Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013
một mình một ngựa - nguyên sa - 9
một mình một ngựa /
phê bình tham bác và trở về nguồn
nguyên sa
Thân gởi ...,
Nguồn, tốt lắm. Nguồn la gốc của thân, cánh hoa và lá. Nguồn là khởi đầu của dòng sông. Nguồn là mang nặng đẻ đau . Chim muông có nguồn của chim muông. Thảo mộc có nguồn của thảo mộc. Dòng sông luân lưu, nguồn của nó trong suối tinh khiết . Núi đá bất động, nguồn của nó trong những trở mình của những lớp Thái cổ của địa cấu xưa. Nguồn của sinh vật và hiện tượng thiên nhiên, ở đằng trước mặt đó , hãy để nguyên ở đó cho các nhà khoa học thực nghiệm, vật lý học và thiên văn học, hóa học và thảo mộc học, sinh vật học và cổ vật học. Hãy xây dựng lại . Hãy nghìn cái nguồn đó. Cái nguồn của dân tộc. Cái nguồn của văn hóa . cái nguồn của văn nghệ. Khó nhìn lắm. Anh này nói thế. Anh có lý. Trông lờ mờ quá ! Anh kia nói như vậy. Anh kia không nhầm. Các anh có thể tiếp tục hỏi những cái nguồn đó, phải tìm kiếm trong cuộc đào sới nào , với những dụng cụ tăng cường tầm quan của giác quan như thế nào ? Tôi cũng biết như thế. Tôi cũng biết trong những việc này chẳng có dụng cụ nào, dù gọi là kính hiển vi hay kính viễn vọng, chẳng có cái nào dùng được cả. Những nguồn này khó nhìn thấy lắm. Nó không có hình thể. Nó không có mầu sắc. Không sờ mó được. Không cầm trên tay như giấy bạc được . Không bay ra trước mặt như co ốc được. Không vang dội bên tai như chất nổ được.
Nhưng đấy nó vẫn có, vẫn đứng ở đấy. Cái nguồn ngạo nghễ của dân tộc. Cái nguồn trầm lặng của văn nghệ. Vẫn có. Vẫn đứng ở đấy.
Sự có mặt vô hình của nó chẳng nhận được bằng mắt, chẳng nghe dược bằng tai, chẳng cảm được bằng tay ; nhưng, vẫn nhìn được, vẫn nghe được, vẫn cảm được. Bằng tâm hồn. Bằng sự cảm thông mở lớn. Bằng buồn bã và mừng vui. Bằng thống khổ và hân hoan. Trong vinh quang và nhục nhã.
Các anh cứ để ý mà xem thỉnh thoảng, khi một số anh em chúng ta bỗng bỏ đi xa quá, bỗng Tây quá hay Tàu quá, Mỹ quá hay Nga quá; liền có ngay một số người lên tiếng đau sót gọi trở về nguồn.
Thỉnh thoảng trong những ngay tháng cùng cực lớn lao của đất nước, vì thống tri, vì thiên tai, vì chiến tranh, vì nghèo đói; chúng ta chẳng ai bảo ai, có lúc đêm nằm, có lúc thức giấc, bỗng nhớ đến những vinh quang ấy. Vinh quang Phù Đổng Thiên Vương. Vinh quang Trần Hưng Đạo. Vinh quang Nguyễn Huệ. Vinh quang chắc nịch của ngựa sắt, vinh quang nhọn hoắt như cọc, vinh quang tiến về phương Bắc, bây giờ ở đâu mà chúng ta đau sót như thế này, buồn bã như thế này !
Lần khác, khi đang đi, trở ngại lớn hiện ra. Hòn đá chặn đường và dòng sông. Vực thẳm và núi non. Chúng ta cũng kêu gọi đến nó. Gọi cái nguồn giàu có của kinh
nghiệm , của dĩ vãng, của lịch sử.
Cũng như hiện tượng thiên nhiên động vật; cũng như đại thể là nhân loại, cũng như biển lớn là văn minh và văn hóa , tác phẩm của một người làm văn học nghệ thuật bao giờ cũng có cái nguồn. Những tay như Chénier, nói trắng ra là chúng tôi chủ trương
" bình cũ rượu mới " có cái nguồn đã đành đi rồi. Nhà phê bình tham bác đồng ý lắm. Chúng tôi xin tìm kiếm ở đó.
Nhưng ngay cả với những tác phẩm mới lạ ghê lắm, trông như đảo lộn toàn diện, làm như lật đổ tất cả mọi trật tự sáng tạo, gạt bỏ mọi định luật văn nghệ, những tác giả này cũng có một cái nguồn. Có nhiều tay nhất định mang lại tác phẩm hoàn toàn của nó. Thi sĩ này không dùng bất cứ luật lệ âm thanh nào của thi ca cổ điển. Nhà văn kia ném ra một đề tài táo bạo. Những người thứ ba thực hiện một kỹ thuật mô tả tâm lý hoàn toàn lạ tuyệt đối ngoại quan, như một Steinbeck , xóa bỏ đi dĩ vãng của nhân loại như một Beckett. Tác phẩm làm chấn động này cũng có một nguồn gốc. Tiểu thuyết mô tả động tác và đối thoại, loại bỏ vĩnh viễn nội quan của những nhà tiểu thuyết Huê Kỳ chẳng hạn, không thể không có liên hệ với sự tiến bộ của tâm lý học, với sự xuất hiện của những tâm cử thuyết của những Watson.
Các triết gia thường đề cập tương quan giữa một người sáng tạo và dĩ vãng văn hóa một cách tổng quát. Edouard le Roy xác nhận rằng : "... không có thiên tài nào không có tiền bối ". Gaston Bachelard nói : " tư tưởng luôn luôn là tư tưởng chống lại một cái gì ". Nhưng chống lại, tức là tiếp nối nó bằng một hình thức khác, bằng một đường lối khác. Phải có nó mới chống nó . Phải biết nó, quan tâm đến nó, suy tư về nó kịch liệt lắm mới chống nó.
Các nhà phê bình tham bác cũng cho rằng việc tìm kiếm nguồn gốc của tác phẩm tìm kiếm mối liên hệ giữa tác phẩm này và những tác phẩm trước đó là cần lắm, nên làm. Và họ xác nhận thêm rằng nguồn của tác phẩm không phải chỉ là những tác phẩm đến
trước mà còn phải kể đến cả cuộc đời người làm nghệ thuật, nền giáo dục mà nó đã hấp thụ , xã hội trong đó nó sinh sống. Tìm hiểu tác phẩm, chúng tôi phải tìm hiểu tất cả những liên hệ đó. Liên hệ với cuộc đời, với giáo dục, vơi xã hội nói trong những thư
trước rồi. Bây giờ chỉ nhìn kỹ vào cái liên hệ giữa tác phẩm và tác phẩm. Riêng cái khía cạnh này cũng vất vả lắm.
Trong một tác phẩm có hơn một thứ để tìm kiếm. Đề tài của tác phẩm có cái nguồn của đề tài. Một ý tưởng lẻ loi trong tác phẩm co cái nguồn của ý tưởng. Kỹ thuật mô tả kỹ thuật đối thoại có cái nguồn của kỹ thuật. Có cái thành ngữ cũng có nguồn gốc của thành ngữ. Có cái nguồn của " mắt hồ thu ". Có cái nguồn của " buồn vô cớ" . Có cái nguồn của " buồn nôn " của ' hư vô". Chúng tôi tìm kiếm tất cả những cái nguồn đó.
Tìm kiếm không phải với cái ý định xấu , mất dạy, đểu giả, sỏ xiên người làm văn nghệ . Bởi vì, như đã nói, nhà văn bao giờ cũng có một liên hệ nào đó với một dĩ vãng nào đó, hoặc ý thức, hoặc vô thức. Tìm nguồn gốc để nắm vững người sáng tạo này sau khi hấp thụ cái ảnh hưởng kia đã biến đổi ra làm sao . Nhựa hút từ lớp đất màu mỡ đã được tinh luyện để mang lại hoa thơm nào, lá biếc nào.
Có đối chiếu với màu mỡ mới biết chất gỗ nào quý giá bao nhiêu. Có đối chiếu vơi nguồn gốc mới biết tác phẩm độc đáo bao nhiêu .
" Đoạn trường tân thanh " của Nguyễn Du, dòng sông lớn đó khởi từ những con suối nào ? Nguồn cua tác phẩm thi ca, đó là " Ngu sơ tân chí " của Dư Hoài hay" Kim vân Kiều truyện " của Thanh Tâm Tài Nhân ? Hay cả hai ? Nhiều người nói là Thanh Tâm tài nhân. Không biết. Nói thế thì biết thế . Cần coi lại kỹ . Coi 2 tác phẩm đặt cạnh nhau. Coi từng đoạn và từng đoạn. Câu cuốn này và câu cuốn kia. Có người nói rằng tác phẩm của Nguyễn Du không phải là tác phẩm của trí tưởng tượng. Vì là sự diễn tả lại tác phẩm đã có rồi. Các nhà phê bình tham bác, nếu khảo cứu về văn chương Việtnam, sẽ nói : "... Chúng tôi không chịu như thế ." Một đoạn văn ngắn mà tả thành dái, ấy kìa, sự bay nhảy của trí tưởng tượng. Một sự việc khô cứng bỗng được vây bọc bởi nhung lụa của những tình cảm hoa lá, của rung động ; đó là trí tưởng tượng. Sự kiện được biến hình thành đối thoại, tâm sự rườm rà đươc cô đọng lại thành nét đơn sơ, ấy là trí tưởng . Phải đối chiếu kỹ lưỡng màu mỡ dĩ vãng và hoa lá hiện tại này mới biết được độc đáo bao nhiêu, mới thẩm định được khoảng rộng của trí tưởng. Phải đối chiếu. Không phải chỉ đối chiếu tổng quát toàn bộ 2 tác phẩm. Mỗi đoạn và mỗi đoạn. Mỗi dòng và mỗi dòng. Mỗi dị biệt nhỏ bé đều được ghi nhận đến nơi đến chốn. Đó sẽ là nhũng chứng liệu khách quan nói lên kích thước của sự sáng tạo của họ Nguyễn.
Và nguồn gốc không phải chỉ có một cái. Như sông bao giờ cũng làm thành bởi nhiều con suối, bơi cơn mưa chợt đến, những ngành tụ về tác phẩm văn học nghệ thuật không phải chỉ có một nguồn. Không được đơn giản hóa sự tìm kiếm. Nguồn của tác phẩm không phải chỉ có một mà có nhiều. Không phải " nhất nguyên " hay " nhị nguyên " mà đa số nguyên, Nguyễn Du không phải chỉ có liên hệ tư tương với Thanh Tâm Tài Nhân. Còn những người đồng thời. Còn những người đi trước. Điển cố được dùng tới trong
" Đoạn trường tân thanh " chắc chắn không đến tất cả từ " Kim Vân Kiều truyện ".
Thật ra, ước vọng tìm được " tất cả mọi nguồn " của tác phẩm là một việc khó quá. Ước vọng đó là lý tưởng, là sự bền vững thường trực chẳng thể có của đam mê. Nhưng đấy, chúng tôi cứ ao ước như thế. Ước ao cái to lớn để còn lại cái vừa, chỉ tìm cái vừa sẽ còn lại cái xoàng, chỉ tìm một nguồn rồi chẳng còn gì cả. Tìm tất cả các nguồn gốc, nếu chẳng đạt tới được, nếu chẳng cắt nghĩa được thiên tài, thì ít ra cũng tô đậm được một vài độc đáo của tác phẩm .
Thân ái,
nguyên sa
( 1932 - 1998 Hoa Kỳ )
( Một mình một ngựa / Nguyên Sa / Nhân văn xuất bản, Saigon 1971 - tr. 53 )
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét