Thứ Ba, 12 tháng 2, 2013

một mình một ngựa - nguyên sa - 6



                 phê bình văn nghệ :   chớ " trông  gà  hóa  quốc "
                                                nguyên sa

     Thân gởi ... 

      Phê bình khoa học,trước hết  lá cái thái độ kỹ lưỡng và khách quan.  Đúng rồi.   Nhưng sau khi có được cái thái độ kỹ lưỡng và khách quan tốt lắm đó rồi các anh, những tay phê bình khoa học,  các anh còn làm gì nữa ?   Có thái độ cương quyết và can đảm, cần lắm trong việc cầm quân, liêm khiết quý lắm - trong việc trị nước - nhưng đó chưa phải là tất cả chiến thuật, chiến lược, chưa phải là tất cả nghệ thuật cai trị văn hóa và an dân.

     Phê bình khoa học, sau đó các anh làm gì, nói đi ; chớ chỉ có thái độ không đủ.   Tìm hiểu.   Đúng thế, chúng tôi làm cái đó.   Tìm hiểu, tìm hiểu và tìm hiểu.   Chớ còn gì nữa.   Chúng tôi tìm hiểu kỹ, tìm hiểu kịch liệt, tìm hiểu đến nơi đến chốn.   Xong rồi, có làm gì mới làm.   Đó là trả lời của phê bình khoa học.

     Vấn đề thật là đơn giản.   Nhiệm vụ của chúng tôi, mục tiêu của chúng tôi phải nhằm tới, các anh biết cả rồi - là xét xem cuốn truyện, bài thơ nằm trước mặt - đây là những ngưởi đàn bà kiều diễm -  hay chỉ là trái ngược của nhan sắc.   Muốn thế, muốn phán đoán đúng, muốn thẩm định chắc, chúng tôi phải hiểu đã chứ.   Chúng tôi phải biết kích thước  chính xác của những đường dài hơn đường thẳng làm thành thân thể núi non kia. Núi non ấy  là sản phẩm  tinh khiết của thiên nhiên  hay chỉ là những hòn non bộ ngụỵ trang.   Màu sắc bay lượn trên tóc, trên má, trên môi ấy, là màu sắc của trời hay công
trình của những nhà hóa học.   Hương thơm mà chúng ta đang cùng ngây ngất có đúng của da thịt không ?   Chúng tôi phải tìm hiểu rồi mới phán đoán.

     Và cái việc tìm hiểu này, xin phép nói với các anh một lần , nó rắc rối lắm.   Thuở nhỏ sống ở trên những đồng ruộng của quê hương, ven những khu rừng, trong làng mạc có các anh đi bẫy, đi săn con quốc  ( hay cuốc )  không.   Tôi đi rồi.  Đi với cái dụng cụ ghê gớm mang trên mắt, trong lồng ngực, trên cánh tay là sự mong ước.   Mong ghê lắm.  Vừa vái trời sớm cho gặp nó.  Cái bẫy đặt xong, tiếng thầm đã cất lên giục giã
 " quốc ơi, đến mau lên " .  Chiếc tên đặt lên ná đã nghe những khát vọng rào rạt 
" quốc ơi mày ở đâu ?" .  Rồi con quốc hiện ra mau lắm.   Tôi nhìn thấy nó mau lắm.   Ngón tay giật bẫy cứ động không chờ đợi.   Ngón tay bật ná phản ứng cấp kỳ.   Sinh vật mong ước trước mắt liền nằm cứng đơ, liền bị giam giữ bất động.   Nhưng khi đến gần nhặt con mồi vừa hạ được, sự thất vọng,  tiếng sét cũng liền nổ tung.   Đó là con gà.   Sự mong ước lòng khát vọng to lớn, nó như thế đấy .   Nó làm trông gà háo quốc.  Các anh còn là gì cái lúc đứng đợi người đẹp.   Mong quá, chờ quá, nhìn tà áo nào  phất phơ, từ xa cũng thấy dáng nó rồi và tiến gần lại vẫn chẳng phải là nó.

     Bây giờ đứng trước tác phẩm này, chúng tôi phải tìm hiểu đến nơi đến chốn, không thể để nó rơi vào cái cảnh bi thảm  trông  gà hóa quốc, " chuế  "lắm !  Khen, được khen; chê cũng quí.   Nhưng người ta viết con gà thì phải khen con gà, người ta nói chuyện con quốc thì phải  chê con quốc,  mà khen hay chê loạn lên thì bất tiện lắm.   Tác giả sẽ có lúc nhìn ra, cười cười và nói : 

     "... bạn khen tôi mừng lắm.  bạn khen lông con quốc mượt, thịt con quốc thơm, tốt lắm, cám ơn.   Nhưng cuốn sách của tôi lại nói về con gà.   Tiếc quá ! "

     Như thế thì bất tiện lắm !

    Các anh  sẽ nói vô lý, tác phẩm văn nghệ có cái bí hiểm đâu mà có thể  " trông gà hóa quốc "  được ?   Quý vị phê bình khoa học, các anh đã quan trọng hóa vấn đề.   Một sử gia đứng trước  một di tích lịch sử , cần phải tìm hiểu.   Điều này quả thức khó khăn  lắm.  Sử gia đứng trước một tấm bia, một ngôi mộ cổ, một số văn kiện vừa tìm được trong một cuộc đào xới, phải tìm hiểu  vất vả lắm  - trước hết phải xem di tích tìm được,
 là  của thật hay chỉ là đồ giả mạo . Nếu đúng nó là thật, còn phải xem xét nó còn nguyên vẹn hay đã bị hao mòn mất bao nhiêu phân lượng vì những ngày tháng chìm  sâu trong biển thời gian.   Nó có bị trùng tu không ?   Nếu có, sự trùng tu đó làm khác nguyên bản bao nhiêu. 

       Đó là công việc mà những Michelet, những Marrou, những Simland, những Aron gọi là " phê bình ngoại diện ".  

       Sau đó, đến việc " phê bình nội dung"  .  Tức là cái việc xét tấm bia cổ,  những dòng chữ khắc trên ngôi mộ cũ kỹ, những văn kiện bị gậm nhấm này bao hàm những ý nghĩa gì.   Tìm hiểu ý nghĩa  thật khó.   Vì có những văn tự xưa dùng, mà nay chẳng còn tồn tại nữa.   Có những chữ bây giờ chẳng thể hiểu được chúng bao hàm ý nghĩa gì.   Cho nên sử gia trong công việc tìm hiểu ý nghĩa của di tích lịch sử, cần đến sự hỗ trợ của những nhà khoa học như " họa tượng học "( iconographie), " khảo cổ học " ( archéologie) ... Các anh phê bình văn nghệ, các anh gặp cái gì khó khăn mà cũng đặt nặng vấn đề " tìm hiểu ". 

     Các nhà phê bình  văn học nghệ thuật thuộc khuynh  hướng khoa học, như một
 E. Faguet, một G. Lanson hay và hơn nữa, một Taine, một Brunetière, một Hennequin đã hơn một lần cất tiếng trả lời.   Khó lắm.  Tìm hiểu   ý nghĩa của tác phẩm, để có thể thẩm định giá trị một  cách đứng đắn, cũng khó lắm.   Chúng tôi cũng như sử gia 
 " văn  chương ", để gọi là tam sao thất bản  cái vấn đề văn phạm , hành văn, ngữ điệu, vần điệu ... Một thời khác, mỗi lúc một khác.   Đứng ở lúc này mà tìm hiểu lúc kia, không dễ ?   Chúng ta hãy nghĩ đến   tác phẩm của Hàn Thuyên, của Chu Văn An, và ngay cả của những tác giả gần  chúng ta hơn, như Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Ôn Như Hầu 
v. v. ...

     Có những từ ngữ thời đó dùng một nghĩa, bây giờ một nghĩa.   Có những câu văn phạm chẳng có nét tương tự nào với lối hành văn của những anh em làm văn nghệ bây giờ.   Còn điển tích.  Biết bao nhiêu điển tích.   Riêng về " Truyện Kiều " , người của phê bình khoa học sẽ cất tiếng hỏi lớn :

     " Truyện Kiều" nào  cái cuốn sách anh có dưới tay  mới in. đây có đúng là tác phẩm của Nguyễn Du không ?   Những nhà xuất bản  kế tiếp, những người hiệu đính khác nhau, đã làm bản in  này xa nguyên bản bao nhiêu sông bao nhiêu núi.   Phải tìm hiểu cho đến nơi đến chốn đã rồi hãy khen và chê.

     Tìm hiểu, khó lắm !  Đó là việc làm thứ nhất của cái sinh hoạt tinh thần gian khổ lắm; nhưng cũng say mê lắm , là  phê bình văn nghệ .

       Thân ái,

      nguyên sa
        

( Một mình một ngựa / Nguyên Sa / Nhân Văn xuất bản, Saigon 1971  - tr. 33 - 37 ).
     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét