Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2013

triêt học của nietzsche - bài : nguyễn an ninh -



 Lời dẫn :

       "... Sau khi ôm bằng Cử nhân Luật ở Pháp về, thay vì vào làm quan to với Pháp, như thường tình du học sinh Việtnam thời đó, rồi cưới vợ giàu, một đời hưởng lộc, ăn trên ngôi trước, vinh thân phì gia.   Trái lại nhà ái quốc NGUYỄN AN NINH  chỉ mang một ý chí tranh đấu quyền lợi, cởi ách nô lệ cho dân tộc, tìm đủ cách gần gũi người dân, gieo tinh thần ái quốc chống xâm lăng ngoại bang, bằng cách : nào diễn thuyết, viết báo, viết sách, phổ biến tư tưởng vào quảng đại quần chúng hạ tầng.   Nhờ sự kiện này, mà dân chúng được  giác ngộ rất nhiều, nhứt là vùng Hóc Môn, Bà Điểm, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Mỹ Tho, Bến Lức
 v. v. ...

      Nhiều cuộc biểu tình bạo động thường xảy ra trong thời ký đó, nhiều cuộc mít-tinh được tổ chức chu đáo, đói hỏi quyền dân với nhà cầm quyền Pháp, tại rạp Casino Dakao
( 31- 1- 1926), tại Vườn Xoài Bà Lớn  ở Xóm Lách ( 21 - 3- 1926 hiện giờ là đường
Đoàn Công Bửu .

     Để rồi, nhiều lần vào tù ra khám, cho tới ngày chôn xác dưới vùng đất lạnh, ngoài vạn dặm trùng dương Côn Đảo.

      Văn chương của nhà ái quốc Nguyễn An Ninh, bằng tiếng Pháp, hoặc tiếng Việt đăng trên bao La Cloche Fêlée ( Chuông  Rè ) , Donnai, Trung Lập v. v. ... hoặc trong sách, có một lối hành văn gọn gàng, viết văn xuôi như làm  thơ, nhịp nhàng như tấu một bản nhạc, có tiếng ngân như chuông ...

     Các bạn của Nguyễn An Ninh bấy giờ cho Ninh có lối hành văn giống triết nhơn NIETZSCHE, thần tượng của SIÊU NHƠN .   Bởi đó, Nguyễn An Ninh thich dịch những bài
 luận về triết của Nít-Sơ, như bài báo  dưới đây đăng trên tuần báo Donnai vào năm 1933 - số 31 - do Phan Văn Hùm chủ trương biên tập . *

      PHƯƠNG LAN - BÙI THẾ MỸ . 

-----
*  NGUYỄN AN NINH 1899- 1943: NHÀ CÁCH MẠNG / PHƯƠNG LAN -BÙI THẾ MỸ -
    ( Saigon, 1970 - tr. 34 ) 



                                        triết học của nietzsche
                                                      nguyễn an ninh


  " Từ mười mấy năm nay , trong thanh niên ta có vài người  nói đến F. Nietzsche ấy là một điểm tốt.   Vì các bạn thanh niên ấy đang tìm đường để thoát  những sự trói buộc của một xã hội không còn hợp với sự tiến bộ ngày nay nữa.   Nay vì phong trào Hitler *  ở Đức , ở bên Âu châu, có kẻ nói: " Hitler thực hành những tư tưởng của Nietzsche tuyên bố đã hơn 40 năm nay".  Léon Daudet trong bài " từ Nietzsche đến Hitler " , mà bọn thanh niên ta phải để ý tới tư tưởng của Nietzsche, ấy là một điểm tốt hơn nữa .  Vi nhờ có cái dịp Hitler nầy, thanh niên ta có thể hiểu rõ một cách tường tận toàn cả lý thuyết của Nietzsche, chớ không phải  chỉ chú trọng vào một giải phóng cá nhân như xưa kia, mà sùng bái một cách sai lầm.   Ở Âu Châu bất lựa Anh, ở Đức, ở Pháp, ở Ý, v. v. ... trong đám thanh niên bourgeois phần đông đều al yệu qui Nietzsche , như thánh, đều là thuận với tánh chất với hoàn cảnh, với quyền lợi của họ.   Thanh niên ta cũng nhờ lý thuyết của Nietzsche như thanh niên bourgeois ở Âu , thì thật là mâu thuẫn.   Tôi xin giải thích một cách tóm tắt.
------
* nguyên bản viết Hilher. 

      F. Nietzsche  là một nhà triết học Đức sanh năm 1814, chết năm 1900, khi chết ông ta điên.   Người ta nói F. Nietzsche mắc bệnh tiêm la ; Mà điều này là chắc ông ta đau dạ dày, đến nỗi nhiều ông thầy thuốc tưởng lầm là ung thư.   Tôi không phải nói những  những bịnh của Nietzsche ra là , theo thói thường của người mình, cốt nói xấu cho ông ta.   Nietzsche có nói :

     " Trong đám văn sĩ chỉ có Dostoievsky là người mà tôi nhớ nhiều lắm.   Mà Dostoievsky lại nói : " Tôi nhớ  cái bịnh của tôi nhiều lắm. " ( Dostoievsky mắc bịnh kinh phong ) Nietzsche đau mũi mà lại dùng những thứ thuốc làm say ( narcotique )  thần kinh  hệ của ông ta cảm gíac một cách lạ thường.   Suy xét sâu xa, văn chương như giục, như lôi người ta, chắc là nhờ đó.

      F. Nietzsche có đi đánh giặc Pháp Đức năm 1870.   Lúc ấy hết sức binh vực nước Đức.   Nietzsche quả quyết rằng dân Đức có trách nhiệm làm chủ, làm thầy của nhân loại.

     Dân Đức trước kia phải bị dưới quyền của Napoléon vẫn còn nhớ mãi cái tủi nhục ấy.

     Qua 1870 Đức thắng trận trả được thù xưa, lại được đền bồi hai tỉnh Alsace Lorraine là hai tỉnh giàu sắt, rất trọng hệ cho sự phát đạt của xưởng kỹ nghệ Đức.   Làm sao trong óc của Nietzsche không sinh  ra sự kiêu ngạo như trong óc của cả một người trong dân Đức khi ấy !  Song nhờ trận  giặc nầy mà Nietzsche mới khởi đầu suy nghĩ ra thuyết " Le bon européen ". 

     Khi Nietzsche mới xuất bản quyên sách " Bên kia của sự thiện ác " .   Thì có một tờ báo Đức  mừng là một điểm mới, nói rằng lý thuyết của Nietzsche là lý thuyết của đám đại điền chủ của Đức  ( Philosophie des h  beranx ( sic )   là một giai cấp  của một thời đại phong kiến ( Féodalioté)  còn để lại,  như gia quyến của hoàng đế Guillaume, như tổng thống Hindenburg , Von Papen,, v. v. ... Tuy là Nietzsche không chịu nhìn nhận lời phê bình của báo ấy cho kỹ, song xét cho kỹ , thì cũng không phải là sai mấy.    Mà cái tên thánh Frédéric kia có lẽ Nietzsche cũng vẫn nhớ rằng cha của ông đặt để kỷ niệm một nhà vua trong họ Honlen Sollern.   

      Lấy tư tưởng  của một anh Bourgeois libéral, bôm vào cho đầy  cái hơi kiêu ngạo cực điểm, rối lấy văn chương của quyển Zarathoustra, cái giọng tiên tri của thánh Jean Baptiste mà vào cho nó thì là cái thuyết " Siêu Nhơn ".  ( Le Surhomme )  của Nietzsche chứ gì !   Một nhà văn Đan Mạch ( Danois ) kêu lý thuyết của Nietzsche là Radialisme aristocratique.   Sau 1879 giai cấp tư bản ở Pháp  phá được những điều trói buộc của thời đại phong kiến, bước lên con đường tiến hóa như dài như rộng vô cùng.   Kỹ nghệ càng phát triển , con người càng rộng tính toán  tự do,  thì lại thấy xã hội càng thêm mở mang.   Vì vậy cho nên, về mặt kinh tế tự do chủ  nghĩa ( libéralisme )  được hoan nghênh ( laisser faire passer )  tự do sinh sản, rồi tự do  nhập cảng, xuất cảng.   Mà về phương diện tâm lý của giai cấp thâu lực lượng được sanh sản của xã hội vào tay thì cái quyền tự do cá nhân cũng là vô hạn chế.

    Mã thị có nói :" những tư tưởng phổ thông trong một xã hội là những tư tưởng của hạng người nắm quyền xã hội ấy vào tay ."   Vì vậy cho nên  cái thuyết cực điểm cá nhơn của Nietzsche không phải là khó tìm ra nguyên nhân của nó.

     " Cái mà kêu là dân tộc là một cách đi vòng của tạo hóa để sanh ra một vài vĩ nhơn"
 là câu của Nietzsche .  

     Mã thị có nói  : " Xưa kia sự bóc lột kẻ nghèo còn mặc cái áo tôn giáo và chính trị.   Nay sự bóc lột hoá ra trực tiếp tàn bạo rõ ràng hết còn e lệ nữa.  Nó không muốn cho sự giao tế giữa con người còn một sự ràng buộc gì khác hơn là sự tư lợi rõ rệt,  trong ấy không có chỗ nào cho sự cảm tình."   Nietzsche hết sức đánh đổ luân lý, dạy Siêu nhơn phải là người vô luân lý 
( amoral ) lắm khi phải là nghjch với  luân lý " Immoral ". 

    Mã thị có nói: " Trong xã hội ngày nay có điều xu hướng nầy : càng ngày càng lộ ra chỉ rõ còn có  hai giai cấp trọng hệ thôi.   Nietzsche dạy rằng có hai luân lý : luân lý của đám làm chủ, luân lý của đám làm  nô "   [  lệ  *  ] 
----
* [ ...* ]  chữ của biên tập. 

     Mã thịNietzsche đồng hoan nghinh lý thuyết của Lamark của Darwin    Tranh đấu đặng sống. .  Tranh đấu vơi loại sống, tranh đấu với hoàn cảnh.   Nietzsche dạy" Siêu nhơn" phải ở xa " bầy người phải cứng lòng, phải không biết thảm thương, phải đủ các phương để giục mình cho mạnh ".  Một người học trò trứ danh của Mã thị cũng có câu này : " Trong một cuộc hỗn chiến dữ dội như thế nầy, không thể giữ cho ta lòng nhơn.   Phải đập đầu và đập không nhơn tay.   Cho đến những kẻ mà ta muốn cứu kia, mà chúng nó còn trở lại cần
 tay ta !"

     Tôi có thể còn lấy nhiều tư tưởng của Mã thịNietzsche để đối nhau.   Vì cả hai đều là đồng thời, cả hai như hai cái kiếng đồng rọi một xã hội, nhưng  vì hai người đứng về hai phương diện chọi nhau.

     Nietzsche đánh đổ hình ảnh thượng học ( métaphysique ) , đánh đổ tôn giáo , mà trong ngày cùng, lại xướng lên cái thuyết tuần hoàn  ( sự trở đi trở lại vô cùng / éternelle retour ) .
Nietzsche không chịu rằng mình trở lại với cây đa cũ bến đò xưa .   Song nếu xét cho kỹ thì cái thuyết " ồ ồ bắt rắn cắn đuôi " chỉ là  một cái lực lượng chạy vòng  tuy cũng động, song kỳ thật là vô tiến hóa, là chết.   Thì có khác gì sự tin rằng Trời, có một ông Trời tuyệt hảo, nghĩa là không còn tiến hóa được nữa. " Tout  est pur le mieux  dans le meilleur des mondes possibles ".   Rồi kết luận  là phải giữ chặt cái tình cảnh hiện tại để làm trường kinh nghiệm cho sanh ra những " Siêu nhơn ".

    " Trời đất bất nhơn lấy muôn vật làm cỏ chó.   Thánh nhơn lấy trăm họ làm cỏ chó " 
     ( LÃO TỬ )

     Cái thuyết " trở đi trở lại vô cùng  * "  của Nietzsche   là một cái vòng tròn , một miếng đất bằng  cho ( siêu nhơn ) nhảy múa.   Còn Biện Chứng Pháp  của Mã thị như một đường vòng vặn khu ốc, tiến hoá vô cùng . [] 
----
*  những chữ in nghiêng hoặc đứng do Biên tập sắp xếp

         nguyễn an ninh 

( NGUYỄN AN NINH 1899- 1943 : NHÀ CÁCH MẠNG / PHƯƠNG LAN- BÙI THẾ MỸ -
Saigon 1970- tr.  35 -  39).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét