Nguyễn đức Nhuận]
      chủ trương báo Sàigon mới 
                                   nguiễn ngu í


                      NGUIỄN NGU Í [i.e. nguyễn hữu ngư 1921- 1979]
                                                                              (ảnh: Internet)

"... không có cái sướng nào sánh bằng. Tiền bạc, nữ sắc, danh vọng đều không làm ta sướng bằng khi làm xong một bài thơ đắc ý mình ôm ấp từ lâu.  Còn nhớ, có lần, tôi làm xong một bài thơ; thích quá, tôi quên hẳn mình nằm bên một người đàn bà."

"... người ta có thể chán giàu sang, ... chán đàn bà ... nhưng không thể chán 'thơ' được ?

"...văn thơ của tôi, nào phải của tôi hết đâu, của Sông, Núi nhiều hơn... ' Văn vô sơn thủy phi kì khí / nhơn bất phong sương vị lão thành' "

  ( PHÚ ĐỨC, CHỦ TRƯƠNG TỜ NHẬT BÁO LỚN NHẤT Ở SAIGON THẬP NIÊN 5, 60 -- TỜ SAIGON MỚI .)



                                                       BÚT TRÀ  [i.e. nguyễn đức nhuận 1900 - ???? ] 
                                    chủ trương  nhật báo chạy nhất ờ Sài thành thập niên, 5, 60:  SÀI GÒN MỚI.
                                                             (chụp lại trên báo Bách khoa số 122 - tr.  77 )

Bút Trà  tên thất Nguyễn đức Nhuận.  Sinh năm 1900 tại làng Phổ an, huyện Tư nghĩa, tỉnh Quảng ngã,i (Trung bộ) gốc người Bảo an, Quảng nam.   Làm báo, làm thơ.  Đã cộng tác với các báo : Lục tỉnh tân văn  (1921) -- Đông pháp thời báo (1923) -- Công luận (1925).  Đã chủ trương nhật báo: Sài thành (1929-31) --Saigon (1931-45.)
Sau cuộc Cách mạng 1945, chủ trương các nhật báo Kiến thiết, Ban ngày, Điện báo, 
SAIGON MỚI  (từ 1947.)


                                                nhật báo bán chạy hàng đầu ở Saigon., thập niên 60.
                                                            ( chụp trên Internet)

Tôi đẩy cửa , bước vào phòng khách, một thế giới khác. Bên kia cửa là ti quản lý tờ báo hàng ngày bán chạy nhất nước Việt tự do, nhộn nhịp ồn ào; bên này cửa: lặng im, vì sao tôi liên tưởng ngay đến câu Kiều "êm đểm trướng rủ màn che."
Anh mời tôi ngồi, rồi hỏi tôi uống gì.

Lúc ấy gần 4 giờ chiều.  Quạt có chạy, nhưng không đuổi hết cái bức ra ngoài. Tôi nhìn anh: cà-vạt ca-rô đỏ, đầu chải tóc bằng gôm, bạc không mấy sợi; và ít nhiều nghĩ ngợi ở đôi mắt đăm chiêu-- mặc dầu bưởi thiếu thời, từng trải qua lắm cảnh phong sương, nhưng con người anh lúc nào cũng tỏ vẻ vui vẻ, trẻ trung.

 "Bốn mươi năm lăn lộn trong nghề, anh đã chán cái nghiệp báo chưa ?"

Anh lơ đãng nhìn lên trần: 

- Anh đã nói đến cái nghiệp, thì có chán cũng phải làm sao cho đừng chán. 

" Nhưng có khi nào anh chán thơ không?"

(anh rít mạnh một hơi thuốc lào, một tin vui hực lên ở khóe mắt) - Người ta có thể chán giàu sang, người ta có thể chán đàn bà; nhưng người ta không thể chán thơ được. 

" Tại sao thế anh?"

- Vì nàng thơ là một nhân tình trẻ mãi không bao giờ già, một người nhân tình không bao giờ phụ ta; và lúc nào cũng sẵn sàng để an ủi, vỗ về ta (rồi anh như chìm vào quá khứ).  Đời tôi lúc trẻ cũng lắm gian truân. Nhà nghèo, cha mẹ mất sớm, bỏ xứ vào Sài gòn làm báo, rồi dạy học, thất nghiệp 3 năm; xuống núi Sập đập đá, không tiền đóng thuế thân, bị bắt giam ở Long xuyên.  Ra khám vài tháng, sau thì bị giam ca-sô; rồi giải về nguyên quán vì bị tình nghi chính trị.

"Chắc lúc nằm co trong khám, nàng Thơ đã đến vỗ về, an ủi anh."

(anh gật đầu) - Để tôi ngâm anh nghe bài thơ kỉ niệm thời niên thiếu, làm trong khám Long xuyên, thu năm 1921.

" Anh cho biết tựa đề?

-Tựa đề thật thà lắm ' Không thẻ thuế thân, bị giam 2 tháng'.  Và đây ít cầu thơ, tôi làm theo thể lục bát : " Nắng mưa trời có bốn mùa /  Riêng tôi cảm thấy một màu xám đen / Chữ 'nghèo' đi với chữ 'hèn' / Một bên đói lạnh, một bên khám đàng /  (...) Lao tù tạm chốn nghỉ ngơi /  Vững lèo đâu ngại biển đời phong 
ba /  Sinh ra, trời há phụ ta ."

(anh dứt lờ i--  tôi nghĩ thầm:" Trời quả chẳng phụ người trai xứ Quảng này
 thật !. Chưa 40 năm qua mà người không tiền đóng giấy thuế thân ấy, nay dư cất một rạp chiếu bóng vài chục triệu, và sống đời một ông hoàng nho nhỏ ...".

"Thế còn khi thất nghiệp, lê giày khắp vỉa hè Sài thành, anh cũng thơ với thẩn?"

(để trả lời anh ngâm tiếp )

 -  " Cả ngày kiếm việc, mồ hôi toát / Ai biết thiên đường ở vỉa hè ? / Không sợ, không lo quân trộm cướp /  Kẻ nghèo giấc ngủ khỏe khòe khoe."

" Thế giờ giấc ngủ của anh có khòe khoe không ?"

(anh đáp lại bằng cách rít mạnh một hơi thuốc lào và nhẹ khói, nhẹ nhàng. Tôi bèn hỏi ngả khác )

" Anh có nhớ anh bắt đầu làm thơ lúc nào không ?"

- Hồi còn nhỏ anh à.  Khi đi học chữ Hán với các ông Phạm Liệu, Đinh văn Chấp.

" Chắc những bài thơ đầu của anh là ..."

- ... những bài thơ tình.

" Rồi kế đó?"

- Kế đó, tôi bỏ quê hương, sống đời giang hồ, tôi làm thơ cách mạng.

" tại sao lại có sự chuyển hướng đó, anh ?"

- Vì đã lớn khôn, vì sinh ở nơi vốn là một trong những lò cách mạng của dân tộc, vì đi ra được thấy, được nghe ...

" Và sau ..."

- sau thì là thơ xã hội...

" Có phải vì lúc đó anh ' kiếm cơm từng bữa ... toát mồ hôi ' ?

- Phải,  Hoàn cảnh xã hội và thân thế mình ảnh hưởng mạnh đến thi văn của mình.

" Còn như giờ, khỏi lo đến cái ăn, cái mặc, thì ..."

-Tuy ở cảnh sung sướng, nhưng tôi không quên những hồi đau khổ' vả lại, nhìn quanh mình, biết bao cảnh chẳng vui.  Còn văn thơ của tôi, nào phải của tôi hết đâu, nó là của Sông, Núi nhiều hơn.  Anh nhớ câu thơ cổ này chứ ?  " Văn vô sơn thủy vô kì khí /  Nhơn bất phong sương vị lão thành."

" (chợt nhớ đôi điều, tôi vội hỏi ) " Tôi nghe các [vị] học giả có nói, khoảng 1934, lúc Phạm Quỳnh được vời làm thượng thư triều đình Huế, ông Marty, giám đốc sở Liêm phóng Đông dương [sở Liêm phóng: nay sở Công an], có tỏ ý mời anh làm tham tri, mà anh từ chối; vì anh thấy cây bút của nhà báo quí hơn cái mũ cánh chuồn của kẻ làm quan.  Xin anh cho biết thêm chi tiết?" 

(anh phất phất bàn tay) -  Thôi, tôi xin anh ' chuyện muôn năm cũ, nhắc chi bây giờ'. 

(tôi xoay câu chuyện ) "Anh có nói hoàn cảnh có ảnh hưởng đến thi văn anh.  Vậy chớ lúc anh chị tặng độc giả các kì quan cùng tranh lịch sử, có thơ đề,  vịnh ở mỗi bức tranh; chẳng hay tác giả những vần thơ đó có phải là của anh chăng?"

(anh cười nhè nhẹ, mặt anh tươi vui, và anh trẻ đi [khoảng] 10 tuổi)- Tôi cũng có mà anh Thanh Phong cũng có.  Nếu khi không, anh bảo tôi " đề Vạn lý trường thành', vịnh 'Đinh tiên Hoàng' , thì tôi chịu.  Nhưng gặp lúc báo ra, tranh ảnh
sẵn; thì hứng có ngay.  Tôi đọc anh nghe bài đề cảnh trước : "Xây lên Vạn lí trường thành / Tần Hoàng đâu biết tội mình muôn năm ! / Trường thành sức mạnh bao lăm / Sao không biết lấy dân tâm làm thành?"  Gần đây, anh nghe tôi vịnh 'Đinh tiên Hoàng' :" Oai nghi trên kiệu rế /  Chễm chệ trước cờ lau /  Khí phách từ khi nhỏ/ Vua mà thằng chăn trâu /  Dưới ngọn cờ Văn Thắng / Còn ai dám đương đầu ? / Bao sứ quân ngã gục / Vua mà thằng chăn trâu /  Quét sạch trời mưa gió /  Đạp bằng cuộc bể dâu/  Cứu dân trong nước lửa / Vua mà thằng chăn trâu ! ". 

(nhìn anh say sưa đọc thơ, quên cả người đối diện, tôi như quên hẳn mái tóc điểm sương, khi mới gặp; mà chỉ thấy một tâm hồn còn thừa sức để mà say đắm với nàng Thơ, và với các nàng Tiên.  Tôi xin anh cho biết quan niệm anh về thơ .)

- Thơ phải dễ hiểu.  Chữ phải dễ, đừng dùng điển tích; hoặc có, thì càng ít càng hay.  Mình đừng quên rằng mình nói với người đồng thời.  Như ở đất Sài gòn này, đôi tình nhân xa nhau, người ở lại, kẻ bay qua mấy vạn trùng dương; thì không nên nhắc đến sông Tương, đến bến Tầm dương ở tận bên Tàu, vào thời xa lơ xa lắc nào; mà phải nói đến con sông Bến Nghé, bến đò Thủ Thiêm.

(tôi cười, nối lời anh) " hoặc phi trường Tân sơn nhất !"

(anh cười cười, nhấp miếng nước trà nóng, mơ màng một thoáng ) - Tôi còn có ý này. Hình ảnh gì người ta dùng, mình tránh đừng dùng.  Mình phải đem phần mình vào cái gì mình sáng tạo chứ.  Con của mình phải có cái gì của mình chớ.  Anh nghĩ thời nguyên tử, chúng mình mà ngồi lựa chữ, do vần; dệt từng câu
thơ như Nguyễn Du 150 năm về trước, là hỏng.  Nô lệ cổ nhân -- dầu cổ nhân đó là bực thiên tài đi nữa -- cũng chẳng nên.  Mỗi thời có một cái hay của nó.  Vả lại Nguyễn Du chỉ hưởng được một nền văn hóa Việt và Trung hoa, từ xưa tới đời ông thôi  -- còn bọn chúng ta, giờ còn hưởng thêm 150 năm nữa; lại ngoài văn hóa Hán , Việt -- ta còn thu thập tinh hoa[ văn hoa] của Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Nhật ... Sao ta lại 'sợ' một Nguyễn Du, mà cứ lo cóp ý, cóp lời ông ấy? Tôi làm thơ, có lắm câu bị các bạn cho rằng đã mượn của thơ Tây, thơ Tàu, nhặt ra, đó là sự bất ngờ. Như 2 câu: "  Thời gian mi hãy hay cho chăng/  Mang gió đông về với cỏ cây " -- có bạn cho tôi nhờ ' Ô temps! suspend ton vol' của Lamartine . Còn " Mưa tuôn giọt giọt vui mừng /  Bước vào mộng đẹp tưởng chừng cảnh tiên "  -- một bạn cho tôi dịch ý  câu văn Pháp ' Il pleut de la joie' .  Có người thân, cho tôi' lấy' của Tùng Viên để biến làm của mình ' Phải chi minh hóa ra sao /  Nước, sao lấp lánh ôm nhau đêm dài'. Thật ra, thì đó là một cuộc gặp gỡ tình cờ.  Chớ lấy của người làm của mình, thì tôi không bao giờ làm."

" Anh làm thơ, hẳn dễ dàng như làm báo ?"

( anh nhìn toi) - Ai bảo với anh làm báo dễ? Nghề nào, nghệ thuật nào cũng có cái khó của nó.  Với tôi, làm thơ, cực, cực; thật là cực.

" Cực như gì , anh?" 

-Cực như đàn bà đẻ.  Mà còn đau hơn đàn bà đẻ nữa kìa.  Nhưng làm xong thì sướng ghê...

" Sướng như gì, anh?"

- Không có cái  sướng nào sánh bằng.  Tiến bạc, nữ sắc, danh vọng đều không làm ta sướng bằng; khi làm xong một bài thơ đắc ý mình ôm ấp từ lâu.  Còn nhớ có lần tôi làm song một bài thơ, thích quá; tôi quên hẳn mình nằm bên cạnh một người đàn bà .

"... đẹp ?"

- Đẹp như mây... mùa thu...!

" Thế  anh làm thơ có mau không ?"

- Mau thì vài phút, lâu thì từ 3 ngày trở lên.   Tôi làm xong bài thơ về Phạm hồng Thái, dài 400 câu, 5000 chữ; hơn 1 tháng mới xong, xong rồi sụt đến 3
 ki-lô.

" Còn hứng đến, anh làm liền hay để đó ?"

- Làm liền chứ, kẻo mình quên mất.  Xong mới gọt rũa.

"  Thơ anh đăng, bị người ta chê, có tức không?"

-Tức cái gì anh.  Họ chửi, tôi cũng không khi nào buồn.  Mình đưa thơ lên mặt báo, hay in thành sách; thì nó đâu còn là của riêng mình nữa. 
(...)-tạm lược vài dòng- BT)

" Anh có định xuất bản thơ anh để góp một tiếng lòng với thiên hạ ?"

- May mắn hơn một số anh em đồng hội, đồng thuyền; tôi có đủ phương tiện, nhưng từ lâu tôi vẫn ngần ngại.  Gần đây, có một vài bạn thân thúc đẩy, nên tô sắp có chút quà ra mắt anh em. 

"Anh có thể cho biết tập thơ ấy.[tựa] gì?"

-' Tiếng bom Sa Diện', anh hùng ca, sẽ có 'Tâm sự ngàn thu, tho xã hội và thơ vịnh sử.  Tập thứ 3 là 'Hương tình'.

" Xin anh đọc cho nghe, ít câu thơ tình của anh?"

(đây là 2 câu tứ tuyệt) - "Anh hùng thời trước ai không dại / Có dại chăng là với mĩ nhân ."  (và 4 câu thơ mới)  " Mưa rỉ rã cõi lòng đầy tê tái / , Củ nỗi niềm, của đau khổ, của chờ mong / Mỗi giọt mưa là cả suối lệ lòng /  Đừng khóc nữa, ông sanh, đừng khóc nữa ...".  Nàng đọc 4 câu này cho tôi, tuổi tuy quá thời
' tri thiên mệnh'  -- mà tâm hồn trai tráng như một chàng tuổi trẻ sắp lên đường đi quân dịch . [quân dịch: nay nghĩa vụ.]

Tôi toan hỏi anh Nàng là ai, thì bóng chị hiện ra ở cửa, [ bà Bút Trà người to béo, phục phích, chỉ thua 2 chị em chủ quán Đô thành , bên  bờ hồ Gươm Hà nội trước 1954 mà thôi- BT) hỏi anh đôi việc về nghề báo.  

Tôi đứng dậy cáo từ anh chị. Một mình xuống thang lầu chung cho dãy phố đối diện chợ Bến thành mà không khỏi bâng khuâng-- hồi tưởng lại một chiều nào, cùng ai ái ngại lên thang lầu này,  để đến nơi mình vừa từ giã, lúc ở Trung [bộ] hồi cư về, mươi năm về trước. [ tòa soạn báo SAIGON MỚI ở trên lầu 1 căn phố , xưa tên đường Colonel GRIMAuD ,  thời chính phủ Ngô đình Diệm, đổi tên đường PHẠM NGŨ LÃO, cho đến bây giờ -BT.] 
[]

    NGUIỄN NGU Í viết lại.

     (tr. 77-  83 Bách khoa số 122, ra ngáy 1-2-1962.)





                                       

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét