Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2013

một mình một ngựa - nguyên sa - 2


Lời dẫn: 

      Trong  tự- sự -kể THẾ PHONG, NHÀ VĂN, TÁC PHẨM, CUỘC ĐỜI  , tôi gọi đích danh Nguyên Sa- Trần Bích Lan là mật vụ của thời Đệ I Cộng hòa.  Thực ra không phải vây, tôi lầm,   lời cáo buộc kia  rất quá đáng ! Thực  ra , anh chỉ nhận tiền của Sở Nghiên Cứu Xã hội  ( danh xưng  nấp sau Mật vụ Trần Kim Tuyến thời  Ngô Đình Diệm ) cấp tiền cho anh làm chủ nhiệm tạp chí Hiện Đại.  ( nhà văn  Thanh Nam, biên tập và thi sĩ  Thái Thủy, trị sự).    Ra được  mười mấy số , không được cấp  tiền nữa, anh nói thẳng thừng :  " .. mật vụ không cấp tiền nữa, báo đành đóng cửa vậy " . 

       Khoảng 1967, anh viết  cho nhật báo Sống    [ Chu Tử ]  dưới bút danh Hư Trúc, nhật báo Độc Lập,  là  Lê Hải Vân , đánh  bọn sa đích văn nghệ: Trần Phong Giao,
 Nguyễn Nhật Duật, Sơ  Dạ Hương ( Nguyễn Quốc Trụ )... hoặc sau  hỗ trợ  nhà văn 
Thế Nguyên , chủ nhiệm tạp chí Trình bầy ( từ 1970 trở đi)  đánh phá bọn 
" văn nghệ viễn mơ" -  ám chỉ văn sĩ Mai Thảo  và  tạp chí Sáng tạo   -- mà ban đầu anh đã có những bài văn thơ đăng trên báo này khi mới ờ Paris về Saigon .
   
     Cùng đọc  lời phân trần  trong bài BẠT,  khi  Phan Kim Thịnh cho in thành sách vào 1971, Nguyên Sa viết : 

    " Trong hai lần, lần đầu năm 1967, trên nhật báo Sống, lần thứ nhì , năm 1967, trên nhật báo Độc Lâp, tôi đã viết hai loạt bài mà lý do, mục đích nội dung, tự những bài văn đó đã nói lân đầy đủ (...)  Những người được nhắc tới trong những bài  văn không còn gây cho tôi một tình cam vui buồn nào .  Họ cũng như những sự việc đã xảy ra và hoan toàn thuộc về dĩ vãng.   Những bài báo được in lại trong cuốn sách  này [ Một mình một ngựa, Nhân văn xuất bản  , Saigon 1971] như đã hứa, như thế chỉ còn ý nghĩa của một chứng tích "

THẾPHONG
Saigon , Jan., 13, 2013


                                      " vì sao phải nhìn một lần khuôn mặt dơ bẩn của bọn sa- đích văn nghệ . " ( Một mình một ngựa   2 
                                              nguyên sa 

     Thân gởi ...

      Khi bày tỏ  ý muốn đề cập tới  cái quái thai, cái đống rác to lớn  của văn học nghệ thuật ta, tôi đã nhận được những phản ứng khác nhau của bạn hữu.   Khuyên nhủ và can ngăn, khuyến khích và  tiếp tục và canh gác đề phòng.  Anh nầy bào tôi rằng không, cậu không nên dây dưa vào với bọn hủi đó.   Một mình anh chẳng có thể sửa đổi  được cuộc đời.   Văn nghệ ta cũng như xã hội của ta, cũng như chính trị của ta thường trực  bị phung phá  bởi loài độc trùng, bởi những thằng khốn , chúng ta chẳng có thể làm gì được.   Hãy đi thật xa, hãy lảng tránh thật thận trọng những dơ bẩn đó.   Va chạm vào chúng anh sẽ bị chất độc của chúng ngấm vào cơ thể, mùi xú uế nhiễm vào chân tay.   Không được, tôi khuyên anh hãy tránh xa. 

     Nhà văn kia nói như Kant, nói như Sartre.  Anh phải làm.  Hậu quả ra sao mặc kệ.  Nếu người nào cũng nghĩ như anh, nếu người nào  cũng lưỡng lự, cũng đứng bất động trong tháp ngà,  tên là ( ?)   không va chạm  thì cuộc đời này sẽ ra làm sao .  Văn nghệ sẽ ra làm sao ? :  " Chúng ta có trách nhiệm về tất cả mọi việc , về tất cả mọi người "  -  anh có nhớ nhà văn Pháp  vã nói câu này trong một cuộc hội thảo văn nghệ ở  Ba lê [ Paris ] không .  Trong thời tuổi trẻ chính anh đã đọc lên cho tôi nghe câu văn ấy, anh nhớ không?

     Nhà thơ bạn tôi khuyên nhủ thì muốn nói đến chúng nó thì nói.   Nhưng đừng nói đến tên những thằng hèn mạt đó.  Dù cho chúng muốn nói mỉa mai gì đi nữa, chúng đúng là những thằng hèn mạt.   Anh nói đến tên chúng nó là một vinh dự cho chúng.

     Người can ngăn tôi nhiều nhất là nhà thơ lão thành đã bị sa-đích văn nghệ đem ra đâm chém nhiều lần, bây giờ đang ở trong tình trạng sắp bị sa-đích văn nghệ đem ra làm số đặc biệt để tưởng niệm.[ tạp chí Văn / Trần Phong  Giao, thư ký tòa soạn ]   Một mặt nó chưởi bới, bôi nhọ những người làm văn nghệ tốt.   Một mặt chúng vẫn không dám chối cãi rằng, những người đó là những người có uy tín.   Chúng cớ là ngay số báo đầu tiên của chúng đã phải mượn tên anh em mình để làm quảng cáo.   Chúng không bao giờ tự hỏi rằng thế thì cái uy tín đó lấy ở đâu ra .   Cho nên, anh cứ kệ chúng.   Mình sống thì ghen tuông làm mờ mắt nên chúng chửi bới mình.  Mình nằm xuống thì chúng sẽ buôn bán  trên xác chết mình bằng những số đặc biệt ngay. 

     Anh cứ coi nhà  thơ Đinh Hùng thì biết.   Chính những tên sa-đích súc sinh [ ở cùng ]  thời Đinh Hùng  chê bai hết nước hết cái, nào lãng mạn, nào tiền chiến, nay lại sửa  soạn ra số đặc biệt về Đinh Hùng, nay lại ra điều nhân nghĩa, chẳng còn gì là liêm sỉ cả.

     Sau cùng, một bạn trẻ viết thư cho tôi lại nói rằng phải coi chừng.   Bọn chúng nó đông lắm.   Miệng lưỡi chúng rắn rết lắm.  Đụng đến chúng tức khắc chúng sẽ chụp cho anh một lô mũ.   Nếu chưa đi lính chúng sẽ đăng tin sỏ lá, đại loại như nhà văn này đang đi linh tàu bay, nhà văn kia đang trốn động viên tại một cơ sở tôn giáo nọ.   Nếu anh đi lính rồi sẽ biểu lộ sự thâm độc , mong muốn  anh bị đau  ốm chết chóc nơi mũi tên hòn đạn, hoặc loan tin anh bị loạn thần kinh.   Tốt hơn hết là anh đừng lôi thôi với lũ rắn rết đó .

     Những bạn  hữu đã quá yêu tôi.  Những người khuyến khích đã mang lại cho tôi  sự hăng say mà chính tôi không có đầy đủ.   Chân tình của bạn hữu đòi hỏi tôi phải thưa với anh em vài điều.   Tôi không hoàn toàn đồng ý với những anh em  quá lo ngại cũng như với các anh em quá hăng say.   Là một con người, với tất cả những yếu đuối đáng hãnh diện của kiếp người, tôi đã sống trong những tình cảm oán giận và lo sợ.

     Nhưng bây giờ những cảm xúc núi đổ, biển dâng đó đã trôi qua, chỉ còn lại , chỉ còn lại sự bình thản lặng lẽ ngồi ở đây đọc cho tôi viết những dòng này.

     Sự cáu giận nhất định không cần thiết và thường đưa tới những suy tưởng văn nghệ sai lầm.   Trong lúc cáu giận, tôi nghĩ rằng,  tôi sẽ viết thật rõ, gọi đích danh những tên sa-đích văn nghệ.  Có lúc tôi nghĩ như lời dặn dò của bạn hữu là không nói đến tên chúng, vì như thế quả thực là một vinh dự quá lớn cho chúng.   Nhưng tôi sẽ mô tả thật rõ rệt.   Đủ rõ rệt để cho mọi người nhận ra  được một cách dễ dàng khuôn mặt ghê tởm, mùi hôi thối của tên sa-đích.   Có thể chúng sẽ còn đến trà đình nọ như Cái Chùa [ La Pagode ] đê ngồi huênh hoang:  " ... có phải ta đâu ? có dám gọi đích  danh đâu ".  Nhưng đêm đến, vắt tay lên trán , chúng chẳng thể che dấu được hổ thẹn, vì chúng tự biết rằng, khi gọi đích danh, chúng sẽ tìm cách lẩn trốn vào trong bóng tồi.   Bây giờ, sự cáu giận đốt thành ngọn lửa ghê gớm đó đã trôi qua, đã tắt.   Bây giờ, tôi nghĩ rằng cáu giận như thế là sai to, là nhầm to.   Vấn đề sa-đích văn nghệ, mà ta cần đề cập  trong những lá thư này, phải là một vấn đề tổng quát.   Phải nói đến những tên sa-đích chung chung chớ không nên nhằm vào một tên cố định.  Như thế  mới có lợi cho văn nghệ.   Bởi vì những tên sa-đích tương lai, sẽ xuất hiện trong năm năm, mười năm nữa sẽ không thể nhìn thấy bản thân trong những nét tổng quát đó.   Chúng sẽ  bị lộ diện khi mưu toan ám hại các nhà văn.   Như thế  mới có lợi cho văn nghệ .  Mới giúp được cho những người trẻ tuổi tương lai thẳng đường tiến tới sự sáng tạo  mà không bị vướng víu bởi những rác rưởi ven đường.

    Nghĩ như thế không phải là sợ hãi !   Nơi tôi, giờ cũng chẳng còn sự hãi trước những hành vi phao vu láo khoét, bôi nhọ bần tiện, chụp mũ hạ cấp của bọn sa-đích văn nghệ.   Bởi một lý do giản dị: Tôi đã chứng kiến quá nhiều lần những sinh hoạt hèn hạ của bọn chúng .

     Tôi còn nhớ vào khoảng những năm 59 và 60 gì đó, một bọn sa-đích đã mang tôi ra làm thịt trên một tờ báo.   Trong khoảng thời gian đó, tôi có cho đăng một bài thơ trên 
Thế Kỷ Hai Mươi.   Bài " Năm ngon tay ", đại ý nói rằng   bàn tay em chỉ có năm ngón.  Ngón em dùng để đếm tiền, ngón kia em dùng để lái xe, ngón em dùng để cởi coóc-xê, ngón tay em  cài khuy áo.   Cho nên em chẳng còn ngón nào để giữ lấy tay anh.   

      Là một người văn nghệ, tội thường ít quan tâm đên vấn đế luân lý.   Điều cốt yếu, với tôi, là cố gắng đem lại tác phẩm tốt, đem lại cái đẹp, chớ không phải đem lại những bài truyền giảng đạo đức.   Tuy nhiên, bài thơ nói trên của tôi, xét cho kỹ, có một nội dung đạo đức rõ rệt, bởi lẽ, đã coi tình cảm là quan trọng hơn những thèm khát vật chất như tiền tài, đồ trang sức, xe cộ.   Thế mà, bọn sa đích thời đó, trong nhiều bài báo liên tiếp lên án về cái sự vô luân  lý, về cái sự sa đọa của bài thơ.   Thậm chí, chúng còn lên tiếng yêu cầu bộ Giáo dục; không cho tôi dạy học, vì đã  vô luân lý đến mức độ dùng hai chữ coóc-xê trong thơ.

    Bây giờ, nếu tôi  không nhắc lại chuyện này, chắc chăng ai còn nhớ đến cái bọn sa-đích thời đó nữa.   Chẳng còn ai biết tên, biết tuổi chúng là ai ?  Tôi cũng không còn nhớ cái tên cái thằng sa-đích chụp cho tôi cái mũ vô luân lý, cái mũ sa đọa đó nữa. 

    Sa-đích, chúng nó đến rồi chúng nó đi, hết lớp này đến lớp khác, trong sự u tối, vô danh và nhục nhã của chúng, có gì mà phải sợ.   Nhưng cái thuở viết bài thơ đầu tiên, cái lúc đăng truyện ngắn thứ nhất, người trẻ tuổi đang hăng say làm văn nghệ có thể chán 
nản , có thể bị đu đẩy vào cái trạng thái buồn nôn, nếu đụng chạm với bọn đầu trâu mặt ngựa văn nghệ đó.   Cho nên, những lá  thư này, bài văn này không phải là kết quả của cáu giận hay sợ hãi.

     Tôi viết để gửi đến những  người viết  với ước vọng chân thành này.   Các anh cứ sáng tạo cho thật hách, cứ viết văn làm thơ một cách nghiễm nhiên, đầu ngẩng cao, không đi vào con đường hèn hạ của  bọn sa-đích văn nghệ.   Và trên đường đi, nếu anh đụng chạm với bọn chúng, anh có thể căn cứ vào những mô tả của những lá thư đó, để nhận ra một cách dễ dàng khuôn mặt bẩn thỉu của bọn chúng.   Lúc đó, các anh không cần phải nói năng gì đến bọn chúng, không phải quan tâm gì đến bọn chúng.   Các anh cứ việc nghiễm nhiên  sáng tạo, mặc cho chúng uất hận trong sự ghen tuông điên dại.   Nếu cần, các anh có thể ném cho chúng một nụ cười khinh bỉ,  bao hàm ý nghĩa không cần nói nhiều với bọn sa-đích văn nghệ.   Năm 1967, bạn ta, Hư Trúc * đã nói đủ rồi .  Có đủ mặt các người trong đó.  

    Hẹn thư sau

   nguyên sa 

( Một mình một ngựa / Nguyên Sa /  Nhân văn xuất bản, Saigon 1971  - tr. 9- 14 ) 


-------
*  Loạt bài này đăng trên nhật báo Sống, dưới bút hiệu Hư Trúc.   Tôi có thói quen thỉnh thoảng viết cho một nhật báo môt loạt bài, mỗi lần chọn một bút hiệu khác.   Nhưng mỗi lần đều để những dấu vết đầy đủ, cho thấy người viết là Nguyên Sa.   Trong trường hợp loạt bài này, sự viện dẫn " Năm  ngón tay "
 là một chứng cớ cụ thể.  ( Chú thích: Nguyên Sa ).  
**   [ ...]  và chữ in nghiêng của Biên tập.  
    
       

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét