Thứ Năm, 4 tháng 6, 2015

nhớ lại một vùng trời/ tạp văn mai thảo / tập thơ truyện không quân thời chiến (nxb vàng son, saigon 1974)

tập thơ truyện kq thời chiến
nxb vàng son, saigon 1974


                                                             mai thảo *
                                               --------------------------------------------------
                                              NHỚ LẠI MỘT VÙNG TRỜI


                                           thủ bút & chữ ký mai thảo
                                                           tr. 529 TẬP THƠ TRUYỆN KQ THỜI CHIẾN


- Hà nội như người đàn bà mình không giữ được, chứng kiến tận mắt cai sự nó lõa thể nằm trong tay kẻ khác. ... Hà nội như người yêu, che mặt bước lên xe hoa về phía bờ sông đối nghịch, và mình là kẻ bị hất hủi phụ bạc tan nát ngẩn ngơ đứng chôn chân trên cái lạnh tanh hắt hiu của bãi bờ ...    - MAI THẢO- 



Mười năm trước đây, ở một nửa đêm về sáng lất phất mưa bụi, tôi đã bước lên một xe nhà binh, giã từ Hà nội, vượt qua Hồng Hà.  Để từ vùng lạt sạt ẩm ướt của cỏ sớm nơi phi trường Gia lâm còn nhòa nhạt trong biển sương mù trắng xóa, làm một người lữ hành của một chuyến bay lên vùng trời đất nước mênh mông.  Tôi đi, đi suốt mấy ngày ngàn cây số, đi từ những tia sáng lung linh những vì sao cuối cùng đang rung xuống một tàn đêm miền Bắc, đi tới cái chói chang của nắng lớn miền Nam.

Nhớ đêm đó, tôi không ngủ được.  Như Hà nội của 5 cửa ô và 36 phố phường bồi hồi không ngủ.  Như những con sông chở lũ ngàn tháng 8 của Hồng Hà, những con sóng ấy nức nở dưới chân cầu, khi 10 bánh nặng nề của chiếc xe vận tải bít bùng thả hết tốc lực băng qua .  Như những thân cỏ xôn xao, [âm thanh ồm ào] không ngủ của một phi trường Gia lâm đã thức với những chuyến bay 5 phút một lần, và những giàn đèn trần truồng chiếu giải xuống  khuôn mặt trầm tư của tôi, phút ôm va-ly ngồi trong phòng đợi.

Đêm lên đường, người ta không ngủ được, những đêm khởi hành đó của người Hà nội 1954. Hiệp định chia đôi đất nước.  Vĩ tuyến 17 nghe thấy và nói tới lần đầu tiên.  Miền Bắc chỉ còn là một sự chuyển động bạt ngàn của một chuyến đi lớn.  Hằng hà sa số đàn bà trẻ con, ông già bà lão, những người mẹ tay bồng tay bế, những người chị đầu đội, vai gánh, lũ lượt, bất tận, dằng dặc, từng xâu, từng chùm, từng dòng, từng đợt, điệp điệp, trùng trùng, đêm ngày mai miết, từ những hình bóng li ti chân trời, tới những hình nét cận ảnh sát mắt,luôn luôn nối nối, vần vũ, chuyển đi.  Sống hết mình với những dấu chân thi nhanh với thời hạn, đuổi gấp những chặng đường, để đến một Hải phòng, một phi trường.   Một triệu bước chân.  Tôi là một những dấu chân một triệu.  Tháng 8 1954 và tôi là một trong cái biển di chuyển họp lại từ muôn vạn nhánh của lớp công dân Việt nam đổi đời, khởi từ thay đổi một vùng trời không thở được thứ không khí nhiễm độc của nó nữa. Mười một năm nay, bây giờ hồi tưởng lại.  Đêm vượt Hồng Hà, đêm tới Gia lâm, đêm mượn những đồi cỏ bồng bềnh của phi trường tảng sáng như một bàn đạp xanh biếc làm sức đu đẩy bay lên; đêm đó không hề được sống trong tôi bằng những xúc động lớn.  Một đêm của cả một đời người? Một đêm của một chói sáng ý thức vĩ đại?  Khẳng định chỉ là giả dối.   Trong đêm đó thật ra chỉ thấp thoáng những lén thầm, những xao xuyến của một tâm sự riêng tư vật vờ.   Đành rằng là cấu thành nhiều chia sẻ đau đớn của một lựa chọn.   Nhưng đừng có phóng lớn cái gì ở hiện tượng phát sinh chỉ có một kích thước tầm thường thu nhỏ.  Hành động mưu sinh thường nhật nào chẳng chuyên chở và hình thành trong no bằng và từ một lựa chọn?  Đêm giã từ Hà nội, tôi chưa biết yêu miền Nam.  Tôi mang cái tâm trạng hoài nghi của kẻ vô thần thiếu vắng niềm tin thần thánh không lay chuyển, không đổi rời ở một đất hứa bông hoa, nơi người lữ hành dừng lại, cắm xuống một cái cọc đánh dấu chỗ nẩy mầm nhánh sống ngày tới, ở lại đó, và làm lại cuộc đời.

Tôi không nghĩ tới kết thân vĩnh viễn được với Saigon, bằng thứ tâm hồn nhão mỏi, nhiều nếp nhăn của phần đời còn lại.  Cho nên đêm đó, đêm thiên đô, l6n đường đã thiếu vắng thứ ánh sáng rực rỡ của ý thức.  Chỉ là một trận mưa tình cảm ướt sũng.  tăm đẫm cái vũng tâm sự lướt thướt, những sầu nhớ cái phải chia lìa, cái phải đoan tuyệt.  Rời Hà nội miễn cưỡng, nghe sự xa như một vách núi âm u cao ngất đội đập lại não nùng những vang ngăn không cùng của một mất mát sót đắng.  Chỉ như thế. Có thế đấy mà thôi.

Ngồi trong phòng đợi, như phút ra khỏi căn phòng gác thấp ở phố Mã Mây tôi ở từ những ngày tháng học trò, như lúc xe lăn trên dốc Long Biên, xe băng qua Sông Cái, như lúc đang chôn chân trên cái xôn sao bồng bềnh của bãi sớm phi trường, trước mắt nhìn lên vòm trời Hà nội, chỉ thấy thân thể là cái lãng đãng cuối đời ấy của một vì sao đang rơi nốt cái chu kỳ rơi rụng và phai tàn của sao.

Suy tư của đêm vượt tuyến 11 năm trước là kiểu suy tư u uất không hề một giây phút nào trao được vào lòng tay tôi chiếc chìa khóa vàng mở cho sáng choang, cho dồn đuổi được hết những ép khuôn ngột ngạt dồn nén của căn phòng tâm thức tối đặc.  Chỉ là gào lớn trong trái tim một nỗi nhớ kết chùm.  Chỉ là thất thanh kêu lên trong cõi lòng cái mất không lấp đầy được bằng vô thức trong hoài nghi ngày tới.  Lịch sử quật đạp dữ dội vào mặt mãi là thế.  Mà cũng phải sáng.  Điếc cũng phải nghe.  Bàng hoàng sấm sét.   Ấy thế mà vuốt mặt, chỉ thấy những chuỗi kỷ niệm, kỷ niệm bằng hình ảnh , của nơi chốn quá khứ. nặng chĩu tiếc thương không nguôi khuây chút nào.  Và thắp nó lên mà vượt Hồng Hà.

Bỏ Hà nội đêm đó, tôi đi giật lùi.

Thay vì ngẩng cao nhìn xa để đo lường khả năng phục hồi của bản thân có thái độ với không gian tổ quốc mênh mông, từ cất cánh đến đậu xuống, tồi trầm nét mặt lại, đi những bước giật lùi cho được còn đối diện với những ràng buộc đằm thắm, từng sợi, từng đốt một, rã rời bỏ lại sau lưng.  Cái trạng thái khôn ngủ thở dài của kẻ thất tình. 

 Hà nội như người đàn bà mình không giữ được, chứng kiến tận mắt cái sự nó lõa thể nằm trong tay kẻ khác ... Hà nội như người yêu, che mặt bước lên xe hoa về phía bờ sông đối nghịch, và mình là kẻ bị hất hủi phụ bạc tan nát ngẩn ngơ đứng chôn chân trên cái lạnh tanh hắt hiu của bãi bờ.

Thành tượng trên cỏ phi trường Gia lâm chập chờn trong sương mù kín đặc, vào máy bay, và máy bay cất cánh bay lên, máy bay tới mây, đụng trời, độ cao lạnh buốt cũng không làm tôi hồi tỉnh.  Mê di.  Ngây ra.  Đắm chìm vào hồi tưởng, vất vả trong gợi nhớ và choáng váng trong thương tiếc.  Cứ thế, suốt chuyến đi, tôi ngó đăm đăm vào tâm thức ráo hoảnh của mình treo cao thành cái kính chiếu hậu.  No chiếu hậu một Hà nội mịt mùng dấu tích.  Nó chiếu hậu một Hà nội đã bên này sông, đã giới tuyến chia đôi, đã những tầng mây cao xa bổng khỏi một đứa lìa dưới thấp.  Hà nội bỏ lại sao mà đẹp.  Cái đã mất, mất vào cái đẹp; định lý bất biến  ủa cái mất và trở thành của cái mất đó.  Trong tưởng tượng lúc bay, hồn tôi mọc thành mười ngón run rẩy.  No ve vuốt những con đường Hà nội, rưng rưng và âu yếm lần đi trên từng gốc cây, từng mái hiên, từng chân tường, từng thước nhựa đường Hà nội, như trên da thịt thiếu nữ một hình hài đương hoa, ngây ngất tiếp thu bằng tình yêu thứ nhất.  Nó ôm lấy Hồ Gươm, vòng lấy Hồ Tây.  Nó ghì nghẹt Trúc Bạch. Nó nắm chặt Tháp Rùa.

Hà nội trong hồi tưởng vượt tuyến, là một cuốn từ điển 1000 trang của những cái đẹp bị tước đoạt kỳ hết.  Lất phất mưa tơ trên cái nét kiến trúc phong kiến cỗ cũ của ô Quan Chưởng vào những tháng đầu của thủy tiên Yên phụ và hoa đào Thụy Khuê.  Phiên chợ Đồng xuân trong đèn lửa tinh sương, ngăn ngắn xanh chảy trong văn xuôi Thạch Lam ngợi ca những kho tàng mỹ thuật của 36 phố phường mà sống là một nghệ thuật vươn tơi cùng độ của tế nhị, ngọn đỉnh của chuốt lọc.  Phượng vĩ chói lòa từng trưa hè Quán Thánh.  Từng chùm màu đỏ trong từng ôm trời xanh.  Hà nội của ta ơi!  Hàng Bạc. Hàng Đào, mái nhà cong thũng, những đời ngói cũ mặc áo rêu đầy, đựng lá mùa thu như từng nấm mộ lộ thiên rào rào cái mưa cái nắng Hà nội, cái ấm hơi hơi của Hà nội lập xuân, cái  gây gấy vừa vừa, cái thứ xăn xăn lả tả của Hà nội vào thu, cái lạnh ngọt che  cao áo mưa nghiêng nghiêng vành mũ,xúyt xúyt soa soa của Hà nội trọng đông và tiếp giáp Nguyên đán.  Chiếc đồng hồ to bằng cái nia phơi trên nóc ha Hàng Cỏ mỗi buổi tàu hảo từ Thường tín Văn điển xình sịch vào ga, Hà nội ơi của người Hà nội!  Với những sướng thỏa cho khứu giác, những kỳ thú cho vị giác.  Bánh tôm Cổ Ngư, nuốt vào nuốt cả cái ngon Yên phụ.  Tô cháo bò cửa trường Gia Long hút hết húa trọn cái ngon của tuổi học trò.  Những sớm Hà nội bốc khó thơm nghi ngút bằng bánh cuốn Ngõ Huyện.  Những đêm Hà nội tỏa hết cái thứ không khí bình dân thân mật giữa người Hà nội hàng rong, từ cái nóng bỏng đầu lưỡi của một ly cà-phê bờ đường Phố Mới ninh chín trên than hồng.   Nam hoa xe đạp lăn những vòng vui thú tròn đầy trên Tràng Tiền nhạt nắng.  Bách Thảo tìm vào như thi sĩ, đầu tựa gốc cây khi đêm qua đã  đứng cho sương  ướt mái đầu cửa sổ người yêu.  Bạch Mai lầm lụt từ nối dài phố Huế ồn ào.  Gia Ngư như đẹp nhất của ngõ.  Mã Mây như cong nhất.  Hàng Bạc như xưa nhất.  Hàng Giấy như ngắn nhất của đường.  Lá vàng dệt chiếu hoa dẫn vào thư viện Phúc Xá như một thành phố khác dưới thấp.  Hà nội như một thôn xóm nghỉ ngơi giữa cái không nghỉ của phố phường chung quanh.  Và mầu đỏ nào bằng mầu đỏ Thê Húc. Và mầu xanh nào bằng mầu xanh Hồ Gươm.  Ba miền tổ quốc đất nước nằm dài  5 năm mùa thu chỉ ở riêng một vòm trời Hà nội.

 Mười năm sau khu trục ào ạt bay ngược lại một phần của đoạn đường không gian xuyên việt mà 11 năm trước, một chiếc 4 máy vẽ phù hiệu Hàng không dân sự trưng tập cho đổi rời lịch sử đã nhấc bổng thân thể tôi khỏi vùng trời nhiễm độc của Hà nội trút tưới- hạt- sen cái sợ, cái chết, qua giới tuyến; lên những tử huyệt cháy bùng của hình hài địch 11 năm phây-phây yên ổn, trả đòn có phần muộn màng.  Nhưng với tôi, oanh kích 1965 vẫn là một đội đáp bàng hoàng vào những đầu dây thần kinh của tâm sự tưởng đã nhận chìm vẽ lân đường 1954. Trong tôi, thoát để lại rì rầm tiếng sóng phả lên 10 bánh xe lăn qua một Hồng Hà tàn đêm. Lại gờn gợn cái cảm giác lạt sạt ẩm ướt ấy của cỏ sớm phi  rường nhấc bổng bước chân đợi chờ chuyển dịch của mình.  Tên mũi nhọn sáng hồng của ý thức phóng tới, giờ mới nhận thức được châu đáo đêm không ngủ 11 năm trước đêm giã từ 11 năm cũ, là khoảng ráo hoảnh của thanh bình, và thực hiện một lựa chọn dũng liệt.  Cỏ Gia lâm đêm đó qủa là những thân cỏ và những đời cỏ bàn đạp.  Từ đó, tôi đã cất nổi thân thế mình bay về 11 năm sau, bay về phần đời còn lại sáng ngời lên thành một bắt đầu.

Sinh hoạt thường nhật của tôi và những bạn hữu cùng làm nghề viết chữ, trong thứ trò chuyện cắm mốc trên hồi tưởng trong kỷ niệm, Hà nội vắng khuất thường vẫn được nói lại nhắc tới.   Vùng trời vô sản ấy trong giai đoạn phản công oanh kích hiện giờ của ta như thế nào?  Mưa miền Nam vào mùa rồi, và lại thoang thoáng trước  tầm mắt mơ màng, những sợi tóc những sợi tơ của trời Hà nội thải hơi nước tầm cao thành những nghiêng nghiêng bay trên 36 phố phường dưới thấp.  Phố Mới ướt át, Chợ Hôm lướt thướt chảy dài tới.  Bạch Mai đầm đìa.   Năng miên Nam sau mưa dấy bừng lên rực rỡ chứa chan, lại loà lòa trong hồn lắng lắng mầu đỏ của phượng vĩ Quán Thánh mầu xanh của mùa hạ Hồ Tây, những tháng 6, tháng 7 miền Bắc bão lớn.

Bây giờ kiềm điểm lại với nhau về tương quan tình cảm của mình với Hà nội, đều vỡ nhẽ ra rằng trong cái hồ rung động nội tâm từng người, lượng nhớ thương ngậm ngùi cứ rút thấp mãi xuống.  Phản công oanh kích.  Những cái hay của vũ khí ta ngay ngày vượt tuyến.  Mặt nước Bến Hải động bởi ào ạt từng đoàn lớn lướt qua.  Rồi là cái ngần ngật hỏa táng của đồn trại, cầu cống đường xá địch tiếp nhận sự trả đũa của 11 năm đỡ đòn dồn cộng lại.  Thời sự bốc lửa bằng những phi vụ sấm động trên đầu lại nở hoa thành những phát biểu cảm tưởng mới về Hà nội.  Vết thương cũ lành rồi.  Mầu Hồng hà 11 năm sau, sao không chảy nữa  trên những đau đớn mất mát cũ của người Hà nội vượt tuyến.  Bây giờ là đo lường được tầm bay rồi lưng chừng Hải vân qua dằng dặc Trường sơn tới cuối đáy mênh mông.  Cà Mau sóng vỗ.  Bây giờ là đã nhìn thấy những rễ mẹ rễ con tươi khỏ vạm vỡ hội nhập được vào cái lớn bồng vững chãi, cái thỏa thuê tràn đầy là đời sống chúng ta trải đi, mênh mông dưới vùng trời bên này của chúng ta.   Bây giờ là khoan thai và chính xác đòn trả lại đòn.

Một người bạn mang trên tay áo binh phục hình ngọn lửa hồng của [Cục] Tâm lý chiến đã tả cho tôi về một tấm hình chụp từ mấy ngàn thước cao trên vùng trời Hà nội xuống một Hà nội thất kinh từng hồi còi báo động rùng rợn.  Người Hà nội trong những hồi còi gào rú trên lũ cây cối nín thở của Hà nội trên những mái nhà run rẩy của Hà nội, mất 11 năm sau mới phải biết thế nào là cái tâm trạng của đồng bào miền Nam thôn dã chúng ta trong những đêm phục kích, khủng bố, và tàn sát cuồng tín miền Bắc.  Ghi được trên tấm hình tuần thám ấy, một Hà nội vắng và chết.  Một Hà nội ngừng sống.  Một Hà nội thôi cười. Một Hà nội không thể đi đứng đường hoàng ngang ngược được nữa.  Mà đào những hầm sâu, cuống cuồng nhào đại xuống đó, dúm dó và co quắp lại.  Tôi nghĩ oanh kích còn hàm chứa và phát hiện được cái ngọn lửa hồng ấy nhìn thấy trên vai áo người bạn tâm lý chiến, thuật tả cho tôi về Hà nội phòng thủ và Hà nội kinh hoàng hiện ra dưới kia; trong khoảng khắc ngắn ngủi của một phi vụ tuần thám.  Như thế cho người miền ngoài như người miền trong cùng nhau nhận thức được như nhau, về thế nào là phi lý và thê thảm của chiến tranh tương tàn.  Để đòi chấm dứt nó.  Để trả lại bình yên cho tất cả những vùng trời tổ quốc chúng ta .  Để sống còn là một nhìn lên.  Để thấy tự do mình như mây trời bay.

Hà nội cũ ơi của người Hà nội mới!  Mười một năm sau, 5 cửa ô và 36 phố phường cũ  vẫn là hình thể của kỷ niệm còn đằm đằm trong trí nhớ.  Nhưng người Hà nội trong tôi, trong từng chúng ta, trong 1 triệu dấu chân làm thành ngọn triều bát ngát kín trùm cái toàn thể còn phải cắt đôi của hình hài tổ quốc; thôi đã đeo bám  suy tư, và thái độ mình vào cái dấu chấm than lướt thướt hèn đớn.   Gia Lâm.  Phi trường ướt sương.  Những thân cỏ sạt bồi hồi, và những đời cỏ thao thức không ngủ.  Bước chân 11 năm cũ đặt hẫng xuống vùng ẩm lướt, mượn cái xanh biếc tảng sáng của bãi bay cũ làm bàn đạp cất bổng thân thể có lựa chọn vào đổi đời và làm lại từ đầu.   Hồng Hà nức nở.   Cầu Sông Cái vắt qua vùng âm thanh thao thao chảy trong đêm tàn.  Hà nội không nhìn thấy nữa.  Đêm đứng trên cỏ sớm của phi trường bên này Hà nội, tôi đến đó để đi, đã chỉ làm một việc phải.  Hà nội không nhìn thấy nữa; thì hướng tầm mắt vui thú bỡ ngỡ vào những cái đáng nhìn thấy gấp trăm nghìn lần Hà nội bỏ lại đang nguy nga hiện hình trên những cửa ngõ mới của đời sống chúng ta .
    []


    1965
    MAI THẢO

 ----
   *Tập thơ truyện KQ thời chiến gồm 33 tác giả ; trong số đó có 4 tác giả không là Kq: NGUYỄN MẠNH CÔN,          MAI THẢO, PHAN NHẬT NAM và HOÀNG HƯƠNG TRANG - Bt


                                                mai thảo [i.e. nguyễn đăng quý  1930- 1998]


      vài dòng tiểu sử

 -  tên thật Nguyễn đăng Quý.  
 - giấy khai  sinh: 8-6- 1927 tại Quần phương, Phương  hạ, Hải hậu, Nam định (Bắc bộ)
 - năm sinh thực: 1930]
 -  trước 1954, hội nghị Genève-- viết cho tuần báo Nói thật .(Hà nội)
 - vào Nam truyện ngắn Đêm giã từ Hà nội  ăng trên tuần báo Đới mới (chủ nhiệm: Trần văn Ân) với sự đốc thúc của văn sĩ tiền chiến Nguyễn đức Quỳnh (siêu chủ bút tuần báo Đời mới)-  và sau đó Đêm giã từ Hà nội được in ấn.  ( tác giả bỏ vốn)  Sách bán chạy,  một phần nhờ bài điểm sách lăng-xê quảng cáo (critique réclamé) của Duy Sinh đăng trên Đời mới. 
 -  chủ nhiệm tạp chí Sáng tạo (1956) -- chủ nhiệm tuần báo Nghệ thuật (1964)
 -  cộng tác với nhiều báo, tạp chí ở Saigon -- hiện nay là chủ bút tạp chí Văn (chủ nhiệm: Nguyễn đình Vượng)
  -  Nhớ lại một vùng trời đã đăng trên báo Lý tưởng Kq ( chủ nhiệm:  trung tá Vũ đức Vinh- Huy Quang) 

      tác phẩm đã xuất bản

- trong số 40 tác phẩm đã xuất bả, từ sau Đêm giã từ Hà nội, có 7 tập truyện ngắn, 2 tập tùy bút; còn lại, là truyện dài. Theo tác giả, những cuốn tiểu thuyết được đọc nhiều nhất : Sống chỉ một lần -- Để nhớ mùi hương ... 

       văn trích tuyển

- nhớ lại một vùng trời   ... trang 531- 541. 

   tiểu sử các tác giả do nhó, điều hợp phỏng vấn, thực hiện:

- trung sĩ kiều văn bảng , sq : 56/ 600 .594.
- trung sĩ 1 đỗ mạnh tường, sq: 56/ 600. 595.

     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét