Thứ Hai, 8 tháng 4, 2013

một mình một ngựa / nguyên sa - 15



                        một mình một ngựa /
                   phê binh văn nghệ  như người đàn bà trời không cho  sinh đẻ ...
                                               nguyên sa

     Thân gửi ..., 

     Văn nghệ thật kỳ diệu.  Cái vấn đề phê bình văn nghê, ngành sinh hoạt văn học nghệ thuật này đứng đằng xa, nhìn vào tưởng như một thế giới buồn thảm, khô héo, chết cứng.   Tưởng như con suối chẳng có nước chảy.   Tưởng như một người đàn bà trời không cho sinh đẻ.   Tôi, lúc khởi đầu định bụng viết vài kỳ, đặt trên sa mạc không có tận cùng đó vài bông hồng, rồi còn phải đi đến nơi khác.  Nhưng bây giờ thấy bỏ ngay đi chưa được.  Đó là sự kỳ diệu của văn nghệ .

    Văn nghệ nó như thế đấy .  Ngành sinh hoạt này cũng như những cánh tay khác của nó gối tạm một đêm là một đời tưởng nhớ.   Là ngửi thấy hương thơm bọc quanh thân thể.   Là nghe thất nỉ non trong lời, trong vuốt ve, trong hơi thở.  Đêm càng khuya, lời càng tha thiết, ve vuốt càng dồn dập ,hơi thở càng đong đưa. 

     Phê bình văn nghệ bây giờ, tôi thấy nó đúng như thế.  Nó đúng là một khuôn mặt người.   Có đam mê và buồn  nản.  Có tin tưởng và hoài nghi.   Có vụng về và điêu luyện.  Có ngày hào hứng đến thay thế chán nản.   Có đêm háo hức nhường chỗ cho rã rời.

    Phê bình ấn tượng là buổi chiều bay bướm.  Dựa theo xúc động  mà đi.    Phê bình khoa học của những Taine, những Villemin, những người đi tiên phong   của môn phái này, là buổi sáng vội vã.  Phê binh tham bác của Lanson là buổi tối kiên nhẫn.    Những buổi sáng, những buổi chiều, buổi tối hào hứng hay chán nản, kiên nhẫn, hay vội vàng; rồi cũng hết.   Rồi cũng nhường chỗ cho ban đâm .

    Mà ban đêm là những lời tâm sự.    Ban đêm là sự cảm thông . Bằng hơi thở.  Bằng da thịt.  Bằng ngôn ngữ ghê gớm của im lặng.  Hãy lắng nghe.

    Tác phẩm không phải là một mớ  chữ, không phải  là một công trình ấn loát, không phải là tổng hợp giấy và mực, không phải là một sản phẩm kỹ nghệ.   Tác phẩm là một con người, một cuộc đời, là một tâm hồn.  Là một tâm hồn, các anh, những người  làm phê bình tin tưởng   ở khoa học, các anh có nghe rõ không . Tâm hồn tôi đấy.  Trên giấy ấy, trên mực ấy.   Đằng sau những dòng chữ vô tri  và bất động ấy.  Và muốn bắt gặp tâm hồn cá anh không thể làm như thế được.  Công việc làm của các anh quý lắm.  Nhưng các anh bỏ quên cái cốt yếu.  Các anh dừng lại ở ngoại ô.  Các anh ngắm ngía đồ trang sức.  Lâu dần các anh nhầm lẫn vùng phụ cận và thành phố, đồ trang sức và nhan sắc.   Các anh đã cầm được tay tôi.   Các anh đã vuốt ve mái tóc.

    Nhưng tất cả những cái đó chưa phải là tâm hồn.  Tâm hồn có liên quan   mật thiết với thân xác, tôi biết lắm.  Khi cái này mệt mỏi, cái kia chẳng tránh khỏi rã rời.   Nhưng tương quan là một việc.  Đồng nhất hóa là một việc khác.   Tưởng như thế là ảo tưởng. Là nhầm to.  Cơn xúc động địa chấn của đam mê tình ái đang lay động tâm hồn tôi bây giờ, nỗi buồn bất lực trước chết chóc khủng khiếp đang tàn phá tâm hồn tôi bây giờ chẳng thể không ném những rung chuyển xuống vùng thân xác ấy.   Những rung chuyển ném xuống đó các anh đã tìm thấy.   Các anh biết chắc chắn rằng cảm xúc làm diện mạo tôi đổi thay, sự hô hấp và tuần hoàn của tôi bị hỗn loạn, dịch vị ngưng bài tiết, chất vôi tăng cường trong nước tiểu, số lượng hồng huyết cầu giảm sút.

     Các anh còn biết nhiều thứ nữa.  Còn có thể tìm ra nhiều thứ nữa.   Như đo năng lượng bắp thịt, tính số máu lên óc, sự biến chuyển của não tủy.  Nhưng đấy, các anh nghĩ ra mà coi, nhìn thấy những cái đó là các anh nhìn được tâm hồn thật sao, các anh nắm giữ được trong tay tâm hồn tôi thật sao.   Hô hấp và tuần hoàn, hồng huyết cầu và dịch vị, thần kinh hệ và não tủy.   Tôi nói thật cho các anh biết, chúng nó là con dao 2 lưỡi.  Chúng nó có thể là cái đòn bẩy ném anh vào tâm hồn của tha nhân, nhưng nó có thể là những sông, những núi phân chia.   Càng tìm kiếm càng xa cách .  Xin các anh hiểu giùm tôi tâm hồn không phải là một sản phẩm kỹ nghệ, không phải là một hợp chất vật lý hóa học, không phải là một tổng số tế bào.    Cho nên phân tích không được.  Phân tách một khối nước, các anh có thể tìm thấy thực chất của nó, tìm thấy những H. những O.   Tình yêu này không phải thế.  Nỗi đau khổ này không phải thế.  Phải đến đó bằng một con đường khác. Con đương đó các anh muốn gọi tên nó là cái gì cũng được.  Goi là tình cảm, được.  Gọi là sư rung động đồng điệu.   Cũng tốt.   Bergson gọi nó là trực giác.  Các nhà khoa học nhân văn bây giờ gọi là sự cảm thông .  Họ nói như thế này.  Tha nhân đứng trước mặt ra kia.  Nó buồn.  Ta hãy buồn với nỗi buồn của nó.   Hãy hòa mình  với tha nhân.  Hãy là nó.  Ta sẽ thấy ngay, bắt gặp được ngay, không cần hồng huyết cầu và dịch vị, hô hấp và tuần hoàn, những hân hoan và thống khổ của nó.   Đó là nhà thơ của quê hương ta tình tự " ta với mình tuy hai mà một ".

    Với tác phẩm   văn học cũng thế.  Đừng tìm kiếm bằng phân tách khoa học.   Đừng soi lên đó những [ lăng ] kính lạnh lùng.   Đừng trải lên đó  những hòa chất buồn bã.  Các anh sẽ tìm được gì ? Cuộc đời với ngày với tháng.   Sự sinh hoạt của những thời đại xa xôi.   Dòng máu và gia đình. Những mái trường đã tới và những cuốn sách  đã đọc [ từ ] thời thơ ấu . Nhưng còn tình yêu trong cuốn truyện này.  Còn sự đau xót trong bài thơ kia.   Đó không  phải là một tổng hợp giấy mực.  Đó là tâm hồn.  Đó là những rung  động
" biển " không nói không được.  Đó là những xao xuyến " rừng " không kể được .

    Cái cốt yếu là những cái đó.  Muốn bắt gặp những cái đó, cái cốt yếu đó chỉ có sự cảm
thông .  Hãy là nó đi. Hãy rung động với những rung động đó đi.  Hãy xao xuyến với những xao xuyến đó đi.   Con đường đưa thẳng tới nó là đấy.

     Bergson của triết lý đã đi trên con đường ấy để tới cái quê hương mơ ước tên là tuyệt đối, tên là chân lý.

    Marrou củ sử học đã đi trên con đường ấy để tìm đến dĩ vãng.

    Baudelaire , Valéry, những nhà thơ quan tâm đến phê bình văn học, cũng như người của phê bình như một A. Thibauder, một Du Bos, một Edmond Jaloux đã bằng nó, sự cảm thông ấy, để đến tác phẩm .

-------
*    tiêu đề  tác giả  đăt :"  sự cảm thông ".

nguyên sa  
( 1932- 1998 Hoa Kỳ )

                                                                                 ( còn tiếp ) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét