Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013
một mình một ngựa - nguyên sa - 9
một mình một ngựa /
phê bình tham bác và trở về nguồn
nguyên sa
Thân gởi ...,
Nguồn, tốt lắm. Nguồn la gốc của thân, cánh hoa và lá. Nguồn là khởi đầu của dòng sông. Nguồn là mang nặng đẻ đau . Chim muông có nguồn của chim muông. Thảo mộc có nguồn của thảo mộc. Dòng sông luân lưu, nguồn của nó trong suối tinh khiết . Núi đá bất động, nguồn của nó trong những trở mình của những lớp Thái cổ của địa cấu xưa. Nguồn của sinh vật và hiện tượng thiên nhiên, ở đằng trước mặt đó , hãy để nguyên ở đó cho các nhà khoa học thực nghiệm, vật lý học và thiên văn học, hóa học và thảo mộc học, sinh vật học và cổ vật học. Hãy xây dựng lại . Hãy nghìn cái nguồn đó. Cái nguồn của dân tộc. Cái nguồn của văn hóa . cái nguồn của văn nghệ. Khó nhìn lắm. Anh này nói thế. Anh có lý. Trông lờ mờ quá ! Anh kia nói như vậy. Anh kia không nhầm. Các anh có thể tiếp tục hỏi những cái nguồn đó, phải tìm kiếm trong cuộc đào sới nào , với những dụng cụ tăng cường tầm quan của giác quan như thế nào ? Tôi cũng biết như thế. Tôi cũng biết trong những việc này chẳng có dụng cụ nào, dù gọi là kính hiển vi hay kính viễn vọng, chẳng có cái nào dùng được cả. Những nguồn này khó nhìn thấy lắm. Nó không có hình thể. Nó không có mầu sắc. Không sờ mó được. Không cầm trên tay như giấy bạc được . Không bay ra trước mặt như co ốc được. Không vang dội bên tai như chất nổ được.
Nhưng đấy nó vẫn có, vẫn đứng ở đấy. Cái nguồn ngạo nghễ của dân tộc. Cái nguồn trầm lặng của văn nghệ. Vẫn có. Vẫn đứng ở đấy.
Sự có mặt vô hình của nó chẳng nhận được bằng mắt, chẳng nghe dược bằng tai, chẳng cảm được bằng tay ; nhưng, vẫn nhìn được, vẫn nghe được, vẫn cảm được. Bằng tâm hồn. Bằng sự cảm thông mở lớn. Bằng buồn bã và mừng vui. Bằng thống khổ và hân hoan. Trong vinh quang và nhục nhã.
Các anh cứ để ý mà xem thỉnh thoảng, khi một số anh em chúng ta bỗng bỏ đi xa quá, bỗng Tây quá hay Tàu quá, Mỹ quá hay Nga quá; liền có ngay một số người lên tiếng đau sót gọi trở về nguồn.
Thỉnh thoảng trong những ngay tháng cùng cực lớn lao của đất nước, vì thống tri, vì thiên tai, vì chiến tranh, vì nghèo đói; chúng ta chẳng ai bảo ai, có lúc đêm nằm, có lúc thức giấc, bỗng nhớ đến những vinh quang ấy. Vinh quang Phù Đổng Thiên Vương. Vinh quang Trần Hưng Đạo. Vinh quang Nguyễn Huệ. Vinh quang chắc nịch của ngựa sắt, vinh quang nhọn hoắt như cọc, vinh quang tiến về phương Bắc, bây giờ ở đâu mà chúng ta đau sót như thế này, buồn bã như thế này !
Lần khác, khi đang đi, trở ngại lớn hiện ra. Hòn đá chặn đường và dòng sông. Vực thẳm và núi non. Chúng ta cũng kêu gọi đến nó. Gọi cái nguồn giàu có của kinh
nghiệm , của dĩ vãng, của lịch sử.
Cũng như hiện tượng thiên nhiên động vật; cũng như đại thể là nhân loại, cũng như biển lớn là văn minh và văn hóa , tác phẩm của một người làm văn học nghệ thuật bao giờ cũng có cái nguồn. Những tay như Chénier, nói trắng ra là chúng tôi chủ trương
" bình cũ rượu mới " có cái nguồn đã đành đi rồi. Nhà phê bình tham bác đồng ý lắm. Chúng tôi xin tìm kiếm ở đó.
Nhưng ngay cả với những tác phẩm mới lạ ghê lắm, trông như đảo lộn toàn diện, làm như lật đổ tất cả mọi trật tự sáng tạo, gạt bỏ mọi định luật văn nghệ, những tác giả này cũng có một cái nguồn. Có nhiều tay nhất định mang lại tác phẩm hoàn toàn của nó. Thi sĩ này không dùng bất cứ luật lệ âm thanh nào của thi ca cổ điển. Nhà văn kia ném ra một đề tài táo bạo. Những người thứ ba thực hiện một kỹ thuật mô tả tâm lý hoàn toàn lạ tuyệt đối ngoại quan, như một Steinbeck , xóa bỏ đi dĩ vãng của nhân loại như một Beckett. Tác phẩm làm chấn động này cũng có một nguồn gốc. Tiểu thuyết mô tả động tác và đối thoại, loại bỏ vĩnh viễn nội quan của những nhà tiểu thuyết Huê Kỳ chẳng hạn, không thể không có liên hệ với sự tiến bộ của tâm lý học, với sự xuất hiện của những tâm cử thuyết của những Watson.
Các triết gia thường đề cập tương quan giữa một người sáng tạo và dĩ vãng văn hóa một cách tổng quát. Edouard le Roy xác nhận rằng : "... không có thiên tài nào không có tiền bối ". Gaston Bachelard nói : " tư tưởng luôn luôn là tư tưởng chống lại một cái gì ". Nhưng chống lại, tức là tiếp nối nó bằng một hình thức khác, bằng một đường lối khác. Phải có nó mới chống nó . Phải biết nó, quan tâm đến nó, suy tư về nó kịch liệt lắm mới chống nó.
Các nhà phê bình tham bác cũng cho rằng việc tìm kiếm nguồn gốc của tác phẩm tìm kiếm mối liên hệ giữa tác phẩm này và những tác phẩm trước đó là cần lắm, nên làm. Và họ xác nhận thêm rằng nguồn của tác phẩm không phải chỉ là những tác phẩm đến
trước mà còn phải kể đến cả cuộc đời người làm nghệ thuật, nền giáo dục mà nó đã hấp thụ , xã hội trong đó nó sinh sống. Tìm hiểu tác phẩm, chúng tôi phải tìm hiểu tất cả những liên hệ đó. Liên hệ với cuộc đời, với giáo dục, vơi xã hội nói trong những thư
trước rồi. Bây giờ chỉ nhìn kỹ vào cái liên hệ giữa tác phẩm và tác phẩm. Riêng cái khía cạnh này cũng vất vả lắm.
Trong một tác phẩm có hơn một thứ để tìm kiếm. Đề tài của tác phẩm có cái nguồn của đề tài. Một ý tưởng lẻ loi trong tác phẩm co cái nguồn của ý tưởng. Kỹ thuật mô tả kỹ thuật đối thoại có cái nguồn của kỹ thuật. Có cái thành ngữ cũng có nguồn gốc của thành ngữ. Có cái nguồn của " mắt hồ thu ". Có cái nguồn của " buồn vô cớ" . Có cái nguồn của " buồn nôn " của ' hư vô". Chúng tôi tìm kiếm tất cả những cái nguồn đó.
Tìm kiếm không phải với cái ý định xấu , mất dạy, đểu giả, sỏ xiên người làm văn nghệ . Bởi vì, như đã nói, nhà văn bao giờ cũng có một liên hệ nào đó với một dĩ vãng nào đó, hoặc ý thức, hoặc vô thức. Tìm nguồn gốc để nắm vững người sáng tạo này sau khi hấp thụ cái ảnh hưởng kia đã biến đổi ra làm sao . Nhựa hút từ lớp đất màu mỡ đã được tinh luyện để mang lại hoa thơm nào, lá biếc nào.
Có đối chiếu với màu mỡ mới biết chất gỗ nào quý giá bao nhiêu. Có đối chiếu vơi nguồn gốc mới biết tác phẩm độc đáo bao nhiêu .
" Đoạn trường tân thanh " của Nguyễn Du, dòng sông lớn đó khởi từ những con suối nào ? Nguồn cua tác phẩm thi ca, đó là " Ngu sơ tân chí " của Dư Hoài hay" Kim vân Kiều truyện " của Thanh Tâm Tài Nhân ? Hay cả hai ? Nhiều người nói là Thanh Tâm tài nhân. Không biết. Nói thế thì biết thế . Cần coi lại kỹ . Coi 2 tác phẩm đặt cạnh nhau. Coi từng đoạn và từng đoạn. Câu cuốn này và câu cuốn kia. Có người nói rằng tác phẩm của Nguyễn Du không phải là tác phẩm của trí tưởng tượng. Vì là sự diễn tả lại tác phẩm đã có rồi. Các nhà phê bình tham bác, nếu khảo cứu về văn chương Việtnam, sẽ nói : "... Chúng tôi không chịu như thế ." Một đoạn văn ngắn mà tả thành dái, ấy kìa, sự bay nhảy của trí tưởng tượng. Một sự việc khô cứng bỗng được vây bọc bởi nhung lụa của những tình cảm hoa lá, của rung động ; đó là trí tưởng tượng. Sự kiện được biến hình thành đối thoại, tâm sự rườm rà đươc cô đọng lại thành nét đơn sơ, ấy là trí tưởng . Phải đối chiếu kỹ lưỡng màu mỡ dĩ vãng và hoa lá hiện tại này mới biết được độc đáo bao nhiêu, mới thẩm định được khoảng rộng của trí tưởng. Phải đối chiếu. Không phải chỉ đối chiếu tổng quát toàn bộ 2 tác phẩm. Mỗi đoạn và mỗi đoạn. Mỗi dòng và mỗi dòng. Mỗi dị biệt nhỏ bé đều được ghi nhận đến nơi đến chốn. Đó sẽ là nhũng chứng liệu khách quan nói lên kích thước của sự sáng tạo của họ Nguyễn.
Và nguồn gốc không phải chỉ có một cái. Như sông bao giờ cũng làm thành bởi nhiều con suối, bơi cơn mưa chợt đến, những ngành tụ về tác phẩm văn học nghệ thuật không phải chỉ có một nguồn. Không được đơn giản hóa sự tìm kiếm. Nguồn của tác phẩm không phải chỉ có một mà có nhiều. Không phải " nhất nguyên " hay " nhị nguyên " mà đa số nguyên, Nguyễn Du không phải chỉ có liên hệ tư tương với Thanh Tâm Tài Nhân. Còn những người đồng thời. Còn những người đi trước. Điển cố được dùng tới trong
" Đoạn trường tân thanh " chắc chắn không đến tất cả từ " Kim Vân Kiều truyện ".
Thật ra, ước vọng tìm được " tất cả mọi nguồn " của tác phẩm là một việc khó quá. Ước vọng đó là lý tưởng, là sự bền vững thường trực chẳng thể có của đam mê. Nhưng đấy, chúng tôi cứ ao ước như thế. Ước ao cái to lớn để còn lại cái vừa, chỉ tìm cái vừa sẽ còn lại cái xoàng, chỉ tìm một nguồn rồi chẳng còn gì cả. Tìm tất cả các nguồn gốc, nếu chẳng đạt tới được, nếu chẳng cắt nghĩa được thiên tài, thì ít ra cũng tô đậm được một vài độc đáo của tác phẩm .
Thân ái,
nguyên sa
( 1932 - 1998 Hoa Kỳ )
( Một mình một ngựa / Nguyên Sa / Nhân văn xuất bản, Saigon 1971 - tr. 53 )
Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2013
một minh một ngựa - nguyên sa - 8
một mình một ngựa / phương pháp tham bác 8
nguyên sa
Thân gửi...,
Danh từ học giả chúng ta đều biết cả. Tước hiệu này trong ngôn ngữ Việtnam, nói lên sự quý giá to lớn chỉ định đỉnh cao nhất của những ngọn cao trí thức. Những danh hiệu cử nhân, tiến sĩ, thạc sĩ đứng cạnh " học giả " trở nên thấp bé, kém, xoàng. Những cái trên là những ngọn đồi, những con sông, suối nước, cái dưới là núi, là biển. Lý do đơn giản lắm. Thi cử mang lại bằng cấp cử nhân , tiến sĩ, thạc sĩ. Thì cũng vất vả, biết rồi; nhưng thi mãi cũng phải đỗ. Còn học giả không có cái vấn đề thi cử . Không co nước nào tổ chức cuộc thi kỳ cục đó cả. Anh cứ việc nghiên cứu cẩn thận, biên soạn đúng đắn, nghiêm chỉnh- một buổi đẹp trời, thường xảy ra, khi anh đã gài yếu lắm, có khi đã đi ra rồi; đời chẳng ai bảo ai, sẽ gọi anh bằng cái tước hiệu đó. Chớ có dại dột tự nhận cái danh hiệu đó. Chớ có in d anh thiếp để tùm lum ở dưới là
" học giả ". Khôi hài lắm ! Làm thế, anh sẽ bị đời cho vất vả ngay, bị biến thành đối tượng củ sự chế riễu khoái trá. Trần Trọng Kim, học giả đúng quá ! Tác giả " Lý Thường Kiệt " và cuốn " Danh từ khoa học " * đầu tiên, cũng được. Công các vị nhi nhô bây giờ bây giờ tự nhận loạn lên cái tước hiệu đó, xin lỗi . Đệ từ từ giùm. Đứng co đưa tay ra cầm tự tiện, bất tiện lắm.
-----
* Hoàng Xuân Hãn ( TP)
------
Trong ngành phê bình văn học , danh từ " học giả " được dùng để chỉ định. G. Lanson và những nhà phê bình đi theo con đường nghiên cứu của ông. Đó là cái môn phái áp dụng cái lối phê bình tham bác. Cái phương pháp này , một loại phê binh nổi bật của ngành phê bình khoa hoc, đòi hỏi sự làm việc ghê lắm, sự tìm kiếm kỹ lắm.
Sự tìm kiếm kỹ của chúng tôi không phải là căn bệnh chẻ sợi tóc làm 4, 5 mảnh nhỏ, không phải là căn bệnh " cận thị trí thức " thich vẽ với, bay lượn trong chi tiết. Các nhà phê bình tham bác nói như thế. Chúng tôi muốn nhằm vào cái mục tiêu tìm hiểu tác phẩm để có thể xác nhận đúng đắn giá tị của nó. Nhưng, chúng tôi lỡ thấy việc tìm hiểu khó quá khúc mắc,phức tạp lắm, cho nên chúng tôi [xem xét] rất kỹ. Cũng được chứ gì. Còn kỹ thế nào, kỹ, là làm những gì, thì đây là vài cái kỹ.
Tất nhiên, chúng tôi tìm hiểu ề cuộc đời tác giả như những tay phê bình khoa học tiên khởi, những Taine, những Villemain mà ácc anh đã biết. Nhưng ngay như vấn đề cuộc đời của tác giả này, chúng tôi cũng tìm hiểu thật cẩn thận bằng phương pháp của sử gia. Chúng tôi tìm kiếm những sự kiện, chỉ sự kiện thôi, tức là chỉ những cai thật sự xảy ra thôi.
Bởi vì, các anh còn lạ gì; cuộc đời nhà văn cũng như sự kiện lịch sử luôn luôn bị bóp méo, bởi những kẻ đến sau. Cuộc đời nhà văn cũng như sự kiện lịch sử, với sự hỗ trợ của thời gian, được vây bọc thường trực bởi những lớp sương mù ngụy trang, gọi là huyền thoại, nhân chứng - bao giờ cũng gồm có 2 loại người. Những người yêu tác giả và những kẻ thù ghét nó. Hào quang thần thánh của cuộc đời nó, với người này chỉ là bùn đen với người kia. Hào quang thần thánh và bùn đen bần tiện, chúng tôi nghe kể lại hết, ghi nhận hết, nhưng nghe một tai thôi, ghi nhận, để rồi xét duyệt lại đến nơi đến chốn. Để rồi đi tìm cái cuộc đời thật . Cái cuộc đời vẫn thần thánh mà vẫn lấm bùn, cái cuộc đời có vết đen thô kệch mà vẫn có ánh sáng bay lượn. Chúng tôi không để cho xúc động, gọi là tình yêu tô hồng, hay, sự thù ghét bôi đen. Ngay những trang nhật ký, những tự thuật mà tác giả viết về chính nó, cũng xin phép nghi ngờ. Bởi vì, khi cái tôi nhìn ngắm cái tôi chẳng bao giờ không có những âu yếm, những vuốt ve lẩn khuất ở đây, ở đó. Hơn nữa, biết được chính mình, khó lắm ! Cái ta mà ta thường thấy rõ ràng cầm chắc chắn, nhiều khi chỉ là một ảo tưởng chua xót, có thể là ước mơ, co khi là luyến tiếc. Tìm kiếm như thế và khi cuộc đời đích thực của người ta sáng tạo bắt gặp được rồi, cuộc đời có ước mơ thần thánh, có ăn ngủ tầm thường đó sẽ chiếu vào tác phẩm lớp ánh sáng quý gái vô cùng.
Và chúng tôi không phải chỉ tìm hiểu về cuộc đời. Để hiểu được các tác phẩm, còn phải làm bao nhiêu việc khác.
Chúng tôi cầm lấy bản văn, kiểm soát, trước hết xem mó có đúng tác giả không đã. Rồi xét xem lúc sinh thời của nhà văn, tác phẩm được in đi in lại bao nhiêu lần. Mỗi lần sửa chữa ra làm sai, đổi thay như thế nào. Còn việc này nữa. Nếu tim được bản thảo, phải lập tức đặt ngay cạnh bản in. Sự dị biệt giữa bản thảo và bản in, giữa bản in lần thứ 1 và những lần kế tiếp quan hệ lắm. Nó cho ta thấy sự suy tưởng của tác giả, tâm hồn của tác giả. Chớ còn gì nữa. Có suy tưởng như thế này mơi đổi thay như thế kia, có nghĩ ngợi đến việc này, việc nọ mới sửa lại dòng trên dòng dưới. Sự đối chiếu đó sẽ cho ta thấy cái văn bản phản ảnh trung thật nhất cái tài năng mà ta muốn tìm hiểu để phán đoán.
Thấy được cái bản văn đó là 1 giai đoạn quan trọng được vượt qua, nhưng chưa
xong . Còn phải đọc từng chữ, rồi cả câu, mỗi trang, và mỗi chương, toàn bộ cuốn sách với lời mở đầu và dòng phụ đính. Cái sự đọc đó được chuẩn bị tinh vi được rèn luyện thật lực. Phải nắm vững cáo văn phạm riêng biệt của từng thời đại, riêng biệt của mỗi tác giả. Phải nắm vững ngôn từ, danh từ, tĩnh từ, trạng từ của mỗi átc giả.
Chữ nghĩa nó như thế đấy ! Cùng 1 chữ, những thời đại khác nhau mang lại những ý nghĩa khác nhau. Cùng 1 danh từ ,2 người dùng 2 nghĩa , 5 người dùng 5 nghĩa, đúng lúc mở đầu câu nghĩa đen dùng ở tận cùng nghĩa trắng. " Bác Dương thôi đã thôi rồi !" Tại sao lại bác Dương ? Tại sao không bác Khuê ? tại sao không thôi đã về rồi . Sự điệp âm là non kém trông thấy hay nói lên cảm xúc to lớn đến không dám gọi đối tượng cảm xúc bằng tên. " Biết rồi " trước " biết rồi khổ lắm nói mãi " của Vũ Trọng Phụng có 1 nghĩa - Vũ Trọng Phụng có 1 nghĩa khác.
Nếu đột nhiên, sau khi 1 tác giả từ trần, 1 tác phẩm chưa hề in của tác giả được in ra thì tốt lắm. Phải nhìn cho kỹ tác phẩm đó > Mỗi tác giả nhất định là yêu mến sách vở của nó lắm. Những người văn học nghệ thuật còn lạ gì cái tình cảm này. Sách viết xong là phải mang in. Khuôn đầu vừa xếp xong, đã nghe lời giục giã, mau lên chứ ! Mong cho chóng ! Mong lắm. Thế tại sao lại đành lòng ra đi chẳng nhìn mặt đứa con tinh thần yêu mến đó. Có khi cái viết rồi mà không in lúc sống, đó vì, sợ nó sẽ gây nhiều sóng gió, nhiều phản ứng quá. Có thể đó là những mẩu tác phẩm vụn vặt bỏ quên ở đây, ở đó, như những kết quả của những phiêu lưu tình ái chẳng thể ôm đang . Có thể đó là một chúc thư nẩy lửa ném ra khi đi rồi mới gây ra được tác dụng cần và đủ, mới làm được thành tích tia lửa mồi vào nhiên liệu. Có thể đó là di tích của thuở thiếu thời, thuở học trò lần đầu cầm bút, viết rồi, như thừ tình, đã "mang thầm trong túi áo" nhưng chẳng dám đưa . Cũng có thể đó là những lá thư trao đổi giữa người sáng tạo và một bạn văn, giữa người sáng tạo và một gia đình hay người yêu của nó. Là cái gì cũng quý. Cái cất giấu đó là cái bộc lộ, là cái soi sáng, là tấm màn mở lớn cho thấy rõ lắm cá tính ẩn nấp của átc giả.
Phê bình tham bác phải cầm ngay những quý gái đó thật kỹ. Đối chiếu no với toàn bộ tác phẩm, toàn bộ cuộc đời. Trước khi làm những việc khác. Nhiều việc khác .
Thân ái,
nguyên sa
( 1932- 1998 Hoa Kỳ )
( Một mình một ngựa / Nguyên Sa / Nhân văn xuất bản< Saigon 1971- tr. 41- 47 )
Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013
một mình một ngựa - nguyên sa - 7
cuộc đời và tác phẩm
bài : nguyên sa
Thân gửi...
Tìm hiểu ý nghĩa đích thức của tác phẩm , nhìn đúng nó, chớ đừng lẫn lộn nó với cái không phải là nó, để có thể thẩm định giá trị của một tác phẩm một cách đúng đắn, được rồi . Tốt lắm . Nhưng tìm hiểu như thế tức là phải làm những công việc gì ? Phải làm gì trước, phải làm gì sau ?
Trong dòng lớn của lịch sử văn học nghệ thuật, tiếng nói đã được cất lên. Ta sẽ lần lượt lắng nghe tiếng nói lớn và tiếng nói nhỏ, những dõng dạc và những thầm thì, những con nước lớn và những dòng êm. Nhưng đây, cái tiếng nói này quen thuộc nhất. Mỗi đứa chúng ta đều nghe thấy nó hơn một lần. Trong giảng đường này và trong lớp học kia. Trong cuốn sách giáo khoa này và trong cuốn phê bình văn học nọ. Giảng đường và lớp học, sách giáo khoa và cuốn phê bình là những vang vọng của những âm thanh đến từ giọng nói của những Villemin, những Taine, những Brunetìère .
Giọng nói đó đại khái như thế này. Muốn tìm hiểu tác phẩm phải biết về cuộc đời. Chớ còn gì nữa. Tác phẩm không phải từ hư vô mà đến , không phải ở trên trời rơi xuống, không phải con thỏ nhẩy ra một cách bí hiểm từ chiếc mũ của nhà ảo thuật. Nó là hậu quả của một số nguyên nhân, náo là con đẻ của một người. Thế thì ta phải tìm hiểu về con người đó, cái sinh hoạt gọi là tác giả của tác phẩm đó; cái nguyên nhân của cái hậu quả của nó. Cái tương quan quan giữa nguyên nhân và hậu quả, các anh còn lạ gì nữa ? Phải có nguyên nhân mới có hậu quả. Nguyên nhân tăng thì hậu qủa tăng, nguyên nhân giảm thì hậu quả sẽ giảm bớt. Tạo ra nguyên nhân, nhà khoa học liền thâu lượm được hậu quả như ý muốn ! Loại trừ nguyên nhân là gạt bỏ hậu quả ngay tức thì. Đó là cái bí quyết ghê gớm của những nhà phù thủy tân thời gọi là khoa học. Linh nghiệm ghê lắm. Áp lực không khí tăng cường lập tức, nước trong ống bờm lên một độ cao đang kể. Có nhiệt là nguyên nhân không thể nào không đưa tới cái hậu quả là làm sao cho kim khí dãn nở. Linh nghiệm ghê lắm. Trong văn chương nguyên nhân trực tiếp của tác phẩm là người làm ra tác phẩm. Nó viết cả ngày cả đêm, nó viết năm này tháng khác. Nó là nguyên nhân chứ còn ai vào đây nữa. Thế thì phải tìm hiểu về nó. Phải hiểu được cái nguyên nhân có xướng có thịt đó mới hiểu được những bay nhảy của những mẫu tự kia, những âm thanh nọ. Và tìm hiểu những nguyên nhân có xướng có thịt đó, tức là tìm hiểu về cuộc đời nó. Nhà phê bình khoa học cấy tiếng dõng dạc như thế. Để có thể hiểu được tác phẩm, trước hết, chúng tôi tìm hiểu cuộc đới tác giả. Chúng tôi tìm hiểu xem nó ăn ra làm sao, ngủ ra làm sao, học lực bao nhiêu, cuộc đời tình ái sôi nổi như thế nào, đối đãi vói vợ con có tử tế không . Những thứ đó là nguyên nhân của tác phẩm. Phải thấy chúng mới hiểu được tác phẩm. Muốn hiểu những bài
thơ nói rằng thi trượt thì buồn lắm của Tú Xương, của Nguyễn Công Trứ, cần biết những nhà thơ đó đã thi cử ra sao , trượt tất cả bao nhiêu lần. Muốn hiểu những vùng vẫy ngang tàng trong thơ Cao Bá Quát, cần phải tìm hiểu con người nổi loạn bằng xướng, bằng thịt đó. Cứ thế mà tìm. tâm sự của cô Kiều chính là tâm sự của Nguyễn Du. Hiểu được tâm sự người đàn ông này ,. thì hiểu được rung động của ngươi đàn bà kia. Biết được tình trạng thị gíac của Nguyễn Khuyến , mới thưởng thức được tại sao lại có
câu : " xem hoa bằng mũi ". Hãy tím hiểu tất cả những cái đó. Hãy cùng với họ Nguyễn cầm tay người bạn thiết họ Dương . hãy ăn cao lâu và xuống thăm chị em ta với họ trần đất Vị Xuyên. Hãy uống một chung rượu với nhà thơ núi Tản, hãy đi theo tác giả
" Bướm trắng " sang Tàu, hãy đến thăm " Sở Phi-Năng" của Tú Mỡ, hãy ngồi im trong phòng ghi âm, nơi làm việc hàng chục năm của Đinh Hùng . Đúng thế, phải nhìn thấy Mai Thảo trong đêm vũ trường , trong cuộc tình ái tuổi trẻ ấy, mới thấu được ánh đèn và âm nhạc nhức nhối ở đây. ở đó, trong truyện dài, truyện ngắn; phải nhớ đến Chu Tử dạy học, trước khi làm báo . trước khi viết văn ; mới thấy được anh thầy giáo là tên Thức, tuổi trẻ của những Nguyên Hồng, những Nguyễn Thụy Long, những Duyên Anh , là những họa đồ, những kim chỉ nam, giúp cho ta thấy những nơi cần viếng thăm trong thế giới bỉ vỏ, những chiếc cầu, những dòng sông, những lớp học thời thơ ấu của quê hương thằng Vũ. Cứ thế mà kể dài dòng, mấy tháng cũng không hết ! Đây là Toàn Phong, người lính không quân và tác phẩm nói về phi trường. Trần Dạ Từ đam mê về thơ tình ái , Thế Nguyên trí thức công giáo tiến bộ và " Hồi chuông tắt lửa ". Hoàng Hải Thủy và thành phố Hà Đông yêu mến cũ.
Phải tìm hiểu kỹ lưỡng của mỗi người, để nắm vững tác phẩm của họ, là sứ mạng của nhà phê bình. Không làm được như thế , hiểu sai, trông gà hoá quốc, là phụ nhau to.
Và cuộc đời của mỗi người không phải là hòn đảo chơ vơ cô lập.
Các triết gia hiện đại sử dụng những chữ rắc rối, như " hữu thể nhập thể " , như
" être dans le monde " , đại ý muốn xác nhận, rằng, con người cô đơn hay cô lập là một khái niệm trừu tượng, không phản ảnh đúng thực tại khách quan. Thực tại cụ thể là con người luôn luôn ở trong một tập thể nào đó, một xã hội, một thế giới vũ trụ nào đó. Không có con người tách rời, con người chấm hết . Các nhà phê bình khoa học không lý luận sâu vào cái vấn đề con người với những khía cạnh độc đáo của nó, như các triết gia hiện đại đã làm, nhưng họ cũng nhìn thấy một vài điều - chẳng hạn, con người, mà tác giả của những tác phẩm văn nghệ là một, luôn luôn thuộc về một chủng tộc, một dòng dõi nào đó, luôn luôn sống trong một môi trường nào đó, luôn luôn đứng trong một thời đại nào đó. Nguyễn Du dòng dõi : " người làng Tiên Điền , gia đình khoa bảng " một môi trường thời đại : " thời Lê Mạt Nguyễn Sơ " . Tất cả những cái đó, những
" điều kiện" của đời người đó chính là " điều kiện" của tác phẩm.
Dòng dõi , môi trường, thời đại; phải tìm hiểu tất cả những cái đó. Nó là
" điều kiện " của tác phẩm, hiểu chúng là hiểu được tác phẩm. Hippolyte Taine nói rõ rệt như thế. Giấc mơ của tác giả " Philosophie de l'art" là một giấc mộng lớn. Hiểu đến nơi đến chốn tác phẩm. cắt nghĩa được tác phẩm. Và cắt nghĩa là gì ? Là tìm ra được mối liên hệ giữa những sự kiện đặc thù và những sự kiện tổng quát. Cái tổng quát này chi phối cáo đặc thù kia. Sức hút của trái đất chi phối mặt trời. Tìm được cái hấp lực trên là nắm vững được gia tốc của hòn đá đang từ đỉnh núi rơi xuống kia. Tác phẩm chính là cái riêng rẽ cái đặc thù. Định luật, cai tổng quát là sự chi phối của dòng dõi, môi trường thời đại đối với tác phẩm. Áp dung định luật tổng uát đó vào tác phẩm trước mặt này, ta sẽ hiểu được nó một cách đúng đắn.
Giấc mơ của Taine bây giờ chỉ còn là một ảo mộng. Trái bóng đã bay cao và đã vỡ.
" Trong một thư khác, chúng ta sẽ nhặt lấy nhũng mảnh tan tác ở đây đó, để nhìn cho kỹ, chuẩn bị cho một cuộc phiêu lưu mới ".
( còn tiếp )
Thân ái ,
nguyên sa
( 1932 - 2008, Hoa Kỳ )
( Một mình một ngựa / Nguyên Sa / Nhân văn xuất bản, Saigon 1971 - tr. 38 - 42)
Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2013
ly cà phê đen pha cyanur + cái chết chủ báo sáng dội miền nam : võ đức diên
Lời dẫn .- Thòi đệ 1 Cộng hòa / Việt Nam Cộng Hòa - kiến trúc sư Võ Đức Diên, quân cờ chế độ Ngô Đình Diệm, vừa làm giám đốc Nha Kiến thiết, xây nhà cho công chức, cao cấp đến công chức hạng xoàng, từng tổ chức ban kịch Anh Vũ + quán Anh Vũ vào 1957
( 57 Bùi Viện, Saigon 1) , bán cơm xã hội cho sinh viên, học sinh, buổi tối giao cho nhạc sĩ Phạm Duy tổ chức ca nhạc - xung quanh 4 bức tường gắn thiết bị mật để nghe trộm theo dõi sinh viên - kiêm chủ nhiệm báo Sáng đội miền Nam thuê chủ bút Lê Văn Siêu làm cai thầu, mua chuộc một số văn nghệ sĩ , bài vở trả cao giá , đôi khi
" quá giang " một bài tán tụng chế độ nhân vị xả thân yêu người, cứu nước Đảng Cần Lao / Ngô Đình Nhu. Tên kiến trúc sư hàng đầu vừa thiết kế , xây dựng, lại thi công một biệt thự nghỉ mát siêu đẳng, rất đắt giá ,của bà Ngô Đình Nhu , ở đường Yết Kiêu tại Dalat.
Sau vụ đảo chính đầu tiên , Dinh Độc Lập bị ném bom năm 1962, Tổng thống Diệm tạm rời đô sang Dinh Gia Long - người vẽ đường hầm thoát hiểm từ dinh Gia Long tới Nhà thờ Ngã 6 Chợ Lớn cho gia đình Diệm, nếu dinh Gia Long bị bao vây, tấn công, vẫn là kiến trúc sư Vũ Đức Diên bảo mật thiết kế .
Dư luận ồn ào sau cái chết đột tử : "... Chiều thứ bẩy 4-2-1961, anh V.Đ.D. còn đi ăn cơm với tác giả. Thứ ba 7-2-61 tác giả đi làm,đang ngồi trong bàn giấy thì được anh Lê Văn Siêu gọi giấy nói báo tin anh V.Đ.D. mất rồi ... "( theo H.T.Nhân ) - cùng một số công nhân thi công không trở về cùng gia đình , lại chẳng ai nhắc tới .
Tin hành lang, kiến trúc sư Diên hoàn thành nhiệm vụ, được cố vấn chính trị Tổng thống Diệm thưởng công, ông Ngô Đình Nhu đãi tiệc - ly cà phê đen sau cùng pha cyanur, trả ơn kiến trúc sư cung cúc tận tụy , công đầu của chế độ đệ I Cộng hòa Ngô Đình Diệm.
Từ đó, không còn ai nhìn thấy bóng dáng chủ nhiệm tạp chí Sáng dội miền Nam, kể từ sau ngày 7-2- 1961 .
Chủ soái nhóm Hàn Thuyên ( tiền chiến ) Nguyễn Đức Quỳnh nhắc tôi: , nếu có thời giờ, nên đi đưa tang kiến trúc sư nổi danh trong làng văn nghệ : Võ Đức Diên. Tôi lắc đầu , không biết, không quen , không thân , chẳng ân, oán, sao tôi lại phải đi đưa tang một kẻ vô danh ?! Chỉ bọn " văn sĩ hàng hai , ân tình , nghĩa trả, nợ đền ' :
"có thi ca, có chén rượu đầy, có khói thuốc, có sắc mầu hỗn loạn', lặng đứng bên mồ " - thì chúng nó độc quyền" thảy cục đất đen xuống nấm mồ quạ! "
Mời đọc một bài thơ , trung tá Phạm Xuân Ninh , ( giám đốc Đài phát thanh
Saigon ) qua bút danh Hà Thượng Nhân : " Khóc anh Vũ Đức Diên" - trích trong tập thơ trào phúng in chung : HÀ THƯỢNG NHÂN, CẢ TẾU, CH. SỐ DZÁCH, THỤY BẢO, TRẠNG ĐỚP xuất bản ở Saigon năm 1964, và chúng ta đồng lãm
"...Anh ơi ! Anh ơi! Anh ơi
Lũ chúng ta phỏng thử được bao người ?
Thằng viết, thằng đàn, thằng vẽ
Chẳng yêu nhau nỡ nào chia rẽ ? "
ĐƯỜNG BÁ BỔN
Saigon , Feb., 17, 2013.
khóc anh vũ đức diên
hà thượng nhân
Ta vừa gặp nhau
Buổi chiều thứ bẩy (*)
Đông đủ anh em,
Đùa vui biết mấy!
Sáng thứ ba ngồi trong bàn giấy!
Được tin anh mất rồi !
Tôi sững sờ nhìn kỹ lại tôi
Bè bạn cũ người còn, người mất.
Bốn chục năm vèo trong nháy mắt.
Ơi là cuộc sống phù du?
Nợ áo cơm trả quá công phu,
Máu nghệ sĩ bừng bừng huyết quản.
Anh Diên ơi! này bè, này bạn,
Sáng Miền Nam (**) mời nhóm Tin Yêu,
Nắm tay nhau chửa nói được nhiều!
Quán Anh Vũ (***) dân ca réo rắt.
Canh khuya về bỗng dưng lạnh ngắt,
Đèn đêm chòng chọc nhìn theo.
Ơ hay ! khổ phách nào gieo ?
Bước ca sĩ lầm lầm , lũi lũi.
Tiếng ca săng sáo, ai vừa đóng vội ?
Cuộc đời ! Cuộc đời ! Cuộc đời !
Tính ra chửa dứt một cơn cười,
Mỗi thể xác dựng mây trời cô đôc !
Ôi ! tung gió cánh chim hồng hóc
Chín ngàn hải lý là hư.
Bốn bề dọc ngang, ai lường sức kình ngư ?
Bộ xương trắng kiến giòi nhấm gặm,
Cứ khao khát vô biên mà cuộc đời hữu hạn.
Cho nên có chúng mình đây
Có thi ca, có chén rượu đầy
Có khói thuốc, có sắc mầu hỗn loạn.
Chăng thương nhớ để đánh lừa năm tháng
Dệt mê say để trốn nẻo hư vô !
Mai ngày đây tôi đứng lặng bên mồ,
Khoảng biên giới giữa người đi, kẻ ở
Chỉ gang tấc làm sao mà cách trở
Anh ơi ! Anh ơi ! Anh ơi !
Lũ chúng ta phỏng thử được bao người ?
Thằng viết, thằng đàn, thằng vẽ ...
Chẳng yêu nhau, nỡ nào chia rẽ !
Tháng năm không đủ buồn ư ?
Anh Diên ơi ! Qua tạm cõi mơ hồ ,
Tôi không khóc, lòng tôi bỗng khóc
Nắng vẫn reo vui, cỏ cây vẫn mọc .
Có gì thay đổi đâu anh ?
Ta ở, ta đi , đời vẫn vô tình,
Như là ta chửa bao giờ có mặt.
Tôi giở mảnh khăn, anh nằm bằn bặt,
Anh Diên đấy hở anh Diên ?
Trách gì xưa có người điên
Tầm thơ trong rượu mà quên sự đời .
thơ hà thượng nhân
-------
* Chiều thứ bẩy 4-2-1961, anh V.Đ.D. còn đi ăn cơm với tác giả. Thứ ba 6-2-1961 tác giả đi làm, đang ngồi trong bàn giấy thì được anh Lê Văn Siêu gọi giây nói báo tin anh V.Đ.D. mất rồi.
** Tờ báo Sáng Đội Miền Nam do anh V.Đ> D. chủ trương .
*** mấy chục năm về trước anh Diên đã tô chức một ban kịch lấy tên là Anh Vũ. Gần đây anh lại tổ chức quán văn nghệ Anh Vũ .
( Chú thích: Hà Thượng Nhân ).
Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013
thơ lý lan, thanh nguyên & lưu thị lương - nxb văn nghệ tp.hcm 1999 -
thơ lý lan, thanh nguyên & lưu thị lương
đường bá bổn giới thiệu
Lời dẫn .-
- ba người nữ viết văn làm thơ , đã có 2 tập thơ in chung, đây, tập đầu xuất bản năm 1999 tại Saigon
.- Lý Lan, nữ văn sĩ dạy học, từng tham dự International Writing Program ở Iowa , sau lập gia đình sống ở vùng Seattle ( Huê Kỳ ).
- Thanh Nguyên, nữ thanh niên xung phong, hiện quản thủ thư viện , thơ Thanh Nguyên rất hợp với khẩu vị thơ của tôi : " đúng là thơ hay ! " .
- Lưu Thị Lương, giáo viên dạy văn một trường trung học - cả ba là bạn thân của nhau , tôi có biết mặt, đôi lần trò chuyện , găp gỡ một lần trong bữa ăn tại nhà Lý Lan - và văn sĩ Sơn Nam từng viết tựa tập truyện ngắn đầu tay, khen Lý Lan, cô bé Tàu lai, bố Quảng Đông, mẹ Bình Dương : " văn độc đáo, hơi hướm flematique , nồng nàn tình cảm , " bí mật đàn bà " ẩn chìm , phải nhờ " acte manquée " S. Freud để khám phá ."
- tập thơ ' THƠ / LÝ LAN / THANH NGUYÊN / LƯU THỊ LƯƠNG - Lý Lan ký tặng họa sĩ Phan Diên + Bonnie Phan ở Huê Kỳ, đề ngày 15- 4- 1999, vẫn nằm trong giá sách Thằng Phải Gió đã 14 năm -
- tiện dịp đọc lại - xin phép - được phổ biến đôi bài thơ của ba tác giả nữ.
ĐƯỜNG BÁ BỔN
Saigon , Feb., 14, 2013.
1.- NGƯỜI ĐÀN BÀ VIẾT VĂN
thơ-văn-xuôi : Lý Lan
Mỗi người đều có phóng ngủ và phòng làm việc riêng nhưng Suchen và tôi dùng chung phòng tắm
Có lần chị mở cửa phòng tắm gặp tôi đang trần truồng đứng trước gương
Xin lỗi
Nhiều lần tôi gặp chị trong phòng tắm đang điểm trang nhuộm tóc xoa nắn những vết nhăn . Đừng tiết lộ nhé. Bí mật đàn bà.
Chúng tôi cũng xài chung nhà bếp
Đôi khi quá nửa đêm tôi vô bếp rót cho mình ly nước
gặp chị đang ngồi bên bàn với tách trà và quyển sách trong tay .
Tôi không biết
tại sao băng cách nàn tự bao giờ
người đàn ông mình ôm ấp suốt hai mươi năm trở thành
người đàn ông xa lạ dưới mái nhà mình trên giường mình trong thân thể mình
Tôi không biết ? tại sao bắng cách nào tự bao giờ người đàn ông mình từng yêu say đắm và đánh đổi tất cả những mong phó thác trọn cuộc đời không còn hiểu mình nữa hay chưa từng hiểu mình
Tôi không biết
tại sao bằng cách nào tự bao giờ
người đàn ông mình từng yêu say đắm và đánh đổi tất cả
những mong phó thác trọn cuộc đời không còn hiểu mình nữa
hay chưa từng hiểu mình
Chị đã viết quyển sách đoạt giải thưởng quốc gia Singapore về người đàn bà
Chị cũng có một người đàn ông khác làm bạn trong nhiều năm sau khi ly dị
Chị có 2 người con trai đã trưởng thành đang du học hay lang bang ở châu Âu và Bắc Mỹ Chị có phong cách xã giao hoạt bát dáng người Á Đông nhỏ nhắn giọng nói thong thả phát âm rõ ràng và tiếng cười giòn thành chuỗi kết thúc bằng vài tiếng nấc nho nhỏ vào trong
Buổi sáng có một chàng đến ngồi xếp bắng trước cửa phòng chị
Tôi mở cửa phòng tôi lượm tờ báo hàng ngày và chào anh ta trước khi thời tiết đột ngột nguyên sang mùa đông ngày nào anh ta cũng theo chị ra công viên tập Thái cực quyền .
Sau cơn bão tuyết có bị vùi lấp hết cây cũng phải dang cành khô đỡ phụ tuyết rơi suốt ngày đêm .
Chị sắp xếp hành lý đi về phương nam còn chàng trai thì không ai thấy nữa .
lý lan
( tr. 32- 33 - THƠ / LÝ LAN / THANH NGUYÊN / LƯU THỊ LƯƠNG -
Nxb Văn nghệ tp. HCM 1999 )
2.- A. NGỤ NGÔN BUỒN
thơ Thanh Nguyên
Có người hạ độc vào thơ
bằng bùa chú giữa lập lờ ghét, yêu
Vung tay chuốc đắng quá liều
( dù từng trải có bao nhiêu ... tuổi đời !)
Đặt thơ vào đúng điểm rơi
của phá phách : thử đổi đời đục, trong
Giả trang làm kẻ hát rong
Nấu thơ định đúc vàng vàng ròng ... mà chơi !
Tinh ranh thiếu ý - mượn lời
câu thơ tình đứng chơi vơi vô hồn
Đành là thơ vốn đa ngôn
cũng xin gìn chút cảo thơm làm bờ
Ai người hạ độc vào thơ
sẽ cùng thơ chết trước giờ đăng quang
thanh nguyên
( tr. 57- sđd. )
B.- TUỔI HAI MƯƠI
Hoa cắm vội cũng là mùng một
Tủm tỉm cười : " Unbreak my heart ..."
Dễ gì vỡ trái tim nồng nhiệt
Bởi nhớ người, ta hát vu vơ
Khăn áo cũ cũng là xúng xính
Đạp xe vòng thành phố mồng hai
Hoa thạch thảo rụng ào cuối gió
Có vai người .. hoa sẽ thôi bay
Tự hỏi khi mình hai mươi tuổi
Sẽ làm gì để đón mồng ba ?
Dừng xe trước ngõ thầy giáo cũ
Học cách thầy vui với khói trà ...
Cứ thế , xuân đi nhanh như lướt
Ngày xuân dù có chút dài hơn
Vẫn không gửi kịp lời chúc tết
Đến mỗi hàng cây, mỗi góc đường
Huống chi ta nhỏ như chim én
Đến người .. chỉ kịp gửi lời thương
thanh nguyên
( tr. 60 sđd )
3.- BÀI THÁN THỨ NHẤT
thơ Lưu Thị Lương
Sớm mai thì hát hoan ca
Buổi chiều lại hát tình xa hôm nào
Buổi khuya mòn mắt trông sao
Ngủ mơ một giấc - lao xao là cười
Nhìn nhau nhìn nhau hổ ngươi
Em chưa quên được cái người hôm xưa
Em yêu nhiều thật là thừa
Em yêu nhiều lắm chẳng vừa đến đâu
Có buồn thì đợi tình sau
Có buồn thì bảo tình đầu là xong
Tình đầu là biết không trông mong gì
Buồn chi em buồn làm chi
Mỗi đêm đốt khói ngu si thở dài
Em buồn cho đến sáng mai
Em buồn hết cuộc đời này sao em ?
lưu thị lương
1977
( tr. 89 sđd).
Thứ Ba, 12 tháng 2, 2013
một mình một ngựa - nguyên sa - 6
phê bình văn nghệ : chớ " trông gà hóa quốc "
nguyên sa
Thân gởi ...
Phê bình khoa học,trước hết lá cái thái độ kỹ lưỡng và khách quan. Đúng rồi. Nhưng sau khi có được cái thái độ kỹ lưỡng và khách quan tốt lắm đó rồi các anh, những tay phê bình khoa học, các anh còn làm gì nữa ? Có thái độ cương quyết và can đảm, cần lắm trong việc cầm quân, liêm khiết quý lắm - trong việc trị nước - nhưng đó chưa phải là tất cả chiến thuật, chiến lược, chưa phải là tất cả nghệ thuật cai trị văn hóa và an dân.
Phê bình khoa học, sau đó các anh làm gì, nói đi ; chớ chỉ có thái độ không đủ. Tìm hiểu. Đúng thế, chúng tôi làm cái đó. Tìm hiểu, tìm hiểu và tìm hiểu. Chớ còn gì nữa. Chúng tôi tìm hiểu kỹ, tìm hiểu kịch liệt, tìm hiểu đến nơi đến chốn. Xong rồi, có làm gì mới làm. Đó là trả lời của phê bình khoa học.
Vấn đề thật là đơn giản. Nhiệm vụ của chúng tôi, mục tiêu của chúng tôi phải nhằm tới, các anh biết cả rồi - là xét xem cuốn truyện, bài thơ nằm trước mặt - đây là những ngưởi đàn bà kiều diễm - hay chỉ là trái ngược của nhan sắc. Muốn thế, muốn phán đoán đúng, muốn thẩm định chắc, chúng tôi phải hiểu đã chứ. Chúng tôi phải biết kích thước chính xác của những đường dài hơn đường thẳng làm thành thân thể núi non kia. Núi non ấy là sản phẩm tinh khiết của thiên nhiên hay chỉ là những hòn non bộ ngụỵ trang. Màu sắc bay lượn trên tóc, trên má, trên môi ấy, là màu sắc của trời hay công
trình của những nhà hóa học. Hương thơm mà chúng ta đang cùng ngây ngất có đúng của da thịt không ? Chúng tôi phải tìm hiểu rồi mới phán đoán.
Và cái việc tìm hiểu này, xin phép nói với các anh một lần , nó rắc rối lắm. Thuở nhỏ sống ở trên những đồng ruộng của quê hương, ven những khu rừng, trong làng mạc có các anh đi bẫy, đi săn con quốc ( hay cuốc ) không. Tôi đi rồi. Đi với cái dụng cụ ghê gớm mang trên mắt, trong lồng ngực, trên cánh tay là sự mong ước. Mong ghê lắm. Vừa vái trời sớm cho gặp nó. Cái bẫy đặt xong, tiếng thầm đã cất lên giục giã
" quốc ơi, đến mau lên " . Chiếc tên đặt lên ná đã nghe những khát vọng rào rạt
" quốc ơi mày ở đâu ?" . Rồi con quốc hiện ra mau lắm. Tôi nhìn thấy nó mau lắm. Ngón tay giật bẫy cứ động không chờ đợi. Ngón tay bật ná phản ứng cấp kỳ. Sinh vật mong ước trước mắt liền nằm cứng đơ, liền bị giam giữ bất động. Nhưng khi đến gần nhặt con mồi vừa hạ được, sự thất vọng, tiếng sét cũng liền nổ tung. Đó là con gà. Sự mong ước lòng khát vọng to lớn, nó như thế đấy . Nó làm trông gà háo quốc. Các anh còn là gì cái lúc đứng đợi người đẹp. Mong quá, chờ quá, nhìn tà áo nào phất phơ, từ xa cũng thấy dáng nó rồi và tiến gần lại vẫn chẳng phải là nó.
Bây giờ đứng trước tác phẩm này, chúng tôi phải tìm hiểu đến nơi đến chốn, không thể để nó rơi vào cái cảnh bi thảm trông gà hóa quốc, " chuế "lắm ! Khen, được khen; chê cũng quí. Nhưng người ta viết con gà thì phải khen con gà, người ta nói chuyện con quốc thì phải chê con quốc, mà khen hay chê loạn lên thì bất tiện lắm. Tác giả sẽ có lúc nhìn ra, cười cười và nói :
"... bạn khen tôi mừng lắm. bạn khen lông con quốc mượt, thịt con quốc thơm, tốt lắm, cám ơn. Nhưng cuốn sách của tôi lại nói về con gà. Tiếc quá ! "
Như thế thì bất tiện lắm !
Các anh sẽ nói vô lý, tác phẩm văn nghệ có cái bí hiểm đâu mà có thể " trông gà hóa quốc " được ? Quý vị phê bình khoa học, các anh đã quan trọng hóa vấn đề. Một sử gia đứng trước một di tích lịch sử , cần phải tìm hiểu. Điều này quả thức khó khăn lắm. Sử gia đứng trước một tấm bia, một ngôi mộ cổ, một số văn kiện vừa tìm được trong một cuộc đào xới, phải tìm hiểu vất vả lắm - trước hết phải xem di tích tìm được,
là của thật hay chỉ là đồ giả mạo . Nếu đúng nó là thật, còn phải xem xét nó còn nguyên vẹn hay đã bị hao mòn mất bao nhiêu phân lượng vì những ngày tháng chìm sâu trong biển thời gian. Nó có bị trùng tu không ? Nếu có, sự trùng tu đó làm khác nguyên bản bao nhiêu.
Đó là công việc mà những Michelet, những Marrou, những Simland, những Aron gọi là " phê bình ngoại diện ".
Sau đó, đến việc " phê bình nội dung" . Tức là cái việc xét tấm bia cổ, những dòng chữ khắc trên ngôi mộ cũ kỹ, những văn kiện bị gậm nhấm này bao hàm những ý nghĩa gì. Tìm hiểu ý nghĩa thật khó. Vì có những văn tự xưa dùng, mà nay chẳng còn tồn tại nữa. Có những chữ bây giờ chẳng thể hiểu được chúng bao hàm ý nghĩa gì. Cho nên sử gia trong công việc tìm hiểu ý nghĩa của di tích lịch sử, cần đến sự hỗ trợ của những nhà khoa học như " họa tượng học "( iconographie), " khảo cổ học " ( archéologie) ... Các anh phê bình văn nghệ, các anh gặp cái gì khó khăn mà cũng đặt nặng vấn đề " tìm hiểu ".
Các nhà phê bình văn học nghệ thuật thuộc khuynh hướng khoa học, như một
E. Faguet, một G. Lanson hay và hơn nữa, một Taine, một Brunetière, một Hennequin đã hơn một lần cất tiếng trả lời. Khó lắm. Tìm hiểu ý nghĩa của tác phẩm, để có thể thẩm định giá trị một cách đứng đắn, cũng khó lắm. Chúng tôi cũng như sử gia
" văn chương ", để gọi là tam sao thất bản cái vấn đề văn phạm , hành văn, ngữ điệu, vần điệu ... Một thời khác, mỗi lúc một khác. Đứng ở lúc này mà tìm hiểu lúc kia, không dễ ? Chúng ta hãy nghĩ đến tác phẩm của Hàn Thuyên, của Chu Văn An, và ngay cả của những tác giả gần chúng ta hơn, như Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Ôn Như Hầu
v. v. ...
Có những từ ngữ thời đó dùng một nghĩa, bây giờ một nghĩa. Có những câu văn phạm chẳng có nét tương tự nào với lối hành văn của những anh em làm văn nghệ bây giờ. Còn điển tích. Biết bao nhiêu điển tích. Riêng về " Truyện Kiều " , người của phê bình khoa học sẽ cất tiếng hỏi lớn :
" Truyện Kiều" nào cái cuốn sách anh có dưới tay mới in. đây có đúng là tác phẩm của Nguyễn Du không ? Những nhà xuất bản kế tiếp, những người hiệu đính khác nhau, đã làm bản in này xa nguyên bản bao nhiêu sông bao nhiêu núi. Phải tìm hiểu cho đến nơi đến chốn đã rồi hãy khen và chê.
Tìm hiểu, khó lắm ! Đó là việc làm thứ nhất của cái sinh hoạt tinh thần gian khổ lắm; nhưng cũng say mê lắm , là phê bình văn nghệ .
Thân ái,
nguyên sa
( Một mình một ngựa / Nguyên Sa / Nhân Văn xuất bản, Saigon 1971 - tr. 33 - 37 ).
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)